Menu ngang

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

        Chuyện một người Nghệ “khát” tiếng Việt.
  
          .                                                                                 
.                                                                                GIAO HƯỞNG

Gần 60 năm sống làm việc trong môi trường không sử dụng tiếng Việt, vốn Việt ngữ Bùi Lý Lệ Tân mang theo từ tuổi trăng tròn cũng bị vơi dần. Vậy mà vào ngưỡng “thất thập”, bà viết hằng ngàn trang sách bằng tiếng mẹ đẻ, được Nxb Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành. Với nỗ lực tuyệt vời này, người con gái  xứ Nghệ xa quê đã góp phần vào việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy tiếng Việt-một giá trị đã thành quốc bảo thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
BÀ LỆ TÂN  SITEK TẠI BUỔI GIỚI THIỆU SÁCH


  NHÀ THƠ VŨ AN, 80 TUỔI, HỒI TƯỞNG KỶ NIỆM THỜI BẠN HỌC VỚI BÀ LỆ TÂN 


Lệ Tân Sitek

Được Thư viện Nghệ An mời dự buổi giới thiệu 2 cuốn sách Một mình trên đườngNgã ba đường, của tác giả Lệ Tân Sitek, tôi xen giữa các bạn đồng môn từ thời trường làng, trưởng huyện với tác giả, để theo các ông các bà rạch luồng về mấy mươi năm trước, mới hay, Lệ Tân Sitek là con đầu lòng của cặp vợ chồng-chiến sỹ cách mạng tiền bối. Bố quê làng Phổ Đông, xã Nam Kim (nay là xã Nam Cường), huyện Nam Đàn. Mẹ là nữ chiến sỹ tình báo đầu tiên của nước ta, quê làng Phan, tổng Thông Lạng, (nay là xã Hưng Tân), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Lệ Tân cũng có hai cái mà con người ta không được quyền lựa chọn, đó là cha mẹ và nơi sinh. Bà sinh tại Trung Quốc, 10 năm ở  quê Nghệ, tuổi trăng tròn đã rời Việt Nam. Sau 12 năm du học Ba Lan, từ 1967 bà cùng chồng người Ba Lan định cư  ở Na Uy, lấy chồng mang họ chồng mà thành Lệ Tân Sitek. 
Đến Ba Lan bà được/bị phân công học ngành đóng tàu, thời gian này bà âm thầm tạt ngang học thêm ngành Kiến trúc, rồi ở lại trời Âu “nhất thân vinh” với nghề Kiến trúc. Hiềm nỗi, sống làm việc trong môi trường không sử dụng tiếng Việt, bà “khát” tiếng Việt như ruộng Nghệ bị hạn khát mưa. Vào ngưỡng “thất thập” bà vẫn chuyên tu tiếng Việt để viết nên hằng ngàn trang sách bằng tiếng Việt. Một nộ lực trên cả tuyệt vời của “cây bút tay trái”.
 Bút hiệu Lệ Tân Sitek nghe vừa ta vừa tây, tôi cảm nhận dường như chẳng ăn nhập gì với nỗi buồn sâu thẳm, mà theo thời gian đã hằn in trên gương mặt phúc hậu của bà. Sinh ở nước ngoài sống ở nước ngoài, nhưng đất tổ quê cha luôn hiện hữu,thiêng liêng trong máu thịt, nên có mặt ở bất kỳ đâu ngoài lạnh thổ nước Việt, khi phải giới thiệu về mình bà luôn tự hào là người gốc Việt, quê Nghệ địa sinh linh nhân kiệt với truyền thống hiếu học hiếu trung đã thành thương hiệu xưa nay. Bà nhớ lại, đang viết bổng thấy hụt hơi, suýt “chết” giữa “phong ba bão táp” tiếng Việt. Vội điện thoại, email về nước cầu cứu bạn bè, tỷ như khi nào thì dùng “dờ trên” (d), khi nào dùng “giờ dưới” (g); nghe giọng đọc vùng Kinh Bắc làm sao phân biệt được “ch” với “tr”, “ét sờ, ét xì” (s) với “ít xờ,ít xì” (x)...vv....Nhìn bà cẩn thận, nắn nót từng nét, từng dấu thanh điệu để kết nên lưu bút ở trang đầu từng bản sách: Tặng.... 26.04.2013. Nhân buổi giới thiệu sách. Lệ Tân Sitek, bỗng nghĩ, việc làm của người con suốt đời xa quê đã góp phần thiết thực giữ gìn, bảo vệ, phát huy tiếng Việt.  

Trong khi các tên tuổi của giới phê bình văn học sơ quát nội dung 2 cuốn sách, thì “ngoại đạo” là tôi lại miên man ruỗi theo suy nghĩ: Để cảm nhận một cách tự nhiên nụ cười, nước mắt của bé An sớm mồ côi cha, xa mẹ, 10 năm về sống với bà nội ở làng quê (cuốn Một mình trên đường), việc đầu tiên tôi lùng tìm là những “gạch đầu dòng” về gia cảnh, về cuộc đời cách mạng phong phú của cặp vợ chồng đã sinh ra người phụ nữ khát tiếng Việt này.

Bố là Bùi Hải Thiệu (1908-1945) 
                               
Là con trưởng của gia đình có 4 người con trai, thì cả 4 người đều tham gia cách mạng, năm 1929 ông Bùi Hải Thiệu bị Pháp bắt giam tại nhà lao Vinh. Ông vượt ngục trốn sang Quảng Châu, Trung Quốc, đổi tên là Lý Quốc Lương, tổ chức Đảng hải ngoại gửi ông vào học trường Hoàng Phố. Ra trường ông được tổ chức phân công làm việc tại Quảng Châu, rồi làm tuyên truyền địch vận ở Hán Khẩu gần biên giới Trung-Việt. Bị địch theo dõi, tổ chức rút ông rời Hán Khẩu sang Hồng Kông. Tại Hồng Kông ông gặp Lý Sâm (tức Nguyễn Thị Tích) liên lạc cho Ban cán sự Đảng hải ngoại. Thời gian sau ông bị địch bắt đưa về giam tại Quảng Châu. Ngày 27/11/1931 vì không đủ chứng cớ buộc tội địch phải thả ông ra.
Giữa tháng 11/1932, ông cùng Lê Quốc Vọng (tức Lê  Thiết Hùng sau này), Cao Văn Bình sang Nhật. Việc các chiến sĩ cách mạng Việt Nam xuất hiện tại Nhật khiến Pháp lo ngại, Đại sứ Pháp ở Tokyo gửi công văn tới Bộ ngoại giao Nhật đề nghị phối hợp điều tra. Gần đây các chuyên gia Việt Nam nghiên cứu về quan hệ Việt-Nhật, đã tìm thấy “Phiếu tình báo” lưu trong văn khố Bộ Ngoại giao Nhật Bản, về việc tiếp xúc  giữa Lê  Quốc Vọng, Bùi Hải Thiệu, Cao Văn Bình, với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để  tại Tokyo. Tài liệu này do an ninh Pháp ở Đông Dương lập ngày 30/01/1933 bằng tiếng Pháp, gửi nhà đương cục Nhật Bản, ghi rõ ông Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu sang Nhật.
Cường Để bị trục xuất khỏi Nhật nên Bùi Hải Thiệu chỉ lưu lại Nhật khoảng 1 tháng và lánh sang Hồng Kông, Quảng Châu. Khoảng năm 1936-1937 ông mới gặp lại Nguyễn Thị Tích, hai chiến sỹ cách mạng Việt Nam hoạt động hải ngoại đã nên duyên vợ chồng. Năm 1939 bà Tích sinh Lệ Tân tại Hồ Nam,. Đầu năm 1945 ông Bùi Hải Thiệu qua đời vì bạo bệnh tại Hồ Nam, Trung Quốc.

Mẹ là Nguyễn Thị Tích (1906-1995)

Bé Tích mới 3 tháng tuổi đã mồ côi mẹ, bố là Nguyễn Trọng Quyến “gà trống nuôi con” và hoạt động cách mạng tại quê, cụ Quyến vào Đảng CSVN từ năm 1930. Năm 1924 được cụ Quyến đồng ý, các đồng chí của cụ bí mật đưa cô Tích sang Lào học chữ, sau đó bố trí cô vào học trường "Hoa Anh học hiệu" tại Bangkok Thái Lan. Lớp học gồm Lý Tự Trọng, Lý Phương Đức, Lê Quang Đạt, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, và Nguyễn Thị Tích (bí danh Lý Tiểu Muội). Năm sau cả lớp sang Quảng Châ vào học trường Trung Sơn. Tại đây, Nguyễn Thị Tích-Lý Tiểu Muội mang thêm các bí danh Lý Sâm, Lý Phương Thuận, Lý Tâm, Lê Thị Tâm...
Tổ chức phân công Lý Sâm về Ban hải ngoại làm phiên dịch, chuyển tài liệu, sau đó cô “xin” vào làm công nhân Nhà máy Điện Kỳ (sản xuất pin đèn), tại đây cô gia nhập Đảng CS Trung Quốc. Tháng 4/1931 cô sang Hồng Kông dịch tài liệu và làm giao liên cho Việt Nam Thanh niên Cách mạng. Lúc này Nguyễn Ái Quốc mang bí danh Tống Văn Sơ. Với lý lịch mang tên Lý Phương Thuận, quê Nam Kinh, Trung Quốc-cháu gái của Tống Văn Sơ, cô được phân công giúp việc Tống Văn Sơ,.
Ngày 06/6/1931, cảnh sát Hồng Kông bao vây  trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng (nhà 186 phố Tam Lung, Hồng Kông). Tống Văn Sơ ra mở cửa: -Ông là Tống Văn Sơ? -Các ông cần gì? - Ông là Nguyễn Ái Quốc tội nhân vắng mặt ở  Đông Dương, ông bị bắt !
Phương Thuận bị bắt cùng Tống Văn Sơ. Tại phiên tòa thứ nhất (31/7/1931) xét xử Tống Văn Sơ, vì không đủ chứng cứ buộc tội nên cô được ngoại phạm. Tống Văn Sơ thừa biết, trong khởi nghĩa công xã Quảng Châu (1927), Phương Thuận đã bị địch bắt, nay dù được tại ngoại cũng khó thoát sự vây ráp của mật thám. Từ trong nhà tù Victoria (Hồng Kông), Tống Văn Sơ viết thư cho Kỳ ngoại hầu Cường Để (đang lánh nạn tại Nhật, làm Hội trưởng Duy Tân), thư giao cho Phương Thuận bí mật mang sang nhờ Cường Để giúp cô tạm trú tại Nhật.
Phương Thuận ở nhờ tại nhà Cường Để một thời gian thì Nhật-Pháp trục xuất Cường Để ra khỏi Nhật, cô phải trở lại Quảng Châu kiếm sống, và tìm cách liên lạc với tổ chức. Ở Quảng Châu vẫn không an toàn, cô lánh sang Thượng Hải xin làm công nhân nhà máy đóng giày, nhưng biết Thượng Hải sắp có biến cô đã dạt về Quế Châu và mất liên lạc với tổ chức.
Một mình xoay xở nghề bán báo nuôi thân và tìm cách bắt liên lạc với tổ chức, khoảng năm 1936-1937 tại Hồ Nam, cô gặp lại Bùi Hải Thiệu và họ nên duyên vợ chồng. Đầu năm 1945 ông Bùi Hải Thiệu qua đời vì bạo bệnh tại Hồ Nam, cuối tháng 8/1945 Phương Thuận nghe tin trong nước Tổng khởi nghĩa thành công, cô dắt hai 2 con gái cùng đứa thứ 3 đang trong bụng, rời Hồ Nam trở về Việt Nam.
Mẹ con cô về đến Hà Nội được bà Tống Minh Phương ở phố Hàng Buồm tận tình giúp đỡ. Trong nhà bà Phương treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phương Thuận ngỡ ngàng khi biết Hồ Chí Minh chính là Tống Văn Sơ, cô tìm người liên lạc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lập tức cô được đồng chí Lê Giản, Giám đốc Nha Công an Trung ương, cử người đến đón. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giới thiệu cô với đồng chí Lê Giản:
-  Đây là cô Hoàng Lệ Minh-Lý Phương Thuận, người hoạt động bí mật từng trải, có nhiều kinh nghiệm, thông thạo tiếng Trung, Pháp, Anh. Chú đang cần những cán bộ như thế để đối phó với quân Tưởng.
Từ đây dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Lung, cô trở về với tên khai sinh Nguyễn Thị Tích, làm tiếp viên tại khách sạn Thăng Long (trước ga Hàng Cỏ). “Tiếp viên” Nguyễn Thị Tích nắm được những tin quan trọng như tin quân Tưởng âm mưu bắt cóc Hồ Chí Minh tháng 12/1945; Pháp lập kế hoạch dùng Quốc dân đảng nhằm gây hấn, đảo chính, lật đổ Chính phủ ta, tháng 7/1946 (vụ Ôn Như Hầu).... Thời gian sau cô Tích tục hoàn với đồng chí Trần Lung và trọn đời hạnh phúc bên nhau. Năm 1995 nữ tình báo Nguyễn Thị Tích mất tại Hà Nội .





.





                              

          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét