Menu ngang

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

                                     Malaysia - Singapore,
                            một thoáng du ký

I- MALAYSIA

         12 giờ ngày 26 tháng 8 năm 2013, chiếc xe ca bắt đầu lăn bánh từ Văn phòng Saigontourist - số nhà 55 B phố Phan Chu Trinh, Hà Nội - chở đoàn du lịch lên sân bay Nội Bài. Sau buổi sáng mưa rào tầm tã, trời rạng rỡ nắng, những làn gió thổi nhẹ dịu mát. Cảnh quan làm tôi nhớ đến hai câu thơ trữ tình của một người bạn:“ Ngọn gió nào đi qua mùa thu cũng thành gió biếc / Một cơn mưa tháng bảy về bất chợt / đi qua mùa thu thành tâm sự muôn đời”. Còn gần một tháng nữa là đến Tết Trung Thu, các quầy bánh Hữu Nghị, Kinh Đô,… với đủ chủng loại, sắc màu, kiểu dáng đã tràn ra trên các vỉa hè. Giữa giờ ngọ mà phố phường Hà Nội vẫn tấp nập người, xe.
Đoàn du lịch gồm 23 thành viên với nhiều lứa tuổi, ngành nghề. Khi mọi người đã yên vị, hướng dẫn viên du lịch tên Nam, đứng ở phía đầu xe cầm micro kịp phổ biến các qui định chung của chuyến đi. Với thân hình cân đối, săn chắc, khá điển trai, Nam có giọng nói vang ấm, lưu loát, truyền cảm.
17 giờ 35 phút ngày 26/8, chiếc máy bay AIRBUS 321 mang số hiệu VN 681 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam sau chặng đường bay 2 giờ 45 phút hạ cánh nhẹ nhàng xuống sân bay Kuala Lumpur. Những tia nắng cuối chiều thu vàng rực chiếu sáng xuống sân ga bát ngát, rạng rỡ lấp loáng trên những cửa kính của các tòa nhà đồ sộ, hoành tráng. Bên cạnh đó là một lùm cây khá to với nhiều loại cây xen nhau xanh tươi, mướt mát được bao quanh bằng một bức tường kính rất cao. Cảnh quan trông thật đẹp, đan xen vừa hiện đại vừa sinh thái. Gió nhẹ, tiết trời mát mẻ.
Được biết, sân bay Kuala Lumpur được xây dựng hơn 3,5 tỷ đô la Mỹ, khánh thành ngày 27/6/1998, với 2 đường băng rộng 60 mét, dài 4.000 mét, có thể phục vụ 120 chuyến / giờ. Với công suất 45 triệu lượt khách / năm, đây là sân bay lớn nhất Malaysia và là một trong những sân bay hiện đại, nhộn nhịp nhất Châu Á .
 Khung cảnh nhà ga tấp nập những đoàn lữ hành từ nhiều quốc gia đến đây với nhiều chủng tộc, sắc tộc. Từng đoàn người lần lượt xếp hàng đi qua các cổng hải quan nhập cảnh. Ngồi trong các ca bin duyệt thị thực nhập cảnh là những cô gái theo đạo Hồi mặc áo dài choàng kín đầu, chỉ còn lại gương mặt khá đẹp với cặp mắt to sáng dưới hàng mi cong dày, mũi dọc dừa, đôi lông mày hình cánh cung đen dài gọn ghẽ như những nét kẻ vẽ. Từ nhà ga A, từng đoàn người nhanh chóng lên tàu điện để sang nhà ga B nhận hành lý.
 Khi mới lên 7 tuổi, lần đầu tiên trong đời tôi đã gặp người Mã Lai. Hồi đó, vào năm 1955, quê tôi ở Cửa Lò đón tiếp bộ đội ta bị địch bắt trao trả theo Hiệp định Giơnevơ. Sau nhiều năm là tù binh, những người được trao trả đều ốm yếu, bệnh tật ghẻ lở, hắc lào…Mọi người được bố trí ở trong các căn nhà tranh chật chội bé nhỏ của dân ở ven biển Cửa Lò. Trong số bộ đội trao trả có nhiều người da đen xạm, tóc quăn, môi thâm, răng trắng, lòng trắng mắt hơi vàng đục, trên đầu thường hay đội chiếc mũ vải rộng vành có hai cúc bấm ở hai bên (kiểu mũ cao bồi Mỹ). Bọn trẻ chúng tôi được người lớn nói với nhau đó là những người Mã Lai kiều tham gia quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp.
 Lớn lên, trong ý nghĩ của tôi Mã Lai là một nước nhỏ, kinh tế nghèo; người Mã Lai gần giống người các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Nhưng nhiều năm sau này, có lẽ là bắt đầu từ thời kỳ Đổi mới, qua các phương tiện nghe nhìn, trong nhận thức của tôi đã có sự thay đổi căn bản về đất nước và con người Malaysia. Và đây là lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất nước Mã Lai trong tâm thế là thành viên của đoàn lữ hành du lịch.
Sau khi nhận hành lý, đoàn chúng tôi đi qua mấy thang máy giây chuyền thì ra tới cửa sân ga. Nhân viên du lịch phía Malaysia đón sẵn và dẫn ra chiếc ô tô khách. Từ sân bay về trung tâm thành phố khoảng 60 km.
Khi xe chạy được một quãng, cậu Nam giới thiệu người hướng dẫn viên du lịch Malaysia cầm micro thông báo với mọi người. Cậu ấy tên là Wiliam - người Hoa mà thoạt nghe cứ như tên người Tây. Wiliam có khuôn mặt chữ điền, thân hình cao to lực lưỡng như một phi công. Thoáng nhìn thì nét mặt nghiêm nghị, nhưng khi nói thì ánh mắt, khóe miệng trông rất có duyên. Câu đầu tiên Wiliam nói, xin chào quí khách, cậu ta còn nói thêm, tiếng Mã Lai “Sờ la măc” là chào bình yên. Kính thưa quí khách, chúng ta đang trên đường vào trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, với cự ly về khách sạn là 60 km, nhưng thời gian khó tính trước là bao lâu. Bởi kẹt xe là đặc sản ở Kuala Lumpur. Để khắc phục nạn kẹt xe, nhà nước Malaysia đang xúc tiến dự án tàu điện ngầm và tàu điện trên cao. Trên đường về khách sạn ở trung tâm thành phố, đoàn chúng ta sẽ dừng lại ăn cơm tối tại một nhà hàng người Hoa. Có điều lưu ý là khi ăn cơm ở nhà hàng, quí khách không được hút thuốc lá. Ở đất nước chúng tôi có luật qui định cấm hút thuốc lá. Một người hút thuốc là hai người bị phạt: người hút và chủ nhà hàng. Cậu ta nói tiếng Việt khá trôi chảy.
Trên chặng đường về khách sạn, Wiliam tranh thủ giới thiệu về đất nước, con người, lịch sử, địa lý, phong tục văn hóa của Malaysia. Wiliam nói khá nhiều, có lúc vừa nói vừa cầm que chỉ lên tấm bản đồ treo ở đầu xe. Tôi cầm bút hý hoáy tốc ký ghi chép vào một cuốn sổ tay. Thấy vậy, chị ngồi hàng ghế bên hỏi, anh là nhà văn hay nhà báo à? Tôi vui vẻ trả lời: Tôi không phải nhà văn, nhà báo gì đâu. Tôi có thói quen là đi đâu thấy gì, nghe gì, thường ghi chép lại để lưu niệm thôi. Bất cứ điều gì chỉ nghe thoáng qua, không ghi chép, thì chóng quên lắm. Kết hợp giữa ghi chép và đọc thêm tài liệu sẽ thu được nhiều điều bổ ích cho mình.
 Malaysia - “Malay” theo tiếng Mã Lai là “hoàng kim”, âm Hán Việt là Mã Lai Tây Á, nhưng xưa nay người Việt ta vẫn thường gọi là Mã Lai.
Malaysia có diện tích tương đương Việt Nam (33 vạn cây số vuông) nhưng dân số chỉ bằng khoảng 1/3 ( 29 triệu người). Liên bang Malaysia được hình thành từ năm 1963 với 14 bang. Năm 1965, Singapore tách ra thành quôc đảo độc lập, Malaysia còn lại 13 bang. Nước này gồm hai vùng địa lý bị chia tách bởi Biển Đông. Bán đảo Malaya có biên giới ở phía bắc với Thái Lan, phía nam với Singapore, gồm 11 bang. Đông Malaysia (hay Borneo thuộc Malaysia) chiếm phần phía bắc đảo Borneo, giáp biên giới với Indonesia và bao quanh bởi Vương quốc Hồi giáo Brunei, gồm 2 bang.
Bán đảo Malaya nằm trên con đường thương mại trên biển giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông, nên từ xưa đến nay kinh tế có sự phát triển thịnh vượng. Nhiều đồ vật như gốm sứ và gia vị đã được buôn bán từ thuở xa xưa. Ở thế kỷ 17 cây cao su đã xuất hiện nhiều ở Malaya. Sau đó, người Anh nắm được quyền kiểm soát Malaya, cây cao su và dầu cọ được canh tác cho mục đích thương mại. Cùng với thời gian, Malaya trở thành nhà sản xuất thiếc, cao su và dầu cọ lớn nhất thế giới.
Từ các thế kỷ trước, khi khai thác thuộc địa, người Anh không dựa vào nguồn nhân lực người Mã Lai bản xứ mà đã đưa người Trung Quốc, người Ấn Độ tới làm việc tại các mỏ thiếc và trên những cánh đồng. Phần đông trong số đó đã ở lại định cư vĩnh viễn tại Mã Lai.
Ngày nay dân số Malaysia không đồng nhất, với nhiều nhóm sắc tộc, đa văn hóa, trong đó người Mã Lai chiếm tới 52% dân số. Cộng đồng gốc Trung Quốc chiếm khoảng 30%, người gốc Ấn Độ chiếm khoảng 8%; còn lại là người thổ dân. Người bản xứ không Mã Lai cũng chiếm tỷ lệ khá đông. Đó là người Âu, Trung Đông, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam cùng những người khác. Người Âu và người lai Âu - Á gồm người Anh, người Bồ Đào Nha, người Trung Đông, người Ả Rập định cư từ lâu đời. Ngôn ngữ chính là tiếng Mã Lai, nhưng tỉ lệ người dân biết tiếng Anh và tiềng Hán rất cao, nghe đâu khoảng 75% dân số. Có một thực tế là : Những nước vốn là thuộc địa của Anh thì đại bộ phận người dân đều biết tiếng Anh. Còn những nước vốn là thuộc địa của Pháp thì số người biết tiếng Pháp chiếm tỷ lệ rất ít trong dân chúng, chủ yếu là trí thức và công chức.
Sự phát triển các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều nhân công. Hiện tại ở Malaysia có tới 20% nhân công là người nước ngoài, trong đó chủ yếu là người Inđônesia. Trong số lao động phổ thông là người nước ngoài ở Malaysia, thì : người Inđônêsia và người Myanma làm nghề xây dựng, người Băng La Đét làm vệ sinh; người Thái Lan và người Việt Nam làm nhân công trong các nhà máy và trên các cánh đồng. Có nhiều người nước ngoài sinh sống bất hợp pháp tại đây. Được biết, số gái mãi dâm đến từ nhiều quốc gia với số lượng khá lớn. Số gái  mãi dâm này thường đi theo con đường du lịch rồi tụt tạt ở lại hành nghề. Từ năm 2004, Chính phủ Malaysia ra lệnh trục xuất người nước ngoài sống bất hợp pháp. Việc triển khai với nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng trên thực tế, số người này vẫn còn rất đông. 
Malaysia là một Liên bang quân chủ theo bầu cử lập hiến. Nguyên thủ quốc gia là Yang di – Pertuan Agong, thường được gọi là Vua Malaysia. Vua Malaysia không theo quyền thừa kế kiểu cha truyền con nối như nhiều quốc gia trên thế giới. Vua được bầu 5 năm một lần trong số 9 người thừa kế các Quốc vương Hồi giáo của 9 bang; 4 bang còn lại theo chế độ Thống đốc, không tham gia vào việc lựa chọn ngôi vua. Quyền hành điều khiển đất nước thuộc về Thủ tướng. Ngày Độc lập là 31 tháng 8 năm 1957 - ngày Malaya được trao từ Anh. Ngày 16/9/1963 thành lập Liên bang Malaysia gồm: Malaya, Sarawak và Singapore.  Đến 7/8/1965, Singapore tách ra thành Quốc gia độc lập.
Đơn vị tiền tệ của Malaysia là Ringgit. Trên thị trường hối đoái tự do, mỗi Ringgit bằng 17.000 VNĐ.  Trước khi đi du lịch, tôi đến một cửa hàng vàng ở phố Cầu Giấy - Hà Nội đổi một ít tiền Ringgit của Malaysia và một ít Đô la Singapre để tiêu vặt và mua quà cho người thân.
Malaysia là một xã hội đa tôn giáo, trong đó Hồi giáo là tôn giáo chính thức. Người theo Hồi giáo chiếm hơn 60% dân số. Người theo Phật giáo chiếm hơn 19% dân số; người theo Ki tô giáo chiếm gần 10%; người theo Hin đu giáo chiếm 6,3 % ; còn lại là người theo các đức tin khác.
Hồi giáo - còn gọi là Islam - với 1,3 tỷ tín đồ là tôn giáo lớn thứ 2 trên thế giới, sau Thiên Chúa giáo. Tuy ở gần các quốc gia có nhiều tín đồ Hồi giáo, nhưng tại Việt Nam số người theo đạo Hồi rất ít, chỉ có khoảng vài vạn người, chiếm tỷ lệ rất thấp trong dân số. Cả nước có 40 Thánh đường Hồi giáo tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Thuân, Ninh Thuận.
Đạo Hồi - Islam tiếng Ả Rập “Islam” có nghiã là “vâng mệnh, qui phục Thượng đế”. Đạo Hồi chỉ thờ một vị thánh duy nhất là Thánh Allah. Theo tín ngưỡng Đạo Hồi, Thánh Allah là đấng tối cao, đấng duy nhất, đấng tạo thiên lập địa. Muhamad là người đầu tiên truyền bá đạo Hồi theo ý nguyện của Thánh Allah. Đạo Hồi có 10 đều răn: Chỉ làm theo mệnh lệnh của Thiên chúa (Thánh Allah); Vinh danh và kính trọng cha mẹ; Tôn trọng người khác; Hãy bố thí cho người nghèo; Cấm giết người, trừ trường hợp đặc biệt; Cấm ngoại tình; Bảo vệ và chu cấp trẻ mồ côi; Cư xử công bằng với mọi người; Trong sạch trong tình cảm và tinh thần; Hãy khiêm tốn.
Đạo Hồi có những qui định chặt chẽ: Trong đời phải cố một lần hành hương về Thánh địa Mê Ca; Cấm ăn thịt lợn, không được uống rượu; Hàng năm phải thực hiện tháng ăn chay Rammadan (tháng này được tính theo lịch mặt trăng). Trong tháng này, ban ngày khi còn mặt trời không được ăn uống, đến đêm mới được ăn. Trong tháng mọi người phải tha thứ và sám hối. Tín đồ thực hiện cầu nguyện 5 lần trong ngày: Bình minh, trưa, xế trưa, buổi hoàng hôn và tối. Tất cả mọi nơi - kể cả phòng ngủ trong các khách sạn - đều dán trên trần nhà mũi tên chỉ hướng về thánh địa Mê Ca để mọi tín đồ Hồi giáo hướng về đó hành lễ cầu nguyện.
Thánh địa Mê Ca (Mecca) là một thành phố của Saudi Arbia ( Ả Rập) đây là quê hương của Muhamad (sinh năm 570 mất năm 632). Muhamad đã dành ra 25 năm viết sách Kinh thánh Koran và thuyết giảng về Đạo Hồi.
Đạo Hồi thực hiện chế độ đa thê. Đàn ông đạo Hồi được lấy nhiều nhất là 4 vợ. Ngay Muhamad là lãnh tụ đạo Hồi đầu tiên cũng có tới 6 bà vợ. Muhamad viết trong Kinh Koran nhằm khuyến khích đàn ông Hồi giáo lấy thêm vợ:
“Nếu thấy điều đó là tốt cho anh
  Hãy lấy thêm hai, ba, bốn vợ”.

“Hãy lấy những người đàn bà không có chồng trong cộng đồng của các người”
Được biết, ngay từ xa xưa, việc đạo Hồi cho phép khuyến khích tín đồ đàn ông được lấy nhiều vợ không phải do nhu cầu sinh lý tự nhiên mà là do nhu cầu xã hội. Hậu quả các cuộc chiến tranh trong lịch sử đã để lại nhiều thế hệ phụ nữ góa bụa. Là phận gái liễu yếu đào tơ, họ trở thành nạn nhân của chiến tranh và tiếp sau đó lại là nạn nhân của những kẻ gian lạm dụng, bắt nạt. Bởi vậy, họ cần có gia đình là chốn nương thân, cần có một bờ vai người chồng che chở trong cuộc đời đầy bất trắc khó lường.
Tôi sực nhớ đến câu thơ của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương: " Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng / Chém cha cái kiếp lấy chồng chung " và hỏi đùa Wiliam, liệu có thường xuyên xẩy ra “xung đột, nội chiến” để tranh giành ảnh hưởng giữa các bà vợ trong một gia đình. Wiliam cười và nói rằng, đương nhiên rồi. Bản năng con người là ích kỷ. Thực ra lấy nhiều vợ cũng chẳng sung sướng gì đâu. Có nhiều hệ lụy phức tạp, khó lắm, khổ lắm. Trước hết, người chồng phải có điều kiện kinh tế và có sức khỏe để tổ chức đám cưới, duy trì được sinh hoạt và cuộc sống của 4 bà vợ một cách công bằng, bình ổn. Rồi nữa, có 4 bà vợ thì có đến 4 ông bố vợ và 16 bà mẹ vợ. Một cặp bố mẹ vợ  thì con rể còn có thể chiều được. Còn ngần ấy ông bà bố mẹ vợ, với bao nhiêu tính cách, nhu cầu, thì con rể lấy đâu ra khả năng để đáp ứng.
Trên đường cao tốc về thủ đô có những hàng cây cọ hun hút trải dài hai bên đường. Thủ đô Kuala Lumpur là nơi hợp lưu của sông Gombak và sông Klang. Theo tiếng Mã Lai, Kuala Lumpur có nghĩa là “Hợp lưu sông bùn lầy”. Trước đây, trong một lần họp đồng hương huyện Nghi Lộc tại Hà Nội, tôi nghe có người giải thích: Kuala Lumpur có nghĩa là cửa sông tổng hợp. Và theo cách giải thích đó, thị xã Cửa Lò quê tôi vốn xuất xứ từ tiếng nói trệch của từ KuaLa. Dù chưa nghe ai giải thích một cách thấu đáo gốc nghĩa ngữ Cửa Lò là thế nào, xuất xứ từ đâu, nhưng nếu nói đó là cách nói trệch từ tiếng KuaLa, thì tôi cho không có lý. Điều chắc chắn rằng, người Mã Lai không phải là những người nước ngoài đầu tiên đặt chân đến Cửa Lò - Nghệ An.
Kiến trúc ở Kuala Lumpur mang dáng dấp vừa truyền thống xen lẫn hiện đại. Đây là thành phố lớn nhất Malaysia, hiện được coi là thành phố trẻ và năng động nhất Châu Á. Thành phố náo nhiệt về ban đêm mang đậm nét đặc trưng Á đông. 
9 giờ đêm ngày 26/8/2013, xe đưa chúng tôi về khách sạn AnCasa nằm cạnh một đại lộ ở trung tâm Thủ đô Kuala Lumpur, sau khi đã ăn tối ở quán ăn người Hoa bên đường và đi qua những dẫy phố đẹp được tôn lên dưới hệ thống đèn chiếu sáng. Trên đường đi tới khách sạn, để kịp liên lạc về nhà, nhiều người đã mua sim điện thoại Malaysia. Cũng như mọi hướng dẫn viên du lịch cho người nước ngoài, Wiliam là người cung cấp dịch vụ này. Khách có thể mua sim bằng ba loại tiền: Ringgit, Đô la Mỹ, hoặc VNĐ. Mua một sim với giá 150.000 VNĐ, nghe Wiliam nói là có thể nói chuyện được trong 30 phút, tôi cài vào điện thoại và gọi về nhà ngay. Trong xa cách, sợi nhớ sợi thương của con người không chỉ đo bằng thời gian mà còn đo cả bằng khoảng không gian cách biệt. Khi ở xa, nhất là khi ra nước ngoài, mà có điều kiện liên lạc được với người thân là quí lắm.
AnCasa là khách sạn 3 sao, mặt tiền đẹp, sảnh rộng. Cậu Nam trao cho vợ chồng tôi chìa khóa phòng 603. Việc đầu tiên là nhận thẻ mã số Wifi của khách sạn để có thể gọi về nhà bằng Viber. Phòng ngủ đẹp, rộng, thoáng, tiện ích. Đêm thu trời mát dịu, mặc dù nhìn qua cửa sổ dưới lòng đường người xe tấp nập, xa hơn một chút còn thấy tàu điện trên cao, nhưng nhờ hệ thống cách âm tốt, nên cảm giác rất yên tĩnh. Qua một chặng bay gần 3 tiếng, xuống ga đi tầu điện, rồi lại chuyển ô tô đi về thành phố, người khá mệt, nhưng là đêm đầu đến Kuala Lumpua, lòng đầy cảm xúc, tôi khó vào giấc ngủ.
7 giờ 27/8, mọi người tập trung ăn sáng theo chế độ tự chọn (buffet) ở tầng 1. Phòng ăn rất rộng, sáng, đẹp được bố trí các dẫy bàn ghế khá sang trọng. Quầy phục vụ đặt đủ các món đồ ăn, thức uống đủ loại Âu - Á, Tây - Tàu. Thực khách cũng đủ các loại người : Tây, Tàu, Ấn, Phi, Thái, Việt.Từng người lẳng lặng cầm đĩa, thìa, dĩa lần lượt lựa chọn món ăn theo khẩu vị của mình. Bữa ăn sáng đầu tiên ở khách sạn thật ngon lành.
9 giờ ngày 27/8/2013, đoàn xuất phát đi tham quan Đài Kỷ niệm Quốc gia. Giữa Thủ đô Kuala Lumpur mà những con đường đi qua hai bên cây cối tốt tươi như trong rừng nguyên sinh. Ở đây nhiều chỗ quả thật là rừng xen lẫn với phố. Gọi là phố trong rừng hay rừng giữa phố đều được. Đài Kỷ niệm Quốc gia đặt ở một khu vực rất đẹp. Dừng trước cổng, Wiliam giới thiệu cho đoàn nghe về Quốc huy Malaysia được đắp nổi ở bức tường ngang. Hai bên có hai sư tử là biểu thị của quyền uy và sức mạnh. Mặt trăng là biểu trưng của đạo Hồi. Ở giữa Quốc huy là một bông hoa 14 cánh tượng trưng cho 14 bang. Qua cổng theo con đường rộng lát đá đẹp bên trái trồng rất nhiều hoa, nhất là hoa dâm bụt - Hoa dâm bụt là Quốc hoa của Malaysia. Vào phía trong qua đài phun nước trên một mặt hồ khá to thì đến Trung tâm Đài Kỷ niệm Quốc gia.
 Đài Kỷ niệm Quốc gia Maylaysia là 1 trong 7 tượng đài lớn nhất thế giới, được dựng vào năm 1966 do kiến trúc sư Felix de Weldan (người từng là tác giả của bức tượng nổi tiếng Lwo Jime ở Wasington DC). Giữa trung tâm Đài Kỷ niệm là bức tượng lớn đặt trên cao, bao quanh là đài phun nước. Bức tượng của 7 chiến sĩ Malaysia giương cao Quốc kỳ, biểu trưng cho lòng trung thành, sự hy sinh và đoàn kết của người Malaysia. Tượng được dựng lên để tưởng nhớ những người đã chiến đấu và ngã xuống trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II và sự kiện Emergency of Malaya (thời kỳ khẩn cấp) trong lịch sử Malaysia. Thời kỳ khẩn cấp là chỉ thời kỳ từ năm 1948 tới năm 1960.
Cạnh Đài Kỷ niệm Quốc gia là là vườn ASEAN và Đài tưởng niệm Tun RaZac, nơi tưởng nhớ về người Thủ tướng thứ hai của Malaysia, ông Tun Abdul RaZac Hussein.
Rời Đài Kỷ niệm quốc gia, đoàn đến tham quan Quảng trường Độc lập (Merkeda). Đây là nơi Thú tướng đầu tiên của Malaysia tuyên bố độc lập vào ngày 31/8/1957 - khi trên cột cờ cao nhất thế giới (100m) lá cờ Anh được hạ xuống và lá cờ Malaysia được kéo lên.Thủ tướng đầu tiên Malaysia hô vang: Merkeda, Merdeka, Merdeka ! (tiếng Mã Lai có nghĩa là Độc lập, Độc lập, Độc lập!). Tiếp theo tiếng hô hưởng ứng của hàng vạn con người.
Giữa Quảng trường Độc lập, dưới ánh nắng vàng, trên bãi cỏ xanh rộng lớn, từng đoàn học sinh, sinh viên với nhiếu sắc mầu đồng phục đang tập dượt đội ngũ chuẩn bị cho đồng diễn và diễu hành sẽ diễn ra vào ngày 31/8 tới.
Đối diện với Quảng trường Độc lập có một tòa nhà kiến trúc rất độc đáo có tên là Sultan Abdul Samad. Đó vốn là Dinh Toàn quyền của người Anh ngày xưa, nay là Viện Bảo tàng.
Tiếp đến, đoàn ghé xem và chụp ảnh bên ngoài Cung điện Hoàng Gia. Đây là cung điện vô cùng nguy nga, tráng lệ, tọa lạc trên một ngọn đồi với khu đất rộng mênh mông, ngót trăm héc ta. Cung điện mang đậm phong cách kiến trúc Ả Rập, sơn màu vàng, có đỉnh hình tròn kiểu “củ tỏi” là biểu trưng của Đạo Hồi, trên đỉnh là quốc kỳ Malaysia. Đây là nơi có hoạt động nghi lễ trọng thể của đất nước, tổ chức các cuộc họp mặt quan trọng và là nơi ở của Vua, Hoàng hậu Malaysia. Phía ngoài đi qua một quảng trường rất rộng tới cổng tam quan đồ sộ. Hai bên cổng bố trí hai vệ binh cao to, chắc nịch, rắn rỏi, gương mặt cương nghị, quân phục đẹp, ngồi nghiêm chỉnh trên hai con ngựa cao to - một bên ngựa đen, một bên ngựa trắng. Từ ngoài nhìn vào cứ nghĩ đó là các bức tượng. Khi đến gần thấy tai và đuôi ngựa ve vẩy mới biết là thật. Giữa trời lộng gió, nắng chói chang, mọi người tay cầm ô đi qua quảng trường lát đá đến sát cổng để nhìn vào Cung điện Hoàng Gia. Có nhiều người đến bên con ngựa và vệ binh ngồi trên để chụp ảnh lưu niệm. Hình như đã quen với cảnh này, các chú ngựa đứng yên không có phản ứng gì. Các vệ binh da ngăm đen, lưng đeo kiếm, ngồi trên lưng ngựa mắt nhìn thẳng, tay ghì giây cương, tư thế nghiêm trang. Nghe kể rằng, cách canh gác ngoài Cung điện Hoàng Gia đã thành nếp lâu đời, từ thời thuộc địa Anh.

8 giờ ngày 28/8/2013, đoàn đi tham quan Cao nguyên Genting. Trước khi đi mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng mọi người được phổ biến cần chuẩn bị áo dài tay, vì lên bình độ cao đề phòng bị lạnh.
Cách thủ đô Kuala Lumpur 60 cây số, cao nguyên Genting ở độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển, quanh năm khí hậu ôn hòa, mát mẻ tựa như ở Đà Lạt. Thật lý tưởng khi chọn đây làm nơi nghỉ dưỡng và du lịch. Cao nguyên Genting còn gọi là “Thành phố trong mây”, “Thành phố giải trí” do ông Lim Gô Tông (Lâm Ngô Đồng) tạo dựng từ năm 1960 và nhiều năm sau đó không ngừng được mở rộng, nâng cấp. Được biết, Lim Gô Tông là một trong năm người giàu nhất Malaysia. Ông khởi nghiệp bằng khai thác thiếc, đá đen rồi chuyển dần lên kinh doanh tổng hợp, đa ngành. Để xây dựng tổ hợp nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí ở cao nguyên Genting, Lim Gô Tông đã bỏ ra 6 triệu ringit mua khu đất rộng 5.000 héc ta từ các Tiểu vương. Sau khi ông từ trần, cơ nghiệp được truyền lại cho con trai là Lim Gô Thai.
 Sau hơn 1 tiếng đồng hồ đi ô tô từ khách sạn AnCasa, xe đến ga cáp treo. Cáp treo Genting dài 3,38 km là cáp treo có độ dài đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, sau cáp treo Bà Nà ở Đà Nẵng (dài 5,64 km). Hệ thống cáp treo có hơn 100 ca bin, mỗi ca bin ngồi được 6 người. Tốc độ cáp treo quay khá nhanh, từ điểm xuất phát chỉ trong vòng 20 phút là tới đỉnh.
Ngồi trong ca bin treo trên cao, phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh một không gian rộng lớn, khung cảnh thật đẹp. Núi non điệp trùng, những khu rừng già nhiệt đới cây cối ngút ngàn mướt mát, trời trong xanh, nắng vàng rực rỡ, những đám mây trắng như bông bồng bềnh qua ô cửa kính. Mọi người đều thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên. Với một số ít người không quen, nhất là người bị tiền đình, khi ngồi vào ca bin chạy trên cao dễ bị chóng mặt, choáng ngợp. 
 Bước xuống khỏi cáp treo, cảm giác đầu tiên đập vào mắt tôi là hệ thống bề thế, hoành tráng: khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí. Thế mới biết, vì sao ở Genting hàng năm đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch của nhiều nước.
Đi xuyên qua nhiều hệ thống nhà hàng, thì đến sòng bạc (casino) bố trí trong một tòa nhà rộng mênh mông. Đây được coi là Lasvegas của Malaysia - sòng bạc (casino) lớn nhất Đông Nam Á.
Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi bước vào sòng bạc với ánh sáng lung linh kỳ ảo từ nhiều loại đèn mầu. Nhìn qua một lượt, tôi thấy  ngoài việc đánh bài theo cách cổ điển bên các dãy bàn ngang dọc trải dài, casino còn được trang bị một số lượng máy đánh bạc hiện đại để mọi người có thể tham gia. Với đủ loại trò đánh bạc, mở cửa tự do suốt ngày đêm cho tất cả mọi người đến chơi. Được biết, sòng bạc ở đây hầu như chỉ dành cho khách du lịch nước ngoài, vì người Mã Lai theo đạo Hồi không được đánh bạc.
Cũng giống như lần ghé tham quan sòng bạc lớn ở Ma Cao hồi tháng 9/2012, vợ chồng tôi cùng mấy anh chị em trong đoàn bước vào sòng bạc Genting trong sự lạc lõng, ngơ ngác, chẳng hiểu mô tê gì. Lượn qua mấy vòng, lẳng lặng ngó nghiêng người ta sát phạt nhau trong tĩnh lặng bên các bàn đánh bạc. Người xưa có câu: “ vô học bất thuật”, chẳng bao giờ sai. Giống như cuộc đời, cuộc chơi nào cũng phải học. Mọi trò chơi mà không có kiến thức cần thiết, thì chẳng thưởng thức được cái hay, cái đẹp của nó. Hơn nữa, đánh bạc vừa là trò chơi lại vừa là một cách kiếm tiền của những người giàu có, sang trọng. Điều chắc chắn rằng, người đánh bạc phải học nhiều, tích lũy kinh nghiệm và có bản lĩnh trong các cuộc chơi. Từ xưa ông cha vẫn dạy rằng, cờ bạc là bác thằng bần. Nhưng đến bây giờ lại có một thực tế: người giàu mới đi đánh bạc và đánh bạc giỏi càng giàu.
Bên ngoài sòng bạc là hệ thống thương mại nhà hàng sầm uất, với đủ các loại hàng hóa, các thương hiệu. Xen lẫn là các nhà hàng giải khái, ăn nhanh kiểu KFC, MacDonal…Xa hơn một chút là hệ thống vui chơi, giải trí, trong tiếng rít gào ồn ã của các loại tàu điện nhào lộn vun vút trên cao.
Để phục vụ cho du khách, hệ thống khách sạn ở Genting có hơn 10.000 phòng. Trong đó khách sạn 3 sao First World là khách sạn lớn nhất thế giới: 6.118 phòng. Điều ngạc nhiên là khách sạn 3 sao nhưng giá thuê phòng rất rẻ: khoảng 20 USD / đêm / phòng ngủ 2 người. Trang bị trong phòng rất đơn giản. Khách sạn không bố trí dép đi, không bàn chải, thuốc đánh răng. Ti vi thì dùng loại cũ. Đặc biệt là, khi trả phòng, nhân viên khách sạn không thu lại chìa khóa. Bởi họ có chủ ý là: người cầm chiếc chìa khóa mà trên đó có đề tên khách sạn vô hình trung sẽ là người quảng bá cho khách sạn. Cũng là một cách maketing đơn giản mà hiệu quả.
Rời trung tâm Genting, đoàn quay về Kuala Lumpur bằng đường bộ. Từ trung tâm thành phố đi xuống chân núi là đường ô tô một chiều. Đường nhựa phẳng lỳ xuyên qua mấy dốc đèo, hai bên là những cánh rừng nguyên sinh rất đẹp. Thật là “cỏ cây chen đá, lá chen hoa” giống như cung đường bộ vắt qua Đèo Ngang vậy. Khi đổ dốc được khoảng chục cây số, có một nghĩa trang rộng bên phải triền núi. Wiliam nói, trong nghĩa trang ấy có lăng mộ của của Lim Gô Tông. Ông chọn nơi an nghỉ cuối cùng là nơi ông tạo dựng: Thành phố trong mây - Cao nguyên Genting.

Sáng ngày 29/8/2013, đoàn vào tham quan và mua hàng ở Cửa hàng đá quí, đá đen. Trang sức đồ đá đen là một trong những sản phẩm đặc trưng của Malasysia. Sáng lập cửa hàng này là ông LEE KIM SAI, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia suốt 24 năm. Cửa hàng quảng cáo bày bán đủ loại : Kim cương, ngọc, sapphire, ngọc lục bảo, ngọc xanh, đá quí màu đen, đá phong thủy may mắn. Mọi người trong đoàn, ít nhiều đều mua sắm để dùng hoặc làm quà. Ở đây còn quảng bá về sâm tôngcatali - một thứ dược liệu quí hiếm của Malaysia dùng để bổ dưỡng sức khỏe - tựa như nhân sâm của Triều Tiên, Hàn Quốc.

Tiếp theo, đoàn vào tham quan động Ba Tu.
Nằm ở ngoại ô cách Kuala Lumpur 13 cây số về phía bắc, bên con đường đi qua những dãy núi đá vôi, dựng nhiều cổng chào, treo đèn kết hoa, màu sắc rực rỡ, động Ba Tu được coi là một thắng cảnh ở Malaysia. Nghe giới thiệu, động Ba Tu được phát hiện vào cuối thế kỷ 19. Có hai tài liệu nói về việc phát hiện ra động Ba Tu: Một là, do nhà tự nhiên học người Mỹ Whornarry cùng bạn đồng hành H.Cryhress là sĩ quan Anh, phát hiện vào năm 1878. Hai là, do một thương gia người Ấn Độ phát hiện từ những năm cuối thế kỷ 19. Nhưng  sau đó bị lãng quên. Mãi tới đầu thế kỷ 20 những người Ấn Độ ở Malaya theo đạo Hindu chọn làm trung tâm tôn giáo của mình, Ba Tu trở thành thánh địa của đạo Hindu ở Malaysia.
Ngồi trên ô tô từ rất xa mọi người đã nhìn thấy bức tượng thần Murugan lừng lững, sơn màu vàng rực dựng trước cổng động Ba Tu. Đây là bức tượng cực lớn: cao 42,7 mét (tượng cao nhất Châu Á), làm từ 1.550 mét khối xi măng, 250 tấn thép và hơn 300 lít sơn vàng, được hoàn thành vào năm 2006. Cũng như nhiều người, vợ chồng chúng tôi đã chụp ảnh giữa đàn bồ câu hàng trăm con chốc chốc lại sà xuống ăn mồi ờ khoảnh đất trống phía ngoài cửa động. Những con chim rất dạn dĩ, vây quanh mọi người, một cảnh tượng tự nhiên yên bình, nhìn thật thích mắt.
Đường vào động là một cái dốc cao lát đá phiến to khá rộng, phân thành ba làn người đi bộ lên xuống. Từng đoàn người cắm cúi leo dần từng bậc dốc. Từ chân núi vào tới cửa động phải leo qua 272 bậc thang đá. Hai bên đường có nhiều con khỉ lớn bé tung mình vắt vẻo, nhảy nhót trên các cành cây, mỏm đá hai bên đường. Càng lên cao càng thở dốc. Nước đái khỉ hai bên đường bốc mùi khai nồng nặc, thật khó chịu. Hướng dẫn viên du lịch phổ biến, khi leo lên động, du khách cần đề phòng các con khỉ nhảy tót từ bên đường ra giật túi xách, kính, điện thoại di động, máy ảnh rồi lao tót vào rừng. Khi đã bị khỉ đã giật đồ, thì không thể đuổi theo lấy lại được. Sở dĩ có những đàn khỉ tự nhiên như vậy là bởi ở bên trái động Ba Tu có một ngọn núi phụng thờ tướng khỉ Hanuma - nhân vật phò trợ Hoàng tử Rama trong sử thi Ramayana của Ấn Độ.
Giữa những đoàn người du lịch thập phương nườm nượp, dẫu bị đau khớp gối, nhưng vợ chồng tôi vẫn gắng gỏi leo đến tận cùng. Tôi chợt nhớ đến câu nói của người xưa:” Thiên lý chi hành / Thủy ư túc hạ “ ( Nghĩa là : Đi xa nghìn dặm / Bắt đầu từ những bước chân ). Và tôi nói với nhà tôi rằng, cố mà đi thôi, trong đời có thể chỉ đến đây tham quan một lần. Kinh nghiệm của tôi là khi leo dốc, thì đừng nhìn lên cao phía trước mà ngợp và nản chí. Cứ cúi nhìn gần thôi. Gắng gỏi từng đoạn ngắn một, cứ thế leo dần, thế nào cũng tới đỉnh. Với tôi, thuở hành quân dọc Trường Sơn thời đánh Mỹ và mấy năm trước khi tham quan Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc) cũng vậy. Kinh nghiệm leo dốc này còn có thể áp dụng vào muôn mặt cuộc đời. Nhìn chúng tôi chăm chú lẳng lặng leo dốc, mấy cô cậu nam thanh nữ tú hình như là người Nam Bộ đi du lịch vui cười nói kích nhau: Thấy chưa, ông bà già này còn leo dốc được, tụi mình sao không cố mà lên.
Tới đỉnh dốc, mồ hôi túa ra ướt cả áo. Gió thổi mát lạnh, ngoái đầu nhìn lại phía sau một quang cảnh thật đẹp, thật khoan khoái.
Chúng tôi đi sâu vào động. Với chiều rộng khoảng hơn 100 mét, chiều dài khoảng 200 mét, động Ba Tu trông tựa như động Phong Nha - Quảng Bình. Ánh nắng xiên qua khe hở kẽ đá rọi xuống sân mặt động nhạt đi trông tựa ánh trăng. Những dòng nước nhỏ chảy từ trong hang núi ra trong veo, lãnh lẽo. Tận phía trong là một ngôi đền thờ đạo Hin du cổ kính, kiến trúc trang trí nhiều phù điêu sơn màu sực sỡ. Bước vào trong đền, đứng trước bệ thờ, không hiểu nghi lễ đạo Hindu, từ tâm mình, chúng tôi chỉ biết cung kính chắp tay vái lạy như trước bàn thờ gia tiên và bàn thờ Phật. Khi vái xong, nhà sư Ấn Độ biểu thị sự thân thiện cầm hộp phấn trắng phết nhẹ lên trán và buộc chỉ vào cổ tay chúng tôi. Ngôn ngữ bất đồng, lễ nghi không biết, nhưng chúng tôi cũng đọc được đó là cử chỉ của một tín ngưỡng cầu chúc may mắn. Tôi để nguyên chỉ cổ tay trong suốt chuyến du lịch cho tới khi về nước.
Chiều ngày 28/8/2013, đoàn đi tham quan Tháp đôi Petronas. Trên đường đến tháp đôi, xe chúng tôi đi qua mấy dẫy phố lớn. Nhìn sang hai bên đường phố đẹp, sạch sẽ, tôi không thấy  xe đạp, rất ít xe máy, không quán cóc, không tiếng còi ô tô và hầu như không thấy bóng dáng cảnh sát. Khi mọi người dân tuân thủ pháp luật nghiêm minh, thì cảnh sát ít phải tham gia can thiệp vào đời sống cộng đồng. Tháp đôi Petronas là biểu tượng của Malaysia, nên từ phía ngoài đoàn chúng tôi đã dừng xe chụp nhiều pô ảnh lưu niệm. Tòa tháp có 88 tầng, đỉnh cao 451 mét, đã từng là cao nhất thế giới (từ ngày 17/10/2003, Tháp đôi Taipei 101 là cao nhất). Tháp đôi Petronas thiết kế hình xoắn ốc nhỏ dần về đỉnh, do kiến trúc sư Cesar Pelli người Argentina thiết kế lấy ý tưởng từ các tòa nhà đạo Hồi. Phía dưới của tòa tháp đôi là trung tâm thương mại hiện đại nhất Malaysia. Bên ngoài là một công viên lớn, một đài phun nước, hồ, đường dạo bộ và sân chơi trẻ em. Công trình tháp đôi này do Công ty Dầu khí Petronas đầu tư xây dựng làm Văn phòng và cho thuê. Tháp được xây dựng ở trung tâm thành phố. Đứng ở bất cứ nơi nào trong thành phố Kuala Lumpur đều có thể nhìn được tháp đôi cao vút lừng lững. Do đó, mọi người đều có thể xác định được chỗ đứng của mình và định hướng đường đi.
Với nhu cầu tham quan và mua sắm khác nhau, đoàn chúng tôi chia tay nhau ở tầng 3 hẹn thời gian và địa điểm tập kết lúc quay về. Từng cặp gia đình tỏa vào các cửa hàng, cửa hiệu ở trung tâm thương mại. Nghe quảng cáo sữa tắm dê của Malaysia vừa tốt vừa rẻ, vợ chồng tôi vào siêu thị mua 11 chai để dùng và làm quà tặng người thân. Mỗi chai là một cân, cho tất cả vào túi xách khá nặng, nhưng tôi cảm thấy thích.

12 giờ ngày 29/8/2013, đoàn chúng tôi rời Kuala Lumpur đi về thành phố Malacca ở phía Nam, tiếp tục hành trình sang Singopore. Trên đường đi, đoàn ghé vào tham quan thành phố Putrajaya.  Putrajaya là ghép bằng hai từ Putra và Jaya. Tiếng Mã Lai: Putra có nghĩa là hoàng tử, Jaya có nghĩa là thành công (chiến thắng). Putrajaya có nghĩa là hoàng tử thành công (chiến thắng).
 Putrajaya là một thành phố trẻ, một kỳ quan hiện đại bậc nhất Đông Nam Á - Đây là niềm tự hào của người Malaysia.
Từ những năm 1980, trước sự ùn tắc giao thông và mật độ dân số quá đông ở Kuala Lumpur, Mahathir -Thủ tướng Chính phủ Maylaysia là người đưa ra ý tưởng “siêu dự án này”. Từ một vùng đất hoang vu, không có sông ngòi, cây cối, tháng 8 năm 1995 Chính phủ bắt đầu triển khai xây dựng thành phố làm thủ phủ của chính quyền Liên bang Malaysia. Sau 3 năm thi công, Putrajaya đã đi vào hoạt động. Đây là một kiểu mẫu “thành phố - vườn” với hệ thống thông tin phức hợp dựa vào công nghệ đa phương tiện - mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển các thành phố hiện đại của Malaysia.
Putrajaya là thành phố điện tử đầu tiên của Châu Á, mọi thứ đều được quản lý thông qua tin học. Mỗi người đều có một tấm thẻ trong đó chứa đầy đủ thông tin cá nhân: nhóm máu, công việc, tài chính, thanh toán,…Thẻ được dùng thay cho nhiều công cụ và còn là chìa khóa để mở các cánh cửa. Trẻ em không phải mang cặp sách tới trường mà học trên mạng máy tính.
Xe chúng tôi chạy dọc theo đại lộ Putra vào thành phố. Hai bên đại lộ là những tòa nhà dinh thự, công sở rất hoành tráng được xen lẫn với rất nhiều cây xanh, thảm cỏ và nhiều loại hoa. Đường phố thoáng đãng, môi trường trong lành, cảm xúc thật thư thái. Được biết, Putrajaya dành ra 38% diện tích cho cây xanh và công viên.
Trên đường vào tham quan Thánh đường Hồi giáo, xe chúng tôi đi qua Tòa nhà Văn phòng Thủ tướng cao 6 tầng lộng lẫy uy nghi, sơn màu xanh lá cây, kiến trúc đặc trưng Hồi giáo - Đây là nơi làm việc của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các nhân vật quan trọng trong bộ máy chính quyền Liên bang Malaysia.
Từ phía xa chúng tôi đã nhìn thấy Thánh đường Hồi giáo Putrajaya, cao 5 tầng, ốp đá ganarite màu hồng lừng lững soi bóng bên hồ Putra. Dưới trời nắng chói chang, trong không khí trang nghiêm, chúng tôi bước vào cổng, đi qua một sân lát đá rất rộng. Mọi người được trao cho mượn một áo choàng che kín đầu màu vàng hoặc màu ghi xám để đi vào Thánh đường. Khu hành lễ của Thánh đường rộng mênh mông. Nghe nói, Thánh đường Hồi giáo Putrajaya có sức chứa 1,5 vạn tín đồ cầu nguyện. Trên mái vòm cao được trang trí nhiều họa tiết hoa văn và hệ thống đèn chiếu sáng rất đẹp. Đỉnh trên Thánh đường là tòa tháp hình củ tỏi - biểu tượng của Hồi giáo - cao hơn trăm mét.
Phía sau Thánh đường Hồi giáo là hồ Putra - hồ nhân tạo với diện tích 650 hécta - một cảnh quan du lịch thơ mộng, đồng thời là lá phổi điều hòa không khí của thành phố. Hồ Putra còn là nơi tổ chức các cuộc thi thể thao dưới nước. Bao quanh hồ là các tòa nhà tuyệt đẹp, các cửa hàng, cửa hiệu, dịch vụ ăn uống và du lịch rất tấp nập.
Thành phố Putrajaya được qui hoạch đồng bộ hệ thống hạ tầng. Khu trung tâm được bao bọc bởi những công trình kiến trúc Hồi giáo uy nghiêm, vừa cổ kính vừa hiện đại. Đây còn được coi là một thành phố phong thủy. Các ngả đường vào thành phố có đến 9 cầu giây văng vắt qua con sông đào Putra. Mỗi cây cầu có kiến trúc độc đáo hiện đại và mỹ thuật rất ấn tượng. Những tòa nhà thị chính đặc trưng phong cách Đạo Hồi hiện đại, hết sức choáng ngợp.

Hơn một giờ chiều, đoàn chúng tôi rời thành phố trẻ Putrajaya tiếp tục đi về phía Nam tới thành phố cổ Malacca. Xe chạy dọc theo đại lộ Đông Tây. Đại lộ này dài hơn 900 cây số, bất đầu từ phía Tây Bắc giáp giới Thái Lan băng qua nhiều loại địa hình và điểm tận cùng là eo biển giáp giới Singapore ở phía Đông Nam. Đường một chiều phẳng lỳ, mỗi chiều có đến 4 làn xe, băng qua những cánh rừng điệp trùng. Có nơi là rừng cọ bạt ngàn, có nơi là rừng nguyên sinh mênh mông, xanh tươi ngút ngát, có nơi là những triền cỏ mướt mát trải dài tận chân trời. Mọi thứ phơi ra dưới ánh nắng vàng chiều thu. Cảnh quan đẹp như tranh vẽ. Hai bên đường không có nhà dân, không có đường giao cắt, không người đi bộ và phương tiện giao thông thô sơ. Đặc biệt là, không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông. Tốc độ xe bình quân hơn 100 cây số/giờ. Khoảng hơn 1 tiếng đồng hộ, xe ghé vào trạm dừng chân bên đường. Ở đây có cây xăng, có cửa hàng giải khát và tất nhiên là không thể thiếu WC. Từng xe nối đuôi nhau ghé vào đây dừng lại khoảng 20 phút lại quay ra đường cao tốc. Trước đây, có lần tôi nghe một người bạn thân kể rằng, khi bạn ấy sang Mỹ công tác, nhiều lần xe đi qua một số khu rừng, hoặc sa mạc cũng dừng lại đổ xăng và nghỉ ngơi ở các trạm dừng chân trên đường. Ở các trạm đó việc mua xăng là tự rót vào xe và tự thanh toán bằng thẻ ATM. Khi nghỉ lại các phòng nghỉ cũng đầy đủ tiện nghi mà không có hề người phục vụ. Mọi việc đều diễn ra từ sự tự giác của con người và các phương tiện tự động đo đếm.

Cuối chiều, mặt trời gác núi, những làn gió từ biển Ấn Độ Dương thổi vào mát rượi, xe chúng tôi đến thành phố cổ Malacca. Khi xe chầm chậm vào thành phố, tôi chú ý quan sát hai bên đường thấy cảnh quan nơi đây tương phản với thành phố trẻ Putrajaya hoặc thủ đô Kuala Lumpur mà chúng tôi đã đi qua. Đường phố hẹp, xe tham gia lưu thông phần đông là xe đời cũ, thậm chí rất cũ. Không có nhiều tòa nhà cao tầng. Các dẫy nhà chen chúc hai bên đường là nhà ống, mặt tiền hẹp lắp cửa xếp, thỉnh thoảng cũng có nhà lụp xụp. Xem ra bề ngoài có chỗ tựa các khu phố của một thị xã, thành phố nhỏ ven biển miền Trung nước ta, kiểu như Hội An. Đất nước Malaysia giàu có, nhưng không phải là tất cả. Vẫn có những khu phố nghèo, nhà cửa xập xệ, những cửa hàng bé nhỏ, những quán cóc và có những bà cụ già tóc bạc da mồi ngồi bán rổ trái cây, bán kẹo bánh, tạp hóa,…hai bên đường chẳng khác gì bên ta. Đoàn vào tham quan ngôi chùa cổ nhất của người Hoa, xây dựng từ năm 1673. Được biết, người Hoa đặt chân đến Malacca từ những năm 1400, họ buôn các loại lụa tơ tằm, hàng đồ gốm sứ cho thương nhân Ấn Độ và Ả Rập. Trước đây, eo biển Malacca được nhiều người dân các nước biết đến bởi nổi tiếng trong lịch sử về sự hoành hành của cướp biển.
  Wiliam nói với chúng tôi rằng, lịch sử Malaysia bắt đầu từ Malacca. Malacca là cố đô của Malaysia. Có thể nói, không có Malacca từ xa xưa thì không có Malaysia ngày nay. Bắt đầu từ năm 1409, có một Hoàng tử từ Indonesia tới eo biển Malacca lập nghiệp, dựng nước và mở mang dần. Năm 1500 người Bồ Đào Nha đến kinh doanh hải cảng và chiến tranh xẩy ra. Năm 1600 người Hà Lan tấn công Malacca. Tiếp đến, mấy trăm năm liền Malacca là thuộc địa của Hà Lan và Anh. Thành phố chỉ có khoảng 50 vạn dân nhưng có nhiều dân tộc sinh sống, với nhiều tôn giáo khác nhau. Hồi giáo, Hindu giáo, Phật giáo,…hình thành từ rất sớm do người Ả Rập, người Ấn Độ và người Hoa đưa vào Malacca. Nghe kể, năm 1545, giáo sĩ Tây Ban Nha là Franciscô đã theo người Bồ Đào Nha đến Malacca truyền đạo Thiên chúa. Sau khi ông mất, thi hài được mai táng tại đây trong vòng 9 tháng trước khi chuyển về an táng ở Goa thuộc Ấn Độ. Năm 1952, tượng Thánh Franciscô được dựng ở Malacca.
Với những dấu ấn về thời vàng son của Malaysia 600 năm về trước, Malacca trong không gian êm đềm, cổ kính, tĩnh lặng được xem là trang sử sinh động, quí giá trong lịch sử hình thành và phát triển của đất nước này. Bên cạnh dòng sông Malacca êm đềm vắt ngang thành phố là những ngôi nhà gỗ nhỏ cổ kính nằm vươn ra mặt nước. Quảng trường Hà Lan với những con đường lát màu đỏ sẫm đượm màu quá khứ. Một công viên nhỏ với mô phỏng chiếc cối xay gió, bãi cỏ và những cụm cây xanh um điểm xuyết những bông hoa. Đi qua Quảng trường Hà Lan, phía trên đồi là là Thánh đường Saint Paul sơn màu đỏ - được người Bồ Đào Nha xây dựng từ năm 1521. Rời khỏi Thánh đường Saint Paul, men theo con đường lát gạch đỏ, băng qua con đường nhựa, chúng tôi đến tham quan Pháo đài Famosa của Bồ Đào Nha bên bờ sông Malacca.
Vợ chồng tôi cùng mọi người trong đoàn leo lên Pháo đài đặt trên một khu đất rộng, không cao lắm nhưng xét về mặt quân sự ở địa thế này có thể án ngữ, khống chế được toàn bộ mặt sông và mọi nơi chung quanh đó. Pháo đài Famosa được xây dựng bằng gạch đá ong tựa như gạch đá ong dùng xây nhà dân ở vùng Sơn Tây (Hà Nội). Những cỗ pháo cổ lỗ, những chiếc xe chiến sự cũ kỹ xù xì, những bức tường loang lổ đổ nát, …Tất cả đều là chứng tích lưu lại của một thời chiến tranh xa xưa giữa quân sĩ Bồ Đào Nha với các thế lực khác đã diễn ra tại mảnh đất này.
Có thể coi Malacca là bảo tàng những giá trị lịch sử và văn hóa quí báu mà người dân Malaysia luôn trân trọng giữ gìn. Như mọi người trong đoàn, vợ chồng chúng tôi chụp ảnh lưu niệm trên Quảng trường Hà Lan, bên Thánh đường Saiut Paul và cạnh những cỗ pháo trên Pháo đài Famosa của Bồ Đào Nha.
Sau khi tham quan thành phố cổ, đoàn đến ăn cơm tối ở một nhà hàng người Hoa. Du lịch trên đất Malaysia 6 ngày, thì có 1 bữa cơm Việt, 1 bữa cơm Mã Lai, còn lại toàn là cơm Tàu - mỗi bữa cơm một kiểu. Mỗi dân tộc có những món ăn đặc trưng. Nghe nói, món ăn Việt được nhiều người nước ngoài ưu thích là Phở và Nem rán. Hình như trong bảng xếp hạng các món ăn ngon cao lương mỹ vị của thế giới, thì món Phở được xếp hạng thứ 28, món Nem rán được xếp hạng thứ 50. Các bữa ăn của chúng tôi ở các cửa hàng người Hoa trên đất Malaysia đều có chung một kiểu: mở đầu là húp một bát canh rất loãng, loáng thoáng mấy cọng rau và một ít xương thịt; thức ăn trong mâm thường có 7 món nhưng bao giờ cũng có một con cá diêu hồng rán hoặc hấp và món tráng miệng kết thúc là dưa hấu hoặc cam.
Đêm cả đoàn về ngủ ở khách sạn Wana Riverisi. Đây là khách sạn 3 sao, phòng nghỉ khá rộng, đẹp, tiện ích. Khi nhận phòng xong, tôi xuống lễ tân của khách sạn hỏi mã số Wifi để gọi điện về nhà. Nhiều khách du lịch khi đến khách sạn đều hỏi mã số Wifi để tiện liên lạc. Mạng Viber có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí đến mọi miền trên thế giới. Tôi có hai người cháu con bà chị đang làm việc ở Mã Lai gọi điện nói, biết cậu mợ sang du lịch nhưng chúng cháu không đến thăm được, vì chỗ làm việc đến Kuala Lumpur những hơn 500 cây số.
Ngày 30/8/2013, đoàn rời Malacca lên đường đi Johor Bahru thành phố cực nam tiếp giáp với Singapore. Buổi sáng sớm đoàn đi qua Bukit China - Chinese Hill là nghĩa trang lớn nhất của người Hoa ở hải ngoại. Nghĩa trang này có từ 400 năm trước đến nay. Hiện đã có hơn 12.000 ngôi mộ. Thế mới biết, người Hoa đặt chân đến đây từ rất sớm. Tại các nước trong khu vực, bất kỳ ở đâu có sự sống là ở đó có người Hoa. Nhìn nghĩa trang này, tôi chợt nhớ đến câu nói của Tôn Trung Sơn đại ý là:  Trên thế giới người Hoa có 4 cái nhất: Đông đảo nhất. Nền văn minh sớm nhất. Số người sống ở hải ngoại nhiều nhất. Đoàn kết nhất và sinh sống ở đâu cũng luôn hướng về Tổ quốc.
 Đường cao tốc từ Malacca sang Singapore tựa như đường Hồ Chí Minh chặng đi qua Thanh Hóa, Nghệ An. Nhìn hai bên đường rõ ràng là có sự phát triển kinh tế không đều. Bên cạnh những khu nhà nguy nga cao tầng, thì vẫn còn nhiều những dãy nhà lúp xúp, thấp; những dãy phố nhiều nhà ống liền kề, cửa xếp kéo, trông chẳng khác mấy so với những khu phố ở các thị xã nhỏ ở nước ta.
11h 15 phút ngày 30/8, đoàn tới cửa khẩu Malaysia - Singapore. Mọi thủ tục xuất nhập cảnh  diễn ra chóng vánh, thuận tiện. Xe chạy trên một chiếc cầu dài bắc qua eo biển Tebran là qua biên giới hai nước. Mọi người xuống xe, tạm biệt Malaysia, chia tay hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình Wiliam, chuyển đồ đạc lên chiếc xe ca của Du lịch Singapore đang chờ sẵn ở vệ đường. Hướng dẫn viên du lịch Singapore ra đón tự giới thiệu tên là Jôn. Cũng là người Hoa nhưng khả năng tiếng Việt của Jôn rất hạn chế, không thể giao lưu được như Wiliam.



II - SINGAPORE


          Cách đây tròn 20 năm, tôi đã có dịp sang Singapore lần đầu tiên trong một chuyến công tác.
Tháng 9/1993, khi Nhà nước chuẩn bị tiến hành cải cách tiền lương, để học hỏi tham khảo kinh nghiệm quân đội một số nước, Bộ Quốc phòng cử một đoàn cán bộ đi nghiên cứu chính sách tiền lương, phụ cấp và chế độ bảo hiểm xã hội đối với quân đội ở một số nước trong khu vực ASEAN và Ấn Độ. Đoàn có 5 người do anh Lê Khoa, Cục trưởng Cục Tài chính làm trưởng đoàn. Thành viên trong đoàn có anh Trần Đức Long, Cục phó Cục Cán bộ; tôi Cục trưởng Cục Chính sách; và hai anh cán bộ Cục Tài chính là Nguyễn Anh Hoàng và Võ Văn Phương. Anh Hoàng là Tiến sĩ ngành tài chính từng du học ở Ấn Độ, giỏi tiếng Anh nên là thành viên kiêm phiên dịch cho đoàn. Anh Phương là Trưởng phòng Chính sách Cục Tài chính là Thư ký của đoàn.
 Đoàn chỉ có 5 người nhưng với hai độ tuổi khác nhau, xứng bậc cha con. Anh Lê Khoa và anh Trần Đức Long là lớp cán bộ trải qua hai thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Tôi, anh Hoàng và anh Phương thuộc lớp chống Mỹ. Hồi đó hễ đến bất cứ cơ quan nào của quân đội các nước, trong màn chào hỏi, anh Lê Khoa vẫn cứ giữ nguyên một cách nói mặc định: “ Đoàn chúng tôi có 5 người. Tôi, Lê Khoa, đoàn trưởng, các thành viên trong đoàn là…Mục đích chuyến công tác của chúng tôi là…”. Nghe một lần thì hoàn toàn đúng, nhưng nghe mãi, lặp đi lặp lại gần như điệp khúc đến mấy chục lần, trong nhiều khung cảnh khác nhau, chúng tôi cảm thấy buồn cười lắm. Bởi vậy, khi anh Lê Khoa chuẩn bị nói là chúng tôi đưa mắt nhìn nhau và tôi phải đưa tay cấu véo vào bụng để khỏi bật ra tiếng cười.
Thời  ấy còn khá trẻ, xấp xỉ tuổi nhau, lần đầu tiên ra nước ngoài (không tính hồi đi chiến đấu ở Lào và Cămpuchia), lại là đồng hương cùng huyện Nghi Lộc (Nghệ An), vốn thân thiết từ nhiều năm trước, tôi và  Phương luôn bên nhau trên mọi chặng đường. Hễ tới đâu, ngoài thời gian làm việc, hai anh em chúng tôi thường tranh thủ rủ nhau đi tham quan tìm hiểu đó đây.
 Khoảng hơn 8 giờ tối ngày 10/9/1993, máy bay hạ cánh xuống sân bay Singapore, lễ tân bạn ra đón. Tôi và Phương ngồi cùng xe về khách sạn ở trung tâm thành phố. Người lễ tân hỏi, các ông có nói được tiếng Anh không? Chúng tôi trả lời, không. Họ hỏi tiếp, vậy có biết tiếng Hoa không? Chúng tôi trả lời, cũng không. Nghe đến thế, người lễ tân nói nhỏ với người lái xe và họ bật cười ré lên. Tôi biết, họ cho đây là một điều lạ lùng - đến xứ sở này mà không biết cả hai thứ tiếng đối với họ là phổ thông. Nghe họ cười, tôi thật xấu hổ. Mọi thứ ở đời chỉ thấy hết giá trị khi không có hoặc không còn nó. Ngôn ngữ là phương tiện số một trong đời sống. Đi ra nước ngoài mà không biết tiếng Anh hoặc tiếng nước sở tại, thì tự nhiên trở thành người vừa câm, vừa điếc, vừa mù. Biết vậy nhưng khổ nỗi, không phải ai cũng biết ngoại ngữ - bởi lúc còn trẻ thì không có điều kiện học, lúc có tuổi rồi thì học không vào. Hơn nữa, học ngoại ngữ mà để lâu không dùng đến, thì tựa như leo cột mỡ - lên rồi lại tụt xuống. Tôi biết, có nhiều người trong nhiều năm học mấy cua liền mà chưa qua nổi bằng A tiếng Anh.
 Ngày hôm sau, khi mọi người đang nghỉ trưa, tôi và Phương rủ nhau đi tham quan thành phố. Chúng tôi đến các siêu thị ngó nghiêng nhiều gian hàng điện tử, sau đó vào mấy tòa nhà cao tầng, bấm thang máy lên tận sân thượng để phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh. Hồi đó thang máy ở nước ta còn là hiếm. Quả thật, ngay từ thời đó Singapore đã giàu hơn nước ta nhiều lắm rồi.
Trở lại Singapore lần này, trong lòng tôi cồn lên nỗi nhớ và tiếc thương Võ Văn Phương - người bạn thân thiết nhiều năm.  Là Trưởng phòng Chính sách / Cục Tài chính, quân hàm Trung tá, có năng lực và phẩm chất tốt, đang có nhiều triển vọng, nhưng Phương bị căn bệnh hiểm nghèo từ trần ngày 16/6 âm lịch năm 1995, lúc mới tròn 43 tuổi. Vốn là người đẹp trai, khỏe mạnh, thông minh, hăng hái mà đằm tính, sống lịch lãm, tình nghĩa nên Phương được nhiều người quí mến, tiếc thương. Hôm giỗ 49 ngày Phương, với sự buồn đau thương tiếc, tôi đã viết bài văn tế. Giữa khói hương nghi ngút, trong không khí tang chế bi ai, tôi đã nghẹn ngào đọc và ngắt quãng khóc trước di ảnh Phương đặt trên bàn thờ. Khi tôi đọc, cô Hương, ba cháu Lan, Nga, Việt và cả gia đình Phương đều khóc, nhiều người thân cũng rưng rưng nước mắt. Chú Phương mất khi ba đứa con còn thơ bé. Tôi còn nhớ hôm an táng chú Phương ở nghĩa trang xã Nhân Chính, giữa nắng chiều mùa hạ, cháu Việt chưa biết gì, còn đòi mấy chị bắt cho con châu chấu, bọ ngựa ở vạt cỏ kề bên. Nhiều năm qua, cô Hương một mình bươn chải nuôi dạy ba con khôn lớn thành đạt. Đến bây giờ cả 3 cháu đều là tiến sỹ. Cháu Nga, con gái thứ hai, hiện nay là tiến sỹ giảng dạy tại một trường đại học lớn ở Pháp.

11giờ 30 phút ngày 30 tháng 8 năm 2013, trong tiết trời mát mẻ, đoàn chúng tôi đặt chân đến Singapore. Ngồi trên ô tô nhìn sang hai bên đường, cảnh tượng thật mát mắt : cây cối xanh tươi, đường phố quang đãng sạch sẽ, nhà cửa cao đẹp với nhiều kiểu dáng, sắc màu; không thấy các loại giây điện chằng chịt như mạng nhện trên cao. Tuyệt nhiên ở đây không có cảnh tràn ngập xe máy chen lấn tham gia giao thông, cũng không có chợ cóc, chợ xanh ngổn ngang với đủ loại hàng hóa chềnh ềnh hai bên đường mà có người gọi đó là kinh tế vỉa hè, hoặc từng đống vật liệu xây dựng chồng chất bất chấp lấn chiếm vỉa hè ,…như khá phổ biến ở nhiều thành phố, thị xã ở nước ta.
 Khác với Wiliam, hướng dẫn viên du lịch Jôn không giới thiệu về đất nước và con người Singapore. Cậu ta chỉ nói vắn tắt mấy câu về những điểm đoàn sẽ đến tham quan theo chương trình định sẵn. Tôi cũng thấy lạ, không hiểu Jôn có phải là hướng dẫn viên chuyên nghiệp không. Thường thì, hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài phải là người biết tiếng của khách để quan hệ giao dịch. Hơn nữa, theo nghiệp vụ phải nắm vững các thông tin để thuyết minh quảng bá về lịch sử, văn hóa, địa lý…của đất nước nói chung và nêu lên cụ thể về những điểm tham quan.
Bởi vậy, để hiểu biết về Singapore du khách buộc phải tìm đọc thông tin trên mạng và trong các tài liệu, sách báo.
Theo truyền thuyết, hoàng tử  Sang Nila Utama là người có công phát hiện và khai phá đảo quốc Singapore. Chuyện kể rằng, hoàng tử Sang Nila Utama trên đường đi qua một vùng biển lạ, gặp một trận cuồng phong. Đương lúc sóng to, gió lớn, tàu sắp chìm, hoàng tử không biết làm thế nào, bèn quăng chiếc vương miện xuống biển. Bất ngờ có một sinh vật đầu sư tử mình cá hiện lên và lập tức trời yên biển lặng. Hoàng tử quyết định đặt tên hòn đảo là Thành phố Sư tử (Singpore). Singapore được ghép từ hai chữ có nguồn gốc chữ Phạn là singa (sư tử) và putra (thành phố). Nhìn trên bản đồ, hòn đảo Singapore có hình dáng như viên kim cương được bao quanh bằng nhiều hòn đảo nhỏ khác nhau. Singapore có 63 hòn đảo lớn nhỏ.
Xa xưa, Singapore vốn là một làng chải của người Mã Lai. Năm 1861 Singapore trở thành thuộc địa của Anh. Dựa vào vị trí rất quan trọng trên đường biển nối giữa Châu Âu với Trung Quốc, người Anh đã nhanh chóng đưa Singapore trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, mặc dù có lực lượng đông hơn nhưng do không được chuẩn bị trước, nên khi quân đội Nhật tấn công, đế quốc Anh đã thất thủ và giao nộp Singapore cho phát xít Nhật vào ngày 15/2/1942. Đến tháng 9 năm 1945, phát xít Nhật thất bại, quân Anh trở lại chiếm đóng Singapore.
 Năm 1959, Singapore trở thành nhà nước tự chủ.
Bằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý, tháng 9/1963, Singapore thành một bang tự trị trong Liên bang Malaysia. Nhưng bởi những bất đồng quan điểm chính trị với Hội đồng Liên bang ở Kuala Lumpur, ngày 7/8/1965 Singapore tách ra thành quốc gia độc lập. Quốc khánh của Singapore là ngày 9/8/1965.
Khi trở thành quốc gia độc lập, Singapore đối mặt với chồng chất khó khăn: nạn thất nghiệp, thiếu nhà ở, đất đai và tài nguyên. Từ năm 1965 đến năm 1990, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng đầu tiên Lý Quang Diệu, Singpore đã từng bước vượt qua mọi khó khăn và từ năm 1991 trở đi, liên tục phát triển, sớm trở thành một Con Rồng ở Đông Nam Á. Từ khi độc lập đến nay, Singapore đã có 3 đời Thủ tướng: Lý Quang Diệu, Gô Chốc Tông và Lý Hiển Long (con trai Lý Quang Diệu).
Thuở trước diện tích của Singapore chỉ có hơn 500 cây số vuông, tương đương đảo Phú Quốc nước ta. Trong mấy chục năm qua, bằng cách lấy đất từ các ngọn đồi và đáy biển cùng với việc mua đất cát ở các nước lân cận, đến nay diện tích của Singapore đã lên tới gần 700 cây số vuông, xấp xỉ huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh). Và dự kiến đến năm 2030 diện tích của Singapore có thể sẽ lên tới 1000 cây số vuông.
Singapore không có tài nguyên. Mọi thứ nguyên liệu đều phải nhập từ bên ngoài. Nông nghiệp không phát triển, lương thực, thực phẩm - kể cả nước sinh hoạt- đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nền công nghiệp của Singapore có nhiều lĩnh vực phát triển hàng đầu thế giới: cảng biển, đóng tàu và sửa chữa tàu biển, lọc dầu, hàng điện tử, bán dẫn. Buôn bán và dịch vụ chiếm tới 40% thu nhập quốc dân.
 Singapore thực hiện chế độ đa đảng. Nói là đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, nhưng trên thực tế từ khi tuyên bố độc lập đến nay, Đảng Nhân dân hành động là đảng liên tục cầm quyền ở Singapore. Trong Quốc hội có 94 đại biểu, thì có: 82 đại biểu của Đảng Nhân dân hành động; 2 đại biểu của Đảng Công nhân; 4 đại biểu của Liên minh dân chủ; và 9 đại biểu chỉ định. Đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước là thông qua vai trò của của các lãnh tụ và các tầng lớp đảng viên của đảng đảm giữ trọng trách trong bộ máy chính quyền. Cụ thể là trong mấy chục năm qua, ai làm Thủ tướng thì người đó là Tổng thư ký của đảng cầm quyền.
Quốc kỳ Singapore có 2 màu. Nửa trên là màu đỏ, nửa dưới là màu trắng. Ở nửa trên có hình trăng lưỡi liềm và 5 ngôi sao. Người ta giải thích rằng, trăng lưỡi liềm có nghĩa biểu trưng cho một quốc gia trẻ còn đang trên đường phát triển. 5 ngôi sao nhỏ tượng trưng cho 5 lý tưởng của quốc gia Singapore: Dân chủ; Bình đẳng; Hòa bình; Phát triển; Công lý.
 Singapore có số dân hơn 5 triệu người. Người Hoa chiếm tỷ lệ 77%, người Mã Lai chiểm tỷ lệ 14%; có hơn 8% là người Ấn, Pakistan, Srilanca; còn lại là người gốc khác. Ở Singapore có nhiều nền văn hóa khác nhau như Trung Quốc, Ấn Độ, Âu, Mỹ. Nhận rõ tính ưu việt của tiếng nói và chữ viết Anh ngữ, cho nên dù người Hoa chiếm tỷ lệ đại đa số, nhưng từ khi tuyên bố độc lập, nhà nước  mà trực tiếp là Thủ tướng Lý Quang Diệu vẫn chọn chữ Anh làm chữ viết của Singapore và tiếng Anh làm ngôn ngữ chính. Người dân Singapore dùng hai thứ tiếng phổ thông là tiếng Anh và tiếng Hoa.
Người dân Singapore ở nhà chung cư của Chính phủ là 85%, ở chung cư cao cấp là 5%, ở nhà riêng là 10%.
Trong dân số chỉ có khoảng 3,5 triệu người mang quốc tịch Singapore, còn lại là người nước ngoài định cư và làm việc tại Singapore. Lao động người nước ngoài chiếm 80% trong ngành công nghiệp và 50% trong ngành công nghiệp dịch vụ.


          Đoàn ghé ăn trưa tại nhà hàng Joy Gardan sang trọng, sạch đẹp, lịch sự và ngon.
Buổi chiều ngày 30/8/2013, đoàn vào tham quan Vườn chim (Jurong Park). Gọi là vườn chim nhưng đó là một khu rừng nhiệt đới ẩm thấp khá rộng, cây cối um tùm, nhiều tầng. Tầng trên là các loại cây cao to, có nhiều cây cổ thụ. Phía dưới nhiều cây dương xỉ, cây mây, cây lá dong, cây lá nón, cây cọ, cây vạn niên thanh,… tươi tốt, đan xen vào nhau. Nghe kể, trong một lần đi thăm Hàn Quốc, Lý Quang Diệu thấy có vườn chim rất đẹp. Về nước ông cho xây dựng vườn chim. Thuở ban đầu, ông xin mỗi quốc gia một đôi chim. Từ đó phát triển dần lên đến nay trở thành một vườn chim lớn. Nơi đây là bộ sưu tập các loài chim quí hiếm với tổng số khoảng 8.000 con và hơn 600 loài khác nhau.
Vào đây chúng tôi được nhìn thấy nhiều loại chim đẹp: hạc hồng, hạc đỏ, chim cánh cụt và có rất nhiều loại vẹt. Sau khi dạo quanh một lượt trong các khu, mọi người tập trung để xem xiếc chim. Đó là một hội trường ngoài trời hình cái quạt giấy, có nhiều dãy ghế ngồi xếp theo bậc từ trên cao xuống dưới, ngồi ở chỗ nào cũng nhìn thấu rõ sân khấu được bố trí ở phần đầu quạt. Các nghệ sỹ đã đưa ra nhiều tiết mục xiếc chim thật hay, phong phú, hấp dẫn. Những con chim ưng nhào lộn qua các vòng, chim vẹt học nói tiếng người, chim công nhảy múa,…trông thật thích mắt. Phải thừa nhận rằng, các nghệ sỹ đã thật kỳ công trong việc huấn luyện chim. Vào đây mọi người đều được hòa mình vào không khí trong lành, dịu mát, êm đềm của cây cối xanh tươi, với nhiều loại hoa đẹp; được thư giãn, sảng khoái với những màn biểu diễn độc đáo, hấp dẫn của nhiều con chim nhỏ nhắn, hiền lành và xinh đẹp.
Sau khi rời vườn chim, chúng tôi đến nhận phòng nghỉ ở  khách sạn Royal tại 36 đường Niu Tơn. Chương trình buổi chiều và tối là đi tham quan tàu điện ngầm, du thuyền trên sông Singapore, tham quan Vịnh Manila, xem biểu diễn nhạc nước.
Được biết, ở Singapore đa số người tham gia giao thông đều đi tàu điện ngẩm (thường gọi MRT: Mass Rapid Tran sit) vì phạm vi hoạt động rộng, tính hiệu quả cao, việc đi lại thuận tiện và chi phí hợp lý. Hằng ngày từ 6 giờ sang đến nửa đêm, cứ sau 3 phút đến 8 phút một chuyến. Mỗi ngày có tới 2 triệu lượt người khách sử dụng tàu điện ngầm. Tại Singapore có 3 tuyến chính tàu điện ngầm với tổng số 42 ga.
 Từ mặt đất chúng tôi theo Jôn đi xuống ga tàu điện ngầm sâu dưới lòng đất, chỗ thấp nhất cách mặt đất là 120 mét. Có đặc trưng 4 không khi đi tàu điện ngầm: Không người bán vé; Không người soát vé; Không người lái tàu ; Và không có thùng rác. Bán vé, soát vé và lái tàu đều thực hiện chế độ lập trình tự động hóa. Khi mua vé, màn hình hỏi khách chọn mua vé tới ga nào và sau đó yêu cầu khách đút tiền vào máy. Khách sẽ nhận được một tấm thẻ từ giống như card điện thoại. Khách dùng thẻ đó đi qua cửa kiểm soát ở ga đi và cửa kiểm soát ở ga đến. Khu vực tàu điện ngầm không có thùng rác thực ra là vì lý do an ninh.
Đã tính trước, đoàn chúng tôi lựa chọn đi tàu điện ngầm đoạn mới làm dài 3 cây số thuộc loại hiện đại nhất. Khi tàu dừng hẳn, cửa tự động mở, hành khách lên xuống. Chúng tôi vừa kịp ngồi vào ghế, tàu lập tức lao đi. Tôi hỏi, Jôn trả lời là tàu chạy với vn tốc hơn 300 cây số/giờ. Ngồi trong toa tàu tôi chẳng nhìn ra ngoài được, chỉ nghe tiếng rít và trong vài phút đã đi hết quãng đường 3 cây số.Thời gian đi tàu thì rất ngắn, nhưng thời gian đi lại trên các tầng hầm lâu hơn nhiều, qua nhiều tầng, nhiều lối rẽ, tựa như mê cung dưới lòng đất, rất dễ bị lạc.
Từ ga tàu điện ngầm chúng tôi lên mặt đất và đi ra phía bờ sông để du thuyền trên sông Singapore. Thuyền nhẹ trôi trên mặt nước dịu êm không một gn sóng. Nhìn sang hai bên bờ là những trung tâm tài chính, ngân hàng. Đó là những tòa nhà đồ sộ, chọc trời, nguy nga với nhiều kiểu dáng kiến trúc đẹp, đa dạng, được tôn lên bởi ánh điện nhiều màu lung linh, lấp lánh. Tất cả cảnh vật soi bóng xuống dòng sông trông tuyệt đẹp, kỳ ảo. Trên thuyền chiếu bộ phim tái hiện lịch sử Singapore từ một làng chài thuộc Mã Lai năm 1842, đến năm 1965 tuyên bố độc lập, và sự phát triển ngày nay.
Thuyền cập bến vào vịnh Manila. Chúng tôi lên bờ bước vào khu quần thể hỗn hợp Manila Bay Sands giữa khung cảnh vô cùng hoành tráng, đồ sộ: một khách sạn 55 tầng, với 2.560 phòng, hàng trăm nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, rạp hát, trung tâm hội nghị; một casino siêu hiện đại. Đặc biệt là bể bơi có hình dáng như một con tàu du lịch khổng lồ lừng lững chơi vơi giữa trời. Bể bơi vắt qua đỉnh tháp của ba tòa nhà cao ốc. Đây là bể bơi cao nhất thế giới - bể bơi Vô Cực - nằm trên tầng 57, rộng 1 héc ta, dài 151 mét vắt qua đỉnh tháp của ba tòa nhà. Nơi đây còn gọi là Sky Park, có nghĩa là Công viên bầu trời. Thật ấn tượng, đầy cảm hứng kỳ vĩ độc đáo và cũng cảm thấy “ghê, ghê, choáng ngợp” khi ngước lên trông thấy khoảng cách đua ra rất xa (nghe nói là hơn 60 mét) từ chỗ gối vào các đỉnh tòa nhà tới mép ngoài bể bơi hình dáng con tàu. Việc thi công thật tài nghệ.
Từ trong nhà hàng, đoàn chúng tôi đi ra bãi biển cùng với hàng mấy trăm con người tập trung trên bờ vịnh Manila để xem biểu diễn nhạc nước (Songs of the Sea). Ánh đèn lade nhiều sắc màu rực rỡ, lung linh chiểu sáng với những tia nước, hình ảnh và âm thanh sống động. Câu chuyện mô tả về sự sinh ra, phát triển, trưởng thành của một cậu bé. Đó là sự mô phỏng tượng trưng cho đất nước Singapore.
Xem nhạc nước khoảng nửa tiếng, chúng tôi vào tham quan sòng bạc casino mới xây dựng. Từ trên cao nhìn xuống khu đánh bạc rộng mênh mông, được chia ra từng phòng đánh bạc. Casino có 4 tầng, rộng 15.000 m2, với 600 bàn chơi và hơn 1.500 máy đánh bạc. Đây là sòng bạc lớn nhất thế giới, nghe nói, có sức chứa được 10.000 người. Khác với các sòng bạc mà tôi đã đến xem, ở đây khách tham quan không được vào trực tiếp tận bàn đánh bạc, mà chỉ nhìn từ trên cao xuống.
Chúng tôi đi đến đâu, đứng ở nơi nào trong thành phố Singapore đều nhìn thấy bể bơi hình con tàu lừng lừng giữa nền trời xanh. Kế đó là vòng đu quay (Singapore Flyer) - vòng đu quay lớn nhất thế giới, ở độ cao 165 mét - ( vòng đu quay ở Anh cao 162 mét), với 28 ca bin chở khách. Mỗi ca bin có kích cỡ tương đương một chiếc xe buýt. Đoàn chúng tôi không có chương trình lên vòng đu quay. Tôi được một người bạn có con trai đang làm việc ở Sing kể rằng, lần sang thăm được con đưa đi đu quay thích lắm. Ngồi trên đó có thể thả hồn bay bổng, phóng tầm mắt nhìn được cảnh vật tuyệt đẹp của của vịnh Manila, những tòa nhà chọc trời và màu xanh của khu vườn năng lượng (Gardens by the Bay)
Sáng ngày 31/8/2013, đoàn đến tham quan khu vườn năng lượng sinh thái rộng lớn, với vẻ đẹp kỳ thú lạ thường. Nằm giữa trung tâm là 18 cây năng lượng khổng lồ thẳng đứng có chiều cao khoảng 50 mét, tạo bóng mát là những cây giây leo, cây phong lan,…Nghe giới thiệu rằng, vườn cây năng lượng này mới được khánh thành vào tháng 7/2012; trên các thân cây khổng lồ là những tế bào quang điện, tích năng lượng từ  ánh nắng mặt trời nhằm phục vụ cho việc chiếu sáng, ngoài ra nó còn lưu giữ được nước mưa để phục vụ cho việc tưới cây.
Trong lòng đất dưới khu vườn năng lượng là các lò xử lý rác. Chúng tôi vào tham quan nghe giới thiệu qui trình xử lý rác thải rất hiện đại. Mỗi lò xử lý rác thải như thế có thể tạo ra năng lượng tương đương 5 triệu lít xăng, đủ điện phục vụ sinh hoạt cho khoảng 4,500 hộ dân.
Rời khu vườn năng lượng, chúng tôi tham quan Công viên Sư tử biển (Merlion Park). Đây là điểm tham quan hấp dẫn của Singapore. Dưới trời nắng chói chang, từ bờ nhìn ra biển xanh, thấy tượng đầu Sư tử, mình cá đang cưỡi trên sóng, thật kỳ vĩ. Được biết, tượng sư tử có chiều cao 8,6 mét và nặng 70 tấn.
Chiều 31/8/2013, đoàn chúng tôi đi sang đảo Sentosa. Trên đảo này, chúng tôi đã vào tham quan Bảo tàng Sáp (Wax Museum). Khi đặt chân đến bảo tàng,  mọi người được mời vào phòng chiếu phim. Đó là căn phòng khá hẹp, bài trí đơn giản, kiến trúc mộc mạc, nhưng ngồi vào mọi người đều cảm thấy ấm cúng. Mở đầu phim là giới thiệu ảnh chân dung 4 người đàn ông đại diện cho 4 sắc tộc đang sinh sống tại Singapore: Người Hoa, người Mã Lai, người Hồi giáo và người Anh. Bốn nhân vật lần lượt kể về sự khởi đầu hình thành và phát triển của dân tộc mình theo tiến trình lịch sử đất nước Singapore. Minh họa cho chuyện kể của các nhân vật là một bộ phim hoạt hình ngắn tái hiện truyền thuyết về chàng Hoàng tử SangNila Utama- người có công phát hiện và khai phá đảo quốc sư tử. Bằng kỹ xảo điện ảnh phối hợp âm thanh, hình ảnh và ánh sáng, các câu chuyện của các nhân vật thật hấp dẫn, thu hút sự chú ý, tạo cho mọi người có được những hiểu biết cần thiết trước khi vào tham quan bảo tàng.
Ở các bảo tàng thông thường thì bên cạnh mọi hiện vật đều có những hướng dẫn viên tay cầm que chỉ, qua micro thuyết minh thuộc lòng các nội dung đã soạn sẵn. Nhưng ở đây khi bước chân vào bảo tàng chỉ có cây cối tốt tươi và những âm thanh tự nhiên của sông suối, núi rừng, tiếng chim kêu, vượn hú, hổ gầm…Thoạt đầu, mọi người có cảm giác như đang lạc vào một khu rừng nhiệt đới hoang vắng. Khi bước vào từng khu trưng bày, điều hấp dẫn là những bức tượng có hình dáng, kích cỡ, màu sắc, trang phục giống y như người thật. Toàn bộ các gian trưng bày tái hiện lại một cách sinh động nét sinh hoạt văn hóa đời thường diễn ra qua các thời kỳ lịch sử của từng dân tộc trên quốc đảo. Đáng chú ý là, trong bảo tàng này không có tranh ảnh của các lãnh tụ, chính khách, nhà khoa học có tên tuổi; cũng không phản ảnh những vấn đề to tát, hệ trọng, cao siêu. Ở đây chỉ tập trung phản ảnh sinh hoạt cụ thể đời sống kinh tế, văn hóa cùng các tập tục, lễ nghi của những người dân bình dị thuộc các dân tộc sinh sống ở Singapore. Mà thực ra trong những nội dung bình dị ấy ẩn chứa chiều sâu nội dung nhân văn phong phú, sâu sắc.
Buổi tối, đoàn tập trung ở bãi biển để thưởng thức tiết mục nhạc nước “SONGS OF THE SEA”. Đó là một hội trường ngoài trời trên bãi cát với những dãy ghế dài làm bằng chất liệu bê tông lát gỗ được xếp từ trên cao ra sát mép biển. Ước chừng hội trường này có sức chứa đến hàng nghìn người. Sân khấu là trên bãi cát và trên mặt nước biển ven bờ. Đúng 7 giờ tối buổi biểu diễn bắt đầu. Hình ảnh đầu tiên là ở một làng chài, xuất hiện 5 ngươi thanh niên nam nữ nhảy múa. Đầu tiên người thanh niên tên Lee cất cao tiếng hát. Hình ảnh một con cá và một con sư tử biển hiện lên. Sư tử hô rằng hãy hát to lên nữa đi. Cả tốp thanh niên 7 người (3 nữ, 4 nam) cùng nhảy múa ca hát với lời ca là hãy đoàn kết bên nhau, tình yêu và vươn lên trong cuộc sống. Lee là chàng trai đi tiên phong biết đánh thức tiềm năng con người, đất, đồi núi và biển giúp Singapore phát triển không ngừng. Tiết mục biểu diễn độc đáo ca hát nhảy múa trên nền nhạc cổ điển xen lẫn hiện đại với các tia Laser làm lấp lánh, lung linh muôn vàn tia nước. Thêm vào đó là các loại pháo hoa bắn lên tỏa ánh sánh rực rỡ muôn màu tuyệt đẹp. Khung cảnh đẹp đẽ, rộn ràng đã tạo nên sự hấp dẫn thích thú đối với mọi khản giả. Cậu Nam hướng dẫn viên du lịch nói với tôi rằng, hình thức biểu diễn nhạc nước đã có từ 20 năm nay, nhưng nội dung ca từ của bài hát thì vẫn giữ nguyên, không hề thay đổi.

Singapore là một quốc gia phát triển. Nơi đây là trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại của thế giới. Cảng biển ở đây bận rộn nhất thế giới. Thêm vào đó, du lịch, y tế, giáo dục là những thế mạnh của Singapore. Một đất nước chỉ có 5 triệu dân, diện tích chỉ tương đương huyện Cần Giờ (thành phố Hồ chí Minh) mà hàng năm Singapore đón hơn 15 triệu lượt khách nước ngoài du lịch. Như vậy là cứ 1 người dân đón 3 khách du lịch. Trong khi nước ta có 90 triệu dân mà hàng năm chỉ có 6 triệu lượt khách du lịch nước ngoài. Đất nước Singapore giàu tương phản, đa mầu sắc, có sự hài hòa giữa sự phát triển kinh tế và văn hóa. Khách du lịch thập phương đến Singapore được chiêm ngưỡng những cảnh quan và công trình độc đáo. So với các nước, ở đây có nhiều cái làm sau nhưng đều thuộc loại độc đáo. Cùng với tham quan vãn cảnh, khách du lịch đến đây còn có dịp mua sắm nhiều thứ hàng hóa đắt tiền. Ở Sing, kỹ nghệ chế tác kim cương thuộc loại nhất thế giới.
Singapore là thành phố xanh - sạch- đẹp, văn minh, vệ sinh và an ninh đứng hàng đầu thế giới. Được biết, nhà nước Singapore dành ra 38%  đất để trồng cây xanh. Ở đây có qui định khi trồng cây là phải chọn những loại cây ít rụng lá. Rồi nữa, nghe nói nhà nước có luật cấm cho chim ăn. Vì không cho ăn buộc chim phải đi bắt sâu kiếm ăn.
Ở Singapore kỷ cương phép nước nghiêm minh. Tàng trữ vũ khí, bắt cóc trẻ em là các tội danh bị khép vào hình phạt tử hình. Được biết, trong luật pháp hiện hành ở đây có hình phạt đánh tội phạm bằng roi mây. Hình phạt này có từ xa xưa, nhưng đến nay vẫn còn duy trì để trừng phạt tội phạm, kể cả đối với tội tham nhũng. Nói đến hình phạt này, mọi người dễ liên tưởng đến việc xử án của Bao Công - vị quan thiết diện vô tư, công chính nghiêm minh của đời nhà Tống bên Trung Quốc.
Hàng năm số người nước ngoài đến Sing chữa bệnh, nhất là những căn bệnh nan y, với số lượng rất đông. Nghe nói, tốn kém lắm nhưng có bệnh thì vái tứ phương, mà Sing là một địa chỉ rất đáng tin cậy.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo có chất lượng  cao, nhiều trường đại học của Singapore đạt tầm quốc tế, nên số lượng du học sinh nước ngoài du học với số lượng lớn. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có điều kiện thuận lợi trong việc tìm việc làm thuộc các ngành kinh tế quốc dân ở Singapore.

Đêm 31/8/2013, theo hẹn, có đứa cháu con trai của một người bạn đến chơi thăm vợ chồng tôi ở khách sạn. Cháu sang du học và khi tốt nghiệp làm việc tại một công ty của Singapore. Cháu kể cho chúng tôi nghe về công việc, đời sống sinh hoạt ở Sing, chia sẻ các mối quan tâm và trao đổi những dự định của cháu trong thời gian tới. Chúng tôi thật mừng về sự thành đạt của cháu.
Sáng 1/9/2013, đoàn ra sân bay Singapore để về nước. Quang cảnh vào sân bay thật đẹp. Đường phẳng lỳ, hai bên là những hàng cây xanh và hoa, chỉ có ô tô đi lại với tốc độ cao .
Đoàn chúng tôi kết thúc chuyến du lịch 7 ngày 6 đêm. Mọi người bình an khỏe mạnh về đến Hà Nội lúc hơn 5 giờ chiều, sau một chặng đường bay hơn 2 tiếng đồng hồ.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nếu không đồng yếu tố. Nhưng bao giờ và ở đâu cũng vậy, khập khiễng lại chính là giá trị đích thực của mọi sự so sánh. Từ một làng chài bé nhỏ, dân số ít ỏi, tài nguyên nghèo nàn, cảnh quan thiên nhiên không có gì đặc sắc, vốn là thuộc địa của nước ngoài, thế mà hơn 40 năm kể từ ngày độc lập đến nay, Singapore đã vươn mình với tốc độ phát triển thần kỳ, trở thành một Con Rồng ở Đông Nam Á, là tâm điểm chú ý của nhiều quốc gia. Theo đánh giá gần đây (tháng 6/2013) của Quĩ Tiền tệ quốc tế (IFM), thì Singapore là nước đứng đầu trong mười nước giàu có nhất thế giới, bao gồm: Singapore, Canada, Đan Mạch, Thụy Điển, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Úc, Thụy Sỹ, Qatar, Na Uy và Lucxembourg.
Đi, nhìn, nghe, đọc, hỏi, suy ngẫm và ghi lại đôi điều qua chuyến lữ hành sang xứ người du lịch - Tôi coi đây là một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong đời.


                               Mỹ Đình, những ngày rét ngọt năm Quí Tỵ.

                                                          N M Đ












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét