Menu ngang

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

LẠI BÀN VỀ THAM NHŨNG

Ai cũng nói tham nhũng là quốc nạn, là nguy cơ tồn vong của chế độ.
Đảng đã có nhiều NQ, Nhà nước đã có Luật PCTN và có biết bao văn bản, rất nhiều chiến dịch, triển khai nhiều giải pháp, thành lập nhiều cơ quan chuyên trách … Nhưng hầu như tham nhũng chẳng những không bị đẩy lùi mà còn phát triển hơn, qui mô lớn hơn, trắng trợn hơn, tinh vi hơn.
Trong tham nhũng, thì tham nhũng cơ chế chính sách và tham nhũng chức quyền là nguy hại nhất. Tham nhũng cơ chế chính sách là: Tạo ra cơ chế, chính sách nhằm phục vụ cho nhóm lợi ích. Tham nhũng chức quyền là bọn nhiều tiền mà cơ hội, bất tài, thất đức, chui vào hàng ngũ lãnh đạo các cấp. Và chắc chắn, khi đã chui vào rồi, bọn chúng sẽ là sâu dân, mọt nước. Hiện tượng chạy chức, chạy quyền,“ thương mại hóa công tác cán bộ” khá phổ biến. Đến mức, người dân nói với nhau : Chức này chạy hết bao nhiêu, chức kia hết bao nhiêu.
Chức quyền là phương tiện để khai thác lợi ích. Logic là : Có tiền là có chức, có chức là có quyền, và có quyền là có lợi ích. Khi đã đầu tư tiền để chạy được chức rồi - nghĩa là thắng thầu rồi - thì ngay lập tức bằng nhiều chiêu trò sử dụng cái chức ấy để khai thác kịp hoàn vốn và tạo ra sinh lời. Và rồi họ lại chuẩn bị cho việc " đầu tư " một chức quyền lớn hơn.
Việc này, mọi người đều biết, các đồng chí lãnh đạo cũng đã nói nhiều, tại sao không mấy chuyển biến.
Có thể nói, tham nhũng xuất phát từ bản năng con người, nó là sản phẩm tất yếu của mọi chế độ. Vấn đề là, cần tìm ra nguồn gốc sâu xa, nguyên nhân trực tiếp của quốc nạn này để có kế sách đặc trị hiệu quả hơn.
Tôi nghe nói, ở Singapore, từ thời ông Lý Quang Diệu đã thiết lập một cơ chế mà mọi người không cần tham nhũng và không thể tham nhũng được.
Có một hiện tượng mà nhiều người thật sự băn khoăn, bán tin bán nghi, khó phân biệt đúng sai: Đâu là sự tham nhũng đích thực của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền. Và, đâu là luận điệu tuyên truyền chống phá, bôi nhọ của địch.
Còn tôi - Tôi khẳng định là: Không bao giờ được nhân danh chống tham nhũng, chống tiêu cực, để ủng hộ, để cổ súy và trở thành đồng minh không tự giác của bọn chống Đảng, chống chế độ, chống phá thành quả cách mạng dưới mọi màu sắc, tên gọi.
Ngược lại, bất cứ ai, cũng đừng bao giờ nhân danh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng để bao che cho các phần tử có chức có quyền đã tha hóa, thoái hóa trong Đảng, trong bộ máy công quyền hiện nay.
P/s : Khi tôi đăng bài này lên, có bạn nói đại ý rằng: Chống tham nhũng như lâu nay chỉ là chống cái ngọn - bắt từng con sâu - Vấn đề căn bản là cái gốc của nó - nơi đã sản sinh ra cả bầy sâu lớp trước, lớp sau. Tôi cho ý kiến đó là đúng.
Chỉ ra nguồn gốc, nguyên nhân của nạn tham nhũng; ban hành cơ chế, giải pháp chống tham nhũng hiệu quả là công việc của các cấp có khả năng và có thẩm quyền.
Với tôi - Tôi chỉ nêu ra mấy hiện tượng mà chắc rằng ai cũng biết :
Tham nhũng chỉ diễn ra trong bộ máy công quyền và các Doanh nghiệp Nhà nước. Ngân sách Nhà nước ( tiền của dân đóng góp ) và tài nguyên Quốc gia ( từ ngàn xưa để lại ) đang bị một nhóm người thao túng, chia chác. Đương nhiên, người dân không ai có điều kiện để tham nhũng.
Các doanh nghiệp tư nhân, các Công ty TNHH chẳng mấy khi có tham nhũng - Bởi không ai tham nhũng cái của mình. Các vụ án điển hình làm thất thoát hàng mấy nghìn tỷ đồng, hàng chục nghìn tỷ đồng của Nhà nước mà bị can đều là cán bộ có chức, có quyền trong bộ máy công quyền. Phải chăng, " Công hữu hóa " , " Cơ chế xin cho " đã và đang là mảnh đất màu mỡ của tham nhũng !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét