Huyền tích Phó tướng Nguyễn
Đình Đắc (1755 - 1811)
NGUYỄN MẠNH ĐẨU
Thái bảo Thượng tướng quân Thượng trụ quốc Nguyễn
Đình Đắc là người có công lớn góp phần lập đế Nguyễn Ánh - Gia Long. Xưa nay chuyện về ông còn như một huyền tích.
Đền
thờ Nguyễn Xí (ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), ông Tổ của Thái
bảo Thượng tướng quân Nguyễn Đình Đắc.
* Lập chí phò nhà Lê gây dựng cơ đồ
Sinh ra ở vùng quê trong một gia đình nghèo, cậu bé Nguyễn
Đình Đắc vốn thông minh nhanh nhẹn đã quyết chí lập thân. Mang tư tưởng phò Lê,
ông cùng Nguyễn Hữu Chỉnh quyết chí phục dựng sự nghiệp cho nhà Lê.
Tướng quân
Nguyễn Xí trên bành voi xung trận
Tuổi nhỏ
nuôi chí lớn
Phó tướng
Nguyễn Đình Đắc sinh năm Ất Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 16, đời vua Lê Hiển
Tông, con ông Nguyễn Công Thúc và bà Nguyễn Thị Diên người làng Thượng Xá - nay
là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Người đời
nói về ông thường dùng danh xưng Phó tướng Đắc, hoặc Đắc Lộc Hầu. Theo đó, Đắc
là tên riêng, gọi theo chức là Phó tướng Đắc ( chức Phó tướng có thể hiểu như
Phó Tư lệnh thời nay ), gọi theo tước là Đắc Lộc Hầu. Dưới thời phong kiến,
tước Hầu là bậc thứ hai trong: Công - Hầu - Bá - Tử - Nam. Theo tộc phả Nguyễn
Đình - Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí, kể từ năm 1428 về sau khoảng 500 năm,
dòng họ này có 59 vị được phong tước Công, 179 vị tước Hầu, 141 vị tước Bá, 7
vị tước Tử, 37 vị tước Nam. Cũng theo tộc phả Nguyễn Đình, chức cao nhất của
ông Nguyễn Đình Đắc là Thái bảo Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, cho nên ông
ở bậc tước Hầu mà được xếp vào hàng tước Công (gồm các vị trong hàng Tam Thái).
Phó
tướng Nguyễn Đình Đắc là cháu đời thứ 12 của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí,
cháu đời thứ 11 của Thái bảo Thượng trụ quốc Nguyễn Kế Sài ( con trai thứ 5 của
Nguyễn Xí). Thân phụ của ông vốn xuất thân là một võ quan nhưng cuối đời nghèo
khó. Không biết việc học hành thế nào thì trong tộc phả không ghi, chỉ biết
thuở nhỏ Nguyễn Đình Đắc là người thông minh, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, ham luyện
võ nghệ. Ở tuổi thiếu niên, Nguyễn Đình Đắc được đắm mình trong chuyện kể của
cha mẹ, gia tộc, dân chúng trong vùng về sự tích chiến công lẫy lừng của
của tổ tiên, của các danh nhân trong nội tộc, trong địa phương. Từ đó góp phần
giúp ông nuôi chí lớn, noi gương tiên tổ.
Ở quê đến
tuổi trưởng thành, do không chịu sự chèn ép của bọn cường hào ác bá, ông rời
nhà tha hương tìm chốn tiến thân. Từ xưa, cư dân làng Thượng Xá truyền rằng,
ông mồ côi cha, ở với mẹ. Một hôm nhà ông bị cháy, ông ứng khẩu làm bài vè rồi
được đám trẻ rồng rắn hát nghêu ngao khắp làng: "Tùng tùng cắc cắc/Mẹ
Đắc cháy nhà/ Cháy ba sàng muối/ Cháy lõi thành than/ Cháy tan cối đạp".
Có một năm
làng Thượng Xá tiến hành lễ yến lão (mừng thọ) vào dịp Tết Nguyên đán cho các
bậc cao niên, anh Đắc làm seo (mõ) làng, vì mải chơi đã quên mời một lão làng.
Lão này hách dịch sai tuần đinh nọc ông ra đánh. Đêm hôm sau làng mời phường
trò đến mua vui trong dịp khai hội đầu xuân, viên chức dịch ngồi điểm trống
chầu, vì ngủ gật làm rơi dùi trống. Thấy thế, Nguyễn Đình Đắc nhặt dùi trống
lên gõ vào đầu viên chức dịch mấy cái, rồi nhân cuộc vui nhốn nháo chạy trốn
trong đêm tối. Từ đó dân làng không biết tin tức về Nguyễn Đình Đắc nữa. Năm đó ông khoảng
mười lăm, mười sáu tuổi.
Cùng
Nguyễn Hữu Chỉnh nuôi chí phò Lê
Hơn 20 năm
sau, có mấy người làng đi cắt cỏ Nẻ (địa danh giáp giới huyện Diễn Châu và
huyện Nghi Lộc, cách làng Thượng Xá chừng 15 cây số) về kể lại rằng: Quan quân
từ trong Nam rầm rộ kéo ra Bắc đi chật đường, thấy có một ông tướng oai phong
lẫm liệt ngồi chễm chệ trên bành voi. Nhìn nét mặt giống hệt anh Mới Đắc làng
mình ngày trước. (Vùng này người ta thường dùng từ “anh mới” hoặc “anh nhiêu”
đặt trước tên riêng để chỉ những thanh niên con nhà bình dân chưa có vợ hoặc đã
có vợ nhưng chưa có con). Mọi người nửa tin nửa ngờ. Mãi đến ngày chiến
thắng trở về, ông vinh qui bái tổ, dân làng mới tin lời mấy người đi cắt cỏ kia là
thật.
Không biết
manh mối thế nào, trên đường ra Bắc Hà, đến tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Đình Đắc gặp
được ông Tạ Danh Thùy là Trấn thủ Thanh Hóa. Qua tiếp xúc, ông Tạ Danh Thùy
phát hiện ra ông là hậu duệ dòng dõi Nguyễn Xí cựu công thân nhà Lê và là một
thanh niên có tư chất thông minh, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nên nhận vào làm thuộc
hạ. Những ngày sống và làm việc tại dinh thất của ông Tạ Danh Thùy đã mở ra cánh
cửa cho Nguyễn Đình Đắc đi vào thế sự quốc gia. Trấn thủ Thanh Hóa thường giao
cho ông đem quân đi tuần tra cửa biển Thần Phù. Có dịp ông lên Kinh đô tìm hiểu mới biết Vua Lê nhu nhược, Chúa Trịnh lạm quyền. Các quan trong phủ
Chúa Trịnh chia rẽ bè phái. Người theo Trịnh Cán, người phò Trịnh Tông (tức
Trịnh Khải), không ai chịu ai. Chán ngán trước tình thế, lại vốn là dòng dõi
Cương quốc công Nguyễn Xí, ngay từ hồi đó Nguyễn Đình Đắc đã có ý chí thèm khát
khôi phục nhà Lê mà từ thuở xa xưa tổ tiên ông tôn thờ. Xuất hiện trong ông tư
tưởng đi tìm minh chủ để thực hiện nguyện vọng phò Lê, diệt Trịnh.
Năm Nhâm
Dần (1782), phe người con lớn của Trịnh Sâm là Trịnh Tông làm binh biến giết
Hoàng Đình Bảo, lật đổ Trịnh Cán, lập Trịnh Tông. Lúc này ông cho rằng: Kinh đô
đang có loạn, đại bộ phận binh lực đang tập trung ở vùng Thuận Hóa, Quảng Nam.
Cho rằng, nếu liên kết được các tướng soái trong đó đem quân ra Kinh Đô dẹp
loạn, thì sự nghiệp diệt Trịnh, phò Lê có thể giành thắng lợi, Nguyễn Đình Đắc
liền vượt biển vào Nghệ An tập trung người cùng chí hướng, rèn sắm vũ khí.
Tháng 10
năm ấy, đang ở vùng Hoàng Mai, ông lên Lãng Điền gặp Nguyễn Hữu Chỉnh đang làm
đồn trưởng ở đó. Sau khi nghe ông kể lại tình hình Kinh đô, Nguyễn Hữu Chỉnh
vừa mừng vừa lo. Mừng vì gặp được người cùng chí hướng. Lo vì vốn Nguyễn Hữu
Chỉnh là thuộc hạ của Hoàng Đình Bảo, do đó, rồi sẽ đến lượt bị Trịnh Tông giết
hại. Nguyễn Đình Đắc và Nguyễn Hữu Chỉnh là người cùng huyện Chân Phúc (nay là
Nghi Lộc) lại cùng chí hướng bất hợp tác với Trịnh Tông, đã cùng nhau vào Quảng
Bình vận động quân đồn trú đánh úp thành Phú Xuân. Chẳng may sự việc bị phát lộ
ra, ông cùng Nguyễn Hữu Chỉnh chạy ra biển, dong thuyền vào Quảng Nam. Nguyễn
Đình Đắc mưu tính sẽ dựa vào thế lực của Chúa Nguyễn là dòng dõi cựu công thần
nhà Lê để tiếp tục sự nghiệp.
Ba
anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dựng nghiệp Tây Sơn
Rời nghĩa quân Tây Sơn đi tìm Nguyễn Ánh
Lúc này
anh em Nguyễn Nhạc đang khởi sự dựng nên triều đại mới. Vốn trước đó, Nguyễn
Hữu Chỉnh đã từng theo Chúa Trịnh vào đánh Chúa Nguyễn đóng quân ở Phú Nhuận.
Ông thường được Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc sai đi liên lạc với anh em Nguyễn
Nhạc để lập thế liên kết chống Chúa Nguyễn. Do đó, Nguyễn Hữu Chỉnh biết rõ tài
năng của anh em Nguyễn Nhạc nên đã mượn tiếng Chúa Nguyễn để dụ thuyết Nguyễn
Đình Đắc vào theo. Nguyễn Nhạc vui mừng tiếp đón, hậu đãi, trọng dụng.
Gia nhập
quân Tây Sơn được ít lâu, Nguyễn Đình Đắc nhận ra chí hướng của anh em Nguyễn
Nhạc là lật đổ tất cả chứ không hề có ý định phò Lê. Ông tâm sự với Nguyễn Hữu
Chỉnh: “Mình vì việc nước, ngàn dặm vượt biển vào đây tìm chỗ dựa để diệt Trịnh
phò Lê. Ai ngờ lại nhập vào dưới trướng của Tây Sơn là những người đang chống
lại người mà mình đi tìm!” Nguyễn Hữu Chỉnh nói lại: “Chúng ta chỉ tạm thời dựa
vào thế lực của họ, chứ có theo họ đến cùng đâu.”
Sau đó,
Nguyễn Hữu Chỉnh theo Nguyễn Huệ ra Bắc Hà còn Nguyễn Đình Đắc ở lại với
Nguyễn Nhạc. Mặc dù vậy, ngày đêm ông tìm cách thoát khỏi hàng ngũ quân Tây
Sơn.
Tháng 2
năm Quý Mão (1783), Nguyễn Nhạc sai ông đi đánh phủ Gia Định của Chúa Nguyễn.
Thắng trận, ông bắt được Cai cơ Huấn Trung Hầu, người huyện Giao Thủy. Qua Huấn
Trung Hầu, ông biết được chỗ ở của Chúa Nguyễn. Đang đêm ông cùng Huấn Trung
Hầu chạy trốn khỏi doanh trại quân Tây Sơn để sang đầu quân cho Nguyễn Ánh.
Quân Tây Sơn phát hiện, truy đuổi, bắt được Huấn Trung Hầu đem giết, còn ông
chạy thoát được.
Ngày
18 tháng 2 năm Ất Tỵ ( 1785), quân Nguyễn Nhạc bắt được ông và sắp đem ra
hành hình, thì may có quan Vệ úy thành Gia Định của Tây Sơn ra sức xin cho, rồi
ông ở lại nhà quan Vệ úy ấy làm thuộc hạ.
Cùng Chúa
Nguyễn bàn kế đánh Tây Sơn
Sau đó,
nghe tin Nguyễn Ánh từ Xiêm (Thái Lan) vượt biển về nước, ông tìm đến yết kiến,
trình bày nguyện vọng muốn theo Chúa Nguyễn phò Lê. Nghe Nguyễn Đình Đắc trình
bày lai lịch và ý nguyện của mình, Nguyễn Ánh mừng rỡ tiếp nhận, trọng
dụng và cùng ông bàn kế sách đánh Tây Sơn.
Tháng 10
năm Ất Tỵ (1785), ông được Chúa Nguyễn giao chỉ huy đánh thắng quân Tây Sơn ở
đồn Ủy Lũng, truy đuổi đến tận tổng Kiến Đăng, huyện Kiến Yên. Ngày 17-11-1785,
ông chỉ huy đánh đồn Ba Đài nhưng không thành, buộc phải lui về đóng ở Trà Lộc.
Tháng
12-1785, Chúa Nguyễn trao cờ, kiếm lệnh cho ông chỉ huy chi đội đóng ở Đong Sao
giao chiến với quân Tây Sơn. Quân Tây Sơn bỏ đồn Ba Đài lui về đóng ở Cây Giẻ.
Chúa sai quan tiền quân là Dũng quận công giữ đất Đong Sao. Dũng quận công sai
ông đưa quân vượt sông đóng đồn ở Đong Sầm, sai người chặt phá cầu, đắp lũy,
cắm chông vào bờ phía Nam, rồi ra lệnh cho ông liều chết giữ thành Đông Sâm.
Trong tình thế lực lượng ít, ông lập kế nghi binh, lệnh cho quân sĩ ban
ngày hạ cờ, lặng trống, hạn chế việc đi lại trong đồn; ban đêm thì lấy cỏ bện
bù nhìn cắm khắp nơi, quân lính cầm đèn, đuốc đi lại nhộn nhịp.
Cứ thế,
trong hai tháng liền, quân Tây Sơn không rõ thực hư, nên không dám đánh. Ông
bí mật cho đào đường hầm xuyên qua hàng rào đồn quân Tây Sơn. Khi đào xong
đường hầm, đêm 6-2-1786, nhân trời mưa to gió lớn, ông cho quân chốt chặn các
ngả đề phòng bất trắc rồi dùng loa gọi vọng sang đồn quân Tây Sơn, giọng
khiêu khích xen lẫn đùa bỡn: “ Chúng mày về nói với quan Đô Đốc rằng đêm nay
chúng tao sang lấy đồn”. Quân Tây Sơn trong đồn nghe thế đáp lại: “Chúng mày
chớ có nói láo. Không lừa được chúng tao đâu!”. Đầu canh tư, ông đích thân dẫn
quân lính theo đường hầm đột nhập vào đồn địch, rồi đồng loạt nổi trống reo hô
vang dội lao lên đánh. Do chủ quan khinh địch, quân Tây Sơn bị bất ngờ, tổn
thất lớn, hốt hoảng dẫm đạp lên nhau tháo chạy. Thừa thắng ông cho quân xông
lên truy kích, lại được đại quân kéo tới, bèn tiến lên đóng ở đồn Cây Giẻ.
**Thể hiện tài năng cầm quân góp phần dựng nghiệp đế cho Chúa Nguyễn
Được
Chúa Nguyễn trọng dụng, với tài thao lược, ông đã đánh thắng nhiều trận. Có trận giao chiến với tướng Trần Quang Diệu,
ông buộc quân của tướng Diệu phải tháo chạy.
Mưu cầu làm ngoại viện cho Chúa Nguyễn
Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn do Hoàng đế Quang Trung
Nguyễn Huệ thống lĩnh đánh thắng 29 vạn quân Thanh. Triều đình vua Lê chúa Trịnh
tan rã. Lê Chiêu Thống - vị vua cuối cùng của vương triều nhà Lê - bỏ ngai vàng
chạy sang Trung Quốc.
Tháng 6 năm Canh Tuất (1790), Nguyễn Ánh sai Nguyễn Đình Đắc đưa 5
chiếc tàu vượt biển đi tìm Lê Chiêu Thống đang ở bên Tàu. Khi ông đến Châu Khâm
(Quảng Châu), được tin Lê Chiêu Thống đã lên Yên Kinh (Bắc Kinh) không thể gặp,
ông bèn quay về Vân Đồn - một hòn đảo trong Vịnh Hạ Long. Bỗng có bão lớn, các
tàu trôi dạt mỗi chiếc một phương. Tàu của ông trôi về Cửa Việt (đang nằm trong
vùng kiểm soát của quân Tây Sơn). Ông cho những người trên tàu lên bờ trà
trộn trong dân lẩn trốn, còn ông bí mật lên bờ trở ra trấn Yên Quảng (Quảng
Ninh). Bấy giờ nghe tin Lê Duy Mại đang ở tỉnh Hà Nam, ông tìm đến yết kiến rồi
cùng nhau đi Đồ Sơn, bí mật chiêu tập hào kiệt, mưu đồ khởi sự để làm ngoại viện
cho Chúa Nguyễn. Sự việc bị lộ, quân Tây Sơn đuổi bắt, ông chạy thoát ra Đông
Quan (Thái Bình). Hồi đó, Hoàng tử Lê Duy Chỉ - em ruột Lê Chiêu Thống - cũng
khởi binh ở Bảo Lạc, sai người đem ấn kiếm trao cho ông chỉ huy quân thủy bộ ở
Sơn Nam, hẹn ngày khởi sự.
Năm Tân Hợi (1791), sau khi Lê Duy Chỉ bị bắt, quân Cần Vương ở các
tỉnh phải giải tán. Từ đó ông đi lại nhiều vùng để gặp gỡ trao đổi với một số
danh sĩ Bắc Hà không chịu ra làm quan cho triều Tây Sơn, trong đó có Đặng Trần
Thường người huyện Chương Đức (nay là Chương Mỹ - Hà Nội) bằng lòng theo ông
vào Nam phò Chúa Nguyễn. Khi đoàn sắp qua khỏi địa phận tỉnh Thanh Hóa thì bị
quân Tây Sơn phát hiện đuổi theo. Mọi người trong đoàn đều lẩn trốn trong cư
dân xã Như Áng, huyện Ngọc Sơn (nay là Tĩnh Gia- Thanh Hóa).
Mùa xuân năm Quý Sửu (1793), đoàn dùng một chiếc thuyền vượt biển
vào Nam, khi qua các cửa biển Đại Chiêm (Quảng Nam), Xuân Đài (Phú Yên) thì gặp
quân Tây Sơn và quân Tàu Ô đón đánh. Đoàn của ông vừa đánh vừa chạy tiếp vào
phía Nam.
Cuộc chiến với quân Tây Sơn
Khi đoàn vào đến thành Nha Trang thuộc phủ Diên Khánh, Đông cung
Hoàng Tử Cảnh đang chỉ huy quân giữ thành, sai người tiếp đón hậu đãi và khuyên
mọi người về Gia Định bái yết Chúa Nguyễn. Đoàn vào đến Gia Định, Nguyễn Ánh hết
sức vui mừng, hỏi han tình hình Bắc thành. Ông kể lại diễn biến cuộc hành trình
và hiến kế rằng: “ Thế quân Tây Sơn ở ngoài Bắc còn mạnh. Các hoàng tử Lê Duy Mại,
Lê Duy Chỉ mưu đồ khởi sự chống lại triều Tây Sơn, nhưng đều bị dập tắt. Anh
hùng không còn nơi dụng võ. Nhưng dân chúng đang chờ mong Chúa công từng ngày.
Bây giờ nếu Chúa công lấy được Phú Xuân, thì từ Bố Chánh (Quảng Bình) trở
ra Bắc, dân sẽ theo hết. Từ sông Gianh trở ra, không đánh cũng thắng…”. Nói rồi
ông bèn hiến mưu tiến thủ, Nguyễn Ánh hết lòng ngợi khen ông và tiếp đãi đoàn rất
trọng thị. Ông giới thiệu với Nguyễn Ánh về Đặng Trần Thường và từng thành viên
trong đoàn để Chúa tùy theo khả năng từng người mà giao việc.
Sau khi Hoàng Đế Quang Trung băng hà (1992), triều Tây Sơn rơi vào
thời kỳ ngày càng suy yếu. Chúa Nguyễn ngày càng thắng thế, dồn dập tiến công
đàn áp các lực lượng của Tây Sơn. Với nhiều chiến công của mình, Nguyễn Đình Đắc
càng được Chúa Nguyễn tin tưởng, trọng dụng.
Ngày 20-5-1793, Chúa Nguyễn giao cho ông chức Cai Cơ, nhận 300 quân
đánh đồn Tam Toà và đồn Được Lăng. Ông chỉ huy quân sĩ giành thắng lợi hạ được
cả hai đồn, bắt được hơn 800 tù binh, cả quan cả lính, thu được 47 khẩu súng lớn
và rất nhiều thứ khí giới khác. Chúa thăng chức Vệ úy, Vệ Hùng uy cho ông.
Năm Ất Mão (1795), ông lần lượt giao chiến với quân Tây Sơn ở Lò
Chum, Tam Hợp, Tam Thắng, giành thắng lợi lớn, thu được 3 khẩu đại bác, truy đuổi
quân Tây Sơn chạy dài đến thành Bàn Xã - tức kinh đô Đồ Bàn xưa của Chiêm
Thành. Tháng 11 năm ấy, Chúa trao ông chức Hậu Đồn Chánh Thống, chỉ huy 5
vệ: Hùng uy, Long võ, Uy võ, Phẩm võ và Toán phong.
Tháng 11 năm Đinh Tỵ (1797), ông được trao chức Chính thống quân Thần
Sách. Năm Mậu Ngọ (1798), Chúa sai ông đi giúp Xiêm La đến tháng 5 lại triệu
ông về thành Gia Định.
Tháng Tư năm Kỷ Mùi (1799), Chúa Nguyễn trao chức Phó tướng phủ
Nguyên soái Tả quân , theo Chúa đi đánh thành Bình Định (còn gọi thành Bàn Xá).
Sau khi lấy được thành Bàn Xá, Chúa giao ông cầm quân đến đánh quân Tây Sơn ở
Tân Quan, Sa Oanh, Miên Khê đều thắng lớn.
Tháng 3 năm Canh Thân (1800), Chúa Nguyễn tự tay giao cho ông cờ Chỉ
huy, cầm đầu 50 chiến thuyền tiến đánh Bình Khương, đánh thắng tướng Tây Sơn là
Tư đồ Dũng. Tiếp đó, Chúa sai ông theo quan Bình Tây Đại tướng là Nguyễn Văn
Thành đi đánh đồn Đồng Nghệ và đồn La Hai, bắt sống tướng Tây Sơn là Đô đốc
Hoan. Thừa thắng, đánh tan 12 nơi phục binh của Tây Sơn, tiến thẳng tới Đồng Thị
đối địch 6 tháng trời với quân Tây Sơn. Sau đó các tướng Chúa Nguyễn hội quân
cùng đánh thắng đồn Đồng Thị của Tây Sơn.
Giao chiến cùng Tướng quân Trần
Quang Diệu
Ngày 12-12-1800, ông chỉ huy quân lính hạ đồn Đồng Tuần. Khi
đó hào lũy đồn này chưa kịp củng cố, còn tan hoang, thì ngày 20-12-1800 tướng
Tây Sơn là Thiếu phó Diệu quận công (Trần Quang Diệu) đem 4 vạn quân và 70 thớt
voi đến bao vây đồn. Diệu quận công cậy có quân đông, nhiều voi, cho rằng Nguyễn
Đình Đắc không thể địch nổi, bèn sai quân lính mỗi người chỉ cầm một cái dây, đứng
ngoài hẹn khi phá đồn sẽ bắt sống hết, không cần vũ khí. Truyền lệnh xong, Diệu
quận công đứng trên chòi quan sát tỏ ra chủ quan, khinh địch. Còn Nguyễn
Đình Đắc thì cứ nói cười như không. Ông cho án binh bất động, lệnh cho quân
lính hễ thấy người nào trong quân doanh mà thất sắc (tỏ ra sợ hãi) sẽ chém.
Đến ngày cuối, khí thế địch quân đã giảm, ông mở cửa thành tung
quân ra đánh, giết được một quan Đô đốc và vài nghìn quân sĩ. Cả kinh, quân Tây
Sơn phải phá vây rút lui.
Ngay sáng hôm sau Trần Quang Diệu sai người đưa thư tới dụ
ông: hẹn sẽ cắt đất Nghệ An làm thái ấp và trả lại các đặc quyền mà trước đây
vua Lê đã ban cho con cháu họ Nguyễn Công thần (họ Nguyễn Đình - Thái sư Cương
quốc công Nguyễn Xí). Ông đem thư này tâu Chúa Nguyễn để tỏ ý không bao giờ
theo Tây Sơn. Chúa sai quan văn ghi chép lại việc này để lưu về sau.
Tháng Giêng năm Tân Dậu (1801), quân Chúa Nguyễn đẩy lùi quân Tây
Sơn tại các lũy Đồng Tuần, Đồng Hiệp, Lò Giấy. Ông được lệnh giữ đồn Cầu Ngõa.
Chúa Nguyễn Ánh đích thân đến úy lão, sai ông cùng Thành quận công (Nguyễn Văn
Thành) ở lại giữ tuyến nay. Còn Chúa thân chinh chỉ huy quân thủy bộ ra đánh
thành Phú Xuân.
Lúc bấy giờ tướng Tây Sơn là Thiếu phó Diệu quận công và Tư đồ Dũng
quận công vây hãm, tấn công thành Bình Định của Chúa Nguyễn. Thường Hầu Quán Hội
quận công (Võ Tánh) cùng Lễ Bộ Thượng Thư Ngô Tùng Châu đều phải tự vẫn. Sau
khi lấy được thành Bình Định, Diệu quận công và Dũng quận công thừa thắng tấn
công lũy Lò Giấy. Nguyễn Đình Đắc chỉ huy quân hết sức chống trả, buộc quân Tây
Sơn phải lùi về các đồn Bá Hào, Cây Đa. Chúa Nguyễn Ánh thưởng công ông 300 đồng
hoa viên (đồng bạc). Tiếp đến, ông đem quân đến lập đồn Quần Úc để chống lại
quân Tây Sơn.
Tháng 8-1801, tướng Tây Sơn là Thiếu phó Diệu quận công đem quân
vây đánh thành. Nguyễn Đình Đắc chỉ huy đánh mạnh phá vòng vây, khiến quân Tây
Sơn không dám tiếp cận. Chúa thưởng 300 quan tiền. Tháng 9, ông chỉ huy hạ đồn
Tháp, giao đồn cho quân tiên phong trấn giữ rồi quay về đồn Quần Úc. Tháng 10,
Thống tướng Đức của Tây Sơn chỉ huy quân tập kích đồn. Ông bị thương.
Tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1802), ông chỉ huy đánh đồn Kỳ Sơn và đồn
Bảo Quăng. Trong khi đó, Thành quận công mang quân đến thì bị quân Tây Sơn
bao vây. Thấy vậy, ông dẫn đầu quân sĩ vượt sông áp đánh. Diệu quận công
và Dũng quận công đều phải bỏ chạy. Ông hợp lực với Thành quận công hạ đồn Kỳ
Sơn. Tiếp đó, cùng nhau quay lại đánh nhau với quân Tây Sơn ở Quần Úc và Phú
Trung. Diệu quân công và Dũng quận công phải chạy lên rừng. Ông lại kéo quân về
đóng ở thành Bàn Xà.
Ngày 5 - 5 - 1802, Chúa Nguyễn Ánh triệu ông về Phú Xuân ban thưởng
4 nén vàng, 100 nén bạc và 1000 đồng hoa viên; giao ông làm Phó tướng đạo quân
thủy để tiến ra Bắc Hà. Ông dâng biểu xin không nhận chức này, đồng thời xin
làm tiên phong trên bộ. Chúa không đồng ý mà cho đi theo hộ giá Chúa ra Bắc Hà.
Khi đến địa đầu trấn Nghệ An, Chúa lên ngôi Hoàng đế Gia Long. Đây
là một cú sốc lớn về tư tưởng của Nguyễn Đình Đắc, chấm dứt ước vọng mấy chục
năm ông quên mình theo đuổi. Hào khí của ông đối với Chúa Nguyễn cũng phai nhạt
từ đây. Đến thành Nghệ An, nhà Vua hạ chiếu cho ông chức Trấn thủ Nghệ
An. Ông dâng biểu từ chối.
Năm Ất Sửu (1805), có chiếu nhà Vua triệu ông về Kinh. Vua úy lạo
thăm hỏi mấy ngày. Ông ở lại Kinh ba tháng, điều trần lên nhà vua 18 việc nên
làm. Vua rất khen và cho đem đi thi hành. Ông lại xin nghỉ một năm về quê. Vua
thuận cho. Ngày ông vinh qui bái tổ, già trẻ gái trai, bà con trong quận đi đón
đầy đường. Ông lấy làm vui sướng. Trong thời gian ở quê một năm, ông lo việc sửa
sang nhà thờ và lăng mộ tổ tiên. Sau đó trở lại Bắc Thành làm việc quân.
Xin về quê nhưng Vua không cho
Ngày 16-6-1802, đến Trấn Sơn Nam Thượng, nhà Vua nhận định: Trấn
này có 3 dãy núi (Tam Điệp), quân vô lại thường dựa vào núi tiến ra quấy phá. Nếu
không có tướng tài thì không trị nổi, bèn sắc cho ông chức Trần thủ ở đó. Không
dám chối từ lần thứ ba, nhưng mỗi khi trò chuyện với người khác, ông tỏ ý buồn bã
không vui. Ít lâu sau, ông xin về thăm quê, bái yết và tâu với nhà Vua rằng: “
Thuộc hạ đã được bình định. Sau gần 20 năm xông pha chiến trận, thần có nguyện
vọng muốn được nghỉ ngơi ở chốn thôn dã, lo việc mồ mả ông cha, thờ phụng tổ
tiên. Kính mong được Bệ hạ cho về”. Nghe tấu trình, nhà Vua chẳng những không đồng
ý, lại còn sai ông giữ chức Chưởng dinh Tham Sự Chính Sự Bắc Thành.
*** Vua Gia Long và bài văn tế
Thái bảo Thượng tướng quân Nguyễn Đình Đắc
Do bệnh nặng, Phó tướng Nguyễn
Đình Đắc mất ở kinh thành Huế để lại bao tiếc thương cho triều đình và bạn đồng
liêu, quyến thuộc. Vua Gia Long sai làm lễ an tang long trọng và đích thân làm
bài văn tế cho ông.
Tạ thế ở Kinh đô Huế
Tháng 2 năm Mậu Thìn (1808), có bọn giặc từ trong núi Tam Điệp ra
cướp phá các huyện. Trấn thủ Sơn Nam Thượng là Chương Tân Lục Hầu không dẹp nổi,
bị cách chức xuống làm dân thường. Tổng trấn Bắc Hà Thành quận công giao ông tạm
quyền Trấn thủ. Chẳng bao lâu mà giặc yên.
Việc cho một tướng lĩnh tài giỏi, chưa đầy 55 tuổi hồi hưu chắc vua
Gia Long không an tâm và có phần lo ngại. Bởi thế, Nguyễn Đình Đắc về quê chưa
đầy một năm, tháng 2 năm Canh Ngọ (1810), nhà Vua có chiếu triệu ông về Kinh nhận
việc. Ông vào Kinh theo vua đi Quảng Nam để đo đất đắp thành, rồi trở về Kinh.
Từ sau đó, vua không hỏi gì và cũng cũng không giao công việc gì cho ông nữa.
Đây có thể là một biểu hiện cho thấy Vua Gia Long đã có lòng nghi kỵ ông.
Ở Kinh vừa một năm, ngày 17 tháng 3 năm Tân Mùi (1811), lúc giờ
Mùi, ông đột nhiên đau bụng dữ dội, miên man bất tỉnh. Lễ bộ Thượng thư Nam
Phong Hầu tâu nhà Vua giao Viện Ngự Y cho người đến chăm sóc. Các quan lớn bé
trong triều đều đến thăm hỏi. Đến sáng ngày 24 tháng 3, bệnh tình của ông nặng
hơn. Thành quận công - lúc này cũng đang được triệu vào Kinh - thương tình bạn
chiến đấu cũ, sai người rước ông về tư thất mình để tiện bề chăm sóc, vì gia
đình ông ở xa. Nhưng ngày hôm đó, vào đúng giờ Mùi, ông trút hơi thở cuối cùng,
lúc 57 tuổi. Vua sai Lễ bộ Thượng thư lấy của kho ra khâm liệm chu đáo. Triều
đình tiến hành lễ tang, điếu tế xong, sai quan quân đưa quan tài theo đường biển
về an tang tại quê nhà ở lang Thượng Xá, phủ Đức Quang (nay là xã Nghi Hợp, huyện
Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).
Tháng 6 năm Tân Mùi (1811), Hiệp trấn Nghệ An là Ngô Gia Tĩnh được
vua Gia Long giao trọng trách thay mặt triều đình tổ chức Lễ an táng ông. Lại
sai đem văn tế và các vật tộc tư dinh làm Lễ vua tế. Vua lại ban 4000 cân vôi,
100 quan tiền, 100 phương lúa, 100 thùng mật và giao cho quan phủ địa phương lo
xây lăng mộ.
Tiếng thơm để lại cho đời
Ngày 1 tháng 6 năm Tân Mùi, niên hiệu Gia Long thứ 10, Hoàng thượng
sai Binh bộ Hữu tham trí hành Nghệ An trấn, Hiệp trấn Thanh Hầu Ngô Gia Tĩnh đến
tế trước linh vị của ông:
“ Suy trung dục viên công thần,
Đắc tiến phục quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Khâm sai Chưởng dình Đắc
Lộc Hầu, Tặng Thiếu bảo Nguyễn Tướng quân”.
Vua
Gia Long
Bài Văn tế của Vua Gia Long:
“ Rằng, Nhớ tướng quân xưa!
Tài sắc bén như lưỡi gươm thần
Tiết vững bền như cây tùng bách
Vua liền sớm gặp người tài
Mây gió ấy ngàn năm một hội
Tôi giỏi bao năm lo việc nước
Súng gươm này trăm trận nên công
Trước sau đeo đuổi một dạ trung thành
Nguy hiểm xông pha, dốc lòng phò tá
Chỉ tiếc Trẫm mười năm ngôi báu, chưa đền đại thụ công cao.
Nào hay người một đấng tối trung, vội thấy trường thành,
bóng xế.
Ôi thôi!
Nhật Lệ mênh mang, thanh kiếm lặn, lập lòe chiếu ánh hào
quang
Hoành Sơn vời vợi cùng mây bay, thao thức nghe chuông xúc
cảm
Đành riêng bò xôi, cỗ bàn các thứ, sai quan đến tế tướng
quân,
May ra nhận được ơn nước để an ủi lòng trung.
Thương thay!”
Bài
Văn tế, tang tế Thành Hầu do quan Tham bồi họ Đinh ở làng Kim Khê soạn:
Than ôi!
Sương lạnh nhà thung,
Trò múa hết thời phô đạo hiếu
Mùa hè dinh liễu
Điếu văn khôn nỗi thấu hồn trung
Nhớ cha xưa:
Công lao thật lớn
Trung hiếu vẹn tuyền
Tuổi sắp lục tuần, chưa tròn chữ thọ
Vị tốt nhất phẩm, đạt đến mới cao
Trời cho thật hậu
Con chẳng dám kêu.
Chỉ tiếc cách trở xa xôi mà sinh lòng ăn năn ấm ức
Chín chữ cù lao ơn dưỡng dục, nhớ hoài công đức như trời
Mấy tầng mây nước lỗi thần hồn, còn mong dịp vui con đón bố.
Ai biết nỗi:
Sinh ly chưa hết
Tử biệt dồn theo!
Đớn đau thay!
Trời xanh khó hỏi
Con trẻ biết sao
Bệnh không được phục thuốc
Chết không được liệm thây
Hồn quê lai láng biển mù khơi
Chu toàn được nhờ tình bè bạn
Ơn nước tràn trề trời vòi vọi
An ủi trông chờ nghĩa vua tôi
Cha đã tận trung ,
Chẳng còn gì chưa vừa ý.
Chúng con bất hiếu,
Kể mãi tội chẳng toại lòng.
Ôi!
Mong manh cánh bướm, sống chết số trời
Tan hợp làn mây, phồn hoa tỉnh mộng!
Chôn là dấu, sẽ thành ngôi mộ ngàn thu
Tế là để
cầu, mong nhận tấc thành muôn một!”.
Bài Văn tế trên là của một đại khoa, thật là lời hay ý đẹp. Nhưng
bài thơ điếu bằng chữ Nôm sau đây của “Nữ tử Mi Sơn” mà đến
nay hậu thế chưa sưu tầm được họ tên, quê quán của tác giả, càng đáng nể phục.
Bài thơ tế chỉ có 8 câu mà nói lên được những điều đáng nói về quan Phó Tướng Đắc.
“ Năm mươi bảy tuổi thế mà thôi/ Một kiếp phù
sinh khéo hẹp hòi/ Chín bạn hàng xang hơi họ vậy/ Sáu con bú bớ tiếng Cha ôi! Công
danh sử sách vài hàng mực/ Hồn phách cung tên mấy lớp vôi/ Nợ nước đành đem
ngay thân trả/Nợ nhà dành lại chúng mồ côi”.
Con trai ngưỡng mộ cha:
Tương truyền, Nguyễn Đình Đức
là con trai út của Phó tướng Đắc đã sáng tác một bài hát về cha mình với ca từ
có khí chất. Bài ca có tên “Niềm tự
hào”: Hội bình trị dạo chơi non nước/ Vác chuông này ai kém chi ai đâu/ Voi
Thung Sơn ngoảnh cổ về chầu (1)/ Gươm Lò Thủy dựng nên tài kế thế (2)/ Bất cải
sơn hà y đai lễ (3)/ Tương truyền chung đỉnh kỷ xuân phu (4)/ Tấm trung can dặm
kẻ tang hồ (5)/ Cờ nghĩa khí xanh vàng còn chép để (6)/ Xiêm khanh tướng đã lẫy
lừng trước bệ/ Mũ công hầu còn chất để lên non (7)/ Song Ngư biết thuở nào
mòn".(8)
Chú giải: (1): Voi Thung Sơn: Núi
Thung ở quê ông có hình dáng một con voi. (2) Lò Thủy: sông Lò có hình một lưỡi
gươm. Cả hai nơi đó tạo dựng nên sự nghiệp từ đời này sang đời khác. (3): Ý nói
không thể cải biến sông núi thành cái đai lễ. Nhưng dù sông có cạn, núi có mòn,
thì công của các danh tướng vẫn còn. (4): Ý nói như tiếng chuông truyền cho
nhau, nhiều đời làm quan to.(5): Ý nói chí làm trai. (6): Sử sách ghi lại nghĩa
khí khảng khái. (7): Ý nói mũ công hầu chất thành núi. (8): Song Ngư là hai hòn
đảo: Ngư và Mắt, ngoài biển Cửa Lò.
Thời gian làm quan, ông là người công
liêm, có uy tín lớn. Ngoài lương, không có bổng lộc. Sau khi ông mất, gia đình
vợ con sống trong nghèo khó. Ông có 3 bà vợ. Vợ cả quê ở Gia Định, không có
con. Vợ thứ 2 quê ở Quy Nhơn, sinh được 1 người con trai. Vợ thứ 3 quê ở huyện
Duy Tiên trấn Sơn Nam Thượng, sinh được 4 con trai, 1 con gái.
*
* *
Đôi điều suy ngẫm
Phó tướng Nguyễn Đình Đắc là
một nhân vật khá đặc biệt của lịch sử thời phong kiến. Ông xuất thân trong một
gia đình nông dân nghèo, của một dòng họ công thần,
trên một vùng quê địa linh nhân kiệt. Thủy tổ ông là Nguyễn Xí -
Đại thần suốt bốn triều thời Hậu Lê, người được vinh danh “Hai lần khai quốc” như câu đối Vua Lê Thánh Tông đã ban tặng: “Bình
Ngô khai quốc / Tịnh nạn trung hưng”. Tiếp đó, các bậc chư tổ của ông có
nhiều người là đại thần, tướng lĩnh, quan lại...trong các triều Vua Lê. Ông thừa
hưởng tư tưởng “Trung quân ái quốc” của tiên tổ và các bậc tiền nhân. Với truyền
thống của dòng họ Nguyễn Công thần là trung thành với Nhà Lê.
Trong thời
kỳ khủng hoảng chính trị xã hội đương thời, ông cố tìm cho mình một minh chủ
để thực hiện khát vọng phục hưng nhà Lê. Và ông đã dấn
thân vào cuộc nội chiến giữa các thế lực Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn với biết bao trận
mạc, biến cố.
Theo dòng thời gian và sự
kiện, ông khi ở
bên này khi ở bên kia, nhưng dẫu ở bên nào, thì ông cũng đều là một người giỏi cầm quân. Qua
các trận chiến, ông đều tỏ ra là một vị tướng trí, dũng
song toàn. Điều
đặc biệt là, dẫu đầu quân chiến đấu dưới ngọn cờ nào, thì chí
hướng nhất quán, xuyên suốt, dựa trên nền tảng tư tưởng "dĩ bất biến"
của ông vẫn là phò Lê. Khi thấy Chúa Trịnh lộng hành lấn lướt Vua Lê, ông đã chạy vào phía Nam để tìm
minh chủ và lực lượng để diệt Trịnh, phò Lê. Nhưng khi vào Nam tham gia đội quân của
Triều Tây Sơn, ông sớm nhận ra chí hướng anh em Nguyễn Nhạc không có ý định phò
Lê. Trong khi đó, với tầm nhìn của mình, ông những tưởng Chúa Nguyễn Ánh là hậu
duệ của Nguyễn Kim - một cựu thần của nhà Lê - chắc có lý tưởng phò Lê, thì ông
đã đầu quân và ngót 20 năm ròng rã hết lòng xông pha chiến đấu lập nên bao công trạng.
Phải chăng, những sự kiện thay đổi bước ngoặt trong cuộc đời ông là
cái "ứng vạn biến". Trong những năm tháng tham gia trận mạc, ông hằng
ấp ủ rằng, sau khi thời cuộc được bình định, giang sơn thu về một mối, Chúa
Nguyễn sẽ phục hưng Nhà Lê. Nhưng rồi, thế cuộc không diễn ra như ông mong muốn.
Đến ngày thắng lợi hoàn toàn, tháng 5-1802, khi ra Bắc mới tới địa đầu trấn Nghệ
An - còn cách Thăng Long hơn 300 cây số - Chúa Nguyễn Ánh đã xưng ngôi Hoàng đế
Gia Long, không đếm xỉa gì đến việc lập lại con cháu Nhà Lê. Nhận rõ sự thật bất
khả kháng đó, giấc mộng phò Lê trong ông đã tan thành mây khói. Lòng ông trĩu nặng
một nỗi buồn nhân thái - nỗi buồn của người thất cơ, lỡ vận, không thực hiện được
chí hướng. Sau đó, ông không còn màng đến thế sự, xin được trở về sống nốt phần
đời còn lại nơi quê cha đất tổ. Nhưng rồi thế sự cũng không buông tha ông. Ông
bị Vua Gia Long nghi ngờ, không tin dùng nữa. Từ xưa đến nay, trong dân
gian ở vùng quê ông về cái chết của ông là một dư luận tồn nghi lịch sử: Vua
Gia Long đã dùng thuốc độc sát hại ông. Những nghi thức tổ chức điếu phúng linh
đình, rực rỡ chẳng qua để xoa dịu cho một việc làm mờ ám mà thôi.
Cuộc đời Phó tướng Nguyễn Đình Đắc để lại dấu ấn bi tráng. Ở cấp độ
và tính chất khác hơn, nhưng có thể Nguyễn Đình Đắc cũng không tránh khỏi kết cục
bi kịch của những khai quốc công thần triều Nhà Nguyễn như: Nguyễn Văn Thành,
Lê Văn Duyệt, Đặng Trần Thường,… Âu đó cũng là một vấn đề có tính qui luật của
lịch sử thời phong kiến.
N.M.Đ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét