Menu ngang

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

An Thuyên-vẫn ngân nga một “Dòng sông thi ca”

QĐND
 - Nhạc sĩ An Thuyên đã đột ngột ra đi. Với mọi người từng cùng sống, từng nghe tiếng hát, âm nhạc và ca khúc của anh có lẽ không ai chịu đựng nổi sự mất mát, hụt hẫng thế này!
Với những nghệ sĩ trên cõi đời, ai cũng thường xuất hiện và dâng hiến cho mọi người những cái đẹp cùng những điều ý vị đến không ngờ, An Thuyên là một trong những nghệ sĩ như thế và không chỉ như thế, ngoài âm nhạc anh còn là một tâm hồn, một nhân cách, một ý chí san sẻ, cưu mang nâng bước, thúc đẩy những con người, những tập thể vươn lên trên con đường nghệ thuật và cuộc sống.
Mới hôm nào một chàng trai xứ Nghệ, một sĩ quan trẻ từ Quân khu 4 ra nhập học trường Trung cấp Nghệ thuật Quân đội. Mới hôm nào, chúng tôi đến nghe buổi biểu diễn tốt nghiệp của anh cùng Văn Thành Nho. Những tác phẩm tốt nghiệp của các anh đều vượt khỏi tầm vóc của một trường trung cấp đã đến hồi eo hẹp trước yêu cầu phát triển văn hóa, nghệ thuật trong quân đội và đất nước. Ngôi trường phải đổi mới, nâng cấp và chính An Thuyên là người dám nghĩ, dám làm, dám đứng mũi chịu sào cùng anh em làm văn hóa nghệ thuật trong quân đội nâng trường trung cấp thành trường cao đẳng, rồi Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Không phải vì ý muốn chủ quan của số đông người, không chỉ vì nhu cầu, điều quan trọng là sức vóc, niềm đam mê của An Thuyên và cả một tập thể nghệ sĩ, cán bộ quân đội đã đủ độ để tạo dựng một cơ đồ mới.
Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên. Ảnh: VÕ HÀ.
“Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Hành quân lên Tây Bắc”, “Khi xe tăng qua miền quan họ”, “Thơ tình của núi”, “Chín bậc tình yêu”… An Thuyên lạ thật, đâu chỉ ví, giặm quê mình, âm điệu dân ca khắp miền đều nhập vào anh tự nhiên, nhuần nhuyễn đến thế để cho ra những ca khúc dân ca hiện đại đẹp cả tình lẫn ý, cả nhạc lẫn lời. Khó có thể lý giải sự thành công của anh ngoài nỗi yêu thương con người cùng tài năng riêng có của nghệ sĩ. “Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà” (phỏng thơ Quang Huy) lại là một bất ngờ đáng yêu khác của An Thuyên khi anh thấm vào người chất Nga, hòa quyện tâm hồn Nga-Việt trên công trường thế kỷ thay trời đổi đất cùng nhịp điệu giục giã trong công cuộc đổi mới đất nước. Ấy là những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước. An Thuyên có cái tài của người thấm đẫm chất dân gian, lại bắt nhạy với những biến diễn cuộc sống và luôn dư sức để nhuần nhuyễn và nâng tầm chưng cất khái quát từ âm nhạc và cuộc sống. Nhạc sĩ quân đội Đinh Công Thuận nhận xét rằng âm nhạc của nhạc sĩ An Thuyên thành tạo ba nhóm chính, tất cả đều nhuần nhị, sâu sắc. Đó là An Thuyên người lính, An Thuyên dân gian và An Thuyên triết lý. Với chất lính, chất dân ca đã rõ khi liên tiếp những ca khúc và nhạc không lời, giao hưởng của anh ra đời trong những năm sau này như: “Mẹ Việt Nam anh hùng”, “Ca dao em và tôi”, “Huế thương”, “Neo đậu bến quê”, “Chiều sông Thương”… Còn triết lý, trong concerto cho sáo và dàn nhạc giao hưởng cùng các ca khúc “Ông vua đi cày”, “Dòng sông thi ca”, “Chú cuội chơi trăng”, “Phật Bà nghìn mắt nghìn tay”… Sau tất cả còn lại là thi ca của con người, phải chăng dòng sông thi ca chảy mãi cùng thời gian, không gian đã cuốn An Thuyên đã và đang đi mãi cùng dòng sông tâm hồn người dân, chiến sĩ đất nước này.
Có một An Thuyên nhạc sĩ tài ba. Có một An Thuyên Thiếu tướng, Hiệu trưởng một trường đại học văn hóa nghệ thuật có uy tín cao của đất nước. Và có một An Thuyên người bạn của biết bao người. Tôi còn nhớ chính anh đã khơi nguồn tài năng âm nhạc nơi đồng bào các dân tộc thiểu số khi mời các em thiếu nhi có năng khiếu ở Tây Nguyên và nhiều vùng về học trong trường. Tôi nhớ lời anh dặn các thầy cô giáo và học viên trước khi đến biểu diễn cho các cơ quan, đơn vị, trong đó có Báo Quân đội nhân dân: “Vô tư, hết mình đi. Chúng ta cùng nguồn cội, cùng bến bờ”.
Và tôi nhớ một An Thuyên đa tài, anh say sưa tổ chức cho thầy trò trong trường tập và chơi bóng bàn theo hướng có bài bản và anh là người cầm vợt tham gia cổ vũ ngay cả khi anh bị ngã, chấn thương. Tôi cũng rất nhớ An Thuyên chụp ảnh với con mắt ham phát hiện, khám phá… Dường như với ai, với bất cứ việc gì An Thuyên cũng sẵn lòng chia sẻ. Chúng tôi vẫn nhớ sau những cuộc làm việc, cuộc thi đấu thể thao cùng nhau là miên man chuyện bên mâm cơm ăn tươi của lính.
Anh vẫn còn những sáng tác dở dang và bao điều ấp ủ. Anh vẫn còn những cuộc hẹn đến nghe ca khúc mới của anh, xem ảnh anh chụp, cả nghe nhạc qua băng cối rất nét và ấm của một thời… Nhớ, thương tiếc An Thuyên, những cung bậc, sắc độ của “Dòng sông thi ca” đang ngân nga trong mỗi chúng ta.


                                                                       MẠNH HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét