Menu ngang

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

                           VỀ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA

                                                                Ký – Võ Minh

Nhân lời mời về giao lưu với Trường Trung học cơ sở Võ Văn Tần, Đức Hòa, Long An, ba anh em CCB chúng tôi Võ Minh, Bùi Quốc Huấn và anh Đinh Xuân Tục đã kết hợp tổ chức chuyến hành trình xuyên Việt để về thăm lại chiến trường xưa. Về thăm lại nơi bạn bè đang còn nằm lại. Về với những người đã một thời cưu mang chúng tôi. Về với những ký ức một thời đau thương vất vả…

            Chuyến bay của hãng Việt Jet chở chúng tôi từ Hà Nội đến thành phố Buôn Mê Thuột vào một buổi chiều cuối năm. Vừa bước xuống sân bay, cả ba chúng tôi đã được CCB Vũ Đức Tiến là Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên đang đứng đợi đón chúng tôi về.
Nghỉ lại một đêm ở nhà khách Công ty, sáng hôm sau chúng tôi ôm vô lăng  lái chiếc xe Ford Everest du lịch lên đường theo lộ trình đã định sẵn : đi dọc biên giới của các tỉnh Đăk Nông, Bình Phước, Đức Hòa (Long An), Gia Nghĩa (Đăk Nông). Đây là những vùng đất chiến trường xưa mà chúng tôi đã một thời tham chiến.
Dọc theo tuyến lộ 14, xe chúng tôi vừa mới thoát qua nơi phố xá tấp nập ồn ào đã bắt gặp ngay màu vàng rực của hoa dạ quỳ nở rộ hai bên đường, báo hiệu cho một mùa khô đang bắt đầu. Nơi xa xa kia là những triền đồi cà phê mênh mông xanh đậm ngút ngàn. Sương mù như từng dải lụa mềm trắng phau rải rác phủ nhè nhẹ trên rừng cây xanh đó, tạo nên một khung cảnh thơ mộng tuyệt vời giữa thinh không tĩnh lặng.
Là người đã từng có mặt trong những ngày tháng chiến tranh của đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, chúng tôi chứng kiến ngày đó ở dọc hai bên con đường 14 này là rừng cây cổ thụ đại ngàn bao phủ. Nếu ai đó không để ý mà vào vệ đường sâu một chút thì dễ dàng bị lạc rất khó tìm được lối ra. Thế mà giờ đây chỉ còn lại một không gian trống trải bao la nhìn đến xa xăm kia là chân trời.
Cà phê. Chỉ còn lại rừng cây cà phê đầy quả đang mọng đỏ chi chít trĩu cành. Báo hiệu cho một mùa thu hoạch bội thu. Cà phê Tây Nguyên, một thương hiệu lớn và là một niềm tự hào của dân Việt chúng ta. Vùng đất bazan cao nguyên và con người Tây Nguyên này đã làm nên một loại cà phê có chất lượng cao với vị đặc trưng và mùi thơm riêng biệt không lẫn vào với loại cà phê khác trên thế giới. Chính nhờ cây cà phê mà cái tên Tây Nguyên đã trở nên nổi tiếng, vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.
Cây cà phê Tây Nguyên không những mang lại vẻ đẹp rực rỡ riêng cho cảnh quan miền đất cao nguyên này mà còn là nguồn lợi, nguồn thu nhập chính nuôi sống hàng triệu người và làm giàu cho rất nhiều người ở vùng núi biên cương Tổ quốc thân yêu. Hàng năm sản phẩm cà phê xuất khẩu ra nước ngoài còn đem nguồn lợi hàng tỷ Đô la về cho nước nhà.
Tôi đang tĩnh tâm chầm chậm nhìn lại bao la biển trời. Mây trắng uốn lượn  hòa quyện với màu xanh đậm mênh mang, ngút ngàn của rừng cà phê. Một vẻ đẹp lung linh không dễ gì nơi nào có được. Một sức sống, một tiềm năng phát triển bền vững của nền kinh tế vùng biên. Nhưng cũng ngay tại thời điểm này, một nỗi buồn và những điều băn khoăn lại ập đến trong tôi khi chợt nghĩ đến buổi gặp gỡ chiều qua. Một doanh nghiệp nơi chúng tôi đã nghỉ lại từng được Nhà nước phong tặng “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”. Một thời,  sản lượng cà phê xuất khẩu của doanh nghiệp này đã từng đạt 20% tổng sản lượng xuất khẩu cà phê cả nước.  Thế mà mấy năm gần đây không xuất được ky lô gam nào cà phê ra ngoài.
Tôi đem băn khoăn này nói chuyện với anh Vũ Đức Tiến và nhận được ngay câu trả lời “Với kiểu cách này các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không chết là chuyện lạ. Phần lớn các doanh nghiệp khác đều đang ngắc ngoải hoặc chết lâm sàng rồi. Anh tính. Không phải ngay tại thời điểm này nữa mà cách đây mấy năm, khi doanh nghiệp đang còn lại một chút ít vốn liếng để giật gấu vá vai, tất cả mọi người trong doanh nghiệp đã gồng mình lên để chống đỡ sự sụp đổ này. Doanh nghiệp tôi cũng như các doanh nghiệp khác rất cần sự bảo hộ và hỗ trợ của Nhà nước về chính sách, về nguồn vốn. Chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo qua bao nhiêu thủ tục, qua biết bao nhiêu cầu xin, nhục nhã, vất vả gian nan. Phải may mắn lắm chúng tôi mới vay được vốn. Khi tìm được nguồn vốn về thì quả cà phê đã chín đỏ mọng khắp nơi. Dân họ không đợi được họ đã thu hoạch bán cho thương lái khác rồi. Cho dù trước đó vào những tháng đầu năm chúng tôi đã ký hợp đồng và ứng trước một ít vốn để đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu cho họ.
Đấy là tôi chưa nói đến thương lái nước ngoài đến tận đây dùng tiền mặt ở thuê dân bản địa làm đại lý mua trực tiếp người sản xuất với giá cao hơn các doanh nghiệp. Vì họ đâu có đóng thuế VAT như chúng tôi? Bởi vậy chúng tôi không chết mới là chuyện lạ”.
Xe chạy đến Đắk Min (Đăk Nông) rồi dừng lại bên cạnh nghĩa trang liệt sĩ để chúng tôi vào thắp hương viếng những người bạn còn đang nằm lại nơi đây.  Anh Tục chỉ cho chúng tôi phía xa kia là Núi Lửa, nơi một thời đồng đội tôi chiến đấu với quân đội VNCH chốt giữ cùng với mấy khẩu pháo một trăm linh năm ly đặt ở đây. Cũng chính mấy khẩu pháo này đã dội đạn mạnh mẽ xuống đầu chúng tôi. Và cũng chính nó đã cướp đi những người bạn yêu quý của tôi. Mãi cho đến bây giò các anh vẫn nằm lại trên mảnh đất Bô xít này, dù gia đình và đồng đội chúng tôi đã nhiều lần trở lại mảnh đất này tìm kiếm để mong đưa các anh về quê hương bản xứ. Nhưng may mắn tìm được các anh còn vời vợi nơi đâu.
Vẫn bám theo con lộ 14,chúng tôi bắt gặp ngã ba Đăk Song. Nếu đi thẳng thì về thị trấn Đăk Song, thị xã Gia Nghĩa... Con đường này trước năm bảy lăm là đường 8B giờ đã được đổi tên thành đường 14. Xe chúng tôi rẽ về ngã ba Tuy Đức. Đây là đường 14 cũ, hiện nay đổi sang tên 14C, cũng chính là con đường thân thuộc của chúng tôi đã giành giật từng tấc đất với QĐVNCH vào thập niên bảy mươi thế kỷ trước. Máu xương của những người lính chúng tôi đã đổ xuống nơi đây rất nhiều.
Những kỷ ức buồn tự thủa nào bỗng dưng trỗi dậy chiếm hết tâm trí chúng tôi. Ngồi bên cạnh anh Tục, tôi cứ liên tục nhắc nhở anh ta chú ý đường, tay cầm lái cho chắc. Anh Tục nói “Không hiểu sao, đến đoạn đường này lòng tôi cứ xốn xang, hồi hộp lạ lắm anh ạ! Cả người tôi cứ như run lên”.
Xe dừng lại, tôi chỉ cho mọi người biết vị trí ngày xưa chiếc xe làm đường màu vàng nằm ở kia. Hầu như không một chút chần chừ anh Tục nói: “Tôi cũng xác định đúng vị trí đó. Bởi vì tôi cũng nhiều lần qua lại nơi này”. Cho dù chiếc xe làm đường giờ không còn nữa, người tôi sao cứ thấy bồi hồi, gai gai, lâng lâng thế nào đấy. Cảm xúc này thật khó tả được thành lời. Tôi đang trở về địa điểm đã chứng kiến điều kỳ diệu giữa mong manh của sự sống và cái chết thủa nào.
Đấy là lần tôi lạc giữa rừng sâu đại ngàn mịt mù cây che chắn lối, với vết thương ở đầu đang bắt đầu hoại tử đầy giòi, qua bốn ngày phải nhịn đói nhịn khát để đấu tranh với cái chết đang treo lơ lửng trên đầu. Đã bao lần tôi muốn bỏ cuộc vì vô vọng, đau đớn, mịt mù tối tăm không tìm đâu ra lối thoát, nhưng sự sống lại trỗi dậy vang vọng trong tôi “mình phải sống để về với anh em đồng đội”. Và cứ thế tôi cứ bò trườn mãi, bò trườn mãi rồi thoát ra gặp được chiếc xe này. Nơi mà mấy tháng trước đó tôi từ ban Dân vận của trung đoàn 271 về đơn vị cơ sở nhận nhiệm vụ đã đi qua quen thuộc.  Sự sống đã đến với tôi  bất ngờ như thế!
Rừng cây cổ thụ đại ngàn giờ đây như một phép lạ đã biến đi đâu mất? Chỉ còn lại  một biển trời cây xanh bao la ngút ngàn, không có một chút gì chắn che tầm mắt, ngoài một đồi cây xanh lúp xúp xa xa. Đấy là cao điểm 904 mà ngày nào tôi đã từng chỉ huy bộ đội về đây giữ chốt. Trong một trận đánh vào hậu cứ địch, tôi đã bị thương vào đầu nên mất phương hướng, suýt chết vì bị lạc rừng.
Dọc theo đường tuần tra biên giới, xe chúng tôi chạy qua những trảng cỏ rộng lớn. Dưới lớp cỏ xanh mỏng mượt đó là những vỉa quặng Bô-xít lộ thiên. Đây là vùng tài nguyên quý hiếm của đất nước ta, nơi một thời không biết bao nhiêu đồng đội tôi đã ngã xuống nằm lại gìn giữ mảnh đất này.
Chúng tôi dừng xe vào đồn biên phòng số 9 Đăk Nông ngay sát cạnh ngã ba Tuy Đức. Thật cảm động biết bao khi hầu như các cán bộ chiến sĩ đang có mặt ở đấy ra tận cổng đón ba anh em chúng tôi về thăm lại chiến trường xưa. Nơi đây chúng tôi thông thuộc từng gốc cây ụ đất. Bằng giọng trầm ấm, anh Tục nói với mọi người đứng bao quanh: “ Không phải ở đâu xa, ngay tại nơi đây một thời đã diễn ra những trận đánh ác liệt giữa đơn vị E271 chúng tôi với quân đội VNCH. Các anh biết không? Ở bìa sân bóng bên kia đường dưới kia đã có hai người bạn đã hy sinh ngay sát cạnh tôi. Đó là liệt sĩ Bằng người Hà Nội và liệt sĩ Diên người Thanh Hóa bị đạn nhọn xuyên qua đầu…”
Đồn trưởng Ngọc với cả cuộc đời làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hầu như gắn trọn với mảnh đất vùng biên. Anh và mọi người ở đây rất hiểu từng tấc đất thấm đẫm máu xương của bao thế hệ của những người con đất Việt mới giữ được. Anh nói: “ Chúng em là thế hệ sau rất ý thức được giá trị từng tấc đất nơi biên cương của Tổ quốc mình. Nhiệm vụ chính của chúng em là bảo vệ nó. Cho dù bất cứ hoàn cảnh nào xảy ra, đơn vị chúng em vẫn làm chủ tình hình. Bởi vậy bất chấp ngày đêm gió, mưa, nắng, bão thế nào chúng em vẫn tổ chức tuần tra biên giới, cảnh giác cao độ với những thế lực có mưu đồ xâm lấn đất mình. Luôn luôn cầm chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc bình yên”.
Sau bữa cơm trưa với cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng số 9, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến đồn biên phòng Bu Pờ Răng xa xôi. Cũng như đồn số 9, ban chỉ huy đồn này đã đón tiếp chúng tôi rất chân tình và chu đáo. Đây là lần thứ hai cả ba chúng tôi lại trở về với anh em ở đây. Lần đầu, đó là vào năm 2009, khi tôi làm trưởng đoàn của hơn ba mươi CCB E271 về thăm lại chiến trường xưa. Cũng tại nơi đây tỉnh Đăk Nông đã cử các lãnh đạo ban ngành cùng với các đoàn báo chí, truyền hình đến đón chúng tôi.
Một cuộc hội ngộ lý thú giữa những người con Đăk nông với những người đã một thời chiến đấu với quân địch ở nơi đây để giành giật từng thước đất một, để rồi sau đó tiến lên giải phóng tỉnh nhà. Một cuộc gặp gỡ diễn ra ở nơi biên giới thiêng liêng xa xôi đầy xúc động, chứa chan tình nghĩa đậm đà và tình người ấm áp. Bao câu hỏi và đáp về quá khứ và hiện tại giữa chủ và khách cứ đan xen, hòa quyện vào nhau kéo dài mãi. Nếu không vì đêm quá khuya thúc giục thì tin rằng cuộc giao lưu này không biết khi nào mới tạm dừng được.
Cũng nồng nàn chân chất như cuộc gặp trước đây, nhưng lần này giữa chủ và khách vừa gặp nhau đã lao ra ôm chặt lấy nhau, gọi tên từng người một. Như những người ruột thịt bấy lâu nay xa cách vừa trở về. Khi đoàn chúng tôi vừa có mặt ở đây đúng vào thời điểm Ban chỉ huy đồn đang còn tập trung triển khai công việc ở phòng chỉ huy. Có lẽ, vi cái tình sâu nặng không gì sánh được của những người đã và đang chốt giữ mảnh đất thiêng liêng này mà đã làm các anh vi phạm cả quy chế trong giờ làm việc để ra đón chúng tôi.
Mặt trời đã chếch về hướng tây. Cái nắng vào đầu mùa khô chưa có gì gay gắt cả. Từ trên điểm cao của đồn, chúng tôi nhìn bao lơn xung quanh rừng xanh lẫn trong những dải sương trắng mênh mông chập chùng miền biên cương Tổ quốc. Một bức tranh tự nhiên hoành tráng, rộng lớn đẹp vô ngần. Tạm quên đi những ồn ào náo nhiệt nơi đô thị, chúng tôi như thấy mình may mắn khi được tận hưởng khung cảnh thiên nhiên nên thơ này. Một cảm xúc rất lạ từ đâu ở trong tôi cứ ào ạt tuôn ra. “Dưới kia là suối vắt. Đầu năm một nghìn chín trăm bảy tư tôi đã nằm điều trị vết thương trong Quân y viện dã chiến K20 ở đây”- Tôi đưa tay chỉ và nói cho mọi người biết. Ở nơi đây một thời là hậu cứ của bộ đội chúng tôi. Cả một vùng rộng lớn dưới kia tin chắc vẫn có rất nhiều người đang còn nằm lại.
“Đúng đấy! Suối này bây giờ vẫn còn nhiều vắt lắm các anh ạ. Ở dưới đó vẫn còn nhiều chứng tích của thời đó để lại. Đặc biệt là còn rất nhiều mìn cài lại. Đến bây giờ chúng em vẫn chưa có điều kiện đi dò tháo gỡ nó ra, nên lâu nay vẫn không ai dám xuống sâu dưới đó”- Đồn trưởng Tuyến nói với chúng tôi.
Mặc dù anh em trong đồn tìm mọi cách giữ chân chúng tôi nghỉ lại qua đêm để giao lưu với cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, nhưng vì đã có lịch hẹn giao lưu với đơn vị khác, nên chúng tôi đành phải xin khất với anh em lần đến thăm sau.
Ô tô chúng tôi lại tiếp tục hành trình theo đường tuần tra biên giới đi về hướng nam. Qua đồn biên phòng 12 (điểm cuối của tỉnh Đăk Nông). Được Ban chỉ huy đồn ra ngoài cổng đón và hướng dẫn chúng tôi phải thận trọng chú ý về những khúc cua, dốc đèo nguy hiểm ở phía trước, đặc biệt là tuyến đường tiếp theo thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước. Để đi qua được đường ấy các anh đã liên hệ với đồn biên phòng bạn cho phép và hỗ trợ chúng tôi suốt dọc cung đường.
       Chúng tôi đang đi trên con đường nhỏ bê tông ngoằn nghèo, hun hút. Lọt thỏm giữa rừng già Bù Gia Mập miên man các loại cây cổ thụ. Những thân cây cao, to đến mấy người ôm không xuể. Tán lá của chúng chằng chịt phủ kín ở trên đầu, cứ ngỡ như không để lọt một lỗ nào cho tia sáng của bầu trời xuyên thủng. Xe chúng tôi chạy mãi, chạy mãi không thấy một bóng người hay một con vật thoáng qua. Cả cung đường này chỉ còn lại chiếc xe và ba chúng tôi với rừng xanh vô tận.
Kia rồi! Phía trước xa kia đã xuất hiện mảng sáng của bầu trời. Xe chúng tôi đang tiến dần ra sườn dốc của bìa rừng, một không gian sáng bỗng chốc òa lên chói chang. Một biển xanh và mây trắng mênh mông của rừng núi chập chùng, đang bừng lên rực rỡ dưới ánh nắng chiều. Ba chúng tôi vội dừng lại ngỡ ngàng, thảng thốt, ngẩn ngơ đứng nhìn vẻ đẹp thuần kiết, diệu kỳ, như đang bước vào thế giới thần tiên chứa đầy huyền bí.
Cảm giác của những ngày mang vác nặng hành quân cuốc bộ, lội suối băng đèo “xẻ dọc Trường sơn…” của một thời trai trẻ bỗng tràn về trong chúng tôi. “Chuối rừng, chuối rừng! Một rừng chuối đầy hoa và quả. Giá như ở thời chúng mình mang vác nặng, đói ăn, thiếu ngủ mà gặp được rừng hoa chuối này thì hạnh phúc biết bao” Anh Huấn đưa tay chỉ về hai bên sườn dốc.
Chúng tôi đang đứng ở điểm gần tận cùng của đường biên Tổ quốc. Ngay sát kia là vùng đất của nước bạn rồi. Không gian gần như thinh lặng, cứ như đang nín thở để dõi theo về những động thái nhỏ của ba chúng tôi vừa đang hiển hiện . Bất chợt đâu đây tiếng con chim “Bắt cô trói cột” mà một thời cánh lính chúng tôi gọi “khó khăn khắc phục” vang vọng về.
 Một điều gì đó cứ bâng khuâng lởn vởn trong tâm trí, mà tôi đang cố sức trấn tĩnh để định hình nguyên cớ. Ừ đúng rồi! Biết đâu ở dưới khu rừng già bên kia, nơi đã một thời từng in dấu chân của tôi và đồng đội trong những thập niên gần cuối thế kỷ trước, khi đất nước mình còn ngập chìm trong khói lửa đạn bom. Tôi tin rằng rất nhiều người con yêu quý đất Việt vẫn còn nằm lại bên ấy. Dẫu  bấy lâu nay gia đình các anh, đồng đội và các tổ chức khác vẫn đang tập trung mọi trí lực, tiền tài để kiếm tìm, chỉ một mong đưa hết hài cốt các anh về với đất Mẹ. Nhưng không phải ai cũng được may mắn đó.
Nắng chiều miền biên cương đang dần như sẫm lại.Từ xa xa phía bên kia lại vọng về đứt đoạn từng hồi tiếng con chim đơn độc khắc khoải gọi bầy… Nhưng tất cả đều chìm vào hoang vắng. Chúng tôi lại lên xe tiếp tục hành trình đi về phía trước. Thấp thoáng phía xa ngay bên vệ đường đã xuất hiện bóng người khoác quân phục màu xanh đứng đợi. Đấy là một cán bộ đồn biên phòng Bu Cháp ra đón chúng tôi (Được sự đồng ý của chỉ huy biên phòng, đoàn chúng tôi mới được phép đi thăm suốt dọc tuyến đường tuần tra biên giới). Có lẽ, phải thực sự lên đến tận vùng biên cương xa xôi này mới hiểu hết được tình cảm vui sướng tuyệt vời, không dễ gì quên được của những người lính biên phòng thân thương dành cho bạn.
Đồn trưởng biên phòng Bu Cháp chỉ tay ra ngoài nói với chúng tôi: “Chặng đường các anh vừa đi qua, rồi còn đi tiếp nữa đến hàng chục km đều do đơn vị em và đơn vị kiểm lâm sát cạnh đây đảm nhiệm bảo vệ. Tuy vậy, chỉ một động thái nhỏ của ai đó làm tổn hại đến an ninh biên giới hay rừng cấm Quốc gia thì hai đơn vị chúng em ở đây phối hợp với nhau xử lý ngay”.
Ngập ngừng một lát đồn trưởng Bu Cháp nói tiếp: “Những người đang làm nhiệm vụ ở đây đều thương quý nhau như anh em ruột. Thật đúng như người ta thường nói: Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Tất cả mọi người ở đây đều chung một cảnh Ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân, làm việc quên tháng ngày, không có khái niệm ngày nghỉ lễ thứ bảy chủ nhật. Có lẽ ngoài nguồn lương thực và một số nhu yếu phẩm cần thiết khác phải về nhận ở hậu phương. Còn như rau xanh và các loại thịt lợn, bò, gà là do chúng em thay nhau chăn nuôi sản xuất. Các anh thấy không? Kia là khu chăn nuôi bò, lợn. Còn dọc hai bên bờ suối dưới kia là những luống rau xanh bốn mùa đủ chủng loại không thể nào tiêu thụ hết”.
 Nơi các anh đang sống và chiến đấu ở đây thật giản đơn đến lạ lùng. Đấy là những ngôi nhà cấp bốn lợp mái tôi đơn sơ nằm trên đồi cao ngay sát cạnh bìa rừng.  Ngoại trừ những khẩu súng, chiếc TV và các thiết bị truyền thông phục vụ chiến đấu, tất cả những vật dụng khác như giá súng, chiếc bàn, chiếc ghế đến cái giường nằm ở đây đều là do đôi bàn tay các anh làm ra. Theo chân các anh chúng tôi đi thăm một vòng quanh khu doanh trại, càng hiểu thêm tinh thần sẵn sàng chiến đấu và những hy sinh chịu đựng bao gian nan vất vả của những con người đang ở nơi biên cương xa xôi.
Phải nói rằng, cuộc sống nơi các anh đang ở khác đến đối lập với cuộc sống bên ngoài. Bởi nơi đây không có đất cho “cơ chế thị trường” tồn tại. Một chút nhỏ nhen, một chút bon chen đâu có dễ lọt vào trong cuộc sống thường ngày của các anh. Ở nơi đây chỉ còn lại một tình người, tình đồng đội trong vắt, sâu đậm vô cùng. Các anh đang thật sự sống đúng với tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, cùng chung một nhiệm vụ bảo vệ mảnh  đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Tạm biệt các anh chúng tôi lại lên đường về nơi đô thị. Nhưng tâm trí của ba chúng tôi vẫn còn quẩn quanh nơi những con người vừa mới gặp, chưa kịp biết hết tên. Sao mà nó níu chặt thế, không dễ gì dứt được. Ước gì những điều bất công, đảo lộn chuẩn mực đạo đức trong các mối quan hệ của xã hội hiện nay không tồn tại. Giá trị thực của con người được về đúng vị trí của nó. Lúc đó tình người nơi phú quý, phồn hoa chắc sẽ với đến được “tình người” như nơi các anh đang sống. Như “tình người” của một thời chiến tranh “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” của những người dân đi theo Đảng đã làm nên chiến thắng huy hoàng cho ngày thơ thới hôm nay.
 “Ơ có ba con lợn rừng đang chạy kia kìa !”anh Tục bỗng reo lên. Đang chìm trong những suy nghĩ miên man, sự xuất hiện đột ngột và lý thú của những con lợn rừng này như đánh thức chúng tôi trở về với thực tại. Tự nhiên một đề tài mới lạ rất xôm tụ đột ngột đến rồi cuốn hút chúng tôi tranh nhau bình luận mãi không thôi.
Rừng chiều, ánh sáng cuối ngày đã yếu ớt nhợt nhạt đang dần chìm xuống. Nhìn về phía trước vẫn chưa thấy đâu một chút le lói của tia sáng bầu trời. Cả ba chúng tôi ai nấy đều thấy lo lo,sờ sợ. Liệu mình có thoát ra khỏi rừng già khi trước khi trời tối không? Nếu như không kịp thì rủi ro dễ đến với chúng tôi, vì đây là lần đầu tiên chúng tôi đi theo tuyến đường này. Làm sao biết được phía trước còn lại bao nhiêu con dốc và độ cao, độ ngoằn nghoèo của nó. Đấy là chưa nói đến những cây rừng ken đặc luôn che  khuất tầm nhìn trước mặt . Thôi thì cứ chạy đã. Đến đâu ta tính đó.
“Kia rồi! Tôi đã nhìn được mảng trời lấp ló ở phía trước rồi!”. Tôi reo lên. Mọi người thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng trong tâm trí mình, khi mảng sáng của trời cao phía trước đang từng phút từng giây giãn dần rộng ra.
Ánh sáng điện đã bật lên trong ngôi nhà của kiểm lâm ở ngoài cửa rừng. Nhìn về nơi xa xa vùng hạ lưu thấy cả một vùng trời lấp lánh đầy sao xuất hiện. Xe chúng tôi đã bật đèn đang lao nhanh hướng về nơi đó. Đích điểm đêm nay chúng tôi sẽ nghỉ lại ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.
Với chặng đường đi còn lại chủ yếu đã được rải nhựa và rất bằng phẳng, rất vắng người và phương tiện qua lại. Những khó khăn nguy hiểm đã lùi lại phía sau chúng tôi. Phía trước bây giờ như một biển sao sa ánh đèn của những người dân bám trụ hai bên mặt đường sinh sống. Loáng thoáng phía xa kia đã xuất hiện những chiếc xe máy rồ ga chạy tới chạy lui, rồi thấp thoáng bóng những người lặng lẽ đi qua đi lại. Các quán nhậu to nhỏ ở hai bên đường đang dần xuất hiện. Tiếng cười nói oang oang của những người chúc tụng nhau ở trong đấy vọng ra. Tiếng con chó nhà ai sủa gào lên từng hồi, như cố áp đảo tiếng bập bùng của loa thùng đang phụ họa cho tiếng ca vọng cổ khê nồng lên giọng. Một vùng không gian ồn ào sống động hẳn lên.
Đi qua đập thủy điện Thác Mơ, xe chúng tôi chạy đến cầu Đắk Lung. Chính ngay nơi chân cầu này, đồng đội chúng tôi thuộc trung đoàn hai bảy một đã hy sinh nằm lại ở đây rất nhiều. Khi trung đoàn chúng tôi cùng với sư bảy của Miền tấn công quân đội VNCH để giải phóng thị xã Phước Long vào đầu mùa xuân năm một chín bảy lăm thế kỷ trước.
Lấp loáng dưới ánh đèn ở cửa vào trung tâm thị xã, một khối lớn màu đen bàng bạc tròn dài chiếm gần hết sân vườn trống vắng. Đấy là chiếc máy bay C130 của Mỹ mà anh em trong trung đoàn chúng tôi bắt sống trong trận chiến đó.  Giờ đây chiếc máy bay đã bị tháo dỡ gần hết hai cánh và các thiết bị bên trong, chỉ còn lại trơ trọi phần vỏ thân.
Dưới ánh trăng bàng bạc phía dưới kia, một biển mênh mông những ngọn đèn điện sáng lung linh trong màn sương đêm mờ ảo. Sau đó là một khối xẫm đen chắn che cả một vùng rộng lớn, mà đỉnh của nó cứ ngỡ như  đã chạm đến bầu trời cao đầy sao lấp lánh. Đấy là núi Bà Rá. Cũng tại nơi đây, các cán bộ chiến sĩ thuộc trung đoàn chúng tôi đã hy sinh rất nhiều khi tấn công đánh chiếm đỉnh cao lợi thế đó (Hiện nay ở đấy có bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ). Ở trên cao này địch đã bố trí ba khẩu đại bác 105 ly để khống chế mọi hướng tấn công của quân ta vào thị xã. Sau khi làm chủ được đỉnh cao, chúng tôi đã quay súng ngắm trực tiếp qua nòng, phóng những viên đạn dồn dập tiêu diệt các ổ đề kháng, căn cứ chỉ huy trung tâm của địch để tạo điều kiện cho bộ đội ta xông lên giải phóng dứt điểm thị xã Phước Long.
Sáng nay cả ba chúng tôi lại tiếp tục hành trình về thị xã Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Con đường nhựa bằng phẳng, rộng rãi trải suốt dọc tuyến chúng tôi đi. Đến gần trưa chúng tôi đã đến cầu Phú Cường bắc qua con sông Sài Gòn một thời oanh liệt. Con sông này là ranh giới của tỉnh Bình Dương và huyện Củ Chi thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn xuống dòng sông, nước vàng vàng ngầu đục cuồn cuộn chảy, tôi thầm hỏi đâu rồi “một dòng nước trong xanh” của những ngày chúng tôi chinh chiến?
Về đến thị xã Hậu Nghĩa, chúng tôi vào nghỉ ở nhà khách huyện ủy Đức Hòa. Vì đang giờ nghỉ trưa nên cả cơ quan hầu như chỉ có một người bảo vệ trông giữ. Nhưng chỉ sau đó có mấy phút phó bí thư huyện Võ Liêm đã có mặt vui mừng tiếp đón chúng tôi. Anh bảo: “Sau lần anh Võ Minh dẫn đoàn CCB E271 về thăm huyện nhà, cho đến bây giờ đã gần bốn năm rồi. Thời gian trôi nhanh quá! Các anh đi đường xa về đây chắc là mệt lắm. Vậy bây giờ mời các anh cứ nghỉ đi. Cuối chiều nay lãnh đạo huyện ủy, ủy ban sẽ tổ chức tiếp đón các anh. Sau đó mời các anh dự bữa cơm chiều nhé”.
Tuy cảm kích trước tấm lòng quý mến của các anh, nhưng chúng tôi vẫn quyết định lên đường luôn, vì thời gian quá ít mà chương trình còn lại rất nhiều. Chúng tôi sẽ đi thăm một số bà con cơ sở dưới các ấp, rồi thăm lại nơi một thời chúng tôi đã chiến đấu giành giật với địch từng tấc đất ở đây, nơi những đồng đội thân yêu đã ngã xuống. Và chắc chắn sẽ về thắp hương tưởng nhớ các anh ở các đài tưởng niệm liệt sĩ trên mảnh đất này.
Trên xe chúng tôi đi về ngã ba Lộc Giang có thêm hai người nữa. Đó là chị Hai Tặng, chị Tiến. Hai chị nguyên là trưởng Ban tổ chức huyện và trưởng phòng giáo dục huyện. Các chị đều là những cán bộ cơ sở ở đây mà thời chiến tranh tôi đã từng biết đến. Được các chị giúp đỡ chỉ đường nên chỉ có mấy tiếng đồng hồ ngắn ngủi, chúng tôi đã đi thăm được hầu hết các gia đình cơ sở cũ ở Lộc Giang, An Ninh Tây, An Hòa, Gò Nổi, An Thuận…
Khi đến thắp hương ở bia tưởng niệm (do CCB E271 góp tiền xây dựng) nơi sáu mươi hai anh cùng nằm chung dưới đó, chúng tôi đứng lặng đi không thốt nổi thành lời. Trên hai mắt tôi cay nhòa đẫm nước, khi nhớ về ngày địch đã đưa xe ủi vùi tất cả các anh xuống hố sâu này.
“Các anh biết không? Hàng năm vào đúng ngày giỗ các liệt sĩ ở đây, rất nhiều bà con ở địa phương đã tự động mang nhiều hoa quả, xôi gà và thức ăn ra đây thắp hương cúng các anh. Rồi cùng tổ chức ăn uống với nhau ngay bên cạnh bia tưởng niệm này”- Chị Hai Tặng nói. Vừa nghe xong anh Huấn nói nhỏ với hai chúng tôi: “Thế mới biết tình cảm người dân Nam bộ đối với những người lính chúng ta chung thủy, sắt son, đời đời bền vững không sai chút nào”.
Chúng tôi lại về thăm lại mảnh đất Gò Nổi nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Đây là căn cứ địa một thời của chúng tôi để tấn công đồn bốt địch ở ngã ba Lộc Giang và thị xã Hậu Nghĩa. Kia rồi! Vẫn còn đó hai cây duối cổ cao, to song hành. Tán lá của nó vẫn giữ màu xanh đậm như ngày nào. Vào những năm tháng chiến tranh, hai cây này là điểm chuẩn cao nhất để cho chúng tôi bò từ bờ sông lên bám trụ nơi Gò Nổi này. Và nơi đây có rất nhiều bạn bè tôi đã ngã xuống khi chiến đấu với quân địch. Ngay như dưới hai gốc duổi ở kia, nơi CCB chúng tôi dựng nhà bia tưởng niệm đã có sáu, bảy đồng đội tôi vẫn còn nằm  dưới đó.
Chúng tôi về ngã ba Lộc Giang vào thăm gia đình Tư Riêng, cô du kích ngày xưa, nhà ngay sát vệ đường. Vừa gặp được chúng tôi, vợ chồng Tư Riêng đã ôm chầm lấy, rồi nắm chặt tay nhau mà mừng mừng, tủi tủi. Nước mắt cứ thế mà trào dâng chảy dài trên má, nghẹn ngào một lúc mới thốt nên lời: “Bất ngờ quá anh Ba ơi! Các anh về đây đến thăm gia đình em mừng quá trời! Về đến đây rồi không đi đâu được nữa nghen! Ăn cơm với vợ chồng em một bữa. Nếu không thì tụi em giận đấy! Em sẽ gọi điện ngay cho Tư Bòi và Năm Mòi đến ngay. Hai chị em cô ấy mà biết được các anh về đây không được gặp là giận dữ đó nghen!”. Thế là chúng tôi đành điện lại cho Phó bí thư huyện ủy Võ Liêm xin lỡ hẹn về bữa cơm tối chiều nay.
Do ngày hôm qua cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi và lãnh đạo huyện nhà không thực hiện được, nên sáng nay, tuy chưa đến giờ làm việc Bí thư huyện Phan Liêm đã chủ động đến gặp chúng tôi rồi. Với con người mộc mạc, chân chất, bộc trực rất Nam bộ của anh, chưa kịp dứt màn chào hỏi anh đã nói như ra lệnh: “Bây giờ mời các anh ăn sáng với lãnh đạo huyện chúng em đã. Mà trong lúc ăn em sẽ nói nhiều chuyện vui của huyện nhà cho các anh biết”.
Bí thư và Phó bí huyện Phan Liêm, Võ Liêm với Chủ tịch huyện Võ Thị Tuyết cùng những người là trưởng các Ban ngành đón tiếp chúng tôi như những người thân ruột thịt từ nơi xa trở về. Những chuyện ngày xưa và hôm nay cứ bàn tán râm ran mãi. “Các anh biết không? Dự án mở rộng và trải nhựa con đường từ đường 10 đến bến đò Đức Huệ ở sông Vàm Cỏ Đông đi bên cạnh Gò Nổi đã được ở trên cấp vốn thi công. Nhân tiện đây chúng em sẽ mở rộng và trải nhựa luôn đoạn gần một trăm mét đến cổng khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ”- Bí thư huyện Phan Liêm nói. Biết thời gian vào giờ làm việc đang đến sát nút, nên anh không dừng mà nói tiếp: “Thay mặt  Huyện ủy và Ủy ban em rất cảm ơn các anh đã vượt qua hàng nghìn cây số về đây nói chuyện truyền thống với thầy trò trường phổ thông Võ Văn Tần. Em rất muốn tham dự cuộc nói chuyện này, nhưng vì đang còn triển khai, phổ biến về Nghị quyết của Trung ương Đảng vừa ban hành cho các Đảng bộ trong huyện nên không thể đến được. Lãnh đạo Huyện ủy đã cử các đồng chí Phó chủ tịch huyện, Trưởng ban Tuyên giáo, Hội trưởng Phụ nữ, Bí thư huyện đoàn, Trường phòng giáo dục huyện… tháp tùng và tham dự cùng các anh về dự buổi giao lưu này”.
            Đoàn chúng tôi vừa vào trong cổng Trường PTCS Võ Văn Tần đã thấy rất đông các thầy trò trong trường đang vui mừng đứng đợi. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùm Anh cùng các thầy cô khác dẫn chúng tôi về phòng truyền thống của trường để giới thiệu. Qua những cuộc trao đổi trò chuyện, qua những hiện vật đang lưu bày ở đây, chúng tôi mới hiểu thêm về những truyền thống lâu đời và những thành tích vẻ vang qua các thời kỳ của các thầy cô và học sinh của trường, trong sự nghiệp “trồng người” dạy và học. Đặc biệt trường còn có một vinh dự rất lớn : Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng là thầy giáo dạy tại đây.
Chúng tôi lại được mời sang bên hội trường, nơi rất đông các thầy cô và học sinh đang tập trung chờ cuộc giao lưu mong đợi. Khi đoàn vừa xuất hiện thì mọi người ở bên trong đã đứng sẵn, vỗ tay hân hoan vui mừng chào đón.
            Mọi người muốn tôi nói thêm về những điều lý thú và khốc liệt của cuộc chiến tranh mà tôi đã viết trong tác phẩm CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ. Nhưng tôi đã nói với mọi người đang có mặt về những điều mà chưa được đưa vào trang sách nào. Đó là những người bạn đồng trang lứa với tôi. Về một thế hệ vàng mà chúng tôi thường nói: “sinh ra trong thời kỳ chống Pháp, mất mát lớn trong thời kỳ chống Mỹ”. Một thời kỳ mà những người mẹ, người cha đã từng chịu bao đau khổ vất vả gian nan, phải chống đỡ chiến tranh, đội mưa nắng đạn bom, chịu đói quanh năm, chắt chiu từng hạt gạo để gửi ra chiến trường, nhưng vẫn nuôi dạy những đứa con khôn lớn về Đức, Tài, Trí, Dũng  vẹn toàn. Rồi chính những người cha, người mẹ ấy lại nuốt những nỗi đau thắt ruột vào trong để tiễn đưa chúng lên đường vào nơi bom đạn.
            Tôi nói về giờ học cuối cùng ở Trường phổ thông cấp 3 Nghi Lộc 1 của tôi và bạn bè trước ngày lên đường ra trận, về niềm nuối tiếc khôn nguôi của giây phút cuối cùng kết thúc giờ học này là chúng tôi phải xa nó. Tôi nói về những hy vọng, ước ao được quay trở về học tiếp trong mọi người chúng tôi, tuy rằng ai cũng hiểu đấy là điều mong manh như bong bóng xà phòng khó giữ.
            Có một câu chuyện day dứt trong tôi mãi không nguôi. Đó là lần chia tay cuối cùng giữa tôi và Trần Ngọc Nam trên mảnh đất chiến trường miền Đông nam bộ, để đi vào những trận đánh cam go và ác liệt với địch, biết bao giờ mới kết thúc. “Minh này! Giá như mình không nhầm dấu dương sang âm ở buổi học cuối cùng ấy thì bài toán đã có kết quả đúng rồi…”- Nam nuối tiếc nói với tôi. Rồi chỉ mấy tháng sau đó, anh đã hy sinh anh dũng trong một cuộc chiến không cân sức giữa ta và địch, ngay trên mảnh đất tôi đang nói chuyện với những bạn trẻ ở đây. Và bạn tôi đi mãi không về. Để cho những người thân trong gia đình anh và chúng tôi bấy lâu nay vẫn gắng công tìm kiếm, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có kết quả gì?           
Hai mắt tôi không biết tự lúc nào mà cứ nhòa đi vì đẫm nước. Nhìn xuống phía dưới không thấy đâu rõ nét. Lúc này cả hội trường đang lặng im lắng nghe. Bất ngờ nó vỡ òa ra bởi những tràng vỗ tay rầm rầm kéo dài của những người đang có mặt, ngay sau khi tôi vừa dừng câu chuyện.  
Rồi anh Đinh Xuân Tục nói về những trận chiến cam go ác liệt trong những ngày chúng tôi đã sống và tham chiến. Anh Bùi Quốc Huấn không trả lời trực tiếp vào vấn đề. Anh đặt câu hỏi rồi trả lời “Tại sao? Tình cảm giữa những người dân Đức Hòa này nói riêng, người dân Nam bộ nói chung và những CCB chúng tôi, sau mấy chục năm rồi, kể từ những ngày chiến tranh đói khổ gian nan cho đến những ngày hòa bình hôm nay, vẫn giữ vững lòng thủy chung vẹn toàn không có gì thay đổi”.
            Sau đó là những cảm nhận, câu hỏi của các thầy cô và học sinh đối với chúng tôi. Đấy là những lời cảm ơn, thản phục, và những chia sẻ về khó khăn đau thương của các thế hệ cha anh đã trải qua. Một thế hệ đã hiến dâng trọn vẹn cho Tổ quốc mình để có ngày hòa bình hôm nay. Dường như qua buổi nói chuyện, lớp trẻ đang ngồi đây càng hiểu hơn về giá trị đích thực mà mình đang sống, để lựa chọn cho mình một hướng đi vững chắc trong cuộc đời, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam ta.

            Xe chúng tôi lại chạy ngược theo con đường, 14 về với rừng núi Tây Nguyên hùng vĩ. Khi đến nghĩa trang Bù Đăng huyện cuối của tỉnh Bình Phước giáp ranh với tỉnh Đăk Nông. Chúng tôi dừng lại vào thắp hương cho đồng đội đang nằm ở đây. Nghĩa trang  hoành tráng và to lớn, uy nghiêm nằm ở trên đồi cao ngay cửa ngõ vào đất Tây Nguyên. Nơi đây mới quy tập được một phần những anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh giữ mảnh đất này.
            Xưa kia ở đây là Chi khu quân sự của QĐVNCH chiếm giữ. Là điểm cao lợi thế án ngữ được hướng tấn công của quân ta từ Tây Nguyên đi xuống đồng bằng đô thị, nên địch đã bố trí dày đặc hỏa lực và nhiều lớp hàng rào. Đầu tháng 12 năm 1974  trung đoàn 271 chúng tôi được lệnh của Bộ chỉ huy Miền tiến công và giải phóng cứ điểm Bù Đăng.
            Trong cuộc chiến này đã có rất nhiều chiến sĩ của ta đã hy sinh ngay đầu cửa mở. Bởi hàng rào cuối cùng ở trên cao vẫn chưa có một lối thủng nào. Lúc này lợi thế đang ngả về quân địch. Không thể để con số thương vong của bộ đội ta cứ tăng lên mãi, trung đội phó Đoàn Đức Thái vội ôm quả bộc phả sào lao lên gắn vào hàng rào giật nụ xòe rồi lùi xuống dưới. Nhưng khi anh nhìn lên, thấy quả bộc phá sào đang xì khói rời khỏi hàng rào tuồn tuột trôi xuống dốc, xuống nơi anh và đồng đội đang tập trung nằm đợi bộc phá nổ để ôm súng xông vào. Cảm nhận được hiểm nguy cho mọi người đang đến cận kề, không một chút đắn đo chậm trễ, Đoàn Đức Thái đã lao lên ôm chặt quả bộc phá ấy đẩy sâu vào hàng rào còn đứng trơ nguyên đó. Một tiếng nổ bùng lên, khói lửa, thịt xương, đất đá mịt mù tung tóe. Lối cửa mở đã thông. Tất cả bộ đội ở phía dưới đồi như lò xo đã kìm hãm rất lâu bỗng bật bung xông vào nổ súng tiêu diệt địch.
            Ngay sau khi đất nước được thống nhất về một mối, liệt sĩ Đoàn Đức Thái được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”. Hiện nay ở nơi mảnh đất Bù Đăng này cũng như  huyện Tiền Hải, Hải Phòng quê anh có hai trường Phổ thông mang tên Đoàn Đức Thái.
            Về đến thị xã Gia Nghĩa đúng với ngày nghỉ cuối tuần. Chúng tôi thấy CCB Nguyễn Thành Chung đang đứng đợi sẵn ở cổng khách sạn. Anh từng là chiến sĩ trinh sát E271 đã cùng chúng tôi tham chiến ở đây, và cũng là người CCB E271 duy nhất đang trụ lại sống và xây dựng mảnh đất này. Cũng qua anh mà những thân nhân gia đình liệt sĩ và đồng đội chúng tôi từ nơi xa xôi đã về đây xác định tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ đang còn nằm lại.
            Điều bất ngờ chúng tôi gặp được một sĩ quan phía đối phương đã một thời đọ súng với nhau. Anh là thiếu úy QLVNCH Vũ Văn Giáp, hiện đang làm việc trong một Công ty truyền hình cáp tỉnh Đăk Nông. Trong thời gian chờ đợi và nhấm nháp từng giọt cà phê Tây Nguyên lắng đậm, chúng tôi sôi nổi nói về những trận đánh đã chạm trán nhau trải khắp trên mảnh đất Đăk Nông này.
            Có một điều xảy ra rất tự nhiên, khi cả đôi bên cùng nói về trận chiến ngày nào ở đồn Đạo Trung ngay sát cạnh con lộ 14 bây giờ. Trong trận đấy con số thương vong trong đơn vị tôi hơn bốn mươi người. Và thiếu úy chỉ huy đồn ngày đó đang ngồi trước mặt tôi diễn giải: “Các anh biết không? Phía bên chúng tôi đã nghiên cứu về cách đánh của bộ đội đặc công bên anh. Các anh tài lắm. Không có hàng rào nào mà các anh không đi qua được. Để chống đỡ được những tình huống này, đợi khi màn đêm vừa buông xuống, chúng tôi bí mật rải thêm mấy hàng rào di động nữa bao quanh phía trong. Lúc tiếng súng đã bùng nổ các anh xông vào sẽ khựng lại bất ngờ, vì xuất hiện những hàng rào ngoài dự kiến đang chắn ngay trước mặt”.Trầm ngâm một lúc anh Giáp nói tiếp: “Sau khi tiếng súng đã lặng im, tôi đi ra ngoài phía bờ rào quan sát. Một cảnh tượng chết chóc thảm thương diễn ra ngay trước mắt tôi. Đất đá xới tung, máu thịt vung vãi khắp mọi nơi. Nhìn vào cảnh ấy tôi đứng lặng và gai hết cả người. Nhất là khi tôi quay đầu lại thì đụng ngay một người lính với gương mặt còn trẻ măng chết đầu gối  trên hàng rào, trong tay còn nắm chặt khẩu B40 vừa phóng đạn. Tay tôi chạm vào người anh ấy thấy vẫn còn nóng. Máu đang chảy ra rơi nhỏ giọt xuống đất. Tôi giật mình và rụng rời chân tay. Cả người như muốn đổ khụy xuống đất ngay khi vừa thấy tên Vũ Văn … quê ở Thái Bình ở trong tờ giấy vừa moi ra trong túi áo anh ấy (Vũ Văn Giáp quê ở Thái Bình. Năm 1954 đi theo gia đình di cư vào miền Nam). Vậy là tôi vừa giết chết người trong nhà mình rồi? Giết chết người trong họ tộc mình rồi? Tôi run sợ lảo đảo đi vào trong hầm chỉ huy, không dám quay mặt nhìn ra ngoài ấy nữa. Tất cả những việc còn lại tôi phó mặc hết cho anh em cấp dưới xử lý”.
Tất cả mọi người chúng tôi cứ lặng đi, ngẫm ngùi khi nghe về những phút cuối cùng của đồng đội tôi đã hy sinh oanh liệt, trước lời kể của người đối phương trong cuộc. Tôi hỏi anh Giáp: “Thế anh có biết những người đã chôn đồng đội tôi hôm đó ở đâu không?” Anh Giáp trả lời ngay: “Thực ra hôm đó tôi không tham gia chôn cất các anh ấy. Nhưng có ba người làm công việc đó, hiện đang sống ở các tỉnh lân cận quanh đây. Vừa rồi tôi đã liên lạc được với họ. Chúng tôi đã báo cho chính quyền tỉnh Đăk Nông biết về hố chôn tập thể bốn mươi lăm người của đơn vị các anh”
Vậy là có thể được thêm bốn mươi lăm hài cốt liệt sĩ nữa sẽ tìm thấy tới đây để quy tập về nơi yên nghỉ tại nghĩa trang nơi Tổ quốc ghi công. Nhưng vẫn còn rất nhiều, rất nhiều người con đất Việt mà xương máu của họ đã hòa trộn vào mảnh đất thiêng liêng này.
Trời Tây Nguyên lại sáng bừng lên trong ánh nắng ban mai. Một bức tranh muôn màu tuyệt đẹp của núi rừng cao nguyên đã hiện ra sau một đêm dài thức dậy. Dọc hai bên con đường 14 hoa dạ quỳ đang đua nhau cháy rực, như hai thảm vàng trải dài vô tận. Ngồi trên xe chúng tôi cứ ngây ngất ngắm nhìn, như muốn ôm hết tất cả vào lòng để đem về Hà nội. Một ngày mới đang về…

                                      Hà Nội, những ngày cuối năm 2013

                                                            Võ Minh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét