Menu ngang

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

ÔNG BƯỜNG

                                                                                 Truyện ngắn         

Người ta bảo “Làm quan phải có số”. Đấy là người ta nói, chứ đã có ai nhìn được hình hài vuông tròn của nó đâu mà khẳng định có hay không? Nhưng đối với dân làng Nhất Địa lại không phải thế. Họ bảo: “Nếu không có số thì làm gì có chuyện cu Nhiêu Bường ngày xưa, nổi tiếng ham chơi, học dốt nhất làng, nhưng bây giờ lại là quan to trên tỉnh”. Đấy là chưa tính đến chữ “Nhiêu”, tên chỉ dành riêng cho lớp người bình dân của xã hội thời ấy. 
        
 Thôi, cũng không nên đố kỵ với ông ấy nhiều. Người ta bảo : “Sông có khúc…” kia mà. Ai mà chả biết đoạn đầu cuộc đời ông ta cứ như xe không phanh lao xuống nơi âm u mịt mù tối tăm. Ngay đến cả ông Bường cũng đã từng nghĩ vậy: “có thánh mới kéo đầu mình ngóc lên được”. Thế mà có thánh đấy! Đúng ra là bà thánh bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Đó là cô Lan rượu lậu, vợ của Nhiêu Bường.
Nhớ cái ngày Nhiêu Bường đón dâu, dân tình từ già đến trẻ cứ kháo nhau: “Nhiêu Bường loắt choắt, mắt lại le lé như thế, muốn hôn vợ thì làm thế nào nhỉ? Vợ phải bế lên là chắc rồi! Ôi dào! Với ai thì không biết, chứ cô Lan rượu lậu khỏi phải bàn. Bao năm chuyên giấu bịch rượu ở bụng để trốn tránh nhà chức trách mang đi bán còn được, chứ Nhiêu Bường này được mấy cân hơi mà để cho cô ta bận tâm suy tính”.  
Người ta lại bảo: “Vợ chồng Nhiêu Bường đi với nhau như hai chị em”. Nghe họ chê bai nhiều làm cho Nhiêu Bường lắm lúc cũng nản, nhưng một khi đã về nhà với vợ thì anh ta thấy chẳng có gì để mà chê trách cả. Thôi người ta chê bai thì mặc người ta. Chấp họ làm gì? Thiên hạ vẫn bảo: “Nhất gái hơn hai… kia mà”. Ừ, con vợ mình nó già đấy! Thì đã sao? Già thì ngọt cơm canh…!
Thực ra cả làng chả ai lạ gì cô Lan rượi lậu, tay buôn rượu sành sỏi nhất vùng. Với người khác mới gặp lần đầu thì có thể quên ngay, nhưng với cô ta ai đã gặp rồi thì khó quên lắm. Người cô Lan rượu lậu cao gầy, gương mặt hơi thon dài, mũi tèn tẹt,  đôi môi thì mỏng quẹt bao quanh cái miệng rồng rộng, còn đôi mắt thì dèn dẹt lá răm, lúc nào cũng ươn ướt đắm đuối đưa tình làm Nhiêu Bường chết mê, chết mệt nên phải cưới vội về làm vợ.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề buôn rượu lậu, cô ta có đầy đủ các chiêu trò mánh khóe, đanh đá, ranh ma, giảo hoạt, ăn nói liến thoắng, biến có thành không, biến không thành có, biết tung, biết hứng với từng loại người. Tất cả với một mục đích là đem cái lợi thật nhiều về cho mình.
Trước khi đồng ý về làm vợ Nhiêu Bường cô ta đều tính toán cân nhắc kỹ. Phần thì tuổi đã sang quá mười chín rồi mà chẳng có ai tới gần cưa tán, vì họ sợ cái miệng ngoa ngoắt của cô ta, ngoại trừ  anh chàng Nhiêu Bường này. Ở làng quê đến tuổi ấy mà chưa chồng gọi là gái ế. Mà xét cho cùng ở Nhiêu Bường chỉ có cái tội học dốt, ham chơi. Biết đâu đôi khi đấy lại là điều hay. Học dốt thì dễ sai bảo, mình muốn làm gì thì làm, tha hồ mà tung hoành trong nghề buôn rượu lậu. Ừ, mà đúng rồi! Lâu nay cứ lo đi tìm ở đâu đâu, trợ thủ đắc lực luôn bên cạnh mình đi buôn chính là anh chàng này đây.
Được cô vợ tháo vát, giỏi giang, chèo chống kiếm tiền. Cuộc đời của Nhiêu Bường cứ thế mà ngửng đầu lên trông thấy. Từ ngày có vợ anh ta đi đâu cũng vênh vênh cái mặt lên cho thiên hạ biết, chứ không cúi xuống gằm gằm như mọi khi nữa, nhất là sau khi cô vợ sinh cho anh ta một cậu con trai tên Lãng. Vậy là Nhiêu Bường… Ấy quên! Bây giờ phải gọi là anh Cu Bường, vì anh ta đã có thằng nối dõi, chống gậy về sau.
Nhưng ở sự đời không phải cái sung sướng nào cũng kéo dài trọn vẹn cả. Đang yên đang lành ở nhà hú hí, sung sướng với vợ con thì anh Cu Bường nhận được giấy triệu tập đi khám nghĩa vụ quân sự, để bổ sung lực lượng ra chiến trường. Đêm hôm ấy vợ chồng anh Cu Bường buồn chán lắm, cứ suy nghĩ lung mung mong tìm cho mình một lối thoát để được ở lại bên cạnh vợ con. Còn chị Cu Bường thì có vẻ bình tĩnh hơn, không lo sợ hốt hoảng như anh chồng đang bực bội, vò đầu, vò tai, hết đi vào nhà rồi lại ra sân đứng.
- Bố thằng Cu đâu rồi! Việc gì phải sụt sùi, lo sợ mà buồn chán! Đêm trăng sáng như thế này mà vợ chồng mình không chúc rượu nhau thì có phí đời không? Thời buổi chiến tranh loạn lạc có biết sống đến mai hay không mà lo để dành củ khoai đến sáng. Lại đây vợ chồng mình cùng  cụng chén nào!- Chị Cu Bường gọi chồng.
            Lần đầu tiên được vợ động viên và khuyến khích uống rượu, anh Cu Bường được thể quên hết sự đời mà tì tì uống hết chén này sang chén nọ. Uống cho thật say để không nhớ được điều gì. Rồi anh ta say thật, say đến mức người cứ gật gà gật gù, đảo đảo, xiêu xiêu. Miệng nói cứ nói lè nhè, khê nồng như dính lại với nhau. Lè nhè… lè nhè mãi cho đến khi mệt quá anh ta nằm lăn kềnh xuống hè nhà  đánh một giấc ngủ li bì cho đến sáng. Thực ra nếu như không có cô vợ dựng dậy thì việc lên huyện khám sức khỏe sáng nay của anh Cu Bường cũng bị người ta đến lôi đi rồi.
            Vừa vào khám được một lúc, anh Cu Bường được loại ngay từ vòng khám sức khỏe thứ hai. Bởi trong phiếu khám bác sĩ đã ghi “không đủ sức khỏe vì huyết áp, nhịp tim cao quá mức cho phép”. Còn gì sung sướng hơn khi nghe được tin vui này, không một chút chần chừ, anh Cu Bường vội vàng chạy một mạch từ huyện về đến nhà để khoe ngay với vợ.
            Nghe chồng nói, chị Cu Bường cứ tủm tỉm cười chứ không biểu lộ cảm xúc vui mừng gì cả. Đang phấn khích với quyết định cầm trong tay, đột nhiên anh Cu Bường chưng hửng, cảm thấy mình đang bị xúc phạm trước thái độ coi thường của vợ. Tự nhiên cơn tưng tức trong người anh ta nổi dần lên, phải đấm  ngay vào bộ mặt câng câng đáng ghét của cô vợ lếu láo đó. Như phán đoán được trước tai họa sắp đến với mình, chị Cu Bường vội vàng ôm ghì đầu anh ta vào nói nhỏ: “Bố thằng cu bị loại là công lao của mẹ xề này đấy!”. Cơn giận đang lên lại bị con vợ chỉ ở nhà, biết được gì xảy ra ở trên huyện mà lại còn vênh vênh, tự đắc nhận hết công lao vào mình mà phán. Thế có tức không chứ! Anh Cu Bường cố đẩy vợ ra, lên gân vặc lại. Nhưng chị Cu Bường cứ ôm chặt lấy đầu rồi mắng yêu: “Đúng là to đầu nhưng u u lắm! Rượu đấy! Nếu như em không đem rượu cho anh uống say tối qua thì làm gì có chuyện huyết áp và nhịp tim anh cao lên thế. Với em, đâu dễ dàng để anh bỏ hai mẹ con em mà đi xa được”.
            Anh Cu Bường ngẩn người, sực tỉnh ra để hiểu cái lý của rượu. Con vợ mình nó tài trí thật. Thế mới tâm phục, khẩu phục nó chứ! Thật đúng không hổ danh con nhà nòi rượu lậu. Lắm mưu, nhiều quỷ kế, lõi đời trong nghề bán buôn.
            Chiến tranh ác liệt đã lan ra cả hai miền đất nước. Lớp trẻ gái trai vừa mới lớn lên đã nối đuôi nhau rời làng đi vào chiến trận. Đứa thì vào bộ đội, đứa thì đi thanh niên xung phong. Tất nhiên là loại trừ anh Cu Bường đang bị bệnh huyết áp cao mãn tính, mạch đập rất nhanh.
Ai cũng biết lực lượng sản xuất chính trong làng chỉ còn lại những ông bà già yếu sức đảm nhiệm. Tự dưng anh Cu Bường nổi lên như ngôi sao sáng trong làng về sức trẻ, năng nổ gánh vác những công việc nặng nề của những người đã lên đường bỏ dở. Nhưng hơn ai hết chị Cu Bường hiểu rõ cái giá trị về sức khỏe gần như độc tôn mà dân tình ở nhà đang cần. Cái chân chạy vật tư cho Cửa hàng hợp tác xã mua bán của làng, chị ta đã ngắm cho chồng mình đã lâu. Nhưng ngặt một nỗi ông Chủ tịch xã đầy quyền sinh, quyền sát, vẫn ấm ức sau cái lần vồ hụt chị ta giấu bong bóng lợn chứa đầy rượu lậu ở dưới bụng. Khi ông ta đang cúi xuống định lấy tay lần xuống bụng dưới thì bất ngờ chị Cu Bường dồn hết sức mạnh vào đôi tay, giúi mạnh ông Chủ tịch ngã chóng khèo rồi bỏ chạy… Bây giờ cái hậm hực đó vẫn còn nằm nguyên trong người ông ta thì đâu có dễ để cho anh Cu Bường nhảy vào vị trí đấy.
Trời chiều đông giá lạnh xuống dần, ánh sáng cuối ngày mỗi lúc lại thêm nhợt nhạt hẳn đi. Giờ này ở ngoài đường thư thoảng mới có một người xuất hiện. Đứng trong nhà nhìn ra, chị Cu Bường cứ trầm ngâm nghĩ về một điều gì mà không dứt ra được. Bất chợt, chị ta chép miệng mấy cái rồi mặc thêm áo, đội nón đi thẳng ra hướng đình làng, nơi mà bấy lâu nay Ủy ban xã sử dụng làm trụ sở làm việc.
Như một thói quen, khi mọi người đã rời nhiệm sở về nhà từ lâu, nhưng  ông Chủ tịch xã vẫn còn nán lại làm thêm những việc không định trước. Đang lúi húi sắp xếp mấy thứ giấy tờ cho vào túi để mang về, bỗng dưng ông ngửng đầu nhìn ra ngoài thì bắt gặp ngay ai đó trông giống như con mẹ Cu Bường rượu lậu, nó đang thập thò ở cổng để tìm cách vượt sang làng bên cạnh. Đúng là con mẹ này rồi! Nó đang lợi dụng trời sắp tối này để đi buôn rượu lậu đây. Lần này thì ông phải bắt quả tang, day tận trán nhé. Tang chứng vật chứng rõ ràng đây. Ông sẽ không vồ hụt mày như những lần trước nữa đâu? Cho dù mày có giảo hoạt, điêu ngoa, to mồm cãi chày cãi chối, có mà chạy đằng trời!  Ông thách đấy! Lần này mày chết rồi con ơi!
Chị Cu Bường bị ông ta tóm thật. Tóm một cách dễ dàng ngon lành. Khác với những lần trước, chị ta không xin xỏ rồi bỏ chạy nữa, mà cứ để mặc cho ông Chủ tịch lần mò khắp người để tìm ra tang vật, ông ta tìm mãi vẫn chưa thấy gì. Tức quá đi mất! Con mẹ này ghê gớm quá! Nó vẫn đứng yên, lặng im chẳng phản ứng gì, không một lời mắng chửi ông như những lần khám trước đây, đã thế lại còn cười cười như khuyến khích ông sờ tiếp. Tự nhiên trong ông Chủ tịch cứ rối bời, xốn xang, xao động đến lạ, rồi rạo rực, bừng bừng lên thiêu cháy rụi lý trí của người đang thực thi công vụ. Không thể kìm hãm mình lâu hơn được nữa, ông vội lấy tay kéo rộng lưng quần chị ta ra, còn tay kia thọc sâu vào trong… Đang định xoa thêm mấy vòng nữa thì ông giật nẩy người lên, rút vội tay ra ngoài sau tiếng quát:
 - Ông thấy sướng chưa? Hóa ra ông gọi tôi vào đây để sờ à? – Chị Cu Bường lấy hai tay ôm ghì đầu ông kéo vào. Ông Chủ tich tái mặt vì tẽn tò bị bắt quả tang nên cứng họng không nói được lời nào, và cũng không dám ngửng mặt lên nhìn vào chị Cu Bường đang còn xơi xơi mắng.
Cảm thấy việc xỉ vả ông ta đã đủ độ, chị Cu Bường đột ngột dừng lại một lúc rồi chơm chớp đôi mắt, đắm đuối nhìn ông ta hạ giọng nói:
- Thực ra em cũng thương anh lắm… anh không biết đấy thôi.  Để anh phải mất chức Chủ tịch xã, rồi tan vỡ gia đình ra từng mảng, em đâu có sung sướng gì? Mà thôi! Nghĩ đi, nghĩ lại anh em mình khi chưa biết nhau thì thế… chứ khi đã biết rồi thì…  Em đã… thương anh, thì anh phải giúp em chứ!
Như chết đuối vớ được cọc, ông Chủ tich gật đầu lia lịa và vội vàng nói:
- Anh giúp! Anh giúp! Từ nay trở đi cô cứ đàng hoàng đem rượu ra ngoài bán thoái mái. Không ai dám bắt bở cô đâu?
- Nhưng em đâu có nhờ anh về chuyện buôn bán rượu. Mà hiện nay ở Cửa hàng Hợp tác xã mua bán còn thiếu chân Phó chủ nhiệm… – Chị Cu Bường thanh minh.
- Cô đùa tôi đấy à! Cả cái làng này đang bức xúc với cô về chuyện buôn rượu lậu. Bây giờ cho cô cái chân Phó chủ nhiệm ấy để dân tình người ta cuốc vào  mặt tôi à? – Ông Chủ tịch nói một mạch.
- Em thì đâu cần cái chân đó. Mà là ông chồng em. Anh Cu Bường ấy! – Chị Cu Bường trả lời.
- Thằng Cu Bường nhà cô dốt đặc như thế, nó có học hành gì đâu mà đòi chức Phó chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán. – Ông Chủ tịch trố mắt trả lời.
- Tất cả là tùy thuộc vào anh thôi… Mà anh cứ cho anh Cu Bường nhà em làm thử thì đã sao? Trong sáu tháng một năm không đảm đương được thì cho nghỉ để người khác thay, như vậy cũng chẳng chết ai đâu mà? Biết đâu có em phò trợ bên cạnh thì Phó chủ nhiệm Lê Văn Bường này lại vực Cửa hàng Hợp tác xã mua bán ta đang đà xuống dốc sẽ nổi lên như cồn. – Chị Cu Bường nói một hơi dài.
 Nghe chị ta nói, ông Chủ tịch cảm thấy vững tâm hơn rồi gật đầu lia lịa và  nói: - Thôi được! Anh đồng ý! Đồng ý!
Đến lúc này ông Chủ tịch mới bình tâm nhìn trực diện vào chị Cu Bường, thấy gương mặt chị ta cũng xinh xinh dễ thương đáo để. Nhất khi chị ta nở nụ cười mãn nguyện rộng xòe, phô đôi hàm răng thưa thưa trắng thật đáng yêu. Đôi mắt chơm chớp, ươn ướt đưa đẩy thật sự đã hút hết hồn ông Chủ tịch vào trong đó. Nếu như dừng lại tại đây, hóa ra mình lại trắng tay mất không cho nó à? Quấn quanh với suy nghĩ ấy, ông Chủ tịch buột miệng  thốt lên:
 - Nhưng mà…???
Đang háo hức với kết quả đạt ngoài mong đợi, chị Cu Bường giật mình tái mét mặt khi nghe ông Chủ tịch còn nói tiếp.
- Lại còn “nhưng mà” gì nữa đây? Chắc anh lại không tin em chứ gì? – Cố kìm sự lo sợ trong người, chị Cu Bường bình tĩnh nói.
- Cho anh ôm em một tý… - Ông Chủ tịch nháy nháy mắt, hềnh hệch cười rồi nói.
Như trút được gánh nặng trong người, chị ta thở phào nhẹ nhõm, gương mặt lại hồng hồng lên rồi nhoẻn miệng cười cười:
- Thế mà làm người ta sợ hết hồn! Nhưng mà… Nỡm ạ…Ứ ừ… Người ta chiều một lần này thôi nhé… Làm gì thì làm nhanh lên, không lão chồng nhà em nó biết được thì chết cả nút đấy…???
“Phó chủ nhiệm cửa hàng Hợp tác xã mua bán Lê Văn Bường thế nào cũng bị cách chức sau ngày một ngày hai thử việc”. Đấy là người ta nói. Nhưng thiên hạ nhầm to, một cái nhầm tai hại. Vẫn biết, nói đến chuyện học hành với cái đầu của anh Cu Bường là như nói với cục đá cuội, nhưng đấy là các môn văn hóa, toán, lý… xa vời. Còn để học các thủ đoạn, mưu mô, giảo hoạt lại là năng khiếu của anh ta, nhất lại được cô vợ đầy mình kinh nghiệm trong nghề buôn rượu lậu truyền nghề và thường xuyên kèm cặp, chỉ dẫn. Chính vì vậy, anh ta đã không gục đổ mà uy quyền lớn lên như diều gặp gió. Bây giờ mọi người chớ có dại mồm, dại miệng gọi anh Cu Bường Phó chủ nhiệm nữa nhé! Phải vạ đấy! Mà gọi ông Bường Chủ nhiệm.
Ai cũng biết, thời bao cấp, từ cái kim sợi chỉ cân muối lạng đường đều theo chế độ Nhà nước phân phối qua Hợp tác xã mua bán. Như vậy, quyền thế phân phối, thu mua đều nằm trọn trong tay ông Bường… Nhà có ma chay, cưới hỏi đều phải nhờ vả ông ta. Khéo nịnh nọt luồn cúi thì được tút thuốc Tam Đảo, Điện Biên… không khéo thì vài gói thuốc lá mốc. Có con lợn muốn bán mà không biết đều bị đánh tụt xuống loại B, loại C, bị trừ phân, trừ nước, biết nịnh nọt lợn què thành lợn lành. Một năm hai mét vải, tử tế thì được vải phin vải phíp, không thì vải diềm bâu. Ông Bường ban phát cho ai người đó được hưởng, lấy của ai thì người ấy phải chịu. Lại được lúc nào cũng có cô vợ đầy mưu mô, thủ đoạn đứng bên cạnh trợ thủ. Nên anh ta có đầy mưu mẹo luật để ăn bớt ăn xén. Cái quả cân bán hàng thì được khoét rỗng ruột để ăn bớt mỗi cân đường, cân muối, cân thịt nửa lạng. Cái quả cân thu mua thì đắp thêm chì vào cho thật nặng để ăn gian mỗi tạ lợn, tạ gà lấy vài ba ký. Những mưu mẹo của Ông Bường ai cũng biết, nhưng chẳng ai làm được gì,vì ông Bường đại diện cho cả một tập thể lãnh đạo. Bởi thế sau mấy năm làm Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán, vợ chồng ông Bường đã xây được nhà, mua xe đạp Favorit, đài Xiêng Mao, tiền bạc rủng rỉnh trong khi đó dân tình nghèo rớt mồng tơi.
Đã có tiền thì có quyền, con đường quan lộ của ông Bường cứ thế mà phát triển đi lên không ngừng. Cái chức Chủ tịch xã bấy lâu nay ông ta ngồi ở ghế ấy cũng khá lâu rồi. Biết là có quyền hơn chức Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán ngày trước đấy, nhưng lại hẻo tiền lắm. Nghe nói bấy lâu nay bà vợ đang chạy cửa sau cho ông cái chức Phó chủ tịch huyện phụ trách khối Kinh – Tài (kinh tế - tài chính). Ai chạy thì không tin, chứ mỗi khi bà Bường đã nhúng tay vào thì suất quan ngon lành, béo bở ấy làm sao mà vuột được ra ngoài tay của ông Bường.
Nhớ những ngày mới về nhận chức Phó chủ tịch huyện, ông Bường như người rừng bị lạc về chốn đô thị văn minh. Người ta nói với nhau rặt là những điều xa lạ như “tài khoản,ngân sách, phần trăm, dự toán, quyết toán…” khi ông hỏi lại thì họ giải thích đấy là từ chuyên môn. Ông nghe mà u hết cả đầu. Mà cần gì phải đặt những từ rối rắm, phiền phức và nhiễu sự, đánh đố người ta như thế. Cứ gọi những từ buôn bán đơn giản, dân dã như con mẹ xề rượu lậu nhà mình vẫn thường gọi có phải hiệu quả, mà lại dễ nhớ hay hơn không?
Đã bảo ông Bường là con người lắm mưu đầy mẹo. Với ông cái khó nó ló ra cái ma ranh, nên chỉ trong một thời gian vừa đủ ông Bường đã từng bước thể hiện được quyền uy của mình để điều hành công việc. Giảo hoạt, ranh ma đại cao thủ như bà Bường trong nghề buôn rượi cũng phải ngỡ ngàng, kinh ngạc giơ tay bái phục ông học trò vượt trội mình có nhiều tuyệt chiêu đáng nể.  Cái thuật “mỡ nó rán nó” mà ông đã áp dụng với những người trên quyền và dưới quyền ở đây rất hiệu quả. Cứ tùy vào mức độ cần mẫn hầu hạ phục vụ trung thành, thân quen của từng người thực hiện công việc mà ông cho hưởng lộc. Lộc đó được trích ra trong từng khoản tiền ngân sách ở trên cấp về cho các cơ sở ở dưới. Mà ở đời ai lại không thích tiền, thích quyền… Chỉ cần được một chữ ký của ông là có cả.
Đừng có bảo hiện nay ông đang tụ tập các đệ tử lập vây, lập cánh nhé. Tất cả chúng nó đến với ông đều là tự nguyện đấy! Kể cả những kẻ đã có thời ngạo mãn, coi thường, khinh bỉ ông, luôn tìm cách kích động mọi người nói xấu để lật đổ ông, đến bây giờ đều trở cờ về quy tập dưới trướng đấy. Đừng có ngờ ngệch, ngây thơ mà nghĩ rằng đệ tử của ông là những thằng vô học. Nhầm! Nhầm lớn đấy! Phần lớn họ là những người đã học qua các trường đại học, trung học  chuyên nghiệp có uy tín, có trình độ nghiệp vụ chuyên môn cao, có bề dày về kinh nghiệm trong công việc.
Là lãnh đạo, ông Bường cứ ngồi rung đùi sai quân khiển tướng. Đã là lính thì phải biết lo các công việc chuyên môn của mình, như lập kế hoạch xin ngân sách, cân đối tài chính cấp phát cho các xã, phòng, ban trong huyện… để trình lên cho ông ký. Nếu cái gì có vấn đề thì ông đây truy ngược ra ngay người đề xuất và viết báo cáo đó để đưa ra trị tội. Chớ có dại dột mà nghĩ rằng ông sẽ bỏ qua đâu nhé!
Theo dự kiến ông Chủ tịch huyện sẽ nghỉ hưu vào cuối năm sau. Như vậy trong tương lai gần cái ghế này sẽ trống. Ông Phó chủ tịch Bường nhìn thấy thế mà phát thèm, quên ăn, quên ngủ vì lúc nào cũng mơ tới nó. Giá như ông đã có cái bằng Tốt nghiệp phổ thông thì… chả phải bàn cãi làm gì? Nhưng đằng này người ta mới chứng nhận cho ông đang học dở dang lớp năm trường làng. Cái suất Chủ tịch huyện ngon ăn như thế mà rơi vào tay người khác có tức không chứ! Ông đau đầu lắm!
Nhưng cái số ông nó may mắn lắm. Cái lo lắng của ông chưa ho ra đã có đám đệ tử lo đỡ rồi. Họ là những quân sư luôn trung thành bày mưu tính kế cho ông. Có những việc cứ ngỡ như mười mươi tới đây ông sẽ vào tù, vì để cho vốn liếng trong huyện rơi rụng đi đâu mất hàng chục tỷ mà không quyết toán được. Thế mà những người đệ tử đó phù phép thần thông biến các con số chết đó thành con số sống. Ông đã thoát chết một cách ngoạn mục như vậy đấy.
Còn cái chuyện ông chưa học hết phổ thông thì bây giờ sẽ học tiếp. Khắp nơi đang đầy rẫy các trường học Bổ túc Công nông mở ra. Với lớp trẻ để học có được bằng tốt nghiệp phổ thông phải mất mười hai năm hoặc nhiều hơn. Nhưng với lớp cán bộ già đâu phải cần nhiều thời gian như thế. Phải ưu tiên họ chứ. Cả chương trình học đó họ chỉ cần tập trung học vào ban đêm cho bốn, năm tháng là được. Nếu ai đó học dốt quá thì thêm một tháng nữa thì đã sao. Mỗi khi đã vào nhập học thì khi đi ra cầm chắc được cái bằng trong tay rồi. Thử hỏi, đã có ai vào học mà ra về không có bằng đâu?
 Cứ ngỡ ông Chủ tịch huyện Lê Văn Bường nuốt lời hứa, cậu tân trưởng phòng Kế hoạch huyện nhiều lúc cũng nghi ngờ cái tính lật lọng của ông ta. Nhưng đối với ông Bường trong trường hợp đặc biệt này thì không phải thế , đây là đệ tử ruột của ông. Người ta bảo: “làm đĩ chín phương còn một phương mà…” Nếu trong thời gian qua nó không đi học hộ ông cái lớp Bổ túc ấy, thì làm gì ông có được cái bằng tốt nghiệp phổ thông cầm tay. Tất nhiên cái chức Chủ tịch huyện cũng khó bề ông giành được.
Trước đây ông cứ ngỡ cái chức Phó chủ tịch phụ trách Kinh – Tài của mình là ăn đậm nhất trong huyện. Nhưng khi đã ngồi vào cái ghế Chủ tịch này thì hóa ra không phải thế. Ở cái chức này ông ăn dễ và nhiều hơn. Điều đặc biệt lực lượng đệ tử đến hầu hạ phục vụ ông hơi bị nhiều. Tụi nó thông minh và sáng ý lắm, lúc nào chúng cũng đọc được trước những ý nghĩ của ông. Ông thích đi chơi ở đâu là có đứa đến ngay cạnh rước ông đến đó. Đấy là chưa nói những lần chúng nó tổ chức dẫn ông đi tham quan các nước khắp các châu lục trên thế giới, ông không mất một đồng chinh nào mà còn được quà và xấp tiền Đô nằng nặng mang về.
Đừng có nghĩ ông đi nước ngoài mới có tiền cầm về nhé.Ở đấy chỉ là mấy đồng tiền lẻ tiêu vặt thôi. Đồng tiền nó chảy vào túi ông đủ nguồn, ngay như  tiền đền bù để thu hồi đất đai làm khu công nghiệp, đô thị, mở rộng các tuyến đường quốc lộ, tuyến đường mới… đã chảy về nhà ông hàng tỷ đồng rồi. Đấy là chưa tính đến các dự án khác như làm đường, trồng rừng, khuyến nông… Chữ ký của ông nó vô giá lắm! Không vậy thì làm sao có các chủ doanh nghiệp suốt ngày chầu chực ở bên ngoài chỉ mong được vào hầu ông.
Ở thói đời đã có tiền ai lại không ham quyền lực, ông đây đã là một Chủ tịch huyện già dặn lâu năm thì cớ gì lại không mơ tới cái chức quan tỉnh. Đã có người bảo: “Cái gì không làm được thì dùng tiền…” Đấy là người ta nói. Chứ khi đã vào quan tỉnh ngoài mọi thứ ra ít nhất anh phải có bằng kỹ sư, cử nhân… Lấy cái bằng Bổ túc Công Nông thì chả phải bảo làm gì, vì trường của huyện nằm ở trong tay mình, muốn làm gì mà chả được. Đằng này các trường Đại học nó nằm ở tận ngoài Hà Nội. Đúng là với sao trên trời.
Ông Bường vừa mới he hé cái băn khoăn của mình một tý đã có ngay một cậu Chủ doanh nghiệp đệ tử ruột vội vàng đỡ.
- Việc này bác khỏi phải lo lắng đi, để em lo liệu cho. Mấy trường đại học ở ngoài Hà Nội em đều quen cả. Mà bác đã từng lãnh đạo về kinh tế thì nên đi học lấy bằng Cử nhân kinh tế - Chủ doanh nghiệp mau mồm nói.
- Cậu nói như đánh đố, tớ đang đi làm đâu dễ mà bỏ việc ra ngoài ấy mấy năm để đi học được – Ông Bường có vẻ thất vọng nói.
- Em chưa nói hết cho bác, ai bảo bác phải đi học hết thời gian đó. Bác làm hồ sơ xin được học để gửi cho trường, em sẽ đích thân đưa ra ngoài ấy nộp. Khi có giấy báo nhập học, em chỉ cần bác có mặt ở trường mấy ngày để vào nhận lớp là được thôi. Phần còn lại ta lại lo tiếp. – Chủ doanh nghiệp nói.
- Lo tiếp là lo thế nào? – Ông Bường thắc mắc hỏi lại.
- Tức là em lại tìm người đi học thay cho bác. Việc này em đã tính kỹ rồi. Chỉ cần bác đưa thằng cháu em là Cử nhân kinh tế, nhân viên của bác đấy, lên phụ trách phòng hành chính huyện là được, để nó còn có điều kiện thời gian ra Hà Nội học thay cho bác. – Chủ doanh nghiệp nói.
- Trong việc này có mất nhiều tiền không? – Ông Bường hỏi lại.
- Tất nhiên để được cái bằng Cử nhân kinh tế này thì mất rất nhiều tiền rồi. Đây là bằng xịn hẳn hoi, chứ đâu phải là tờ giấy lộn mà không phải mất tiền. Nhưng vụ này bác cứ yên tâm, em sẽ lo tất. Biết đâu được đà em sẽ làm luôn cho bác cả cái bằng tiến sĩ nữa, chỉ cần…  – Chủ doanh nghiệp nói lấp lửng.
- Cậu bảo chỉ cần… là cần cái gì? – Ông Bường hỏi lại.
            - Chỉ cần bác ký cho em trúng thầu làm dự án trụ sở  ngay trung tâm huyện, dự án đường liên xã và khi bác đã lên quan tỉnh, có dự án nào ngon ăn bác dành riêng cho em làm cửa sau cho bác là được. – Chủ doanh nghiệp bộc bạch.
            Từ ngày nhận chức Phó chủ tịch tỉnh cho đến hôm nay ngót nghét cũng đã gần mười năm rồi, suốt cả quãng thời gian đó, không biết bao nhiêu lần ông Bường đã dự định về thăm và nói chuyện với chính quyền, nhân dân làng Nhất Địa, quê hương chia rau cắt rốn của mình. Mãi cho đến hôm nay ông mới thực sự giải tỏa được những trăn trở đó.  
            Vừa được tin ông Bường đang trên đường về quê, già trẻ gái trai trong làng không một ai bảo ai đã có mặt đông đủ tại nhà Văn hóa rồi. Họ đang háo hức, tò mò, chờ đợi ông quan tỉnh là người thành đạt nhất của làng về nói chuyện. Cả không gian sôi động hẳn lên, nhất là khi mọi người được mục thị câu khẩu hiệu to tướng “Chào mừng đồng chí tiến sĩ Lê văn Bường Phó chủ tịch tỉnh về thăm…” được treo giữa trung tâm khán đài.
            Từ trong nhà cho ra ngoài sân người ta sôi nổi bàn tán và kháo nhau: “ Ông Bường là quan to nhất huyện ta đấy!”, “Cái số ông ấy lấy được bà vợ vượng phu nên vừa được làm qua to, vừa lại lắm tiền. Nếu như bà ấy có đẻ cho ông ấy thêm mấy đứa con nữa thì chúng nó tiêu pha cả mấy đời cũng không hết”... Ấy chết! Chớ có dại mồm dại miệng mà nhắc đến chuyện con cái của ông ấy. Cứ mỗi lần nói như vậy là lại khoét thêm nỗi đau vô hạn của Bường.
Ai mà chả biết ông bà Bường chỉ sinh được một thằng con, cho đến bây giờ có nó cũng như không. Đúng là đã hiếm lại còn hoi. Cái thằng được ông bà nuông chiều từ bé, học hành chẳng đến nơi đến chốn chỉ biết chơi bời, phá gia chí tử. Cứ ngỡ sau cái đận ông xin cho nó vào làm lái xe quá cảnh sang Lào, rồi cưới vợ cho nó thì nó sẽ tu chí làm ăn, nhưng ngược lại thằng Lãng này đã không cải tạo được, mà còn lún sâu vào chơi bời nghiện ngập, đến mức vợ nó không chịu được phải bỏ đi. Bây giờ thì nó đang vật và, vật vờ với căn bệnh thế kỷ HIV ở trong trại cai nghiện.
Mới ngày nào đó đang còn là đầu năm mà bây giờ đã bước vào ngày cuối tháng chạp rồi, ông Bường bồn chồn đi đi lại lại trong sân, miệng cứ lẩm ba lẩm bẩm, chốc chốc lại ngóng đầu nhìn ra ngoài như trông đợi ai sắp đến. Đây là tết đầu tiên ông về nghỉ hưu ở nhà nên không quen với khung cảnh đìu hiu, vắng lặng của những ngày cuối năm như thế. Theo lệ thường từ bao năm nay, cứ vào đầu tháng chạp trở đi ở trong nhà ngoài ngõ ông khách ở khắp nơi tay xách nách mang tấp nập tìm đến. Đã có những lúc ông bà liên tục bưng bê quà cất vào buồng trong mệt quá muốn đứt cả hơi. Chả cần nói ở đâu xa, ngay cả cái sân vườn rộng lớn nơi ông đang đứng đây, những năm về trước đầy rẫy các chậu cây cảnh hoa, bon sai quý hiếm nằm chắn che hết lối. Thế mà giờ này không thấy một mống nào vác mặt đến. Không những thế, mấy thằng đệ ruột bấy lâu nay hễ trông thấy ông là chúng nó tìm cách lảng tránh. Nếu có buộc phải gặp nhau thì đứa nào, đứa nấy mặt lạnh như tiền, câng câng không thèm chào ông lấy một lời. Đúng là quân tráo trở, ăn cháo…
Ngày trước khi còn chưa nghỉ hưu ông phải dành hết thời gian cho công việc ở cơ quan nên có chạm mặt với bà vợ cũng không nhiều lắm. Nhưng khi về hưu ông đâu ngờ cái tính cáu bẳn, càm rà càm ràm dai dẳng của bà nó quá quắt như thế, suốt ngày cứ đeo bám chặt vào tai ông. Bây giờ ông muốn tránh bà cũng không được, lúc nào cũng giáp mặt nhau, vì ở trong nhà này quay đi quay lại cũng chỉ có ông và bà thôi. Ông vẫn biết cái sai của mình chứ! Ông cung cấp tiền nong để nuôi cô bồ là vì cái lý sâu xa của nó. Ông đang cần có một đứa con nối dõi tông đường. Bà có đay nghiến chửi rủa thế nào cũng chịu thôi. Mà lỗi này cũng do bà đấy! Ai bảo bà tịt không biết đẻ! Chính bà quá nuông chiều thằng Lãng nên mới ra nông nỗi này. Khi đang còn trẻ thì những chuyện như thế này chả cần nói làm gì, còn bây giờ tuổi tác mình đã xế chiều, không mạnh dạn đầu tư thì dòng họ nhà ông sẽ bị tuyệt tự. Càng ngẫm nghĩ ông càng hận, tức tối, điên tiết với bà lắm.
Đang tính chuyện đi vào nhà nằm nghỉ một lúc thì ngay bên tai ông đã rồ lên xa xả bài ca rỉa móc muôn thủa của bà  “già rồi mà còn mất nết…  còn đĩ thõa… ông đi đâu thì đi, đi khỏi mắt tôi ngay!” liên tục, liên tục như thách đố ông. Thế có điên không chứ! Đã đến nước này thì ông chả còn gì để mất nữa. Cũng chả kém nhịp độ và âm lượng của bà, ông phản đáp thẳng thừng:
- Ông sẽ đi ra khỏi nhà này ngay bây giờ! Ông sẽ đến ở hẳn với con bồ ngay phố chợ cho bà trắng mắt ra! Đừng có nghĩ rằng ông đi ra khỏi nhà này là trắng tay nhé!
Đã nói là làm, ông Bường không thèm nói thêm một lời nào nữa, lẳng lặng quay đầu vội vàng bước ra ngoài cổng thì đụng phải con Mực đang quẩn quanh ở đấy. Đang chứa chất đầy cơn bực bội trong người lại gặp phải con Mực cản đường, làm cho ông càng điên tiết hơn, chẳng cần phải suy tính gì ông Bường tung một cú đá mạnh vào bụng nó, con Mực kêu lên ăng ẳng…
Vừa đi ông càng ngẫm nghĩ, may mà mình còn khoản quỹ đen thu được ở dự án nhà ở đô thị, mà bấy lâu nay cậu Chủ doanh nghiệp còn nợ ông chưa trả. Số tiền này đủ để cho ông và cô bồ sống đến hết đời. Mải mê với khoản tiền riêng đang có, ông Bường như trút hết mọi bực tức ở lại, đi thẳng một mạch đến nhà cậu đệ tử Chủ doanh nghiệp mà không thèm ngoái đầu nhìn lại. Bà Bường vẫn đứng đấy để nhìn ra, nhưng vẫn không dứt lời mắng rủa, chỉ có con Mực vẫn lẳng lặng bám sát sau lưng ông theo một khoảng cách nhất định.
Đúng là nhà của Chủ doanh nghiệp có khác, nó hoành tráng, uy nghi, to cao, kín cổng cao tường nổi bật nhất so với bao nhà nằm cùng con phố. Tuy đã nhiều lần đến đây nhưng ông Bường phải vẫn chững lại một lúc mới đẩy cánh cổng nằng nặng bước vào. Riêng con Mực thì sợ ra mặt, nó chỉ biết đứng yên một chỗ ở ngoài nhìn vào mà không dám mon men vượt qua ranh giới.
Vừa trông thấy ông, cậu đệ tử Chủ doanh nghiệp đã hớn hở tươi cười, niềm nở, chạy vội ra ngoài sân rước ông vào phòng khách sang trọng để tiếp.  Rồi cậu ta hỏi han, chia sẻ về những điều buồn vui trong những ngày ông đã nghỉ hưu ở nhà. Nghe cậu ta thăm hỏi, động viên, tiếp đón chân tình tự dưng ông Bường cảm thấy như trút được gánh nặng đeo bám dai dẳng trong người bấy lâu nay. Giờ đây ông mới thực sự thấy lòng mình nhẹ nhõm thanh thản biết bao. Có qua hoạn nạn mới biết được đâu là bạn, đâu là bè.
Như được mở tấm lòng ông Bường cảm thấy không cần một chút vòng vo, ý tứ với cậu đệ tử ruột nữa, nên ông nói thẳng việc cần kíp của mình:
- Tớ đang cần tiền gấp! Cậu cho rút một ít trong khoản tiền của tớ đang  nằm…
Ông Bường chưa kịp nói hết câu đã bị cậu đệ tử ruột đã đỏ mặt, sừng sộ cắt ngang:
- Ông bảo tiền đang có là tiền nào? Tất cả số tiền ấy lâu nay tôi đã chi cho ông hết rồi còn đâu nữa mà đòi! Này nhé! Tiền đầu tư mua bằng Đại học, Cao học rồi bằng Tiến sỹ cho ông? Tiền mua nhà cho cô bồ của ông? Rồi tiền chu cấp nuôi cô ấy suốt bao năm nay… ông tưởng là ít  à? Đấy là tôi chưa tính kỹ đấy! Nếu chi li ra ông còn nợ tiền của tôi cũng không phải ít đâu? Lẽ ra ông phải biết ơn tôi mới phải chứ! Thế mà còn dám vác mặt vào đây đòi tiền! Về… về ngay! Ông bước ra khỏi nhà tôi ngay!
Vừa nghe đến thế, ông Bường đã choáng váng trố mắt nhìn tay Chủ doanh nghiệp. Vì quá bất ngờ nên ông chưa kịp có một phản ứng gì thì đã nghe hắn ta xuỵt xuỵt trong miệng mấy cái, ngay tức thì một con chó Bec giê cao lớn như con bê đang chực sẵn từ đâu lao vụt ra giương cái mõm dài ngoẵng, chìa ra bộ răng dài nhọn trắng nhởn, giương đôi mắt đỏ ngầu long sòng sọc, rồi gầm gừ chừng chực lao thẳng vào ông Bường mà cắn xé. Quá hoảng sợ, không còn biết đâu là trời đất nữa, ông Bường chỉ biết lao nhanh một mạch ra ngoài đường, đến khi ông vừa quay mặt lại đã thấy con chó Bec giê đang vun vút lao thẳng cả người vào cánh cổng đánh “rầm”, thật hú hồn, may mà ông vừa kịp khép cổng, còn không thì...
Cũng nhanh không kém con Bec giê tý nào, con Mực tức tốc lăn xả mình vào chiến đấu với con Bec giê để cứu chủ. Có con Mực bên cạnh hỗ trợ, ông Bường mới trấn tĩnh dần lại. Hướng mặt vào nhà, ông dồn hết sức lực đang có để hét lên thật to, chửi thẳng vào mặt thằng ăn cướp trắng trợn và bất nhân đó, nhưng tiếng chửi của ông vẫn không át được tiếng hai con chó đang sủa vang trời…  rồi chúng nó lại lao vào cào cấu, cắn xé nhau ầm ĩ qua lớp song sắt cổng.
Cố nuốt cục uất ức còn nghẹn đắng trong cổ, ông Bường lấy tay chỉ vào con Mực rồi thốt lên:
- Mày… Mày… Mày…. Chỉ có mày là trung thành với tao!

                                                            Những ngày đầu năm Giáp Ngọ


                                                                            Võ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét