|
Truyện ngắn của Dạ Ngân
Cỗ xe mười hai chỗ thả bà bên
chiếc cầu treo bắc qua sông Ngàn Phố. Người phụ nữ chủ xe lướt nhìn vẻ
thị thành của bà: “Cô bị chung thân, nhỉ? Xã nhà chú ấy mãi trong rú kia,
chim kêu vượn hú, cô ơi!” Còn phải nói! Bà ngao ngán nghĩ thầm. Mình dân đất
thần kinh, nơi mọi người đổ về như sông ngòi với biển cả. Bà không một ngày
làm dâu nhưng quê chồng vẫn là nơi, không biết nói thế nào đúng. Bà hay tìm
chữ để định nghĩa sự day dứt đó nhưng luôn thấy bất an, không nỡ.
Chiều sẫm. Sương đùn lên từ
những lùm cây. Khí núi xộc vào khứu giác và xộc vào tận tâm can. Bốn mươi năm
chồng vợ, bà theo ông về quê ba lần, ít ỏi thật, vô tâm thật. Nhưng mọi việc
nào có giản đơn. Lần thứ tư này thì đi một mình, không tự nguyện cũng không
ra bắt buộc, giống một cuộc rượt đuổi. Về già Tolstoi cũng đâm chán tất nên
mới chết còng queo ở một ga xép, còn ông, ông đồ gàn dở của bà có đúng là
“chán cả Hà Nội” như từng ta thán, hay ông đang là một trự cóc già đang muốn
quay đầu về đất tổ?
Khớp chân của người đàn bà ngoại
lục tuần giống hệt chiếc cầu treo này.Trông xa chiếc cầu có vẻ hay hay nhưng
khi đặt chân lên thì e ngại làm sao. Dây văng của rừng và gỗ cũng từ rừng,
ông đã kể không biết bao nhiêu lần với nhà vợ và con cái về chiếc cầu làm nên
dấu ấn miền núi của quê choa. Tuần trăng mật năm sáu mươi sáu ấy, lần đầu
tiên “theo anh ta thì về ấy”, khi hai người nhảy xuống từ một chiếc xe đạp
ông mượn ở ga Vinh và đối mặt với chiếc cầu treo, cô vợ thất sắc, không ngờ,
thấy như bị chơi khăm. “Anh dân miền núi, ư?” Người chồng cười ngất, sảng
khoái, tự đắc: “Miền núi thì sao nào?” Cô vợ nghe như mình vừa vấp một hạt
sạn, hạt sạn đầu tiên trong cuộc hôn nhân của mình. Miền núi thì đã sao, ông
không là người Hà Nội nên ông không thấy những cách biệt. Miền núi thì đã
sao, bà tự trách mình, bà dốt môn địa lý, hay vì bà ưa thi vị hóa bởi thuộc
nhiều Xuân Diệu và Huy Cận, hay vì ông quá trắng sáng với những ý nghĩa đẹp
nhất của từ này, lúc đó?
Bà bước chầm chậm, không thể không
dừng ở giữa cầu. Ngàn Trươi rồi Ngàn Sâu, Ngàn Phố. Cái chữ Ngàn nó hiển hiện
ở những cây sao ven đường mà ba lần trước bà không mấy để ý. Truông và ngàn,
thung thổ và tâm tính con người, bà sống với điều đó ngần ấy năm mà lúc nào
cũng thấy mình “truông ngàn” với nó. Gay gắt, chói rát, quyết liệt? Gì nữa,
không phải không còn gì thêm ngoài những cá tính ấy. Nếu chỉ có như vậy thì
hẳn bà đã tháo ra và đã không có cuộc rượt đuổi này. Bà nhắm mắt để ghé
xuống, một hồi mới dám mở mắt ra. Mùa lũ đã qua lâu, nước đang rất
thấp, lòng sông giống một dải lụa rập rờn. Lần về thứ hai năm bảy mươi sáu
ấy, ông đã bỏ lại bà giữa cầu để một mình chạy bay sang bên kia rồi phóng
từng bước một. Như một cậu học trò về hè, hấp tấp với áo sống, thoắt cái ông
đã quần đùi lao xuống. Sãi trong nước như một con cá về nguồn, ông u oa một
hơi dài và vẫy tay tình tứ với bà. Những hạt sạn của chuyến đó nảy ra vào lúc
khác và chúng ở lại trong ký ức bà, nhưng hình ảnh tinh nghịch của ông cũng
đã ở lại và nó đang trồi lên, chói sáng, không gì lấn át được. Bà như nghe
thấy rõ mùi chồng sau cữ tắm bốc đồng hôm ấy, mùi của nước sông, của thịt da
trai tráng và mùi của niềm hân hoan mãn nguyện vì có cô vợ cùng đứng giữa
mảnh đất mà ông hằng tôn quý.
Rời cầu, bà đi men theo con đường
độc đạo trải đá dăm. Hồi bà về lần thứ ba, đường chưa rục rịch bê tông, đất
núi trồi lên trên đá hộc. Nay nền đường đã xong, bụi mù lên mỗi khi có xe máy
lướt qua. Ruộng ngô và ruộng lạc, giống lạc nhỏ ri ri gọi là lạc sen làm nên
thứ kẹo cu-đơ ngồ ngộ của vùng này. Những khóm rau lấp ló trong khuôn viên
rào và những bụi khoai mỡ mà ông hay ca ngợi với món thịt dê gia truyền của
bà Chắc gì đó. Gì cũng nhất, mở miệng ra là con cá lá rau tình người đều nhất
nhưng người đỗ đạc thì không chịu quay về. Mỗi khi bà đã nói toạc ra với ông
ý nghĩ ấy, ông thường cau mày không chấp và quay sang mô tả gió Lào để bà tự
hiểu. Đây rồi những khóm tre bảo vệ của từng nhà, thứ tre mà ông bảo đã cứa
vào nhau trong gió ngày hè và tự phát hỏa. Thảo nào! Thảo nào cái gì? Ông lừ
khừ đay lại. Bà ý tứ làm thinh, nếu bà nói thêm về cái tính hay phát hỏa thì
giữa hai người sẽ có âm thanh súng ống chứ không chỉ là sự va chạm của những
hạt sạn. Bà chỉ khẽ hừ: “Chính ông bạn thân của ông đã tổng kết rồi đấy!”
“Tổng kết sao, hử?” “Hừ, người Nghệ Tĩnh nhà ông thì gì cũng biết, trừ hạnh
phúc!”. Không hiểu sao cả hai đều bật cười khi câu nói ấy được bật ra. Thấm
thía nhưng vẫn buồn cười. Giỏi, ông khen bạn mình giỏi và bà cũng thấy một
trong đặc điểm của người Nghệ là rất biết tự trào. “Như người Gabrovo, tự
trào là sức mạnh!” – ông đế thêm. Trông ông khi ấy giống một quả tên lửa trên
bệ phóng, hung hăng, hãnh diện và nguy hiểm.
Một
người phụ nữ gánh hai bó cành sim đi từ trong núi ra, nhìn bà tò mò như thể
gặp người nước khác. Đầu trần, khăn trễ xuống vai, chân cũng để trần, người
ấy để lộ ra nước da trắng trẻo của dân truông ngàn. Làn da không bắt nắng của
phụ nữ quê ông từng khiến bà thán phục và dĩ nhiên, với ông, đó là đề tài say
mê, tự hào, bất tận. Nhất da nhì dáng, ông bảo gái Hà Nội của bà được cả da
và dáng nhưng vẫn chưa đủ. Bà không hay gạn và cãi nữa nhưng bà biết mình
thiếu cái mà ông gọi là “chưa đủ” ấy, đó là sự cố kết dòng họ và sự xả thân
của một nàng dâu chứ không phải là sự tỉa tót văn hoa mực thước và lau chùi.
Ông ghét nhất bà cái điểm hay lau chùi và nếu ông đang uống nước mà bà lăm
lăm cái giẻ lau thì ông đặt ấm chén xuống rồi đứng lên bỏ ngay vào thư phòng.
Bà nhận thấy lòng bà đã bận rộn về
ông nhiều hơn, rất nhiều, khi chân đã đặt lên vùng đất mà có chối bỏ thì cũng
là quê chồng của bà. Nó cho khí núi trong thịt da con gái và cho tiết tháo
trong cốt cách con trai bà. Còn mong muốn nào hơn! Lại một gánh sim nữa lướt
qua, bà đứng lại hỏi, người phụ nữ cũng lịch sự đứng lại để trả lời. Thì ra ở
đây người ta không còn củi để đun nấu mà đã phải cậy đến cây sim. Lại một phụ
nữ gánh dây khoai đi trong ráng chiều, thong dong như múa. Bà suýt bật cười,
lần về thứ hai sau năm Bảy Lăm ấy ông đã đưa bà ra đồng vào sáng sớm, khi
sương còn làm khuất mặt người. Bà không quen, bà không thể quen được chuyện
đó trong ruộng ngô và đã bước ra, vùng vằng. Khi ấy ông còn trẻ, ông chỉ khẽ
cười: “Phố cổ nhà cô thì toa-lét công cộng, hơn gì so với ruộng ngô?” Bà
không tranh luận, bà chỉ hít lấy hít để mùi sương sớm mùa khô và tối đó, một
mình bà đã tìm ra đám khoai lang của vườn nhà đứa cháu chồng để “giải quyết
trọn gói” cho cả chuyến đi. Lần thứ ba thì bà đã đứng tuổi, hay có vấn đề với
hệ thống tiêu hóa và ông cũng không còn tươi trẻ để chiều vợ bằng cách giúp
bà ra ruộng ngô vào sáng sớm nữa. Hai chục năm chứ ít gì, nhà ông anh trưởng
vẫn cái hố xí tum hum giữa vườn, biết em dâu ưa kín đáo, ông anh vác ra một
tấm ván kê sau chuồng lợn, chung quanh um tùm những bụi dứa gai. Bụng dạ của
bà đây đẩy với món thịt dê và bà đã cắn răng ngồi lên tấm ván đó sau vách
chuồng. Bầy lợn ộc ộc bên cạnh, khung cảnh đó ám ảnh bà, hãi hùng, cho đến
tận bây giờ. Từ ấy đến nay cũng đã mười lăm năm nữa. Ông anh và bà chị đều đã
mất, chồng bà cũng ít khi nhắc chuyện bản quán với cô vợ theo ông, chỉ có mỗi
đặc điểm “Hà Nội gốc” để làm điều với nhà chồng.
Trời tối sập. Nhà nhà sáng điện nhưng đèn đường thì không. Sáng sớm nay
con gái ở Mỹ Đình còn hỏi vặn trên điện thoại: “Mẹ chắc không, mẹ có chắc
không?” Nó gặng về chuyện đi đường, chuyện tìm về và cả chuyện ông bà sẽ chạm
mặt ra sao. Trước khi đi bà mở email và đọc thấy thư của con trai từ Đức:
Đúng rồi, tốt lắm. Mẹ đi là tuyệt. Rồi bố sẽ ra theo, mẹ hãy tin như thế. Con
gái đặt vé hai chiều, dịch vụ đón và trả tận nhà, dĩ nhiên lượt về là hai
chỗ. Chu tất vậy mà vẫn còn phải gặng mẹ chắc không? Nhà độc một phòng, sách
thở hết cả không khí nhưng được cái muốn đi là chỉ cần bấm khóa, nhẹ tênh.
Mấy tháng nay nhà tịnh như chùa, laptop nguyên trên bàn của ông, điện thoại
di động đặt chồng lên, ngay ngắn khác thường và cũng nhiều chủ ý một cách
khác thường. Tôi để lại bà với cái Hà Nội phình to nhất nhì hành tinh của bà.
Thế đấy, dằn dỗi, giận cá chém thớt. Ông định biến khỏi đời bà và biến khỏi
mặt đất này bằng cách đó hay sao? Vẫn như trước, từ khắp nơi, những cú gọi
đến bằng tiếng Pháp thì bà trả lời tàm tạm, tiếng Anh hay tiếng Nga là bà
chào thua. Có hôm hàng mấy người nước ngoài đứng chực ở chân cầu thang để
mong giáo sư tiếp cho. Nói ông về quê, họ quay đi, hôm sau lại đến, không mỏi
mệt. Họ làm cho sự hiện diện của ông trong căn hộ có một thứ giá trị mà bà
chưa từng biết hết. Không còn những trận khẩu chiến với bạn bè ở salon, không
còn tiếng lục cục nửa đêm trong thư phòng, không còn tiếng khạc nhổ ầm ĩ ngày
hai cữ sáng tối ở lavabô, hóa ra không còn mọi thứ khiến căn nhà chật cứng
lên thì cuộc sống cũng không thuộc về bà nữa. Ông đã mang đi tất cả, trừ Hà
Nội, như ông nói. Nhưng mà Hà Nội cũng đâu còn là của bà và những người như
bà nữa.
Bà bắt đầu thấy bối rối với chạng
vạng. Kỷ niệm mách bảo cứ bước, đường đi trong miệng chứ ở đâu. Hồi trước hay
có xe trâu, mỏi chân xin quá giang cũng tiện. Bây giờ xe máy thỉnh thoảng
lướt qua mà không thấy có xe ôm như Hà Nội của bà. Một chiếc xe máy vừa đi
vừa rống từ hướng ngược chiều, mùi ống pô khét lẹt. Vậy rồi nó dừng sững bên
bà: “Mự phải không? Chú bảo cháu đi đón mự nì. Đoạn bên trong mới đổ đất,
nhớp lắm, không đi nhanh được, mự thông cảm nghe!” Ơi trời! Ông đã lại đi
trước bà một bước, cả trong chuyện dàn hòa. Ghê gớm chưa? Nó là con trai anh
trưởng, đang ôm nhà thờ họ. Chắc con gái và cả con trai bà đã tin cho bố nó,
nhưng tin bằng cách nào mới được chứ. Người thanh niên vừa quay đầu xe vừa
liến thoắng: “Cháu mắc điện thoại lâu rồi chứ mự. Rất nhiều nhà có điện thoại
bàn, còn mô-bai thì đã rộ!” Bà ngồi lên khấp khởi. Không còn tỏ mặt để thấy
đứa cháu chồng có tự nhiên với bà hay không nhưng nghe giọng nói thì biết
người quê không chấp nhặt. Nó là đứa thi thoảng lui tới nhà bà khi thì túi
lạc nguyên, khi chục kẹo cu-đơ, khi thì lọ nhút mít. Một lần bà ý tứ: “Mai
kia cháu nên đưa lạc bóc vỏ cho gọn!”. Nó mau mắn: “Chú thích lạc nguyên mà
mự!” Bà nghiêm giọng: “Ừ, thì chú của cháu thích nhưng phải có người chịu
nóng bên lửa để rang giòn thứ lạc này chứ!” Nó ngượng ngùng và như hiểu ra.
Từ bấy đến nay nó không ra Hà Nội lần nào nữa nhưng kẹo cu-đơ và món nhút vẫn
có mặt thường xuyên từ ai đó. Kẹo bánh xe – từ của bà cho nó thanh tao – thì
ông ăn vài bữa cùng với đám bạn nhà Nghệ ồn ào của ông. Riêng món nhút, bà
đẩy vào tủ lạnh nhưng cái mùi của nó vẫn nhắc nhở bà, ít lâu bà đưa nó vào
hốc bếp và ít lâu nữa, số phận của nó đã được định đoạt trong thùng rác. Có
một gia đình vợ chồng đều dân Nghệ hay réo ông tới vì món canh nhút cá quả
nhưng không lần nào bà đi cùng, bà không chịu được và nếu bà tưởng tượng thêm
và nói toạc ra thì có khi hai người đã phải kéo nhau ra tòa vì món nhút!
Đường với xá. Đất ướt dồn thành
sống trâu ở những chỗ người ta phải thụt chân vào giúp xe nhích lên. Nếu bà
phải đi bộ thì chắc bà sẽ quỵ xuống và khóc hức lên với quãng đường nhoe
nhoét tối om này. Bà muốn nói vào lưng đứa cháu chồng những lời cảm động thực
sự nhưng sợ cho cái lưỡi bởi những cú chồm của con “chiến mã” đường núi. Rồi
cũng qua. Đứa cháu tỏ ý được nghỉ cho xe nguội máy. Tiếng một ông già vang
lên trong bóng tối: “Đi đón mự Hà Nội hỉ? Mự đi đường có mệt không?” Bà trả
lời lễ phép, hạnh phúc mơ hồ. Đợi người đó đi hẳn, đứa cháu nói nhỏ: “Ngày
trước bố mẹ ông ấy làm lão bộc cho ông nhà mình. Thời cải cách ruộng đất, họ
đấu hung lắm. Giờ vẫn hoàn nghèo, rất mực lễ phép mỗi khi chú về. Họ biết tin
mự về đấy!” Câu chuyện dọc đường với đứa cháu bỗng dưng chen vào chuyện thời
thế bể dâu và vì sao chồng bà nặng lòng với cuốn hồi ký mà ông từng bảo phải
viết ra thì chết mới nhắm mắt được.
Mọi thứ đã khác xưa quá nhiều. Gian
bái đường được chính chồng bà đi chuộc lại từ một người cốt cán hồi cải cách
ruộng đất, nó đã tôn vẻ bề thế của khu nhà thờ lên cùng với lịch sử. Ông bước
từ trong ra, hao gầy nhưng bao dung, tươi sáng. Đứa cháu dâu cùng với ba đứa
con của cô nàng ùa ra, vây quanh, ồn ả. Ông đưa bà vào gian trong thắp hương,
giọng nói thì gượng gạo nhưng điệu bộ lại lăng xăng, trai trẻ. Con cá đang ở
trong lạch trong trấp quê nhà đây mà. Bà nghe thấy mùi lạc rang nguyên vỏ
trên lửa tận dưới nhà ngang. Sau đó, đích thân ông bật đèn cho bà mắc quần áo
lên nhà tắm và hào hển khoe: “Không cần ruộng ngô với rẩy khoai lang nữa.
Toa-lét tự hoại sát tường đây này!” Nghe tiếng ông càu nhàu thằng cháu mua
trâu không mua nổi dây vàm, làm phòng tắm mà tiếc chi cái cửa gỗ để phải treo
tấm nilon, tệ quá. Lại nghe ông hỏi cháu dâu tối nay đãi gì, ừ cháo gà thì
được chứ đừng canh nhút, mự chúng mày chết khiếp cái mùi nhút mít! Ông trở ra
với bà, ấm nước nóng và một cái chậu để pha. “Nước giếng ở đây mát lành nên
da người rất mịn. Anh thích tắm suông” Bà lúng túng như hồi trăng mật nhưng
vẫn muốn kê kích ông về cái nhất của nước giếng. Thôi, cái gì đã thành thuộc
tính và thói quen thì miễn bàn. Ông bê nước giếng kéo từ guồng lên pha một
chậu ấm cho vợ. Bà nghe thấy hơi thở, mùi da, mùi chồng, quen thuộc, đằm thắm
và rạo rực. Đã lâu, đã quá lâu mới có lại cảm giác này, bất ngờ và chếnh
choáng, không yên. Bà chủ động ghé xuống hít nhẹ vào vành tai ông, ngượng
ngùng, ấp úng.
Những ngày ấy mới thực là trăng
mật. Ông đưa bà lên núi với tổ tiên, đi loanh quanh khắp vùng và đi lại với
đám ruộng ngô rồi cùng cười ngất ngất như một đôi trẻ. Chuyến về, xe đứa cháu
kẹp ba lên thị trấn để ông bà theo đôi vé mà con gái đã đặt cho. Chiếc xe
mười hai chỗ khá mới nhưng chưa tới Vinh thì xe bỗng mất điện. Trăng đầy, một
đêm trăng hữu tình may mắn, kỳ lạ. Gã trai tài xế liều lĩnh cho xe chạy thầm
dưới trăng, như thể xe đi Trường Sơn hồi đó. Ban đầu thì sợ, sau chính bà
cũng bốc lên, hát vang những bài ca năm xưa cùng với mọi người. Ông nắm lấy
tay bà, tay trong tay, ánh mắt rạng ngời, quả quyết. Hà Nội đã lại có ông,
chắc chắn chuyến đi sẽ an toàn để Hà Nội sẽ có lại ông. Một ý nghĩ khiến bà
thấy hởi cả lòng, chính những viên ngọc như ông đã làm cho Hà Nội nặng hơn,
sáng hơn và hấp dẫn hơn – đúng thế, Hà Nội của ông của bà nhưng Hà Nội không
riêng của ai cả.
D.N
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét