Menu ngang

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

              Những kỷ niệm về 
   Thượng tướng Trần Văn Quang

                                      Nguyễn Mạnh Đẩu
     (Bài đăng Báo Cựu chiến binh Việt Nam, ngày 14/11/2013)
Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên trong Tổng tiến công Mậu Thân, 1968
Hàng trước từ trái sang: Đặng Kinh, Trần Văn Quang, Lê Chưởng, Thanh Quảng
                                        
Thế là Thượng tướng Trần Văn Quang không còn nữa!
Mấy ngày nay không mấy khi tôi không nghĩ về ông. Chiều ngày 9-11-2013, trong đoàn người lặng lẽ tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng ở Nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội, với nỗi tiếc thương, lòng tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về Thượng tướng Trần Văn Quang.

Là người cùng quê, ông coi tôi vừa là cấp dưới, vừa  như con cháu trong nhà. Ông thường chỉ bảo tôi những điều hay, lẽ phải trong công tác và trong đời sống. Thời kỳ từ năm 1982 đến 1988, Cục Chính sách trực thuộc Bộ Quốc phòng. Là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ngoài các trọng trách như chỉ đạo công tác đối ngoại quân sự, lịch sử và tổng kết chiến tranh,… ông Trần Văn Quang còn trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác chính sách quân đội.  Hồi đó, tôi là Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Nghiên cứu - Tổng hợp của Cục nên thường được Thiếu tướng, Cục trưởng Lê Tiến Phục, tiếp đến là Thiếu tướng, Cục trưởng Doãn Sửu  giao nhiệm vụ báo cáo công việc trực tiếp với ông, lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của ông đối với Cục Chính sách. Nhiều lần tôi “cắp cặp” tháp tùng ông dự các hội nghị chuyên đề công tác chính sách tại các bộ, ngành và Chính phủ; đi nắm tình hình công tác ở các đơn vị, địa phương, hoặc xuống cơ sở… Bởi thế, tôi có nhiều kỷ niệm về ông. Có những kỷ niệm, có những lời ông căn dặn tôi khắc ghi, làm theo hằng ngày.
 Còn nhớ, năm 1982, tôi được Cục trưởng Cục Chính sách giao nhiệm vụ  lên nhà “Con Rồng” thông qua ông dự thảo Báo cáo Công tác chính sách của Bộ Quốc phòng trình lên Chính phủ, do Cục chuẩn bị. Báo cáo dài 15 trang đánh máy,  khổ A4. Thoạt đầu,  ông cầm bản báo cáo trên tay xem lướt rất nhanh một lượt, rồi nói:
- Cháu đọc đi.
Tôi mới đọc được 3 trang, thì ông đột ngột đứng dậy, nét mặt không bằng lòng. Ông nói :
- Viết thế là chưa được. Dài dòng văn tự. Thôi! Để lại bản báo cáo, về đi.
Tôi vừa về đến Cục, thì Cục trưởng Lê Tiến Phục đã sốt sắng hỏi:
- Thông qua nhanh thế. Xong rồi à?
Tôi buồn bã nói:
- Dạ, không phải thế ạ. Bác Quang chưa nghe xong đã “đuổi”  cháu về.
Hiểu được tâm trạng tôi, Cục trưởng động viên:
- Không sao đâu. Cùng làm việc với nhau nhiều năm tôi biết, thủ trưởng Quang là người thẳng thắn bộc trực thế đấy. Cái gì không bằng lòng là “cụ” nói ngay, nhưng không hề để bụng đâu.
Khoảng một giờ sau điện thoại ở phòng trực ban Cục reo lên. Trực ban nói, Thủ trưởng Quang gọi anh lên ngay. Tôi nghĩ là lần này thế nào cũng bị thủ trưởng “quạt” cho một trận. Nhưng vừa bước vào phòng ông đã đứng dậy vừa rót nước cho tôi, vừa ân cần nói:
- Cháu uống nước đi. Bác đọc, sửa lại rồi. Phần sau viết tốt đấy. “Chữ , nghĩa” quan trọng lắm, phải phản ánh đúng nội dung. Bản báo cáo cũng như bài văn ấy, có mở đầu, thân bài, kết luận. Đoạn đầu phải viết gọn lại…
Thật khó mà diễn tả được hết niềm vui của tôi khi được nghe thủ trưởng nhận xét như thế. Nhận tài liệu từ tay ông, tôi xin phép ra về. Quãng đường từ nhà “Con Rồng” về Cục khoảng 500 mét, tôi đi thật nhanh về phòng, cài kín cửa lại rồi mở bản báo cáo ra xem. Cứ như cậu học trò đọc lại bài thi của mình với lời phê của thầy giáo vậy.
Thật bất ngờ, bản báo cáo đã được ông sửa rất cẩn thận từ trang đầu đến trang cuối. Chữ viết của ông rất đẹp và sang. Ông không góp ý chung chung mà thể hiện cụ thể, chính kiến rõ ràng. Có những câu ông chỉ đổi một từ, thay một chữ là rõ hẳn ngữ nghĩa. Nhất là đoạn mở đầu ông gợi ý ra lề cho chúng tôi chuẩn bị lại thật là dễ hiểu, dễ viết. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần những câu ông sửa. Càng đọc, càng ngẫm nghĩ, càng kính phục. Ông  không chỉ là người nêu ý tưởng, chỉ đạo nội dung mà còn là người thể hiện văn bản rất sắc sảo, chi tiết, cụ thể, văn phong trong sáng, mạch lạc.
       Sau này cứ mỗi lần đặt bút viết là tôi nhớ những lời ông căn dặn, nhớ những câu, những chữ mà ông sửa.
Kỷ niệm nữa là cuối năm 1984, Tạp chí Cộng sản đặt bài  ông viết về chủ đề về Công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Ông  không giao cho thư ký hoặc cơ quan chuẩn bị mà tự mình trực tiếp viết bài bằng bút mực trên 4 trang giấy khổ A4. Ông gọi tôi sang bảo:
- Cháu cầm về đọc và sửa giúp bác.
Về nhà tôi đọc lại mấy lần. Sau đó, cũng nghĩ đơn giản là Thủ trưởng đã tin tưởng giao thì mình cứ làm, miễn là phải đúng. Thế là, cầm chiếc bút mực đỏ trong tay tôi đọc và sửa trực tiếp vào bản thảo. Tôi mới sửa được chưa đẩy nửa trang, thì anh Nguyễn Hữu Quyền, Phó Cục trưởng bước vào phòng hỏi tôi: 
- Cậu đang làm gì thế?
 Tôi báo cáo lại. Anh Quyền tròn mắt nói:
- Chết. Không được đâu. Cậu không thấy bản thảo thủ trưởng viết cẩn thận, chữ đẹp đến thế này mà cậu lại cả gan sửa trực tiếp vào đó sao. Phải chép lại một bản khác để tham gia. Nhưng chú ý rằng, cái gì thật cần thiết thì mới được sửa.
Ngày đó sao chép thủ công, chưa có Photocophy như bây giờ. Tôi phải tẩy đi những chỗ đã sửa và nhờ anh Hồ Ngọc Vận là người viết chữ đẹp nhất của Phòng chép lại, rồi mới tham gia.  Xong, tôi kẹp cẩn thận cả hai bản lại, để bản thủ trưởng viết lên trên.  Chiều hôm đó, tôi mang sang nộp cho ông.
Cầm lại bản thảo ông hỏi:
- Ơ hay! Cháu không tham gia gì cả à?
Tôi báo cáo. Ông mới lật bản dưới lên xem. Rồi vỗ vào vai tôi ông vừa cười vừa nói:
- Cháu cẩn thận quá, máy móc quá. Bác không coi bản thảo của mình đã là hoàn chỉnh, nên mới nhờ cháu xem và sửa giúp - cả nội dung và văn phong. Sao cháu không sửa ngay vào bản thảo bác viết. Chép lại rồi mới sửa thế này là hình thức mà lại lãng phí.
Dừng lại độ nửa phút, ông đổi giọng, nói chắc từng từ:
- Nên nhớ là, với mọi việc, khi soạn thảo văn bản, dù chỉ là một bài báo, cũng đều cần phải tranh thủ ý kiến của chuyên gia, dù họ là cấp dưới xa. Và thêm điều này nữa, không bao giờ được lãng phí.
Thật là nhẹ nhàng, nhưng cũng thật sâu sắc và thấm thía. Sau này trên từng cương vị công tác của mình, tôi luôn nhớ câu nói của ông - một lời dạy bảo ân tình.
Tôi được biết, ông còn có một thói quen chú trọng ghi chép công việc hàng ngày. Chỗ nào quan trọng cần ghi nhớ ông dùng bút mực đỏ đánh dấu lại và lưu giữ rất cẩn thận. Có lần tôi hỏi, ông vui vẻ nói “đây là tư liệu, là cẩm nang rất quý đấy, cháu ạ”. Lúc đó tôi chưa hiểu. Nhưng sau này, khi được Trung ương giao đảm trách cương vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, ông đã chỉ đạo triển khai rất kịp thời và thành công hàng loạt các quy định như Điều lệ; Chức năng, nhiệm vụ; Quy chế hoạt động… của Hội, tôi mới biết rằng, ông đã đúc kết kinh nghiệm, tích lũy trong suốt chiều dài lãnh đạo chỉ đạo các mặt công tác trong quân đội để vận dụng đúng đắn trong điều kiện mới.
Giữa năm 2009, khi ông điều trị ở Khoa A11- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có lần tôi vào thăm. Hai bác cháu chuyện trò hơn một tiếng đồng hồ. Ngày đó ông còn rất minh mẫn, tỉnh táo. Ông kể với tôi nhiều chuyện hoạt động cách mạng, chuyện quê hương, gia đình. Ông kể, vào tháng 3 năm 1941, khi ông vượt ngục, bắt liên lạc được với Xứ ủy Trung kỳ. Ông Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ giao cho ông về Nghệ An củng cố, xây dựng lại Tỉnh ủy Nghệ An, sau một thời gian dài bị khủng bố. Ông đã cùng ông Nguyến Văn Linh (Mười Cúc) về hoạt động bí mật ở huyện Nghi Lộc. Có lần, hai ông phải ra ngủ giữa ruộng khoai lang ở cánh đồng Choàng, gần làng tôi. Đang đêm bất chợt trời mưa rào, cả hai ông ngủ giữa rãnh khoai ướt sũng hết. Và nhiều chuyện khác nữa…
Tôi nói với ông:
- Cả cuộc đời hoạt động phong phú, sôi động, trải qua nhiều chiến trường, đảm nhiệm nhiều trọng trách, là người có rất nhiều công tích gắn với biết bao sự kiện lịch sử, bác nên viết một cuốn hồi ký để lưu lại cho đời và cho con cháu.
 Ông ưu tư chậm rãi nói:
- Thôi cháu ạ, nhiều nội dung trong cuộc đời của bác đã được thể hiện trên một số trang lịch sử của một số địa phương, đơn vị, cơ quan nơi bác đã từng tham gia hoạt động. Bác không có ý định viết hồi ký đâu.
Nghe ông nói, tôi thầm nghĩ, vẫn biết ông là người có nhiều điều kiện và khả năng để thể hiện một tập hồi ký thật phong phú và có giá trị sâu sắc. Nhưng ông không muốn nói về mình.

Mấy kỷ niệm nhỏ đều là bài học sâu sắc mà Thượng tướng Trần Văn Quang đã chỉ bảo cho tôi. Tôi không bao giờ quên, luôn luôn cố gắng học tập và làm theo.
          Ông không còn nữa, song tấm gương mẫu mực về một vị tướng tài cao, đức rộng, “quân sự, chính trị song toàn” của ông thì còn mãi trong niềm kính trọng, thương tiếc của chúng tôi - những người lính Bộ đội Cụ Hồ được ông góp phần giáo dục, rèn luyện./.



  






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét