CHUYỆN NGƯỜI 1A HOÀNG VĂN THỤ
ÔNG SƯ TRƯỞNG TA BỊ ĐỊCH BẮT -
MỘT TRƯỜNG HỢP HY HỮU
MỘT TRƯỜNG HỢP HY HỮU
N M Đ
Tôi không có may mắn được chiến đấu, công tác cùng ông. Nhưng do quan hệ của gia đình bên ngoại và lại là đồng hương “ Quân khu 1A Hoàng Văn Thụ”, nên tôi được tiếp xúc với ông một số lần và được biết qua lời kể của người khác.
Ông là Trần Văn Trân, quê ở thành phố Huế, vào bộ đội từ năm 1945. Thuở ban đầu là chiến sĩ chăn dắt ngựa cho Trung đoàn trưởng. Trong chiến đấu ông lần lượt trường thành qua các cấp từ Tiểu đội trưởng trở lên. Kết thúc kháng chiến chống Pháp, ông giữ chức Trung đoàn phó.
Cuối năm 1964, từ Quân khu 4, ông lên đường vào chiến trường Miền Nam với cương vị là Tư lệnh phó Sư đoàn 325. Sư đoàn ông chiến đấu ở Thừa Thiên một thời gian ngắn, rồi hành quân vào chiến trường Tây Nguyên. Cuối năm 1969, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 1 ( Hồi đó gọi là Tư lệnh, chứ chưa phải là Sư trưởng như sau này). Đầu năm 1970, cấp trên điều Sư đoàn 1 từ Tây Nguyên vào chiến trường Nam Bộ. Tháng 2 / 1970, ông chỉ huy đoàn cán bộ của Sư đoàn đi nghiên cứu địa hình. Khi vượt qua Kênh Vĩnh Tế ( Châu Đốc, An Giang), chẳng may đoàn cán bộ bị lọt vào ổ phục kích của quân Mỹ. Ông chỉ huy đánh trả. Nhưng lực lượng quá chênh lệch, nhiều anh em hy sinh, ông bị thương và bị địch bắt. Lúc bị thương, ông quờ tay sang bên cạnh, đồng chí y tá đi cùng đã bị trúng đạn hy sinh. Ông quàng túi thuốc quân y vào người. Khi bị địch bắt, ông tự nhận mình tên là Nguyễn Văn Thương, Thượng sĩ Đông y. Bọn địch hỏi ông, y tá thì làm những gì. Ông nói, chuyên đi hái lá thuốc Nam trên rừng và nấu cao hổ cốt. Chúng lại hỏi, nấu cao hổ cốt, thì cần có cái gì. Ông trả lới, có cái chảo gang và cái gáo để hớt váng,…Không tra khảo được gì, bọn địch giải ông về giam giữ khi thì ở Cần Thơ, khi thì ở Hố Nai, Suối Máu ( Đồng Nai). Suốt 3 năm trong trại giam, ông nếm trải mọi cực hình. Người xưa nói: “ Nhất nhật tại tù / Thiên thu tại ngoại “. Đằng này, ông là tù binh trong trại giam của Mỹ Ngụy những hơn 1000 ngày!
Sau khi ông bị bắt, đơn vị cho người đi tìm ở bãi chiến trường, những tưởng ông đã hy sinh. Nhưng sau đó, tin của cơ sở ta trong lòng địch báo ra là: Có một tù binh tên là Thương, khai có người anh em tên là Viên.
Lúc ông Trần Văn Trân làm Tư lệnh Sư đoàn, thì ông Nguyên Viên là Chính ủy. Khớp nối thông tin, cấp trên khẳng định là ông bị địch bắt chứ không phải hy sinh. Nhằm giữ bí mật và an toàn cho ông, cấp trên quyết định tiến hành báo tử để che mắt địch.
Mùa hè năm 1970, trong nỗi đau thương vô hạn, bà Võ Thị Bích Hà vợ ông nhận được giấy báo tử và di vật là một chiếc đài bán dẫn do Tổng cục Chính trị tiến hành. Lúc ấy, người con nhỏ nhất của ông bà mới lên 6 tuổi. Tiếp đó, Tổng cục Chính trị bố trí chỗ ở cho gia đình ở X7 khu 1A. Nghe nói, một thời gian sau báo tử, có lần bà Hồ Thị Bi, Thiếu tá, cán bộ Cục Chính sách đang đêm sang nhà gặp riêng bà Hà rỉ tai nói nhỏ: Cô hãy bình tĩnh và bí mật, Thực chất, chú ấy bị bắt, chứ không phải đã hy sinh đâu! Báo tử là để che mắt địch.
Ngày 18 / 3 / 1973, theo Hiệp định Paris, ông được trao trả tại sông Thạch Hãn ( Quảng Trị ). Khi ông lên bờ, có chiếc xe Quân khu 4 đón sẵn, chạy vù đi. Tận lúc đó, bọn địch mới chưng hửng biết đó là một cán bộ cao cấp của quân đội.
Tháng 11 năm 1973, cấp trên Quyết định bổ nhiệm ông làm Tư lệnh Sư đoàn 341. Đây là điều hy hữu đối với một cán bộ bị địch bắt mới trao trả đã được trao cầm quân chỉ huy chiến đấu. Trong lịch sử từ xa xưa chỉ mới có một trường hợp: Vào năm 1427, trong trận chiến đấu ở Hoàng Mai, do voi chiến sa lầy, tướng quân Đinh Lễ và tướng quân Nguyễn Xí bị giặc Minh bắt. Tướng Đinh Lễ bị quân địch giết. Còn Tướng Nguyễn Xí bị bắt giam. Đang đêm, mưa to gió lớn, lợi dụng sơ hở của địch, ông bẻ khóa vượt ngục, trở về với Nghĩa quân. Đức Lê Lợi cả mừng và lại giao cho Tướng Nguyễn Xí tiếp tục chỉ huy một cánh quân đánh thành Thăng Long.
Mùa xuân 1975, Sư đoàn 341 do ông Trần Văn Trân làm Tư lệnh trong đội hình Quân đoàn 4 tham gia Chiến dịch Hồ chí Minh giành Đại thắng.
Sau này, ông lần lượt giữ chức vụ : Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, Phó Giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt, Tham mưu phó, rồi Tham mưu trưởng BTL Quân Tình nguyện Việt Nam ở CPC.
Ông Trần Văn Trân có gương mặt đẹp nam tính, dáng người cao to, tính cách khảng khái, quyết liệt, mà lại rất hài hước, dí dỏm, nên mọi người rất dễ gần. Được biết, vị Trung đoàn trưởng thuở ông Trân làm chiến sĩ chăn dắt ngựa, tên là Võ Lương. Năm 1958, cả hai ông đều được phong quân hàm Trung tá một đợt. Nghe nói, có lần gặp lại nhau ông Trân nói nửa đùa nửa thật với ông Lương : Eng có mấy o con gái. Gả cho tui một o hè! Ông Lương hồn hậu mời ông Trân về nhà chơi. Và sau đó, ông Trân lấy bà Hà - Ông Lương thành bố vợ.
Có người kể: Hồi ở chiến trường, ông Trân bị viêm mũi dị ứng, hay bị hắt hơi. Mỗi lần như vậy, sau một tràng dài hắt hơi, ông cười nói: Thiệt khổ! Miềng đã dặn mụ Hà ở nhà có đi đái thì chọn chỗ sạch. Ai dè, cứ ngồi phải chỗ có cỏ xước, làm miềng bị hắt hơi thế ni hoài. Nghe ông đùa, mọi người cười vui tếu táo.
Cuối năm 1989, bà mẹ vợ tôi ở SG, bị hen viêm phế quản. Ông Trân nhắn tôi lên nhà, để ông lấy cho loại cây thuốc Nam sắc uống. Từ số nhà 26 Trường Sơn tôi đến Làng Đại học ( Thủ Đức ) vào nhà ông. Thoạt nhìn thấy tôi, ông cười nói, chứ mi mần chi mà đang con níc đã mang hàm Đại tá rồi ? Tôi thưa: Dạ, cháu mới là Đại tá 3 sao, chú ạ. Ông nói tiếp, đã là Đại tá lại còn phân biệt 3 sao với 4 sao! Dở ẹc! Bày đặt! Thôi, đi theo chú. Ông dẫn tôi đi hái lá thuốc Nam. Giữa trưa nắng, ông vừa hái lá vừa chuyện trò với tôi: Mi biết tau với ông già vợ mi là thế nào không? Tôi nói, Dạ chú với Ba cháu cùng quê Trị Thiên, cùng họ Trần. Ông nói, đếch phải rồi! Tau ở Huế, ông Sâm ở Hải Lăng, Quảng Trị - đồng hương như rứa thì vô kể. Họ Trần thì từ xa xưa có cùng gốc hay không thì chẳng biết. Thế này nhá! Hồi đầu chống Pháp, tau là lính của ông Sâm. Khi ông Sâm làm Trung đoàn trưởng 95 rồi Trung đoàn trưởng 101, thì tau còn nhỏ lắm. Tau quí ông từ hồi ấy cơ. Sau đó, ông lại xoay sang chủ đề khác…Tính cách ông Trân là thế: Trực diện, trào lộng mà chính kiến rõ ràng.
Cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng Trần Văn Trân còn sôi động, phong phú hơn nhiều. Mấy điều tôi viết trên đây chỉ mới là lướt qua, với một góc nhìn rất hạn hẹp ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét