Menu ngang

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

TUỔI NGHỈ HƯU VÀ NIỀM VUI CẦM BÚT


(Trả lời Phóng viên Nguyễn Thịnh, Báo Đời sống & Pháp luật, số tháng 3, đăng ngày 9/3/2014)

Phóng viên: Chào ông! Những ngày tháng nghỉ hưu là quãng thời gian ông cho ra mắt độc giả những tập thơ, cuốn hồi ký và ghi chép hồi ức đến ngót nghìn trang sách. Điều ông mong muốn và gửi gắm đến độc giả là gì?
 N M Đ:  Hơn 60 tuổi đời , sau 45 năm quân ngũ, tôi được nghỉ hưu theo chế độ. Nghỉ hưu nói chung là an hưởng tuổi già, quyền được nghỉ ngơi sau chặng dài nhiều năm công tác.Tùy theo hoàn cảnh cụ thể, khả năng, điều kiện và sở thích mà mỗi người tự chọn cho mình một công việc phù hợp khi nghỉ hưu với chung mục tiêu là vì sức khỏe, sự hữu ích và niềm vui tinh thần. Với tôi, việc đọc sách và được cầm bút để viết về những hồi ức, trải nghiệm của đời mình, được ghi lại những điều mà mình thích, mình quan tâm, suy ngẫm, quả thực là thú vui lớn, thậm chí là niềm đam mê, dẫu không phải là người cầm bút chuyên nghiệp và chẳng phải giỏi giang gì. Từ nhỏ tôi thường được các bậc bề trên bảo ban rằng, ở đời, nên cố gắng đọc sách. Trên từng phương diện, lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi thứ đều đã có trong sách cả rồi. Thông qua đọc sách, mọi người được mở mang kiến thức, làm giàu vốn sống của mình. Từ đó, tôi hình thành cho mình thói quen thường xuyên đọc sách. Đọc nhiều thành quen, thành “nghiện” coi đó như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Thực ra đối với tôi, dù rằng viết chưa thật hay, cũng chưa được nhiều, nhưng tôi coi việc luôn đọc, luôn nghĩ, luôn viết thực chất như là tập thể dục cho trí não của mình. Đọc, suy ngẫm, chiêm nghiêm và viết. Với lớp tuổi như chúng tôi, đó như là biện pháp làm chậm tốc độ lão hóa của tư duy, trí tuệ, cảm hứng sống.

P/V: Dù không phải là người chuyên về văn chương, nhưng ông đã dũng cảm cầm bút để viết lên những trang sách để lại dấu ấn trong lòng độc giả. Vậy động lực nào để ông thực hiện niềm đam mê của mình?
 N M Đ: Tôi không phải là người chuyên nghiệp viết văn. Và khi cầm bút tôi không hề có ý nghĩ thử sức hay thi thố tài năng văn chương, càng không hề để đánh bóng tên tuổi mình. Với tôi, đơn giản chỉ là vì tôi muốn nâng niu trân trọng lưu giữ lại những kỷ niệm không thể nào quên lãng, không thể nào mất mát trong cuộc đời mình - Đặc biệt là, những hồi ức về một thời binh lửa của lớp lứa chúng tôi. Tôi tả lại, kể lại và suy ngẫm, sẻ chia những trang đời đầy ắp kỷ niệm. Động lực đưa tôi trải lòng trên từng trang giấy là sự tri ân cha mẹ - người sinh thành dưỡng dục; nhớ ơn các thủ trưởng, các bậc đàn anh và các đồng đội chí tình, chí nghĩa - những người đã dìu dắt, chia ngọt sẻ bùi và cùng tôi vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh trong cuộc chiến, mà đến nay nhiều người không còn nữa.Trên từng con chữ tôi còn muốn nhắn gửi tới thế hệ con cháu của mình rằng đã có một thời oanh liệt, đáng tự hào như thế trong cuộc đời của các bậc cha ông. Đó là những điều cần được trân trọng giữ gìn trong cuộc sống đầy biến động của hôm nay.
P/V: Là người đã từng đọc từng trang sách do ông viết, đặc biệt là cuốn Hồi ký " Những nẻo đường thời gian "của ông, một trong những ấn tượng đó là có những người, có những việc và cả những câu chuyện phần lớn đã diễn mấy chục năm nhưng ông vẫn nhớ cặn kẽ, chi li tưởng chừng như mới xẩy ra. Vậy những điều đó do ông ghi chép lại trong nhật ký chiến trường của mình hay chỉ nhớ bằng kí ức của ông?
 N M Đ:  Những cuốn Nhật ký chiến trường của bộ đội thì nhiều lắm, đa phần là bị thất lạc, mất mát trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh. Khi ở chiến trường tôi cũng thường xuyên viết nhật ký ghi lại những kỷ niệm trong ác liệt, gian khổ. Nhưng khi đi chiến đấu trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, tôi đã gửi cuốn nhật ký lại hậu cứ của đơn vị ở miền tây Thừa Thiên Huế. Cuốn nhật ký khá dày dặn, đầy ắp kỷ niệm đó đã bị cháy trụi trong một trận máy bay địch oanh kích. Tôi tiếc vô cùng vì đó là lưu bút quan trọng của một phần đời rất đáng nhớ. Nếu còn có lẽ nó sẽ là một tư liệu quý. Còn bây giờ, trên từng trang viết của mình, tất cả những sự kiện, không gian, thời gian, con người được tái hiện lại là do tôi “rút ra” từ trong bộ nhớ của ký ức. Dù cuộc chiến đã lùi xa mấy chục năm, song lớp người như chúng tôi chưa bao giờ quên lãng về một thời hoa lửa. Chúng tôi chưa bao giờ thấy mình hết trách nhiệm với quá khứ. Quá khứ vẫn còn hiện hữu  vẹn nguyên và sâu đậm trong những lần về thăm các gia đình liệt sỹ, thăm đồng đội cũ. Mỗi dòng tên đồng đội được lưu giữ trên từng trang viết, với tôi, là một kỷ niệm đẹp và vô cùng cảm động, vì họ đã gắn bó với tôi trong những năm tháng ác liệt, cam go trên chiến trường.
P/V: Ông có thể chia sẻ với độc giả những kỷ niệm đã để lại cho ông nhiều ấn tượng và sâu sắc nhất trong cuộc đời quân ngũ?
N M Đ: Đối với tôi một cuộc đời quân ngũ đằng đằng 45 năm thì chồng chất biết bao nhiêu kỷ niệm, nhất là gần 10 năm trực tiếp chiến đấu ở chiến trường đầy ác liệt, hy sinh. Có thể nói, tôi sống được đến ngày nay là nhờ ơn của rất nhiều đồng đội. Ngay từ trên đường Trường Sơn hành quân vào chiến trường, tôi bị sốt rét nặng, đồng đội đã phải mang giúp đồ đạc. Rồi đến khi tôi khuỵu xuống không đi được nữa, thì anh em đã phải cáng tôi trên võng băng rừng, lội suối, dưới mưa rừng, nắng núi, đạn bom. Rồi trong chiến đấu vào sinh ra tử có biết bao kỷ niệm. Khó mà kể hết được. Tôi chỉ kể một chuyện thôi. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào khi chỉ huy đơn vị đánh  vào Cao điểm 550  đêm 22 rạng ngày 23 tháng 3 năm 1971, tôi bị một tên địch dùng tiểu liên bắn trúng gãy đứt xương sườn găm viên đạn vào giữa phổi. Trong chớp nhoáng, anh Tấn liên lạc đã bắn trả tiêu diệt tên địch và lao vào kịp thời băng bó vết thương cho tôi. Lúc đó địch bắn pháo sáng rực trời, có thể quan sát rất rõ mọi việc như ban ngày. Mất máu nhiều, tôi bị kiệt sức. Anh Thắng y tá phải vừa cõng vừa dìu tôi ra phía sau cấp cứu. Bám trên lưng anh Thắng, người tôi quấn đầy vải băng trắng trở thành mục tiêu bắn của quân địch. Quanh tôi tiếng đạn bay chiu chít, cày xới mặt đất. Không sợ hy sinh, khi dừng khi chạy, anh Thắng đã dũng cảm cõng tôi băng qua lửa đạn kịp thời cấp cứu. Điều chắc chắn là nếu không có đồng đội, thì tôi đã hy sinh từ thuở đó - khi mới tròn 23 tuổi đầu.
P/ V: Được biết, có người từng nhận xét rằng: “ Cái quay của ông trời đã chọn để búng Nguyễn Mạnh Đẩu vào cuộc đời binh nghiệp để thành một Trung tướng. Chứ nếu búng vào cuộc đời văn nghiệp, không chừng lại thành một nhà văn cũng nên” Ông có suy nghĩ như thế nào về điều này, thưa ông?
 N M Đ: Đúng là khi đọc cuốn Hồi ký “Những nẻo đường thời gian” của tôi (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2010), trong bài viết “Cuốn sách là cả một tấm lòng” Giáo sư văn học, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú đã lấy ý câu thơ “ Cái quay búng sẵn trên trời” trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều để nhận xét như vậy.  Sau đó, khi đọc và giới thiệu cuốn sách “Những kỉ niệm đời tôi” của tôi (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2013), thêm một lần nữa thầy Nguyễn Đình Chú lại khẳng định lại điều đó.
Khi đọc những dòng nhận xét đó, tôi có suy nghĩ chắc là thầy Nguyễn Đình Chú ưu ái tôi mà viết vậy thôi. Chứ thực ra số phận, tư chất, năng lực mỗi con người gắn với một nghề đều do sự chi phối (dun dủi) của điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Có thể nói, đó là kết quả ngẫu nhiên kỳ diệu trong cái sắp đặt tất nhiên của số phận mỗi con người. Tôi đã gắn bó trọn đời với binh nghiệp tức là số phận đã không “chọn” tôi để trở thành một nhà văn rồi. Nhưng có điều này tôi nghĩ ông nói đúng: Nếu đất nước không có chiến tranh, chắc chắn rằng bao đồng đội một thời hoa lửa của chúng tôi, những người trở về và những người vĩnh viễn nằm lại trên khắp các chiến trường, họ đã có thể trở thành những kỹ sư, bác sỹ giỏi, những nhà khoa học có tên tuổi, và tất nhiên cũng có thể đã trở thành nhà văn hoặc những nghề nghiệp khác. Dù là nghề gì, đóng góp được cho xã hội, cho đất nước, tôi nghĩ cũng thật là cao quý.
  P/ VSắp tới ông có ý định sẽ viết thêm cuốn sách nào nữa không? Nếu có thì ông có thể chia sẻ về nội dung của cuốn sách được không?
  N M Đ:  Ý định của tôi thì có, nhưng việc viết lách thật khó vô cùng, phải lao tâm khổ tứ. Tôi e rằng lực bất tòng tâm. Tôi chưa thể nói trước được điều gì với bạn. Điều đáng chia sẻ là, tôi luôn muốn dành thời gian để đọc, để viết. Tôi muốn được viết thêm nhiều điều nữa về những thủ trưởng, những đồng chí, đồng đội của mình, về những kỷ niệm, những chiêm nghiệm từ cuộc sống. Tuy nhiên, có viết được nhiều, được hay không, đặc biệt là có xuất bản được không, lại là một câu chuyện khác. Các cụ xưa dạy rằng “Kiến dị tác nan” , nghĩa là: mọi việc nhìn thì dễ nhưng làm mới khó. Bởi vậy, tôi cứ kiên trì lặng lẽ với niềm vui cầm bút của mình, nếu khi nào có kết quả sẽ xin được sẻ chia cùng bạn đọc.
PV: Vâng, xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này. Chúc ông sức khỏe và thành công trong cuộc sống.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét