Menu ngang

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

GS, NGND Nguyễn Đình Chú:
         Tâm, tài sáng mãi


           GS, NGND, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam Nguyễn Đình Chú sinh ngày 9-10-1929, tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ông sinh ra trong một gia đình Nho học, có truyền thống yêu nước, thân dân. GS Nguyễn Đình Chú là hậu duệ của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí (thời Lê sơ - thế kỷ XV). Thân phụ GS là cụ Tú tài Nguyễn Huy Côn (1866-1954), bạn học với cụ Giải nguyên Phan Bội Châu và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

          Ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Đình Chú đã được nuôi dưỡng trong bầu không khí học thuật và yêu nước. Mới lên năm, cậu đã được cha dạy những giáo lý của các bậc tiền nhân: “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân” (Trời không phụ người có lòng tốt), “Cần kiệm liêm chính, bất đắc dĩ công vi tư” (Siêng năng, tiết kiệm, trong sạch và ngay thẳng, không được lấy của chung làm của riêng), “Sự năng tri túc tâm thường lạc/ Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao” (Việc mà biết đâu là đủ thì lòng thường vui/ Người mà không mong điều gì thì tự đó đã có phẩm hạnh cao). Chính vì thế, cậu bé Nguyễn Đình Chú lớn lên đã hun đúc trong mình những phẩm chất của một con người có Nhân, có Đức, có Tâm.
            Nói về GS Nguyễn Đình Chú trước hết phải nói về trí tuệ uyên bác của ông. Là con của một nhà nho, lại thêm tố chất ham học của người xứ Nghệ, cộng với trí thông minh bẩm sinh, từ thời đi học Nguyễn Đình Chú đã được đánh giá cao. Vào Đại học Sư phạm Văn khoa, Nguyễn Đình Chú được học các bậc thầy đáng tôn kính như GS Trần Đức Thảo, GS Trần Văn Giàu. Nhờ học giỏi, có ý chí, sau khi tốt nghiệp, anh sinh viên Nguyễn Đình Chú được giữ lại làm trợ giảng cho GS Trần Đức Thảo, GS Đặng Thai Mai. Ông chính thức công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1957. Với trí tuệ mẫn tiệp và ý thức học hỏi, nghiên cứu nghiêm túc, Nguyễn Đình Chú đã trở thành nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học được các thế hệ học trò, bè bạn, đồng nghiệp kính nể. Trải qua hơn nửa thế kỷ công tác, ông đã đào tạo hàng nghìn học sinh, sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ và xuất bản rất nhiều các sách chuyên ngành giá trị.
             Sở trường của giáo sư là mảng văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học Việt Nam trung đại, cận đại. TS Chu Văn Sơn (Giảng viên bộ môn Văn học Việt Nam, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, ông đã bị chinh phục trước những lời giảng của GS Nguyễn Đình Chú về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, đến mức phải thốt lên: “Muốn hiểu Nguyễn Đình Chiểu, phải học…Nguyễn Đình Chú!”. Ông cũng là người đã có công lớn trong việc khôi phục tên tuổi của những nhà văn, nhà văn hóa lớn của nước ta một thời bị lãng quên vì nhiều lý do khác nhau. Trong số ấy có nhà văn yêu nước, lương y Nguyễn Tử Siêu - người viết nhiều tiểu thuyết lịch sử nhất trong lịch sử văn học Việt Nam.
            34 tuổi (năm 1963), nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Đình Chú được đảm nhận công việc quan trọng đó là đồng biên soạn bộ “Hợp tuyển thơ văn Việt Nam” do GS Huỳnh Lý chủ biên. Nguyễn Đình Chú cùng với các nhà nghiên cứu nổi tiếng Lê Thước, Trần Thanh Mại, Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu được phân công viết giai đoạn văn học đầy biến động của đất nước 1858-1920. Đây là giai đoạn giao thời khi văn học nước nhà đang dần phát triển từ nền văn học cổ chữ Hán, Nôm sang nền văn học hiện đại chữ quốc ngữ. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện các nhà thơ, nhà văn yêu nước như: Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Đình Chiểu, Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc… Công trình quan trọng này đã là nền tảng cho Nguyễn Đình Chú để sau đó ông tiếp tục đi sâu nghiên cứu và cho ra đời những cuốn chuyên khảo về các nhà thơ, nhà văn yêu nước tiêu biểu: Phan Bội Châu, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Nguyễn Tử Siêu… Trong những cuốn sách của mình, ông không chỉ cho thấy óc phân tích sắc sảo và sự am hiểu sâu sắc về thời đại các nhà thơ, nhà văn sống mà còn cho thấy khả năng làm việc không mệt mỏi khi ông dày công sưu tầm, tập hợp để có được những tác phẩm quan trọng nhất của họ. Những cuốn sách hợp tuyển thơ văn của ông đã trở thành tài liệu quan trọng cho sinh viên, các nhà nghiên cứu, giáo viên mỗi khi tìm về với di sản văn học Việt Nam. GS Nguyễn Đình Chú còn là tác giả của những bộ giáo trình Văn học Việt Nam; sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên Ngữ văn cấp THPT và cấp THCS hiện nay.
            Nguyễn Đình Chú được nhà nước phong hàm Giáo sư năm 1991, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1998. Đó là những phần thưởng cao quý, xứng đáng với những cống hiến lớn lao của ông cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học nước nhà. 


                                                                         Nguồn: QĐND/ VÂN HƯỜNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét