Tản văn - 'món ăn nhanh' gây tranh cãi
Phạm Hoài Nam xem thể loại này như fast food, làm người ta nhớ với phong vị riêng nhưng Đỗ Hoàng Diệu phản biện 'fast food vẫn bị e dè do độc hại.
Tản văn, tạp văn, tùy bút hay đoản văn trước đây xuất hiện lác đác, nhưng trong một thập kỷ trở lại đây, thể loại này ngày càng nhiều. Chỉ riêng Nhà xuất bản Trẻ đã in tới 46 cuốn trong ba năm. Sáu tháng đầu năm nay, đơn vị này phát hành 18 đầu sách tản văn, với 32.000 bản được ấn hành ở Hà Nội. Trung bình, mỗi đầu sách tản văn in 2.000 bản.
Lượng người viết tản văn tăng cao, nhiều cây bút đã gây dựng được tên tuổi. Tác giả miền Nam thành công có Phan Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, miền Bắc có Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý. Trong khi Nguyễn Ngọc Tư có chất giọng riêng về đời sống sông nước, Phan Vàng Anh thể hiện chất trí tuệ, sắc sảo khía vào thực tế đời sống, Nguyễn Trương Quý cung cấp hiểu biết về Hà Nội đương thời thì Nguyễn Việt Hà có lối viết đạt được mẫu mực của thể loại.
Tuy vậy, vẫn có không ít ý kiến trái chiều về thể loại tản văn. Một buổi tọa đàm có tên "Tản văn có phải fast food (đồ ăn nhanh)?" được tổ chức tối 1/7 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp l'Espace, Hà Nội, với sự tham gia của các diễn giả: nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Đỗ Phấn, nhà văn Trương Quý. Đông đảo giới viết văn, phê bình, cùng bạn đọc cũng đồng hành cùng chuyên gia để định danh thể loại, phân tích những ảnh hưởng của nó trong đời sống văn học hiện đại.
Từ trái qua: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Trương Quý, nhà văn Đỗ Phấn tại buổi tọa đàm. Ảnh: Mai Kỳ.
|
Từ khía cạnh lý luận văn học, nhà phê bình Hoài Nam nói: "Tôi thấy tản văn có ba đặc điểm: Phi hư cấu, gắn với báo chí, không có cấu trúc viết nhất quán". Nhà phê bình Mai Anh Tuấn lại nói: "Tôi đồng ý tản văn đang bùng nổ. Nhưng tôi cho rằng, thể loại này ở Việt Nam hiện nay có tới hai phần ba là hư cấu. Tôi nghĩ để có tản văn hay, hãy loại bớt hoài niệm, hồi ức, mà chú ý tới chất khảo cứu, ví dụ các cuốn Xe máy tiếu ngạo và Còn ai hát về Hà Nội".
Bàn về chất lượng, nhà phê bình Phạm Hoài Nam ví thể loại với món fast food (đồ ăn nhanh) thời hiện đại, bởi nó được chế biến, tiêu thụ nhanh. "Thức ăn nhanh có nhiều loại... Nhưng đôi khi nó khiến người ta nhớ không phải vì ngon, mà vì phong vị riêng, lạ" - Hoài Nam nói.
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu phản biện: "Tôi không đồng ý ví tản văn với fast food. Rất nhiều người thích ăn đồ ăn nhanh, vì nó có nhiều đường, nhiều muối, tạo vị ngon. Nhưng người ta vẫn e dè fast food vì sợ nó độc hại. Còn tản văn, có nhiều cuốn hay, không thể ví nó với thứ ngon mà độc hại được".
Sáu đầu sách tản văn vừa ra mắt hôm 1/7.
|
Nhiều người viết từng cho rằng tản văn chỉ là văn chương loại hai. Bản thân Nguyễn Việt Hà có lúc cũng mặc định tản văn "là thể loại nhí nhảnh, thể loại lót đường trong lúc chưa ra được tác phẩm dài hơi như tiểu thuyết". Nhưng sau khi cuốn Con giai phố cổ trở thành bestseller, nhà văn đã thay đổi suy nghĩ. Ngay cả trong tiểu thuyết mới nhất Ba ngôi của ngườicủa anh, có lẫn cả tản văn vào 70 trang đầu. Điều đó nói lên sức nặng của thể loại này, với sức mạnh vượt qua giới hạn của thể loại, trở thành một cách kể.
Nói tới chuyện bếp núc sáng tác, nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ ông viết tản văn từ sự đặt hàng của một người bạn làm báo. 15 năm qua ông giữ một chuyên mục tản văn trên báo chí. Ông nói: "Trên thực tế tôi không dành nhiều thời gian, tâm sức để viết tản văn. Tản văn không dụng công như truyện ngắn, nó chỉ là lát cắt hết sức nhỏ trong cuộc đời. Tản văn của tôi là những suy nghĩ tản mạn, vu vơ, đôi khi không tác động nhiều tới cuộc sống".
Tác giả của Dằng dặc triền sông mưa luôn bị quy định số chữ khi viết tản văn. Ông nói: "Tản văn là thể loại vô cùng tốn chữ, bởi càng viết ít, ta càng phải chọn chữ. Vì vậy, nó là môi trường để ta rèn cách viết. Tôi mới có sáu cuốn tản văn thôi, nhưng chính quá trình lâu dài rèn viết tản văn cho ngay ngắn, mà tạo cho tôi thói quen khi cầm bút viết tiểu thuyết được dễ dàng, trơn tru".
Lam Thu
Theo : VnExpress
Theo : VnExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét