Menu ngang

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

VỪA  ĐI VỪA  SUY  NGHĨ

                                             Đại tá Nguyễn Trung Thành


Trong các vị tướng mà tôi đã có dịp làm việc, Thiếu tướng Trần Kinh Chi Tư lệnh đầu tiên của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Là cán bộ kỹ thuật, tôi nhìn ông qua lăng kính kỹ thuật. Ở ông một con người giàu ý tưởng, biết cách trình bày lập luận một cách logic sinh động để thuyết phục người nghe và có tài nắm bắt, tổng hợp ý kiến cấp dưới.
Tôi thường thắc mắc, không hiểu ông học tập nghiên cứu từ bao giờ, bằng cách gì, để có được một khối kiến thức và một lượng thông tin phong phú trong nhiều vấn đề  như vậy.
Khi họp với các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học được mời đến tham gia các vấn đề kỹ thuật nhằm hoàn thiện công trình Lăng Bác Hồ, ông đã trình bày một cách khúc triết các lĩnh vực như: môi trường, vi khí hậu, thông gió điều hòa, điện tự động, thông tin liên lạc và cơ khí chế tạo. Cứ như ông là một chuyên gia kỹ thuật thực thụ. Các nhà khoa học không những hiểu mà còn tâm đắc với cách đặt vấn đề. Sau khi họ tranh luận sôi nổi, ông đứng lên kết luận những điều chọn lọc nhất.
Khi làm việc với các nhà quy hoạch, kiến trúc xây dựng, ông nói lưu loát các từ chuyên môn, sử dụng nhuần nhuyễn thu hút được sự quan tâm các thành viên. Nếu không rõ danh tính của ông, người ta yên chí là đang nghe kiến trúc sư trưởng của Lăng trình bày.
Ngạc nhiên hơn, khi thấy ông chủ trì cuộc họp với các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước bàn về công tác y tế giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Ông tự tin tổng hợp kết luận từng vấn đề về ngành y nghe rắc rối và khó hiểu đang được bàn thảo với sự diễn đạt rõ ràng, tạo được sự nhất trí cao.
Có cảm giác như ông rơi vào đúng quỹ đạo của mình khi làm việc với các nhà công tác tư tưởng, các nhà báo, các nhà đạo diễn và quay phim tài liệu bàn về công tác tuyên truyền về đề tài Bác Hồ. Chính những lúc ấy, sở trường, phẩm chất, năng lực của người cán bộ chính trị lâu năm càng được phát huy cao độ. Ông đặt nhiều câu hỏi, rồi tự trả lời, tự tin phê phán những đoạn phim này, bình luận một bài viết khác, tả xung hữu đột như một võ sĩ trên võ đài. 
       Nhờ những hiểu biết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, nên ông có nhiều ý tưởng nhằm hoàn thiện công trình Lăng Bác là nơi giữ gìn lâu dài thi hài Bác, nơi tổ chức đón tiếp đồng bào cả nước và khách quốc tế đến viếng Người trong bầu không khí tôn nghiêm, gần gũi; đồng thời còn là công trình lịch sử văn hóa, nơi tham quan văn hóa sinh thái.
Trong bài viết này, tôi cố gắng vắn tắt nêu lên một số ý tưởng của ông đã thành hiện thực, được mọi người công nhận như:
- Khu vườn cây phía sau Lăng, nơi hội tụ các loại cây quý hiếm khắp cả nước, bốn mùa đang xanh tươi tỏa bóng rợp mát, hoa thơm trái ngọt trĩu cành. Những chậu hoa cây cảnh được tạo hình công phu ngày đêm ngát hương đua sắc. Sáng sớm đàn bồ câu bay rợp trời lượn vòng quanh Lăng. Một vùng thiên nhiên Việt Nam quen thuộc nơi Bác Hồ yên nghỉ, một khu sinh thái làm say lòng người tham quan.
- Nhà khách quốc tế được cải tạo từ một ngôi nhà cổ còn giữ được các đường nét kiến trúc dân tộc quen thuộc, nhưng lại có nội thất khá hiện đại. Có cả một khu vườn nhỏ, bóng tre ngà rủ xuống mặt hồ “củ lạc” xinh xắn có đàn cá vàng đang lượn lờ để khách quốc tế thư giãn trong lúc chờ đợi vào viếng Bác. Và còn nhiều công trình khác... Tôi tin rằng, các Tư lệnh sau này đã ghi chép đầy đủ vào sách sử đơn vị những đóng góp to lớn của vị Tư lệnh đầu tiên.
Điều tôi thắc mắc đã được giải đáp. Một lần trực đêm trong Lăng, được cùng Tư lệnh đi dạo ở khu vườn phía sau Lăng. Ông vẫn có thói quen hàng tối đi dạo quanh Lăng để được thả mình trong bầu không khí trong lành, yên tĩnh, có điều kiện suy nghĩ về những ý tưởng đang nung nấu - Ông đã trả lời tôi vắn tắt như sau:
- Trước hết, hãy yêu quý công việc mình được giao. Ở đây, theo ông còn có tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ và ý thức trách nhiệm của người cận vệ trung thành được Đảng và nhân dân giao phó.
Tiếp đến, phải tự trang bị cho mình một kiến thức tổng hợp sâu về nhiều mặt bằng cách học tập. Học trong sách vở, trong bạn bè đồng chí và cả cấp dưới. Ông cho biết, ông đã thu hoạch được nhiều từ các cuộc hội thảo. Ở đó có nhiều thông tin bổ ích, nhiều người có trình độ biết cách diễn đạt những vấn đề phức tạp một cách dễ hiểu, đặc biệt có nhiều ý phản biện rất giàu trí thức, rất lôgic, khó phản bác lại.
Sau cùng là, phải luôn luôn động não suy nghĩ mọi lúc, mọi nơi. Ông thường vừa đi dạo vừa suy nghĩ. Những ý tưởng bật ra từ đấy. Luôn luôn đặt ra câu hỏi cho mình là, có cách nào làm tốt hơn thế không ?
Thực ra, điều ông nói không mới. Xưa nay, sách báo đã viết nhiều. Tôi chỉ tâm đắc phong cách “vừa đi vừa suy nghĩ” từ con người ông. Ông là một người trưởng thành từ cán bộ chính trị chuyên trách, không có học hàm, học vị, nhưng lại có được một khối lượng kiến thức lớn, hiểu biết uyên thâm, giàu sáng tạo trên nhiều lĩnh vực. Chính điều đó làm tôi cảm phục và quyết học theo phong cách của ông. Tôi biết mình không có thời gian và điều kiện như ông. Bù lại, tôi còn trẻ hơn, đã được học sâu một chuyên ngành. Và cái chính là tôi cũng có một cương vị nho nhỏ và những vấn đề để suy nghĩ./.


                                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét