Menu ngang

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

SỰ LAN TỎA GÓP PHẦN NHỎ NHOI
TRONG VIỆC KẾT NỐI CỰU CƯ DÂN
 1A, HOÀNG VĂN THỤ
                                                                              N M Đ

Sự thực thì, sau khi nhận lời comment của chị em cô Ngô Kim Thái, Ngô Thanh Thủy, trong một đêm tôi ngồi viết một mạch bài 1A Hoàng Văn Thụ - Một thời để nhớ. Cũng chẳng có gì to tát. Tôi chỉ viết, chỉ kể lại những điều mình biết và thỉnh thoảng có “ bình” theo cảm nghĩ của mình về một vài việc. Tư liệu chẳng có gì, chỉ được “rút ra” từ bộ nhớ, từ hồi ức lõm bõm của ông già “ khốt” U 70, đã rời xa 1A 25 năm trời, kể về những con người, sự kiện đã xẩy ra trên dưới 40 năm, nên khó bề đầy đủ, chính xác. Khi đặt bút viết, tôi sợ mình không nhớ nổi. Nhưng rồi, hồi tưởng lại, hình ảnh bao nhiêu con người, sự việc cứ ập ùa tràn về. Lòng tôi lâng lâng cảm xúc. Tay tôi gõ bàn phím không kịp, viết lèo một hơi được hơn 5000 từ, gửi ngay cho cô Thanh Thủy mà chưa kịp đẽo gọt, chỉnh sửa. 

Khi viết, tôi quan niệm: Đây chỉ là một lát cắt nhỏ, một phác thảo thô, một góc nhìn hạn hẹp chứ không thể cả gan dựng lên một bức tranh toàn cảnh về lịch sử một “làng quân nhân” đã bị xóa sổ trên bản đồ “ Phố Nhà Binh”.

Vậy mà, tôi thật bất ngờ, cảm động! Sau khi gửi cho cô Ngô Thanh Thủy và đăng lên trang Nguyễn Mạnh Đẩu Blog, thì chỉ trong vòng hơn 1 ngày có tới hàng trăm người đọc. Và trên Facebook Mạnh Đẩu Nguyễn, có nhiều người kết nối, sẻ chia, bình luận khá sâu sắc. Trong số đó, có người tôi biết, có người tôi không biết hoặc không nhớ; cũng có nhiều người biết tôi loáng thoáng, có người không hề biết…Đúng quá ! Ngần ấy năm trời, đời còn bao nhiêu việc phải làm, phải quan tâm. Ai mà nhớ nổi, một cậu sĩ quan cấp úy đen đúa, gầy gò, ngày nối ngày cắm đầu đạp chiếc xe cà tàng đi làm, đi đón con, đi chợ…Tùy theo mục đích, khi vào ra cổng 1A, khi vào ra cổng 18 Hoàng Diệu. Trong số bạn đọc chia sẻ, luận bình, có người xới lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Cô Lê Kiều Dung con gái ông Lê Phi Long gửi cho tôi tấm ảnh của đại gia đình. Nhìn ông Phi Long một thời oanh liệt ở chiến trường, xông xáo trên nhiều phương diện, là cầu thủ Tennis ở sân CLB Quân đội, nay đã một cụ già ngót 90 tuổi ngồi trên xe lăn giữa một đại gia đình đông đủ con cái dâu rể cháu chắt. Kiều Dung nói, cô sẽ đọc cho ông Phi Long nghe bài đó. Cô Lê Oanh con gái ông Lê Thu thì hồi tưởng kể lại chuyện nhà bị cháy, khi bố đang nằm viện, mấy mẹ con hoảng hốt. May có bà con lối xóm xúm vào dùng nước dập lửa kịp thời nên thiệt hại chỉ là hai cái đệm lò xo. Cô Thi xinh tươi, mới ngoài 20 tuổi khi chú Tín mất. Một mình nuôi 2 con ăn học, đến nay, con thứ hai đã học đại học. Hơn thế, cô Thi đã là bà nội. Cũng qua FB, tôi biết được bà Hường mới mất hơn 20 ngày, hưởng thọ 90 tuổi; chú Lực thương binh - cái ông Cử nhân kinh tế vui nhộn, không viết hết một cái bút bi trong mấy tháng - thì nay đã là một ông gìa 63 tuổi, sức khỏe rất yếu, gia cảnh khó khăn. Cũng qua FB, tôi mới biết ông Nguyễn Thục Phán mới mất. Tôi nhớ ông Phán sinh năm 1926. Vậy là ông hưởng thọ 90 tuổi. Ông Phán là người giữ vai tổ chức ( MC ) và tặng thơ đám cưới vợ chồng tôi từ 42 năm trước. Bài thơ đó theo tôi ngần ấy năm trời. Tôi được biết, với khả năng trí tuệ phong phú, thông minh, lối dẫn chuyện lưu loát, dí dỏm, truyền cảm, ông Phán được mời đóng vai trò tổ chức, giữ nhịp trong lễ thành hôn nhiều cặp vợ chồng trong rất nhiều năm. Trong đó, có ông Đặng Văn Thịnh, bà Vũ Thị Thịnh, rồi con của ông bà Thịnh. Có lần tôi nói: Chú ạ! Chú cố sống để chủ trì tổ chức Lễ thành hôn cho cháu nội ông bà Thịnh nữa cho trọn 3 đời. Ông Phán nhoẻn miệng cười, cầm tay tôi mà nói, chẳng biết điều đó có được không, cháu ạ. 

Và qua FB, còn nhiều người với nhiều chuyện khác nữa…

Viết đến đây, tôi sực nhớ đến một câu nổi tiếng của một Triết gia người Pháp: “ Có thể đưa một con người ra khỏi quê hương. Nhưng không thể đưa quê hương ra khỏi trái tim, khối óc một con người”. Cố Nhà thơ tài danh Chế Lan Viên có câu thơ cực sâu sắc, được rất nhiều người thuộc: “ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”.

Thật đúng! Trong trái tim, khối óc của nhiều thế hệ, không bao giờ quên 1A, Hoàng Văn Thụ. Đó là nơi neo đậu tâm hồn và tình cảm trong ký ức của bao người. Mỗi cư dân 1A chúng ta có quyền tự hào: Về 1A địa linh, sinh nhiều nhân kiệt - Về 1A cái nôi, cái vươn ươm đầu đời, là kỷ niệm một thời xuân trẻ. Và hơn thế, nhớ về 1A, dù trải qua một thời gian khó, nhưng trong cuộc sống đầy ắp, sâu nặng, ấm áp tình người . Tôi tin rằng: Khi gặp nhau trên mạng hoặc ngoài đời trên mọi phương trời, bất cứ là ai, hễ là dân 1A đều coi nhau là “đồng hương” thân thiết!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét