Những 'hổ báo' dũng mãnh
trong đám đông
Khác với lúc đứng riêng rẽ một mình, cái vô danh trong đám đông đem lại cho người ta một sự an toàn và cảm giác được bảo vệ nhất định.
Cuối năm nhìn lại, ngỡ ngàng vì năm cũ đã qua với không ít câu chuyện giật mình.
Nào những người dân bình thường hiền lành, thân ái với nhau, lại trong tích tắc trở nên khác hẳn, hăm hở lao vào núi bia đổ, lễ mễ khuân ra mấy bịch, rồi háo hức quay lại làm đợt nữa. Điều gì đã xảy ra?
Điều gì làm cho một số thanh niên, đang đi chơi với bạn gái, bỗng hăng lên lao vào "đánh hôi" kẻ trộm chó như đi trẩy hội?
Lý do gì làm những người công dân xây dựng hàng ngày chăm chỉ mang cơm đi làm, bỗng trở nên hung hãn và đập phá chính ngay công việc đem lại miếng cơm manh áo cho họ?
Sẽ hời hợt nếu chỉ đưa ra những bình luận chung chung về sự xuống cấp của xã hội, về niềm tin bị đánh mất, về người Việt thiếu văn hoá.v.v...
Để hiểu được những hiện tượng này và truy tìm nguyên nhân, chúng ta cần nhìn sâu hơn vào tâm lý đám đông và xem họ vận hành.
Đám đông là... vô danh
Một đám đông có những yếu tố đặc biệt.
Thứ nhất, trong đám đông, các thành viên của nó vô danh. Khác với lúc đứng riêng rẽ, cái vô danh trong đám đông đem lại cho người ta sự an toàn và cảm giác được bảo vệ nhất định.
Thứ hai, đám đông gây phấn khích. Những người đã từng ở trong một sân vận động khổng lồ đều biết cảm giác đó khác với cảm giác khi xem trận bóng trước màn hình TV. Số đông cộng hưởng và tạo ra một năng lượng đặc biệt, sự hưng phấn có sức lây lan lớn. Lúc đó, cô gái nhút nhát nhất cũng có thể văng tục ngon ơ và cho ngón tay vào mồm, cùng huýt sáo la ó trọng tài.
Và cuối cùng, đám đông rùng rùng chuyển động và trăm người như một cùng làm một hành vi nào đấy, khi họ được một sự kiện bất ngờ châm ngòi.Ảnh VTC
|
Đám đông cũng đem lại cho các cá nhân trong nó cảm giác về quyền lực. Trong đám đông, những người vốn thấp cổ bé họng bỗng có cảm giác mình mạnh mẽ. Chúng ta hẳn còn nhớ một người đàn ông Đồng Nai vừa bê bia vừa trừng mắt quát người tài xế xe tải: "Báo công an đi, ông thách đấy!"
"Không có gì nguy hiểm hơn là xây dựng một xã hội mà trong đó một nhóm lớn có cảm giác là họ không được can dự, rằng họ không có gì để mất. Nếu người ta có quyền lợi trong xã hội, người ta sẽ bảo vệ xã hội, nhưng nếu không, họ sẽ vô thức muốn phá huỷ nó." |
Và cuối cùng, đám đông rùng rùng chuyển động và trăm người như một cùng làm một hành vi nào đấy, khi họ được một sự kiện bất ngờ châm ngòi.
Giả sử như trăm thùng bia xếp ngay ngắn ven đường, thì kể cả chỉ có một người trông coi thôi, chắc cũng không ai nghĩ tới chuyện xông vào lấy. Bia đổ tung toé ra đường tạo ra một tình huống lạ, một điều bất thường, và sự kết hợp của sự vô danh, phấn chấn lây lan, cảm giác quyền lực và an toàn, làm giảm đáng kể ý thức trách nhiệm của mỗi người về hành vi của mình, biến một bà mẹ mẫu mực thành một người hớn hở gom bia mặc dù trong nhà không có ai uống, để tới lúc tỉnh cơn say mới hối hận về hành động của mình.
Trong đám đông, con người dễ đánh mất bản thân.
Nhưng, chen chúc lượm bia hay bẻ mấy cành hoa trong một hội chợ vẫn khác xa với việc xông vào đánh tới chết một kẻ trộm chó, hay châm lửa đốt rụi hàng chục xe máy. Điều gì khiến đám đông trở thành sức mạnh phá huỷ - nhiều khi phá chính môi trường sống của họ?
Nguyên cớ có vẻ gần giống như chuyện các CĐV bóng đá ở Anh bỗng nhiên hỗn chiến và giật tung ghế của sân vận động, hay xa hơn là làn sóng đập phá và hôi của ở London năm 2011 làm toàn thế giới kinh ngạc, lý do của 6 ngày bạo lực và cướp bóc ở Los Angeles năm 1992 làm 53 người tử vong.
Đám đông ngoài lề?
Có một điểm chung ở tất cả các sự kiện nói trên, đó là, tất cả đều là đám đông những người ngoài lề, những người thấp bé trong xã hội, thu nhập thấp hoặc thất nghiệp, và không có cơ hội.
Họ mang sẵn trong mình sự cáu kỉnh và chán nản. Họ bực bội với bản thân, với cuộc đời, với những thứ xung quanh. Khi họ nhập vào một đám đông, như Gustave Le Bon nhận xét trong Tâm lý học đám đông, họ đánh mất tính cá nhân, tính độc lập, khả năng đánh giá và phán xét đạo đức. Họ bị cuốn vào ảnh hưởng phi lý của xung quanh.
Đám đông có thể làm những việc mà mỗi cá nhân, nếu đứng riêng biệt, sẽ không bao giờ nghĩ là họ có thể làm. Chỉ cần một sự kiện nhỏ xảy ra...
Do đó, đám đông có thể làm những hành động phá huỷ và bạo lực mà mỗi cá nhân, nếu đứng riêng biệt, sẽ không bao giờ nghĩ là họ có thể làm. Ảnh VTC
|
Ở khía cạnh tâm lý, đó thực chất là cảm giá bất lực, đứng ngoài lề, không làm chủ cuộc đời mình. Họ thấy họ như những kẻ lạ trên chính mảnh đất của mình, bị bỏ rơi. Họ thấy họ kém cỏi, vô giá trị. Vì thế, họ dễ dàng ngấm cái say của một đám đông nổi loạn...
Ít nhất, trong khoảnh khắc đó, họ có cảm giác mình là người thắng, người mạnh, rằng cuộc sống thú vị, sôi động, làm họ quên đi cái mòn mỏi hàng ngày. Đám đông cho họ một bản sắc, cho họ một nơi để thuộc về.
Đám đông "mới" của ngày nay khác đám đông "cũ" năm xưa. Đám đông cũ, qua quá trình được "vận động" tham gia cách mạng, đã phát triển cho mình một nhận thức.
Còn ngày nay?
Những công nhân và người nghèo bây giờ đơn giản bị kẹt trong cái bẫy nghèo. Những người, mà như Oscar Lewis đã định nghĩa trong Văn hoá của nghèo khổ năm 1998, "có rất ít ý thức về lịch sử. Họ là những người bên lề, chỉ biết tới những vật lộn của bản thân, chỉ biết được hoàn cảnh của địa phương họ, thế giới hẹp của họ, cách sống riêng của họ. Thông thường, họ không có kiến thức, tầm nhìn hay ý thức hệ để nhận ra những điểm tương đồng giữa những vấn đề của họ và vấn đề của những người giống họ trên thế giới. Nói một cách khác, họ không có ý thức giai cấp, mặc dù họ rất nhạy cảm với sự phân biệt về đẳng cấp".
Phải kinh ngạc để nói rằng, những đám đông nổi loạn bây giờ không có quan điểm xã hội hay thông điệp chính trị gì. Những công nhân đập phá ở Samsung không đưa ra một đòi hỏi cụ thể gì cho doanh nghiệp hay công đoàn; những người dân đánh trộm chó không có yêu cầu gì với công an hay chính quyền.
Chính vì vậy, sự hung hãn bùng phát thường bất ngờ với các nhà bình luận xã hội và các nhà chức trách, lúc đó họ mới bối rối đi tìm lý do và lời giải thích.
Lời giải thích đơn giản nhất có lẽ đến từ Martin Luther King: "Không có gì nguy hiểm hơn là xây dựng một xã hội mà trong đó một nhóm lớn có cảm giác là họ không được can dự, rằng họ không có gì để mất. Nếu người ta có quyền lợi trong xã hội, người ta sẽ bảo vệ xã hội, nhưng nếu không, họ sẽ vô thức muốn phá huỷ nó."
Một xã hội ổn định là xã hội không chỉ dành cho các nhóm lợi ích; những nhóm lớn cũng phải được tiếp cận một phần tử tế của miếng bánh, một cảm giác xã hội là của họ, phục vụ họ thực sự chứ không phải chỉ trên các khẩu hiệu và văn kiện.
(Phó giám đốc CECODES - Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét