MẠNH VÀ TÔI
Lê Hiền
Mạnh cùng tuổi Mậu Tý với tôi. Hai đứa cùng sinh ra ở làng Đại Xá - một làng quê miền Trung khí
hậu thời tiết khắc nghiệt. Người dân quê tôi quanh năm vất vả lam lũ làm ăn mà
vẫn quanh năm thiếu thốn, đói nghèo. Có thể nói rằng, điều kiện khó
khăn của cuộc sống từ bao đời nay đã hun đúc nên tính cách phổ biến của người
dân quê tôi là : cần cù, tiết kiệm, hiếu học, đoàn kết và cương cường.
Thuở bé, như mọi đứa trẻ
nhà quê, hàng ngày Mạnh và tôi buổi sáng cắp sách tới trường, còn buổi chiều vắt vẻo trên lưng trâu. Cái khác chăng là, ngay từ khi còn học cấp I, cấp II chúng tôi đã "nghiện" đọc sách. Với những bộ tiểu thuyết lịch sử khá dày như: Tây du ký; Tam quốc diễn nghĩa;
Thủy hử của Trung Quốc và những tiểu thuyết trung, cận đại của phương Tây như: Nhà thờ
đức bà Pa ri; Ba chàng ngự lâm; Chiến tranh và hòa bình; Thép đã tôi thế đấy…Những
quyển sách được in trên những trang giấy thô ráp, đen đúa, sờn gáy, quăn queo
ấy chúng tôi chuyền tay nhau đọc ngấu nghiến bất kể lúc nào ở nhà, trên lưng
trâu, ở trường dưới gầm bàn trong giờ lên lớp kể cả lúc ngồi ăn cơm. Vì thế
không hiếm lần thầy phạt, mẹ đánh, bị bắt vạ do mải mê đọc để trâu ăn lúa người
ta. Những quyển sách ấy như có sức mạnh ma thuật hút tôi và Mạnh vào những mê
cung, ma trận, biến những thằng trẻ con nhà quê quanh năm quanh quẩn trong lũy
tre làng, bên gốc đa, giếng nước, thân hình đen nhẻm, gầy tong teo mà lại thả hồn phiêu
diêu theo những điển tích của những anh hùng can trường nghĩa hiệp: Quan Vân Trường, Trương
Phi, Triệu Tử Long, Lâm Xung, Võ Tòng, Dương Chí,... ở xứ Tàu thuở xưa, những gã
lãng tử tài ba như: Paven Cosagin, Đắc Ta Nhăng, ... tận trời Tây xa
lắc.
Để thỏa trí tưởng tượng
những gì đã đọc; thử sức phân tài cao thấp, luyện chí gan bền, lũ trẻ chúng tôi chia nhau dàn quân đánh trận giả. Những thửa ruộng, mảnh vườn của làng Đại Xá thân yêu thành
“bãi chiến trường”. Những lũy tre, bờ đất thành những “ụ đề kháng”. Những cánh
đồng chiêm mùa thành những bãi đua “phi trâu”( bắt chước kiểu đua ngựa). Rồi hồ Đập Họ, hồ Đập Xã diễn ra những “trận thủy chiến”. Trước mỗi “trận đánh”, sau khi chia đều
quân số cho cả hai phe, tôi và Mạnh thường được lũ trẻ tôn làm thủ lĩnh của mỗi
bên. Kết quả thủ lĩnh bên thắng cuộc được bên kia làm kiệu công kênh trong tiếng reo hò quanh
“trận địa” và được hưởng quyền ngồi chơi đọc sách, không phải trông giữ trâu, bò.
Một đặc ân thật “oai”, thật “oách”. Mạnh khỏe hơn tôi, thông minh, quyết đoán, nhanh nhẹn hoạt bát, nên khi chơi nếu là trò dùng đến sức mạnh, nhanh nhạy, linh hoạt thì
Mạnh thắng. Còn tôi sức yếu, chậm chạp nên tìm cách tránh những điểm mạnh, khoét
sâu những điểm yếu của đối phương như nôn nóng, cậy khỏe xem thường đối thủ, khiến Mạnh nhiều khi thua phải tâm phục, khẩu phục.
Mạnh và tôi có hai đứa em
gái út xấp xỉ tuổi nhau. Em Mạnh tên là Phượng. Em tôi tên là Tuyết. Có lần, chúng tôi bế em ra cánh đồng trước cổng làng, thì thấy
bọn bạn cùng lứa đang dàn trận chơi trò ném đất. Hai đứa muốn chơi lắm nhưng chưa
biết xoay xở đặt em ở đâu. Đang loay hoay thì Mạnh nghĩ ra một cách là để hai em
xuống bên cạnh bờ ruộng rồi xếp đất cày xung quanh làm tường bảo vệ. Sau đó hai thằng vô tư lao
vào cuộc chơi. Khi tan cuộc, chúng tôi chạy tới nơi nhốt em thì thấy hai
đứa đang ngủ say trên nền đất. Thật xót lòng và ân hận. Lớn lên, mỗi khi
nhắc tới chuyện này, chúng tôi càng thương các em hơn - cho dù chúng nó nay đã
sắp lên chức bà. Với Mạnh, tình cảm dành cho em gái còn sâu nặng hơn bởi em mồ
côi mẹ quá sớm, toàn bộ gánh nặng gia đình đặt lên lưng bố - một chiến binh
chống Pháp mới về làng.
Quê tôi có hồ Đập Xã và hồ
Đập Họ cách nhau một con đường (thực ra là một con đê). Hàng năm, chính quyền
địa phương của mấy xã lân cận cùng thống nhất tổ chức đánh cá vào một ngày cuối tháng 6 âm lịch (tiếng địa phương gọi là đánh đập). Để giữ nguồn cá của
hai hồ và những vạt ruộng lân cận, quanh năm chính quyền địa phương cắt cử
người canh giữ bảo vệ nghiêm ngặt. Vào hè năm 1961, có một lần vào buổi chiều đi chăn trâu về,
thấy mấy thửa ruộng gần Đập Xã có rất nhiều cá, tôi và Mạnh bàn với nhau là tối
đến sẽ dùng nơm đi úp trộm. Với sức cám dỗ từ nguồn lợi trời cho và muốn thực
hành thử sức trò chơi phiêu lưu mạo hiểm đã đọc trong sách, khi trời đã tối mịt
hai đứa bí mật xách nơm lặng lẽ ra đồng. Cá thật nhiều. Chỉ trong chốc lát, mỗi
đứa chúng tôi đã có được đầy xâu cá quả, cá chép. Đang mải mê úp bắt cá, thì bất ngờ trên bờ ruộng một
phát súng nổ “đoàng” tiếp theo là tiếng hô: “ Dân quân đây. Mấy thằng trộm cá
đứng lại!”. Theo phản xạ, hai thằng nằm sấp xuống vạt lúa nước chưa gặt ở giữa ruộng
sâu chờ động tĩnh. Vài phút trôi qua, bóng ông canh đồng tay lăm lăm khẩu trường K44
lao tới. Tôi đang lo phen này khó thoát, thì ngay lúc đó Mạnh bật dậy nhào lên
quật ngã ông ta xuống ruộng nước, tước khẩu súng, rồi mỗi thằng một hướng chạy
về làng. Bị tấn công bất ngờ, ông Nguyễn Gia Tỵ (người canh đồng) chỉ còn cách thu lấy hai cái nơm về nộp cho Hợp tác xã mà không xác định được là của ai. Mấy ngày sau
bắt thóp ông Tỵ mất súng không giám báo cáo với Hợp tác xã, Mạnh đã bí mật buộc
ông ta trao đổi “chiến lợi phẩm” mà không giám hé răng nói nửa lời. Ông Tỵ nay không còn nữa. Khi đã trưởng thành, mỗi khi nhắc lại chuyện này, Mạnh đều ân hận với ông Tỵ bởi sự liều lĩnh, táo tợn quá trớn của một thời niên thiếu.
Lần khác vào mùa đông tôi
với Mạnh xách dao đi soi cá ngủ đông. Vào mùa này, nước lạnh cá ít vận động, nhất là vào ban đêm chúng dạt vào ria bờ nấp vào hốc khe bờ bụi nằm im. Người
đi soi chỉ cần một bó đuốc hay một cái đèn pin và một con dao là có thể soi
được cá. Tối đó hai đứa đã soi khắp đồng nhưng chưa được con nào, chán nản quay
về. Đang đi tôi bước qua một vật gì thấp thoảng chỗ đen chỗ trắng, linh tính có chuyện
không lành, tôi nhẩy cẫng lên, thì Mạnh đi sau cầm đuốc, cầm dao phát hiện đấy
là một con rắn cạp nong nên kịp thời ra tay ngăn chặn một hiểm họa nhỡn tiền. Chúng tôi thật là hú vía, sẽ là điều khôn lường nếu bị con rắn cạp nong đó cắn.
Ở làng quê hồi ấy rất hiếm các trò chơi cho con trẻ - đăc
biệt là các trò chơi giáo dục về nhân cách, phát triển trí tuệ, thể lực. Có chăng
một vài lần trong năm như dịp 1- 6; rằm Trung Thu và ngày Quốc khánh mới được
tiến hành. Nội dung và hình thức chơi cũng chỉ nặng để động viên phong trào,
tính chất thời vụ. Hết chơi là gói gém cất giữ để năm sau. Các trò chơi thường
là: Thi mooxơ; chơi cướp cờ; thi cắm trại; bóng đá; bóng chuyền. Để chuẩn bị cho
cuộc thi, các liên đội (thường là mỗi làng tổ chức thành một liên đội) phải tiến
hành chuẩn bị hàng tháng để tập dượt. Vui lắm. Kết quả hội thi hàng năm liên
đội làng Đại Xá thường đọat giải nhất.
Tham gia vào các trò chơi ấy là những đứa khỏe mạnh, thông minh, trong đó có Mạnh. Với Mạnh thì môn nào cũng có mặt, nhưng nổi trội nhất là môn mooxơ và bóng đá. Các ký hiệu moóc của các ký tự Mạnh chỉ nghe một vài lần là nhớ ngay. Vì vậy, trong khi thi Mạnh thường là tổ trưởng chịu trách nhiệm nhận và dịch tín hiệu để tổ viên ghi chép kết quả. Còn bóng đá thì khỏi bàn. Mạnh và tôi được đào tạo khá “bài bản” từ đội chân đất làng Đại Xá trên những sân tập là bãi chùa, nền ruộng mạ đầu làng và những khu đất bỏ hoang. Mạnh có thể lực và kỹ thuật đá bóng tốt hơn tôi nên được chọn vào “đội tuyển” đi thi đấu với các làng, xã khác. Đó là những cuộc đấu nhớ đời. Điều khác với các cuộc thi đấu bóng đá thời nay là cầu thủ các bên phải đi chân đất, cấm đi giày, bởi đi giày là thiểu số dễ gây thương tích cho đa số chân đất. Các cầu thủ chân đất, mắt toét, một chữ Pháp bẻ đôi không biết. Vậy mà khi đá bóng mọi vị trí và tình tiết trên sân, cầu thủ đều hô nhoắng lên bằng tiếng Pháp bồi: gôn, parie, en, sút, alaxo, mônê, vô lê, oocror, đờmivôlê, coocne, penanty, lăng xê, manh, tăng, etang,…cũng đam mê, hứng thú và quyết liệt lắm.
Tham gia vào các trò chơi ấy là những đứa khỏe mạnh, thông minh, trong đó có Mạnh. Với Mạnh thì môn nào cũng có mặt, nhưng nổi trội nhất là môn mooxơ và bóng đá. Các ký hiệu moóc của các ký tự Mạnh chỉ nghe một vài lần là nhớ ngay. Vì vậy, trong khi thi Mạnh thường là tổ trưởng chịu trách nhiệm nhận và dịch tín hiệu để tổ viên ghi chép kết quả. Còn bóng đá thì khỏi bàn. Mạnh và tôi được đào tạo khá “bài bản” từ đội chân đất làng Đại Xá trên những sân tập là bãi chùa, nền ruộng mạ đầu làng và những khu đất bỏ hoang. Mạnh có thể lực và kỹ thuật đá bóng tốt hơn tôi nên được chọn vào “đội tuyển” đi thi đấu với các làng, xã khác. Đó là những cuộc đấu nhớ đời. Điều khác với các cuộc thi đấu bóng đá thời nay là cầu thủ các bên phải đi chân đất, cấm đi giày, bởi đi giày là thiểu số dễ gây thương tích cho đa số chân đất. Các cầu thủ chân đất, mắt toét, một chữ Pháp bẻ đôi không biết. Vậy mà khi đá bóng mọi vị trí và tình tiết trên sân, cầu thủ đều hô nhoắng lên bằng tiếng Pháp bồi: gôn, parie, en, sút, alaxo, mônê, vô lê, oocror, đờmivôlê, coocne, penanty, lăng xê, manh, tăng, etang,…cũng đam mê, hứng thú và quyết liệt lắm.
Nói về liên đội thiếu niên
làng Đại Xá ngày ấy, chúng tôi vẫn rất tự hào về những thành tích đạt được so với
hai làng Kỳ Sơn, Hợp Xá trong tất cả các lĩnh vực, phong trào, ý thức tự quản,
thể dục thể thao, chăn nuôi tự túc. Có được những thành tích đó, phải kể đến
công lao của các bậc huynh trưởng đầy tâm huyết qua nhiều giai đoạn - nay đã là
những lão ông hơn tám mươi tuổi rồi.
Ngoài những trò chơi có tính
chất phong trào nói trên, lũ chúng tôi còn chơi các trò chơi dân gian như kéo
co, chơi khăng, bịt mắt bắt dê ,bơi. Trong các trò chơi ấy hay nhất, hấp dẫn
nhất là chơi khăng bởi cách chơi đòi hỏi trí tuệ, linh hoạt, tính đồng đội cao.
Dụng cụ chơi đơn giản, dễ sắm (chỉ một cây gậy dài khoảng 60-70 cm và một que khăng
dài khoảng 15- 20 cm”. Sân bãi thì bất cứ đâu có một mặt bằng phẳng, càng rộng
càng tốt. Số người chơi từ hai người trở lên, càng đông càng phải tổ chức chặt
chẽ như môn bóng chuyền để khống chế tất cả các đường khăng của đối phương khi
thực hiện các động tác: câu, cày, vệch (vớt), tạt. Ngoài tính ưu trội, trò chơi
này cũng bộc lộ một điểm khá nguy hiểm mà lũ trẻ con khó tránh khỏi là khăng có
thể gây bươu đầu, sưng mắt. Ngày nay trẻ con có nhiều trò chơi hiện đại hơn
chơi khăng nhưng tôi vẫn có hoài niệm nó. Nếu chơi khăng được hoàn thiện về luật lệ và phổ biến rộng rãi cho
tất cả mọi người, thì không mất đi một trò chơi dân gian khá hay mà lại không tốn kém đất đai, tiền bạc.
Trong nhiều cuộc chơi, Mạnh có
nhiều chiêu khiến bọn trẻ cùng lứa phải nể phục. Nếu là bọn ngang tài ngang sức,
Mạnh chọn cách thách đấu vật, với điều kiện bên thắng ngồi trong bóng mát, kẻ
thua phải trông trâu cả ngày. Mà phần thắng thường nghiêng về Mạnh.
Nếu là bọn dưới tầm, Mạnh dùng cách mềm dẻo, thu hút hơn là lấy những câu chuyện đã đọc trong các bộ tiểu thuyết Tây du ký, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử,...kể cho bọn chúng há hốc mồm gật gù ngồi nghe, với một ràng buộc là nghe xong phải làm những việc
do Mạnh yêu cầu.
Có một lần, vào mùa hè năm 1963, Mạnh cùng
hai anh bạn Lương và Long (vốn là ba anh em đã từng cắt máu ăn thề “ kết nghĩa Vườn
đào”) đi lên thành phố Vinh dự thi vào trường Trung cấp Mỹ thuật công nghiệp. Thể thức kỳ
thi có ba vòng. Ai qua được vòng ngoài thì mới được thi tiếp vào vòng trong.
Người nào qua được cả ba vòng, thì Hội đồng thi mang bài về Hà Nội chấm. Kết
quả trúng tuyển sẽ thông báo tại trường ở Hà Nội và gửi về gia đình, địa
phương. Vòng một thi văn cả ba người đều vượt qua. Vòng hai thi năng khiếu, đề
bài là: “Em hãy vẽ chân dung một người mà em yêu quý nhất”. Hai
anh bạn Lương và Long có khá hơn Mạnh về năng khiếu hội họa. Khi đọc xong đề thi,
Lương chọn vẽ chân dung Bác Hồ, Long chọn vẽ chân dung Lê Nin. Hai người cậm cụi hý
hoáy mãi cũng vẽ được hai ông gần giống Lê Nin và gần giống Bác Hồ, nhưng
nét vẽ vô hồn, nhợt nhòa nên bị điểm thấp. Lê Nin và Bác Hồ thì mọi người đều biết qua tranh ảnh. Nhưng vẽ chân dung cho giống và đặc biệt là phải toát lên được thần thái của lãnh tụ thì thật khó. Bởi vậy, hai người chọn
hai hình mẫu này để vẽ là tự gây khó cho mình nên bị điểm thấp, bị loại khỏi vòng là phải. Biết lựa sức mình, khi đọc xong đề thi, Mạnh vẽ một chân dung
một người bất kỳ không giống ai, nhưng phía dưới đề tựa là “ Chú Tư của em”. Thực
ra, Mạnh chẳng có chú Tư nào cả. Bức vẽ ấy không có mẫu hình ngoài đời để đối chiếu, nên
chẳng ai nói được là Mạnh vẽ có giống hay không. Đáng khen là Mạnh đã không tự
trói mình vào khuôn mẫu như các bạn mà chọn chủ đề thoáng phù hợp với khả năng.
Kết quả bài thi này đã giúp Mạnh lọt vào vòng thi thứ ba. Sau hơn một tháng,
đến ngày công bố kết quả tại trường Trung cấp Mỹ thuật công nghiệp (ở phố Đê La
Thành- Hà Nội), anh Tần ( là con bác ruột của Mạnh) hồi đó đang học ở Trường
Đại học Kinh Tài đạp xe đến xem yết bảng thì không thấy tên của Mạnh trong danh sách
trúng tuyển. Vậy là, dù có thông minh nhưng năng lực vẽ của Mạnh chưa đạt yêu
cầu. Cuộc đời Mạnh không thể đi vào con
đường hội họa.
Cuối hè năm 1963, là học sinh khá
giỏi ở Trường cấp II xã Nghi Khánh, nhưng không hiểu sao, khi thi vào Trường cấp
III huyện Nghi Lộc, Mạnh lại bị trượt. Điều này khá bất ngờ đối với các thầy
giáo và bạn bè. Mạnh buồn lắm. Mọi người động viên an ủi Mạnh: “học tài thi
phận”. Nghĩ rằng, miễn là có tấm bằng tốt nghiệp trung học trong tay là có thể
vào đời, Mạnh xin vào học lớp 8 hệ BTVH tại Trường cấp III huyện Nghi Lộc.
Cuối năm 1964, giặc Mỹ bắt
đầu cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Lúc này, Mạnh đang học giở lớp 9
BTVH, tôi thì đang học lớp 8 phổ thông. Cả hai đang tuổi “ bẻ gãy sừng trâu”.
Không khí chiến tranh hừng hực đang lan truyền thấm sâu vào từng làng quê, ngõ xóm. Đi đâu chúng tôi cũng chứng kiến từng
đoàn quân, chiến cụ, súng ống rầm rộ ra chiến trường. Sống trong bối cảnh đó,
mặc dù chưa tới tuổi nghĩa vụ, nhưng trong lòng chúng tôi ngày đêm đã hướng vào
chiến trường miền Nam.
Một sáng giữa tháng 10 năm
1964, tôi đang cùng một số bà con xã viên lăn lúa tại sân nhà ông Tùng thì Mạnh
đột ngột tới. Mạnh ăn mặc như thường ngày, đầu không mũ, chân đi
dép cao su, tay cầm quyển sách. Có người hỏi Mạnh:
- Mày đi đâu đó?
Mạnh trả lời:
- Cháu đi bộ đội
Tôi và mọi người cứ nghĩ là Mạnh nói đùa, bởi nghĩ nó đã đến tuổi nghĩa vụ đâu? Mà mấy ngày nay chơi với
nhau có lúc nào nó hé răng bàn với tôi lấy nửa lời. Mạnh chào mọi người ở lại
mạnh khỏe rồi lẳng lặng ra đi. Tôi chạy theo nó để hỏi cho ra nhẽ. Tới khi chỉ còn hai đứa ngoài đường, Mạnh nói:
- Tao đã trúng tuyển bộ đội rồi. Hôm nay là ngày tập trung ở huyện để
lên đường. Ở nhà, mày ở lại nhớ viết thư cho tao. Trước mắt hãy dấu, đừng cho
cha tao biết. Nếu cha tao biết, ông sẽ kiện địa phương, vì tao chưa đủ tuổi và địa phương không cho tao đi đợt này
đâu.
Trời mùa đông xám ngắt, gió lạnh thổi lùa trên cánh đồng lúa chín vàng đang mùa thu hoạch. Nhìn bóng Mạnh nhẹ bước trên con đường cái ở cánh đồng Nạy, đi qua cầu
Ben, chốc chốc ngoảnh đầu lại phía sau, rồi khuất dần cuối cánh đồng Hàng xã Nghi Xá, trong tôi trào lên một cảm xúc trống trếnh, hẫng hụt, trĩu buồn xen
lẫn nhớ thương. Tôi tự nhủ lòng mình những lời tâm sự với Mạnh: Thế là vĩnh biệt tuổi thơ. Không còn những trò chơi con trẻ. Còn đâu nữa thằng bạn mục đồng để tranh tài cao thấp.
Mày đi rồi tao còn biết chơi với ai?. Từ nay lũ thiếu niên làng Đại Xá thiếu đi một
“thủ lĩnh” thông minh, lanh lợi, gan góc. Tao thiếu đi một thằng bạn ngày đêm tâm
giao đồng cảm trên từng trang tiểu thuyết. Mạnh ơi! Cầu chúc mày mạnh khỏe, bình an, chân cứng đá
mềm trên đường thiên lý đầy gian truân. Tôi không ngờ cái ngày 15 tháng 10 năm 1964 ấy, với Mạnh, là một cột mốc lớn mở đầu cho cuộc đời quân ngũ sôi động, phong phú, đầy ắp kỷ niệm trên những nẻo đường thời gian đằng đẵng suốt 45 năm trời.
Sau ngày Mạnh đi bộ đội, mọi người trong làng
Đại Xá mới biết chuyện Mạnh bí mật gia đình đi khám tuyển. Khi tuyển quân, có một người
bà con trong Hội đồng Nghĩa vụ quân sự phát hiện là Mạnh chưa đủ tuổi nên kiên quyết bắt quay về đi đợt sau. Mạnh đã năn nỉ nên được người đó “đặc cách” khai tăng thêm cho
một tuổi. Nhưng khi sang phòng khám tai mũi họng Mạnh bị loại vì bị viêm amidan nặng. Để
vượt qua cửa ải này, Mạnh nhờ một anh bạn
cùng làng tên là Phan Ngọc Thịnh không bị viêm amidan khám thế. Vậy là một bản khám tuyển
sức khỏe “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, “đầu Ngô, mình Sở” đã giúp Mạnh thỏa chí dấn thân bước vào con đường đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Mạnh là người đầu tiên của làng tôi đi bộ đội khi mới tròn 16 tuổi. Từ xưa đến nay, khi đất nước chiến tranh, trên nhiều miền quê, việc thanh thiếu niên tòng quân trước tuổi để lên đường giết giặc đâu có là hy hữu.
Mạnh đi rồi, tôi ở lại học tiếp
cấp III, đại học trong bối cảnh chiến tranh đã lan khắp cả nước. Tháng 9 năm
1970, đang học tại trường Đại học Xây dựng, nam sinh viên toàn khóa học của tôi
được động viên vào bộ đội. Sống trong quân ngũ môi trường hoạt động khắc nghiệt
thường xuyên cơ động, tôi và Mạnh không có điều kiện trao đổi thư cho nhau. Nhớ
bạn nhiều lần tôi viết thư cho bạn bè và người thân để hỏi thăm tin tức thì biết
Mạnh bị thương rất nặng trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đang điều trị tại Quân
y viện 108 ở Hà Nội, nhưng vì xa xôi tôi không đến thăm được.
Bẵng đi một thời gian, vào tháng 6 - 1972, tôi đang học tại Trường Sĩ quan Công binh, lúc đó
đang sơ tán ở Khả Lý, Việt Yên, Hà Bắc thì Mạnh đột ngột tới thăm. Lâu ngày gặp lại, chúng tôi ôm choàng lấy nhau trong tình cảm trào dâng, xúc động. Nhìn kỹ
bạn giờ đã rắn rỏi, chững chạc một sĩ quan quân đội cấp Trung úy. Trong tâm
trạng phấn khích, tôi đưa tay vỗ mạnh vào hông bạn, thì tức khắc Mạnh đưa tay
hất cánh tay tôi và nói: “ Đừng chạm vào sườn tao khó chịu lắm. Nơi đó là vết
thương”. Đêm đó hai đứa nằm chung giường tâm sự rất khuya. Tôi mới có
dịp nghe Mạnh kể về quá trình ngót 10 năm chiến đấu ở chiến trường rồi bị
thương, điều trị từ các trạm phẫu tiền phương về Quân y viện 108. Qua lời Mạnh
kể, tôi hình dung ra được những gian truân vất vả khó khăn và những hy sinh cao
cả mà bạn và những người lính chiến trường hàng ngày phải đối diện. Sáng hôm
sau ngủ dậy, hai đứa rủ nhau ra Phố Nếnh ( Việt Yên) chụp ảnh kỷ niệm.
Với Mạnh, tôi nghĩ sự sống sót
trở về từ chiến trường ác liệt với vết thương rất nặng là một phép mầu nhiệm, một
hy hữu, một đặc ân của số mệnh. Từ ngày ở chiến trường ra, suốt mấy chục năm sau,
Mạnh đã không ngừng bền bỉ học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên trong tâm thế và tư
chất của người trai làng Đại Xá. Tôi cho rằng, những điều Mạnh có được trong
đời âu cũng là phần thưởng xứng đáng cho những gì bạn đã cống hiến.
Sau này, tôi và Mạnh mỗi
người mỗi đơn vị, cương vị khác nhau, nhưng dù ở đâu chúng tôi vẫn luôn trân
trọng, dành cho nhau những tình cảm chân thành, giúp đỡ thiết thực dựa trên tình
bạn vô tư thời niên thiếu. Chúng tôi nâng niu, giữ gìn tình bạn hồn nhiên, trong trẻo, tinh nghịch, tươi trẻ mà đầy lãng mạn của thuở thiếu thời trên quê hương yêu dấu.
Kim Giang, những ngày rét đậm, tháng Chạp năm Quý Tỵ
12/2013
L.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét