Nhà thơ lớn trong ngôi trường nhỏ
Điền tỏ ra có năng khiếu thơ văn từ hồi tóc còn để chỏm. Nhớ năm học lớp bốn ngày xửa ngày xưa, bài văn tả cảnh lao động của lớp mà trò Điền đã viết được câu “trời nắng như đổ lửa xuống đầu” khiến thầy giáo nghi câu văn “không chính chủ”. Thực sự là Điền viết bởi Điền ham mê đọc sách. Lên nhà ngoại ăn đám giỗ hoặc ăn Tết, lũ cháu nhanh chân tản ra vườn bẻ ổi, vặt nhãn, câu cá thì Điền tìm góc khuất sau hàng chum nước mưa ngồi đọc ngấu nghiến xấp báo của cậu…
Lớn lên như bao chàng trai khác, Điền “xếp bút nghiên theo việc đao cung”;nhập ngũ và vào chiến trường “B dài ”(miền Tây Nam Bộ) tham gia chiến đấu. Rời quân ngũ sau gần bốn năm lăn lộn khắp miền sông nước; Điền thi vào ngành Văn, khoa sư phạm, trường Đại học Cần Thơ.
Ra trường thời bao cấp, cuộc sống muôn vàn thiếu thốn “ Một thương anh có may ô/ Hai thương anh có cá khô ăn dần/ Ba thương rửa mặt bằng khăn…”, nhưng Điền không thiếu thơ bao giờ! Khoảng năm 1978, Điền có bài thơ thiếu nhi đầu tiên đăng trên báo Văn nghệ Thành phố. Điền hăm hở cầm tờ giấy mời lĩnh tiền ra bưu điện nhận nhuận bút. Cô nhân viên mắt bồ câu nhìn Điền rồi tỏ vẻ ngạc nhiên: - Năm đồng mà anh vẫn nhận à ?
Một câu hỏi làm cho Điền thật khó trả lời, rất dễ xa nhau. Cô nàng đâu hiểu được đây là kết quả sức “lao động trí óc” của những người thường “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” như Điền. Hồi ấy với số tiền này, mua được hai mươi tờ Văn nghệ Thành phố ! Quá “xúc động dâng trào” về câu hỏi của cô nhân viên xinh đẹp, Điền xin tờ giấy “Thư gửi tiền”, viết vào mặt sau rồi để nhẹ lên bàn : “Ta nghèo cầm bút làm thơ/ Để quên để nhớ; để mơ hão huyền/ Em giàu cầm bút tính tiền/ Để nhân, để cộng ; để thêm lạnh lùng!”.
Thơ của Điền là loại “thơ sạch”, không bao giờ nhuốm màu dung tục hoặc biểu đạt theo trường phái “mập mờ” kiểu “Tình anh như nước phông ten ấy/ Chỉ chảy về em có một vòi !”. Thơ ca gì mà đọc lên chỉ thấy “nước” và “vòi” ! Điền viết theo lối chân phương, người đọc lướt qua một lần là hiểu ý nghĩa câu chữ mà bài thơ thể hiện. Thử xem ai đọc thơ? Là anh công nhân, là thầy cô giáo; là anh thợ hồ... Viết khó hiểu là tự mình loại bỏ mình trước cuộc chơi thơ đầy khắc nghiệt. Hơn nữa, người lao động thường sẵn có tâm hồn sạch, có tâm hồn đồng điệu.
Tâm đắc hơn- Điền nghĩ- thơ có chức năng thanh lọc tâm hồn. Giữa thời buổi kinh tế thị trường, vàng thau lẫn lộn; tâm hồn con người trở nên chất đầy cặn bã dễ chừng tới mấy chục lớp. Cặn bã vật chất thì cơ thể tự vận động đưa ra ngoài nhưng cặn bã tâm hồn không thể “đưa ra” bằng con đường ấy. Đồng tiền trượt mạnh trên bờ dốc cuộc sống, cào rách xước nhân cách con người. Các tờ báo lần lượt bỏ trang mục thơ truyền thống; tìm mở ra trang mục mới “ăn khách” hơn. Thơ trở thành loại hàng “xa xỉ”, có nguy cơ đưa vào ‘sách đỏ” …
Điền nhớ lại câu chuyện oái ăm, cười ra nước mắt. Bữa đó, tờ báo địa phương mới phát hành còn nóng hổi. Bài thơ của Điền nằm trang giữa. Đọc lại thấy sướng miên man ! Nhưng đọc kỹ thì bị in sai ba, bốn từ gì đó. Điền cầm tờ báo trên tay và chạy vội đến toà soạn ngay chiều thứ bảy. Mấy anh em đang ngồi nhâm nhi ở chiếc bàn góc sân toà soạn.
Vừa khấp khởi bước vào, gặp ngay anh Bình (học trên Điền một lớp cùng bộ môn Văn ở Đại học, nay làm việc ở phòng trị sự báo) Điền khẩn khoản:- Anh Bình ơi, tuần sau “đính chính” giùm bài thơ cho em vì báo in sai mấy lỗi!
Anh Bình lom lom nhìn Điền từ đầu đến chân rồi phán:
- Vô đây làm mấy ly với tao. Mày cứ yên tâm đi. Chẳng có con ma nào đọc đâu mà biết sai với đúng !
***
Tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến con đường thơ ca “trong sạch” của Điền. Những cảnh tréo ngoe, bi hài lẫn lộn của cuộc sống hiện tại quả là “mỏ đề tài tiềm năng” vô tận để ngòi bút Điền thọc sâu vào khai thác. Điền chuyển qua làm thơ hài lúc nào không hay. Đồng nghiệp thấy vậy nói đùa:
- Thôi thì không làm được “đại thi hào” thì thế nào cũng thành “đại thi hài” của trường cho mà xem !
Coi bộ thơ hài dễ đăng hơn vì một số “báo ruột” của Điền còn “ưu tiên” giành “dất” góc trang chót đăng thơ châm biếm thói hư tật xấu coi mòi “năm sau tăng hơn năm trước” trong xã hội. Người đọc cũng rất cần loại thơ “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” này để thư giãn, để xả bớt bức xúc: “ Tiền dân, tiền nước luôn thâm thủng/ Nhiều ông tham nhũng mập như heo!”. Đã quá ! Phải “đâm” như vậy mới đã chớ ! Tham nhũng mập như heo; lũ tham nhũng là heo; ăn tạp, ăn tham khác chi heo rồi còn gì !
Nhiều bậc cao niên đọc thơ hài của Điền đã không tiếc lời thán phục “hậu duệ của Hồ Xuân Hương”. Đó là khi bài “Vịnh miệng quan tham” xuất hiện : “ Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa/ Nuốt sắt, nuốt thép, nuốt từa lưa/ Bành ra ba góc nhai còn thiếu/ Khép lại hai bên ngậm vẫn thừa/ Khi hứng ăn bừa mồm chẳng sạch/ Khi buồn đớp đại mép nên dơ/ Lem lem luốc luốc phơi ra đó/ Cái miệng quan tham gớm ghiếc chưa!”. Kẻ nào tự nhận mình là “quan tham” đâu? “Cái miệng quan tham” như thế thật sâu cay; đọc xong rồi mới thấm, mới thấy đau như hoạn !
Từ dạo ấy, bao cảnh trái ngang trong cuộc sống hàng ngày bỗng từ đâu ùa về làm cho Điền thêm hưng phấn sáng tác. Đây cảnh sinh viên ngày nào “Tô canh lạnh lẽo, nước trong veo/ Một miếng thịt heo bé tẻo teo”. Đây cảnh “bia ôm” đang hoành hành khắp hang cùng ngõ hẻm “ Ba gian nhà lá thấp le te/ Đèn đỏ đèn xanh nháy lập loè/ Mấy ả môi thâm, mày nhạt nhạt/ Vài cô móng đỏ, váy loe loe/ Tiền bo nơi quán tờ xanh ngắt/ Mắt vợ ở nhà đợi đỏ hoe/Mang tiếng uống bia nào uống mấy/ Tay quơ lia lịa, giả lè nhè”…
Mỗi lần “nhại” thơ các vị tiền bối, Điền thắp nhang kính cẩn tạ lỗi các bậc “Tiên sinh”. Thời Tú Xương, Nguyễn Khuyến đã lùi xa rồi từ đời tám hoánh sao bây giờ có nhiều thứ cũng … gần gần giống như vậy! Nếu Tú Xương “Thương vợ” đến nao lòng thì Điền “Thương vợ đi dạy” với bao nỗi niềm cám cảnh : “ Quanh năm đi dạy ở trường công/ Khiêm tốn lương “ba cọc ba đồng”/ Mấy bận sững sờ khi lớp vắng/ Nhiều phen ngơ ngác buổi trường đông/ Nghề cao nghiệp quý âu đành phận/ Dạy sáng dạy chiều dám quản công/ Nghe nói lương lên mừng muốn chết/ Trời ơi giá dzọt, cũng bằng không …”.
Ngày xưa “ra ngõ gặp anh hùng” thì ngày nay “ra ngõ gặp thạc sĩ, tiến sĩ”. Thời buổi kinh tế thị trường nên việc đào tạo “sau đại học” cũng thực hiện theo “công nghệ gà công nghiệp; mỗi “mẻ” cho ra lò hàng trăm, thậm chí cả hàng ngàn thạc sĩ, tiến sĩ ! Tiếng thơ hài của Điền lại cất lên đúng lúc: “ Sao anh chưa về thi Tiến sĩ/ “Mẫu mã” rất cần, đợi dịp lên/ Bằng đỏ, bằng xanh nhìn choáng ngợp/ Thấp thoáng đằng sau có chữ “tiền” !/ Gió theo lối gió, mây đường mây/ Càng nặng phong bì càng nhẹ tay/ Xe ai đậu ở ngoài sân ấy/ “Đặc sản” mau về kịp tối nay!/ Học trường gần xong đến trường xa/ Bài vở lu bù, nghĩ chẳng ra/ Ở đây “học giả” nhiều vô kể / Nghe nói khoản “chi” khá đậm đà !”. Hẳn Tiên sinh Hàn cũng vui lòng đại xá cho kẻ hậu sinh …
***
Điền thường siêng năng đến các sạp báo đọc ké, coi “cọp” hoặc một tuần vài buổi ghé thư viện để kiểm tra những “hạt giống” mình gieo đã “mọc” đất nào chưa. Khi cầm tờ báo, tờ tạp chí; thay vì đọc từ đầu đến cuối, Điền háo hức, hồi hộp, tim đập thình thịch … lật từ trang chót trở lên. Bởi thơ hài thường “được ưu tiên ” giành “đất” nơi trang chót này. Nếu gặp bài mình, Điền hý hoáy mở cuốn sổ mang theo; ghi rõ số báo, ra ngày nào, bài tựa gì và ký bút danh nào!
Vì sao Điền ghi chép kỹ như vậy? Giữa thời buổi “cơm áo không đùa với khách thơ”, nhiều phen có báo “quên” trả nhuận bút ! Đòi cũng khó nói lắm ! Đúng là “nói thì mất hay nhưng không nói thường hay mất” ! Công sức lao động, mồ hôi thấm ngược trong tim mà có khi … Điền đành im lặng cho qua.
Với “hiện thực ngồn ngộn” của cuộc sống, Điền cảm thấy mình chưa hề “thất nghiệp” với thơ ca. Thơ hài thì sao nào? Mỗi vần thơ hài ấy cũng góp phần thanh lọc tâm hồn, thanh lọc bụi bặm bám đầy tâm hồn; làm cho nó phần nào trở lại trong trẻo hơn chăng?
Nguồn: trannhuong.com
L.L.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét