CHÍ SĨ YÊU NƯỚC HOÀNG TRỌNG MẬU
Nguyễn Mạnh Đẩu
(Bài đăng Nguyệt san Sự kiện & Nhân chứng Báo QĐND, tháng 11/2012)
(Bài đăng Nguyệt san Sự kiện & Nhân chứng Báo QĐND, tháng 11/2012)
Hoàng Trọng
Mậu tên thật là Nguyễn Đức Công, tự là Báu Thụ, sinh năm 1874 trong một gia
đình nho học tại xã Cẩm Trường, tổng Kim Nguyên, nay là xã Nghi Trung, huyện
Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - Một miền quê nghèo khó nhưng hiếu học và cách mạng. Thân
phụ ông là cụ Nguyễn Đức Tân, đậu cử nhân, làm quan Hành Tẩu trong triều đình
nhà Nguyễn - một nhà nho yêu nước từng tích cực hưởng ứng phong trào Cần Vương
chống Pháp. Gặp cảnh nước mất nhà tan, cụ bỏ quan về quê. Cụ có công lớn với
dân làng nên khi còn sống được lập đền thờ (sinh từ). Gia đình của cụ có nhiều người
khoa bảng, yêu nước và cách mạng.
Hoàng Trọng
Mậu được xem là người đặc biệt thông minh, trác việt, thông thạo cổ văn Trung
Quốc. Ông đỗ đầu trong kỳ thi toàn tỉnh Nghệ An nên thời đó gọi ông là Đầu xứ
Công. Vì ghét thế tục, nặng lòng yêu nước thương dân, ông không màng đến chuyện
khoa cử, ngày đêm tâm niệm tìm đường cứu nước.
Gặp lúc Phong
trào Đông Du nổi lên, ông hăng hái tham gia từ rất sớm. Năm
1908, ông sang Nhật học trường Đông Á Đồng
Văn Thư viện tại Tokyo .
Ông là người làm ghi chú và viết lời tựa cho cuốn“ Việt Nam
Quốc Sử Khảo” của Phan Bội Châu. Năm 1909, Hiệp ước giữa Pháp và Nhật được
ký kết. Theo đó, Pháp cho Nhật vào Việt Nam buôn bán; đối lại, Nhật không
cho các nhà cách mạng và học sinh Việt nam lưu trú ở Nhật nữa. Sau khi bị trục
xuất khỏi Nhật Bản, Hoàng Trọng Mậu sang học và tốt nghiệp Trường Võ bị ở Trung
Quốc.
Năm 1912, ông
tham gia sáng lập Việt Nam Quang phục Hội, giữ chức Bí thư và Quân vụ Ủy viên (
Ủy viên phụ trách quân sự). Hoàng Trọng Mậu cùng với Phan Bội Châu thảo “Việt Nam Quang Phục quân phương lược” (Chiến
lược cách mạng của Việt Nam Quang phục quân).
Năm 1913, ở
trong nước thực dân Pháp thẳng tay khủng bổ đàn áp Việt Nam Quang phục Hội. Có 99
người bị truy tố, 7 người bị xử tử hình, 1 người bị án chung thân khổ sai, 8
người bị án lưu đày, và nhiều người bị tuyên án tử hình vắng mặt. Ở Trung Quốc,
cách mạng Tân Hợi thoái trào, Viên Thế Khải làm Tổng thống Trung Hoa dân quốc
thay Tôn Trung Sơn, Việt Nam Quang phục Hội lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn.
Trong hoàn cảnh đó, Hoàng Trọng Mậu vẫn tiếp tục kiên trì hoạt động. Ông đến
Quảng Tây tìm cách liên kết với lực lượng dân quân Trung Hoa vừa bị giải tán, nhằm
chuẩn bị lực lượng cách mạng.
Trong
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tháng 3/1915, theo sự chỉ đạo của Phan Bội
Châu, Hoàng Trọng Mậu chỉ huy cánh quân tấn công quân Pháp ở đồn Tà Lùng (cửa
khẩu ở huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng), nhưng không thành. Có một chi tiết đáng
chú ý: Theo hồ sơ của mật thám Pháp, mà hiện nay bà Nguyễn Thị Minh Thâm, con
nhà Hán học Nguyễn Đức Vân, là cháu nội của Hoàng Trọng Mậu đang lưu giữ được,
thì ngày 5/51915, Vua Duy Tân ký một Sắc chỉ mật phong Hoàng Trọng Mậu làm Thống
lĩnh tả quân kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, chuẩn bị cuộc
khởi nghĩa do Vua Duy Tân phát động, dự kiến sẽ diễn ra vào năm 1916.
Ngày
28/5/1915, trong khi đang ở Hương Cảng đợi tàu đi Thái Lan để tiếp tục hoạt
động cách mạng, thì ông bị mật thám Pháp phát hiện và nhờ cảnh sát Anh bắt. Sau
đó chúng đưa ông về giam ở Hỏa Lò - Hà Nội.
Trong thời
gian bị giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò, bị giặc Pháp tra tấn dã man và dụ dỗ xảo
quyệt, nhưng ông vẫn bền gan vững chí, không chịu khuất phục. Ông khảng khái
nói rõ mục đích làm cách mạng của mình, nhưng tuyệt đối không khái báo về bí
mật của tổ chức cách mạng. Đặc biệt là: Trong hồ sơ mật thám của Pháp hiện còn
lưu giữ tại Cục Lưu trữ Quốc gia ( Hà Nội ) còn có bức thư ông viết tại Hỏa Lò
gửi Toàn quyền Đông Dương. Trong thư, ông đã khảng khái nói lên lập trường cách
mạng của mình; đồng thời có những lời lẽ đanh thép lên án chính sách cai trị của
thực dân Pháp và nói rõ vì sao dân Việt Nam làm cách mạng.
Sau 8 tháng
giam cầm tra tấn, kết hợp với dụ dỗ mua chuộc, thực dân Pháp không thể khuất
phục được ý chí kiên cường của nhà chí sĩ yêu nước, ngày 24/1/1916, chúng đã
đưa ông ra xử bắn tại trường bắn Bạch Mai. Ông bị xử bắn cùng lúc và cùng chôn
chung với chí sĩ Trần Hữu Lực (tức Nguyễn Thức Canh). Hoàng Trọng Mậu và Trần
Hữu Lực là chiến hữu, đồng chí lại là đồng hương huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Hoàng Trọng
Mậu để lại một số thơ văn, trong đó nổi tiếng là bài thơ “Cảm tác” trong thời gian
bị giam ở nhà tù Hỏa Lò:
Cảm tác
Nhất biệt gia sơn bất ký niên
Tâm như bào ảnh, sự như yên
Nhãn trung Kiếm Nhị thê vô sắc
Mộng lý Hồng Lam điểm tự nhiên
Tử khứ dĩ vô càn tĩnh địa
Sinh lai duy hữu hận sầu thiên
Tùng Kim hóa tác đề quyên khứ
Đái huyết Nam hồi điếu cố viên.
Dịch thơ:
Từ biệt quê nhà chẳng nhớ năm
Ngổn ngang tâm sự rối tơ tằm
Đoái trông Kiếm Nhị buồn tanh sắc
Mơ tưởng Hồng Lam lạnh ngắt tăm
Chết quách đã đành không đất sạch
Sống về cũng chỉ một trời căm
Quanh năm hồn mộng thành thân cuốc
Ngậm máu đi về khóc cõi Nam
Khuyết danh
Đặc biệt là,
trước ngày bị hành hình, ông đã viết câu đối “Tuyệt mệnh”. Và ông đã
đọc câu đối Tuyệt mệnh trước họng súng quân thù:
Ái quốc
hà cô! duy hữu tinh thần lưu bất tử
Xuất
sư vị tiệp, thả tương tâm sự thác lai sinh
Dịch nghĩa:
Yêu nước tội gì , chỉ có tinh thần còn sống
mãi
Ra quân chưa thắng, xin đem tâm sự
ký thác cho thế hệ mai sau.
Bài thơ Cảm tác
và câu đối Tuyệt mệnh của ông đã toát lên khí phách bất khuất lẫm liệt và
kiêu hãnh, lạc quan của người chiến sĩ cách mạng.
Khi được tin
Hoàng Trọng Mậu và Trần Hữu Lực hy sinh, Phan Bội Châu đang bị nhà chức trách Trung
Hoa bắt giam đã tiếc thương làm thơ vĩnh biệt. Bằng hữu, đồng chí và gia đình
đã có nhiều bài thơ, bài văn tế Hoàng Trọng Mậu. Trong các văn tế Hoàng Trọng
Mậu có câu:
Đá núi Tản muôn trùng chất ngất, hồn vĩ nhân
muôn kiếp chưa tan;
Núi sông Hồng nghìn khoảnh mênh mông, máu
liệt sĩ nghìn thu khó gột.
(Văn tế chiến
sĩ cách mạnh Hoàng Trọng Mậu - trích từ sách Thi văn Quốc cấm, Thái Bạch sưu
tập, trang 290).
Năm 1917, Đặng
Đoàn Bằng viết bài ca ngợi Hoàng Trọng Mậu, gọi ông là “ Kỳ Nam tử” (
Một người nước Nam
kỳ lạ ). Năm 1926, khi đến giảng bài cho lớp học của Việt Nam Thanh niên Cách
mạng Đồng chí Hội tại Quảng Châu, Bác Hồ gặp và hỏi ông Trần Văn Cung ( quê
Nghi Lộc, anh ruột của Thượng tướng Trần Văn Quang ) về gia cảnh hiện thời của
Hoàng Trọng Mậu. Sau khi nghe xong, Bác Hồ nói: “Thế mới thật là Anh hùng!” .
Năm 2008, Đài Truyền hình Việt Nam
đã quay một bộ phim về Hoàng Trọng Mậu “
Hai chí sĩ một nấm mồ”.
Hoàng Trọng
Mậu ra đi hoạt động cách mạng để lại người vợ trẻ mới 29 tuổi với 5 con thơ. Bà
Lê Thị Lựu đã một mình khuya sớm tảo tần nuôi các con ăn học trong bần hàn và
luôn bị kẻ thù sách nhiễu, khủng bố. Noi gương cha, các con của Hoàng Trọng Mậu,
gái cùng như trai, đều tu chí học hành rèn luyện, trở thành những người có học,
tham gia phong trào yêu nước và cách mạng.
Trong thế hệ cách
mạng những năm đầu thế kỷ 20, Hoàng Trọng Mậu là một chí sĩ yêu nước tài danh.
Ông là học sinh xuất sắc nhất trong phong trào Đông Du (theo lời của Phan Bội
Châu); là một trong những nhân vật chủ
chốt của tổ chức Việt nam Quang phục Hội. Ông là sự kết hợp hài hòa giữa cốt
cách tiết tháo, trung liệt của một nhà Nho với sự can trường, nghĩa hiệp của
một chí sỹ yêu nước - một bậc anh hùng. Ông là tấm gương cho mọi người học tập.
Được biết, tới đây thành phổ Hà Nội đang
xúc tiến nghiên cứu đặt tên đường phố cho các danh nhân tiêu biểu. Thiết nghĩ, các
cơ quan chức năng nên nghiên cứu đặt tên Hoàng Trọng Mậu cho một cung đường trên địa
bàn Thủ đô Hà Nội./.
NMĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét