Tiến
cử
và sử
dụng
hiền tài
Tiến Hải
Quốc gia nào, thời buổi nào cũng có người hiền tài. Vấn đề quan
trọng là ở chỗ có phát hiện ra họ, có dám dùng, biết dùng và biết cách bảo vệ
họ hay không (bởi vì người hiền tài rất dễ bị ghen tỵ, hãm hại). Vì thế các bậc
thánh hiền đã dạy: Không biết người hiền tài là thảm họa thứ nhất. Biết
mà không dùng là thảm họa thứ hai. Dùng mà không tin là thảm họa thứ ba. Tin,
dùng nhưng không bảo vệ được hiền tài là thảm họa thứ tư.
Như vậy, việc nhận biết hiền tài và sử dụng đúng hiền tài quả là
không dễ một chút nào. Cho nên các bậc thánh hiền lại dạy: Muốn chọn và sử dụng
đúng hiền tài phải có những yếu tố cơ bản sau đây:
– Người tiến cử hiền tài phải thật sự là người hiền tài.
– Việc tiến cử hiền tài phải vì quốc gia, đại sự; phải thật khách quan và công
tâm, không được ẩn ý riêng tư.
– Khi đã dùng người hiền tài thì phải tin họ, trọng dụng họ, giao cho họ những
chức vụ và công việc tương xứng; tuyệt đối không được nghe những lời gièm pha,
xúi bẩy, bịa đặt nhằm gạt bỏ, hãm hại họ.
Lịch sử loài người có rất nhiều những gương sáng về tiến cử và
sử dụng hiền tài.
Nếu ai nghiên cứu kỹ lịch sử Việt Nam đều biết rất rõ việc Tô
Hiến Thành tiến cử hiền tài. Ông là một đại thần thời vua Lý Anh Tông. Đầu năm
Kỷ Hợi (1179) ông lâm bệnh nặng. Trong thời gian ấy có quan Tham tri chính sự là
Võ Tán Đường ngày đêm chăm sóc thuốc thang, còn quan Gián nghị đại phu là Trần
Trung Tá vì bận công việc nên không đến thăm ông được lấy một lần.
Khi bệnh tình của ông có nguy cơ không qua khỏi, Hoàng Thái Hậu
đến thăm và hỏi: “Ai có thể thay khanh ?”. Tô Hiến Thành đáp ngay: “Trần Trung
Tá có thể làm được”. Thái Hậu tỏ vẻ ngạc nhiên: “Võ Tán Đường ngày đêm hầu hạ
thuốc thang sao khanh không cử?”. Ông thưa lại: “Thái Hậu hỏi người có thể thay
thần nên thần tiến cử Trần Trung Tá, còn hỏi người chăm sóc thuốc thang thì
ngoài Võ Tán Đường chẳng có ai hơn”.
Thời Xuân Thu ở Trung Quốc có một nhân vật rất nổi tiếng tên là
Kỳ Khê. Ông là đại thần của nước Tấn, có rất nhiều công lao. Khi ông về già,
chuẩn bị nghỉ, Tấn Trác Công (vua nước Tấn) yêu cầu ông tiến cử người thay thế.
Ngay lập tức ông tiến cử Giải Hồ. Trác Công ngạc nhiên hỏi: “Chẳng phải Giải Hồ
đã từng có tư thù với khanh ư?”. Kỳ Khê đáp: “Chẳng phải Bệ Hạ cho thần quyền
tiến cử người? Còn chuyện tư thù thần không để ý tới”.
Trác Công liền phong cho Giải Hồ làm thay chức của Kỳ Khê. Biết
Kỳ Khê tiến cử mình, Giải Hồ phục ông lắm và ra sức phò Vua, giúp nước. Song,
nhận chức chưa được bao lâu thì Giải Hồ lâm bệnh nặng rồi chết. Tấn Trác Công
lại yêu cầu Kỳ Khê tiến cử người khác. Lần này ông tiến cử Kỳ Ngọ. Trác Công
lại ngạc nhiên hỏi: “Kỳ Ngọ là con của khanh cơ mà?”. Kỳ Khê đáp: “Bệ Hạ yêu
cầu thần tiến cử người xứng đáng. Con hay không phải là con thần không xét
tới”.
Rất tin Kỳ Khê nên Trác Công phong cho Kỳ Ngọ thay chức của Giải
Hồ. Kỳ Ngọ đã làm việc rất xuất sắc, xứng đáng với chức Vua ban. Vì thế, Tấn
Trác Công đã phải thốt lên lời khen ngợi: “Đúng là hổ phụ sinh hổ tử”.
Nhân câu chuyện về Kỳ Khê, tôi muốn bàn thêm đôi chút về vấn đề hậu
duệ và trí tuệ ở nước ta mà tôi đã có dịp nhắc tới trong bài
viết cùng tên đăng trên Tạp chí Cộng sản số 852 (tháng 10 năm 2013). Ở nước ta,
hậu duệ theo cách gọi dân gian là lớp người thuộc 4c (con cháu các cụ). Nói tới
con cháu các cụ, người ta thường nghĩ ngay tới khía cạnh tiêu cực của nó. Nghĩ
như thế là chưa thật khách quan.
Tích cực hay tiêu cực trước hết tùy thuộc vào tư duy và việc xử
lý vấn đề của “các cụ“. Tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào phẩm
chất, năng lực và hiệu quả công việc màcon cháu các cụ đảm nhận.
Nếu “các cụ” của ta cũng khách quan, công tâm như Kỳ Khê và con cháu các cụ
cũng xuất sắc như Kỳ Ngọ thì còn gì bằng.
Các bậc thánh hiền đã chỉ ra bốn thảm họa trong việc tiến cử và
sử dụng hiền tài mà tôi đã nêu ở đầu bài viết này. Sự cảnh báo đó là cực kỳ chí
lý. Song, nếu có thể được thì xin mạn phép các bậc thánh hiền cho thảo dân bổ
sung thêm một ý: “Cả bốn thảm họa nêu trên cộng lại cũng không lớn bằng
thảm họa thứ năm là cố ý đem cái mũ hiền tài đội lên đầu bọn gian tài”. Ước
gì ở nước ta không có các thảm họa nêu trên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét