danh nhân, danh thần kiệt xuất
Đền thờ Nguyễn Xí tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An |
Nguyễn Xí tên chữ Hán có nghĩa là ngọn lửa rực sáng (Xí) của họ Nguyễn, sinh năm Đinh Sửu (1397) tại làng Thượng Xá huyện Chân Phúc (nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc) tỉnh Nghệ An. Mồ côi cha mẹ từ khi 9 tuổi, Nguyễn Xí cùng với anh trai là Nguyễn Biện rời quê hương ra đất Lam Sơn, Thanh Hoá ở với Lê Lợi. Cũng trong thời gian đó, giặc Minh sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống quân Minh do nhà Hồ lãnh đạo đã thất bại, từ đó nước ta chìm đắm trong cảnh nước mất nhà tan. Giặc Minh đã sát hại dân ta cực kỳ man rợ:“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn.Vùi con đỏ xuống hầm sâu tai vạ”. Tội ác của giặc Minh chồng chất: “Thần người đều căm giận, trời đất chẳng dung tha”.
Năm 1416, Lê Lợi bắt đầu dấy nghĩa chống giặc Minh xâm lược bằng việc cùng 18 chiến hữu mở hội thề Lũng Nhai. Hai anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí đều có mặt. Tiếp đó, vào đầu năm Mậu Tuất (1418), ngọn cờ khởi nghĩa phất cao ở Lam Sơn, anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí chính thức trở thành nghĩa quân. Năm đó, Nguyễn Xí 21 tuổi, đã cùng anh trai và các chiến hữu lập công đầu trong các trận đánh ở Lạc Thuỷ, Mường Thôi,.. thuộc các vùng thượng lưu sông Chu. Từ đây đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời ông. Ông đã gắn bó vơí sự nghiệp cứu nước của Lê Lợi và triều đại nhà Lê.
Mười năm nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử Nguyễn Xí đã trở thành một vị tướng tài ba dũng cảm. Đặc biệt, trong trận đánh tiêu diệt địch lần cuối cùng tại Xương Giang, vai trò của Nguyễn Xí trong khi cùng Đinh Liệt chỉ huy 3000 quân thiết dột và 4 thớt voi để phối hợp tác chiến với các cánh quân khác của Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Văn An ... là rất vẻ vang. Chiến thắng Chi Lăng và Xương Giang kết thúc thắng lợi, đất nước hoàn toàn giải phóng sau 20 năm chìm đắm dưới ách thống trị của giặc Minh. Bình Ngô Đại cáo vang dội khắp non sông.
Sau đại thắng, vào ngày 24/4/1428, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Thuận Thiên (thuận theo ý trời). Nguyễn Xí trở thành một trong số đệ nhất khai quốc công thần, và được nhà vua thăng chức “Long hổ thượng tướng quân, suy trung bảo chính công thần”. Được ban quốc tính thuộc họ Lê gọi là Lê Xí.
Năm 1433, vua Lê Thái Tổ qua đời. Nguyễn Xí nhận di chiếu cùng mấy quần thần khác lập Thái tử Nguyên Long lên ngôi vua, tức Lê Thái Tông lúc mới 10 tuổi, với cương vị “Phụ nhiếp chính triều đình” (giúp vua điều hành công việc triều chính). Năm 1437, được cử giữ chức Tham tri chính sự kiện tri tư tụng.
Trong vương triều nhà Lê, Nguyễn Xí là người giữ nhiều chức vụ trọng yếu, góp phần to lớn để xây dựng đất nước, mở mang bờ cõi, củng cố chế độ nhà Lê. Khi đất nước bị ngoại xâm ông lại cầm quân đi đánh giặc, đó là năm Bính Tuất (1446) giặc Chiêm Thanh xâm phạm bờ cõi phía Nam . Cùng với các tướng trong triều Nguyễn Xí đã đánh thắng trận và bắt được rất nhiều tướng giặc. Đặc biệt, khi vương triều nhà Lê bị lâm vào cảnh Lê Nghi Dân giết Lê Băng Cơ và Hoàng Thái Hậu chiếm đoạt ngôi vua gây ra sự nhiễu loạn trong triều đình. Nguyễn Xí đã lập mưu giả mù để diệt trừ bọn phản loạn. Ông đã dũng cảm dẫm chết đứa con trai chưa đầy tuổi của mình để dẹp bỏ mối nghi ngờ của bọn phản nghịch, làm nên việc lớn. Sau khi dẹp bỏ được Lê Nghi Dân, Nguyễn Xí đưa Lê Tư Thành tức Lê Thánh Tông lên ngôi báu- một vị vua anh minh, được sử sách đánh giá là một vương triều cực thịnh, toàn diện nhất trong chế độ phong kiến nước ta và một quốc gia cường thịnh ở vùng Đông Nam á. Cũng từ đó nhân dân lưu truyền mấy câu thơ: “Thiên hạ chưa yên mắt lão mù/Thiên hạ yên rồi mắt lão sáng/Việc đời như thế bèo chuyển xoay/Giã chè uống nữa tai nghe vắng”. Lê Thánh Tông đã ban tặng Nguyễn Xí câu đối : "Bình Ngô khai quốc / Tịnh nạn trung hưng". Cũng từ đó, người đời coi Nguyễn Xí là người " Hai lần khai quốc".
Nguyễn Xí có được công lao to lớn đối với đất nước bởi ông có một nhân cách cao cả mà đặc trưng cho điều đó là ông đã lấy sự bình yên của tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân làm lý tưởng phụng sự, sẵn sàng hy sinh quyền lợi, hạnh phúc gia đình cho Quốc gia, dân tộc.
Trong cuộc đời làm quan phụng sự 4 triều đại vua Lê, Nguyễn Xí đã chứng kiến, thậm chí nếm mùi cay đắng và những thách thức chốn quan trường. Song, trước sau ông vẫn một lòng một dạ trung trinh , khai quốc công thần, mở mang đất đai bờ cõi non sông, bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại. Không chỉ là một võ tướng tài ba, Nguyễn Xí còn là một nhà chính trị lỗi lạc đối với quốc nội và quốc ngoại thời kỳ đó. Ông đã có vai trò khá quyết định trong nhiều chính sách tiến bộ: chia quân ra làm 5 phiên, chỉ để một phiên tại ngũ còn lại cho về làm ruộng theo đường lối: động vi binh tĩnh vi dân (khi động thì làm lính, khi tĩnh thì làm dân), cấp cho dân những nơi không có ruộng đất đến cày cấy ở những nơi thừa ruộng đất, cấm không được giữ đất để bỏ hoang, cho miễn thuế, miễn mọi thứ tạp dịch phu phen nhằm tạo sự an cư lạc nghiệp cho nhân dân ở các vùng mới khai phá...Bên cạnh đó, ông còn có công lớn trong việc cảm hóa hàng binh Ngô, Minh, Chiêm Thành, tậu ruộng để họ sinh sống. Từng bước chuyển họ từ thân phận hàng binh nô lệ thành những công dân của nước Việt Nam . Về sau trong đại gia đình thuộc con cháu của Ngài Cương Quốc Công, ngoài 15 chi họ là con cháu đích thực, còn 3 chi họ con nuôi, chính là con cháu người Việt gốc Minh, gốc Chiêm, đã được ông thương yêu cảm hóa.
Những năm cuối đời phục vụ vương triều nhà Lê, lại là những năm tháng vinh quang của Ngài. Ông được vua Lê Thánh Tông hết lòng thương yêu và kính trọng. Trong lịch sử phong kiến nước nhà hiếm có một bề tôi nào lại được nhà Vua kính yêu, chăm sóc chu đáo đến tận những ngày cuối đời như ông. Lê Thánh Tông còn viết bài Chế dụ dành tặng cho Nguyễn Xí với lời lẽ hết sức trân trọng: "Xét Nguyễn Xí đây khí độ trầm hùng, tính người cương đại...Ra vào hết chức phận tướng văn tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi, làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều ngưỡng mộ phong thái. Bốn biển đều ngưỡng vọng uy danh..."
Ngày Giáp thìn 30 tháng 10 năm ất Dậu (1465) Nguyễn Xí tạ thế hưởng thọ 69 tuổi. Nhà vua khi nghe tin đã bỏ ba ngày ngự triều và than rằng: "Từ khi khai quốc đến nay chẳng ai được như ngươi". Linh cửu của ông được quản tại điện Kính thiên. trước ngày phát tang các quan văn võ đại thần đều hội tế theo nghi lễ Quốc tang. Sau đó chuyển linh cửu về quê nhà ở Thượng Xá để an táng. Nhà vua còn truy tặng ông chức tước "Thái sư Cương quốc công, Đặc ân khai quốc, Thụy Nghĩa vụ". Đến các triều vua sau tiếp tục phong cho ông mức cao nhất là "Thượng thượng đẳng tôn thần".
Với những cống hiến lớn lao cho đất nước, cho nhân dân, Nguyễn Xí đã được tôn vinh không chỉ lúc sinh thời với những chức phận trọng yếu khác nhau và cả sau khi qua đời công lao của ông vẫn được tỏa sáng. Hai năm sau khi ông mất nhà vua cho dựng đền thờ ông theo chế độ Quốc lập (nhà nước dựng nên) và Quốc tế (nhà nước tế tự), sai trạng nguyên Nguyễn Trực viết văn bia để khắc vào đá. Đền thờ Nguyễn Xí được trùng tu quy mô nhất vào những năm 20 của thế kỷ XX do sự điều khiển của vị quản tộc là Tú tài hàn lâm viện đại chiếu Nguyễn Huy Côn (theo Le Brton – Levieux An Tĩnh). Hiện tại, đây là khu di tích vào loại nhất trên đất Nghệ An, được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích lịch sử – Văn hoá năm 1990. Hàng năm vào dịp 30 tháng giêng, mồng 1, mồng 2 tháng 2 âm lịch UBND huyện Nghi Lộc cùng với UBND xã Nghi Hợp và dòng họ Nguyễn Đình đã long trọng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến vị danh thần kiệt xuất của dân tộc Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí.
Nguyễn Xí đã từ một danh tướng, một danh nhân trở thành một danh thần. đối với lịch sử phong kiến ông không chỉ là một Thái sư Cương quốc công mà trong dân gian, ông còn được huyền thoại hoá, vũ trụ hoá để vĩnh hằng hoá. Huyền thoại hoá thể hiện trong truyện kể cái chết bị hổ vồ của vị thân phụ Nguyễn Xí để có ngôi mộ hổ táng cho sự phát đạt một dòng họ. Vũ trụ hoá là trong việc gắn công lao sự nghiệp Nguyễn Xí với núi non quê hương xứ sở. Thiết nghĩ những tên núi ở quê hương Nguyễn Xí như núi Cờ (Kỳ Sơn), núi Mão (Mão Sơn), núi Gươm, núi Voi hẳn là đã được nhân dân trong vùng đặt ra sau khi có danh nhân danh thần Nguyễn Xí.
Uy danh của vị danh thần này đã vượt muôn ngàn núi non, trải qua bao biến thiên của lịch sử vẫn luôn được người đời đời sau ngưỡng vọng.Trong đền thờ ngài ngày nay, ngoài hoành phi câu đối của vua Lê Thánh Tông, còn có rất nhiều hoành phi do con cháu và khách thập phương cung phụng: "Bát loạn yên dân, Nguyễn tướng uy hùng dương Bắc địa / Bình Ngô khai quốc công thần cảnh liệt chấn Nam thiên" (Dịch nghĩa: "Nguyễn tướng quân dẹp loạn yên dân vang lừng trên đất Bắc/ Trung thần bình Ngô dựng nước, oanh liệt rộn trời Nam ".
Tại ngôi đền thờ này, để tỏ lòng ngưỡng vọng tới công đức Thái sư Cương quốc công, các thế hệ con cháu đã trang trọng đặt bức tượng của ngài bằng đồng ngay tại gian chính của điện thờ. Bức tượng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa mang vẻ đẹp tinh xảo, vừa làm nổi bật được thần uy của vị danh tướng kiệt xuất xứ Nghệ - người có công lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam .
Khánh Ly
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét