Menu ngang

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

ANH CHƯƠNG

Trưa qua, 11/8/2018, tôi thấy điện thoại báo tin nhắn trên mesenger : “ Chào anh bạn ! Còn nhớ bên nhau một thời môn thục tàu bay không ?”. Nhìn ảnh đại diện thì chỉ là một cháu bé gái. Tôi nghĩ, người này chắc chắn là cùng đơn vị cũ & phải hơn tuổi mình, nhưng tên là Nguyễn Đình Chương thì lạ hoắc. Tôi lục tìm trong bộ nhớ mà không nhận ra là ai. 
Sợ ai đó nhận nhầm người & phòng sự thất thố, khiếm nhã trong xưng hô, tôi đành nhắn lại như một phép thử thăm dò: “ Tôi chưa nhận ra anh. Trước đây, tôi ở Đoàn 8 Quân khu Trị Thiên “.

Tức thì, trên mesenger hiện lên dòng chữ “ Tôi là Nguyễn Đình Chương trước đây cùng công tác với anh ở Tiểu ban Quân lực Ban Tham mưu Đoàn 8 Quân khu Trị Thiên ... “. Tiếp đó, anh đăng bài thơ khá dài do anh ấy tặng tôi vào tháng 3 năm 1968.
Tôi mừng quá và trả lời anh ấy ngay: “ Ôi ! Anh Chương thì sao em quên được! Nhưng tại sao trước đây anh là Nguyễn Thanh Chương nay thành Nguyễn Đình Chương ? Em còn nhớ bài thơ em tặng anh như thế này: Thanh Chương anh ấy quê tỉnh Hà / Cẩm Xuyên huyện nọ có đâu xa / Cẩm Huy là xã người tri kỷ / Tới xóm Huy Công bước tới nhà ! “
Anh Chương viết : “ Mình chính thức họ Nguyễn Đình, trong lý lịch là thế. Nhưng để giải quyết “ khâu oai “, trong quan hệ mình hay tự nhận là Thanh Chương. Chính vì sự vớ vẩn đó mà khi ông Lê Văn Xảo viết Giấy chứng nhận bị thương ghi là Nguyễn Thanh Chương. Khi phục viên về địa phương mình gặp nhiều khó khăn trong việc hưởng chính sách ... “.

Vậy là, đêm qua trong ký ức tôi ập ùa hiện về bao kỷ niệm xưa.
Tháng 12-1967, theo Quyết định của Thủ trưởng Trung đoàn 29 ( sau đó đổi phiên hiệu là Đoàn 8 Quân khu Trị Thiên ), chia tay đồng đội nhiều năm sát cánh chiến đấu ở Tiểu đoàn 7, tôi nghẹn ngào khoác ba lô lên Trung đoàn bộ nhận nhiệm vụ ở Tiểu ban Quân lực. 
Tiểu ban ngày đó có 5 người: Ông Ngô Trí Thướng là Trưởng tiểu ban, quê Lam Sơn ( Đô Lương, Nghệ An ); Các trợ lý gồm: Lê Văn Xảo quê Thiệu Quang (Thiệu Hoá, Thanh Hoá ), Phí Văn Mao quê Lập Thạch ( Phú Thọ ), Nguyễn Thanh Chương quê Cẩm Huy ( Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) & tôi. 
Ông Thướng là bộ đội thời chống Pháp, ngày đó đã hơn 40 tuổi. Các anh Xảo, Mao, Chương đều hơn tôi từ 6 đến 10 tuổi.

Tôi nhận nhiệm vụ được 3 ngày thì đơn vị hành quân cấp tốc vào đánh Huế trong Chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân 1968.
Bước sang tuổi 20, mặc dù đã trải qua chiến đấu 3 năm ở chiến trường, nhưng công việc ở cơ quan đối với tôi là hoàn toàn mới mẻ. Các anh trong Tiểu ban Quân lực và Bộ Tham mưu đều coi tôi như đứa em út. Các anh lớp trước đã tận tình bảo ban, hướng dẫn tôi mọi việc rất cụ thể. 
Ông Nguyễn Hoán, Tham mưu trưởng Trung đoàn, quê ở Cẩm Thăng ( Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ), vốn trước đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 - lúc tôi là Liên lạc rồi Trinh sát. Ông Hoán thương quý coi tôi như con trai. Lúc ấy ông vừa tròn 40 tuổi. Thỉnh thoảng gặp tôi, ông cà bộ râu quai nón lởm chởm do lâu ngày không kịp cạo lên trán tôi ... Ông Hoán hy sinh năm 1970 tại một cánh rừng gần Đường 12 ở phía Tây tp Huế, khi đang giữ chức Trung đoàn trưởng dẫn một bộ phận cán bộ chủ chốt và trinh sát đi địa hình, bị máy bay trực thăng vũ trang phát hiện, bắn rốc két.

Thời kỳ Trung đoàn chiến đấu ở tp Huế và vùng Bình Điền ( Hương Trà, Thừa Thiên ), tôi và anh Chương được ông Ngô Trí Thướng bố trí công tác bên nhau, với rất nhiều kỷ niệm trong ác liệt, gian khổ.
Còn nhớ, lần hai anh em đi nhận 1 tiểu đoàn tân binh từ miền Bắc vào bổ sung cho đơn vị. Nhận quân bàn giao tại một Trạm Giao liên Đường 559 xong, chúng tôi tổ chức chỉ huy hành quân theo trục đường tạt về tây Thừa Thiên. Đến chập tối, cả đơn vị dừng lại nấu cơm ăn theo từng tiểu đội. Chẳng may, có tiểu đội lợi dụng một hốc cây làm bếp. Đó là loại cây họ dầu cao vút giữa rừng. Thế rồi lửa bén cháy dọc theo thân cây. Đang giữa mùa khô, đám lửa mỗi lúc một to. Hai anh em chúng tôi bàn với nhau: Lệnh cho toàn thể đơn vị thu dọn đồ đạc di chuyển ngay, bất luận ăn hay chưa!
Khi cả tiểu đoàn vừa rời khỏi đó chừng 2 km, thì máy bay phản lực Mỹ ập đến ném bom tới tấp. Anh em tân binh chân ướt chân ráo từ miền Bắc mới vào chiến trường được phen hú vía. Nếu không cấp tốc di chuyển ngay, chắc số thương vong sẽ không ít. Gần 500 quân ngày đó, bây giờ có ai còn sống ở phương trời nào đó, chắc chưa quên chuyện này.
Lần khác, máy bay B 57 thả bom tọa độ trúng chỗ trú quân ở khu rừng thưa gần ngã ba Hương Trà. Có hai chiếc hầm bị bom vùi lấp khá sâu. Bom ngớt, anh Chương và tôi mỗi người một cái xẻng ra sức đào bới. Nhưng khi bới tới nơi, thì mấy chiến sỹ đã chết ngạt, chân tay co quắp. Chúng tôi dùng xẻng đào huyệt an táng anh em tại chỗ. Tìm quanh không có tăng ni lông hoặc võng để bọc. Mà chúng tôi cũng không biết họ tên, quê quán, đơn vị của các liệt sĩ đó.
Đến tháng 6/1968, tôi được điều về Đại đội 20 Đặc công. Anh em chia tay nhau.
Tháng 5/ 1969, Trung đoàn tôi chiến đấu ở A Bia. Một hôm cán bộ phái viên Quân khu về làm việc. Anh Chương nhường hầm trú ẩn cho phái viên, lên ngủ hầm lộ thiên ( không nắp ). 
Đang đêm ngủ bị quả pháo của địch bắn gần đó, anh bị thương vào chân.

Anh Chương là người nhân đức, thông minh, cương trực, giàu nghị lực phấn đấu. Anh thích làm thơ, có nhiều bài hay.
Ra Bắc điều trị, an dưỡng xong, năm 1970, với bậc quân hàm Thiếu uý, cấp trên giải quyết cho anh phục viên về quê làm ruộng.
Khi anh cầm tờ Quyết định phục viên về quê, thì chị Trần Thị Thu Trúc vợ mới cưới của anh nhận được Giấy báo trúng tuyển Đại học Sư phạm. Chị định bỏ không đi học Đại học nữa, ở nhà cùng. Nhưng anh động viên chị lên đường với lời hứa là anh sẽ cố gắng học để thi đậu Đại học.

Trước khi nhập ngũ, năm 1962, anh đang học dở Lớp 9. Phục viên về quê, mặc dù đã 28 tuổi, anh vẫn nhẫn nại xin đi học lại. Tuổi nhiều xấp xỉ giáo viên. người cao to, cùng ngồi trong lớp với các em học sinh, anh nói, lắm khi ngượng lắm. Có bữa đi học về gặp bà con xã viên đi làm, anh đã tránh sang đường khác. Khi không có đường tránh, thì anh đút sách vở vào túi quần, coi như đi đâu đó về.
Cứ thế, anh cắn răng chịu đựng được 2 năm qua Lớp 9 & Lớp 10.

Tốt nghiệp Phổ thông, anh thi đỗ vào học Khoa Kế hoạch Trường Đại học Kinh tế quốc dân ( ngày đó gọi là Đại học Kinh tế Kế hoạch ). Năm 1979, tốt nghiệp, anh về công tác ở Hà Tĩnh.
Năm nay anh đã 77 tuổi, nghỉ hưu ở quê. Chị Trúc - vợ anh - cựu giáo chức nghỉ hưu, nay đã 70 tuổi. Anh chị có 3 người con . Con cái thành đạt, hai ông bà ở với nhau.
Anh Chương bị thương vào chân nên đi hơi tập tễnh. Anh hài hước nói vui rằng, sự tập tễnh này như một cái dấu chấm phẩy ( ; ) giữa cuộc đời. Quả thật, sau khi bị thương, cuộc đời anh bước sang một khúc đoạn khác. Cuộc đời trải ra như một câu văn xuôi, mà vết thương là cái dấu chấm phẩy ( ; ) ngắt câu sang đoạn khác.
Tôi nhớ, cách đây gần 50 năm, trong một lá thư từ quê anh gửi cho tôi kèm theo một bài thơ khá dài, trong đó có đoạn : 
“ Đã mang mơ ước ra đi / Anh hùng chí lớn nam nhi vẫy vùng / Một xanh cỏ, hai anh hùng / Ai ngờ gẫy cánh nửa chừng khổ thay / Chim trời ngang dọc cứ bay / Còn ta rơi giữa ruộng cày dở đang ... “.

Tôi nghĩ : Anh dẫu có dở dang đời binh nghiệp, nhưng bằng nghị lực của mình, anh đã giành lại sự trọn vẹn ! 
Đời chặn ta lối này, ta rẽ sang lối khác - miễn là cuối cùng tới đích.

Mới ngày nào chung sống bên nhau trong bom đạn ác liệt, thiếu ăn, thèm muối, sì sụp bên nồi cháo môn thục, lá tàu bay với lơ thơ một nhúm vào mà vẫn phơi phới khát vọng tuổi đôi mươi. Mà tới nay anh đã là U 80 & tôi cũng đã ngoài bảy chục - những ông CCB già thích nhớ chuyện xưa & ngẫm thế thái nhân tình thời nay.
Ôi ! Thời gian cứ lẳng lặng trôi xuôi, chẳng bao giờ đợi chờ ai.
Kính chúc anh chị “ Vui thú điền viên / Bách niên giai lão !”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét