Menu ngang

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Một Tuyết Nga nữa mà tôi biết


                                                                                                                                                                                                  Phan Chi





VIẾT BÊN MỘ LIỆT SĨ VÔ DANH
                          

Nấm mồ xanh
như một giọt lệ ngưng
trên hình hài Tổ quốc
chúng tôi đến bên anh như lá xanh non cúi nhìn cội rễ
một màu thạch thảo thanh tao

Từ nơi nào mẹ đã tiễn anh đi?
mái rạ, bờ đê hàng cây, góc phố…
đê vẫn xanh và bờ cây còn gió

Từ nơi nào…
mắt ướt chia ly
bờ vai khép phượng hồng vào kỷ niệm
đất nước ngày lửa đạn
các anh đi biếc cả rừng già

Anh trở về với cỏ lặng im
mặt trời ngang qua dịu dàng nghiêng nắng
mùa thu ngang qua khẽ khàng buông lá
đất dâng lên khói sương lời ru…

Có một Ước Mơ trời xanh còn nhớ
có một Tình Yêu mùa thu còn giữ
có một Tuổi 20 đất nước ủ trong lòng

                            Nhà thơ Tuyết Nga

Nhà thơ Tuyết Nga sinh năm 1959 tại thành phố Vinh (Nghệ An); hiện sống và làm việc tại Hà Nội; Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Chị đã xuất bản các tác phẩm thơ: Viết trước tuổi mình (1992), Ảo giác (2002), Hạt dẻ thứ tư (2008) và nhận được các giải thưởng của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam (năm 1993), Báo Văn Nghệ (1995), Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2003)...

Chị công bố tác phẩm không nhiều, mỗi tập thơ vài chục bài. Song như một nhà lý luận phê bình đã nhận xét: "Sức hấp dẫn của thơ Tuyết Nga không chỉ nằm ở độ đằm sâu của tình cảm, ở cách nói kiệm lời, ở những hình ảnh có khả năng gây ám ảnh mà còn ở cách diễn đạt khá hiện đại"..., thơ Tuyết Nga cho tôi cảm giác khó mà hiểu hết, hiểu đến tận cùng điều chị muốn nói.

“Anh đến từ xa thẳm
một mùa ta đã quên cúc bất tử ven đường
một vùng sóng không reo không gầm gào
biển đứng…
bỏ lang thang ký ức ngủ hiên nhà.”
(Bài “Hơi ấm”)

Nhưng khi đọc bài Viết bên mộ liệt sĩ vô danh của chị, tôi bắt gặp một Tuyết Nga khác. Đúng hơn là một giọng thơ Tuyết Nga khác. Dung dị, dễ hiểu. Không nặng tư duy trừu tượng, mà để cho cảm xúc chân thành cầm tay dẫn lối. Nếu ai quen biết Tuyết Nga, thì đây chính là người thơ ngoài đời.

Như mọi khi, hình ảnh trong thơ Tuyết Nga thường lạ và đắt:
Nấm mồ xanh
như một giọt lệ ngưng
...
chúng tôi đến bên anh như lá xanh non cúi nhìn cội rễ

Tôi để ý thấy Tuyết Nga rất ít khi dùng chữ "như" mà lần này chị bỏ thói quen đó. Bởi chỉ là như thôi, không thể là sự thật là "lá xanh non cúi nhìn cội rễ ". Một liên tưởng chuyển tải đầy đủ sự biết ơn của những thế hệ sau đối với các lớp người đi trước đã ngã xuống cho mình có ngày hôm nay.

Tác giả xác định sự vô danh của người liệt sĩ theo cách của mình:
Từ nơi nào mẹ đã tiễn anh đi?
mái rạ, bờ đê hàng cây, góc phố…
đê vẫn xanh và bờ cây còn gió

Từ nơi nào…
mắt ướt chia ly
bờ vai khép phượng hồng vào kỷ niệm

Những hình ảnh mái rạ, bờ đê, hàng cây, góc phố, mắt ướt chia ly, bờ vai phượng hồng kỷ niệm... tưởng chừng quá nhiều người dùng rồi, không nhà thơ chuyên nghiệp nào dám dùng lại. Vậy mà Tuyết Nga dùng, dùng vì người chiến sĩ sau này thành liệt sĩ vô danh đúng là ra đi từ những thứ đời thường ấy. Chỉ có khác, hàng triệu các anh:
các anh đi biếc cả rừng già

Từ một nấm mồ xanh, tác giả khái quát sang nhiều nấm mộ, hàng ngàn nấm mộ, cả một hai thế hệ biếc cả rừng già.

Chỉ một hồn thơ nữ dịu dàng mới có thể viết:
Anh trở về với cỏ lặng im
mặt trời ngang qua dịu dàng nghiêng nắng
mùa thu ngang qua khẽ khàng buông lá
đất dâng lên khói sương lời ru…

Anh là con, mãi mãi là con của đất mẹ, mẹ mãi mãi ru anh. Anh không chết, anh chỉ là đang ngủ trong lòng mẹ.

Bài thơ khép lại với những câu đơn giản, không hô khẩu hiệu mà rất xúc động:
Có một Ước Mơ trời xanh còn nhớ
có một Tình Yêu mùa thu còn giữ
có một Tuổi 20 đất nước ủ trong lòng

Ước Mơ, Tình Yêu, Tuổi 20 được viết hoa. Như là danh từ riêng. Trân trọng, ngợi ca, đau thương, bi tráng!

Tôi không có tham vọng bình bài thơ của Tuyết Nga. Rất có thể tôi chưa cảm thụ được hết cái hay của nó.
Tôi muốn nói, ở bài thơ này Tuyết Nga dùng một bút pháp hoàn toàn khác với những bài thơ của chị trước đây tôi đã đọc.

Sự giản dị, tình cảm chân thành, hình như tác giả cố để ai đọc cũng hiểu được, nhất là những liệt sĩ vô danh - Tuổi 20. Họ không cần những lời nói cao đạo, họ cần lời thì thầm tri ân của người đàn bà làm thơ Tuyết Nga.

Đó là cái khác trong bài thơ này của Tuyết Nga, một Tuyết Nga nữa mà tôi biết.

Làm thơ hay đã khó, làm thơ hay để được tạc lên bia đá, chuyện không dễ dàng chút nào!

Ghi chú:
BÀI THƠ "VIẾT BÊN MỘ LIỆT SĨ VÔ DANH" CỦA NHÀ THƠ TUYẾT NGA ĐƯỢC KHẮC VÀO BIA ĐÁ GẮN TRÊN NGHĨA TRANG Ở HẢI LĂNG, QUẢNG TRỊ.
Nghĩa trang này có gần 2000 ngôi mộ Liệt sĩ chưa biết tên.
Vào 11h30 ngày 13.7.2015 vừa qua, lãnh đạo địa phương và một nhóm đồng đội, bạn hữu từ Hà Nội vào đã trịnh trọng làm lễ gắn bia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét