07:00 | 23/01/2014
(PetroTimes) - Sinh thời ông Nguyễn Xiển (1907-1997) thường
nhắc lại rằng, Bác Hồ giao cho ông việc gì ông làm nấy, chẳng từ nan. Từ hàn
đê, chống lũ lụt, dự báo thời tiết, dạy học, nghiên cứu và phổ biến khoa học kỹ
thuật... cho đến cứu tế xã hội, mặt trận, Quốc hội, đối ngoại... Bác Hồ
đã nói chuyện với ông theo tinh thần “Quốc gia hữu sự, sĩ phu hữu trách”. Nhân
dân bị lũ lụt, đói khổ, lẽ nào kẻ sĩ chỉ khoanh tay ngồi nhìn. Đây chính là cốt
cách của sĩ phu Bắc Hà thời đại Hồ Chí Minh Nguyễn Xiển.
…
Tuổi
trẻ dấn thân
Nguyễn Xiển sinh ngày
27/7/1907 ở thôn Trung Mỹ, xã Yên Trường, tổng Yên Trường, huyện Hưng Nguyên
(nay là TP Vinh) trong một gia đình quan lại. Ông nội là cụ Nguyễn Văn làm quan
Thị lang dưới triều vua Hàm Nghi, đã từng cùng vua Hàm Nghi xuất bôn ra Tân Giã
tính chuyện chống Pháp. Khi cụ Nguyễn Văn làm chức Án Sát tỉnh Khánh Hòa nổi
tiếng là liêm khiết. Xảy đến vụ án một phú hào địa phương giết người, bị án tử
hình, người nhà y mang một tráp vàng tới dâng cụ để chạy án, nhưng cụ không
nhận và cũng không thay án. Gia đình nó lên hối lộ lên quan trên thì được xóa
án. Thế là cụ Nguyễn Văn treo ấn từ quan về làng dạy học. Cụ tham gia phong
trào Văn thân.
Thân phụ ông lận đận
đường khoa cử. Năm 45 tuổi, sau khi đỗ tú tài, cha ông được bổ chức Huấn đạo.
Không biết vô tình hay hữu ý, cha ông đã để Đội Phấn, một trong những người
cuối cùng của phong trào Văn thân trốn thoát khi tạm giam ở huyện, vì thế cụ
mất chức, bị đuổi về làng trở lại với nghề dạy học, kê đơn bốc thuốc.
Cụ Nguyễn Văn đặt tên
cho cháu nội là “Xiển”. Theo lời giải thích thì chữ này có nghĩa là sáng sủa.
Ông nội hy vọng cháu sẽ nối được chí hướng của cha ông trên con đường học vấn.
Nguyễn Xiển không làm
ông nội thất vọng. Năng lực và sự cố gắng đã giúp ông hoàn thành chương trình ở
Trường tiểu học Pháp - Việt, rồi Trường Quốc học. Năm 1924, ông ra Hà Nội học
trường Bưởi. Ở đây, ông được các bạn truyền tay nhau cho đọc sách báo bí mật,
lần đầu tiên ông được biết về Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu có ý thức về đấu tranh
chính trị. Đầu năm 1926, Nguyễn Xiển tham gia cuộc bãi khóa để tang cụ Phan Chu
Trinh. Ông và những người bạn cùng lớp bị đuổi học. Ông tự học để thi tú tài
Tây. Vốn yêu các môn toán nên ông học rất hăng say, học ngày học đêm, học cả ra
ngoài chương trình đề phòng bị trù vì đã tham gia bãi khóa. Ông đỗ đầu kỳ thi
tú tài ban toán trường thi Hà Nội năm 1928. Đỗ thủ khoa Nguyễn Xiển được cụ
Nghè Phạm Liệu, Tổng đốc và cụ Nghè Nguyễn Khắc Niêm án sát Nghệ An tích cực đề
nghị cấp học bổng cùng Hoàng Xuân Hãn sang Pháp học lên.
Ông đã chọn Đại học
Toulouse, khoa Điện Cơ.
Năm 1930 ông đã đỗ ba
bằng cử nhân: toán vi phân, toán tích phân, toán đại cương và cơ học thuần lý.
Sau đó ông đoạt thêm bằng cử nhân hạng tối ưu về vật lý. Với thành tích đặc
biệt xuất sắc này, ông được nhà trường giới thiệu lên Paris học ở Viện Toán học
Henri Poincarré, trung tâm toán học số một của nước Pháp. Bằng tiến sĩ toán học
trong tầm tay của Nguyễn Xiển nhưng ông không kịp hoàn thành vì phải về nước
sớm để lo giúp đỡ gia đình đang gặp khó khăn về kinh tế và chăm sóc cha mẹ già.
Sau này, ông kể lại:
“Năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, một vài bạn học Việt Nam là đảng viên Cộng sản ở Pháp
vận động tôi tham gia phong trào chống thực dân. Tôi đã đề nghị cho tôi tập
trung học khoa học cho bằng người, cách mạng sẽ cần khoa học, thời cơ đến tôi
sẽ phục vụ cách mạng không muộn. Sau này, tôi đã làm đúng như vậy”.
Và suốt cuộc đời, ông đã
là một nhà khoa học và nhà hoạt động xã hội phục vụ nhân dân hết lòng.
Sau bốn năm du học ở
Pháp, về nước Nguyễn Xiển không vào làm quan ở Huế mà ra Hà Nội dạy học, ban
đầu dạy toán ở Trường Thăng Long, nơi thầy giáo Võ Nguyên Giáp dạy sử. Năm
1935, ông dạy toán ở Ban Tú tài, trường Bưởi.
Thời Mặt trận Bình dân,
Nguyễn Xiển được tuyển làm kỹ sư khí tượng - công việc này đòi hỏi trình độ
toán - lý giỏi là hợp với sở trường của ông. Còn những vấn đề chuyên môn về khí
tượng, Nguyễn Xiển tự nghiên cứu và sau đó ông có những công trình, những ý
tưởng riêng của mình rất có giá trị. Ông là một trong ba trí thức Việt Nam đi
vào ngành khí tượng và là người duy nhất trụ lại với bốn mươi năm làm việc.
Xây
dựng ngành khí tượng Việt Nam
Thoạt tiên, Nguyễn Xiển
được đưa về tập sự ở Đài Khí tượng Phù Liễn xây dựng từ 1902 ở Kiến An nay
thuộc Hải Phòng. Thoạt đầu ông được giao trách nhiệm mở lớp quan trắc viên khí
tượng để chuẩn bị lập trạm khí tượng ở Hoàng Sa. Năm 1938, ông được điều vào
Sài Gòn, đến 1941 ông trở ra Bắc, chính thức nhậm chức kỹ sư phụ trách (giám
đốc) Đài Khí tượng Phù Liễn. Hồi đó, dự báo khí tượng hằng ngày chỉ dùng tiếng
Pháp. Ông đấu tranh không lý do gì ở trên núi (tức trên đài) làm dự báo, mà ở
dưới núi dân Kiến An không hay biết gì. Ông cũng kiên trì đòi đào tạo cán bộ
khí tượng người Việt Nam bằng tiếng Việt. Nhưng người Pháp đã trả lời ông rằng,
thời gian nào còn có mặt người Pháp ở xứ sở này thì không có chuyện làm khí
tượng bằng tiếng Việt.
Từ ấy, Nguyễn Xiển nung
nấu ý thức, từng bước xây dựng ngành khí tượng phục vụ Việt Nam và do người
Việt Nam đảm đương cả về quản lý và về kỹ thuật. Ông muốn phổ cập khoa khí tượng
học và như vậy phải bắt đầu bằng việc xây dựng thuật ngữ khoa học khí tượng nằm
trong việc xây dựng thuật ngữ khoa học kỹ thuật tiếng Việt. Để thực hiện ý
tưởng đó, ông dành thời gian cộng tác với các ông Hoàng Xuân Hãn, Đặng Phúc
Thông, cùng nhau ra tờ báo Khoa học năm 1942. Nhờ có các số liệu lưu trữ đầy đủ
ở đài Phù Liễn, ông đã viết nhiều bài về khí tượng, như “Độ nhật thực ngày 21
september 1941” (Khoa học, số 1 năm 1942), chung quanh vấn đề danh từ khoa học”
(Khoa học tháng 8/1942), “Nói qua về khí tượng học” (Khoa học, tháng 9/1942),
“Cuốn lịch năm 1943 của Sở Khí tượng” (Báo Khoa học số 15 năm 1943).
Ông nhận thấy việc dùng
âm lịch cổ truyền theo tập tục chứa đựng nhiều trở ngại trong đời sống thường
nhật và trong sản xuất nông nghiệp. Vậy nên ông luôn luôn giữ ý kiến chỉ thống
nhất dùng dương lịch theo xu hướng của thời đại, bỏ việc dùng đồng thời cả hai
thứ dương lịch và âm lịch, trong trường hợp chưa dùng được thì phải cải cách âm
lịch…
Việc tính đối chiếu lại
ngày dương lịch và âm lịch từ 1968 trở đi đến hết thế kỷ XX theo lịch mới là
một bước cải tạo mà kết quả đưa đến sự kiện tết Ất Sửu 1985 tới sớm hơn một
tháng so với lịch cũ. Ông đã xuất bản cuốn “Vì sao nên dùng dương lịch” năm
1968 cùng với cuốn “Lịch thế kỷ XX”. Ông coi “Lịch là một công cụ về tư tưởng
và văn hóa” cần không ngừng cải cách cho phù hợp với sự phát triển của đất
nước.
Ngành khí tượng do ông
lãnh đạo đã duy trì tốt hoạt động trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước để phục
vụ tốt cho sản xuất và chiến đấu. Ngành đã phát động phong trào chống chiến
tranh khí tượng của đế quốc Mỹ. Rồi sau đó khi thống nhất đất nước, ngành đã
nhanh chóng tổ chức mạng lưới hoạt động trên toàn đất nước, từng bước hiện đại
hóa.
Ông chú ý việc phát
triển hợp tác quốc tế giữa ngành khí tượng của ta với nước ngoài.
Ông rất quan tâm đến
việc tu bổ đê điều. Từ năm 1945, ông lập ra quỹ thóc, sử dụng người thầu để sửa
chữa đê trong trận lụt lịch sử 1945. Những năm 1946-1947, “với tư cách là Chủ
tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ, tôi đã đi bộ, đi xe đạp, đi thuyền về các tỉnh
liên khu 3 để đôn đốc, kiểm tra hộ đê”.
Ngoài công tác khí
tượng, Giáo sư Nguyễn Xiển còn có nhiều đóng góp cho việc xây dựng ngành giáo
dục của nước nhà. Ông đã biên soạn hai cuốn giáo trình toán học đại cương và cơ
học thuần lý - là hai tập giáo trình toán và lý đầu tiên được viết bằng tiếng
Việt trên đất nước ta.
Từ 1951 đến 1954, ông
được biệt phái cùng Giáo sư Lê Văn Thiêm thành lập và giảng dạy tại hai trường
Khoa học cơ bản và Sư phạm cao cấp, đào tạo được nhiều tài năng toán học cho
đất nước.
Từ năm 1959 ông là Hội
trưởng Hội Phổ biến khoa học Việt Nam, được thành lập theo gợi ý của Chủ tịch
Hồ Chí Minh, kiêm chủ nhiệm Báo Khoa học thường thức của Hội. Suốt cuộc đời
mình, Giáo sư Nguyễn Xiển đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển khoa học của
Việt Nam, không chỉ cho riêng ngành khí tượng. Ông làm việc với lòng yêu người
và yêu nước. Cũng với tấm lòng ấy ông đóng góp cho những hoạt động xã hội của
mình.
Một
chính khách tâm huyết
Sống trong một gia đình
có truyền thống yêu nước, Nguyễn Xiển tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân
tộc là lẽ tự nhiên. Ông quan niệm: “Đã là trí thức có tấm lòng yêu nước, có đầu
óc tiến bộ và thực tiễn thì ít nhiều đều muốn hoạt động xã hội”.
Ngay từ hồi làm việc ở
Đài Khí tượng Phù Liễn ông đã là Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ của tỉnh
Kiến An với ý thức góp phần nâng cao dân trí.
Ngày 22/8/1945, ông cùng
ba nhà trí thức Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum đánh điện vào
Huế yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị giao cho Việt Minh thành lập chính phủ để
tránh nội chiến.
Ngày 24/8 ông được mời
đến Bắc Bộ Phủ, ông Võ Nguyên Giáp mời ông làm Bộ trưởng Bộ Giao thông của
Chính phủ lâm thời, ông từ chối. Ông kể lại: “Tôi cảm ơn anh đã biết đến tôi
nhưng không dám nhận… tôi chưa làm được gì cho cách mạng, mới chỉ gửi điện yêu cầu
Bảo Đại thoái vị mà nhận một ghế Bộ trưởng thì dễ dàng mang tiếng cơ hội”.
Nhưng hôm sau, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông đến, thuyết phục ông “với lý lẽ
giản dị” về trách nhiệm của người trí thức trước sự an nguy của Tổ quốc, và với
“sự tin cậy”, ông nhận làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (sau đổi thành Ủy ban Hành
chính) Bắc Bộ. Ông được bầu làm đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa đầu tiên đến
khóa VIII, làm Phó chủ tịch Quốc hội 4 khóa liên tiếp (từ 1956), Phó chủ nhiệm
Ủy ban Khoa học Nhà nước (từ 1956), Ủy viên danh dự của Đoàn Chủ tịch Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1946-1950), Chủ tịch Hội nghị Trí thức
chống Mỹ cứu nước (1966) và là Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Đảng Xã hội Việt Nam
từ ngày thành lập (23/7/1946) đến khi Đảng ngừng hoạt động (10/8/1988).
Ông kể lại: “Đảng Xã hội
được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương khuyến khích và cử một số cán bộ
hoạt động lâu năm giúp đỡ xây dựng”. Trong tình hình phức tạp và khó khăn sau
Cách mạng Tháng tám khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, ông thấy rằng:
“Người trí thức cùng với toàn dân đứng trước một sự lựa chọn: Tổ quốc hay trở
lại cuộc đời nô lệ? Kháng chiến hay mất nước…”, “Trong tình hình ấy tôi và một
số anh em trí thức khác thấy cần đứng vào hàng ngũ Đảng Xã hội mà Tuyên ngôn ra
mắt nêu rõ tôn chỉ mục đích là thực hiện độc lập hoàn toàn cho dân tộc, đấu
tranh cho chủ nghĩa xã hội khoa học, phản ánh nguyện vọng trước mắt và xu thế
tiến bộ của thế hệ trí thức bấy giờ…”. Và điều quyết định chính là “trong thâm
tâm tôi coi việc mình tham gia công tác của Đảng Xã hội như làm một nhiệm vụ
Bác Hồ giao cho”.
42 năm hoạt động, Đảng
Xã hội do ông Nguyễn Xiển lãnh đạo đã được đánh giá là “lịch sử sẽ mãi mãi ghi
nhận chặng đường vinh quang mà Đảng Xã hội đã đi qua” như lời Tổng Bí thư Đảng
Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh.
Còn nhiều điều có thể kể
về nhà trí thức lớn, nhà hoạt động chính trị - xã hội Nguyễn Xiển đã đóng góp
cho sự nghiệp phát triển của dân tộc. Ông mất rồi, nhưng ông để lại nhiều thành
quả lao động và vẫn giữ được tình cảm yêu quý và kính trọng của các lớp trí
thức học trò của ông và hậu duệ của họ, cả tình cảm của những người bình thường
như người cán bộ khí tượng thủy văn Tô Vượng.
Nguyễn Thị Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét