Menu ngang

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012


Ghi chép                  NHỮNG GIỌT MỒ HÔI TRÊN TRÁN
                THỦ TRƯỞNG PHÙNG THẾ TÀI


                                      Đại tá Nguyễn Trung Thành

          Tổ thiết kế và chỉ đạo thi công Công trình K9 Đá Chông nơi gìn giữ thi hài Bác Hồ trong thời gian trước khi có Lăng gồm 6 kỹ sư của ban thiết kế phòng công trình - Bộ Tư lệnh Công binh. Kỹ sư Cao Đàm phụ trách phần xây dựng, kỹ sư Bùi Danh Chiêu, thông gió điều hòa, kỹ sư Hoàng Quang Bá cấp nước; kỹ sư Hoàng Vân tổ chức thi công và tôi Nguyễn Trung Thành hệ thống điện và tự động, do kỹ sư Nguyễn Trọng Quyển trưởng ban trực tiếp phụ trách. Sáu anh em chúng tôi sống và làm việc liên tục tại công trường trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng rất vui. Chúng tôi cũng là tác giả các công trình sơ tán thi hài Bác trong thời chiến tranh phá hoại như H21 - H25...
Nhiệm vụ của tôi rất nặng, gồm 4 hạng mục lớn:

- Thiết kế và chỉ đạo thi công hệ thống cấp điện dựphòng. Nói là dự phòng nhưng trong thời gian chiến tranh, hệ thống điện lưới quốc gia hầu như bị mất, nên hệ thống này thành nguồn cấp điện chính.

- Giám sát và nghiệm thu việc kéo đường dây cao thế 35 kv và lắp đặt
 trạm biến áp hạ thế để cấp điện lưới quốc gia cho công trình.

- Thiết kế và chỉ đạo thi công phòng điều khiển trung tâm số 7 để điều khiển hệ thống điều hòa, cấp nước đảm bảo thông số nhiệt ẩm giữ gìn thi hài Bác.
- Thiết kế lắp đặt hệ thống chiếu sáng đặc biệt phục vụ việc tổ chức viếng Bác.

Trong 4 hạng mục này, một loạt vấn đề kỹ thuật đặt ra, tôi phải cân nhắc lựa chọn các giải pháp thiết kế sao cho phù hợp với yêu cầu tiến bộ, trình độ thi công và tình hình cung cấp vật tư thời đó. Chỉ có một mình, nên tôi xoay như chong chóng suốt ngày. Vừa đi vừa nghĩ các giải pháp trong đầu, nhặt miếng giấy xi măng vẽ phác thảo để đêm về thể hiện lên bản vẽ cho công nhân thi công. Buổi sáng ăn mấy củ sắn luộc, rồi xắn quần lội mấy cây số đường rừng cùng anh em công nhân chi nhánh điện Hà Đông giám sát thi công đường dây cao thế dẫn vào công trình. Gần trưa trên đường về đói quá bị hạ đường huyết, hoa mắt chóng mặt đành ngồi tựa cột điện nghỉ. Giá có một chiếc kẹo để ngậm thì cơ thể đi tiếp được, nhưng giữa rừng lấy đâu ra . Mồ hôi ướt đẫm, chân tay bủn rủn, tưởng gục dọc đường, nhờ sức trẻ  nghỉ một lúc lại tiếp tục trở về công trường. Về đến nhà, cơm canh nguội ngắt, cố nuốt cho đỡ đói. Một tốp công nhân đến vây quanh. Họ là những thợ điện được đào tạo tại đơn vị, không đọc được bản vẽ để thi công hệ tự động điều chỉnh phòng điều khiển. Tôi lại xé giấy xi măng vẽ tách ra từng phần để giảng giải cho họ. Nhưng cuối cùng vẫn phải ra hiện trường cầm tay chỉ việc. Tôi cầm kìm tuốt dây uốn khuyết làm mẫu, cầm đồng hồ đo thử các đi ốt để họ khỏi đấu nhầm. Đã từng là công nhân nên tôi nói họ hiểu ngay và tiếp tục thi công suôn sẻ. Đang làm việc với thợ thi công, thì anh Hanh phụ trách vật tư công trường tìm đến.
- Các loại vật tư yêu cầu, tôi đã đến tận nhà máy sản xuất thiết bị điện, nhưng họ không có chủng loại đó. Mai cậu bố trí thời gian đi với tôi đến Văn Giang để xác định loại thay thế.
Thế là tôi thành cán bộ vật tư cùng với anh Hanh đi Văn Giang, Hà Đông rồi lên Thái Nguyên. Đi trong ngày về trong đêm cho kịp thi công, ngủ gà ngủ gật trên xe. Chẳng riêng gì tôi, các đồng chí khác cũng ở trong tình trạng vừa thiết kế, vừa chỉ đạo thi công, vừa chạy vật tư do yêu cầu tiến độ khắt khe. Vật tư ngành điện vốn lặt vặt nhiều chủng loại nên tôi càng vật vả.
Khi thiết kế nguồn điện dự phòng, tôi nhận được yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe và mâu thuẫn. Có cả yêu cầu quân sự mà người làm công tác kỹ thuật phải am hiểu:
- Nguồn điện này phải đủ công suất cho mọi yêu cầu sử dụng điện của công trình và khởi động bình thường các máy điều hòa công suất lớn. Chất lượng điện (điện áp và tần số) phải đảm bảo và ổn định để các thiết bị y tế làm việc tốt. Nguồn điện có khả năng làm việc liên tục lâu dài trong trường hợp đế quốc Mỹ bắn phá các nhà máy điện và trạm phân phối. Đồng thời tính đến phương án tiết kiệm nhiên liệu phòng khi việc cung cấp bị gián đoạn do cầu đường bị bắn phá.
- Việc chuyển đổi các nguồn điện không cho phép mất điện quá một phút, vì quá thời gian trên ảnh hưởng đến thông số nhiệt ẩm giữ gìn thi hài Bác.
Phải mất nhiều ngày xắn quần lội khắp khu vực công trường mới xác định được vị trí xây hầm đặt các trạm phát điện. Đi khắp các kho sơ tán của phòng khí tài hậu cần Bộ Tư lệnh Công binh, ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình, tôi mới chọn được các trạm phát điện vừa ý. Nhiều đêm ngồi đọc sách tham khảo, tôi mới tìm đủ các giải pháp thỏa mãn các yêu cầu trên. Thực tế vận hành nhiều năm ở K9 đã lần lượt xảy ra như các giả định ban đầu và hệ thống nguồn điện đã phục vụ hoàn hảo.
Tôi đã chọn các trạm phát điện di động Diegel AД 75 (75 KVA) Liên Xô, có khả năng cơ động cao, công suất đảm bảo, dễ vận hành tự động điều chỉnh tốc độ và công suất nên điện áp và tần số ổn định, nhược điểm khó khởi động nhất là buổi sáng mùa đông. Có người hỏi tôi sao không chọn máy xăng cho dễ khởi động. Lúc này các kho Bộ tư lệnh Công binh không có máy xăng công suất lớn, hơn nữa về lâu dài nhiên liệu Diegel tiết kiệm hơn, dễ cung cấp hơn. Tôi bố trí mỗi hầm 2 tổ máy nằm sâu vào trong lòng núi. Tất cả ống khói được kéo dài ra ngoài hầm và qua xử lý kiểu bếp Hoàng Cầm nên khói chỉ lan tỏa dưới bụi cây. Ba hầm máy bố trí cách nhau theo thế chân vạc xung quanh khu vực. Ngoài các giải pháp, kỹ thuật đi kèm còn có quy trình vận hành chăm sóc máy chặt chẽ, được tập huấn cho công nhân vận hành một cách chu đáo. Các tổ máy phát điện nằm trong chế độ trực, hàng ngày về mùa đông buổi sáng đều phải được nổ máy 10 đến 20 phút, máy nóng trong tư thế sẵn sàng khởi động. Tôi còn thiết kế một trạm nạp bù ắc quy, một khu chăm sóc ắc quy bổ sung nước cất và axit.
Tính đến việc tiết kiệm máy, tiết kiệm nhiên liệu trong thời gian mùa đông nhiệt độ ngoài trời thấp, máy lạnh làm việc ít, thời gian về khuya công suất tiêu thụ nhỏ. Tôi xây dựng một trạm máy phát công suất nhỏ AД - 15 (15KVA).
- Yêu cầu không để mất điện quá một phút làm tôi lúng túng đau đầu nhất. Thiết kế một mạch tự động đóng nguồn dự phòng không có gì khó khăn đối với một sĩ sư điện. Cái khó ở đây là nguồn dự phòng là các máy diezel. Làm sao trong vòng một phút máy phải nổ nhanh và ổn định công suất, và điện áp để mang tải. Trong trường hợp sau hai phát khởi động máy một không nổ phải tự động chuyển sang máy 2 hoặc máy 3. Để cho các máy diezel nổ ngay phải có các yếu tố sau: ắc quy phải thật khỏe, máy nóng, các kim phun nhiên liệu tốt, và cả dầu diezel phải hâm nóng... Đúng là phải có giải pháp tổng hợp vừa kỹ thuật vừa trình độ vận hành. Phác thảo trong đầu rồi lắp sa bàn để thử đi thử lại nhiều lần, nhưng đều thất bại ở khâu đếm giờ, chuyển mạch. Nếu như ngày nay tìm một IC vi xử lý có mạch đếm giờ tự động chuyển mạch không khó khăn gì, còn thời kỳ đó tôi phải lắp lấy bằng các linh kiện rời, rồi mò mẫm thí nghiệm, cuối cùng tôi cũng tìm ra mạch đạt yêu cầu.
Thiết kế và lắp đặt bảng điện ở phòng trung tâm điều khiển số 7 là: có tính chất phức tạp khác. Xung quanh phòng giữ thi hài Bác có 9 máy điều hòa thay nhau làm việc. Các máy này đều của Nhật kiểu cục bộ, tất cả bảng điều khiển đều lắp trước mặt máy. Các công nhân vận hành không được phép vào phòng đặt thi hài để điều khiển máy, cũng không thể bóc tất cả bảng điều khiển về tập trung ở phòng số 7, làm như vậy dây rợ rất phức tạp, làm mất độ tin cậy làm việc của máy. Yêu cầu đặt ra là công nhân ngồi tại buồng trung tâm có thể biết được nhiệt độ, độ ẩm trong phòng thi hài, máy nào đang làm việc, cũng như nhiệt độ, độ ẩm ngoài trời để quyết định tăng giảm máy lạnh bằng cách ấn nút trên bảng điện. Ngoài ra còn theo dõi các thông số khác nhau lượng nước, nhiệt độ, nước làm mát v.v... Nhìn các đèn đỏ đèn xanh nhấp nháy và tiếng kêu sè sè của đồng hồ tự ghi làm việc các chuyên gia y tế Liên Xô chăm chú theo dõi, ngạc nhiên, nhưng rất tin tưởng.
Tư lệnh Công binh Trần Bá Đặng thường đưa các thủ trưởng cấp trên vào giới thiệu phòng điều khiển mác in Công binh, và thấy tự hào về trình độ kỹ thuật của binh chủng. Để có một bảng điều khiển như vậy ngày nay chắc khó ai tưởng tượng nổi, các đèn đỏ đèn xanh đều dùng bóng đèn pin sơn xanh đỏ, làm việc được một thời gian sơn bong hết; lại phải sơn lại hoặc thay thế, tôi cũng đã tìm cách hạ điện áp cấp để kéo dài tuổi thọ bóng đèn pin. Thành công này có sự giúp đỡ to lớn của anh Chiêu, anh Bá và sự sáng ý của các công nhân tiểu đoàn công binh 259, sự giúp đỡ các nhà máy ở Hà Nội như y cụ, X49, họ sẵn sàng tháo từng cái nút bấm, công tắc tơ của máy công cụ để phục vụ công trình về Bác làm tôi rất cảm động và trân trọng tấm lòng của nhân dân đối với Bác Hồ.
Công trường bước sang giai đoạn gấp rút hoàn thiện để đón thi hài Bác lên. Công nhân chuyển sang làm 3 ca liên tục, còn nhiều hạng mục dang dở. Chúng tôi liên tục bám công nhân để xử lý kịp thời các vướng mắc, chỉ tranh thủ ngủ khi nào quá mệt. Ai nấy đều gầy dộc, đen sạm, đến như Cao Đàm mọi người quen gọi là bác Đàm sữa, vì da anh trắng như thư sinh, giờ cũng mai mái đen, nhưng không ai bị ốm.
Chúng tôi đã làm việc như vậy ở nhiều công trình, chưa một ai được biểu dương khen thưởng ngay cả trong các cuộc giao ban. Bản thân chúng tôi đã quen với điều đó. Lúc nào cũng được giáo dục tinh thần trách nhiệm, niềm vinh dự lớn lao được thay mặt Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhận những công trình cơ mật quốc gia. Chúng tôi cũng quá quen phong cách làm việc của Tư lệnh Trần Bá Đặng. Chúng tôi nhiều lần ngồi cùng xe với ông đi khắp các công trình mật. Ông là con người của công việc. Trong mắt ông, ngồi cùng xe là những sĩ quan được việc, tin cậy, chuyên gia của các ngành: xây dựng, điều hòa, điện nước. Ông không quan tâm đến chúng tôi mang quân hàm gì, đã bao lâu (thực tế đi làm việc chúng tôi không đeo quân hàm).
Có một câu chuyện thời đó, không biết hư thực đến đâu, như cứ đồn đại trong cán bộ công binh. Thường vụ có 3 người, họp xét đề nghị lên trên phong quân hàm cho số cán bộ đến niên hạn, nhưng thiếu mất Tư lệnh vì ông đang bận công trình, nên đợt xét năm ấy qua đi. Bản thân tôi đeo quân hàm trung úy năm thứ 8 cũng thấy bình thường vì thời gian này trong toàn quân có nhiều người cùng cảnh, thậm chí còn lâu hơn. Thực ra chúng tôi không còn thời gian nghĩ về điều đó.
Một buổi sáng chủ nhật cả công trường nghỉ, chúng tôi được Tư lệnh quan tâm cho cùng ngồi xe ông về Hà Nội thăm vợ con. Ai cũng rất vui mừng vì đã lâu không được về thăm nhà. Mọi người lệ mệ xách theo lương khô, suất bồi dưỡng đêm giành làm quà cho con. Xe đang bon bon qua thị xã Sơn Tây được mấy cây số chúng tôi khoan khoái hít khí trời ban mai. Bỗng thấy một chiếc Uaz từ phía Hà Nội lên dừng lại ven đường vẫy chúng tôi. Tư lệnh và anh Quyển bước xuống xe, một cán bộ bệ vệ, bụng to, trán hói bước ra. Lần đầu tiên tôi trông thấy Thủ trưởng Phùng Thế Tài. Nghe danh ông đã nhiều, một người đã làm cận vệ cho Bác Hồ, thừa dũng cảm, lắm chiến công và cũng nhiều chuyện vui thêu dệt quanh ông. Chúng tôi con em nông dân nhưng giờ đây ít nhiều được gọi là trí thức nên rất cảm phục những chiến tích của các vị chỉ huy xuất thân từ công nông. Nhưng vẫn cảm thấy gờn gợn khi phải làm việc với các vị ấy. Điều này được thấy ngay sau đó. Không một lời giải thích, chúng tôi phải chuyển sang xe cùng vợ con thủ trưởng Tài đi lên Trung Hà thăm các con ông đang học ở Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trổi. Còn xe chúng tôi thì chở Thủ trưởng Tài, Tư lệnh Đặng và anh Quyển quay lại công trường.

Những ngày lao động hết mình, bao nhiêu công sức của cả đơn vị, bao mong đợi bây lâu đã được đền bù. Đêm đón thi hài Bác lên đã tới. Từ chập tối tất cả các đèn quanh công trình đã bật sáng. Từ ngoài cổng dưới chân đồi con đường dẫn lên đỉnh đồi, những ngọn đèn cao áp hai bên đều bật sáng, tạo thành một vệt sáng trắng lượn vòng quanh chân đồi lên đến đỉnh trông rất huyền ảo, cả công trình trông như một lâu đài trong ngày hội. Tất cả chúng tôi vào vị trí trực của mình, sẵn sàng đảm bảo thiết bị hoạt động để đón Bác.
Tư lệnh Trần Bá Đặng lệnh cho tôi thử các phương án mất điện, ông cầm đồng hồ bấm giấy theo dõi, đứng cạnh ông là Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tôi ấn nút tắt điện lưới quốc gia, chưa đầy mấy giây sau máy điezel số một hòa mạng. Chạy được một lúc giả định sự cố, mấy giây sau máy hai hòa mạng - tiếp đó có điện lưới quốc gia, tự động đóng nguồn trở lại. "Thật tuyệt vời" Tư lệnh khen tôi ! Đúng thế đến nỗi người ta chưa cảm nhận được mất điện. Gần sáng đoàn xe đưa thi hài Bác đến công trình. Từ đêm đó cho đến tận tháng 9 năm 1975, thi công xong lăng Bác, thi hài Bác được giữ gìn rất tốt ở đây.
Để thiết kế hệ thống chiếu sáng phục vụ thăm viếng, tôi đã về Hà Nội leo lên trần sân khấu hội trường Ba Đình xem xét hệ thống chiếu sáng đã phục vụ lễ tang Bác trước đó rồi đến xưởng phim truyện I Thụy Khuê xem cách họ chiếu sáng diễn viên để quay phim, mua đèn và phụ kiện của họ. Phòng đặt quan tài kính của Bác ở K9 thấp và nhỏ, nên không thể dùng phương án chiếu sáng ở hội trường Ba Đình. Tôi thiết kế các giá lắp đèn, thiết bị điều chỉnh nhỏ gọn hơn, gắn lên tường chiếu từ xa. Tất cả đèn và giá đều được mạ crôm bóng loáng phù hợp với yêu cầu y tế. Mọi việc đã xong, nhưng không có điều kiện chiếu thử trên mô hình để xác định góc chiếu và màu sắc, tôi rất lo lắng vì thời gian hiệu chỉnh trên thi hài Bác chỉ được phép 15 phút.
Biết được lo lắng của tôi, Tư lệnh Trần Bá Đặng đã báo cáo cho Thủ trưởng Phùng Thế Tài người phụ trách trực tiếp đón các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị lần đầu tiên lên viếng Bác nhân ngày sinh của Bác 19 - 5. Thật bất ngờ ông cho phép tôi thử trực tiếp trên người ông. Tôi băn khoăn quá ! Ông hỏi:
- Còn đắn đo gì nữa ?
- Thưa, nếu chiếu trực tiếp lên người thủ trưởng không có hòm kính sẽ rất nóng, các đèn có công suất lớn đến 1000W. Tôi đành thú thật.
- Có nóng bằng đèn chiếu lên đầu Nguyễn Đức Thuận không ? Ông cười hỏi tôi.
- Dạ chắc không đến, vì các đèn để xa từ 2m trở lên, tôi giải thích.
- Thế thì chuẩn bị đi mai thử, sau đó lắp thật sáng ngày kia các anh ấy đã lên viếng Bác rồi. Cậu chỉ được phép làm tốt như hồi tang lễ, sẽ có thưởng ! ông vỗ vai tôi.
Hôm nay ông nằm trên phản hai tay đặt trên bụng như tư thế Bác vẫn nằm, chỉ có điều cái bụng chồm lên cao quá. Tôi bật đèn những luồng sáng mạnh hắt lên khuôn mặt của ông, tôi nhanh tay hiệu chỉnh góc nghiêng, tiêu cự, rồi lần lượt thay đổi giấy bóng màu để tìm màu sắc đẹp. Mới được mấy phút mà trên trán hói của ông mồ hôi dòng dòng xuống phản, bất giác tôi thấy luống cuống. Biết ông rất nóng, trời đang giữa mùa hè, nơi thử không có quạt. Nhìn nét mặt ông vẫn bình thản chịu đựng tôi nhanh tay hiệu chỉnh lần nữa, thay đổi giấy bóng kính màu đỏ bằng màu hồng để cho thật hơn. Mọi người đứng ngắm phía sau cho là đạt, tôi tắt đèn ông vùng đứng dậy, người đưa khăn ướt, người dùng tấm bìa quạt cho ông.
- Các cậu thấy thế nào ? Ông hỏi mọi người.
- Đẹp lắm thủ trưởng ạ !
Tôi chuẩn bị thu dọn, bỗng ông lại nằm lên phản và nói.
- Thử lần nữa cho chắc, các cậu xem kỹ đi, cậu Thành nhớ lấy, mai mà chiếu cho Bác.
Tôi bật đèn, hiệu chỉnh lại tiêu cự cho tia sáng tập trung hơn vào khuôn mặt, được mọi người nhất trí.
Nhìn ông đi ra cùng mọi người, áo phía sau tấm lưng to ướt đậm, trên trán vẫn còn nhiều giọt mồ hôi, tôi ái ngại, thấy thương và cảm ơn ông.
Tối hôm đó tôi được gọi lên phòng đặt thi hài Bác, các Thủ trưởng đã có mặt ở đó đông đủ, có chuyên gia y tế Liên Xô. Tôi chỉ được phép 15 phút để hiệu chỉnh ánh sáng trên thi hài Bác - để hội đồng duyệt.
Tôi đứng sau quan tài kính nhìn Bác một lúc lâu mới bắt tay hiệu chỉnh. Tôi bồi hồi xúc động.Tôi nhớ lại những lần gặp Bác trước đây. Hồi ở Vai Cày - Thái Nguyên, công binh chúng tôi xây dựng khu nhà tạm để trung ương ở trước khi về tiếp quản Thủ đô, chiều chiều tôi ra ngồi xem Bác đánh bóng chuyền cùng cảnh vệ, lần ấy Bác gầy và đen hơn. Lần thứ hai tôi đứng giới thiệu gian trình bày bom mìn trong triển lãm sáng kiến toàn quân tại phố Lý Nam Đế. Một hôm Bác đến thăm, Người mặc bộ ba ba lụa nâu, chân đi dép lốp, chăm chú nghe tôi giới thiệu. Khi ra ngoài sân tôi đẩy xe cút kít giới thiệu sáng kiến rải mìn bằng xe thô sơ. Người cười và nói: "Người ta sắp lên mặt trăng rồi, các chú còn đi bằng xe cút kít". Mọi người vui vẻ cười.
Lần này tôi nhìn thấy Bác nằm thanh thản như đang ngủ, vẫn vầng trán cao , chòm râu trắng phau. Nhưng da mặt có nhiều vết đồi mồi và xám nhợt. Tôi tự nhủ phải chỉnh sao khuôn mặt Bác hồng lên để mọi người đều cảm nhận rằng Bác đang ngủ rất gần gũi. Đã sẵn có kinh nghiệm, và hướng điều chỉnh góc chiếu, nên tôi làm rất nhanh, các tham số màu sắc vẫn giữ như hôm qua. Nhưng khi nhìn lại, tôi thấy không đạt vì da mặt của Thủ trưởng Tài bình thường đã hồng rồi. Tôi tăng thêm tấm lọc sáng màu đỏ, mọi người gật đầu đồng ý phương án chiếu sáng. Đến khi đứng ở bên cạnh quan tài kính, tôi phát hiện do góc nghiêng của hòm kính và chất lượng kính nên có hai ảnh Bác bên cạnh, làm người xem khó tập trung vào người thật, tôi đề nghị không để người viếng đứng bên cạnh. Thủ trưởng Tài đồng ý và ông ra lệnh đặt hai lọ hoa huệ to ngăn lối vào. Khi đứng phía trước quan sát Bác, nếu đứng gần quá do góc nghiêng tấm kính trên nóc làm hình ảnh Bác bị kéo dài ra không thật, tôi đếm đúng 4 viên gạch lát và đề nghị hướng dẫn người viếng đứng sau cách quan tài kính độ 0,8m đến 1m là tốt nhất. Thật bất ngờ. Thủ trưởng Tài ra lệnh cho y tế đem hộp kính đựng đôi dép cao su để phía sau vừa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vừa rất hợp lý.
Tôi phục ông thật nhạy bén, nhờ sáng kiến của ông mà hiệu quả chiếu sáng của tôi hoàn chỉnh. Mọi người đến viếng Bác được nhìn thấy Bác thật vĩ đại, thanh thản, giản dị biết dường nào. Đôi dép cao su cũng nhắc mọi người điều đó.
Cho đến nay, mỗi lần lên K9, tôi lại thấy rạo rực, không thể quên được những năm tháng đã qua./.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét