ĐÔI ĐIỀU VỀ ÔNG BÙI TÍN
( Theo các hãng thông tin, ông Bùi Tín đã từ trần vào ngày 11/8/2018, tại Pháp, hưởng thọ 92 tuổi ).
Với người đã quá cố - bất luận là ai, chính kiến thế nào - tôi đều nghiêng mình vĩnh biệt !
Tôi biết ông - biết thôi không quen thân - từ khi ông còn là Phó Tổng biên tập Báo QĐND, rồi Cục phó Cục Tuyên huấn TCCT. Ngày đó, tôi kính phục ông. Không phục sao được. Khi ông là một trong những Nhà báo đầu tiên bước vào Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975, chứng giám sự kiện lịch sử của dân tộc sau 30 năm trường kháng chiến : Chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
Và sau đó không lâu, ông là 1 trong 3 Nhà báo của nước ta : Hoàng Tùng, Lưu Quý Kỳ, Thành Tín ( Bùi Tín ) được Hội Nhà báo thế giới ( OIJ ) tặng giải thưởng.
Khi ông sang Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân, tôi lại từng say mê đọc loạt bài của ông đăng trên Nhân dân cuối tuần bàn về công cuộc Cải tổ ở Liên Xô do Goocbachop phát động và lãnh đạo.
Tháng 7 năm 1987, Nhà báo Duy Phục có đặt tôi viết bài Xã luận trên báo Nhân dân cuối tuần.
Viết xong, tôi cùng anh Duy Phục lên thông qua ông. Sau khi anh Duy Phục giới thiệu tôi, ông niềm nở nói và đổi cách xưng hô: “ Chú là cấp dưới trực tiếp của ông già vợ cháu đấy. Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, thì chú là Chính trị viên Tiểu đoàn. Ông ấy là người vừa tốt, vừa giỏi đấy. Hồi ấy, chú và mọi người quý ông lắm !”.
Năm đó ông tròn 60 tuổi, còn tôi mới 39 tuổi, xưng hô chú cháu cũng không có gì là lạ. Nhìn vóc dáng ông, người chắc đậm, trán hói, để tóc dài kiểu nghệ sĩ - điều ít thấy đối với lớp lứa cán bộ lãnh đạo cùng thời. Ông cầm bút giương mục kỉnh, duyệt bài rất nhanh, trực tiếp sửa mấy từ, chỉ trong vòng khoảng 10 phút là xong. Sau đó, ông trao bản thảo cho tôi với lời khen: Cháu viết như thế là tốt!
Thế rồi, khi công tác ở Văn phòng TCCT, qua giao ban, tôi biết, ông Bùi Tín được cử đi công tác ở Pháp & trốn ở lại như một kẻ đào nhiệm.
Lúc đầu khi mới sang Pháp, các bài báo của ông mới dừng lại ở tính phản biện. Nhưng sau đó, tuồng như phản ứng lại dư luận trên phương tiện truyền thông trong nước, và cũng không biết có nguyên nhân gì nữa, ông bước hẳn sang đối đầu - Đặc biệt là, có những loạt bài viết quá đà, lệch sai lịch sử như một kẻ trở cờ, phản bội. Phản bội chứ không phải phản động. Ở đời, theo tôi, sự phản bội nguy hiểm & đáng ghét hơn kẻ phản động. Kinh nghiệm xương máu của những người lính chiến chúng tôi khi ở chiến trường đều có chung suy nghĩ như thế !
Ngay từ khi ông ra đi & tuyên bố nọ kia, tôi đã nghĩ thế này : Giá như, Nhà nước ta đừng phản ứng gì cả. Cứ kệ, để ông muốn nói gì thì nói. Nói chán rồi thì thôi. Hãy chờ đến khi ông về nước. Có điều gì bất đồng chính kiến thì tranh luận phải trái một cách sòng phẳng, thẳng thắn, trực diện, chắc chắn là cũng chưa muộn. Nhưng khi ông vừa qua cầu, ta đã vội rút ván, chặt cầu. Nghĩ không còn đường trở lại, không thể “ quay đầu là bờ ”, ông Bùi Tín quay sang chống đối quyết liệt. Và biết đâu trong những điều ông nói ra, khi tự mình nghĩ lại, chắc ông cũng sẽ sám hối. Nhưng mà sự đã rồi. Mù quá hoá mưa!
Cũng có người lập luận: Nếu hồi đó, các cơ quan tuyên truyền & báo chí không kịp thời đập lại các bài viết của Bùi Tín, thì không định hướng được dư luận xã hội, dễ lung lạc lòng dân!
Tôi thì nghĩ rằng: Luận điệu tuyên truyền chống phá ta của các lực lượng đối địch - không riêng gì Bùi Tín - là điều muôn thuở.
Nếu chỉ vì nghe giọng điệu tuyên truyền xuyên tạc, chống đối muôn hình, muôn vẻ trên xa lộ thông tin của các thế lực chống đối mà lung lạc, buông xuôi, thì chẳng còn gì đến ngày hôm nay!
91 năm đi qua cõi trần, chẳng biết những năm cuối đời ông sống ra sao, bằng nguồn gì? Và khi ông nhắm mắt xuôi tay ở xứ người, không biết có bao nhiêu người tiếc thương đến phúng viếng, đưa tiễn ông về chốn vĩnh hằng. Ông đành phải gửi lại nắm xương tàn trên đất khách. Không biết bia mộ ông sẽ ghi thế nào đây ! Và hậu thế sẽ nói & viết về ông ra sao ?!
Thôi ! Bây giờ ông đã rời cõi tạm. Sự đúng sai của ông trong 30 năm cuối đời sẽ thế nào, hãy để cho nhân dân & lịch sử phán xét một cách công bằng, khách quan.
Bao giờ và ở đâu cũng vậy: Nhận thức là một quá trình !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét