Menu ngang

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

HÒA NHẬP VÀO THẾ SỰ 
ĐỂ TÌM VỀ BẢN CHẤT
(Về tập thơ Mùa của Phương Việt, 
NXB Văn học, 2013)

                                                                                                                                                                                             Nhà thơ Bằng Việt

Có loại thơ chỉ phù hợp để ngâm ngợi hay thù tạc. có loại thơ để chiêm nghiệm và cứ dần dà thấu vào ta lặng lẽ, lâu bền. Thơ Phương Việt, theo tôi nghĩ thuộc loại thứ hai. Nhưng chọn cách làm này, người viết không dược buông thả theo sự tuôn trào của cảm xúc, cũng không dễ dàng mặc cho ma lực của ngôn từ và vần điệu lôi kéo mình. Trái lại, nhà thơ lúc nào cũng phải tỉnh táo tự kiểm soát mình một cách nghiêm ngặt và tiết chế. Có lẽ vì thế mà Phương Việt không dễ đọc và chất thơ của anh cũng không bao giờ muốn tự khoe mình, ồn ã, phô phang. Để bù lại cho xu thế dễ trở nên khô khan và lý sự đó, anh biết cách mở rộng lòng mình vào mọi lẽ đời bề bộn, đầy ắp nỗi niềm thế sự, đầy ắp cung bậc bi hài của thế thái nhân tình. Và chính cách tiếp cận ấy với hiện thực đã tạo cho thơ anh một thế mạnh, có ý thức tìm tòi, khám phá, rồi có khi khám phá ra rồi thì lại là sự thật đau lòng!
Là cây bút tuy ít xuất hiện, nhưng Phương Việt đã sang tác hàng trăm bài thơ trong quá trình hơn  ba chục năm công tác. Anh chỉ khiêm tốn nhận mình là một “nhà thơ ngoại đạo”. Nhưng khi chúng ta được đọc những dòng thơ của anh bộc bạch đầy trăn trở và khắc khoải về thân phân làm người, những dòng thơ có ý thức tự mài dũa mình thành mẫu người thầm lặng suy tư và chiêm nghiệm cùng thế sự, thì vô hình chung, anh đã xóa nhòa đi cái ranh giới thường thấy giữa “ngoại vi” và vùng “cốt lõi” của thơ ca, nói khác đi, anh đã dấn được chính bản thân mình vào sâu trong Vương quốc của thơ ca đích thực.Vả lại, Phương Việt chưa bao giờ coi thơ chỉ là trò chơi chữ, anh đến thơ bằng chính vầng trán luôn cày xới của tư duy.
Nhà triết học đầu thế kỷ thứ XVII Đề Các (Descartes) có câu nói trở thành phổ biến khi khẳng định về con người : “Tôi tư duy, vậy thì tôi tồn tại”, thì ta hoàn toàn có thể nói - cũng một câu đùa theo kiểu Đề Các, để dễ hình dung về một đặc điểm nổi rất rõ trong thơ Phương Việt, đó là: “ Thơ tư duy, vậy thì thơ tồn tại!”.
Đơn cử như bài thơ “Mùa” được lấy làm tên cho cả tập, chúng ta cũng thấy sự cần mẫn và kiên định của tác giả tự thâm canh trên “ cánh đồng vầng trán”:
Mùa lại mùa
Anh cần mẫn xới cày
Trên cánh đồng vầng trán.
Có thể có “ mùa thất bát” hay “mùa quả ngọt”, tuy vậy  tác giả vẫn nhất quán và quyết liệt lầm lũi để đi tới đích:
Già nửa đời người
Vẫn lũi lầm quăng quật…
Và nếu như ở đoạn thơ đầu, khi bắt đầu cày xới, với “vầng trán thâm u những đường cày”. Thì ở đoạn cuối, khi những suy tư đã được cày xới ngang dọc chằng chịt tưởng chừng đã được đến độ “cống nạp” hết, khô kiệt hết; tác giả đành phải “vỡ hoang” lại, thì lần này, câu thơ láy lại tuy có phần mệt mỏi nhưng vẫn đầy nghi lực sắt đá, với” Vầng trán hoang hóa những đường cày”.
Cùng với ý thức biết đào sâu bản thể, nâng nó lên để dần dần kết tụ được những gì là tinh túy nhất của Đất của Trời; mọi sự vật hay hiện tượng quanh ta - cũng như mọi con người bình thường như tất thảy chúng ta - sẽ có lúc làm nên kỳ tích và trở thành huyền thoại. Ý nghĩ đó lóe lên khi tác giả ngẫm nghĩ về sự hình thành cây trầm, và điều lý thú, là nếu cây kia không bị những vết thương hành hạ để tự chữa lành và vượt lên khỏi mọi bi lịch tầm thường trong quá trình trưởng thành của mình, thì đã không thể hóa thân thành trầm:
Bao vết thương
Cây tự tìm cách chữa.
Nhận tinh túy của đất
Hấp linh khí của trời
Lắng lời ru của gió.
Lành vết thương
Tích thành trầm…
Bài thơ về “Huyền thoại cây” này, cũng hàm ý về một “huyền thoại người”, tất nhiên là Con Người viết hoa, con người biết chống chọi và vượt qua mọi gian nan để giữ được và biết tôn lên phẩm giá của mình.
Còn có một bài thơ khác về cây “Đối thoại cây”, cũng nói lên rất rõ hàm ý của tác giả về mối quan hệ nhân quả giữa bản chất và thái độ hành động, tình huống và ứng xử. Đối thoại về cây ở đây, thực ra lại cũng là đối thoại về người:
- Cây ngay, không sợ chết đứng!
Không sợ chết, vẫn phải chết?
Chết thì chết, vẫn không sợ!
Xin hỏi nhỏ: Cây ngay sợ cái gì?
Xin nói nhỏ, đừng làm lộ:
Cây ngay chỉ sợ bị bán đứng!

Cuộc đối thoại đến đây đã đủ yếu tố gây lý thú bất ngờ, tuy nhiên, tác giả không chịu dừng lại ở đó và kiên quyết dồn đến tận cùng: “ Dưng mà, có khi bị bán đứng còn hơn chết đứng?!”.Người đọc cũng dừng lại và cũng rất phân vân: Có chắc như vậy không? Nhỡ người ta chọn chết đứng còn hơn bị bán đứng thì sao? Bỗng dưng lại liên hệ ngẫu nhiên đến nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều. Từ Hải đúng là bị Hồ Tôn Hiến lừa đảo và bán đứng. Nhưng chính Từ Hải lại chọn hình thức chết lẫm liệt lầ “chết đứng”. Thế thì tại sao ở đây tác giả lại cho rằng : “Có khi bị bán đứng còn hơn chết đứng?”. Chết là hết, là cam chịu, còn bị bán đi có khi còn có thế cờ lật ngược lại số phận chăng? Hoặc cứ để bị bán đi cho lộ diện ai bán, ai mua? Cho cả thiên hạ nhìn rõ nỗi oan khuất của mình làm bài học chung, còn hơn là phải chịu chết lặng lẽ “mọt mình mình biết, một mình mình hay”?Và dù sao thì hãy cứ phải sống đã, sống rồi mới tìm cách thoát ra khỏi mọi vấn nạn, tai ương? Cách giải thích nào cũng có thể kèm theo một triết lý nhân sinh sau đó. Và người đọc đành lại phải động não theo tác giả. Đấy cũng là chỗ hàm súc “ý ở ngoài lời” của thơ Phương Việt. Có lẽ cũng vì ý thức được điều đó mà tác giả chỉ muốn “Dặn con” có mỗi một điều gan ruột:
Con không yêu thơ,
Điều đó không làm ba buồn lắm
Nhưng con cần suy ngẫm
Về những điều ba đã hóa vào thơ!
Có lúc, tác giả đã chọn cách hóa vào thơ bằng cách tự chìm vào nội tâm, biết tự lặn thật sâu vào bản thể của chính mình, để tìm cho ra một điều gì đó cần lý giải trong cõi nhân gian xô bồ,  nhộn nhạo “Có cái tồn tại như không hề tồn tại” và “Cái không thật như thật”:
Cái sáng tạo không còn quẫy đạp
Tôi chìm dần
Vào tôi…
Đương nhiên, cái Tôi bản thể của tác giả không phải lúc nào cũng là cứu cánh. Cái Tôi ấy, cho dù là chỗ ẩn thân cứu rỗi, thì nó vẫn còn đầy khiếm khuyết, một thể tạng rất “con người”, chứ không hề là thần thánh. Nhưng nhìn ra như thé là biết tỉnh táo tự diễu mình, lại là một ưu thế của tác giả, rất biết mình biết người, không bao giờ mù quáng, mà như vậy chỉ “được” chứ đâu có mất.gì:
Đôi khi
Thấy mình ngớ ngẩn
Làm thơ, tôi tự diễu mình.
Làm thế xong, tác giả tự thú nhận rằng, cứ tưởng mình thua thiệt, nhưng “Thực ra, tôi đã được nhiều rồi!”. Chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ với nhận định này.
Trong khi luôn biết cách “tự làm mới mình”, tự làm cho mình không trở thành đơn điệu, “nhàm chán”, tác giả cũng tỏ ra “dị ứng” với những hiếm họa có thể làm mất đi gương mặt thực con người, đồng loạt hóa nó như những con số vô tri:
Nhiều thứ đang số hóa
Số hóa phận người
Số hóa cuộc gọi
Số hóa trả lời…
Ơn trời,
Chưa số hóa những ý nghĩ!
Liên hệ vào các vấn đề thế sự, bài thơ này xứng đáng có một chiều kích không gian suy tư sâu xa hơn nhiều so với đề tài khơi gợi lên từ vấn đề về kỹ thuật số.
Tương tự như vậy, nhiều bài của tác giả Phương Việt chỉ gợi một đôi ý, nhưng lại mở ra cho người đọc cả một chân trời tưởng tượng rộng rãi hơn sự việc mà nó đề cập rất nhiều. Đó là thái độ sống được đúc kết sâu cay trong các bài “Xem chọi trâu” hay “Đua”. Đó cũng là những chiêm nghiệm chua chat về cuộc đời trong các bài “Nghịch lý” hay “Ma”. Những bài như “Lá”, “Hoa” lại hấp dẫn người đọc bằng một thứ triết lý khác, nó lặng lẽ, tưng tửng như “chuyện thường ngày ở huyện” nhưng lại gây nên những đợt sóng ngầm nhức nhối về sau. Ví dụ mấy câu trong bài “Hoa”:
Hoa không thể thiếu trong các buổi lễ
Những cuộc vui buồn…
Diễn xong, hoa là rác bên đường!
Còn cái triết lý về “ Lá” mới thật ngậm ngùi mà cứ nhẹ nhàng như không! Lá vốn chỉ được đẩy lên cao là nhờ có thân cây. Cây cao tới đâu thì lá lên tới đó. Nhưng lá không phải không biết vung vinh, khi được nếm trải đủ thứ:
Trên cao
Lá rung rinh
Ngây ngất.
Khóc bằng sương
Ru lời gió
Nắng soi mặt lá xanh xao…
Cái mặt lá xanh xao ấy phải chăng cũng là một tiên cảm về nỗi bất hạnh của một kiếp đời thụ động, mượn suwong để làm nước mắt, mượn gió để thay lời ru, được nếm trải mọi thứ mà không do mình chủ động tạo nên. Lần thứ nhất lá được tự mình bay thoát ra khỏi cây, nhưng chao ôi cũng chịu đựng một nghịch cảnh thực sự chua xót:
Lần bay duy nhất
Về với đất!
Tôi đã trích dẫn nhiều câu thơ nặng trĩu tâm trạng “thế sự” để tìm về bản chất trần trụi có khi thật nhức nhối, đau xót của tác giả. Nếu đi quá xa theo hướng này, có khi lại sa vào sự cn cỗi, cay nghiệt. May thay, Phương Việt còn có những mảng thơ phập phồng tình cảm, tình đời, tình người, cả tình yêu và tình cảm gia đình. Đây là những câu thơ khắc khoải nhưng trực giác về một mối tình đầu:
Run rẩy dưới nắng hè
Cánh phượng hình giọt lệ
Đỏ như máu con tim
Sân trường, rơi lặng lẽ.
Và tình cảm đối với cha mẹ, những đấng sinh thành nay đã khuất, lan tỏa trong âm hưởng đầy bâng khuâng và khơi gợi của bài “Mùa Vu Lan”:
Thắp nén hương phần mộ
Lòng tự nhắc lấy lòng
Ngực cài bông hồng trắng
Rưng rưng mùa Vu Lan.
Những điểm xuyết đy bộc bạch của tình cảm trực giác, nếu có thể ví von như vậy, làm tập thơ Phương Việt ấm và tươi lên khá rõ, làm nhẹ bớt liều lường suy tư đến khắc khổ trong một số bài khác. Sự điều hòa và hóa giải có liều lượng này cũng là chủ ý của Phương Việt, như có lúc anh đã dẫn ra làm ví dụ “trực quan” trong bài “ Hoa lan nở trên hàng rào kẽm gai”. Anh lý giải rằng, giữa cái đẹp và sự an toàn, có khi ta chỉ đành chọn một! Tuy nhiên, khi anh cho nhành hoa tiêu phủ kín trên hàng rào kẽm gai, đung đưa một cách khinh suất trên lớp mảnh chai sắc nhọn, thì anh cũng đã dám đưa ra một thông điệp khác, rằng cái đẹp vẫn có thể tồn tại trùm ngay trên đầu cái xấu; cái đẹp dám đi song đôi cùng sự nguy hiểm, sự thô thiển mà không mặc cảm. Đây phải chăng là phép thử dũng cảm với cái đẹp chân chính trước mọi thách thức ở đời:
Nhành lan tiêu leo lên dây kẽm
Buông xuống chuỗi hoa vàng
Đung đưa trên lớp mảnh chai sắc lẹm!
Bản thân tôi cũng đã từng viết các bài thơ ngắn có phần tưng tửng và kiệm lời, như “Lên cao”, “Nheo mắt nhìn thế giới”, “Thực ra”, hoặc “Thôi hãy khoan”…Do vậy, cũng thật dễ dàng chia sẻ và có nhiều đồng cảm với tác giả Phương Việt trong các bài như “Bay”, “Ngụ cư”, “Cái quý nhât”, “Lối nhỏ”, hoặc “Một mình”.
Tôi muốn được trích dẫn  thêm một đoạn về nỗi buồn thăm thẳm không màu, không vị của bài “Một mình”; nỗi buồn sâu kín, lặng lẽ mà lại nặng đằm vị nhân sinh, khi tác giả ngồi lặng lẽ từ trên tầng 18 nhìn xuống cảnh “người xe hối hả quay cuồng”, sôi động “như tổ kiến, như tổ mối”.
Lặng nhìn
Thăm thẳm
Cà phê không đắng
Không màu…
Bài thơ này cũng khá điển hình cho lối thơ Phương Việt. Anh luôn chất chứa bao điều, muốn nói bao điều, nhưng cuối cùng chỉ ghi lại nỗi trống rỗng không màu, không vị của tách cà phê, chỉ thế thôi nhưng đã đủ nói lên tất cả.
Trong tập thơ đầu của anh, Phương Việt đã chọn tựa đề “Ta vẫn là ta thôi”. Vâng, đúng thế! Tôi xin chúc anh cứ mãi mãi vẫn giữ được là anh, giữ được bản sắc riêng của mình, thế giơi nội tâm riêng của mình, cách tiếp cận vào thê sự riêng của mình. Và chính từ đó, anh sẽ có những đóng góp cho thơ ca và cho cuộc sống!
                                                                       
                                                                                                  B. V.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét