Vinh danh, ghi nhận thành tích của cá nhân, tổ chức nào đó vốn là hoạt động cần thiết, bình thường của xã hội. Nhưng những cá nhân, hoặc tổ chức được vinh danh một cách thái quá, thậm chí vinh danh cả khi làm ăn kém hiệu quả đã làm lẫn lộn giá trị thật và giá trị "ảo", đẩy tới tình trạng loạn danh xưng, tạo cơ hội cho bệnh phô trương, sính hình thức... hoành hành.
Cách đây không lâu, xảy ra một sự việc liên quan danh xưng khiến dư luận bàn ra tán vào, đó là đêm nhạc của một tác giả tổ chức vào tháng 4-2014. Giấy mời dự đêm nhạc in khá công phu được gửi đi, khiến nhiều người thắc mắc chưa từng nghe tên nhạc sĩ nọ. Nhưng, căn cứ vào giấy mời thì nhạc sĩ quá nổi tiếng, quá tài năng, ông vừa là nhạc sĩ, vừa là tiến sĩ, đồng thời là "nhà khoa học thế giới" (thiết tưởng, là nhà khoa học thì ở Việt Nam hay thế giới vẫn là nhà khoa học, chẳng lẽ lại phân biệt "nhà khoa học Việt Nam" với "nhà khoa học thế giới"?). Chưa hết, nhạc sĩ còn được giới thiệu là nhà thơ, nhà văn, nhà soạn nhạc. Thậm chí, căn cứ vào nội dung giấy mời, ông còn có "những tác phẩm bất hủ được lưu trữ vĩnh viễn trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc".
Tại đêm nhạc, người thưởng thức được tiếp xúc thể loại âm nhạc gọi là CROR của nhạc sĩ kiêm "nhà khoa học thế giới" này. Trả lời thắc mắc của công chúng, nhạc sĩ giải thích: CROR là các chữ cái đầu của bốn dòng nhạc Classique, Romantique, Opera và Rock. Ông đã sáng tạo bằng cách trộn cả bốn thể loại này thành một loại âm nhạc của riêng mình. Và ông cũng định danh các nốt nhạc trong CROR gồm: nốt tròn, nốt không tròn, nốt vuông, nốt méo, nốt nhọn và nốt thần kinh(!). Không những thế, ông còn cho biết, mỗi tác phẩm là sự kết hợp nhiều thể loại nghệ thuật, bao gồm thơ, nhạc, vũ, kịch, hội họa, điện ảnh và truyện ngụ ngôn.
Không rõ "sáng tạo" của nhạc sĩ siêu việt thế nào, có hấp dẫn khán giả hay không, và giả sử hỏi về tác phẩm của ông, thì liệu giới chuyên môn có thể giải mã hay bó tay? Mặc dù được tôn xưng "CROR sinh ra để dấn thân vào "sứ mệnh" của một loại hình âm nhạc diễn tả cuộc sống của nhân gian, đi vào trái tim con người để thấu hiểu hoàn cảnh, số phận nhiều biến động của họ", "ngòi bút của nhạc sĩ phải thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt của nhân loại mới có thể viết được cho nhân sinh, âm nhạc phải viết bằng trái tim, bằng tâm hồn chứ không phải đơn thuần là kỹ thuật âm nhạc gò bó, công thức", nhưng kỳ lạ là thứ âm nhạc tuyệt vời này vẫn chưa thấy (không thể?) phổ cập trong đời sống!
Chuyện chưa lắng xuống thì trung tuần tháng 6 qua, 600 cuốn sách của một doanh nhân bị đình chỉ phát hành và bị tịch thu, do xuất bản không đúng bản thảo được cấp giấy phép, quảng cáo sai quy định tại một hội chợ, đã thu hút sự quan tâm của báo chí. Nguyên do là trên bìa cuốn sách có dòng chữ mập mờ, khó hiểu: "Những cuốn sách đổi đời do Chủ tịch X chọn cho thanh niên Việt". Sẽ không xảy ra tình trạng khó hiểu, nếu cuốn sách nói rõ đây là "chủ tịch một tập đoàn" và cuốn sách này nằm trong "Chương trình 100 triệu cuốn sách" phục vụ cộng đồng do chính tập đoàn khởi xướng và thực hiện. Xin nói thêm là cùng thời gian, nhiều biển quảng cáo ngoài trời này đã bị thu hồi, bởi nội dung tương tự, vì gây hiểu lầm do thông tin mập mờ.
Việc một tập đoàn kinh tế lựa chọn các cuốn sách có giá trị rồi in ấn và phát tặng cộng đồng, đặc biệt hướng tới giới trẻ, với mục đích "đọc để thay đổi", "đọc để mài chí và hành động cho một Việt Nam hùng mạnh, ảnh hưởng và trường tồn, trước mọi mối đe dọa - thiên tạo lẫn nhân tạo", là việc làm ý nghĩa. Điều đáng nói ở đây không phải là "của cho", mà là "cách cho". Có nhất thiết phải in trên các ấn phẩm những dòng chữ dễ gây hiểu nhầm, dễ suy diễn như vậy không? (Thậm chí, dòng chữ này in trên sản phẩm quà tặng có thể khiến người nhận có cảm giác như được ban ơn?). Tại sao không đơn giản là "một món quà nhỏ mong muốn giúp bạn sáng tạo và đổi đời"? Nếu cuốn sách bổ ích, người đọc ắt sẽ biết người cần phải cảm ơn là ai, không nhất thiết phải in tên trên bìa một như lời nhắc nhở.
Tại một diễn đàn trên mạng, nhiều bạn đọc tỏ ý bất bình về sự kiện, có ý kiến thẳng thắn bày tỏ: "Nếu viết là chủ tịch tập đoàn... hay gì đó thì được. Còn không sẽ gây hiểu sai", "Cái bảng treo ở công ty viết sao cũng được, nhưng treo ra ngoài thì bị tuýt còi là đúng. Hám danh và ngông cuồng đã thành bệnh của nhiều người có chút thành tựu". Kết quả là gần 600 cuốn sách bị thu hồi. Một số pa-nô bị tháo dỡ. Một số khác tiếp tục được sửa đổi để minh bạch thông tin, tránh gây hiểu lầm. Nhưng một lượng sách lớn đã được phát hành. Một lượng lớn pa-nô, biển quảng cáo của tập đoàn này được treo ở một số tỉnh, thành phố, cửa hàng và điểm công cộng không rõ nay có còn không? Rõ ràng, dù muốn hay không thì sự việc cũng rất đáng tiếc, ít nhiều làm suy giảm tình cảm của công chúng về một việc làm lẽ ra rất ý nghĩa. Và hiệu quả của chương trình tặng sách bị giảm sút về hiệu ứng xã hội, vì một nguyên nhân không đáng có.
Nhắc tới hai trường hợp thời sự kể trên, cũng nên đề cập tới tình trạng khoe danh, khoe thành tích đang có xu hướng ngày càng tăng. Không khó để bắt gặp những tấm các-vi-dít, hoặc thông tin in trên bìa sách liệt kê chi chít như báo cáo thành tích. Nào là: "Luật gia V tốt nghiệp bằng đỏ trường đại học...", "Nghiên cứu sinh ngắn hạn tại Xin-ga-po...", "Giám đốc trung tâm tư vấn A... Chủ tịch hội B... Chủ tịch hội C... Chủ nhiệm khoa D...", "Tiến sĩ, vũ sư, giảng viên đại học, từng viết chuyên đề ABC, từng tham gia các chương trình XYZ"; hay "nhà thơ, đại biểu tham dự hội nghị viết văn trẻ lần thứ..., từng có bài trả lời phỏng vấn trên các báo..., từng là khách mời của các chương trình truyền hình...". Cứ theo kiểu liệt kê, báo cáo thành tích này, thì có lẽ tấm các-vi-dít, hoặc những dòng thông tin vắn tắt trên bìa sách về tác giả chắc phải to bằng tờ giấy A4 may ra mới chứa nổi thông tin mà chủ nhân muốn thông báo. Có người còn "vui tính" đến mức liệt kê cả những đám tang - theo họ là quan trọng - mà họ từng tham dự. Lại có người khi in danh thiếp đã bệ ngay cả chữ Dr vào trước tên của mình, mà không biết Dr là viết tắt của chữ doctor (bác sĩ, tiến sĩ). Như thể có Dr thì danh tính mới "sang", mới "đẳng cấp", chẳng cần biết đẳng cấp không phải là thứ cứ muốn là có được.
Thực tế đã xảy ra một số trường hợp nhầm lẫn về thông tin chức danh gây hiểu lầm, dẫn đến tình trạng nhiều danh xưng "mọc lên" do tự phong tặng tùy tiện. Từng có tại một hội thảo, một khách mời được giới thiệu là giáo sư, trong khi người đó không phải là giáo sư. Thường khi xảy ra sự nhầm lẫn như vậy, người bị giới thiệu sai sẽ đứng lên đính chính, không để cử tọa hiểu lầm. Vậy nhưng, có trường hợp người bị giới thiệu sai lại không hề phản hồi, đính chính, mà tảng lờ, mặc người nghe bị nhầm lẫn. Điều đáng nói là từ đó về sau, nhiều người lại tưởng ông này là giáo sư thật. Các thông tin cá nhân về ông mặc nhiên được gắn thêm hai chữ "giáo sư". Sự im lặng trong trường hợp này là rất khó chấp nhận, dù "người trong cuộc" lại có thể thanh minh, mình không tự nhận chức danh ấy, nhưng việc tảng lờ không đính chính khi thông tin về cá nhân thiếu chính xác, liệu có phải là "lập lờ đánh lận con đen"? Chưa kể trường hợp, có người mua bằng cấp "ảo" ở nước ngoài, rồi tự vinh danh tại một buổi lễ tự tổ chức.
Một chủ doanh nghiệp lớn ở Hà Nội từng than phiền, năm nào đến ngày Doanh nhân Việt Nam anh cũng bị hành bởi đủ các kiểu mời chào, chỉ bảo cách đạt được các danh hiệu như "doanh nhân tiêu biểu", "doanh nghiệp xuất sắc". Nhưng vị doanh nhân đã một mực từ chối, thậm chí còn bày tỏ sự bất bình bởi nạn "mua danh" này. Song, dù tán đồng hay không, anh vẫn phải thừa nhận, tình trạng này đang hoành hành giới doanh nghiệp, nhưng không phải ai, không phải doanh nghiệp nào cũng có bản lĩnh khước từ cơ hội "vinh danh", dù chỉ là màn diễn để lấy thành tích "ảo". Thực tế, đơn vị tổ chức sự kiện có giấy phép kinh doanh, dù không mấy người biết tên. Lễ tôn vinh vẫn sẽ hoành tráng. Bằng khen, cúp trao tặng sẽ rất lộng lẫy. Và bảng thành tích của doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục có cơ hội được nối dài. Khách hàng nhìn thấy mà thêm phần tin cậy. Vậy là chỉ cần bỏ tiền ra, có thể mua về bao nhiêu lợi lộc! Chẳng thế mà những tổ chức "dịch vụ vinh danh" đua nhau mọc lên, rầm rộ tổ chức sự kiện.
Rõ ràng giá trị của một cá nhân, tổ chức đâu phụ thuộc vào danh xưng, mà ở việc làm, thái độ ứng xử, hiệu quả và những đóng góp đối với xã hội, con người. Để góp phần lành mạnh hóa đời sống, để các giá trị đích thực được tôn vinh xứng đáng, những giá trị "ảo" bị loại bỏ, rất cần thái độ và tiếng nói từ chính cộng đồng.
THI PHONG
Theo : NDDT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét