Menu ngang

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

CHUYỆN HOÀNG GIÁP 

NGUYỄN KHẮC NIÊM 

VỀ THĂM LÀNG QUỲNH ĐÔI

  PHAN HỮU THỊNH / Tạp chí Văn hóa nghệ an

Hoàng giáp Nguyễn Khắc NiêmHoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm
Ông Nguyễn Khắc Niêm sinh năm Kỷ Sửu (1889), quê làng Gôi Vị, nay là xã Sơn Hoà, huyện Huơng Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thưở thiếu thời ông học với cụ Hoàng Huy Sán (1861- 1945) quê ở làng Quỳnh Đôi.
Nổi tiếng thần đồng hiếu học, năm 1906 lúc mới 18 tuổi ông đã thi Hương, đỗ cử nhân ở trường Nghệ. Một năm sau, lúc 19 tuổi thi Hội ở Huế, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp). Trong bữa tiệc yến, vua Thành Thái hỏi các vị Tiến sĩ tân khoa về kế sách để phục hưng đất nước, ông đệ trình một bản tấu ngắn gọn mà súc tích sau đây:
      - Tôn tộc đại quy (tôn trọng họ hàng tất hoà hợp lớn)
               - Tôn lộc đại nguy (ham bổng lộc tất nguy hại to)
               - Tôn tài đại thịnh (tôn trọng tài năng tất phồn thịnh nhiều)
               - Tôn nịnh đại suy (Thích nịnh thì suy bại)
Bản kế sách này của ông rất được tán hưởng và truyền bá rỗng rãi một thời (và có lẽ đến nay vẫn còn nhiều giá trị).
Năm 1920, ông được bổ làm đốc học tỉnh Nghệ An. Sau đó ông được điều động vào kinh đô đảm nhận các chức vụ lớn. Đến năm 1941 ông được bổ làm quyền Tổng đốc tỉnh Thanh Hoá (như chủ tịch UBND tỉnh ngày nay). Tháng 2 năm 1942 ông xin nghỉ hưu trước tuổi với hàm Hiệp biện đại học sĩ
Sau cách mạng tháng 8-1945, ông hăng hái tham gia hội đồng nhân dân xã, Ban Văn hoá tỉnh Hà Tĩnh, và Uỷ ban Liên Việt, liên khu 4. Ông mất vào năm 1955 thọ 67 tuổi
Cụ cử nhân Phan Duy Huệ (1879-1950) ở Quỳnh Đôi kể cho biết về thái độ của ông Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm đối với làng Quỳnh như sau:
Vào đầu năm Tân Dậu (1921), lúc giữ chức Đốc học Nghệ An, trong dịp kinh lý huyện Quỳnh Lưu ông đã đến làng Quỳnh.  Khi đến “Cống đá dưới” ở đầu làng, ông xuống cáng đi, đi tới trước bia của Hoàng Giáp Quỳnh quận công Hồ Phi Tích rồi vái ba vái. Rồi từ đó ông đi bộ một cây số đến đình làng Quỳnh Đôi. Ông bảo đến làng khoa bảng lừng danh này là phải biết giữ phép tắc, không thể nghênh ngang được. Biết ông là học trò của cụ Hoàng Huy Xán, một ông hương hào đến gần hỏi nhỏ:
- Bẩm quan lớn có cần mời cụ Hoàng ra gặp quan lớn không ạ?
- Sao thầy lại nói ngược ngạo thế. Xong việc quan tôi phải thân hành đến tận nhà thăm hỏi thầy chứ.
Khi quan đốc học vào đến sân đình thì thấy tên Tây đồn Cầu Giát đã đến trước và đã “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” rồi. Quan đốc học còn lúng túng chưa biết xử lý ra sao thì bỗng có một anh thanh niên trạc tuổi ngoài 20 đến nắm cánh tay của tên Tây đồn rồi nói bằng tiếng Pháp: Ici, c'est la place de Son Excellence Đốc học. Voilà, c'est votre place.(Đây là chỗ ngồi của quan Đốc học, kia là chỗ ngồi của ông)
Tên Tây đồn ngượng ngùng phải đứng dậy để chào quan Đốc rồi lui xuống ghế dưới để ngồi.
Quan đốc học cũng khá thạo tiếng Pháp, lấy làm ngạc nhiên trước cách cư xử ngang nhiên mà khôn khéo của người làng Quỳnh.
Sau quan hỏi ra mới biết, đó là anh Hồ Thúc Chinh, em ruột cử nhân Hồ Thúc Nhương và anh ruột thông phán Hồ Thúc Triệu.                                                           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét