Menu ngang

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

                 Bố tôi

                                                               Hồi ức của Lưu Vạn Kha

Viết về bố mình thật khó. Đây là lần đầu tôi viết về ông, mặc dù tôi vẫn thường kể cho gia đình tôi những kỷ niệm về người mà tôi luôn quý trọng nhất trong đời, giống như mẹ tôi. Nhưng tôi sẽ nói về mẹ mình trong một dịp khác.

Tôi viết những dòng này vào thời khắc không thể yên tĩnh hơn, lúc 3-4 giờ sáng ngày 23/10/2014, sau trận đấu giữa Real Madrid và Liverpool tại Champions League. Tôi chỉ để một ngọn đèn nhỏ và ngước nhìn lên tấm ảnh bố tôi đang ngồi hút thuốc lào, bên cạnh là một bộ ấm chén, trong căn hộ 24 mét vuông ở nhà tập thể  B2 (hồi đó chưa gọi là chung cư) của TTXVN ở Mai Hương, quận Hai Bà Trưng, mà tôi được phân phối từ những năm 80 của thời kỳ bao cấp.

Chỉ cần nhìn lên bức ảnh thân thuộc này, các kỷ niệm về bố tôi lại sống dậy, như ngày hôm qua, dù bố tôi đã mất hơn 20 năm. Ông mất vào rạng sáng ngày mồng 4 Tết năm 1994, tại căn nhà ngói bảy gian do ông nội tôi làm cách nay hơn 100 năm, ở thôn Phù Lưu, Xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, thọ 73 tuổi. 

Về nước 

Lúc bố tôi ốm nặng, vợ chồng tôi đang làm phóng viên thường trú ở Cuba. Cô Lưu Kim Liên, em gái và cũng là đồng nghiệp của tôi ở TTXVN, nhờ anh Thành ở phòng kỹ thuật gửi một bức điện ngắn qua teletip: “Bố ốm nặng, anh về ngay”. Tôi biết, khi em tôi đã phải điện thế này tức là tình hình đã gay lắm rồi. Vì bố tôi không bao giờ muốn làm các con lo lắng. Tôi thông báo với vợ tôi, nhà báo Nguyễn Thị Chinh, con gái Lưu Phương Phi và con trai Lưu Vạn Khang, đang học tại La Habana. Cả nhà thống nhất, tôi phải mua vé máy bay về ngay dù Việt Nam và Cuba cách nhau nửa vòng trái đất, vì tôi là con trai duy nhất trong số bảy người con của bố mẹ.

Được sự đồng ý của cơ quan (cho về phép - vé tự túc), tôi lập tức đến Sứ quán Pháp ở Cuba để xin thị thực. Bình thường, nếu đi công tác hoặc du lịch, công đoạn này phải mất một tuần chờ đợi. Nhưng khi nghe nói tôi phải về gấp vì bố sắp qua đời. Không một chút lưỡng lự, Sứ quán Pháp cấp ngay lập tức. Tôi vội mua vé cả đi và về (hơn 3000 USD dù đó là vé economic, hạng rẻ nhất) và xách va li lên đường rời Cuba về Việt Nam.  Thật bất ngờ, khi lên máy bay, dù vé của tôi là hạng economic, tôi được xếp lên khoang bussines, dành cho các thương gia. Có lẽ họ thông cảm với nỗi đau của tôi. Tôi chỉ biết cám ơn Air France vì nghĩa cử rất nhân văn này.

Chăm sóc bố

Tôi về đến nhà. Điều đầu tiên làm tôi vô cùng xúc động là bố tôi, dù lúc đó đang bị ung thư giai đoạn cuối, khi thấy tôi liền ngồi bật dậy. Hai bố con ôm choàng lấy nhau. Tôi lặng đi không nói được lời nào. Bố tôi gầy quá. Ông còn ra bàn làm một hơi thuốc lào. Chú Viền, em rể tôi, chồng cô Lưu Thị Cam, lúc đó ra Hà Nội để chăm sóc bố tôi cùng với hai vợ chồng cô em gái út Lưu Thị Thủy và Nguyễn Văn Tiến, tròn mắt ngạc nhiên. Có lẽ bố tôi không thể nào tưởng tượng nổi tôi lại có mặt ở nhà nhanh đến thế, nên ông quá vui mừng và mọi đau đớn bỗng nhiên tan biến cả trong một lúc. Thế mới thấy, sức mạnh của tình thương lớn như thế nào.

Điều bất ngờ thứ hai với tôi là sự có mặt của ông Tàu - người cùng làng, kém bố tôi chỉ dăm bảy tuổi, không họ hàng, nhưng luôn gọi bố mẹ tôi bằng cậu mợ - cũng ra chăm sóc bố tôi. Chả là, trước đây ông Tàu người được ông nội tôi thuê giúp mẹ tôi gánh hàng ra chợ bán (mẹ tôi hồi trẻ là tiểu thương, sau về làm ruộng). Mẹ tôi cũng đi cày, bừa và làm các công việc đồng áng khác. Thực tế, gia đình tôi đã có người giúp việc từ những năm trước Cải cách ruộng đất.

 Dù ông Tàu luôn gọi bố mẹ tôi là “cậu-mợ” và gọi chúng tôi bằng em, nhưng bố mẹ tôi luôn coi ông Tàu như một người thân của gia đình. Chả thế, trong Cải cách ruộng đất, có người xui ông Tàu tố bố mẹ tôi, thì ông nói: “Tôi chẳng có gì để tố cậu, mợ tôi cả. Nếu không có cậu, mợ tôi thì gia đình tôi đã chết đói cả rồi. Ông tôi (tức là ông nội tôi) làm ruộng sần vai, cậu tôi tham gia kháng Pháp, mợ tôi luôn đối xử tốt với tôi. Tôi chẳng có gì để tố gia đình cậu mợ tôi cả”. Bố tôi thường kể lại với tôi câu chuyện này mỗi khi nói chuyện về ông Tàu. Một lần, vợ tôi đan cho bố tôi một chiếc áo len màu vàng. Tôi chỉ thấy ông mặc có vài lần. Sau đó mới biết, bố tôi đã tặng ông Tàu.

Khi bố tôi bị ốm, ông Tàu cũng đã gần 70 tuổi, đã có con, cháu đề huề, nhưng ông vẫn ra Hà Nội để chăm sóc và ngủ cùng bố tôi. Giữa hai ông chỉ còn là quan hệ anh-em, bạn bè thân thiết, dù ông Tàu vẫn gọi bố tôi bằng cậu. Giờ thì ông Tàu cũng xuống làm bạn với bố tôi ở cõi Phật từ lâu rồi. Bởi vậy, mỗi khi đến ngày giỗ bố, khi thắp hương và đứng trước bàn thờ, ngoài bố-mẹ (mẹ tôi mất năm 1969, khi tôi còn là sinh viên ở Cuba), tôi vẫn thường nhớ tới thêm hai người nữa: đó là chị cả Lưu Thị Thi, vợ liệt sỹ Ngô Xuân Huyên, mất trước bố tôi một năm (Lá xanh rụng trước, lá vàng còn đây) và… ông Tàu. Chị tôi cũng là một người mà tôi vô cùng quý trọng. Chắc chắn tôi sẽ viết về chị trong một dịp khác.

Trở lại với những ngày về phép. Khi đi Cuba cùng vợ con, tôi nhờ vợ chồng cô em út Thủy-Tiến về căn hộ ở Mai Hương sống để chăm sóc bố tôi. Tôi rất yên tâm vì chị cả tôi (trước khi mất) và các em gái tôi, Cam-Hồng-Liên-Thanh-Thủy và các em rể Viền-Tú-Định-Phương-Tiến, cùng vợ chồng cháu Lưu đều quý trọng bố tôi hết mực. Ngay ngày hôm sau về nước, tôi và Định (chồng cô Liên) phóng xe lên Hòa Bình cắt thuốc cho bố, dù trong thâm tâm đã biết ung thư giai đoạn cuối là như thế nào. Nhưng “còn nước, còn tát”. Trong vòng một tháng, tôi không rời xa bố nửa bước, mỗi khi ở nhà. Các em gái và em rể tôi cũng thường xuyên đến thăm. Trong suốt những ngày đó, tôi biết bố tôi đau lắm, ung thư dạ dày mà, nhưng ông cắn răng chịu đựng, mặt tái mét, nhưng không hề kêu rên, sợ con cháu đau khổ.

Sáng sớm mồng Hai Tết, bố tôi phải nhập viện trở lại do đau dữ dội. Đến đó, bác sỹ bảo thôi, đưa ông về nhà đi. Tôi đưa bố tôi trở lại căn hộ ở Mai Hương. Về đến nhà, khi thấy không còn làm chủ được việc tiểu tiện, ông biết mình chẳng còn được bao lâu nên bảo: “Con đưa bố về quê thôi, để còn kịp gặp gia đình và bạn bè”. Tôi và chú Định đưa ông về Phù Lưu ngay trong chiều mồng Hai Tết. Trước khi rời nhà, ông nhìn khắp mọi nơi, như cố ghi lại những hình ảnh cuối cùng gắn bó với ông. Trong tối mồng Hai và cả ngày mồng Ba Tết, cả làng đến chơi, thăm hỏi bố tôi. Ông vẫn nhận ra từng người, nhưng không nói được gì. Ông cố nhịn đau, cố kéo dài cuộc sống để hết ngày mồng Ba, để con cháu không mất “Tết”. Và đúng rạng sáng ngày mồng Bốn, bố tôi thanh thản ra đi.

(Còn tiếp – Phần sau: người nông dân làm Phó chủ tịch Huyện)   
  
Bố tôi – phần cuối: Người nông dân làm Phó chủ tịch huyện

Tôi viết về bố mình một cách hoàn toàn tự nhiên theo cảm xúc, không có bố cục chặt chẽ về thời gian, không gian, không theo lối viết tiểu sử thông thường,mà tất cả để cho dòng cảm xúc đưa đôi tay mình lướt trên bàn phím.

Tôi vừa nhận được một sự động viên lớn sau bài viết, đó là phản hồi chỉ vài phút sau khi bài được đăng, của hai nhà báo Hồng Nga và Đặng Thành, những người bạn và đồng nghiệp cùng cơ quan có biết bố tôi. Và đặc biệt là của cháu Thư, cháu ngoại của chị cả tôi. Cháu muốn tôi kể về quá khứ của những người mà cháu gọi bằng cụ, ông, bà. Thật đáng quý khi con cháu muốn tìm hiểu và trân trọng quá khứ của các bậc tiền bối. Điều đó thôi thúc tôi trở lại với dòng suy nghĩ về bố mình, dù tôi định để sáng sớm ngày mai (24/10) mới viết tiếp…

Một Phó chủ tịch huyện…nông dân chính hiệu

Đám tang của bố tôi diễn ra trong một ngày mưa tầm tã. Con đường dẫn đến Bãi Cả của thôn Phù Lưu, nơi bố tôi yên nghĩ, lầy lội vô cùng, nhưng dòng người đưa tiễn bố tôi thì rất dài. Ngoài con, cháu, họ hàng, láng giềng, các cụ cùng thôn, xã và nhiều bạn bè của bố tôi và anh chị em chúng tôi, còn có rất nhiều đại diện của các cơ quan huyện Yên Phong và các nơi khác. Đoàn của TTXVN lúc đó do anh Nguyễn Duy Cương, Trưởng Ban Thư ký Biên tập, dẫn đầu. Từ khi lớn lên cho đến lúc đó, tôi ít thấy ở quê tôi có một đám tang nào đông và nhiều vòng hoa như vậy. Tôi nghĩ không phải vì bố tôi là “cán bộ huyện” vì ở thời đó, bố tôi cũng đã nghỉ hưu lâu rồi, và thời của bố tôi cán bộ hầu như không có khoảng cách nào với người dân bình thường.

Chả thế mà dù là Trưởng Ban Tuyên huấn, Thường vụ Huyện ủy và Phó chủ tịch huyện Yên Phong, tài sản “công” duy nhất mà bố tôi được sử dụng lúc đó (những năm 70-80) là một chiếc xe máy Simpson cũ để xuống cơ sở công tác, họp hành trên tỉnh hay nửa đêm lên đê chống bão lụt cùng bà con. Còn tài sản cá nhân duy nhất mà bố tôi dành cho cậu con trai của gia đình là một chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô do cơ quan phân phối. Đó là thứ duy nhất ông được hưởng với tư cách là lãnh đạo của một huyện lớn của tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội chưa đầy 40 cây số.

( Khi đang viết những dòng này, tôi lại nhận được phản hồi từ bác Vượng, một người cùng quê, có quen biết bố tôi, và ông cũng kể bố tôi là một người rất liêm khiết, còn bảo tôi đến nhà chơi để ông kể cho nghe về bố tôi như thế nào. Tôi rất hãnh diện vì viết về bố mình mà chỉ sau vài phút, vài giờ đã có rất nhiều anh, em bạn bè phản hồi tích cực ).

Tuy là cán bộ huyện nhưng trông bố tôi không khác bất kỳ một ông nông dân nào thời trước. Cũng áo nâu, quần nâu, đi dép cao su, xắn quần ống lửng mỗi khi về làng ngày mưa, gặp ai cũng chào hỏi từ xa, nói cười sang sảng. Các cụ trong làng rất thích đến nhà tôi để nghe ông nói chuyện về tình hình trong nước và quốc tế. Ông là Trưởng ban Tuyên giáo mà. Ngay cả khi về hưu, ra Hà Nội sống với vợ chồng tôi, ông cũng nói chuyện quốc tế rất hăng. Tôi có thể tự hào mà nói ông là một trong số ít các cán bộ huyện thời đó đã từng theo học lớp đào tạo ở Đại học Kinh tế Quốc dân bây giờ, vừa có tâm, vừa có tầm.

Tôi còn nhớ, khi còn ở khu tập thể Mai Hương, TTXVN, bố tôi vẫn giữ nếp sinh hoạt của người nhà quê, gặp ai cũng  xởi lởi, từ bà Quất bán nước chè, tới ông Đảo, ông Chương và các cán bộ cao tuổi khác. Ông còn thỉnh thoảng xuống đan lại rổ, rá cho một vài nhà thân quen. Bố tôi cũng hay nói chuyện với cụ Sơn, bố anh Bùi Ngọc Hải. Hai cụ láng giềng rất tâm đầu, ý hợp. Cách nay không lâu, tôi có xuống thăm bố anh Hải, cụ trông thấy tôi, cụ bật khóc và nói “nhìn thấy anh, tôi lại nhớ tới cụ nhà”.  Mỗi lần được về quê, ông thích thú vô cùng, vì ông được đánh tổ tôm, uống nước chè và nói chuyện với gia đình, bè bạn. Mỗi lần ở quê ra, bố tôi lại mất tiếng vì ở quê nói nhiều quá. Ông cô đơn, tôi biết vậy. Vì mẹ tôi mất từ cuối năm 68, khi ông mới 47 tuổi. Vì thương con, bố tôi đã ở vậy cho suốt đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Cũng có lúc ông muốn có người bên cạnh mình lúc tuổi già, tôi cũng đồng ý, nhưng sau đó ông lại từ bỏ ý định này.

Một con người sống rất giản dị

Khi còn sống với chúng tôi và cả khi chúng tôi đi Cuba, khi sống với vợ chồng cô em út, ông vẫn thường nói: Các con chỉ cần lo cho bố ba thứ là đủ: đó là chè mạn, thuốc lào và rượu nút lá chuối. Do mẹ tôi mất sớm, bố tôi phải làm đủ mọi công việc của một người phụ nữ để chăm sóc các con, nên  ông rất khéo tay. Ông không chỉ biết cày, bừa, thái thuốc lào thành thạo, thuộc từng cánh ruộng của gia đình và bà con thôn xóm, mà còn biết gói bánh chưng vuông, tròn đều cực đẹp, làm giò thủ và nấu thịt chó rất ngon, làm tương tuyệt hảo. Thế nhưng khi đi chợ (ông thích đi chợ để con cháu đỡ vất vả), để tiết kiệm cho các con, ông thường chỉ dám mua một  ít thịt mũi, thịt má, quá lắm thì thịt dọi hoặc tôm tép, dù điều kiện kinh tế vào những năm tháng ông ra ở với chúng tôi không đến nỗi nào. Tuy từng là Phó chủ tịch huyện ông không ngại làm bất cứ việc gì, cả việc lau xe đạp cho con dâu hay là quần áo cho các con khi rãnh rỗi. Vợ tôi cũng rất xúc động mỗi lần nhớ tới những cử chỉ nhỏ nhưng đầy tình thương con cái của ông.

Trong số các anh chị em trong nhà, bố tôi luôn đối xử rất bình đẳng, dù tôi là con trai duy nhất. Bố tôi thương cô út, Lưu Thị Thủy nhất, vì bố bảo “nó là đứa thiệt thòi nhất, mới sinh ra ít lâu đã mất mẹ”. Chẳng thế mà khi tôi đi Cuba, tôi bảo bố ra Hà Nội sống với vợ chồng cô út, ông đồng ý ngay. Một lần, trước đám cưới cô út khoảng hai tháng, tôi thấy bố tôi định nói chuyện với tôi, nhưng lại thấy ông rất ngập ngừng. Hỏi mãi ông mới nói: “Cái Thủy nó sắp lấy chồng lại chưa có nhà, bố chẳng có gì cho nó, bố biết con bây giờ cũng chẳng có gì, Bố định bảo con bán miếng vườn ở nhà quê để cho em có được hay không ?”. Tôi vội nói ngay: “ Con nhất trí ! Nhà và đất là của bố mà. Tuy ở nhà quê có thói quen coi nhà của bố mẹ nghiễm nhiên sau này là tài sản thừa kế của con trai trưởng, nhưng con nghĩ đây là tài sản của bố, mẹ, bố cứ bán đi mà cho em”. Cuối cùng, tôi đã bán miếng vườn sau nhà cho anh Thụ, con ông bác tôi, chỉ với giá 3 chỉ vàng để cho cô Thủy để mua một gian nhà của cô Lan, em ruột anh Bùi Ngọc Hải, ở phố Nguyễn Đức Cảnh, cũng chỉ với giá 9 chỉ vàng. 

…Trong những năm kháng chiến chống Pháp, bố tôi đã từng bị bắt, bị đi tù, từng bị nhốt ở trại giam ở phố Đồng Nhân, chỗ chợ Giời (Hà Nội) bây giờ, bị kết án tử hình nhưng may trốn thoát. Ông ít kể về giai đoạn này, nhưng trong một cuốn sách sử của địa phương, vẫn có nhắc đến về thời kỳ ông làm cán bộ ở xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong. Tính bố tôi nóng vô cùng. Mỗi khi ông vằn mắt lên, cả nhà sợ khiếp vía, nhưng ông hầu như không bao giờ đánh các con. Lần duy nhất mà tôi biết, là ông đánh chị Cả, vì một lý do nào đó mà tôi không nhớ chính xác nữa. Sau đó, tôi thấy ông ôm đầu và lặng lẽ khóc một mình. Chỉ tôi biết điều này.  Càng về già, ông càng hiền. Vợ tôi cũng vần thường nói với tôi như vậy.

Và là người cách mạng rất đỗi lạc quan, dự báo chính xác.

Bố tôi rất đỗi lạc quan. Tôi còn nhớ, mỗi lần tôi đưa bố tôi từ Hà Nội về quê, cứ đến đoạn Từ Sơn-Chợ Chờ, lúc đó còn là đường đất đỏ, mỗi bận mưa, đất dẻo quánh, không đi xe đạp được, đành phải dắt bộ, ông thường nói: " Nay mai con đường này chắc chắn sẽ được trải nhựa, thẳng tít tắp đến nhà".

Nhà tôi ở giữa làng (hồi xưa nhà ở giữa làng thường là nhà của những nhà khá giả), ngõ hẹp, nhỏ. Cứ về đến làng bố tôi lại bảo: “ Nay mai, ô tô sẽ vào tận nhà, qua đường sau vườn nhà mình”. Thực lòng, trong bụng tôi lúc đó nghĩ: ông lạc quan quá, nhưng không dám cãi. Bây giờ thì điều đó tất cả đã trở thành sự thực. Tôi là con ông, được đào tạo ở nước ngoài về, mà không nhìn xa được như ông.

Tôi còn có thể viết rất nhiều điều về bố tôi nữa. Nhưng có lẽ, tôi sẽ làm điều đó trong một cuốn sách về gia đình mà tôi sẽ viết sau này, khi có nhiều thời gian hơn. Đây chỉ là những cảm xúc bất chợt, bống nhiên ùa về khi tôi ngắm nhìn bức ảnh bố tôi đang hút thuốc lào. Một khoảnh khắc tuyệt đẹp của bố tôi. Tôi viết liền một mạch, không chỉnh sửa gì nhiều, nếu có gì thiểu sót, mong mọi người thông cảm.

Lưu Vạn Kha (Sáng 23/10/2014)







  















   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét