Menu ngang

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

THƯỢNG TƯỚNG ĐẶNG VŨ HIỆP,
 NHỮNG ĐIỀU TÔI BIẾT

Từ trái sang phải, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Đại tá Hồ Thị Bi, Thiếu tướng Lê Văn Dũng (sau là Đại tướng) và tác giả. Ảnh tư liệu.
                                                    
            Trong cuộc đời quân ngũ của mình, với điều kiện và môi trường công tác, tôi may mắn có nhiều dịp tiếp xúc, làm việc với nhiều vị tướng lĩnh của Quân đội ta. Mỗi người - trên từng phương diện - đều là bậc thầy, để lại cho tôi ấn tượng tốt. Trong đó, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, người trong nhiều năm là thủ trưởng trực tiếp, đọng mãi trong tôi nhiều ấn tượng kỷ niệm tốt đẹp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi không cùng đơn vị với ông. Ông tham gia chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Còn tôi là cán bộ cấp cơ sở chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên.

          Hai năm sau Ngày Giải phóng Miền Nam, từ Chính ủy Quân đoàn 3, ông Đặng Vũ Hiệp được Nhà nước bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Hồi đó, theo Qui chế phân công của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, trong chức trách nhiệm vụ của ông, cùng với việc chỉ đạo các mặt công tác: Cán bộ, Tuyên huấn, Báo chí, Xuất bản, Kiểm tra và Văn phòng, còn có phần việc chỉ đạo công tác Chính sách. Phần chức trách chỉ đạo công tác Chính sách gắn bó với ông đến hàng chục năm sau - cho tới tận ngày ông nghỉ hưu. Và sau khi nghỉ hưu, ông lại được Nhà nước phân công giữ chức Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam điôxin - Tiếp tục đấu tranh đòi công lý và thực hiện chính sách đối với những người trong chiến tranh bị nhiễm chất độc điôxin của Mỹ.
Lần đầu tiên tôi gặp ông là một buổi làm việc vào cuối tháng 10 năm 1978 tại Văn phòng Tổng cục Chính trị. Hôm đó, ông triệu tập Phòng Chính sách - Cục Tổ chức lên báo cáo tình hình công tác chính sách trong quân đội và hậu phương quân đội. Thượng tá Nguyễn Hữu Quyền Trưởng phòng là người trực tiếp báo cáo. Tham dự có tôi là Trợ lý nghiên cứu tổng hợp và mấy cán bộ khác của Phòng. Ông gặp chúng tôi ở chân cầu thang của tòa nhà hai tầng. Ông Quyền thì ông đã biết trước. Khi bắt tay tôi, với thái độ niềm nở thân tình, ông hỏi, cậu là Đẩu à? Tôi trả lời, dạ vâng ạ! Chắc là có ai đã nói trước với ông về tôi. Theo điều lệnh và tuổi tác, cũng có phần có tính lịch sử, hồi đó, giữa cán bộ lớp lứa chúng tôi với Thủ trưởng cấp Tổng cục, cấp Bộ là một khoảng cách lớn. Ấn tượng đầu tiên của tôi (một trợ lý cấp Đại úy, mới tròn 30 tuổi) ngưỡng mộ chăm chú nhìn ông - một cán bộ cấp Thiếu tướng còn khá trẻ (được biết, năm đó ông tròn 50 tuổi), tóc muối tiêu, gương mặt đẹp hồng hào, mang kính cận, dáng cao to, tiếng nói trầm ấm, khúc triết, đĩnh đạc. Khi nghe báo cáo, ông chăm chú lắng nghe, ghi chép vào một quyển sổ nhỏ, thỉnh thoảng gợi mở trao đổi một số vấn đề mấu chốt, có chỗ ông dừng lại hỏi thêm. Và sau cùng, ông đã có những nhận xét chính xác, sắc sảo, thể hiện trình độ hiểu biết sâu, vừa có tính lý luận, vừa giàu thực tiễn, thẳng thắn chân thành, có chính kiến và quyết đoán. Ấn tượng đầu tiên về ông đọng mãi trong tôi tới hàng chục năm sau này.
 Có thể nói, so với những người cùng thời, ông Đặng Vũ Hiệp là cán bộ trẻ, có trình độ văn hóa, được rèn luyện trưởng thành từ cơ sở lên tới cán bộ trung đoàn trong kháng chiến chống Pháp, lại được đào tạo cơ bản, rồi làm Chủ nhiệm Khoa ở Học viện Chính trị. Và nhất là, suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông có hơn 10 năm ròng rã lăn lộn chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Ông từng là Chính ủy Tiền phương Mặt trận Tây Nguyên trong nhiều chiến dịch lớn: Chiến dịch Đăk Sương, Chiến dịch 1969, Chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh. Đặc biệt là, Chiến dịch Ia Đrăng, tháng 11 năm 1965 và Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3 năm 1975. Các chiến dịch lừng danh ấy đã đi vào sử chiến của Quân đội ta và lịch sử Đất nước ta. Chiến dịch Ia Đrăng là trận đọ sức đầu tiên của quân chủ lực ta với Sư đoàn Kỵ binh bay số 1-một đơn vị mạnh nhất của Lục quân Mỹ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Tây Nguyên, ông đã cùng ông Nguyễn Hữu An (sau này cũng là Thượng tướng) chỉ huy Trung đoàn 66 dũng mãnh tấn công tiêu diệt 1 tiểu đoàn và tiêu hao 1 tiểu đoàn khác của quân Mỹ. Chính tướng Mỹ G.Moore và phóng viên chiến tranh của Mỹ là L.Galoway, cả hai đều tham gia trận Ia Đrăng, sau này đã nhận định rằng: "Ia Đrăng - trận đánh đã làm thay đổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam". Mười năm sau, tháng 3 năm 1975, chấp hành Quyết nghị  của Quân ủy Trung ương-Bộ Tổng Tư lệnh, ông đã cùng các ông Hoàng Minh Thảo, Vũ Lăng chỉ huy Quân đoàn 3 - Mặt trận Tây Nguyên giành thắng lợi to lớn trong Chiến dịch Tây Nguyên, mở màn bằng trận chiến lịch sử  Ban Mê Thuột. Đây là sự mở màn thuận lợi cả về thế và lực cho Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng năm 1975, thu giang sơn về một mối.
Những chuyện đó, ban đầu tôi được nghe các anh cán bộ lớp trên chắp nối kể lại. Trong nhiều năm cùng làm việc, tôi thấy ông ít nói về mình. Mãi tới sau này, khi được ông tận tay ký trao tặng tập Hồi ký “Ký ức Tây Nguyên” của ông, do Đại tá Lê Hải Triều - một chiến binh, dũng sĩ diệt Mỹ ở Tây Nguyên - thể hiện, tôi mới biết nhiều hơn.
Ông Đặng Vũ Hiệp không chỉ là một nhà chính trị tài ba, một vị tướng trận mạc đầy ắp chiến công, mà còn là vị tướng trí tuệ sắc sảo, thông tuệ, mẫn tiệp trong vai trò chỉ đạo Công tác Đảng - Công tác Chính trị nói chung và Công tác Chính sách nói riêng ở cấp Chiến lược. Ông là người có năng lực hiểu biết toàn diện và sâu sắc, cả về lý luận và thực tiễn, nội dung và phương thức tiến hành các lĩnh vực hoạt động Công tác Đảng-Công tác Chính trị trong Quân đội. Tôi cho rằng, đó là kết quả của sự kết tinh hài hòa, cộng hưởng trên nhiều mặt trong con người ông: trí tuệ, năng lực, tư chất, nhân cách, kinh nghiệm, vốn sống, trách nhiệm và cả tình cảm nữa. Trong nhiều năm, ông là người chủ trì xây dựng và điều hành tổ chức thực hiện kế hoạch Công tác Đảng-Công tác chính trị trong toàn quân; chủ trì việc ban hành các Chỉ thị công tác toàn diện theo định kỳ hoặc các Chỉ thị công tác chuyên đề. 
             Mỗi lần được ông chủ trì các cuộc hội nghị, hội thảo nghiên cứu các đề án chính sách giữa các cơ quan trong và ngoài quân đội, hoặc thông qua các tờ trình chính sách lên cấp trên, chúng tôi thật sự tin tưởng. Thông thường thì, ông chăm chú nghe một cách thấu đáo, lật đi lật lại từng vấn đề - nhất là những vấn đề then chốt - suy nghĩ sâu sắc, cẩn trọng. Và cuối cùng, bằng cương vị và trách nhiệm của mình, ông kết luận với chính kiến rõ ràng, đầy sức thuyết phục. Với phẩm chất, năng lực và phong cách làm việc khoa học của mình, ông không chỉ được cán bộ trong Quân đội kính phục, mà cán bộ thuộc các bộ, ngành có liên quan của Nhà nước quí mến, nể trọng. Ông thường đưa ra nhiều ý tưởng mới, sát thực, khả thi, có tầm chiến lược. Tôi xin kể một vài mẩu chuyện nhỏ về ông mà tôi biết.
Từ năm 1978 - 1979, khi Bộ Quốc phòng xúc tiến triển khai nghiên cứu cải cách chế độ tiền lương, Tiểu ban nghiên cứu chúng tôi được Đại tá Kavalốp, chuyên gia về công tác chính sách tiền lương của Quân đội Liên Xô (cũ) giới thiệu tại Cục Tài chính. Tiểu ban do anh Lê Khoa Cục trưởng Cục Tài chính chủ trì cùng mấy cán bộ nghiên cứu thuộc các cơ quan chức năng. Tiểu ban có nhiệm vụ nghiên cứu xúc tiến xây dựng Đề án cải cách tiền lương. Trong các buổi làm việc với chuyên gia Liên Xô, chúng tôi đều được anh Trần Hữu Thuật, giáo viên của Học viện Kỹ thuật quân sự, làm phiên dịch. Có lần, ông Đặng Vũ Hiệp bố trí thời gian cùng dự. Tôi thấy ông trao đổi trực tiếp với ông Kavalốp về các vấn đề một cách lưu loát trôi chảy, kể cả những nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn. Làm được như thế không dễ. Việc biết tiếng Nga mới chỉ là phương tiện. Điều căn bản là phải biết được nội dung trên cơ sở kiến thức toàn diện: nắm vững những nguyên tắc cơ bản, tư tưởng chỉ đạo và các bảng thiết kế cụ thể của chế độ tiền lương, phụ cấp; hiểu kỹ hệ thống tổ chức biên chế của quân đội, tính chất hoạt động đặc thù của từng thành phần, từng lực lượng Quân-Binh chủng; nắm được những nhu cầu tối thiểu bù đắp cường độ lao động, bảo đảm đời sống của người lao động; đặt chế độ tiền lương Quân đội trong mối tương quan hợp lý với chế độ tiền lương của cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước thuộc các ngành. Rồi nữa, biết so sánh phân biệt giữa Quân đội ta với Quân đội Liên Xô (lúc đó) và một số nước khác.v.v..Vốn tiếng Nga ông có được là kết quả của thời kỳ học ở Học viện Quân Chính Lê Nin từ những năm cuối của thập kỷ 1950. Nhưng, lượng kiến thức có được như ông, phải là một sự tích lũy nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo. Được biết, ngoài tiếng Nga, ông còn sử dụng thông thạo tiếng Pháp. Tiếng Pháp là học từ những năm thiếu thời ở Trường Bưởi - ngôi trường đầu đời của nhiều chính khách, danh nhân, tướng lĩnh, nhà khoa học có tên tuổi ở nước ta. 
Tôi nhớ, có một lần vào đầu năm 1980, trước khi trình lên trên về Đề án tiền lương, phụ cấp quân đội, Tiểu ban nghiên cứu thông qua ông. Trong Đề án, có mục Phụ cấp Thâm niên vẫn giữ mức tối đa 25% trên nền lương chính như chế độ hiện hành. Nhưng đến phần thảo luận tham gia ý kiến, tôi không nhất trí. Tôi phát biểu với lập luận rằng, nếu để mức tối đa 25% là không đúng với bản chất cũng như tên gọi Phụ cấp Thâm niên. Hơn nữa, khi Nhà nước ban hành chế độ tiền lương năm 1960, thì tuổi quân của cán bộ quân đội ta cao nhất hồi đó mới là 16 năm, hưởng Phụ cấp Thâm niên là 16%. Đến nay, quân đội ta đã qua 36 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, nếu để ở mức tối đa 25% là không hợp lý. Càng về sau càng không hợp lý. Vì vậy, tôi đề nghị không giới hạn tối đa mức Phụ cấp Thâm niên. Nghĩa là, Sĩ quan phục vụ quân đội bao nhiêu năm, được hưởng Phụ cấp Thâm niên ngần ấy phần trăm. Ý kiến tôi được anh Lê Khoa tán thành. Nhưng đa số thành viên cuộc họp không đồng ý, với lập luận mọi khoản phụ cấp theo lương không vượt quá 1/4 lương chính. Nhưng tôi nghĩ, cái chính có thể là, người ta không quen nghe ý kiến có tính phản biện của một cán bộ cấp úy trẻ trong cuộc họp mà phần đông là cán bộ cao cấp lớn tuổi. Trong đời sống xã hội, lắm khi người ta chỉ cần xem ai nói, chứ không cần biết nội dung nói là thế nào. Khi đứng dậy kết luận, ông Đặng Vũ Hiệp nói đại ý rằng, cá nhân tôi đồng ý với ý kiến của đồng chí Nguyễn Mạnh Đẩu, nhưng hội nghị phải kết luận theo đa số. Tôi hẹn nhé, bây giờ đồng chí là Đại úy, chờ đến khi nào đồng chí lên tới Đại tá, Cục trưởng Chính sách, thì tiếp tục đưa kiến nghị này ra. Và tôi cho rằng, sẽ được chấp thuận. Quả thực, câu nói có tính dự báo hồi đó của ông Đặng Vũ Hiệp, 13 năm sau, năm 1993, là hoàn toàn đúng.
Thời gian tôi công tác ở Văn phòng Tổng cục Chính trị, tôi cùng sinh hoạt một Tổ Đảng với ông. Có lần, kiểm điểm đảng viên cuối năm 1989. Đến lượt tôi tự kiểm điểm để Tổ Đảng đóng góp ý kiến. Ông Hiệp đã góp ý là: “Tôi thấy đồng chí là cán bộ có năng lực, hăng hái, nhanh nhẹn, thẳng thắn, bộc trực. Thẳng thắn, bộc trực thì tốt, nhưng ở đời cái gì cũng vậy, thái quá bất cập. Cần lưu ý điều chỉnh để có phương pháp ứng xử phù hợp hơn. Đừng để mất lòng mà hỏng việc. Cán bộ công tác ở Văn phòng càng phải chú ý điều này”. Ngẫm kỹ, tôi thấm thía những điều góp ý chân thành, thẳng thắn của ông. Lần khác, nhân Sự kiện chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, ông hỏi tôi, cậu thử nói nguyên nhân từ đâu. Tôi trả lời ông, rằng: “ Theo tôi, ngoài nguyên nhân muôn thuở là do địch chống phá, thì cần phải xem xét lại, nguyên nhân chính là từ bên trong. Như C.Mác từng nói, cái gì hợp lý thì nó tồn tại; còn cái gì không tồn tại được, chứng tỏ nó chưa hợp lý". Tự tin hăng hái trả lời xong, nghĩ lại, tôi sực giật mình hú vía, vì lo lắng rằng, ông sẽ quy kết cho tôi là dao động lập trường, có tư tưởng xét lại, lung lạc niềm tin. Điều này vẫn thường xẩy ra ở một số cán bộ cấp trên khi nghe cấp dưới mạnh dạn trình bày chính kiến - nhất là những vấn đề chính trị hệ trọng, nhạy cảm. Ấy vậy mà, nghe xong, ông cười nói, cậu nói đúng! Đó cũng là một trong những nguyên nhân. Điều ấy chứng tỏ ông đại lượng, vị tha; tôn trọng ý kiến của người khác, dù là cấp thấp; khuyến khích tự do tư tưởng, không áp đặt, định kiến hẹp hòi.
Trong đời sống cũng như trong công việc, ông Đặng Vũ Hiệp là con người nghĩa tình. Tháng 4/1994, tôi cùng ông lên Điện Biên Phủ để kiểm tra việc chuẩn bị về mặt chính sách (nghĩa trang liệt sĩ, bia kỷ niệm) phục vụ cho Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/1994). Ông cùng tôi đến từng nghĩa trang, bia kỷ niệm, xem xét việc tu bổ từng khu mộ liệt sĩ. Theo danh sách của Cục Chính sách-TCCT cung cấp, Bộ Lao động-Thương binh xã hội đang chỉ đạo gắn tên liệt sĩ bằng chữ đồng lên các bức tường lớn bao quanh Nghĩa trang A1. 
            Hồi đó, có 1 trung đoàn Công binh làm đường vào tu sửa Chỉ huy sở Mường Phăng, cách trung tâm Điện Biên 38 cây số. Tôi nghe nói, trước đó, có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ý kiến: di tích Chỉ huy sở ở Mường Thanh của tướng Đờ Cát thất trận, thì được phục chế lại một cách kiên cố. Còn di tích Chỉ huy sở của bên thắng trận ở Mường Phăng, thì đang hỏng dần, nếu không kịp thời phục chế sẽ trở thành phế tích. Cần phải làm lại để tương xứng với tầm vóc của chiến thắng lịch sử. Thực hiện chủ trương đó, trước hết là phải sửa chữa đường vào. Khi trung đoàn Công binh đang thi công đường vào Chỉ huy sở, thì đường bị sụt lở bất ngờ, một chiếc xe chở bộ đội bị đổ xuống vực. Đêm đã  khuya, đang ngủ tại Sư đoàn 379, biết tin, ông Hiệp giao tôi vào xem xét tận hiện trường, cách đó hơn chục cây số. Sau khi cùng đơn vị khâm liệm mấy anh em hy sinh do đổ xe xuống vực, tôi trở về đến chỗ nghỉ, thì trời vừa rạng sáng. Nghe tôi báo cáo lại, ông Hiệp nói, thương anh em quá, vì lịch sử lại phải hy sinh. Cơ quan và đơn vị cần lo liệu việc này thật chu đáo, phải thông báo và giải quyết kịp thời quyền lợi chính sách đối với gia đình anh em. Tôi biết, cả đêm ông không ngủ.
         Vào giữa năm 1994, khi Ban Bí thư Trung ương Đảng nghe Tổng cục Chính trị báo cáo về việc tìm kiếm, cất bốc, qui tập mộ liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh. Tham gia cuộc họp còn có anh Trần Đình Hoan Bộ trưởng và một số cán bộ thuộc Bộ Lao động Thương binh xã hội, lãnh đạo Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan. Là Cục trưởng Chính sách, tôi trở thành phụ tá cho ông Đặng Vũ Hiệp trong buổi báo cáo với Ban Bí thư. Sau khi ông Đặng Vũ Hiệp thay mặt Tổng cục Chính trị trình bày báo cáo, Tổng Bí thư Đỗ Mười hỏi tôi có ý kiến gì bổ sung thêm. Được phép, tôi đứng dậy báo cáo ngắn gọn một số điểm về tư liệu, số liệu cần thiết, có tính chất minh họa. Tiếp đó, trước khi hội nghị thảo luận, Tổng Bí thư nêu một số vấn đề chính cần xem xét. Ông nói đại ý rằng: Cuộc chiến tranh quyết liệt, lâu dài để lại những hậu quả to lớn. Mộ liệt sĩ là vấn đề chính trị, xã hội, đạo lý, tâm linh hết sức sâu sắc. Càng về sau càng khó khăn, phức tạp, bức xúc. Chúng ta phải tính toán thật kỹ để khẩn trương làm cho tốt. Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 ở Quảng Trị có đến hàng vạn ngôi mộ. Thân nhân liệt sĩ vào thăm viếng là một nhu cầu chính đáng, hợp tình. Phải bố trí đón tiếp chu đáo. Việc di chuyển mộ liệt sĩ về nguyên quán có làm được không. Lại hàng vạn bộ hài cốt hồi hương. Các Nghĩa trang đã xây dựng rồi để trống à. Đưa về quê có đất xây Nghĩa trang không. Như tỉnh Thái Bình chẳng hạn, lấy đất đâu. Nghĩa là, có rất nhiều vấn đề đặt ra. Về chính sách, đến nay Đảng và Nhà nước ta chưa có một hình thức khen thưởng xứng đáng và chưa có một chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với những bà mẹ đã hiến dâng nhiều người con cho Tổ quốc.
Tổng Bí thư Đỗ Mười vừa đi vòng quanh bàn hội nghị, vừa phát biểu vừa như thể tiếp tục suy nghĩ, xem xét. Trong lúc đó, ông Đặng Vũ Hiệp nói xen vào: “Thưa, Tổng Bí thư nói đúng! Vấn đề này bức xúc lắm. Bản thân tôi có người em út tên là Đặng Vũ Tân, hy sinh ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Từ ngày báo tử, bao nhiêu năm rồi mẹ tôi vẫn đắp cái chăn là di vật của em Tân. Đến ngày mẹ tôi từ trần, gia đình chúng tôi lấy cái chăn ấy khâm liệm cho cụ. Khi mẹ tôi còn sống, cứ mỗi lần tôi về, cụ nói mà như trách cứ tôi rằng, con làm tướng mà không tìm được mộ em con đưa về đây cho mẹ, thì nói làm gì”. Nghe vậy, Tổng Bí thư nói: “Đúng đấy! Cụ mắng cậu là phải. Ở bất cứ nơi đâu, người mẹ liệt sĩ nào cũng vậy thôi. Chính các mẹ là người hy sinh lớn nhất”. Quả thực, từ hội nghị đó, sự nung nấu của Tổng Bí thư hình thành nên ý tưởng xây dựng Đề án chính sách “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
           Tôi đã được cùng ông nhiều lần đi thực tế kiểm tra công tác thực hiện chính sách ở nhiều địa phương trong cả nước. Từ đồng bằng Bắc Bộ, Miền Trung và Nam Bộ. Đến đâu, sau khi nghe báo cáo, ông đều dành thời gian đi thăm các đối tượng chính sách và anh em cán bộ chính sách ở cơ sở. Bằng vốn sống thực tế ở chiến trường trong nhiều năm, hiểu được những khó khăn, phức tạp trong việc thực hiện chính sách, lại thâm nhập xem xét phát hiện những vấn đề nổi cộm ở cơ sở, đã góp phần giúp ông có những ý kiến chỉ đạo sáng suốt, kịp thời, có hiệu quả ở cấp chiến lược.
  Là cán bộ mấy chục năm làm Công tác Đảng - Công tác Chính trị, mặc dù được đào tạo cơ bản, nhưng ông không hề có học hàm, học vị. Tuy nhiên, theo cảm nghĩ của chúng tôi, ông xứng đáng được tôn vinh là bậc thầy của nhiều thầy trên lĩnh vực lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Ông thường nói vui với chúng tôi, tớ chỉ có cái đầu bạc này thôi. Nhưng tôi nghĩ rằng, trong cái đầu bạc của ông là một khối lượng kiến thức uyên thâm, sắc sảo trên nhiều lĩnh vực. Ông từng chủ trì nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng. Ông là Chủ nhiệm Chương trình cấp Nhà nước:”Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị” mang mã số: KXB 96, trong đó có 10 Đề tài từ KXB 96 - 01 đến KXB 96 - 10. Tôi được phân công làm Chủ nhiệm 1 trong 10 Đề tài đó, Đề tài KXB 96 - 06. Ngay từ khi bắt đầu triển khai, trong suốt quá trình nghiên cứu, khảo sát, xây dựng và đến khi nghiệm thu ở các cấp, ông luôn chỉ đạo toàn bộ Chương  trình và từng Đề tài cụ thể một cách sắc sảo, sâu sát, kịp thời.
          
           Ông Đặng Vũ Hiệp từ trần ngày 11 tháng 4 năm 2008, do căn bệnh ung thư gan. Không hiểu có phải do nhiễm chất độc hóa học của Mỹ từ những năm hoạt động ở chiến trường Tây Nguyên hay không. Trước đó, nghe tin ông lâm trọng bệnh đang điều trị ở Khoa A11 - Viện quân y 108, tôi đã vào thăm. Tới cửa buồng bệnh, tôi gặp bà Nguyễn Thị Quí, vợ ông và anh Đặng Vũ Thái, con trai cả của ông, là cán bộ Cục Xe - Máy thuộc Tổng cục Kỹ thuật. Bà Quí và anh Thái đều rưng rưng nói với tôi, ông mệt nặng lắm rồi, anh Đẩu ạ. Tôi vào buồng bệnh, dẫu đã biết trước, nhưng vẫn thấy bất ngờ. Ông gầy xọp đi hàng chục cân, mắt trũng sâu, da xạm đen, gương mặt khác hẳn, nếu không nói thì không nhận ra. Ông mở mắt nhìn tôi, hơi thở nông, thều thào nói ngắt quãng: Đẩu đấy à,… mình mệt lắm rồi… Tôi cầm tay ông, ngẹn ngào không nói nên lời, rồi không cầm được nước mắt. Tôi buồn lắm, vì biết chắc chắn rằng, trong một thời gian ngắn ngủi nữa thôi, ông sẽ vĩnh biệt mọi người. Mấy năm nay, vào dịp Tết, tôi vẫn vào Nghĩa trang Mai Dịch đến mộ thắp nén hương thơm tưởng niệm ông.

Được làm cấp dưới trực tiếp của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp trong nhiều năm, với tôi là một điều may mắn, lớn hơn nữa là một ân huệ. Bài viết này như một nén hương lòng, một lời tri ân của tôi đối với ông - người Thủ trưởng kính mến, người Thầy nhân hậu, tài ba. Những điều tôi biết về ông, viết về ông mới chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc đời phong phú, sinh động của ông.
          Thời gian trôi nhanh. Mới đó mà ông về cõi vĩnh hằng đã gần 4 năm. Cầu mong ông được thanh thản, siêu thoát, an lạc ở chốn bồng lai tiên cảnh ./. 

                                            Mỹ Đình, đầu Xuân Nhâm Thìn

                                                                NMĐ

                                                                             
                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét