KỶ NIÊM HOA TÓC TIÊN
"Tôi viết bài này khi đến thăm anh bị trọng bệnh, là bác sĩ anh bảo:" Nếu giữ giỏi, tao còn sống được 18 tháng nữa." Nghe sốc quá, về viết ngay trong đêm hôm sau mang đến đưa anh đọc, tôi thấy anh vui khi nhắc lại một thời về người lính ra trận".
Tác giả : Khắc Việt
Một người bạn Sài Gòn gọi điện cho tôi, nhắn:” Nghe tin Phước Hòa ốm, mày đến thăm nó xem sao!”. Buông điện thoại, tôi nhớ đến Hoa Tóc Tiên, loài hoa tôi chưa biết nhiều về nó.
Hoa Tóc Tiên, tên của bài hát tôi được nghe chỉ một lần ở Quảng Trị, khi hai thằng bạn Trỗi K7 chúng tôi gặp nhau. Sau hiệp định Pa Ri, đơn vị được lệnh chuyển vào Phong Điền, Thừa Thiên. Bàn giao chốt cho các đơn vị của tỉnh đội Quảng Trị, chúng tôi đi theo đường 15N, con đường nhánh nhỏ của hệ thống đường Trường Sơn theo trục Bắc Nam, chạy sát vùng giữa ta và địch. Đường nhỏ hẹp, nhiều đoạn chỉ vừa một chiều xe đi, len qua phần đồi núi thấp phía đông Trường Sơn, ít đèo dốc hơn nhưng gần địch nên trên đường vào thỉnh thoảng vẫn gặp lính ta ở các đơn vị đang chốt giữ vùng giáp ranh.
Vượt qua con đèo dài, tới thung lũng Ba Lòng rất sớm, khi nắng chiều còn gắt. Đơn vị nghỉ lại ở dải rừng thưa bên một dòng sông. Mới vào mùa khô nước sông còn nhiều, dòng chảy hiền hòa, trong xanh. Khúc sông này ở Thành cổ gọi Thạch Hãn còn trên rừng dòng nhỏ hơn, hai bên bờ có nhiều đá mồ côi, nhìn nó như một con suối lớn có tên Ba Lòng. Mắc võng sát bờ sông, tôi nhìn nhánh Trúc Đào vươn cành là là mặt nước, lại nhớ bóng liễu rủ bên hồ Gươm Hà Nội. Xa nhà mới tám tháng mà sao bỗng hôm nay nhớ quá…
Đang miên man về Hà Nội, chợt thấy một người lính lang thang dọc bờ sông, dáng nhàn nhã như đi dạo. Người lính lạ đến gần, tôi nhận ra Phước Hòa, thật khó tin! Tôi nghĩ: mình đã rất may mắn mới gặp được bạn Trỗi ở đất Quảng Trị này. Nghe tôi gọi, bạn cũng tròn mắt ngỡ ngàng.
Chúng tôi ngồi ngay mép nước bên bụi Trúc Đào trò chuyện. Dòng sông xanh mát như dòng Li Giang bên Trung Quốc ngày bé chúng tôi vẫn thường ra tắm mỗi chiều. Bao chuyện của Trỗi những ngày Quế Lâm, Trung Hà như vừa mới hôm qua. . . chuyện về các bạn mình, nghe nói lính Trỗi vừa rồi vào Quảng Trị nhiều lắm, khóa nào cũng có nhưng chúng tôi chẳng hề biết tin tức về nhau. Hồi tháng 9/72 tôi gặp Mạnh Thắng ở Quảng Bình trên đường hành quân, rồi mỗi thằng mỗi ngả. Đến Bãi Hà gặp Sĩ Luyện bị thương, tay băng trắng trên đường ra viện, Luyện báo tin Y Hòa hy sinh ở Tích Tường Như lệ, thật buồn! Không biết ai còn, ai mất trong lính Trỗi chúng tôi sau một mùa hè đỏ lửa, Quảng Trị..
Phươc Hòa mới vào Quảng Trị được ít hôm, thấy sông nước miền Trung lạ và đẹp, lang thang ngắm cảnh không ngờ lại gặp tôi. Lúc này mới biết bạn là lính cao xạ 37 li bảo vệ ga Thị Long ở Thanh Hóa, tháng 12/72 đơn vị kéo ra bảo vệ Hà Nội. Sau trận đánh B52 ở Hà Nội, được về phép vài ngày, bạn lại cùng trung đoàn vào gấp Quảng Trị. Trung đoàn 223 cao xạ của Phước Hòa nhập vào mặt trận B5 (Trung đoàn có nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm). Lính cao xạ có khác, chỉ vài ngày đã có mặt ở Quảng Trị, còn chúng tôi đi bộ rạc cẳng, mấy tháng trời mới vào tới nơi. Bởi thế gặp nhau là tôi hỏi Phước Hòa nhiều chuyện về Hà Nội, về Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ… bị B52 rải thảm thế nào, trong này chúng tôi nghe tang thương lắm. Chuyện những người bạn cũ ở Hà Nội giờ ra sao (?) v.v… Vẫn nhớ Phước Hòa có người bạn gái cùng lớp xinh lắm. Tôi gặp một lần khi bạn và cô ấy đến chào mấy người bạn Trỗi trước ngày đi lính. Khi hỏi Phước Hòa chuyện xưa, bạn lặng im không nói… Không khí như trầm lại, tôi biết mình đã lỡ, nhưng sao lại thế? Lính Trỗi vốn “nhát” gái, nhưng khi yêu thì chân thành sâu sắc và tôi hiểu bạn sẽ buồn nhiều khi tình yêu tan vỡ. Ngày ấy đám Trỗi nhìn họ thật ngưỡng mộ, khao khát những tưởng rằng Phước Hòa sẽ là thằng hạnh phúc nhất. Mối tình đẹp vậy! Không lẽ ngắn ngủi thế sao? Nghĩ thế thôi, tôi không dám hỏi gì thêm nữa.
Phước Hòa lặng lẽ bứt từng lá trúc đào thả xuống lòng sông, lá dập dềnh trôi theo làn nước, xa mãi. Chợt bạn quay sang hỏi:
- Đơn vị có đàn không?
Thật may, đơn vị có nhiều anh em Hà Nội, nhiều người biết ghi ta, trình độ chỉ bập bùng “cơm nguội “ nhưng đàn lúc nào cũng có.
Chỉnh lướt dây đàn cho đúng lại, bạn hát. Tôi nhìn ra phía dòng sông lắng nghe từng lời hát. Giọng trầm buồn cùng âm thanh của cây đàn gỗ lan toa trên mặt sông lấp lánh trong nắng chiều, len giữa rừng thưa đến từng cánh võng. Anh em trong đơn vị ngồi cả dậy, lặng nghe. Bài hát lạ, tôi chưa từng nghe, nhưng buồn làm sao, cái buồn của người lính nơi xa, của mất mát, lời hát không trách cứ ai nhưng âm thầm cô quạnh, day dứt…
…Dù rằng đến cuối đời, bên khói hương lúc khóc người yêu tôi, tôi đã yêu suốt một thời …
Ngưng hát, Phước Hòa kể cho tôi nghe về Hoa Tóc Tiên _ Tên bài hát. Loài hoa chỉ nở khi đến mùa giông bão, có người gọi là Hoa Báo Vũ, loài hoa đẹp nhưng yếu ớt mong manh như tình yêu trong chiến tranh vậy.
Một người, rồi hai người trong đơn vị tôi lặng lẽ đến, lấy cớ mượn cái điếu, hút xong rồi ngồi cả lại, lính Hà Nội với nhau cả mà. Biết mọi người muốn nghe Phước Hòa hát, tôi nhìn bạn thỉnh cầu khích lệ. Chiều ý mọi người, Phước Hòa lại hát. Tiếng hát, tiếng rít thuốc lào của đám lính trẻ vọng lan cả cánh rừng suốt đến chiều tối. Bài hát chia tay, Phước Hòa hát có tên “ Gặp nắng trên đường mùa đông ”, cũng là một bài hát của bạn, mới viết sau ngày Hà Nội ngừng tiếng bom, sau một mối tình tan vỡ, viết trên đường hành quân vào Quảng Trị.
Đêm ấy tôi thao thức không sao ngủ được, vui được gặp bạn, buồn vì chuyện bạn... lặng nghe dòng sông chảy, tôi cứ miên man nghĩ về những người bạn lính của mình. Người vừa ngã xuống khi chưa tròn 18, người bị thương bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trận đẫm máu và hôm nay một người bạn nữa, tiếp tục lên đường vào mặt trận vẫn mang theo nỗi đau mất mát của mối tình đầu. Hoa Tóc Tiên ấy, sao lại có nó nhỉ? Hoa đẹp! Nhưng thứ Hoa này không phải dành cho lính?
Tôi bỗng nhớ câu thơ của ai đó:
Chiến tranh là chồng chồng nỗi đau se thắt. Nỗi đau làm ta đông cứng khi ngoải nhìn, nhớ lại...
Tôi tin bạn mình, người lính sẽ vượt qua được nỗi đau này. Bài hát cuối cùng lúc chia tay “ Gặp nắng trên đường mùa đông” ấy, tôi đã lờ mờ nhận ra, dù còn buồn nhưng mạnh mẽ làm sao. Năm đó mùa đông lạnh lắm, phải chăng cái nắng từ phương Nam đang sưởi ấm trái tim người đồng đội của tôi trên đường tiến ra mặt trận (?)
Sau lần ấy, chúng tôi không còn gặp lại, nhưng tôi và Phước Hòa vẫn bên nhau trong các trận đánh ở Phong Sơn, sông Bồ trong chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng năm 1975. Ngày đánh trận Phổ Lại, đơn vị tôi được tăng cường một đại đội cao xạ 37li. Lính cao xạ hạ nòng cùng bộ binh đánh các điểm cao, khi có máy bay họ lại nổ súng bảo vệ chúng tôi. Trong một tình huống buộc phải nổ súng, khi trên đầu chúng tôi đang có máy bay trinh sát OV10 của địch. Trận địa bị lộ, pháo khói chỉ điểm vừa bắn vào trận địa đã thấy chiếc A37 bổ nhào xuống trận địa. Loạt bom đầu chúng tôi chỉ kịp lao vào hầm. Máy bay lượn lên chuẩn bị cho đợt bổ nhào tiếp theo, được lệnh rời trận địa, chúng tôi chạy thật nhanh, càng xa trận địa càng tốt. Khi chạy, tôi nghe những tiếng nổ đầu nòng rộ lên “thùng thùng” xung quanh dưới mặt đất, trên trời ran dài những tiếng “lục bục”, tôi biết cao xạ mình lên tiếng. Chiếc A37 không dám xà xuống nữa, cắt loạt bom vu vơ rồi bỏ đi. Hết máy bay chạy trở lại, trận địa còn nguyên vẹn, bom địch bị hất ra xa. Cảm ơn lính cao xạ…
Khi nghe Phước Hòa kể chuyện vượt sông Bồ vào Huế, mới biết bạn ở chính cái đơn vị tăng cường cho chúng tôi ngày đó, vậy mà không hề gặp mặt.
Hôm nay đến thăm bạn, ngồi trong căn hộ bình dị của Phước Hòa, hai đứa lật trở về quá khứ, nhớ lại những ngày ở Trị Thiên mà bồi hồi xúc động. Lại chuyện Quế lâm-Hưng Hóa, lại chuyện Thạch Hãn-Sông Bồ, ký ức cứ nối dài. Chuyện Hoa Tóc Tiên, nỗi đau riêng của người lính chẳng đáng gì với những người đã ngã xuống hôm qua, với những bà mẹ mấy chục năm nay vẫn ra cổng làng ngóng con về và hàng triệu những đóa hoa tươi ngày chiến thắng không có người nhận. Trên bàn làm việc là tấm hình Hoa Tóc Tiên của bạn chụp, thật đẹp vẫn thấy màu tím trong sắc hoa, vậy mà đã có lúc chúng tôi không tin có nó…
Câu chuyện nhỏ về Phước Hòa cũng là một trong những nỗi buồn chiến tranh mà người lính phải lãnh nhận, gánh chịu. Bạn tôi đã vượt qua được hoàn cảnh để tiếp tục lên đường vào mặt trận, bi quá nhưng cũng là thường như bao người lính trận khác. Tôi đã đọc nhiều câu chuyện về chiến tranh, chưa thấy ai viết về lính thất tình ra trận như bạn tôi ngày ấy. Phải chăng khi đó người ta không muốn làm nản lòng chiến sĩ...
Chuyện cũ đã qua lâu rồi. Bên Phước Hòa hôm nay là một gia đình hạnh phúc, là người vợ rất yêu lính và hai đứa con trưởng thành, năng động. Thăm gia đình Phước Hòa cũng là thăm hai người bạn cũ, Vợ Phước Hòa, Tân Hương vốn là bạn cùng lớp phổ thông với tôi. Chúc hai bạn thêm sức khỏe và hạnh phúc, sớm có cháu nội, ngoại để vui vầy bên chúng, để còn kể cho chúng nghe về Hoa Tóc Tiên xưa và nay.
(Quảng Trị 3/1973_Hà Nội 20/12/2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét