Menu ngang

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

CHUYỆN NGƯỜI 1A HOÀNG VĂN THỤ

                        BÀ HỒ THỊ BI
                                                    N M Đ
Hồi ở 1A Hoàng Văn Thụ, bà Hồ Thị Bi là Phó phòng Hậu phương Cục Chính sách TCCT. Từ nhỏ và khi chiến đấu ở chiến trường, tôi đã nghe kể về bà. Tên thật bà là Hồ Thị Hoa, sinh năm 1916 tại Hóc Môn ( Gia Định ). Trên chiến trường Nam Bộ, bà là nữ chỉ huy quân sự đầu tiên có nhiều chiến công trong kháng chiến chống Pháp. Chuyện kể rằng, lúc đã là Tiểu đoàn phó chỉ huy chiến đấu, nhưng bà mới biết chữ. Trong mọi chỉ thị, mệnh lệnh bà đều ký chữ BI nhưng do mới tập viết, chữ nguệch ngoạc 3 nét, người đọc cứ ngỡ là ký hiệu của bà là 131. Và tên gọi Madame 131, hoặc Capitaine 131 cũng ra đời từ đó. Trong chiến đấu, nữ chỉ huy quân sự cấp Tiểu đoàn hồi dó là to và quý hiếm. Nghe nói, ở chiến trường có lúc bà ngồi trên lưng ngựa, súng lục dắt hông, oách lắm. Tên tuổi bà được nhiều người biết với sự khâm phục, ngưỡng mộ. Cán bộ cấp dưới của bà sau này nhiều người là sĩ quan cấp Tướng. Năm 1953, bà ra Việt Bắc, lần đầu tiên gặp Bác Hồ, được Bác Hồ gọi là Nữ Kiệt Miền Đông. 

Khi thực hiện chế độ quân hàm, bà là nữ sĩ quan cấp bậc Đại úy đầu tiên của QĐNDVN. Bà còn là Đại biểu Quốc hội khóa 2, khóa 3. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà có công lớn trong công tác chính sách hậu phương quân đội: chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ; tổ chức quản lý và thực hiện chính sách đối với gia đình có quân nhân đi chiến đấu ở các chiến trường B,C,K. Do vị thế, uy tín, sự thông minh, quyết đoán, nhân cách trong sáng, tình cảm chân thành, mối quan hệ sâu rộng với các cơ quan hữu quan trong, ngoài quân đội và các địa phương, bà Hồ Thị Bi đã giải quyết được rất nhiều vấn đề chính sách thiết thực, hữu ích. 
Đầu tháng 12 năm 1973 khi đã 57 tuổi, bà còn xung phong vào chiến trường, hành quân bộ dọc tuyến đường Trường Sơn. Ngày bà chuẩn bị lên đường, cơ quan tổ chức liên hoan chia tay. Bà ghé tai nói với tôi, mọi thứ cô chuẩn bị đủ cả rồi, chỉ còn thiếu trầu cau. Vậy là, các chú, các cô ở Cục giao cho tôi chạy ra phố mua cau tươi, trầu tươi, lấy bẹ chuối tươi bọc lại. Thấy thế, bà cười, vậy là đủ rồi, cô có thể dùng đủ trên đường đi vào tận Nam Bộ. 
Hồi ở 1A, có lần bà gọi tôi sang ăn cơm với nhiều món ngon theo khẩu vị Nam Bộ. Bữa đó bà kể với tôi: Trước đây có lần cô mời bác Nguyễn Chí Thanh ra đây ăn cơm, ngồi đúng chỗ cháu đấy. Lúc đầu, mấy cậu bảo vệ và bác sĩ không đồng ý. Sợ thế nọ, thế kia. Ông Nguyễn Chí Thanh nói, các cậu sợ bà Năm Bi đầu độc hoặc ám sát tớ chắc. Nghe thế, mấy cậu ấy mới cho đi. Làm cán bộ to quá cũng khổ! 
Còn nhớ, năm 2000, Cục Chính sách TCCT được BQP và TCCT giao nhiệm vụ sang CPC tìm kiếm, cất bốc hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình ( 1908- 1952) đưa về nước. Nguyễn Bình (tên thật là Nguyến Phương Thảo) Tư lệnh Nam Bộ. Năm 1948, Bác Hồ ký Sắc lệnh phong Tướng lần đầu tiên, thì có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình và 9 Thiếu tướng. Trung tướng Nguyễn Bình là người trí dũng song toàn, có công và có uy tín lớn ở Nam Bộ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Giai thoại về ông khá nhiều. Ông hy sinh năm 1952, trên đường ra Việt Bắc. Trước hôm tổ chức Lễ an táng Trung tướng Nguyễn Bình theo nghi lễ cấp Nhà nước, có một vấn đề đặt ra: Ai là vợ chính thất của ông. Bởi lâu nay, người được xác định là bà Nguyễn Thị Thanh, nhưng trên thực tế có một số người khác cũng tự nhận mình là vợ Nguyễn Bình. Với cương vị là Cục trưởng Chính sách, tôi phải cùng cơ quan xác minh lại việc này. Tôi chạy đến nhà bà Hồ Thị Bi - nhân chứng lịch sử còn lại không nhiều. Tôi hỏi, cô Năm ơi! Cô là người cùng thời với bác Nguyễn Bình. Vậy trên thực tế, bác ấy có mấy vợ. Ngoài bà Thanh ra, còn những ai? Tôi vừa dứt lời, bà Bi nói ngay: Ối dào! Cháu không biết đấy thôi! Thuở đó, làm Tướng như cháu bây giờ, thì quan hệ với nhiều phụ nữ lắm - Toàn người trẻ đẹp thôi. Là người nổi tiếng, vừa có tài năng, vừa ga lăng, lãng tử nên ông Nguyễn Bình có ngót một tiểu đội chị em nữ tì phục vụ. Chẳng sao đâu. Hồi đó, chiến công và uy tín của ông át đi. Hơn nữa, trong chiến tranh, mọi người chú trọng quan tâm vào tài cầm quân của ông ấy. Mong sao diệt được nhiều địch mà bộ đội ta thương vong ít nhất mới là thật là thước đo tài đức cán bộ. Chứ ai chú ý đến những vấn đề thuộc về sinh hoạt cá nhân. Nghe xong, tôi cười, vậy hả cô. Tối đến, khi ăn cơm với BTL Quân khu 7, tôi kể lại chuyện này, anh Ba Kiên Tư lệnh QK vừa cười vừa nói: Vậy chưa chừng, bà Năm Bi cũng là bồ của ông Nguyễn Bình nữa đấy, Ba Đẩu ạ. Lúc ấy, bà Năm Bi mới ngoài 30 tuổi, xinh gái, lại có tài, con còn nhỏ, chồng đã hy sinh, nếu có chuyện đó, âu cũng là thường tình. Chúng tôi cùng cười và coi điều anh Ba Kiên nói là đùa tếu táo cho vui trong bữa ăn.
Sau Giải phóng, bà Năm Bi chuyển vào SG. Căn nhà của bà ở X11 được cấp cho ông Ngô Phương, bà Hoa Na - Ông Phương lúc đó là Cục phó Cục Chính sách, bà Hoa Na là giáo viên; có 3 người con là Hà, Tuấn, Hương. Bà Bi vào SG chuyển nhà nhiều nơi : Khi thì ở Làng Đại học Thủ Đức, lúc thì ở 75 Ngô Thời Nhiệm, lúc ở gần kênh Nhiêu Lộc và cuối cùng ở đường Nguyễn Kiệm. Chỗ ở nào của bà tôi cũng đã đến, không phải một mà là nhiếu lần. Từ năm 1972 đến mãi sau này, trong quan hệ, bà Năm Bi luôn dành tình thương đối với tôi- Tôi tôn kính bà. Bà coi tôi như con. 
Đại tá, Anh hùng Hồ Thị Bi - một thời khá dài là công dân 1A - từ trần ngày 20 /10/2011, hưởng thọ 95 tuổi. Trước đó, hôm lễ tang ông Trần Sâm ( từ trần 13 / 8 / 2009 ), anh Trương Văn Đa ( nguyên Phó chủ tịch HĐND tp HCM ) con trai bà đến viếng. Anh Đa cầm tay tôi nói: Đẩu ơi ! Những tưởng bà nhà anh đi trước. Ai ngờ hôm nay dẫu đã yếu lắm rồi, khi nghe tin ông mất, bà đã khóc và yêu cầu anh phải thay mặt bà đến viếng sớm.
Khi viết những dòng này, tâm trí tôi hiện lên hình ảnh kính quí của bà Hồ Thị Bi - một mẫu người điển hình xuất sắc - để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp không bao giờ phai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét