Menu ngang

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Ai là khai quốc công thần nhà Lê?

  Không chỉ là một võ tướng, Nguyễn Xí còn là một nhà chính trị lỗi lạc, là một trong các khai quốc công thần của nhà Lê.


Tuổi nhỏ phi thường

Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397) là con của ông Nguyễn Hội và bà Vũ Thị Hạnh. Ông nội của Nguyễn Xí là Nguyễn Hợp vốn quê ở làng Cương Gián (nay là xã Xuân Song, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) ở phía Nam sông Lam dưới chân núi Hồng Lĩnh, làm nghề ruộng và làm muối. Sau đó Nguyễn Hợp đã dời ra ở làng Thượng Xá (nay thuộc xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc) khai khẩn ruộng hoang và tiếp tục nghề làm muối. Từ nhỏ Nguyễn Xí cùng với anh cả là Nguyễn Biện theo cha đem muối ra vùng thượng du Thanh Hoá bán và nghe tiếng tăm của Lê Lợi ở đất Lam Sơn.
Năm 1405, Nguyễn Xí mới 9 tuổi thì mồ côi cha và sau đó không lâu mẹ cũng qua đời. Hai anh em Nguyễn Biện và Nguyễn Xí tìm ra Lam Sơn xin làm gia thần của Lê Lợi. Lê Lợi thu nạp hai anh em Nguyễn Biện và Nguyễn Xí, nuôi dưỡng như người trong nhà. Lê Lợi giao cho Nguyễn Xí nuôi dạy đàn chó săn gần 100 con. Nguyễn Xí đã dùng tiếng chuông, tiếng mõ làm hiệu lệnh để điều khiển bầy chó khi cho ăn, khi nằm, khi tiến khi lùi. Dần dà đàn chó nghe tiếng chuông, tiếng mõ đều răm rắp làm theo hiệu lệnh của chủ. 
Nhìn thấy đàn chó vâng lệnh chủ, Lê Lợi rất mừng, khen ngợi Nguyễn Xí và nói: "Loài vật vô tri còn nuôi dạy được như thế, huống hồ là việc luyện tập và cai quản quân sĩ. Ngày nay có việc làm phi thường thì ắt mai sau sẽ có hành động phi thường".


Gia thần thân tín

Năm Bính Thân (1416), Lê Lợi cùng 18 người bạn chiến đấu đã làm lễ thề tại Lũng Nhai, nguyện dốc sức đồng lòng, sống chết có nhau, đuổi giặc cứu nước. Từ đó một bộ chỉ huy khởi nghĩa đã hình thành và một cuộc chiến tranh yêu nước đang được xây dựng lên. Đầu năm Mậu Tuất (1418), ngọn cờ khởi nghĩa của Bình Định vương Lê Lợi đã bắt đầu giương lên ở núi rừng Lam Sơn. Nguyễn Xí với tư cách là gia thần thân tín của Lê Lợi, đã tham gia vào công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa và được chủ soái Lê Lợi giao cho chỉ huy một đội quân thiết đột là lực lượng xung kích nòng cốt của nghĩa quân. 
Từ năm 1418 đến năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn hoạt động ở vùng núi rừng Thanh Hoá trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ. "Quân lính chỉ độ vài ngàn, khí giới thật là tay không, cơm không đủ ngày hai bữa, áo không phân biệt đông hè". Trong hoàn cảnh gian khổ đó, Nguyễn Xí luôn có mặt bên cạnh Lê Lợi và thường được giao nhiệm vụ bảo vệ chủ soái và bộ chỉ huy. 
Ngày 14 tháng 4 năm Mậu Tuất (21/5/1418), quân Minh được tên phản bội là Lê Ái dẫn đường mở một cuộc vây quét lớn vào căn cứ địa Lam Sơn. Quân giặc lùng bắt thân nhân của Lê Lợi (trong đó có người con gái 9 tuổi), vợ con của nghĩa quân hòng uy hiếp tinh thần chiến đấu của nhân dân ta. Nguyễn Xí cùng các tướng Đinh Lễ, Phạm Vấn, Đỗ Bí, Trương Lôi... đã chỉ huy nghĩa quân chống trả quyết liệt bảo vệ Lê Lợi và bộ chỉ huy rút lên núi Chí Linh an toàn.
Cuối năm Canh Tý (1420), tổng binh Lý Bân và đô đốc Phương Chính đem 10 vạn quân tiến công căn cứ Mường Thôi. Được tên đồng tri Quỳ Châu là Cầm Lãn dẫn đường cho quân giặc. Lê Lợi  phái Nguyễn Xí và các tướng Lý Triệu, Phạm Vấn, Nguyễn Đình Lý đem quân ra mai phục sẵn ở Bồ Mộng. Quân giặc lọt vào trận địa mai phục của Nguyễn Xí bị giết hơn nghìn tên. Trận Bồ Mộng đã giáng một đòn phủ đầu bất ngờ vào quân giặc, tạo điều kiện cho nghĩa quân sau đó thừa thắng xông lên đập tan một cuộc tiến công lớn của quân Minh.

“Hổ tinh” và cái chết oan của cha danh tướng Nguyễn Xí

Dân làng và vợ con ông Hội vào đưa xác ông về chôn thì con hổ nhe răng và gầm gừ nhất quyết không cho mang xác chủ đi…
Nguyễn Xí là đại danh tướng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nhưng ở đây, chúng tôi xin ghi lại câu chuyện dân gian về cha ông - Nguyễn Hội.


Ông cũng là người đã cùng các tướng lĩnh phò tá, đưa Lê Tư Thành lên ngôi Hoàng đế (Lê Thánh Tông) mở ra một giai đoạn phát triển cực thịnh của nhà nước phong kiến Việt Nam dưới triều Lê.
Chuyện kể rằng: Ông nội của Nguyễn Xí tên là Nguyễn Hợp, làm nghề nấu muối tại làng Cương Giản, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).  Vợ chồng ông có 2 người con: Con trai cả là Nguyễn Khai và con trai thứ là Nguyễn Hội. Vào khoảng thế kỷ 14, để anh con trai cả ở lại quê cha đất tổ, cụ Hợp đưa vợ chồng con trai thứ là Nguyễn Hội (vợ là Vũ Thị Hạch) đến làng Hải Tân, xã Thượng Xá (nay là xã Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An) mở thêm 1 lò nấu muối để mở mang nghề nghiệp.
Tại vùng quê mới, vợ chồng ông Nguyễn Hội - Vũ Thị Hạch cũng sinh hạ được 2 người con trai là Nguyễn Biện (1394) và Nguyễn Xí (1397). Tương truyền, thủa đó nghề nấu muối của vợ chồng ông rất phát đạt. Muối của ông Hội bán khắp mọi nơi, lên đến vùng thượng du của tỉnh Thanh Hóa. Nhờ hàng ngày mang sản phẩm của mình đi bán khắp nơi nên ông Nguyễn Hội đã kết tình thân giao với cụ Lê Khoáng (cụ thân sinh ra vua Lê Thái Tổ) ở Lam Sơn, huyện Lương Sơn (nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa)…một hào trưởng của địa phương, có tới hàng nghìn nông nô.

Theo truyền thuyết còn lưu giữ tại địa phương, thì làng Thượng Xá hồi cuối thế kỷ 14 còn là một vùng đất rất hoang vu, ruộng đất canh tác còn rất ít ỏi, dân cư thưa thớt. Ông Nguyễn Hội vừa làm nghề nấu muối vừa canh giữ chùa Kim Tự, còn gọi là chùa Vàng (một ngôi chùa cổ tại làng Thượng Xá). Thường ngày, tầm canh tư, ông Nguyễn Hội thức dậy đi vào chùa điểm chuông chùa. Tiếng chuông chùa Kim Tự, trở thành tiếng chuông báo thức cho bàn dân trong vùng tỉnh giấc chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.

Một đêm nọ, ông Hội nằm mộng thấy một người phụ nữ quỳ gối trước mặt mình và cầu xin rằng: "Sáng ngày mai, xin ngài gia ân, đừng điểm chuông chùa! Nếu ngài vẫn điểm chuông thì mẹ con nhà thiếp sẽ bị họ giết oan!". Ông Nguyễn Hội sực tỉnh thì hóa ra đó là một giấc chiêm bao. Thế nhưng giấc mộng kỳ lạ ấy đã làm ông thao thức mãi không ngủ được. Mờ sáng hôm đó ông quyết định không vào chùa điểm chuông thì ông gặp ngay sự cố: Mới mở mắt ông hàng thịt ở cạnh nhà chạy sang trách: "Ông làm tôi lỡ việc rồi! Sáng nay, không nghe tiếng chuông chùa nên tôi không dậy làm thịt lợn để đưa ra chợ bán được. Khốn khổ là con lợn tôi mua về thả trong chuồng chiều qua, sáng nay bỗng sinh ra một đàn lợn con. Không tin ông sang mà xem!".

Ông Nguyễn Hội lật đật sang nhà anh hàng thịt thì quả đúng con lợn nái trong chuồng đã sinh ra một đàn lợn con thật. Hai người bỗng phát hiện ra một chú lợn con trông lạ hoắc: Vừa giống lợn, vừa giống hổ. Ông hàng thịt phát hoảng liền nói với vợ đem giết nó đi. Ông Nguyễn Hội đã một mực xin tha mạng cho nó và bảo ông hàng thịt nuôi nó thêm một thời gian rồi để cho ông mang nó về nhà nuôi. Sau khi con vật rời mẹ, về nhà ông Nguyễn Hội, được chăm sóc chu đáo nên nó lớn nhanh như thổi. Chỉ một thời gian sau nó trở thành một con hổ thực sự vạm vỡ.

Hàng ngày ông Hội dắt nó bên mình và dạy cho hổ cách canh đó (dụng cụ đánh bắt tôm, cá) và canh lò nấu muối mỗi khi ông đi vắng. Vào ngày 23 tháng 3 năm Ất Dậu (1405), trong một lần ông được bạn mời sang dự đám tiệc ở làng bên. Trước khi ra đi, ông Hội dắt hổ ra đập Hạng, nơi ông đang đặt đó đơm tôm cá, rồi vỗ vào lưng hổ và âu yếm dặn: "Con ở nhà canh đó và lò muối cẩn thận cho ta nhé!". Bữa tiệc hôm ấy kéo dài đến tận khuya mới tàn, khi trở về làng trong tình trạng rượu đã ngà ngà say, ông nảy ra ý định ra đập Hạng thử kiểm tra xem chú hổ mà ông yêu quý có vâng lời mình hay không.
Đêm đó trời tối, trời vần vũ chuyển mưa, khi ông đang lầm lũi vào nơi đặt đó thì con hổ đang canh chừng ở đó phát hiện ra. Tưởng có kẻ gian đang ăn trộm cá của chủ mình, hổ liền lao thẳng vào vồ khiến ông Hội chết ngay tại chỗ. Sau khi vồ chết người, con hổ mới nhận ra đó là ông chủ của mình. Nó liền vác cụ lên lưng cõng vào khu Đồng Lầm, thuộc làng Mượu Nậy (nay là xóm 3, xã Nghi Hợp) rồi bới đất để an táng cho chủ.

Sáng hôm sau, không thấy ông Hội trở về, cũng chẳng thấy con hổ đâu. Bà Hạch cùng gia nhân và bà con làng xóm bủa đi tìm thì tìm thấy xác cụ đã được hổ chôn lấp một các sơ sài ngay tại Đồng Lầm. Con hổ nằm canh giữ bên cạnh mộ. Dân làng và vợ con ông Hội vào đưa xác ông về chôn thì con hổ nhe răng và gầm gừ nhất quyết không cho mang xác chủ đi…Gia đình tìm cách đưa thi hài cụ đến nơi khác an táng, nhưng ban đêm hổ lại mang xác cụ về vùi lấp ở chỗ cũ. Thế là gia đình đành phải để nguyên ông lại đó. Điều kỳ lạ là nơi ông Hội được hổ vùi, đất cứ nổi dần lên thành một nấm mộ lớn. Sau khi ông Hội chết được 100 ngày thì con hổ bỏ đi vào núi Riềng, thuộc xã Nghi Thiết ngày nay.

Thương chồng, buồn phiền, bà Võ Thị Hạch lâm bệnh nặng rồi đột ngột qua đời sau đó 45 ngày để lại 2 người con trai côi cút: Nguyễn Biện lúc đó mới 11 tuổi, Nguyễn Xí mới 8 tuổi. Ông Nguyễn Hợp tuổi đã già, thương con, đưa 2 cháu nội là Nguyễn Biện và Nguyễn Xí ra trại Lam Sơn nhờ Hào trưởng Lê Khoáng cưu mang rồi quay trở về quê cũ…

Nguyễn Xí:  Sống oanh liệt, chết được vua thương tiếc
Nguyễn Xí có mặt trong đội ngũ nghĩa quân Lam Sơn tiến vào giải phóng Nghệ An. 

26 tuổi lập công lớn

Ngày 24 tháng chạp năm Nhâm Dần (6/1/1423), quân Minh do Mã Kỳ chỉ huy từ hai phía đánh vào Quan Du (Quan Hoá, Thanh Hoá) nghĩa quân của Lê Lợi phải rút ra Sách Khôi (Nho Quan, Ninh Bình). Một tuần sau quân giặc lại huy động một lực lượng lớn, từ thành Đông Quan đến bao vây nghĩa quân ở Sách Khôi. 
Lê Lợi nhận định: "Giặc bốn mặt bủa vây - đây là nơi mà binh pháp gọi là đất chết (tử địa), đánh nhanh thì sống, không đánh nhanh thì chết". Lê Lợi động viên quân sĩ liều chết phá vây, tìm cách thoát khỏi đất chết. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Xí và các tướng Phạm Vấn, Lê Triệu, Lê Hào, Lê Lĩnh, Trương Lôi, Trịnh Khả, Lê Trí, nghĩa quân đã đánh một trận hết sức ngoan cường, đẩy lùi cuộc vây quét của giặc Minh. Nghĩa quân đã giết chết tả tham tướng Phùng Quý và hơn nghìn tên địch, bắt hơn 100 con ngựa. Trận Sách Khôi là một trận đánh oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Xí là người có công lớn trong trận đánh này và lúc đó ông mới 26 tuổi.
Trong những năm hoạt động trên quê hương xứ Nghệ, trận đánh lớn mà Nguyễn Xí tham gia là trận Khả Lưu - Bồ Ải đầu năm 1425. Trong trận đánh này, nghĩa quân đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng trong sinh lực địch, giết chết tướng tiên phong là đô ty Hoàng Thành, bắt sống đô ty Chu Kiệt và trên 1.000 tù binh. Sau trận thắng ấy, nghĩa quân bắt đầu vây hãm thành Nghệ An và cùng với nhân dân nhanh chóng giải phóng các châu huyện, biến phủ Nghệ An thành đất đứng chân của cuộc khởi nghĩa.
Từ căn cứ địa Nghệ An, nghĩa quân tiến ra giải phóng Diễn Châu, Thanh Hoá, tiến vào giải phóng phủ Tân Bình, Thuận Hoá, làm chủ một vùng rộng lớn từ đèo Tam Điệp đến đèo Hải Vân. Đến cuối năm 1425, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc sâu rộng. Tháng 9 năm Bính Ngọ (1426), nghĩa quân Lam Sơn bắt đầu mở cuộc tấn công ra các lộ phía Bắc, đưa cuộc chiến tranh giải phóng lên quy mô toàn quốc và giành thắng lợi quyết định.
Sống oanh liệt, chết được vua thương tiếc

Giai đoạn này có 3 chiến dịch lớn mang ý nghĩa chiến dịch trọng yếu đưa đến thắng lợi vẻ vang của cuộc chiến tranh yêu nước. Đó là các chiến dịch Tốt Động - Chúc Động đầu tháng 11/1426, chiến dịch vây hãm và dụ hàng thành Đông Quan từ 22/11/1426 - 10/12/1427. Trong ba chiến dịch lớn đó, Nguyễn Xí đều có mặt và đã góp phần tạo nên thắng lợi chung của quân dân ta. Có thể nói đây là giai đoạn thành công và cống hiến nhiều nhất của Nguyễn Xí, là đỉnh cao trong sự nghiệp chống quân Minh xâm lược.
Kể từ ngày tham gia nghĩa quân Lam Sơn (1418) đến năm 1427 tham gia trận Xương Giang, Nguyễn Xí đã có 10 năm tuổi trẻ hào hùng với nhiều chiến tích huy hoàng.
Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, triều Lê được chính thức thành lập năm 1428. Trong vương triều mới, Nguyễn Xí là một khai quốc công thần, đã từng giữ nhiều chức vụ trọng yếu. Ông đã phục vụ triều Lê trải qua 4 đời vua: Thái Tổ (1428 - 1433), Thái Tông (1433 - 1442), Nhân Tông (1442 - 1459) và Thánh Tông (1460 - 1497).
Năm 1464, Nguyễn Xí ốm nặng, Lê Thánh Tông sai sứ mang một đạo dụ đến nhà riêng thăm hỏi và biếu 1.000 quan tiền để thuốc thang. Trong đạo dụ có đoạn: "Công của khanh, trẫm chưa báo đền mà bệnh của khanh sao đã trầm trọng. Nghĩ đến nước, cơm cháo khanh phải cố ăn. Lo cho trẫm, thuốc thang khanh phải cố chữa".
Ngày 30 tháng 10 năm Ất Dậu (18/11/1465), Nguyễn Xí mất hưởng thọ 69 tuổi. Lê Thánh Tông rất thương tiếc cho đưa linh cữu về quê an táng, truy tặng hàm Thái sư Cương quốc công và sai lập đền thờ tại Thượng Xá. Đền thờ Nguyễn Xí được xây dựng từ năm Quang Thuận thứ 8 đời Lê (1467). Qua bao thăng trầm của thời gian và đạn bom của Pháp và Mỹ, đền thờ ngài vẫn uy nghi tồn tại và là di tích lịch sử của quốc gia, cách Cửa Lò khoảng hơn 2km.


Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam / Trịnh Dương






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét