Menu ngang

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

MỘT VIỆC LÀM Ý NGHĨA NHÂN NGÀY TBLS 27/7
 KHẮC TẠC BÀI THƠ LÊN BIA ĐÁ

VIẾT BÊN MỘ LIỆT SĨ VÔ DANH
                                     Nhà thơ Tuyết Nga

Nấm mồ xanh
như một giọt lệ ngưng
trên hình hài Tổ quốc
chúng tôi đến bên anh như lá xanh non cúi nhìn cội rễ
một màu thạch thảo thanh tao

Từ nơi nào mẹ đã tiễn anh đi?
mái rạ, bờ đê hàng cây, góc phố…
đê vẫn xanh và bờ cây còn gió

Từ nơi nào…
mắt ướt chia ly
bờ vai khép phượng hồng vào kỷ niệm
đất nước ngày lửa đạn
các anh đi biếc cả rừng già

Anh trở về với cỏ lặng im
mặt trời ngang qua dịu dàng nghiêng nắng
mùa thu ngang qua khẽ khàng buông lá
đất dâng lên khói sương lời ru…

Có một Ước Mơ trời xanh còn nhớ
có một Tình Yêu mùa thu còn giữ
có một Tuổi 20 đất nước ủ trong lòng
                                                      
                KHẮC TẠC BÀI THƠ LÊN BIA ĐÁ -
              TÂM NGUYỆN THÀNH HIỆN THỰC
               Cựu Chiến Binh - PGS - TS Nguyễn Thị Quy

PGS - TS Nguyễn Thị Quy và Ông Trần Thạch, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Hải Lăng

        Đã 40 năm đi qua, Đất nước ngừng tiếng súng. Vết thương đạn bom của cuộc chiến đã dần lành lại. Nhưng nỗi đau mất mát về sự ra đi không trở về của những người lính vẫn còn mãi nhức buốt nơi con tim những người đang sống. 
       Tâm nguyện của tôi đã được ấp ủ từ lâu. Khởi nguồn từ khi tôi được một người bạn là nhà thơ Tuyết Nga, đề tặng mấy câu thơ dưới tấm ảnh tôi chụp hồi mới nhập ngũ ( 14/6/1972). Thơ về Ước mơ, về Tình yêu và về Tuổi 20 - lứa tuổi đẹp nhất của một đời người.
        Tuyết Nga viết bài thơ  VIẾT BÊN MỘ LIỆT SỸ VÔ DANH đã từ rất lâu nhưng chưa một lần công bố. Thế rồi, một sáng đầu xuân 2015, chúng tôi ngồi bên hồ, giữa lòng Hà Nội, cùng cảm nhận mùi hương hoa bưởi ngan ngát bay và tận hưởng cái lạnh của mùa Xuân còn đọng lại. Trong cái không gian trong lành và sâu lắng ấy, Tuyết Nga đọc lại cho nhóm bạn tôi nghe trọn vẹn bài thơ đó. Không hiểu vì mình cũng đã từng là người lính hay bởi cảm xúc từ bài thơ quá dữ dội, mãnh liệt... mà nước mắt tôi cứ thế rơi, thổn thức... Lời thơ cứ thế, cứ thế...nhẹ nhàng, lặng lẽ dắt tôi về bên những "mái rạ, bờ đê, hàng cây, góc phố", nơi chứng kiến cảnh mẹ già, tấm lưng còng, mái tóc điểm bạc tiễn con ra mặt trận, nơi " mắt ướt chia ly", " bờ vai khép phượng hồng vào kỷ niệm...", " các anh đi biếc cả rừng già..."
Ngày chiến thắng, đất nước khải hoàn ca, nhưng, các anh, những đồng đội của tôi đã ngã xuống, vĩnh viễn " về với cỏ lặng im" khi " đê vẫn xanh và hàng cây còn gió"...
Trái tim người lính chưa một phút bình yên nơi tôi; cảm xúc thiêng liêng về sự mất mát, hy sinh của các Liệt sỹ vẫn đè nặng trong lòng. Cuộc hành trình của tôi bắt đầu từ các cuộc điện thoại, từ những địa chỉ tôi chưa một lần biết đến. Gọi và xin phép được mang về bên các nấm mộ Liệt sỹ vô danh MỘT TẤM LÒNG!
Và, tâm nguyện của tôi đã được Anh - người lính già một thời bôn ba trận mạc chia sẻ - được những người em đồng vọng, được lãnh đạo huyện Hải lăng nhiệt tình giúp đỡ, được các hoạ sỹ và nghệ nhân ngày đêm miệt mài khắc, vẽ để tấm Bia được hoàn tất trước ngày 27/7- ngày TBLS.
Chúng tôi lên đường trong cái nắng nóng oi nồng giữa những ngày tháng 7 để thực hiện một tâm nguyện - dâng tấm Bia khắc bài thơ VIẾT BÊN MỘ LIỆT SỸ VÔ DANH  của nhà thơ Tuyết Nga tới hương hồn anh linh các Liệt sỹ- những người lính đã vĩnh viễn nằm xuống trong lòng Đất Mẹ yêu thương. Đoàn chúng tôi dừng chân là Nghĩa trang huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nơi yên nghỉ của gần 2.000 ngôi mộ Liệt sỹ có tên và chưa biết tên.
Đoàn chúng tôi gồm 6 người, là những cựu chiến binh và những người bạn đến từ Trường Đại học Ngoại thương và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Người lớn tuổi nhất là một vị tướng già đã ngót 70 nhưng vẫn còn phong độ. Điều đáng trân quý nhất là tình nghĩa son sắt thuỷ chung mà ông luôn dành cho người lính, những người đã cùng một thời xông pha trận mạc trên các chiến trường. Nếu không có sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của ông, chúng tôi đã không thể thực hiện được ý nguyện của mình.
Chúng tôi đi xuyên đêm, trên một chuyến tàu không mấy êm ả. Ít ai ngủ được. Tàu lắc lư, tròng trành nỗi nhớ và những ký ức.
 Chúng tôi đến Đông Hà vào lúc 10h trưa, tàu đến trễ hơn một tiếng rưỡi. Mọi công việc chuẩn bị cho Lễ dâng Bia đã xong.
 Đúng 11h 30 ngày 13/7/2015 tấm Bia chính thức được gắn tại nghĩa trang Huyện Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị.
 Xin Anh linh các Liệt sỹ hãy nhận lấy tấm lòng thành kính, tri ân từ chúng tôi - những người đang được sống trong hoà bình, hạnh phúc. Đó là tiếng lòng, là lời ru muốn được vọng tới các Anh mãi ngàn năm.

"...Có một Ước mơ trời xanh còn nhớ
có một Tình yêu mùa thu còn giữ
có một Tuổi 20 Đất Nước ủ trong lòng".


                         LỜI CỦA NHÀ THƠ TUYẾT NGA

            Chị là một nữ chiến sĩ độ tuổi 20 ngày nào, giờ là một nhà khoa học, nhà quản lý của một trong những trường đại học danh tiếng nhất đất nước. Anh là một vị tướng già từng một thời tuổi trẻ dạn dày trận mạc, nhiều lần bị thương, được đồng đội cõng về từ cõi chết. Và bạn, và em… những người lớn lên sau chiến tranh, chỉ được nghe kể về mất mát về đạn bom như nghe về cổ tích. Các anh chị, các bạn, các em, tháng 7 này, đã mang bài thơ của tôi đi cùng trong một chuyến đi về nơi yên nghỉ của những người lính một thời đã hy sinh vì đất nước. Cho tôi có cơ hội được chứng kiến tình đồng đội ấm áp của những người lính, chứng kiến cảm xúc thiêng liêng mà các liệt sĩ đã để lại trong lòng hậu thế. Để tôi tin những điều tốt đẹp sẽ trường tồn, cho dù cuộc sống có đi đến đâu.
          Ngày đó,  khoảng những năm 1987-1989, khi bắt gặp một ngôi mộ cỏ nằm im lìm dưới tấm bia mộc khắc dòng chữ "Tên Anh chúng tôi không biết, nhưng Chiến Công Anh Tổ quốc mãi mãi ghi nhớ", tôi đã khóc. Bản năng của một người phụ nữ đã khiến tôi chỉ muốn dang tay ôm lấy người nằm dưới có. Họ, những người lính đã ngã xuống vì đất nước, còn quá trẻ. Và bài thơ chính là vòng ôm thiêng liêng đó.  Là người làm thơ, tôi luôn cảm thấy một nỗi bất lực khủng khiếp mỗi khi muốn viết về những hy sinh mất mát mà đất nước mình, những thế hệ trước mình đã trải qua. Cũng vì thế mà bài thơ VIẾT BÊN MỘ LIỆT SĨ VÔ DANH của tôi, được viết từ rất lâu, nhưng tôi chưa một lần công bố chính thức.
         Rồi bắt đầu từ một kỷ niệm của chính chị, chị tình cờ biết đến bài thơ này của tôi. Có vẻ như bài thơ đã chạm tới miền tâm thức sâu thẳm chưa từng bình yên nơi chị. Chị bắt đầu một cuộc hành trình. Tìm mọi cách để có một địa chỉ, gặp bất cứ ai có thể có chút khả năng giúp chị thực hiện ý nguyện. Chị gặp được vị tướng già sau thời trận mạc nhưng trái tim vẫn đáu đáu về đồng đội, gặp những người bạn, người em đồng cảm trong ước nguyện trước những người đã hy sinh.
        Từ nay, bài thơ, nói chính xác hơn là tấm lòng, tình cảm của các anh chị, các bạn, sẽ hiện diện nơi gần 2.000 trái tim Liệt sĩ đang yên nghỉ. Nó là lời ru mà tất cả chúng ta muốn ru giấc ngủ các anh, những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

                                       Thái Minh Hưng ghi chép, biên tập











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét