Menu ngang

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

                  MỘT   CHẶNG   ĐƯỜNG   CÔNG   TÁC


Ngày 26 tháng 2 năm 1997, Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống ngành chính sách quân đội (26/2/1947 – 26/2/1997) và đón nhận Huân chương Quân công tại Hội trường Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi lễ hôm đó rất hoành tráng cả về nội dung và nghi thức. Tới dự có Thủ trướng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, các tổng cục, đông đủ đại biểu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, và lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan ở Trung ương. Đặc biệt là, có tới 5 Đại tướng thuộc hàng nguyên lão: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Nguyễn Quyết, Đại tướng Đoàn Khuê. Có thể nói, đây là trường hợp hy hữu của một buổi lễ kỷ niệm cấp cục. Đại tướng Lê Đức Anh, Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi thư chúc mừng.
Thời gian trôi nhanh, mới đó đã 15 năm. Tháng Hai này, Cục Chính sách - TCCT sẽ tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống ngành chính sách quân đội. Nhân dịp này, tôi hồi tưởng về một chặng đường công tác.
Tôi rời Cục Chính sách - TCCT đã 12 năm. Quãng thời gian dài đến vậy mà trong tôi cứ như mới diễn ra ngày nào. Trong cuộc đời quân ngũ của mình, tôi từng đảm nhiệm các cương vị khác nhau ở 3 đơn vị: Cục Chính sách - TCCT, Trường Sĩ quan Lục quân 1 ( nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn ) và Tổng cục Kỹ thuật.
Đồng đội, bạn bè, chiến hữu trong quân đội vẫn nhắc về nhau bằng tên ghép theo chức vụ đảm nhiệm nơi đơn vị công tác. Đó là cách gọi đầy đủ. Còn thường thì gọi tắt tên và đơn vị. Như vậy là, tôi có 3 tên: Đẩu Chính sách, Đẩu Lục quân và Đẩu Tổng cục Kỹ thuật. Trên thực tế, tần suất người ta vẫn gọi Đẩu Chính sách nhiều hơn. Điều đó có thể do tôi công tác ở Cục Chính sách lâu hơn. Tôi coi đó là một vinh dự.
Thời gian công tác ở Cục Chính sách, có thể nói, với tôi, là một trong những thời kỳ sôi động nhất trong cuộc đời quân ngũ. Tôi may mắn được đào luyện và trưởng thành trong sự phát triển chung của Cục. Tôi về lại Cục từ tháng 3 năm 1992. Lúc đầu giữ chức Cục phó mấy tháng, rồi được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị giao đảm nhiệm Quyền Cục trưởng. Và sau đó một thời gian ngắn được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm Cục trưởng. Thế là, gần 8 năm tôi đảm nhiệm cương vị Cục trưởng Cục Chính sách - TCCT.
Ngày giao nhiệm vụ Cục trưởng cho tôi - mà thực chất là giao nhiệm vụ cho tập thể Cục Chính sách - anh Lê Khả Phiêu, lúc đó là Thượng tướng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm TCCT nói, đại ý rằng: Thực hiện Nghị quyêt Đại hội Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, trong thời gian tới, Nhà nước tiến hành cải cách sửa đổi toàn bộ hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các chính sách xã hội. Những chính sách đó đều có tác động trực tiếp đến Quân đội và hậu phương Quân đội. Chủ trương của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị là, theo tiến trình chung, Bộ Quốc phòng xúc tiến việc nghiên cứu đề đạt các chính sách đối với Quân đội trước yêu cầu xây dựng cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể là: Chính sách tiền lương, phụ cấp. Chế độ đối với bộ đội làm nhiệm vụ ở những địa bàn khó khăn gian khổ, biên giới, hải đảo xa. Chế độ đối với Sĩ quan, Quân nhân chuyên nghiệp, Công nhân viên chức quốc phòng trong các thành phần chuyên môn kỹ thuật trọng yếu của lực lượng Không quân, Hải quân,…Chính sách Bảo hiểm xã hội đối với Quân nhân, Công nhân viên chức quốc phòng. Chính sách đối với hậu phương Quân đội trong nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thêm vào đó, yêu cầu tập trung giải quyết nhanh gọn, chu đáo những tồn đọng về chính sách sau mấy chục năm với khối lượng rất lớn, tính chất càng về sau càng khó khăn, phức tạp, bức xúc: Xác minh kết luận hàng chục vạn trường hợp quân nhân mất tin, mất tích. Hàng vạn quân nhân bị thương chưa được hưởng quyền lợi thương binh. Hàng chục vạn ngôi mộ liệt sĩ rải rác trên các chiến trường chưa cất bốc, qui tập về các nghĩa trang. Hàng chục vạn trường hợp có thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu chưa được khen thưởng. Rồi nội dung và phương thức thực hiện chính sách đối với hậu phương Quân đội trong điều kiện mới, v..v..
Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi Cục Chính sách phải là cơ quan tham mưu đắc lực cho Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng trong nghiên cứu và phối hợp nghiên cứu đề nghị Nhà nước ban hành chính sách. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện những chính sách đã ban hành. Cục Chính sách là cơ quan trung tâm giúp Bộ Quốc phòng trong việc phối hợp nghiên cứu chính sách với Bộ Lao động - Thương binh Xã hội và các bộ, ngành khác ở Trung ương. Tổng cục Chính trị yêu cầu Cục Chính sách và ngành chính sách Quân đội phải tập trung sự nỗ lực, đoàn kết phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tham gia buổi giao nhiệm vụ cho tôi còn có Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính trị; Đại tá Phạm Lam, Cục phó, Bí thư Đảng ủy Cục Chính sách và một số cán bộ có liên quan.
Tôi nhận nhiệm vụ mà trong lòng vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được cấp trên tin tưởng giao phó. Lo lắng vì công việc quá lớn, quá nặng nề.
 Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; sự ủng hộ nhiệt thành, hiệu quả của các cơ quan trong và ngoài quân đội, các đơn vị, địa phương; sự đồng thuận nhất trí của toàn thể cán bộ, nhân viên trong Cục, trong suốt thời kỳ những năm 90 của thế kỷ trước, Cục Chính sách đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Trên thực tế, chính sách tiền lương, phụ cấp đối với quân đội ; chính sách ưu đãi người có công và chính sách bảo hiểm xã hội đã có nhiều đổi mới tích cực. Điều đó đã có tác động tích cực, góp phần tạo động lực đối với quân đội. Kết quả giải quyết khẩn trương, chu đáo các tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh với một khối lượng rất lớn, có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn. Đặc biệt là, đã nghiên cứu đề nghị Nhà nước ban hành danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và triển khai tổ chức thực hiện kịp thời. Đó là một chính sách có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, được các cấp, các ngành, các địa phương và toàn dân hoan nghênh, hưởng ứng, đem lại hiệu quả cao.

Trong điều kiện giao lưu mở cửa, để có thêm hiểu biết về công tác chính sách, cuối năm 1993 đầu năm 1994, Bộ Quốc phòng đã cử Đoàn cán bộ sang nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm về chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và một số chính sách khác ở quân đội một số nước: Inđôneia, Thái Lan, Ấn Độ,…do Trung tướng Lê Khoa Cục trưởng Cục Tài chính Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn. Thành viên gồm: anh Thiếu tướng Trần Đức Long Cục phó Cục Cán bộ - TCCT,  tôi và hai cán bộ Cục Tài chính: Nguyễn Anh Hoàng, Võ Văn Phương. Những kinh nghiệm nghiên cứu, học hỏi được ở quân đội của một số nước đã góp phần tham khảo trong việc nghiên cứu xây dựng chính sách, chế độ đối với quân đội ta thời kỳ đó.
Sau khi bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Hội Cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam (VVA) đã tổ chức nhiều đoàn sang thăm nước ta. Nhằm khai thác thêm các kênh thông tin, góp phần giải quyết những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đã giao cho Cục Chính sách nhiều lần tiếp xúc trao đổi với các đoàn Đại biểu Cựu chiến binh Mỹ. Các tài liệu, hiện vật có liên quan đến bộ đội ta hy sinh mà các cựu chiến binh Mỹ trao lại, Cục đã triển khai nghiên cứu khai thác và đạt được một số kết quả nhất định trong công tác tìm kiếm cất bốc qui tập mộ liệt sĩ.
Tiếp đến, nhận lời mời của Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ R.Jones (trong quân đội Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng là Thứ trưởng), Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đã cử một Đoàn công tác, do tôi làm Trưởng đoàn, sang nghiên cứu hồ sơ tại Bộ Quốc phòng Mỹ từ ngày 20 đến ngày 29 tháng 8 năm 1999. Đoàn đã làm việc với Văn phòng tìm kiếm người mất tích của Mỹ (DPMO), Trung tâm lưu trữ Quốc gia (NARA), Bộ Cựu chiến binh Mỹ, Viện Lịch sử Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC), Viện Lưu trữ hồ sơ Hải quân Mỹ và Trung tâm nhận dạng gien ADN của Bộ Quốc phòng Mỹ. Trên cơ sở nghiên cứu và tiếp nhận các loại hồ sơ phía Bộ Quốc phòng Mỹ trao lại, Cục Chính sách đã từng bước khai thác có hiệu quả.

Chính sách xuất phát từ yêu cầu khách quan. Nhưng nội dung chính sách là sản phẩm chủ quan của con người. Bao giờ cũng vậy, thực tiễn là tiêu chuẩn của chính sách. Chính sách đúng được cuộc sống chấp nhận và phát huy tác dụng với tư cách là một động lực. Chính sách sai sẽ bị cuộc sống đào thải, vì nó trở thành lực cản. Từ ý tưởng đến việc hình thành một chính sách, bao giờ cũng xuất phát từ những con người cụ thể trong một tập thể. Thời kỳ đó đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Cục Chính sách vừa có trình độ chính trị - quân sự theo qui định trong quân đội, vừa có sự hiểu biết tương đối rộng về khoa học xã hội nhân văn, am hiểu các chính sách kinh tế - xã hội có liên quan; tích lũy được kinh nghiệm, có phương pháp khoa học thực tiễn; có khả năng biên soạn các văn kiện về nội dung chính sách.
Sau khi có nội dung chính sách do cấp có thẩm quyền ban hành, thì việc tổ chức thực hiện đúng đủ, kịp thời, chu đáo giữ vai trò rất quan trọng có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chính sách. Nếu không, chính sách chỉ nằm lại trên giấy. Để chuyển tải chính sách đến đối tượng chính sách phải có một cái cầu - đó là cơ quan chính sách. Đội ngũ cán bộ chính sách với trách nhiệm và tình cảm đã đưa các nội dung chính sách vào thực tiễn. Biến các chế độ qui định trên văn bản thành quyền lợi cụ thể, thiết thực của đối tượng chính sách.
Có thể nói rằng, những kết quả đạt được trong khoảng thời gian đó là lớn. Công lao sự nghiệp đó là của tập thể cán bộ, nhân viên Cục Chính sách và ngành chính sách quân đội. Tôi may mắn là người được cấp trên giao cương vị phụ trách.

          Hơn mười năm qua, mặc dù đã chuyển sang đơn vị khác, rồi nghỉ hưu, nhưng với tình cảm gắn bó sâu nặng của mình, tôi vẫn luôn dõi theo từng bước đi, từng kết quả của Cục.
          Phòng Khen thưởng đã chuyển sang Cục Tuyên huấn thành Phòng Thi đua Khen thưởng, do anh Vũ Minh Tiến làm Trưởng phòng. Phòng Bảo hiểm xã hội đã tách ra phát triển cao hơn thành Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng - đơn vị sự nghiệp tương đương cấp cục trực thuộc Bộ. Cuối năm 2011, chị Hồ Thủy làm Giám đốc BHXH được Nhà nước thăng quân hàm Thiếu tướng. Chị Hồ Thủy là một trong rất ít nữ tướng của quân đội ta. Như vậy là, từ Cục ra đi có hai người nữ thành danh: Đại tá Anh hùng Hồ Thị Bi và Thiếu tướng Hồ Thủy. 
           Tiếp sau tôi, đã có ba người làm Cục trưởng: Ngô Xuân Lịch, Vũ Hữu Luận và Trần Văn Minh. Anh Ngô Xuân Lịch sau 3 năm giữ chức Cục trưởng, được điều động về Quân khu Ba, ban đầu giữ chức Chủ nhiệm Chính trị rồi được bổ nhiệm Chính ủy Quân khu. Hiện nay, anh Ngô Xuân Lịch là Bí thư Trung ương Đảng, Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Anh Vũ Hữu Luận, Thiếu tướng, sau gần 8 năm làm Cục trưởng, năm vừa rồi, được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm giữ chức Phó Chính ủy Học viện Chính trị. Tiếp đến là Đại tá Tiến sĩ Trần Văn Minh. 
            Tôi rất mừng nhận thấy rằng, Cục Chính sách có nhiều bước phát triển mới, lập được nhiều thành tích. Đặc biệt là, năm 2006, Cục được Nhà nước trao tặng danh hiệu vinh dự Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang trong Thời kỳ đổi mới. Và cách đây mấy hôm, tôi được Đại tá Tiến sĩ Trần Văn Minh Cục trưởng, thông báo: Vừa qua, tháng Giêng năm 2012, Cục được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đó là sự ghi nhận công lao thành tích xứng đáng của thế hệ cán bộ, nhân viên hiện nay. Đồng thời, có thể nói, đó cũng là sự phát huy tiếp nối truyền thống giữa các thế hệ. 
            Là những người lính già đã một thời vinh dự gắn bó với Cục trên từng cương vị khác nhau, chúng tôi thực sự phấn khởi. Và chúng tôi tin tưởng, mong muốn rằng, Cục Chính sách sẽ lập được nhiều thành tích cao hơn trong thời gian tới.


Một chặng đường công tác khá dài với biết bao kỷ niệm. Đọng mãi trong tôi bao gắn bó nghĩa tình, bao suy tư trăn trở và cả niềm vui được góp phần nhỏ bé của mình vào thành tích chung của Cục Chính sách-TCCT ./.


                                                                      NMĐ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét