Menu ngang

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

  1A, HOÀNG VĂN THỤ - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

                                                                               N M Đ

Mấy hôm trước, chị em cô Ngô Kim Thái, Ngô Thanh Thủy mời tôi tham gia viết về Khu Tập thể 1 A- Hoàng Văn Thụ để đưa lên Facebook. Tôi vui vẻ nhận lời, lòng lâng lâng luyến nhớ bao kỷ niệm về một thời chưa xa.
1A,Hoàng Văn Thụ là khu tập thể gia đình quân nhân -  Cũng thế, nhưng ở miền Nam gọi là: “Khu gia binh”. Theo tôi, cách gọi đó ngắn gọn, rõ ràng hơn.
Để khai quật và bảo tồn Di tích Hoàng thành Thăng Long xưa, khu Tập thể 1A, Hoàng Văn Thụ ( sau đây xin được gọi tắt là 1A ) đã bị giải tán. Mãi tới sau này, theo thông báo kết quả khảo cổ học, mọi người mới biết: Hóa ra, hàng mấy chục năm trời, bao cư dân vô tư hồn nhiên sinh sống, dựng vợ gả chồng cho con cái ( kể cả nuôi lợn, nuôi gà ) trên mặt đất mà dưới đó không sâu lắm là Tử Cấm Thành - Cung điện của các triều đại thời Lý - Trần, bắt đầu từ vua Lý Công Uẩn, xây dựng sau  năm 1010.
Khác với các khu gia đình quân nhân trên địa bàn Hà Nội được tồn tại đến bây giờ như : Nam Đồng, 3B Ông Ích Khiêm, 16A Lý Nam Đế, 40 Đặng Dung,... đầu những năm 2000, cư dân 1A phải khăn gói ra đi di dời về nhiều nơi trong thành phố, thậm chí phiêu dạt xa hơn ở mọi phương trời. Và sau này, mỗi khi có công chuyện đi ngang qua đây, trong tâm thức mọi người cứ như nhìn lại cố hương. Thực chẳng khác tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan hơn 200 trước trong tuyệt bút THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ :“ Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.
Là lớp hậu sinh, tôi được biết qua lời kể của các bề trên rằng: Thời Pháp chiếm đóng thành Hà Nội, thì 1A là Trại con gái phục vụ cho các sĩ quan Pháp đóng ở trong Thành. Thuở đó, phố Hoàng Văn Thụ còn có tên tiếng Pháp dịch sang tiếng Việt là Đại lộ Cộng Hòa.
Sau ngày Giải phóng Thủ đô, Tổng hành dinh QĐNDVN ( Bao gồm: Lãnh đạo cùng cơ quan Bộ Quốc phòng, BTTM, TCCT và TCHC) tiếp quản toàn bộ Đại bản doanh của Quân đội Pháp đóng ở trong Thành.  Đi liền theo đó, hình thành các Khu gia đình quân nhân, trong đó có 1A.
Ban đầu, trong khu 1A cán bộ thuộc TCCT ở dãy nhà X6; cán bộ thuộc TCHC ở dãy X4, X5; còn lại đại bộ phận là cán bộ của BTTM và cơ quan BQP. Tuy diện tích toàn khu không đổi, nhưng theo thời gian số nhà tăng lên do tăng số hộ,  tăng dân số mà phải làm thêm,  cơi nới. Tôi không có bản thống kê là khi giải tán di đời, số hộ và số dân của 1A là bao nhiêu. Việc này, chỉ có Ban Quản lý dự án di dời mới biết.
Thuở ấy, sau Ngày giải phóng miền Bắc, từ chiến khu Việt Bắc và các chiến trường khác, bao cặp vợ chồng đang thời xuân trẻ khoác ba lô, xách khăn gói đến 1A ( năm 1955 ). Đến ngày ra đi mãi mãi thì họ đã là cụ ông cụ bà - mà phần đông dưới họ có 2 thế hệ kế tiếp.
Xét về mọi phương diện, khách quan mà nói, khu 1A không lớn bằng “ Đại quân khu Nam Đồng” với bao chiến tích “ hiển hách” và tình người như những trang viết thật hay của tác giả Bình Ca mới xuất bản gần đây làm người đọc không thể dừng lại khi mở ra. Nhưng đem so sánh với các khu tập thể quân nhân khác như 16 A Lý Nam Đế, 40 Đặng Dung, 3B Ông Ích Khiêm, thì 1A đâu hề kém cạnh, thậm chí còn có phần hơn!
Tính ra, sĩ quan cấp Tướng của 1A ( bao gồm: những người lên Tướng khi ở đó và cả những người từng ở 1A chuyển đi nơi khác rồi lên Tướng ) có đến hơn ba chục người. Cấp Tướng đầu tiên của 1A là ông Thanh Quảng ( Hồ Tú Nam ) và ông Nguyễn Hòa ( Hòa Điếc) được Nhà nước phong từ năm 1974. Tiếp đó, mấy năm sau là các ông : Trần Văn Nghiêm, Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 9;  Đỗ Văn Đức, Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng; Nguyễn Như Văn, Trung tướng, Tổng cục trưởng TC2; Hoàng Nghĩa Khánh, Trung tướng, Cục trưởng Cục Tác chiến BTTM; Trần Quang Khánh, Trung tướng, Chánh Văn phòng QUTW/ BQP; Lê Đình Cúc, Thiếu tướng, Chánh Văn phòng BTTM; Phan Hàm, Thiếu tướng, Cục phó Cục Tác chiến BTTM; Tống Trần Thuật, Thiếu tướng, Tổng cục phó TC 2;  Cao Pha, Thiếu tướng, Viện phó Viện Lịch sử Quân sự; Nguyễn Kim Tuấn, Thiếu tướng, AHLLVT, Tư lệnh Quân đoàn 3;  Đinh Thiện, Thiếu tướng, Chủ nhiệm TCHC; Trần Hải Phụng, Thiếu tướng, AHLLVT, Tư lệnh Biệt động Sài Gòn - Gia Định;  Lê Văn Chiểu, Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm TCKT; Nguyễn Đức Cân, Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cơ yếu BTTM ;  Đặng Thiết, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh QK3;  Nguyễn Văn Thuận, Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Dân Quân Tự vệ;  Lê Hữu Đức, Trung tướng, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng;  Lê Phi Long, Thiếu tướng, Cục phó Cục Tác chiến; Vũ Cao, Trung tướng, Cục trưởng Cục Tác chiến; Trần Văn Trân, Thiếu tướng, Phó Giám đốc Học viện Lục quân ( ông  bị quân Mỹ bắt từ năm 1969  khi đang làm Sư trưởng Sư đoàn 1 ở Nam Bộ. Năm 1973, ông trở về trong một lần trao trả tù binh sau Hiệp định Paris ) ; Mai Xuân Tần, Thiếu tướng, Đoàn trưởng Đòan chuyên gia quân sự  478; Nguyễn Ngọc Diệp, Thiếu tướng, Chỉnh ủy Học viện Quân Y; Nguyễn Như Ngà, Thiếu tướng, Đoàn phó Đoàn chuyên gia quân sự 478; Nguyễn Tri Anh, Thiếu tướng, Giám đốc Học viện Khoa học quân sự; ,…
Lớp hậu sinh sau này cũng có đến mấy người: Đỗ Đức Tuệ, Trung tướng, Chính ủy Học viện Quốc phòng; Trần Văn Thắng, Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Bản đồ BTTM; Trần Trung Tín, Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Kinh tế BQP; Nguyễn Thị Thanh Hà, Thiếu tướng, con gái ông Nguyễn Kim Tuấn; …Ở 1A có một người không là Tướng, nhưng nổi danh từ hồi chống Pháp - được Bác Hồ gọi là " Nữ kiệt Nam Bộ". Đó là bà Hồ Thị Bi, Đại tá, Anh hùng quân đội , Đại biểu Quốc hội khóa 2. Ngoài chiến tích trong chiến tranh mà nhiều người biết đến, bà Hồ Thị Bi còn có nhiều đóng góp xuất sắc trong công tác Chính sách hậu phương quân đội thời chống Mỹ.
Tướng là quí, là hiếm. Nhưng Tướng mỗi thời và mỗi người, mỗi khác. Có Tướng chiến trận, như người xưa từng nói: “ Nhất tướng công thành vạn cốt khô” và cũng có Tướng văn phòng trong các cơ quan Chiến lược. Ở đời, mọi sự kiện hiện tượng đều có tính lịch sử. Nếu đem ra so sánh giữa mấy ông Tướng với nhau, hoặc giữa họ với người khác, thì bao giờ cũng có một kết quả chung là: khập khiễng. Khập khiễng bởi không đồng yếu tố so sánh!
Trong thâm tâm, tôi cho rằng, ở 1A còn có nhiều người xứng đáng được phong cấp Tướng. Nhưng do sự thít chặt quân hàm của một thời, nên họ chịu thiệt thòi. Không sao! Tướng chẳng qua chỉ là một trong những tiêu chí để đánh giá con người. Khi nghĩ về ai đó, nên nghĩ họ là người thế nào, còn họ là ai thì không quan trọng lắm. Nhân cách con người không phụ thuộc vào nghề nghiệp và địa vị xã hội!
Giới văn nghệ sỹ và báo chí từng ở 1A theo tôi được biết là không nhiều. Có bà ca sĩ  Kim Ngọc ( vợ ông Lê Sam ), là diễn viên nổi tiếng một thời của Đoàn Văn công TCCT. Nghe nói, khi xưa bà hát rất hay bài “ Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ . Có bà Nguyễn Thị Thủy ( vợ Liệt sĩ Hồ Hải Nam) cũng từng là diễn viên Văn công. Lớp sau, tôi biết chị Phạm Minh Phương ( con gái ông Phạm Văn Giai), ở X7 từng là diễn viên múa của Đoàn Văn công QK5 từ thời chống Mỹ, sau đó về giảng dạy ở Trường Múa Việt Nam. Diễn viên múa nổi tiếng còn có chị Minh Vân ở dãy X3 và chị Thiếu Lan ở dãy X5.
Giới báo chí có các ông: Lê Quang Đạo, Đại tá, Phó Tổng biên tập Tạp chí QPTD; Chu Công Tiêu, Trưởng phòng biên tập, Tạp chí QPTD, có con rể cùng làm ở Tạp chí QPTD là Nhà báo, Nhà thơ Nguyễn Văn Vị;  Nhà báo Đỗ Trí, Nhà báo Trần Trung Tín, Báo QĐND, …
Giới cán bộ khoa học kỹ thuật, tôi chỉ biết bà Huỳnh Thị Cả ( vợ ông Cao Đôn Luân) là Tiến sĩ Địa chất, cán bộ giảng dạy ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Vợ chồng tôi dọn nhà đến 1A vào tháng 12 / 1975 và ra đi vào tháng 6 / 1991. Tính ra là 16 năm. Khi chuyển đến, con trai đầu Nguyễn Trần Quang chưa đầy tháng tuổi, còn đỏ hon hỏn trong bọc. Ngày ra đi con trai vừa kết thúc bậc phổ thông trung học; con gái Thùy Vinh sinh năm 1980 đã học lớp 6.
Chúng tôi thành hôn từ tháng 11/1973. Hai năm ở chung với nhà ngoại tại 30 Lý Nam Đế. Khi ở chung, chúng tôi được ông bà và các em đối xử rất tốt. Nhưng vì  gia đình lúc đó ở trong Thành có cổng gác người nhà ra vào bất tiện. Thêm vào đó, tâm lý “ chó nằm gầm chạn”  của thằng con trai ở rể âm ỷ trong tôi chẵn 2 năm trời và ngày càng bức bách. Vì vậy, chúng tôi lẳng lặng làm đơn xin cấp nhà. Bí mật vì ông bà ngoại dứt khoát không cho con cái ra ở riêng, khi trong nhà còn bố trí được. Ông vẫn nói, cơ quan Bộ Quốc phòng còn rất nhiều cán bộ chưa có nhà - Trong số đó có nhiều người ở Chiêu đãi sở ( nhà khách ) 354 của Bộ. Mọi người xếp hàng bao nhiêu năm đã được cấp nhà đâu.
Trên thực tế, liêm khiết là đức tính phổ biến của phần đông cán bộ lãnh đạo, chỉ huy thời bấy giờ . Do ông bà không đồng ý, nên trước đó mấy tháng khi cầm tờ Quyết định phân nhà của Thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật ( nơi nhà tôi làm việc), chúng tôi vẫn cất kỹ, dấu kín. Chờ đến lần ông ngoại đi công tác miền Nam có bà ngoại đi cùng, vợ chồng chúng tôi mới cấp tốc thu xếp dọn nhà về 1A.
Mấy hôm sau, khi về Hà Nội, ông bà mới vỡ nhẽ, te tát mắng cho chúng tôi một trận. Bà ngoại nói, các con ra ở riêng cũng là phải. Vì sau đây mấy năm nữa ba mẹ cũng sẽ dựng vợ gả chồng cho các em. Nhưng đi vội vã thế là không nên. Làm cho ba mẹ mang tiếng với mọi người: Cớ làm sao, con gái cả sinh cháu ngoại đầu lòng chưa đầy tháng mà đã phải dọn ra đi ở riêng. Người xấu miệng cho là ba mẹ thế này, thế nọ. Ai đi giải thích được hết với người thiên hạ!
Khi được dọn về căn nhà mới, chúng tôi vô cùng phấn khởi. Chắc là, chúng tôi được các Thủ trưởng TCKT ưu tiên khi xem xét ra quyết định phân nhà. Chẳng thế mà, có lần tôi đi làm về, gặp một ông  cán bộ đã đứng tuổi. Ông ấy hất hàm hỏi, này cậu là con ông cháu cha phỏng ? Học ở đâu ra mà trẻ thế đã Đại úy rồi! Tôi từ tốn trả lời: Dạ thưa, không phải thế ! Cháu là con cha và là cháu ông. Cháu ở chiến trường về, chưa kịp học ở trường nào, đâu ạ. Nghe tôi nói, ông nhoẻn miệng cười, vậy hả !  Quả thật, sau 1975, nhiều cán bộ nhập ngũ từ thời chống Pháp, còn mang quân hàm cấp úy. So sánh thì khôn cùng, nhưng có thể nói, sĩ quan Quân đội thuở đó có giá lắm. Đại úy hồi đó có khi quí hiếm hơn Đại tá bây giờ. 
Nhà tôi ở Dãy X4, vốn trước là của ông Ngô Tâm Thưởng, Tham mưu phó TCKT. Khi ông Thưởng ở, tổng diện tích 30 mét vuông, có 2 phòng. Cơ quan Doanh trại cho người  đến xây tường ngăn lối đi giữa 2 phòng, chia làm hai căn hộ : chúng tôi một nửa và nửa còn lại là của gia đình anh Nguyễn Hữu Chỉnh. Diện tích nhà ở là 15 mét vuông, hồi mới đầu thì 4 nhà dùng chung một gian bếp và một phòng tắm, cộng lại khoảng 4 mét vuông. Chếch phía trước là một bể nước công cộng nửa chìm nửa nổi, chừng 10 mét khối. Đây là nơi các gia đình của cả ba dãy X4, X5, X14 cứ mỗi sáng, mỗi chiều tụ tập vo gạo, rửa rau, giặt giũ,… rôm rả chuyện trò.
Bên cạnh nhà tôi là nhà ông Ngô Đức Thọ, bà Kim Thanh và 3 cô con gái: Thái, Thuận, Thủy. Cả nhà đều có tên vần Th, nên trong thư viện gia đình, đều ghi ký hiệu là 5 T. Theo chỗ tôi biết: Ông Thọ, quê ở Huế. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông dạy học ở Vinh. Nhiều người ở quê tôi từng là học trò của ông hồi đó. Ông nguyên là Viện phó Viện Kỹ thuật quân sự BQP cùng thời với các ông: Hoàng Đình Phu, Nguyễn Đình Năm. Trước khi nghỉ hưu, ông là Phó tư lệnh Binh chủng Thông tin Liên lạc. Ông là một chuyên gia về kỹ thuật điện tử, viễn thông, giỏi toán, thành thạo nhiều ngoại ngữ. Chúng tôi quí ông ở tài năng và đức khiêm tốn, phúc hậu . Bà Kim Thanh, sinh trưởng trong một gia đình khá giả, gia giáo, nền nếp ở  huyện Thanh Oai ( Hà Tây cũ ). Có lần bà nói với tôi, quê bà ở trên Đường số 6, chặng giữa từ Ba La Bông Đỏ và cầu Mai Lĩnh. Khi còn làm việc, tôi có nhiều lần đi qua đoạn đó. Bà Thanh là người sắc sảo, giàu tình cảm. Bà làm Hiệu trưởng nhiều năm của Trường Tiểu học Phan Chu Trinh trên phố Nguyễn Thái Học. Trên cương vị đó, bà đã nhiệt tình giúp đỡ được rất nhiều con em cán bộ Quân đội.  Nguyễn Trần Quang, con trai tôi,  sau khi học 2 năm ở Trường Thực nghiệm, xét thấy không ổn, chúng tôi xin và được bà đồng ý tiếp nhận về học ở Trường Phan Chu Trinh. Tiếp đó, cháu Thùy Vinh con gái tôi được bà nhận  đặc cách đi học sớm trước một tuổi.  Khi tôi về 1A, cô Thái đang học Khoa tiếng Anh Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô Thuận đang học  bên Nga. Cô Thủy chưa vào Đại học. Mấy chục năm sau, từ 2004 đến 2007, cô Thái cùng làm việc với tôi ở TCKT. Hồi ấy, cô Thái  là Trung tá, rồi Thượng tá, cán bộ nghiên cứu ở Phòng Thông tin KHKT quân sự. Cô Thuận học ở Nga về khoảng năm 1985, lấy chồng tên là Trần Việt Thanh - Bấy giờ là kỹ sư, sĩ quan công tác tại Viện Kỹ thuật quân sự, nay là Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ.
Đầu dãy X4 là nhà ông Nguyễn Thoàn, bà Nguyễn Thị Hường cùng 3 người con : Lực, Tín, Dương. Ông Thoàn quê ở Bình Định, xuất thân là công nhân, tham gia Cách mạng từ trước năm 1945, khi tập kết ra Bắc làm Phó phòng Quân báo Quân khu 4, rồi chuyển về Viện Lịch sử quân sự BQP.  Bà Hường quê ở An Cựu - Huế, là bác sĩ. Cả hai ông bà đều là người tốt tính, phúc hậu, yêu thương mọi người, nhất là các cháu nhỏ. Nhiều năm ông Thoàn làm Trưởng ban Chăm sóc thiếu nhi của Khu 1A. Hằng năm, cứ vào mùa Hè, tôi lại mang sang nhờ ông lau dầu và chỉnh sửa cho mấy cái quạt điện. Con trai đầu của ông bà tên là Lực đi chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên, sau khi bị thương, chuyển ra Bắc điều trị, rồi vào học Đại học Kinh tế quốc dân. Chúng tôi cùng đơn vị trong đội hình Sư đoàn 324, lại hợp tính, nên khá thân nhau. Khoảng sau năm 1976, tôi thi đậu vào học tại chức ở Trường, thì Lực đã tốt nghiệp. Thấy thế, Lực nói với tôi, anh có chí học thì tốt, nhưng như em đây, mang tiếng là Cử nhân,  mà mấy tháng trời không viết hết một cái bút bi và một cuốn sổ nhỏ bằng bàn tay. Tính Lực hay nói đùa, nhưng trong đùa có thật. Có lần, xâm xẩm tối, Lực mang biếu nhà tôi khoảng dăm con chim ngói, nói nấu cháo cho các cháu. Tôi hỏi, chim đâu ra. Lực bảo, em đi săn đấy. Đến khi vặt lông tôi không hề thấy vết máu, vết đạn. Tôi nói, chú có lòng tốt biếu các cháu. Nhưng mấy con chim này không phải do chú bắn mà do họ bẫy được đem bán trên phố Hoàng Hoa Thám, đoạn gần cổng Bách Thảo. Tay khèo, mắt kém  như chú thì săn bắn nỗi gì. Lực cười trừ, anh tinh thế! Tín là kỹ sư học ở Tây về. Ngược với sự tếu táo trào lộng của Lực, Tín là người cẩn thận, dí dỏm có chừng mực. Rất tiếc, Tín mất sớm vì một vụ tai nạn giao thông. Khi đó, mới cưới vợ là cô Thi, không biết đã có con chưa. Cô Dương là con út. Sau này làm bác sĩ ở Bệnh viện C. Hồi đó, tôi biết chú Hà con ông Ngô Phương, bà Hoa Na đang thời kỳ tìm hiểu Dương. Có lần cùng ngồi với ông Thoàn trên máy bay C130 vào Sài Gòn, tôi ướm hỏi: Chú và cô đồng ý gả Dương cho Hà chứ. Cháu thấy như vậy là quá tốt. Hai gia đình cùng quê Bình Định. Ông Thoàn nói, đồng ý chứ cháu. Hiềm một nỗi, chú không bằng lòng thấy Hà mặc áo quân phục Xuân Hè, cứ mở cúc áo trên cùng, như thế là không được. Đang đà vui, tôi tếu táo, Hà là con trai chứ phải là con gái đâu mà chú lo cởi cúc áo ngực. Hai chú cháu cùng cười.
Ở giữa dãy X4 có gia đình ông Lê Phương Cảo, bà Nguyễn Thị Thu và 3 người con : Nghĩa , Đạo, Phương. Ông Cảo là Hiệu phó Trường Đại học Kỹ thuật quân sự. Được biết, đầu những năm 1960, quân đội cử ông đi học ở Liên Xô ( cũ ). Học chưa xong, ông và nhiều lưu học sinh VN phải về nước vì quan hệ giữa hai nước xoay quanh chuyện xét lại. Tuy không có học vị, học hàm, nhưng ông Lê Phương Cảo được đánh giá là người rất giỏi trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Bà Thu là giảng viên Kinh tế - Chính trị của Trường Đại học Dược Hà Nội. Hồi chúng tôi mới dọn nhà đến 1A, bà Thu hay hướng dẫn giúp đỡ nhiều việc khi mới sinh con đầu. Chính bà, hồi ấy mới tròn 40 tuổi, bày cho tôi cách tắm cho trẻ sơ sinh và cách gói bánh chưng. Mãi tới khi lên thiên chức ông nội, ông ngoại, tôi vẫn “xung phong”  tắm cho các cháu lúc mới sinh. Thấy rất gọn gang, mọi người trầm trồ. Tôi bảo, đây là nhờ bà Thu bày cho từ khi tôi mới có con đầu, lúc 27 tuổi.
Quãng thời gian tôi ở 1A đúng vào thời kỳ bao cấp gian khó. Của cải vật chất xã hội khan hiếm. Việc xếp hàng diễn ra hằng ngày, rất mất thời gian. Sáng xếp hàng đi vệ sinh, rồi vội vã xếp hàng mua rau, mua dầu hỏa, trưa  xếp hàng mua cá, mua thịt, chiều xếp hàng mua gạo, tối xếp hàng lấy nước,…Mỗi khi chuẩn bị Tết Nguyên đán thì số lần xếp hàng sắm sửa còn nhiều hơn. Đời sống khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Đồng lương còm cõi hàng tháng không đủ trang trải mọi chi phí sinh hoạt. Nói chung, nhiều nhà phải làm kinh tế phụ để bù đắp phần thiếu hụt. Có gì làm nấy, biết gì làm nấy, thôi thì đủ kiểu. Nhưng phổ biến nhất là nuôi lợn. Nhà nhà nuôi lợn. Cả thành phố nuôi lợn. Nghe nói, có ông Tiến sĩ ở trên tầng cao tòa nhà chung cư, nuôi lợn để nước thải tràn xuống các nhà tầng dưới gây ô nhiễm môi trường. Cán bộ liên ngành của địa phương kiểm tra, lập biên bản phạt . Ông Tiến sĩ nói, tôi nhận phạt, nhưng với một điều kiện: Sửa lại trong biên bản là: “ Ông lợn nuôi ông Tiến sĩ” chứ không phải “ Ông Tiến sĩ nuôi lợn”. Thật cười ra nước mắt. Tuy chỉ một nửa căn bếp nhỏ, cũng như bao gia đình, chúng tôi phải ngăn ra một nửa làm chuồng lợn. Chưa đầy 2 mét vuông mà trong chuồng thường xuyên có một chú lợn lai. Có lúc nuôi hai con. Hồi đó, có “mốt” là khách đến nhà dẫn ra xem lợn - như một hình thức khoe và hình như cũng là nhu cầu của khách trong việc thăm hỏi. Thành quả do lao động làm ra thật quí. Nhưng quả thật nuôi lợn hồi đó cực lắm. Các buổi sáng tinh mơ, tôi phải đạp xe ra chợ đầu cầu Long Biên để mua rau lang về cho lợn ăn. Nhiều bận phải sang tận khu sân bay Gia Lâm, hoặc ra Hồ Tây vớt bèo về băm nhỏ nấu với cám. Trời nắng không sao, gặp bữa trời mưa, rét thì khổ lắm. Nước sinh hoạt trong gia đình đã ít, lại còn dành nước tắm hàng ngày cho lợn. Người nhà ốm không lo bằng lợn ốm. Người ốm uống thuốc rồi sẽ khỏi. Lợn ốm thì sụt cân, không may lợn chết là mất toi vốn. Cả nhà sụt sùi khóc!
Phải khẳng định rằng: Vệ sinh là khâu khổ nhất của cư dân ở 1A. Cả khu đã khổ, dãy X4 còn khổ hơn nhiều. Cả khu 1A hàng mấy trăm hộ dân mà chỉ có một dãy hố xí tự hoại bố trí ở cuối dãy X4. Ban đầu chỉ có 5 hố, về sau mọi người gay gắt đề nghị Cục Quản lý Giáo dục ( C59 ) cho xây thêm 5 hố nữa. Vậy mà cũng không đáp ứng nhu cầu. Mọi người trong 1A đi vệ sinh đều đi dọc theo X4 từ đầu dãy đến cuối dãy. Khi chưa xây lại khu bếp phía trước, đường đi vệ sinh sát mép nhà X4. Từ mờ sáng tinh sương, nằm trên giường đã nghe thấy bước chân khua dồn của người đi vệ sinh. Có người đi guốc mộc, tiếng gõ trên nền lát gạch xi măng vang to cả dãy cùng nghe. Vì không đáp ứng, người đi vệ sinh xếp hàng chờ, chuyện trò râm ran, ríu rít.
Quan hệ trai gái là chuyện của muôn đời. Vì đó là một phần nhu cầu của sự sống. Ở 1 A ngày đó, tôi nghe nhiều chuyện, nhưng có một chuyện khá hay, không biết độ chính xác được bao nhiêu phần trăm sự thật. Có một bà ở độ tuổi hồi xuân, ông chồng thì đã là người đứng tuổi, đạo mạo, nhưng chắc là sức khỏe yếu. Bà cặp bồ với một ông lái xe trẻ, khỏe. Có bữa, đang giờ hành chính, bà đón nhân tình về nhà. Khi hai người đang say nồng vui vẻ, bất chợt ông chồng ở cơ quan về đột xuất, gõ cửa nhà. Mặc dù cuống lên, anh nhân tình trẻ đang run bắn lên như cầy sấy, thì bà ấy vụt có sáng kiến : Đẩy vội anh nhân tình vào trong cái tủ đứng, rồi khóa cửa tủ lại. Ngay lập tức, bà chạy vào bếp xách sọt rác đi ra ra mở cửa, dọng niềm nở ngọt ngào: Ơ, anh về sớm thế, thôi, khoan cởi giày vội, đi đổ hộ em sọt rác. Ông chồng không nói gì, lẳng lặng xách sọt rác đi ra khu để rác ở cổng khu 1A, cách chừng 200 mét. Trong nhà, bà vợ thừa thời gian giải thoát nhân tình cứ như giải thoát con tin trong phim hình sự.
Trong khó khăn, bà con 1A sống với nhau rất tình nghĩa, đoàn kết gắn bó, coi việc người khác như việc nhà mình. Một lần, vào tháng 7 năm 1977, ông Chỉnh nhà hàng xóm liền kề, khi đang rót xăng vào xe máy, thì đột xuất mất điện. Trời tối om, sợ rót xăng ra ngoài, ông bật máy lửa soi thử. Tức khắc lửa bùng lên làm cháy nhà ông và lan sang cả nhà tôi. Lúc đó, khoảng hơn 7 giờ, chúng tôi đang ăn cơm tối bên nhà ngoại ở 30 Lý Nam Đế. Điện thoại bàn réo lên, đầu giây có người gọi: Đẩu ơi, nhà cháu đang bị cháy. Tôi giật mình hốt hoảng, nhưng trấn tĩnh được ngay. Tôi không nói với ai cả, lặng lẽ nói với cậu Trần Hùng, em lấy xe máy chở anh về 1A gấp. Chúng tôi về đến đầu dãy X4, thấy đông đặc người, ngọn lửa còn bốc cao, hai xe cứu hỏa đang tới tấp phun nước. Tôi nhìn vào phía trong, mái nhà đã cháy trụi, khói mù mịt, ngói và rui mè rơi ngổn ngang. Tôi bàng hoàng! Thế là hết, không còn gì nữa! Ngay lúc đó, bà Thanh ( vợ ông Thọ) và bà Hà ( vợ ông Trần Văn Trân ) cầm tay tôi nói, cháu ạ, nhà thì cháy nhưng đồ đạc không mất mát gì đâu. Khi ngọn lửa bắt đầu lan sang nhà cháu, các chú các cô quyết dịnh phá cửa vào nhà. Thế rồi, mỗi người cầm một thứ đưa về nhà cất hộ.
Sau đó tôi mới biết, khi nhà ông Chỉnh cháy, mà nhà tôi cửa vẫn im ỉm khóa. Ông Lê Phi Long, Cục phó Cục Tác chiến BTTM nhà ở X10, cách nhà tôi hai dãy, chạy sang hỏi như quát, vợ chồng chúng nó đi đâu. Phải phá cửa ra ngay. Nói rồi, ông cầm cái búa tạ to vung lên quật mấy nhát, hai ổ khóa bung ra. Ông  là người chỉ huy quân sự, tính quyết đoán cao, hành động nhanh nhẹn, kịp thời. Cửa mở, mọi người tràn vào nhà và cùng nói với nhau là: Ai cầm cái gì về, thì cất hộ, hôm sau trả cho chúng nó. Sau đó, khi sửa nhà xong, tôi nhận lại gần như trọn vẹn mọi thứ đồ đạc như:  Tủ lạnh, ti vi, đài đĩa, tủ quần áo, chăn màn, giường chiếu, bộ ghế ngồi tiếp khách, chạn bát đũa,… Chúng tôi vô cùng cảm kích về tấm lòng nhân nghĩa của bà con 1A lúc hoạn nạn. Trọn đời tôi không thể quên. Thực ra, so với bây giờ, tổng số đồ đạc đó giá trị không nhiều. Nhưng thuở đó, mọi người còn nghèo lắm, mọi thứ đều là sự chắt chiu gom góp mà nên. Mất cái gì, dù là nhỏ nhất, cũng xót xa, vì khó bề sắm lại.
Lại nói chuyện cháy nhà. Sau đó vài năm, nhà ông Thu đầu dãy X5 đang đêm bị cháy. Bắt đầu phát hỏa từ một cái nệm cao su. Sau đó ngọn lửa bùng ra cả nhà. Bà con trong khu nhanh chóng xếp hàng thành mấy dây để chuyền tay các xô nước, chậu nước từ bể công cộng vào, từng bước dập tắt ngọn lửa. Thiệt hại gia đình coi như không đáng kể.
Bao giờ cũng vậy, trong khu 1 A đang đêm hễ nhà nào có trộm, thì kêu to lên. Lập tức mọi người hô hoán nhau, tay cầm gậy gộc, túa ra khỏi nhà. Anh em thanh niên phân nhau đóng bịt các cổng ra vào và chặn các ngả đường đuổi bắt trộm. Bởi vậy, đám đạo chích sợ ăn đòn, không dám bén mảng đột nhập vào 1A.
Ngày Têt Nguyên đán ở 1A vui lắm. Trước đó cả tháng, không khi chuẩn bị rộn ràng trong từng dãy. Hầu như nhà nào cũng gói và luộc bánh chưng. Đêm luộc bánh bên bếp lửa hồng, nam phụ lão ấu ngồi sưởi ấm, vui vẻ chuyện trò. Thời khắc giao thừa và sáng Mồng Một, mọi nhà đốt pháo rầm vang. Việc này cứ như một cuộc thi không lời tuyên bố. Nhà nào cũng cố mua cho bằng được những bánh pháo to, dài, tiếng nổ đanh. Ngày mồng Một, mồng Hai bà con trong khu và các khu khác đến, trong bộ quần áo đẹp nhất, rồng rắn qua lại chúc tụng nhau trong tình cảm đậm đà.

1A có tới mấy trăm hộ dân, với hàng nghìn nhân khẩu. Mỗi con người là một số phận, một cuộc đời phong phú. Không ai có thể dựng lên được một bức tranh toàn cảnh đầy đủ về ngần ấy cuộc đời, ngần ấy số phận . 1A là một " làng quê " không bao giờ còn nữa. Hình ảnh 1A chỉ còn đọng lại trong trái tim, khối óc của nhiều thế hệ trong một thời kỳ lịch sử.
Nhớ về 1A - một chặng đời đầy khó khăn mà ấm áp tình người. Dẫu đã chia tay 1A ngót phần tư thế kỷ, tôi vẫn không thể quên những kỷ niệm với bà con 1A. Bài viết này tuy dài, có phần lan man, tản mạn, nhưng mới chỉ là một góc nhìn nhỏ, một lát cắt, một phác thảo và chắc chắn là còn nhiều thiếu sót.
Khi viết những dòng này, trong tâm trí tôi hiện lên bao gương mặt thân thương, trân quí - Trong số đó, nhiều người không còn nữa. Tình cảm của mọi người, trên từng phương diện, đọng mãi trong tâm trí tôi. Thời gian lùi xa, nhiều người lâu rồi không gặp lại, trí nhớ đang trong quá trình lão hóa của lớp lứa U 70, nếu có gì sai sót, tôi xin được bà con 1A ta đại xá! Được thế, vui lắm thay.

                                                                                 Mỹ Đình, ngày 3/10/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét