Menu ngang

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI GIAN (CHƯƠNG 5)

                                  Chương năm

                     Về cơ quan Tổng cục Chính trị


             Cầm tờ giấy ra viện, từ Quân y viện 108, tôi  ra ga Hàng Cỏ đi tầu hỏa về ga Thường Tín, tìm đến Trạm CT 14 đóng ở đình làng Ngọc Hồi. Đây là Trạm thu dung của Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ đón tiếp thu dung thương, bệnh binh ở các chiến trường ra. Căn cứ vào quê quán, cấp bậc, chức vụ, đơn vị chiến trường của từng người, cơ quan cán bộ ở Trạm đề nghị cấp trên phân bổ về an dưỡng tại các Đoàn điều dưỡng thương, bệnh binh ở các tỉnh, quân khu. Tôi được biết, hồi đó thương, bệnh binh ở các chiến trường Miền Nam ra an dưỡng và giải quyết chính sách với số lượng rất đông. Những thương, bệnh binh là hạ sĩ quan thì được đưa về an dưỡng ở các đoàn an dưỡng của các tỉnh, nơi quê quán của họ. Với thương, bệnh binh là sĩ quan thì đưa về các đoàn an dưỡng của các quân khu.
 Đình Ngọc Hồi khá rộng, cách  thị trấn Thường Tín khoảng 2 km, về phía đông nam. Chúng tôi, số thì ngủ trong mấy cái nhà lợp tranh cạnh đình, phần đông trải chiếu ngủ trong đình. Trong khi cấp trên đang xem xét phân tuyến và chờ quân số cho đủ các chuyến xe về các Đoàn điều dưỡng, chúng tôi phải đợi mất mấy ngày. Hàng ngày, chúng tôi,  mấy thương binh mới quen biết, rủ nhau lang thang đi chơi ở ngoài thị trấn Thường Tín và trong các xóm làng lân cận. Với tôi đây là lần đầu tiên ra đất Bắc nên cái gì cũng muốn biết.

Ngày 15 thàgs 9 năm 1971, tôi lên xe về Đoàn 251- Quân khu Tả ngạn, được phân về Đội 4 ở trong nhà dân tại xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hải Hưng, cách Trương Xá gần 2 km. Nhân dân ở đây, mặc dù đời sống còn khó khăn, nhà cửa chật hẹp, lại mới qua trận lụt nặng nề, nhưng đón tiếp chúng tôi rất niềm nở, tận tình. Các gia đình đã co lại phần sinh hoạt của mình, dành giường chiếu cho thương binh.  Hồi đó, hình như bất cứ ở đâu trên Miền Bắc, tình cảm nhân dân ở hậu phương đối với thương binh ở chiến trường ra rất chu đáo, mặn nồng. Trong nhiều gia đình cũng có con đi chiến đấu ở chiến trường B. Họ coi chúng tôi như những người thân trở về. Tuy đời sống vật chất còn nghèo nhưng vui, cùng nhau chia sẻ khó khăn, thiếu thốn.
Theo qui định, mọi thương binh ở chiến trường ra được an dưỡng 3 tháng. Trong thời gian an dưỡng, giải quyết đầy đủ mọi quyền lợi như: Cấp giấy sinh hoạt Đảng; phiên quân hàm; giám định thương tật; và sau đó giải quyết chính sách tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng người.
Khi ở chiến trường ra, mọi Đảng viên chỉ có một giấy sinh hoạt Đảng tạm thời do đơn vị cũ cấp, nay đổi lại thành giấy sinh hoạt Đảng chính thức.
Trong chiến đấu ở chiến trường B dài, dưới danh nghĩa là Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, việc phong thăng quân hàm không gọi theo các bậc của cấp úy, cấp tá như ở Miền Bắc mà gọi là: trung đội bậc phó, trung đội bậc trưởng, đại đội bậc phó, đại đội bậc trưởng,…cho tới cấp cao nhất là sư đoàn bậc trưởng. Khi ra Miền Bắc, căn cứ vào đó để phiên sang các bậc quân hàm tương ứng. Thực ra, việc phiên quân hàm này cũng có đôi điều bất hợp lý. Ví dụ: cấp đại đội bậc phó những năm trước ra Miền Bắc được phiên quân hàm trung úy. Nhưng sau đó, cả đại đội bậc phó và đại đội bậc trưởng đều phiên trung úy. Mà ở chiến trường, từ đại đội bậc phó lên đại đội bậc trưởng là cả một sự phấn đấu, rèn luyện trong chiến đấu. Lại có người đã là trung úy ở Miền Bắc rồi vào chiến đấu ở Miền Nam được phiên sang đại đội bậc phó. Sau mấy năm chiến đấu, bị thương ra Miền Bắc an dưỡng lại phiên sang trung úy. Thật buồn! Đã không thăng quân hàm thì chớ, mà lại trồi lên trụt xuống cứ như bị kỷ luật ấy,…Chẳng biết ai sáng tác ra qui định lạ lùng ấy.
Khi bị thương trong chiến đấu ở chiến trường, cán bộ chiến sĩ được đơn vị cơ sở cấp trung đoàn hoặc tương đương trở lên cấp một giấy chứng nhận bị thương. Giấy này là căn cứ pháp lý để sau khi điều trị ổn định vết thương, tiến hành giám định thương tật ở các đoàn an dưỡng. Kết quả giám định những người mất sức lao động từ 21% trở lên thì được xác nhận là thương binh các hạng, hàng tháng được hưởng trợ cấp thương tật và các chính sách đãi ngộ khác. Những người bị thương nhẹ hơn, tỷ lệ mất sức lao động từ 5% đến 20%, thì được trợ cấp một lần bằng một số tháng lương theo cấp bậc quân hàm của mỗi người – nôm na gọi là tiền xương máu.
 Sau khi hết thời gian an dưỡng, việc giải quyết chính sách là căn cứ vào điều kiện cụ thể về sức khỏe, năng lực và điều kiện cụ thể của mỗi người. Một số tuổi còn trẻ, thương tật nhẹ, được điều động trở lại các đơn vị thường trực. Một số khác được cử đi học ở trường quản lý kinh tế hoặc các trường đào tạo nghề. Số vốn là công nhân viên chức Nhà nước được trở về cơ quan xí nghiệp cũ. Một số có trình độ chuyên môn phù hợp, thì được chuyển ngành sang các cơ quan dân chính đảng. Ngày đó, Chính phủ qui định các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước phải tiếp nhận trong biên chế có tỷ lệ 5% là thương binh. Sau khi đã giải quyết cho thương binh thuộc diện đi học nghề, học văn hóa và chuyển ngành sang cơ quan xí nghiệp Nhà nước, số còn lại phần đông là phục viên về địa phương.
Tôi không vui vì là đại đội bậc trưởng mấy năm rồi cũng chỉ được phiên quân hàm trung úy. So với thực tế, tôi bị thiệt thòi hơn. Bởi lẽ, tôi đã được thăng đại đội bậc phó từ tháng 12 năm 1968 - nếu ở thời điểm đó ra Bắc, tôi đã được phiên thượng úy. Tính từ khi thăng đại đội bậc phó đến khi ra Miền Bắc đã có 3 năm ở chiến trường, chiến đấu nhiều trận, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hẳn hòi, rồi đã được thăng đại đội bậc trưởng từ tháng 10/1969. Vậy mà cũng chỉ được phiên quân hàm trung úy bằng những người công tác ở các đơn vị phía sau, vừa được thăng đại đội bậc phó trước khi ra Bắc.
Kết quả giám định thương tật vết thương ở phổi cộng với các vết thương ở chân và tay, tôi mất sức lao động vĩnh viễn 37%, xếp thương binh hạng 2/8. Thực tình, lúc đó vì muốn ở lại tiếp tục phục vụ quân đội lâu dài, tôi không muốn Hội đồng Giám định y khoa xếp tôi ở hạng thương tật cao hơn.
Vậy đấy, giống như nhiều cán bộ trẻ lúc bấy giờ, cũng là quyền lợi, nhưng tôi muốn quân hàm thì được phiên ở bậc cao mà thương tật lại chỉ muốn được xếp ở hạng thấp.
Trong thời gian an dưỡng ở Đoàn 251, điều quan tâm, băn khoăn nhất lớn nhất đối với tôi là công việc. Nhiều đêm tôi trăn trở thao thức, không tài nào ngủ được. Tương lai còn mờ mịt. Sự nghiệp cuộc đời là gì đây, khi tôi mới 23 tuổi. Đời còn phơi phới vậy mà đã phải đặt ra bên lề sự nghiệp, loại ra khỏi con đường danh vọng. Với tình trạng thương tật mất sức 37%, văn hóa mới học dở lớp 9, chắc chả cơ quan nào tiếp nhận. Như nhiều thanh niên hồi đó, ngoài việc cầm súng đánh giặc, tôi chưa được đào tạo một nghề nghiệp chuyên môn gì. Gọi là nông dân thứ thiệt, sinh ra lớn lên ở một vùng nông thôn thuần túy, nhưng lúc đó nhiều việc sơ đẳng của nhà nông như cày, bừa, cấy, gặt,..tôi cũng chưa biết làm. Tôi lo lắng, thậm chí bi quan, cho tiền đồ của mình.
Tự xét thấy, vì sức khỏe, thương tật, tôi nghĩ mình khó có điều kiện trở lại đội ngũ chiến đấu như một số bạn bè lúc đó. Chính vì vậy, khi nhận được thư của Ban Cán bộ Phòng Chính trị của Bộ Tư lệnh Đặc công mời đến để xem xét nghiên cứu có thể xếp một công việc thích hợp, tôi đã từ chối, bằng cách coi như không nhận được thư nên không đến.
Nguyện vọng của tôi lúc bấy giờ là được cấp trên cho đi học văn hóa cho hết  cấp III, sau đó thi vào Đại học. Nghĩ rằng, dẫu đã muộn, nhưng cổng trường Đại học vẫn rộng mở đối với lớp lứa chúng tôi. Ở tôi, chí tiến thủ trong học tập vẫn còn, trí nhớ còn tốt, lại được ưu tiên là thương binh trong thi tuyển theo chính sách hiện hành, tôi tự tin là đỗ. Bất quá, trường hợp không đỗ đại học, thì xin đi học trung cấp chuyên nghiệp để kiếm lấy một nghề cho cuộc sống lâu dài. Tôi đề đạt nguyện vọng với Thủ trưởng đơn vị, nhưng chờ mãi không thấy có quyết định. Trong khi đó, nhiều anh em khác cùng về an dưỡng một đợt, đã lần lượt lên đường đi theo nhiều hướng khác nhau, tôi sốt ruột lắm.
Trong khi chờ quyết định của trên, tôi xin phép đơn vị, mượn một chiếc xe đạp đi sang Thái Bình thăm các gia đình của nhiều đồng đội, hoặc đã hy sinh, hoặc còn chiến đấu ở chiến trường. Vậy là, chỉ bằng một chiếc xe đạp cà tàng, tôi một mình rong ruổi từ Kim Động – Hưng Yên vượt phà Triều Dương theo Đường 39 sang các huyện Vũ Tiên, Kiến Xương, Tiền Hải – Thái Bình. Trong thời gian hơn 10 ngày, cứ sáng lên đường hỏi thăm tìm đến một nhà theo trí nhớ. Tối ngủ lại gia đình của đồng đội cũ, sáng dậy lại đi tiếp. Cứ thế, tôi đã đi hàng mấy chục, thậm chí cả trăm cây số, qua từng ngõ ngách thôn xóm xa lạ ở miền quê Thái Bình, đến hầu hết gia đình của anh em thuộc Đại đội 20 đặc công. Dẫu chưa quen biết, nhưng khi nghe tôi nói là bạn cùng chiến đấu với con em mình, các gia đình đã vồ vập, đón tiếp tôi rất thịnh tình, chu đáo. Tôi có đến một vài gia đình của những anh em đã hy sinh. Khi biết rằng, địa phương chưa báo tử, tôi đến thăm nhìn lại gia cảnh bố mẹ già, nhà cửa dột nát, con thơ, vợ trẻ của đồng đội, lòng ngẹn ngào, ái ngại nhưng không giám nói gì. Nhiều gia đình lâu rồi không nhận được tin con, trong sâu thẳm đáy lòng đã linh cảm thấy điều bất ổn. Mọi gia đình đều coi tôi như con em họ đi chiến đấu trở về. Thật cảm động vô cùng. Khi tôi ra đi, nhiều bà mẹ, ông bố đã ôm lấy tôi mà khóc. Tôi biết, bao năm trường, trong cõi lòng họ ngày đêm nhớ mong con đến da diết.

 Tháng Giêng năm 1972, tôi được về nghỉ phép trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là lần nghỉ phép đầu tiên trong cuộc đời bộ đội của tôi. Gần 8 năm xa quê hương và gia đình đi chiến đấu, bị thương, nay được trở về, tôi bồi hồi xao xuyến. Chuyến tàu tốc hành chuyển bánh từ Hà Nội lúc 2 giờ chiều ngày hôm trước đến ga Vinh lúc đã gần 3 giờ sáng ngày hôm sau. Tôi xuống tàu rồi mua vé chuyến tàu chợ sáng mai đi ngược ra ga Quán Hành. Giữa đêm đông giá rét, trời mưa phùn lất phất,  tôi choàng tấm áo bạt, ôm chiếc ba lô ngồi thu lu trên chiếc ghế đá lạnh lẽo ở sân ga tàu hỏa thời chiến. Phố xá không ánh đèn. Xung quanh sân ga, những hàng quán bán vặt, lờ mờ ánh đèn dầu hỏa đỏ hoe, vàng quạch, không tỏ mặt người. Tôi cố hình dung quang cảnh ngày mai - ngày trở về nhà. Lòng ngậm ngùi xót thương nhớ đến những người bạn, những đồng đội cùng nhập ngũ, cùng đi chiến đấu mà nay không trở về sum họp gia đình.
Khoảng 9 giờ sáng, tàu dừng lại ga Quán Hành, tôi khoác chiếc ba lô rảo bước về quê, lòng lâng lâng vui buồn khôn tả. Vui vì được về nhà sau 8 năm xa cách. Buồn vì ngày trở về không còn mẹ. Khi tôi đang đi trên con đường qua Đồng Nạy, cách nhà còn khoảng hơn 200 mét, cả đội xã viên đang cấy lúa ở vạt ruộng ven đường. Có người ngẩng lên, phát hiện ra tôi, ai đó có kêu to lên :
- Ôi bà con ơi! Làng nước ơi! Nhìn kìa, đúng không? Thằng Đẩu con ông Hòe đi bộ đội về kia kìa.
Tức thì cả đội xã viên bỏ lại nắm mạ đang cấy giở, nhảy vội lên bờ, chân tay còn lấm lem bùn đất, vây quanh tôi. Mự Nghi vợ chú Lời ôm choàng lấy tôi ghì chặt:
- Trời ơi, may quá, cháu còn sống trở về.
Rồi cứ thế mọi người dẫn tôi về nhà. Khi rẽ vào ngõ, gặp một người phụ nữ trạc ngoài 40 tuổi, mọi người hỏi tôi có biết ai không. Tôi vừa lắc đầu, vừa nhoẻn miệng cười ầm ừ. 
Mự Nghi nói:
- Nó không biết là phải, Mự Phượng đấy cháu ạ.
Thì ra đó là bà mẹ kế của tôi mà tôi chưa bao giờ gặp. Tôi chào bà và cùng đi về nhà. Sau khi gặp cha tôi và bà con ở cái sân gạch, tôi lẳng lặng vào gian bếp bé nhỏ và khóc òa lên hồi lâu. Tôi lặng người ở đây. Chính tại chỗ này, mẹ tôi đã ôm tôi vào lòng khóc nức nở trước giờ tôi lên đường nhập ngũ. Nay về đây cảnh vật còn nguyên, mà không còn mẹ nữa. Tám năm qua, dù ở đâu, nhất là trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, tôi luôn luôn nhớ về hình ảnh thân thương của mẹ, mà ấn tượng đọng lại sau cùng là bóng hình của mẹ ngồi bên bếp lửa lúc chia tay. Thấy tôi khóc, các bác, các cô chú cũng động lòng thương cảm. Nhiều người ngẹn ngào, đưa tay dụi mắt.
Được một lúc thì các em  Đào, Loan, Phượng đi chăn trâu, cắt cỏ mới về. Mọi người dẫn các em vào nhà bảo rằng anh chúng mày đấy. Các em ngơ ngác nhìn, chẳng nhận ra tôi. Và tôi cũng thế. Nhìn các em chân không giày dép, ăn mặc phong phanh rách rưới, nhếch nhác, người xanh xạm, gầy yếu, tôi thương vô cùng, nước mắt cứ thế lại trào ra. Các em tôi phải mồ côi mẹ từ khi còn rất bé.
 Những ngày mới về, bà con nội ngoại và lối xóm đến chơi và hỏi thăm rất nhiều, có lúc chật cả nhà, đến tận khuya.  Hồi đó quê tôi hầu như gia đình nào cũng có người thân đi chiến đấu ở chiến trường Miền Nam. Nhiều gia đình đã nhiều năm bặt tin con. Có trường hợp biết chắc là đã hy sinh nhưng chưa báo tử. Việc tôi đi chiến đấu trở về, dẫu trên mình mang đầy thương tích, nhưng là chuyện may, chuyện hiếm. Mọi người đến thăm như thăm người ruột thịt từ nơi ác liệt trở về. Mấy ngày sau, tôi lần lượt đi thăm bà con nội ngoại. Quê tôi hồi đó phần đông trai tráng đã gia nhập quân đội hoặc đi thanh niên xung phong phục vụ các chiến trường, còn lại chỉ còn các ông bà già, trung niên và trẻ em.
 Là trưởng nam, lại đã 24 tuổi, cha tôi và bà con muốn tôi sớm lập gia đình trong kỳ nghỉ phép. Bạn bè cùng trang lứa đều vậy. Ở quê tôi, những năm trong chiến tranh, việc chọn vợ gả chồng gấp gáp và đơn giản. Có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là các gia đình cố giữ lấy giọt máu của người đi vào nơi khói lửa chiến tranh, sống chết chẳng biết thế nào. Có người trúng tuyển bộ đội hoặc ở bộ đội về tranh thủ, gia đình lo liệu việc cưới hỏi ngay. Cả tìm hiểu và cưới diễn ra trong vòng một tuần lễ, mà trước đó chưa hề quen biết nhau, chứ chưa nói đến chuyện yêu. Ấy vậy mà, những cặp vợ chồng đó vẫn ăn ở với nhau trọn đời chung thủy. Ở đó, cùng với tình yêu đến sau hôn nhân, phần đông họ sống với nhau bằng nghĩa, bằng sự cảm thông chia sẻ và lo lắng cho nhau trong hoàn cảnh ngặt nghèo của chiến tranh.  Nhiều gia đình có đến mấy mặt con, nhưng thời gian vợ chồng gần gũi chỉ tính được bằng số ngày người chồng tranh thủ tạt qua  nhà. Cưới xong, người chồng đi chiến đấu, biền biệt không tin tức, người vợ ở nhà một mình đêm ngày vò võ chờ chồng, lo nuôi dưỡng bố mẹ già, chăm sóc con thơ, qua một thời xuân sắc. Và biết bao người, sau nhiều năm đợi chờ khắc khoải, đến một ngày đớn đau nhận được tờ giấy báo tử lạnh lùng, lờ mờ nhạt nhòa trong nước mắt. Thế là hết một đời làm vợ, đơn chiếc, vô vọng.
 Quả thật, trên mọi miền quê của đất nước chúng ta, suốt mấy chục năm chiến tranh, cùng với sự hy sinh oanh liệt ở trận tiền của lớp lớp trai tráng, thì biết bao thế hệ phụ nữ thầm lặng chịu đựng ở hậu phương, lo việc nước đảm việc nhà, mòn mỏi tuổi xuân trong sự đợi chờ khắc khoải. Đây là sự hy sinh lớn lao, không thể đo đếm được bằng một tiêu chí, một con số cụ thể.
Thời gian nghỉ phép ngắn, tâm trí tôi còn dành sự lo lắng cho tương lai công ăn, việc làm; tự xét thấy mình cũng không việc gì phải vội; vả lại, “cái gu” gấp gáp trong việc trăm năm nghe ra không hợp với tôi. Vì vậy, khi trả phép về đơn vị, tình cảm trong tôi chưa định hình, trái tim tôi chưa neo đậu về một người con gái nào cả.
Sau khi trả phép được mấy hôm, một buổi trưa tôi đang đi tắm ngoài kênh, thì Ban chỉ huy Đội an dưỡng cho người ra gọi về. Anh Lộc chính trị viên Đội, vốn là người cùng đơn vị với tôi ở chiến trường, thông báo với tôi là có một anh cán bộ của Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị đi chọn người về đơn vị. Anh hỏi tôi nguyện vọng có đồng ý về Cục Chính sách không? Dẫu chưa biết về Cục Chính sách thì làm gì, ở đâu, nhưng chờ mãi không thấy trên giải quyết theo nguyện vọng của mình, sốt ruột, tôi nhận lời vì cho rằng đây cũng là một thời cơ hiếm.
Tôi không ngờ đó là quyết định bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Cục Chính sách – bến đậu lâu nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Cộng cả hai giai đoạn, từ tháng 4 năm 1972 đến tháng 3 năm 1988 và từ tháng 3 năm 1992 đến tháng 10 năm 2000, vị chi tôi công tác ở Cục Chính sách đến 25 năm trên tổng số 45 năm tuổi quân.
Ngày 12 tháng 4 năm 1972, cầm tờ quyết định điều động của Bộ Quốc phòng, từ Hưng Yên tôi về Hà Nội nhận công tác. Theo hướng dẫn của cơ quan cán bộ, tôi đến Trạm Thường trực của Tổng cục Chính trị ở số nhà 61, Phố Cửa Đông,  Hà Nội. Anh Hồ Giang, Đại úy, Trưởng ban Hành chính Cục Chính sách ra tiếp tôi. Anh Giang cho biết, trong điều kiện chiến tranh phá hoại, máy bay của giặc Mỹ đang oanh tạc vào Thủ đô Hà Nội,  hiện nay cơ quan Cục đã sơ tán về các địa phương. Anh Giang hướng dẫn tôi đi về làng Cống Xuyên,  huyện Thường Tín gặp các anh phụ trách để kịp dự lớp tập huấn chính sách. Chia tay anh Giang, tôi lên đường đi về ga Tía, rồi từ ga Tía tôi đi bộ vào làng Cống Xuyên khoảng 2 km.
 Khi tiếp xúc với các anh phụ trách lớp tập huấn, tôi được biết:  Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị là cơ quan đầu ngành về chính sách của quân đội, có nhiệm vụ giúp trên nghiên cứu đề đạt và chỉ đạo hướng dẫn việc thực hiện chính sách trong toàn quân. Chính sách đối với gia đình quân nhân đi chiến đấu ở các chiến trường B,C,K; chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, chính sách tuyển quân,…bao gồm nhiều nội dung, với một khối lượng rất lớn, trên diện rộng. Những kết quả đạt được trong công tác chính sách rất lớn, đáng  khích lệ, có tác dụng củng cố, ổn định hậu phương, góp phần yên lòng, cổ vũ, động viên bộ đội đang chiến đấu trên các chiến trường. Tuy nhiên, ở các địa phương, qua phản ánh của nhân dân, cũng xuất hiện sự sai sót, chậm trễ chiếm một tỷ lệ đáng kể. Những sai sót trong chỉ đạo và thực hiện chính sách tạo nên sự mất công bằng, gây bất bình trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến tính tích cực của chính sách. Đồng thời, có nơi đã làm thất thoát ngân sách, kinh phí của Nhà nước trong điều kiện còn có nhiều khó khăn.
 Trước tình hình có những sai sót trong khâu quản lý và thực hiện chính sách, Cục Chính sách đề nghị và đã dược Thủ trưởng Tổng cục Chính trị đồng ý, ngoài biên chế chính thức, Cục Chính sách được lâm thời tăng cường một số lượng lớn cán bộ làm công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách ở các địa phương Miền Bắc. Cán bộ được điều động về làm công tác kiểm tra chính sách phần đông là sĩ quan cấp úy, một số ít là sĩ quan cấp tá, đều được lựa chọn trong số thương binh ở các chiến trường ra sau khi đã chữa lành vết thương và qua an dưỡng ở các đoàn an dưỡng thương  binh: Đoàn 251, Đoàn 253, Đoàn 564 thuộc Quân khu Tả ngạn; Đoàn 581 thuộc Quân khu Hữu ngạn; Đoàn 235 thuộc Quân khu Việt Bắc,…
 Theo quan điểm của ông Lê Tiến Phục Cục trưởng Cục Chính sách lúc bấy giờ là: Cần chọn lựa những cán bộ là thương binh, đã qua chiến đấu ở chiến trường, hiểu được thực tiễn, nắm bắt được nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của cán bộ đang chiến đấu, có trách nhiệm chính trị cao và tình cảm sâu nặng với đồng chí, đồng đội. Số cán bộ này được tổ chức tập huấn về nội dung và phương thức tiến hành công tác chính sách. Thực tiễn chứng minh quan điểm đó là hoàn toàn đúng. Chọn những người là đối tượng chính sách đi làm công tác chính sách  là một cách làm hay, đạt được nhiều kết quả tốt.
Lớp tập huấn chính sách được tổ chức ở trong đình làng Cống Xuyên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Các đồng chí thủ trưởng Cục, thủ trưởng các phòng nghiệp vụ đã thay nhau giới thiệu rất bài bản cho chúng tôi nghiên cứu, học tập từ những vấn đề lý luận cơ bản đến tình hình thực tiễn, từ nội dung chính sách cụ thể đến cơ chế tổ chức, phương pháp và kinh nghiệm triển khai thực hiện chính sách ở các cấp. Những bài học đó trở thành kiến thức gần như là cẩm nang của tôi trong suốt thời gian công tác lâu dài ở Cục Chính sách sau này. Dĩ nhiên, nội dung chính sách thì luôn thay đổi, phát triển cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Không có một chính sách nào luôn luôn đúng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Nhưng những vấn đề cơ bản thuộc về quan điểm, về thế giới quan, phương pháp luận trong nghiên cứu đề đạt chính sách cũng như trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách thì có tính bền vững lâu dài.
 Thời gian tập huấn không dài, nhưng đọng mãi trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Những điều thu hoạch được đối với tôi lúc bấy giờ là rất  bổ ích. Có thể nói, đây là khối kiến thức ban đầu, là chuẩn bị hành trang cho tôi trong suốt mấy chục năm trời trong ngành chính sách quân đội.
Qua giới thiệu của Thủ trưởng và cán bộ Cục, tôi nhận thức được rằng, xây dựng quân đội về mặt chính trị  là cơ sở để  nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của quân đội ta. Đây là một vấn đề thuộc về bản chất, nguyên tắc của quân đội cách mạng. Trong tổng hợp các yếu tố để xây dựng quân đội về chính trị, thì chính sách giữ một vai trò quan trọng, có mối quan hệ biện chứng với công tác tổ chức, công tác tư tưởng và các lĩnh vực công tác khác. Chính sach đối với quân đội và hậu phương quân đội vừa là quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng; thể hiện bản chất ưu việt của chế độ; đồng thời, là sự kế thừa truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc. Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ trên một lĩnh vực cụ thể. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc vào tính chất đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…Muốn định ra chính sách đúng, trên cơ sở nắm vững chủ trương đường lối,  phải căn cứ vào tình hình thực tiễn trong từng lĩnh vực, từng giai đoạn và từng nhiệm vụ. Chính sách phải vừa giữ vững mục tiêu, phương hướng được xác định trong đường lối, nhiệm vụ chung, vừa linh hoạt vận dụng trong từng hoàn cảnh và điều kiện cụ thể. Chính sách là sản phẩm của đường lối, đồng thời có tác động trở lại đường lối.
Chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó là hệ thống quan điểm, thái độ và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta được pháp luật hóa và xã hội hóa về bảo đảm đời sống vật chất,  tinh thần đối với cán bộ, chiến sỹ đang phục vụ trong quân đội và hậu phương gia đình họ, nhằm phát huy nhân tố con người – nhân tố giữ vai trò quyết định trong hoạt động quân sự. Chính sách góp phần tạo động lực trực tiếp đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng giải phóng Miền Nam, bảo vệ Miền Bắc, tiến tới thống nhất Tổ quốc.
 Mục tiêu cơ bản của chính sách là hướng tới sự công bằng và tiến bộ xã hội. Bảo đảm cho mọi thành viên trong cộng đồng được thực hiện các quyền xã hội cơ bản, phù hợp với trình độ phát triển của xã hội. Chính sách coi con người là trung tâm. Trên cơ sở giải quyết hài hôa mối quan hệ giữa cống hiến với hưởng thụ; giữa nghĩa vụ, trách nhiệm với quyền lợi, bảo đảm sự công bằng trong xã hội. Bằng nội dung đãi ngộ, chính sách góp phần xác định vị thế, chuẩn mực giá trị của đối tượng chính sách . Đối tượng chính sách là quân nhân, công nhân viên quốc phòng và các đối tượng chính sách hậu phương quân đội ( bao gồm: gia đình quân nhân, công nhân viên quốc phòng tại ngũ, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ và những người trực tiếp phục vụ quân đội nay trở về hậu phương – hưu trí, xuất ngũ, thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ). Sự ổn định, phát triển bền vững trong đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách hậu phương quân đội có tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng nhân tố chính trị tinh thần của quân nhân đang tại ngũ. Chính sách đối với quân đội và chính sách đối với hậu phương quân đội có mối quan hệ chặt chẽ, khăng khít.
Nội dung chính sách đãi ngộ có phạm vi rộng lớn. Đó là các chế độ bảo đảm về ăn, mặc, ở; chính sách, chế độ về tiền lương, phụ cấp; các chế độ khuyến khích đặc thù; chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi đối với thương binh, thân nhân gia đình liệt sỹ,…Trong mỗi giai đoạn nhất định, bao giờ cũng tồn tại đan xen những nội dung chính sách tồn đọng của giai đoạn trước chưa giải quyết xong và những chính sách mới ban hành. Đồng thời, cũng xuất hiện dưới dạng dự báo định hướng những vấn đề chính sách của giai đoạn tiếp theo, tạo thành quá trình hình thành chính sách liên tục, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Hình thức tồn tại của chính sách rất phong phú, đa dạng và  không ngừng bổ sung những hình thức mới. Những hình thức cơ bản, chủ yếu thể hiện trên ba hệ thống:
 Hệ thống những quan điểm định hướng cụ thể được thể hiện trong chủ trương, đường lối, các Nghị quyết của Đảng.
 Hệ thống các qui phạm pháp luật cụ thể hóa các chủ trương nghị quyết thành các chế độ qui định tiêu chuẩn, xác lập quyền, trách nhiệm của đối tượng, và các yếu tố bảo đảm thực thi quyền, trách nhiệm đó . Đây là hình thức tồn tại phổ biến nhất trong xây dựng Nhà nước pháp quyền.
 Hệ thống kết quả các hoạt động xã hội (xã hội hóa) với tư cách là biểu hiện trên thực tế phong trào của toàn dân và các tổ chức chính trị xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Hình thức này chứa đựng nội dung rất phong phú, linh hoạt, sáng tạo.
Nói gọn lại, chính sách tồn tại dưới ba hình thức : Quan điểm - Pháp luật hóa - Xã hội hóa. Ba hình thức đó có quan hệ chặt chẽ gắn bó với nhau, cùng tác động đến đối tượng chính sách.
Sau khi nội dung chính sách được cấp có thẩm quyền ban hành, thì việc tổ chức thực hiện chính sách có vai trò rất quan trọng. Cán bộ chính sách các cấp là cầu nối đưa nội dung chính sách của Đảng, Nhà nước đến đối tượng chính sách. Thực tiễn chỉ rõ, nhiều chính sách ban hành rất kịp thời, phù hợp với ý Đảng, lòng dân, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là do cán bộ chính sách chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, tổ chức thực hiện không đúng, nên đã hạn chế đến vai trò, ý nghĩa của chính sách. Từ đó, có tác động không tốt đến tư tưởng, tình cảm của đối tượng chính sách. Tổ chức thực hiện chính sách phải bảo đảm chính xác, kịp thời, chu đáo. Thông qua hoạt động chính sách làm cho đối tượng hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc ban hành chính sách, từ đó có thái độ đúng, nâng cao nhiệt tình cách mạng trong hành động. Đồng thời, thông qua tổ chức thực hiện chính sách, phát hiện những vấn đề bất hợp lý trong nội dung cũng như cơ chế tổ chức chỉ đạo thực hiện chính sách hiện hành , đề xuất bổ sung sửa đổi phù hợp với điều kiện mới.
 Thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra về chính sách. Từ khi Nhà nước ban hành hàng loạt văn bản chính sách đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách ở các cấp, đưa chính sách vào cuộc sống, là một quá trình khó khăn, phức tạp, đa dạng, khó tránh khỏi những sai sót, thậm chí những sai lầm, tiêu cực. Kiểm tra để phát hiện những sai sót đó là một khâu tất yếu, một việc làm thường xuyên, rất quan trọng của mọi cấp. Trên tất cả mọi lĩnh vực, lãnh đạo mà không kiểm tra, coi như không lãnh đạo. Công tác chính sách cũng không thoát ra khỏi yêu cầu đó.
Chúng tôi được giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của cơ quan chính sách trong quân đội. Tổ chức cơ quan chính sách hình thành và phát triển theo yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội.
 Trong kháng chiến chống Pháp, ngày 26 tháng 2 năm 1947, Chính phủ đã ban hành Nghị định thành lập Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục và Ban Thương binh thuộc Phòng Chính trị Khu để chuyên trách theo dõi, chỉ đạo công tác thương binh - liệt sỹ trong quân đội. Đây là sự kiện đánh dấu về mặt tổ chức, sự ra đời hệ thống Ngành chính sách quân đội. Ngay từ khi mới ra đời, Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục đã chủ động chỉ đạo làm tốt công tác thương binh-liệt sỹ; gây được phong trào rầm rộ trong cả nước; đề xuất và tổ chức tốt cuộc mít tinh phát động toàn dân chăm sóc thương binh và gia dình liệt sĩ vào ngày 27-7-1947 (được Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày này hàng năm làm Ngày Thương binh-Liệt sĩ). Ngay từ hồi đó, hoạt động chính sách hậu phương quân đội đã được hình thành và phát triển. Nhiều cuộc vận động ủng hộ kháng chiến đạt được nhiều kết quả tốt đẹp như: Quỹ Độc lập, Quỹ Đảm phụ quốc phòng, Mùa đông binh sĩ, Hội mẹ chiến sĩ, Đón thương binh về làng,..và công tác vận động thanh niên tòng quân giết giặc. Từ Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục – Bộ Quốc phòng, cuối năm 1947, nhiều đồng chí được cử làm nòng cốt để hình thành Bộ Thương binh- Cựu binh.
 Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác chính sách có những bước phát triển mới, cả trong nghiên cứu xây dựng chính sách và chỉ đạo, tổ  chức thực hiện chính sách. Ngày 21 tháng 11 năm 1967, Bộ Quốc phòng ra Quyết đinh thành lập Cục Chính sách trực thuộc Tổng cục Chính trị với chức năng nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất các chính sách đối với các lực lượng vũ trang; theo dõi, phối hợp với các ngành có liên quan trong và ngoài quân đội để thực hiện các chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Hệ thống cơ quan chính sách từ Bộ Quốc phòng đến các quân khu, đơn vị, cơ quan quân sự địa phương được thành lập, từng  bước được củng cố cả về chất lượng, số lượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai có hiệu quả những hoạt động rộng lớn, phong phú, phức tạp của công tác chính sách.
Công tác chính sách  những năm đầu kháng chiến chống Mỹ đã được triển khai đồng bộ trên tất cả các mặt với một khối lượng rất lớn, với tính chất đầy khó khăn, phức tạp. Công tác khen thưởng được tiến hành tích cực. Đã kịp thời nghiên cứu đề nghị Nhà nước ban hành các hình thức, nội dung, tiêu chuẩn khen thưởng nhằm tuyên dương công trạng, khen thưởng những người, những gia đình, những tập thể có công, góp phần cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước, cả ở tiền tuyến và hậu phương. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thương binh-liệt sĩ trong chiến đấu trên các chiến trường. Đặt việc chấp hành chính sách thương binh –liệt sĩ là một tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhệm vụ của các đơn vị và là kỷ luật chiến trường. Thực hiện tổ chức cứu thương và chuyển thương binh từ tiền tuyến về hậu phương điều dưỡng và giải quyết chính sách. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xác minh, kết luận và phối hợp với các địa phương báo tử liệt sĩ về gia đình. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách  chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ ở các địa phương theo các qui định  hiện hành. Tham mưu đề xuất Trung uơng Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành các chính sách đối với gia đình quân nhân đi chiến đấu ở các chiến trường B,C. Đồng thời, trực tiếp quản lý, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chính sách đó với nhiều nội dung phong phú, thiết thực như: Gia đình có quân nhân đi B,C được hưởng trợ cấp hàng tháng “tận tay, đủ số, đúng kỳ”, được chăm sóc giúp đỡ trong lao động sản xuất, điều hòa lương thực, khám chữa bệnh, bảo đảm học hành cho con cái, trợ cấp khi gặp khó khăn đột xuất,…Các chính sách đó có tác dụng  to lớn trong việc cổ vũ động viên tiền tuyến và ổn định củng cố hậu phương.

                                                    
   Sau khi kết thúc lớp tập huấn chính sách, Cục Chính sách tổ chức thành năm đoàn cán bộ đi kiểm tra ở 5 tỉnh : Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng, Nam Hà, Vĩnh Phú. Phụ trách chung cả 5 đoàn là ông Lê Thanh Hà Cục phó. Người trực tiếp giúp ông Lê Thanh Hà điều hành công việc thường xuyên là ông Vũ Quang Đàm (vốn là Trưởng phòng Khen thưởng của Cục). Đồng thời, Cục tổ chức một bộ phận cơ quan giúp việc gồm : Tổ phái viên công tác chuyên môn; Tổ công tác chính trị ; Tổ hậu cần- tài chính.
Tôi không được phân xuống các đoàn kiểm tra mà được các Thủ trưởng Cục giữ lại làm trợ lý trong Tổ công tác chính trị. Tổ công tác chính trị lúc bấy giờ gồm các anh : Đặng Minh, Nguyễn Đỗ Phương, Chu Nên, Đặng Quí Lĩnh, Nguyễn Ưu, Nguyễn Đình Liêu, Đỗ Công Chiêu và tôi. Cơ quan đóng quân trong nhà dân ở làng Trần Đăng thuộc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây.
Chính trong thời gian này, tôi thường được cử đi nắm tình hình hoạt động của các đoàn trên các địa phương và có nhiều dịp tiếp xúc với cán bộ các phòng nghiệp vụ của Cục và các thủ trưởng Cục.
 Trong điều kiện chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chỉ bằng xe đạp, chúng tôi có thể đi công tác từ tỉnh này sang tỉnh khác, nhiều lúc phải qua nhiều trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Có lần, tôi được cử lên Đoàn 564 đóng ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Từ sáng tinh mơ, tôi đạp xe từ Vân Đình về Hà Nội rồi đi theo Đường 1 khoảng 10 giờ tới bến đò Sông Cầu, cách cầu Thị Cầu khoảng 1 km về phía hạ lưu. Khi con đò mới ra đến giữa sông thì bất thần 2 chiếc máy bay phản lực Mỹ ập đến nhào lượn mấy vòng. Mọi người nhốn nháo. Trong đò chỉ có tôi và một anh bộ đội nữa. Mọi người  rất lo lắng. Có mấy chị mang quang gánh, chắc là đi chợ về, kêu toáng lên, làm sao bây giờ đây hai chú bộ đội ơi?! Dẫu chẳng quen biết nhau, nhưng trong hoàn cảnh đó, là quân nhân xét thấy phải có trách nhiệm,  tôi hô thật to:
- Bà con ta đừng sợ, phải hết sức bình tĩnh để đò sang sông.
Thú thực, bằng kinh nghiệm và cách lập luận may rủi, tôi nghĩ rằng, máy bay trên cao chưa chắc đã phát hiện được; mà có phát hiện chưa chắc đã bắn; bắn chưa chắc đã trúng. Chứ nếu nhốn nháo, hốt hoảng làm lật đò là rất nguy hiểm, dễ có nguy cơ dìm nhau mà chết. Thế rồi, trong trật tự, đò qua sông cập bến,  mọi người nhìn nhau vui vẻ thở phào.
Có lần, tôi và anh Đỗ Công Chiêu từ làng Trần Đăng, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây về Hà Nội báo cáo tình hình với Ban Cán bộ Tổng cục Chính trị, lúc đó đang đóng ở số nhà 34 Lý Nam đế. Sau khi làm việc xong ra về, đúng vào lúc máy bay Mỹ oanh tạc ở phía ga Hàng Cỏ. Phố xá không đèn, trong âm thanh hỗn tạp liên hồi: còi hú,  máy bay gầm rú,  bom nổ, tiếng pháo cao xạ. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi bàn với anh Chiêu  tìm vào một  công viên gần nhất, vì ở đó thường có hầm trú ẩn. Hơn nữa, khi máy bay oanh tạc các nhà cao tầng có sập đổ xuống thì cũng không bị vùi dập. Hết báo động, bụng đói meo, hai anh em đạp xe vòng vèo qua mấy dãy phố tìm một hàng phở mà không có. Đành nhịn đói ra về trên quãng đường hơn 40 cây số trong đêm. Sau này, anh Chiêu làm Trưởng phòng Chính sách Quân khu Thủ đô, mỗi lần gặp nhau chúng tôi thường ôn lại chuyện này.
Thời điểm cao nhất số lượng cán bộ kiểm tra chính sách lên tới 350 người. Mỗi đoàn kiểm tra biên chế khoảng 70 cán bộ. Khi đến các tỉnh, chỉ huy đoàn trực tiếp báo cáo với Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh về chủ trương, nội dung, phương pháp và thời gian kiểm tra. Làm việc với Sở Thương binh xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để được cung cấp tình hình, số liệu và có sự phối hợp. Cán bộ được phân chia về các huyện, thị; rồi từ huyện, thị lại phân chia về các xã, mỗi xã khoảng 5 cán bộ. Cán bộ về xã cũng tiến hành gặp lãnh đạo địa phương và các ngành có liên quan để nắm tình hình. Sau đó tỏa xuống từng gia đình gặp gỡ đối tượng chính sách để tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể và các chính sách đã được hưởng. Đối chiếu giữa sổ sách quản lý với tình hình thực tế, phát hiện sai sót uốn nắn kịp thời. Sau khi kiểm tra xong, rút kinh nghiệm chỉ đạo chung, rồi tiến hành cuốn chiếu kiểm tra sang các địa phương khác.
Qua thực tiễn tiếp xúc với các đối tượng chính sách, cán bộ kiểm tra càng hiểu thêm tình hình hậu phương quân đội, nắm được ý nghĩa, giá trị đích thực của nội dung chính sách. Đến địa phương nào, cán bộ kiểm tra cũng được cấp ủy, chính quyền, nhân dân và bản thân các đối tượng chính sách đón tiếp niềm nở ân cần; được các cơ quan hữu quan phối hợp tích cực nhịp nhàng, nhờ đó đã đạt được những kết quả tốt, góp phần chỉ đạo chung trên phạm vi toàn Miền Bắc.
Tổ chức biên chế Cục Chính sách ở thời điểm đó là:
Thủ trưởng Cục:  Ông Lê Tiến Phục là Cục trưởng . Cục phó là các ông : Lê Thanh Hà, Trần Hiếu, Ngô Phương.
Phòng Nghiên cứu chính sách: Ông Huỳnh An là Trưởng phòng.Ông Nguyến Hữu Quyền là Phó phòng.
 Phòng Công tác Thương binh: Ông Nguyễn Tám là Trưởng phòng, hai Phó phòng là ông Nguyễn Thành Lựu và ông Tống Trần Lập. Sau đó, Phòng  Công tác Thương binh tách làm hai phòng: Phòng Thương binh và Phòng chỉ đạo sản xuất của thương binh.
 Phòng Quản lý gia đình quân nhân: Ông Nguyễn Công là Trưởng phòng, hai Phó phòng là ông Vũ Hiền và bà Hồ Thị Bi.
 Phòng Khen thưởng: Ông Vũ Quang Đàm là Trưởng phòng. Ông Nguyễn Đức Chiêm là Phó phòng. ( Khi thành lập Đoàn kiểm tra chính sách, ông Vũ Quang Đàm được cử làm Trưởng Đoàn. Ông Nguyễn Đức Chiêm được bổ nhiệm làm Trưởng phòng).
Ban Hành chính: Anh Hồ Giang là Trưởng ban.
Từ những ngày đầu ở lớp tập huấn và nhất là nhiều năm sau này được công tác dưới quyền của các thủ trưởng Cục cũng như thủ trưởng các phòng, tôi cho rằng, đó là thế hệ cán bộ mẫu mực toàn diện, vừa có năng lực vừa có nhân cách tốt. Họ vừa có tâm vừa có tầm, xứng đáng với sự tin cậy của cấp trên, là chỗ dựa của đối tượng chính sách. Chúng tôi may mắn được công tác dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của những cán bộ đó.
 Nhân đây, tôi cũng xin được nói đôi điều về ba cán bộ của Cục Chính sách ngày đó là ông Lê Tiến Phục, ông Nguyễn Công và ông Nguyễn Hữu Quyền. Mỗi người, trên từng cương vị, đã có những dấu ấn sâu sắc trong nhận thức và tình cảm của tôi.
Ông Lê Tiến Phục - Cục trưởng đầu tiên của Cục Chính sách - ông thật sự xứng đáng là Người Anh Cả của ngành chính sách quân đội. Ông quê ở Mỹ Thuận, Mỹ Lộc, Nam Định; là cán bộ lão thành cách mạng. Ấn tượng đầu tiên tôi được tiếp xúc với ông khi ông đến trực tiếp giảng bài “ Đạo đức người cán bộ chính sách” tại lớp tập huấn, cũng như suốt nhiều năm sau này được công tác dưới quyền ông, là nhất quán. Ông là một người cán bộ có đạo đức trong sáng, thanh liêm, gương mẫu, mô phạm toàn diện. Phần đông lớp cán bộ cùng thời với ông là những người luôn toàn tâm, toàn ý vì nhiệm vụ, đúng theo nghĩa: dĩ công vi thượng. Trong lãnh đạo, chỉ huy cũng như trong đời sống sinh hoạt, ông luôn chân thành, thẳng thắn. Sự liêm khiết, mô phạm của ông có lúc hơi thái quá. Tôi được biết, ông không bao giờ nhận tiền công tác phí. Bởi ông cho rằng, chế độ tiền lương cấp phát cho cán bộ là nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu công tác rồi, nếu ngoài lương còn hưởng tiền công tác phí là trùng hưởng trong cùng một thời gian. Lớp chúng tôi đáng bậc con cháu, ông luôn dành sự quan tâm giúp đỡ để không ngừng trưởng thành. Chúng tôi luôn luôn kính phục và tin tưởng ông.
Ông Nguyễn Công quê ở xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Trước khi Cục Chính sách thành lập (năm 1967), ông công tác ở Phòng Chính sách   Cục Tổ chức - Tổng cục Chính trị. Ông là người có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu đề xuất cũng như trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách. Nghiêm túc, chặt chẽ trong công tác, đồng thời ông là người rất tận tình, chu đáo với mọi người, nhất là với đối tượng chính sách.  Nhiều năm ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy Cục Chính sách. Ông là người phát hiện và nhận tôi về công tác ở Cục. Trong nhiều năm, tôi được ông giúp đỡ, bồi dưỡng về nhiều mặt. Tôi coi đó như một ân huệ.
Ông Nguyễn Hữu Quyền quê ở phường Lê Mao, thành phố Vinh, Nghệ An; thời kỳ đầu ông làm Phó phòng rồi Trưởng phòng Nghiên cứu chính sách. Khi tái lập Cục Chính sách năm 1982, ông được bổ nhiệm làm Cục phó. Ông là người có năng lực toàn diện, vừa có tầm nhìn bao quát chung, vừa có phương pháp làm việc cụ thể, khoa học. Có thể nói rằng, ông là người phát hiện đúng những vấn đề từ nhu cầu thực tiễn và nắm bắt trúng ý định của cấp trên để khởi thủy chắp bút, thực hành các công nghệ trong quá trình nghiên cứu đề nghị để có sản phẩm cuối cùng là các văn bản pháp qui về chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội trong một thời gian khá dài. Tôi cho rằng, nếu như ở các lĩnh vực khoa học xã hội khác, chắc chắn ông là bậc chuyên gia đầu ngành. Công bằng mà nói, ông Nguyễn Hữu Quyền là bậc thầy của lớp chúng tôi.
                                                    
Sau mấy năm tiến hành kiểm tra công tác chính sách ở một số địa phương, Đoàn công tác kiểm tra chính sách đã phát hiện được những bất cập trong chỉ đạo cũng như trong tổ chức thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Từ khâu tuyên truyền phổ cập chính sách đến tổ chức quản lý, chỉ đạo, theo dõi việc chi trả trợ cấp B, trợ cấp đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và thực hiện các chính sách khác ở cơ sở còn có nhiều sai sót; cá biệt có trường hợp tiêu cực. Qua kiểm tra,  rút ra được những vấn đề giúp cho lãnh đạo và cơ quan nghiệp vụ các cấp, nhất là cấp cơ sở, cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời, kết quả đó có giá trị giúp Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị chỉ đạo chung trong phạm vi toàn quốc.
Đến giữa năm 1974, xét thấy việc kiểm tra công tác chính sách ở các cấp là thuộc về nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương. Cơ quan nghiệp vụ Bộ không thể làm xuể, càng không nên làm thay cho cấp dưới. Theo đề nghị của Cục Chính sách, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị  quyết định kết thúc nhiệm vụ của  Đoàn kiểm tra công tác chính sách. Số cán bộ trong Đoàn kiểm tra được điều động đi nhận  nhiệm vụ mới theo điều kiện và khả năng của từng người. Phần đông trong số đó được điều động về các Quân khu hoặc Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh. Một số nghỉ hưu theo chế độ. Một số ít cán bộ trẻ, có năng lực tương đối tốt được điều về các phòng nghiệp vụ của Cục Chính sách như: Nguyễn Đình Liêu, Nguyễn Ưu, Đỗ Công Chiêu, Vũ Ngọc Hiển, Phạm Danh Dự, Nguyễn Hữu Tỵ, Phạm Kiệu, Trần An, Đỗ Văn Hinh, Mai Xuân Bính…
 Tháng 1 năm 1973, từ khi chưa giải thể Đoàn kiểm tra, tôi đã được điều động về cơ quan Cục Chính sách. Ngày tôi đến nhận nhiệm vụ, ông Lê Tiến Phục, Cục trưởng đã dành thời gian làm việc buổi chiều, giảng giải rất cụ thể về những yêu cầu cần thực hiện khi đảm nhiệm công tác ở cơ quan cấp chiến lược. Tựu trung lại, ông phân tích rành rọt thể hiện trên ba điều: phẩm chất phải trong sáng, tận nghĩa, tận tình, chu đáo đối với các đối tượng chính sách;  năng lực phải chuyên sâu đồng thời phải có trình độ tổng hợp chung ; có tác phong công tác xông xáo, sâu sát, cụ thể. Về nhiệm vụ, ông nói rằng, cháu còn trẻ, đã trải qua chiến đấu, có nhiều triển vọng, bởi thế cần phải lần lượt luân chuyển qua các phòng nghiệp vụ trong Cục nhằm nắm bắt được mọi mặt công tác. Sau này, nếu phát triển lên cán bộ chủ trì, thì sẽ có kiến thức toàn diện, điều hành được thuận lợi hơn. Trước hết, hãy về Phòng Quản lý gia đình quân nhân của Cục. Cuối cùng, vừa như tâm sự vừa như dặn dò ký thác, với giọng nói chân thành ấm áp như một người cha đối với con, ông khuyên tôi hai việc lớn : Một là, phải không ngừng học tập, phấn đấu để có bằng đại học, rồi phải qua trường chính trị - quân sự của quân đội. Hai là, đã đến tuổi xây dựng gia đình, lấy ai thì tùy, nhưng phải là người tốt, bởi đó là chỗ dựa, là hậu phương vững chắc cho quá trình công tác, nói rộng hơn là cả một đời người. Vừa là cán bộ cấp dưới vừa đáng bậc con cháu, tôi xúc động, cảm kích về những lời căn dặn, dạy bảo chí tình, chí nghĩa của ông. Trong đời tôi không bao giờ quên.
Phòng Quản lý gia đình quân nhân, với biên chế gần 20 người, do ông Nguyễn Công làm Trưởng phòng, hai Phó phòng là ông Vũ Hiền và bà Hồ Thị Bi. Cán bộ, nhân viên trong Phòng gồm có: Nguyến Mạnh Kiêu, Lê Mạnh Bổng, Nguyến Đức Uẩn, Lê Đức Phận, Lê Đình Nhượng, Trần Thực, Nguyễn Đình Hường, Vũ Ngọc Hiển, Phạm Danh Dự, Bùi Thị Minh Trực, Lê Thị Lý, Đặng Thị Loan, Đào Thị Quỳ, Nguyễn Văn Cần, Ngô Mạnh Đề, Khoa Đăng Loạt.
 Khi về nhận công tác ở Phòng, ông Nguyễn Công giao cho tôi nhiệm vụ làm trợ lý tổng hợp, quản lý các thông tin về số liệu, danh sách gia đình có quân nhân đi B của các địa phương; số liệu, danh sách quân nhân hy sinh, mất tích trên các chiến trường.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, việc tổ chức quản lý và chăm sóc gia đình cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở chiến trường B,C do Tổng cục Chính trị chịu trách nhiệm giúp Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Cục Chính sách được Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng hữu quan trong quân đội, các cơ quan của Nhà nước ở Trung ương và địa phương triển khai thực hiện cụ thể. Hệ thống cơ quan và cán bộ làm công tác chính sách ở các cấp được củng cố và kiện toàn bảo đảm nhiệm vụ theo dõi, quản lý, tổ chức thực hiện chế độ trợ cấp B đến “ tận tay, đủ số, đúng kỳ” cho gia đình có quân nhân đi chiến đấu ở chiến trường B, C.
Về phân cấp quản lý cụ thể, Tổng cục Chính trị chỉ thị : Cán bộ cấp quân khu và tương đương trở lên do Bộ quản lý (Cục Chính sách đảm nhiệm); cán bộ cao cấp cư trú ở địa phương quân khu nào do quân khu trực tiếp theo dõi, quản lý (Phòng Chính sách quân khu đảm nhiệm); cán bộ trung cấp, sơ cấp và hạ sĩ quan , chiến sĩ do cấp tỉnh, huyện trực tiếp theo dõi, quản lý (Ban Chính sách tỉnh đội đảm nhiệm). Các đơn vị có cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu ở chiến trường có nhiệm vụ bàn giao danh sách nhân sự và liên hệ phối hợp với cơ quan chính sách  cơ quan quân sự địa phương bảo đảm tổ chức thực hiện.
Phòng Quản lý gia đình quân nhân thuộc Cục Chính sách vừa làm chức năng theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan quân sự các địa phương thực hiện chính sách quản lý và chăm sóc gia đình quân nhân của toàn quân đang công tác ở chiến trường; vừa trực tiếp quản lý gia đình quân nhân B,C theo phân cấp ( gia đình cán bộ cấp tổng cục, quân khu và tương đương) ở địa bàn Hà Nội. Đối với tôi, thời gian làm việc ở cơ quan Cục là chủ yếu. Thỉnh thoảng tôi được cử tham gia đoàn công tác của Cục đến nắm tình hình ở các đơn vị, quân khu, tỉnh đội. 
Theo số liệu đăng ký, đến đầu năm 1973, trên toàn Miền Bắc, tổng số gia đình có quân nhân đi B,C do Cục Chính sách quản lý là hơn 53 vạn hộ, với 1,6 triệu thân nhân hưởng trợ cấp. Với một khối lượng rất lớn, trong điều kiện chiến tranh, nhưng công tác bàn giao, tiếp nhận quản lý, cấp phát trợ cấp B.C và thực hiện các chế độ chính sách đã có nhiều cố gắng, từng bước đi vào nền nếp, đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, việc quản lý, theo dõi thực hiện chính sách có rất nhiều khó khăn, phức tạp, công tác hồ sơ lưu trữ cũng còn nhiều bất cập, hơn nữa đối tượng chính sách (gia đình và quân nhân) lại luôn biến động, nên việc một tỷ lệ sai sót trong chi trả trợ cấp như cấp trùng, cấp sót, cấp sai đối tượng, sai mức trợ cấp, sai thời gian,…là khó tránh khỏi. Vì vậy, đòi hỏi cơ quan phải thường xuyên cập nhật thông tin để có sự điều chỉnh thích hợp.
Đối với một số lượng rất lớn quân nhân hy sinh trên các chiến trường, các đơn vị do có những khó khăn cụ thể, việc lập danh sách báo cáo về Bộ thường không kịp thời, không chính xác, thiếu nhiều yếu tố. Vì vậy, việc xác minh từng trường hợp cụ thể để hoàn chỉnh hồ sơ trước khi báo tử về gia đình phải tiến hành rất công phu, tốn nhiều thời gian. Ở các địa phương, công tác báo tử chưa được chỉ đạo chặt chẽ cả về tư tưởng và chưa có tổ chức tiến hành chu đáo, nhanh gọn. Nhiều gia đình biết tin chồng, con, em hy sinh từ lâu mà vẫn chưa được báo tử. Thủ tục báo tử  còn phức tạp, qua nhiều khâu, nhiều cấp nên chậm trễ. Nhiều địa phương ngại báo tử, sợ ảnh hưởng đến nhiệm vụ và phong trào chung nên để lùi lại, làm cho báo tử càng chậm. Báo tử chậm dẫn đến tình hình càng thêm phức tạp, gia đình chậm được hưởng quyền lợi của thân nhân liệt sỹ. Quyền lợi gia đình liệt sĩ sau khi báo tử ở nhiều nơi chưa được giải quyết kịp thời, chu đáo.
Để khắc phục tình hình trên, Cục Chính sách đã cử nhiều cán bộ đi chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc trên các các chiến trường Miền Nam và các địa phương ở Miền Bắc. Các đoàn cán bộ kiểm tra tình hình công tác chính sách do Cục Chính sách cử vào chiến trường vừa làm nhiệm vụ theo chức năng được giao, vừa giúp chiến trường xây dựng qui cách tổ chức quản lý nhân sự, thu thập danh sách quân nhân hy sinh qua các thời kỳ, danh sách quân nhân đi chiến đấu mà gia đình chưa được hưởng quyền lợi chính sách. Nhờ đó, tình hình chung đã có những chuyển biến, từng bước đi dần vào nền nếp.



Với chức năng nhiệm vụ là cán bộ tổng hợp của Phòng, tôi được nhận  nhiều thông tin về các mặt hoạt động của công tác chính sách qua báo cáo của các đơn vị.
Thời kỳ 1973-1975 là thời kỳ cả nước tập trung nhân tài vật lực để giải phóng Miền Nam.
Về chính sách động viên tuyển quân, tháng 12 năm 1972, Hội đồng Chính phủ ban hành chỉ thị về công tác tuyển quân năm 1973 nêu rõ:” Đối tượng động viên tuyển quân năm 1973 sẽ bao gồm tất cả trai tráng ở độ tuổi từ 18 đến 32, có sức khỏe loại A và B1, không phân biệt nguồn gốc gia đình, thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, trình độ văn hóa,…trừ những người bị tước quyền công dân”. Đến năm  1975, Hội đồng Chính phủ chỉ thị tiếp : “ Tất cả nam công dân từ 18 tuổi trở lên trong tuổi nghĩa vụ quân sự, có đủ sức khỏe, không phân biệt tôn giáo, thành phần xã hội, dân tộc, nguồn gốc gia đình,…đều có vinh dự làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc…Những trường hợp tạm hoãn trước đây, năm 1975 không tạm hoãn nữa,…”.  Chấp hành chủ trương và chính sách động viên của Chính phủ trong thời điểm lịch sử có ý nghĩa quyết định đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu, đơn vị triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, kịp thời. Trong 3 năm (1973- 1975), Miền Bắc đã hoàn thành cơ bản chỉ tiêu tuyển quân, trong đó năm 1975 có số lượng lớn nhất, thời gian hoàn thành ngắn nhất. Tính riêng tỉnh Thái Bình, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, trong 3 nắm (1973-1975), toàn tỉnh đã  động viên đủ 30 tiểu đoàn vào chiến trường.
Đặc biệt trong tháng 2 năm 1975, cả Miền Bắc đã động viên tuyển quân được gần 60% chỉ tiêu cả năm . Có 68 huyện thị, 14 tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu cả năm trong 1 đợt. Đánh giá công tác động viên tuyển quân trong 3 năm cuối cuộc chiến tranh, trong Thông báo tháng 6 năm 1975 của Phủ Thủ tướng đã khẳng định :” Với tinh thần cách mạng tiến công, tất cả vì Miền Nam ruột thịt, vì thống nhất Tổ quốc, nhân dân ta đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước nồng nàn, hết lòng hết sức chi viện cho tiền tuyến nên đã đạt và vượt mức yêu cầu, đó là thắng lợi rất lớn của quân và dân ta; thắng lợi này vừa có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa quân sự, góp phần rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giành toàn thắng của dân tộc ta “.
Công tác khen thưởng đã động viên phong trào thi đua giết giặc lập công, đã bám sát nhiệm vụ chính trị của lực lượng vũ trang trong cả nước, bảo đảm đúng hướng, cổ vũ kịp thời, tạo được hiệu quả lớn trong phong trào thi đua quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập quân đội (22/12/1944 – 22/12/1974), Đảng , Nhà nước đã tuyên dương công trạng các lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng Huân chương Sao vàng- huân chương cao quí nhất của Nhà nước ta cho quân đội.
Cơ quan chính sách các cấp đã hoạt động tích cực, tổng hợp báo cáo về Cục Chính sách nghiên cứu xem xét trình lên Nhà nước khen thưởng 20 vạn Huân chương Quân công và Chiến công các hạng cho 60 nghìn đơn vị và 140 nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân lập công xuất sắc.
Về tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách đối với thương binh - tử sĩ, từ năm 1973 trở đi, các đơn vị trên các chiến trường đã có điều kiện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và bảo đảm những điều kiện cần thiết cho công tác thương binh, tử sĩ trong chiến đấu, chiến dịch. Mạng lưới cứu chữa thương binh tại chiến trường đã tổ chức thành một hệ thống mạnh. Việc chuyển thương binh bằng cơ giới đã được thực hiện ngay từ tuyến quân y cấp sư đoàn về các đội điều trị, các viên quân y.
Từ năm 1973 đến cuối năm 1975, trên tuyến vận tải chiến lược 559, bình quân hàng năm chuyển ra Bắc được 3 vạn thương, bệnh binh. Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị giao cho Cục Chính sách chỉ đạo hệ thống cơ quan chính sách các cấp quản lý, theo dõi việc thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh trong chiến đấu, trên tuyến chuyển thương,chăm sóc thương binh, bệnh binh tại các đoàn an dưỡng ở hậu phương. Thời kỳ này, trong cơ quan chỉ huy chuyển thương của Bộ Quốc phòng có Chỉ huy Cục Chính sách và phái viên Phòng Công tác thương binh của Cục, cùng các cơ quan chức năng, nắm tình hình, báo cáo Bộ và Tổng cục Chính trị xử lý kịp thời những tình huống khó khăn, phức tạp. Về cơ bản, mặc dù có nhiếu khó khăn trong điều kiện chiến tranh, nhưng việc chuyển thương từ tuyến trước về tuyến sau đã bảo đảm an toàn cao hơn trước.
Việc thực hiện chính sách điều trị, an dưỡng cho thương binh, bệnh binh ở các đoàn an dưỡng ở Miền Bắc đã được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị tập trung chỉ đạo, bảo đảm với khả năng cao nhất. Hệ thống điều trị quân y trên Miền Bắc đến cuối năm 1972 có 15 viện và 14 đội điều trị với 9.000 giường. Trang, thiết bị ở các cơ sở điều trị được đổi mới. Đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y được bổ sung về số lượng, nâng cao về trình độ chuyên môn. Nhờ đó, đã kịp thời phục vụ yêu cầu cứu chữa thương binh từ các chiến trường chuyển về đạt chất lượng cao, sớm hồi phục sức khỏe, nhanh chóng trả quân số về đơn vị chiến đấu và giải quyết di chứng vết thương cho những người không còn đủ điều kiện phục vụ quân đội.
Thương binh sau khi đã điều trị lành vết thương chuyển sang các đoàn an dưỡng với số lượng tăng hơn trước. Số chuyển ra ngoài quân đội được ưu tiên tuyển chọn đi học các trường chuyên nghiệp để xây dựng một lực lượng lao động kỹ thuật vững mạnh, trung thành với cách mạng, với chế độ. Thương binh, bệnh binh chuyển ngành sang cơ quan, xí nghiệp Nhà nước bằng 25% tổng số chuyển ra. Thương binh, bệnh binh phục viên về gia đình chiếm hơn 52% tổng số chuyển ra. Các trại thương binh của Bộ Nội vụ ( sau này là Bộ Thương binh - Xã hội ) và các tỉnh đã tiếp nhận hàng vạn người do quân đội chuyển sang, bao gồm thương binh, bệnh binh nặng, thương binh có vết thương đặc biệt và những thương binh không có điều kiện về sinh sống ở gia đình.
Từ năm 1973, được sự giúp đỡ của các nước bạn, Cục Chính sách đã giúp Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức 22 xí nghiệp, 6 trường dạy nghề cho thương binh ở các quân khu và tỉnh đội. Đến cuối năm 1974, toàn quân đã xây dựng và đưa được 16 cơ sở vào sản xuất và đào tạo nghề, sắp xếp cho 3.000 thương binh có việc làm ổn định. Một số xí nghiệp được tổ chức quản lý khá tốt, bước đầu đã có lãi, dần dần tự bảo đảm sinh hoạt phí; có trường dạy nghề đã kết hợp chặt chẽ đào tạo với lao động sản xuất, tăng thêm thu nhập. Cục Chính sách có Phòng chỉ đạo tổ chức sản xuất của thương binh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chính sách thương binh- liệt sĩ của thời kỳ này cũng còn có nhiều hạn chế, khuyết điểm.
 Trong chiến đấu, một số đơn vị không kịp thời cấp cứu thương binh để vết thương nhiễm trùng, dẫn đến tình trạng thương binh nhẹ thành nặng, nặng thành tử vong. Tình trạng bỏ thương binh-tử sĩ ở trận địa khi lui quân vẫn còn. Một tình hình khá phổ biến, chậm được khắc phục là nhiều đơn vị trong quá trình chiến đấu không lập đủ và lưu giữ được hồ sơ của thương binh, liệt sĩ, gây rất nhiều khó khăn cho việc xác minh, kết luận và thực hiện các chính sách. Bởi vậy, khi kết thúc chiến tranh tồn đọng phải giải quyết trong nhiều năm, với một khối lượng rất lớn, phải tốn nhiều thời gian, lực lượng và kinh phí, ảnh hưởng lớn đến hậu phương quân đội, đến tình cảm quân dân.
Tổ chức quản lý thương, bệnh binh tại các đoàn an dưỡng để tình trạng kéo dài sự thiếu kết hợp trong giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng với việc thực hiện các chế độ, chính sách, nên  hiện tượng tiêu cực trong thương, bệnh binh phát sinh, phát triển đến mức nghiêm trọng như: gây rối, làm mất trật tự trị an xã hội, thậm chí có hành động phạm pháp, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín quân đội, tác động không tốt về chính trị.
Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, chấp hành Chỉ thị của trên, Cục Chính sách phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt được trao trả. Hồi đó, trong tổ chức của Cục Chính sách có thêm một phòng chuyên trách nhiệm vụ này.
Cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt nay được trở về là những người trải qua chiến đấu, công tác đã có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp cách mạng, phải được đón tiếp, nuôi dưỡng và chăm sóc hồi phục sức khỏe. Giáo dục cho mọi người nhận rõ tình hình nhiệm vụ mới. Củng cố lập trường giai cấp, khắc phục những nhận thức mơ hồ, tư tưởng lệch lạc do ảnh hưởng của chiến tranh tâm lý của địch trong quá trình bị chúng giam giữ. Các đoàn an dưỡng được phân công, đã phát huy trách nhiệm thực hiện chu đáo việc tiếp đón nuôi dưỡng. Sau khi an dưỡng hồi phục sức khỏe, cán bộ, chiến sĩ được giải quyết các quyền lợi chính sách. Với chính sách đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng tận tình chu đáo của quân đội, anh em bị địch bắt sau khi trở về được phân công giao nhiệm vụ hoặc chuyển ra ngoài quân đội đều tin tưởng, yên tâm, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội trên cương vị mới. Đến cuối năm 1975, các đoàn an dưỡng đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng và giải quyết chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt trở về.

Sau tháng 4 năm 1975 là thời kỳ tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết về chính sách sau chiến tranh giải phóng, đồng thời đáp ứng yêu cầu của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
   Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc do thực dân, đế quốc gây ra suốt 30 năm, hậu quả công tác chính sách rất nặng nề, phức tạp chưa kịp giải quyết xong, thì các thế lực thù địch lại gây ra chiến tranh ở hai đầu biên giới.  Đất nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, toàn diện, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Nhiều vấn đề tồn đọng và mới phát sinh về chính sách không được giải quyết kịp thời gây ra tâm lý, tư tưởng nặng nề cả trong quân đội và hậu phương quân đội.
Thiết thực đền ơn đáp nghĩa đối với những người, những gia đình đã hy sinh cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc; từ đó góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội của đất nước, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị cho các cấp, các ngành, các địa phương  cần  tập trung giải quyết nhanh gọn những tồn đọng cấp thiết về chính sách sau chiến tranh, như:  Xác minh kết luận xong số quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh; báo tin hy sinh và  thực hiện chính sách đối với gia đình ở địa phương. Tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ trên các chiến trường, qui tập về các khu vực tập trung hoặc về các nghĩa trang của các địa phương. Tập trung thu dung, điều trị nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, ổn định vết thương, hồi phục sức khỏe, thực hiện chính sách sử dụng trong quân đội hoặc chuyển ra ngoài quân đội. Khen thưởng thành tích chống Mỹ đối với các tập thể, cá nhân, gia đình theo các hình thức Nhà nước đã qui định trong chiến tranh mà chưa triển khai thực hiện được.
Tính đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, số quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích cần phải xác minh kết luận để báo tin về gia đình là 300.000 người. Hậu quả này có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Về khách quan, cuộc chiến tranh ác liệt, lâu dài, địa bàn trải rộng, chia cắt, việc quản lý quân nhân hy sinh, mất tích trong chiến đấu của các đơn vị có nhiều khó khăn, phức tạp. Về chủ quan, trong chiến đấu, cơ quan và thủ trưởng đơn vị các cấp chưa quan tâm đầy đủ và chưa có nhiều biện pháp trong quản lý danh sách quân nhân hy sinh, mất tích. Thêm vào đó, việc thường xuyên biến động về  nhân sự cả ở cơ quan và thủ trưởng đơn vị cũng làm cho việc theo dõi, quản lý không liền mạch, dẫn đến thất lạc danh sách, hồ sơ.
Để giải quyết tồn đọng nói trên, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, Cục Chính sách đã hướng dẫn các các đơn vị trong toàn quân phối hợp rà soát lại toàn bộ danh sách, thẩm tra, xác minh bổ sung các yếu tố cần thiết, thông báo về Cục Chính sách và cơ quan quân sự địa phương để tiến hành báo tin nhằm thực hiện kịp thời chính sách đối với gia đình. Đối với những trường hợp đã hy sinh trong chiến đấu nhưng do những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt ở chiến tường mà chưa có tên trong danh sách quản lý được của các đơn vị, thì động viên những cán bộ, chiến sĩ cùng chiến đấu phát hiện báo cáo với tổ chức để xác minh kết luận. Đồng thời, cơ quan quân sự địa phương các cấp đã phối hợp với Ủy ban nhân dân địa phương tổ chức cho mọi công dân phát hiện, lập danh sách quân nhân hy sinh, mất tích để chuyển về Cục Chính sách thẩm tra, đối chiếu và kết luận. Bằng mọi biện pháp đã tiến hành và kết quả thu thập được, Cục Chính sách đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, cơ quan quân sự địa phương lập hồ sơ báo tin về gia đình để kịp thời thực hiện chính sách theo qui định hiện hành.
Đồng thời với việc chỉ đạo giải quyết những tồn đọng về quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh chống Mỹ, Cục Chính sách còn phải kịp thời triển khai chỉ đạo việc giải quyết chính sách đối với số quân nhân hy sinh trong chiến tranh biên giới Phía Bắc, biên giới Tây Nam  và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào , Cămpuchia với số lượng lớn.
Tính đến cuối năm 1985, theo báo cáo của các địa phương và kiểm tra của Cục Chính sách, về cơ bản, số quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích trrong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ đã được xác minh và kết luận xong, đạt 91% trong tổng số danh sách quản lý được và số qua điều tra, phát hiện bổ sung. Số quân nhân hy sinh, mất tích trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế đã báo tin về gia đình đạt 70%. Số còn lại  là do các đơn vị tiến hành chậm, chưa thành nền nếp, sau từng  trận chiến đấu, từng chiến dịch, các đơn vị làn nhiệm vụ ở phía trước đều phải triển khai nhiều công việc, chưa quan tâm đúng mức đến công tác báo tử về phía sau, việc phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quân lực, cán bộ, tài chính, chính sách chưa rõ ràng, hồ sơ thủ tục không bảo đảm đủ theo qui định.
Việc tìm kiếm, cất bốc qui tập mộ liệt sĩ sau chiến tranh là một công tác lớn, với yêu cầu rất cao.  Đây là một việc làm thể hiện truyền thống đạo lý, văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc; đáp ứng nguyện vọng tình cảm bức xúc, lòng mong mỏi của thân nhân liệt sĩ và nhân dân các địa phương. Ngay sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đồng Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã có nhiều chỉ thị đặt công tác tìm kiếm, cất bốc, qui tập mộ liệt sĩ trên các chiến trường thành một mặt trọng yếu của công tác chính sách. Xác định đó là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mà trước hết là của các đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu và của các địa phương nơi thường xuyên có chiến sự diễn ra ác liệt.
Chấp hành chỉ thị của trên, các quân khu, đơn vị đã có sự phối hợp với ngành Thương binh -  xã hội, cùng các địa phương tập trung cất bốc qui tập số mộ liệt sĩ chôn rải rác ở các địa bàn vùng đồng bằng về từng khu vực và đưa vào các nghĩa trang liệt sĩ. Bộ Quốc phòng giao cho các quân khu, đơn vị tổ chức cất bốc qui tập mộ liệt sĩ ở vùng sâu, vùng xa, vùng rừng núi trong nước và trên đất Lào, Cămpuchia đưa về bàn giao cho ngành Thương binh - xã hội các địa phương quản lý. Từ năm 1976 đến cuối năm 1985, cả nước đã qui tập được trên 54 vạn mộ liệt sĩ. Ta phối hợp với bạn xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở một số nơi trên đất Cămpuchia và Lào. Đồng thời đã tiến hành xây dựng một số công trình bia kỷ niệm các trận chiến đấu, chiến dịch tiêu biểu, có ý nghĩa lịch sử ở một số địa phương trong nước.
Tuy đã có rất nhiều cố gắng, nhưng do điều kiện chiến tranh ác liệt, kéo dài, chiến trường rộng lớn, đầy khó khăn phức tạp, nên hài cốt liệt sĩ chôn cất hết sức rải rác, phân tán, xa dân, xa các trục giao thông, nhiều vùng đã bị cây rừng mọc kín, vì thế việc tìm kiếm rất nhiều khó khăn. Nhiều nơi số mộ vô danh chiếm  hơn 60% số mộ qui tập được. Tính đến đầu năm 1986, tổng số mộ liệt sĩ chưa cất bốc qui tập còn khoảng 52 vạn mộ, bao gồm cả trong nước và trên nước bạn Lào, Cămpuchia.
Giải quyết chính sách đối với thương binh sau các cuộc chiến tranh là một công tác hệ trọng, với nhiều khó khăn, phức tạp. Tổng số thương binh, bệnh binh trong kháng chiến chống Mỹ về điều dưỡng tại các đoàn an dưỡng của quân đội qua các thời kỳ là 49 vạn người. Trong đó có 30 vạn thương binh và 19 vạn bệnh binh. Đến cuối năm 1980, về cơ bản quân đội đã bảo đảm giải quyết xong chính sách đối với thương binh, bệnh binh trong kháng chiến chống Mỹ.
Trong khi tập trung giải quyết số thương binh, bệnh binh chống Mỹ, thì từ năm 1977 lại phải giải quyết chính sách cho thương binh, bệnh binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế với số lượng lớn.
Yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghiã vụ quốc tế  đòi hỏi công tác chính sách phải đáp ứng kịp thời cả trong nghiên cứu đề đạt cũng như trong chỉ đạo tổ chức thực hiện. Cục Chính sách đã phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu đề nghị Bộ Quốc phòng và Chính phủ ban hành chính sách đối với bộ đội làm nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới, biển đảo đảo xa và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào, Cămpuchia. Bao gồm : các qui định về chế  độ tiền lương, phụ cấp, tiêu chuẩn ăn mặc, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, nhu yếu phẩm, bồi dưỡng sức khỏe khi làm nhiệm vụ và khi hoàn thành nhiệm vụ trở về ; chế độ khi bị thương, hy sinh ; chính sách đối với gia đình ; chế độ khen thưởng , nghỉ phép ; chế độ bảo đảm sinh hoạt văn hóa tinh thần.

Ở Cục Chính sách hồi ấy, trừ mấy anh nhân viên hồ sơ, còn lại cán bộ đều là những người lớn tuổi, đã từng công tác trong quân đội từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tôi thuộc diện cán bộ trẻ, lại chưa lập gia đình. Bởi vậy, ngay từ khi bước chân về Cục, các cô, các chú trong cơ quan từ Cục trưởng Lê Tiến Phục trở xuống, đều có ý định giới thiệu cho tôi nơi này, nơi khác. Chân ướt chân ráo mới được điều động về cơ quan Cục, lại là một chàng trai học sinh nông thôn đi chiến đấu gần chục năm ở chiến trường trở về, tôi lớ ngớ chưa biết gì.
Thế rồi, qua giới thiệu của bạn bè, tôi gặp và làm quen với Trần Thanh Liễu là bác sĩ đang công tác ở Khoa nội 2 Viện quân y 354. Sau nhiều lần tiếp xúc, từ chỗ có cảm tình rồi chúng tôi yêu thương nhau. Liễu sinh ngày 2 tháng 9 năm 1948, lúc đó tròn 25 tuổi. Liễu là con gái đầu của ông Trần Sâm và bà Lê Thị Lý quê ở xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông bà có năm  người con đều được học hành đầy đủ. Sau Liễu có một em trai và ba em gái : Trần Hùng đang học ở Trường Đại học Kỹ thuật quân sự; Trần Thanh Lan đang học Đại học Hóa tinh vi Lômônôxốp; Trần Thanh Hòa đang học ở Đại học Tổng hợp Humbom, Cộng hòa dân chủ Đức và cô út là Trần Thanh Hà đang học Trường cấp III Chu Văn An, Hà Nội. Cả gia đình ra Miền Bắc từ trong kháng chiến chống Pháp.
Sớm tham gia cuộc sống tập thể, lúc bé học ở Trường Học sinh Miền Nam, lớn lên học ở Trường Đại học Quân y, nhưng thông thường thì Liễu là người kiệm lời, khép kín, ít thể hiện trong quan hệ giao tiếp. Song, qua nhiều lần gặp gỡ, tôi nhận ra đó là một người có nhân cách tốt, sâu lắng, sống bình dị, hiền hậu, khiêm nhường. Trong đời sống tập thể - kể cả trong gia đình lớn - Liễu không bao giờ ganh đua, bon chen với ai, vì bất cứ điều gì. Là con cái cán bộ cao cấp, lại được học hành cơ bản, nghề nghiệp ổn định, nhưng Liễu sống chan hòa với mọi người, không bao giờ tỏ ra khác thường. Từ chỗ đồng cảm với nhau, lại được các cô, các chú trong cơ quan tạo điều kiện tác thành, được hai gia đình đồng ý, sau một thời gian tìm hiểu, chúng tôi yêu thương nhau rồi nên vợ nên chồng. Lễ thành hôn được tổ chức vào ngày 24 tháng 11 năm 1973.
 Hồi mới cưới, trong lúc chưa được phân nhà, chúng tôi ở chung với bố mẹ vợ một thời gian. Chính ngay từ hồi đó và trong suốt thời gian sau này, tôi càng hiểu hơn về gia đình bên vợ.
 Qua học tập, rèn luyện và sự trải nghiệm trong cuộc đời phong phú, sôi động, ở ông Trần Sâm toát lên một con người trong sáng mẫu mực, vừa có năng lực vừa có đức độ. Trên từng cương vị công tác, ông là một cán bộ cương trực, trầm tĩnh, khiêm tốn và thanh liêm, được mọi người quí mến. Trong gia đình, ông  thưòng xuyên khuyên dạy con cháu phải không ngừng học tập. Bất cứ ở đâu, làm việc gì cũng phải tìm hiểu, học tập nghiên cứu đến nơi, đến chốn. Học để nâng cao kiến thức thực sự để làm việc cho tốt chứ không phải học để kiếm tấm bằng trang trí cho oai. Đối với tôi, cùng với cương vị là bố vợ, ông còn là người thầy trên nhiều phương diện – đặc biệt là phương pháp xem xét và giải quyết các vấn đề trong công tác và trong cuộc sống.
Bà Lê Thị Lý là người nhiệt tình hăng hái trong công việc. Tính cách bà  bộc trực, có lúc nóng nẩy. Xuất thân từ thành phần lao động, bà cảm thông và rất thương người, nhất là những người bình dân có hoàn cảnh khó khăn. Trong gia đình, bà yêu cầu con cái phải lao động và không được cậy thế đua đòi . Mặc dù rất gay gắt, nhưng bà lại chăm chút lo lắng cho con cháu từ việc nhỏ đến việc lớn. Bà thương con cháu với tất cả tấm lòng thơm thảo của một người mẹ, người bà. 
 Mấy chị em trong gia đình được thụ hưởng những tố chất của cha mẹ, lớn lên trong sự môi trường nuôi dạy vừa tình cảm vừa nghiêm khắc. Vào đời, mỗi người một nghề nghiệp, một cương vị. Nhưng có thể khái quát nét chung nhất của mọi người con trong gia đình là: sự nỗ lực phấn đấu trong học tập, làm việc; sự khiêm nhường, hòa đồng trong quan hệ; và sự kiệm cần, thanh đạm trong đời sống, sinh hoạt.
 4 giờ sáng ngày 28 tháng 8 năm 1974, nhà tôi sinh con trai đầu lòng ở Viện 108, Hà Nội. Chúng tôi và cả gia đình hai bên nội ngoại đều rất mừng. Vợ chồng tôi đặt tên cháu là Nguyễn Quảng An. Ý muốn nói lên rằng, quê ngoại cháu là Quảng Trị và quê nội cháu là Nghệ An. Nhưng niềm vui quá ngắn ngủi. Chỉ được ba ngày điều bất hạnh đã ập đến. Đang trong tiết trời cuối hạ đầu thu nóng bức, thì đêm đó bất chợt gió mùa đông bắc tràn về, cháu bị cảm lạnh đột ngột gây viêm phổi cấp tính, mặc dù bác sĩ Khoa sản phát hiện và cấp cứu kịp thời nhưng vì nặng quá không qua được, cháu mất lúc 5 giờ sáng ngày 31 tháng 8 năm 1974. Chúng tôi bàng hoàng tiếc thương cháu vô cùng. Liễu khóc mất mấy ngày, sưng húp cả hai mắt, không ăn uống gì. Do bị cú sốc quá bất ngờ, đau đớn, hẫng hụt, mất nhiều ngày không ngủ, ăn uống qua quýt, sức khỏe suy sụp rất nhanh. Sự đảo lộn tâm, sinh lý sau khi sinh làm cho Liễu bị mất sữa hoàn toàn. Tôi ngẹn lòng thương con xót vợ.
Sau này khi sinh hai con là Nguyễn Trần Quang, ngày 28 tháng 11 năm 1975 và Nguyễn Trần Thùy Vinh, ngày 18 tháng 1 năm 1980, nhà tôi đều bị mất sữa, phải nuôi bằng sữa ngoài hoàn toàn, khá vất vả. Trong hoàn cảnh khó khăn chung của thời bao cấp, chúng tôi vừa phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ công tác của mình, vừa cùng nhau chia sẻ  khó khăn, chắt chiu lo toan việc gia đình, nuôi dạy con cái trong đạm bạc, nghèo túng. Ngay từ khi còn rất bé, các cháu Quang, Vinh cũng đã được nếm trải ít nhiều về sự thiếu thốn. Cùng với thời gian, các cháu từng bước khôn lớn, khỏe mạnh, học hành thành đạt. Nối bước cha mẹ, hai cháu đều là sĩ quan quân đội. Hiện nay hai cháu đã xây dựng gia đình. Con dâu chúng tôi là Nguyễn Kim Thoa, công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam. Hai cháu nội là Nguyễn Quang Minh và Nguyễn Phúc Hưng. Con rể chúng tôi là Đặng Ngọc Thùy, công tác trong quân đội. Hai cháu ngoại là Đặng Nguyễn Thái và Đặng Nguyễn Thùy Anh. Sự trưởng thành của các con, sự lớn khôn của bốn đứa cháu là niềm hạnh phúc lớn lao đối với vợ chồng tôi.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hàng ngày thông qua công việc. tôi luôn luôn có ý thức tự học để nâng cao trình độ công tác chuyên môn. Trên thực tế, tôi nghiệm ra rằng, cách tốt nhất là thông qua công tác, chú ý nghiên cứu học hỏi các thủ trưởng và các anh, các cô chú lớp trước về phương pháp nghiên cứu phát hiện vấn đề, thể hiện văn bản và cách tổ chức theo dõi, quản lý nắm tình hình, chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên từng cương vị phụ trách. Tôi học được ở mỗi người một cách làm hay. Mỗi lần được giao xuống đơn vị, thì chú ý nghe ngóng, quan sát từ khâu đặt vấn đề, khêu gợi, nắm bắt, phân tích, tổng hợp, khái quát, rút ra những vấn đề then chốt nhất cần phản ánh lên trên chỉ đạo kịp thời. Học từ cách tiếp cận, ghi chép trở đi. Khi được giao chuẩn bị một văn bản, tôi cố gắng nghiên cứu thật kỹ chủ trương của cấp trên, các tài liệu có liên quan và thực tiễn tình hình ở cơ sở, để  từ đó trình bày đủ nội dung, cách hành văn chính xác, chặt chẽ, rõ ràng mạch lạc. Lúc được thông qua, tôi cố lưu giữ lại các bản thảo đã có ý kiến sửa chữa của cấp trên, nghiền ngẫm thật kỹ, tự nêu câu hỏi tại sao thế này, tại sao thế kia và tự tìm lấy câu trả lời. Tôi coi việc sửa chữa văn bản của các thủ trưởng là những bài học căn bản, bổ ích, kịp thời đối với cấp dưới. Kinh nghiệm cho thấy, bản thảo nào của người viết được cấp trên sửa chữa, thậm chí sửa chữa nhiều lần, bị gạch xóa be bét, thì đó là một bản thảo được chuẩn bị tốt, được cấp trên chấp thuận. Đáng ngại nhất là khi thông qua, cấp trên trả lại bản thảo còn trắng tinh, không sửa chữa gì. Thực chất đó là bản thảo của cấp dưới chuẩn bị trệch ý, chưa đạt yêu cầu.
Tôi đã chứng kiến một chuyện ở một cơ quan: Có người trợ lý thông qua một bản thảo tài liệu, đã được thủ trưởng trực tiếp sửa. Và theo bản sửa đó, người trợ lý đánh máy sạch, xin thủ trưởng ký ban hành. Nhưng khi đưa lên, thủ trưởng chưa ký mà lại sửa tiếp. Người trợ lý tự ái, cho rằng, thủ trưởng gây khó dễ cho mình. Anh ta quay về mang bản thảo lần trước đã có bút tích sửa chữa của thủ trưởng lên như thể đối chất. Người thủ trưởng nổi đóa lên, xạc cho một trận : “Ai cho phép đồng chí cố chấp, bảo thủ như vậy. Đúng là tôi đã sửa của đồng chí rồi đấy, nhưng đó là chuyện của ngày hôm qua. Hôm nay xem lại, tôi sửa tiếp để hoàn chỉnh hơn. Có sao đâu! Nhận thức là một quá trình chứ. Ban hành một văn bản là phải thận trọng cân nhắc kỹ. Khi văn bản chưa hoàn chỉnh mà người lãnh đạo vẫn đặt bút ký là một việc làm ẩu, tắc trách, sẽ gây hậu quả xấu. Mà văn bản đã sai thì cấp ban hành càng cao, gây hậu quả càng lớn, việc khắc phục càng khó khăn, phức tạp”.
Đồng thời với việc học tập chuyên môn, tôi xin vào học bổ túc văn hóa ở Trường cấp 3 Chu Văn An. Cùng học với tôi hồi đó, có anh Nguyễn Đình Liêu là cán bộ trong Cục Chính sách, chị Cao Minh Châu, cán bộ Nhà máy dệt 10 Tháng 10. Anh Liêu sau này là Tiến sĩ, Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội. Chị Châu sau này là Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội. Dù là học bổ túc nhưng việc tổ chức của Phòng Giáo dục Khu phố Ba Đình và nhà trường ngày đó chặt chẽ qui củ. Thầy Khiêm hiệu trưởng, thầy Chỉnh hiệu phó và các thầy khác có trách nhiệm rất cao trong việc giảng dạy. Chúng tôi học hành rất nghiêm túc, tích cực và thực chất. Ngày đó một bộ phận của Cục Chính sách đóng ở gần cầu Mai Lĩnh, cách trung tâm Hà Nội gần 20 km. Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều, tôi đạp xe về Trường Chu Văn An để học. Học xong hơn 10 giờ đêm về nhà ăn cơm tối. Đến 5 giờ sáng lại đạp xe lên đơn vị cho kịp giờ làm việc buổi sáng. Cứ thế, diễn ra hàng năm trời, việc đạp xe cả đi lẫn về trong ngày hơn 40 km. Cực nhất là những ngày mưa gió, rét mướt. Anh Liêu ngày đó gia đình còn ở thành phố Nam Định. Nhiều lần anh về thăm nhà tối thứ 7, mà vẫn nhảy ô tô khách lên Hà Nội cho kịp học vào tối chủ nhật. Có bữa kẹt xe lên muộn anh vẫn vào học.
Mặc dù rời trang sách học trò đã nhiều năm, lại trong điều kiện chiến tranh, nhưng nhờ say mê và chịu khó nên kết quả học tập của tôi vẫn còn tốt. Khi thi tốt nghiệp tôi đạt 29,5 điểm trên 3 môn toán, lý, hóa. Trong giấy chứng nhận tốt nghiệp, có đóng dấu đỏ : Tốt nghiệp thuộc loại xuất sắc. Tôi nhớ, khi học cuối  lớp 10 trên 10 tôi được nhà trường chọn đi thi học sinh giỏi toán (chương trình bổ túc) của Khu phố (Quận) Ba Đình, tôi đạt giải nhất. Rồi được Khu phố (Quận) cử đi thi tiếp cấp Thành phố, tôi đạt giải nhì. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Sở Giáo dục trao thưởng cho những học sinh đạt giải tại Nhà hát lớn Hà Nội, tôi được mời lên nhận giải.
Khi vừa ra khỏi sảnh Nhà hát lớn, có người đập vào lưng tôi mà hét lên:
- Trời ơi! Đúng thật là mày, Đẩu ơi!
Tôi nhìn lại thì ra đó là anh Lê Văn Ban người cùng đơn vị cũ. Hai anh em ôm chầm lấy nhau. Anh Ban nói:
- Khi ngồi ở dãy ghế dưới, nghe đọc tên Nguyễn Mạnh Đẩu và nhìn cậu lên nhận giải, tớ không tin vào tai và mắt mình nữa. Ở đời thiếu gì trường hợp trùng tên. Bao nhiêu năm nay rồi, mình và nhiều người nghĩ là cậu đã hy sinh từ trong chiến trường, làm gì còn chuyện này nữa. Vậy là khi tan buổi lễ, mình không ra ngay, cố nán lại xem có đúng là cậu thật không.
Khi học xong chương trình cấp 3 bổ túc văn hóa, tôi xin thi vào hệ đào tạo tại chức Khóa 9 của Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc Dân). Trúng tuyển, tôi xin đăng ký vào học lớp Kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân. Trải qua 5 năm học tại chức, đến năm 1981, tôi tốt nghiệp Đại học với tấm bằng tại chức dài hạn. Cùng học với tôi hồi đó, nhiều người sau này thành đạt trên nhiều cương vị. Trong đó có anh Đỗ Quang Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chị Nguyễn Anh Thục, nguyên Giám đốc Công ty Vật tư bưu điện Tổng cục Bưu điện và nhiều anh chị khác nữa. Trước Tết năm Canh Dần chúng tôi họp mặt tổ học tập cũ tại nhà anh Nguyễn Văn Việt. Có cả chị Thục từ Sài Gòn ra. Đã thành ông, thành bà và đã rời nhiệm sở về nghỉ hưu cả rồi, chúng tôi gặp nhau vui vẻ trong tình cảm bỗ bã, thân thương trìu mến. Ôn lại một thời vừa làm việc vừa đi học trong điều kiện còn rất khó khăn đã để lại nhiều kỷ niệm ấm áp. Dẫu là ai, bao nhiêu tuổi, khi đi học vẫn là học trò với đầy đủ sự tinh nghịch, tếu táo vốn có của nó.


Khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, tôi đang công tác ở Phòng Chính sách - Cục Tổ chức. Từ tháng 10 năm 1978, Cục Chính sách đã sáp nhập vào Cục Tổ chức chỉ còn một phòng do ông Nguyễn Hữu Quyền làm Trưởng phòng.
Chiều ngày 23 tháng 2 năm 1979, tôi cùng một số cán bộ cơ quan được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ đi làm phái viên nắm tình hình các đơn vị đang trực tiếp chiến đấu ở biên giới thuộc Quân khu 1, Quân khu 2 và Đặc khu Quảng Ninh. Theo phân công, tôi cùng anh Đào Thắng cán bộ Cục Tuyên huấn xuống Trung đoàn 567 Quân khu 1 đang chiến đấu ở mặt trận Cao Bằng.
Từ Hà Nội, chúng tôi đi ô tô lên Thái Nguyên, rồi đi về Cao Bằng. Tiết xuân đang lúc gió mùa đông bắc mưa phùn lất phất, trời se lạnh, đường đi qua nhiều đèo cao. Trên đường đi khá tấp nập xe cộ người ra mặt trận, người về phía sau. Lúc này quân địch đã chiếm được thị xã Cao Bằng. Tỉnh đội Cao Bằng đã lùi về Ngân Sơn, Bằng Khẩu. Vai khoác ba lô, lưng đeo khẩu súng ngắn K59, ngày 25 tháng 2 năm 1979, từ Ngân Sơn chúng tôi đi cắt đường rừng vào Trung đoàn 567 đang hoạt động chiến đấu ở Đường số 4.
 Trung đoàn 567 là trung đoàn độc lập trực thuộc Quân khu 1. Trung đoàn trưởng là anh Hứa Văn Kính, chính ủy trung đoàn là anh Nông Văn Nhung. Khi chiến tranh xảy ra, trung đoàn đã chiến đấu nhiều trận ở Thạch An, Hà Quảng. Lúc này quân số và vũ khí trang bị của trung đoàn đã bị tiêu hao, lương thực thực phẩm khó khăn. Với chức năng phái viên của Tổng cục Chính trị, nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là nắm tình hình mọi mặt của đơn vị, giúp lãnh đạo chỉ huy trung đoàn xử lý tình huống. Qua nắm tình hình, chúng tôi nhận thấy, cán bộ, chiến sĩ nhận thức khá đầy đủ về âm mưu, thủ đoạn của địch và nhiệm vụ của đơn vị, xác định được quyết tâm chiến đấu. Cùng với việc nắm tình hình chung, tôi còn đi sâu nắm về tình hình chấp hành công tác chính sách của đơn vị trong chiến đấu, nhất là khâu giải quyết giấy tờ cho thương binh về phía sau và việc bình bầu đề nghị khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong chiến đấu.
Là nhà văn quân đội đang tác nghiệp như một  phóng viên chiến trường, anh Đào Thắng đi sâu gặp gỡ các điển hình tiên tiến trong chiến đấu, kịp viết bài đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội và Báo quân đội nhân dân. Hàng ngày, chúng tôi cùng ăn ở với bộ đội ở trận địa. Bằng vốn sống thực tế nhiều năm ở chiến trường, tôi khá quen với mọi việc, được anh em từ lãnh đạo chỉ huy đến chiến sĩ thân thiết gần gũi, công việc thuận lợi. Anh Đào Thắng cũng vậy. Trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, anh là bộ đội pháo cao xạ nhiều năm trên các địa bàn trọng điểm ác liệt ở Khu 4.
Ở trung đoàn được hơn một tuần, có điện của trên gọi chúng tôi về Bộ tư lệnh Mặt trận Cao Bằng báo cáo tình hình. Chúng tôi lại cắt đường trở ra. Lúc này Bộ Tư lệnh Mặt trận Cao Bằng đóng ở Bằng Khẩu. Ông Đàm Văn Ngụy làm Tư lệnh, ông Ngô Bằng Khê làm Chính ủy Mặt trận. Khi tôi ra đến Bộ Tư lệnh thì gặp và báo cáo với thủ trưởng trực tiếp là ông Hùng Phong, Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Tổ chức - Tổng cục Chính trị mới từ Hà Nội lên đang làm phái viên của Bộ ở Mặt trận. (Một thời gian sau, ông Hùng Phong được điều động làm Bí thư Đảng ủy Quân khu, Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 1).
Khi chúng tôi chuẩn bị ra về thì có một việc đột xuất : Mặt trận dùng trực thăng Mi 6 để tiếp tế vũ khí đạn dược, lương thực thực phẩm cho Trung đoàn 567 nhưng tổ lái không xác định được địa điểm, tọa độ đóng quân của Trung đoàn. Vậy là, tôi và anh Đào Thắng được giao nhiệm vụ ngồi lên máy bay để dẫn đường. Dù biết chắc vị trí đóng quân của Trung đoàn 567 nhưng vì đìa hình rừng núi, trời mây mù dày đặc, bay cao thì nhìn xuống dưới không thấy gì, bay  thấp thì sợ đâm vào núi, hơn nữa hồi đó có pháo cao xạ của quân địch đã đưa sang đất ta. Chúng tôi ngồi vào buồng lái để dẫn đường, nhưng loay hoay cả mấy lần đều không tìm được, đành phải bay trở ra căn cứ.
Mấy hôm sau, có điện yêu cầu chúng tôi về Hà Nội gấp để tổng hợp tình hình, kịp xét đề nghị khen thưởng. Nhân có máy bay trực thăng Mi 6 chở hàng lên Mặt trận quay về Hà Nội, chúng tôi được phép cho ô tô vào máy bay để cùng về.


 Trước yêu cầu của công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, việc hình thành một cơ quan cấp cục đủ mạnh giữ vị trí trung tâm giúp Bộ Quốc phòng  trong việc nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu đề nghị Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng ban hành chính sách và chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, ngành, đơn vị và địa phương tổ chức thực hiện chính  sách trở thành một nhu cầu tất yếu, khách quan. Cơ quan đó vừa phải kịp thời đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ quân đội trong tình hình mới;  đồng thời lo chỉ đạo giải quyết những hậu quả còn đọng lại về chính sách sau mấy chục năm chiến tranh.
Ngày 19 tháng 3 năm 1982, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quyết định thành lập lại Cục Chính sách trực thuộc Bộ Quốc phòng. Cục Chính sách có các nhiệm vụ chủ yếu:
Giúp Bộ Quốc phòng nghiên cứu các chế độ, chính sách của Nhà nước có liên quan đén các lực lượng vũ trang để áp dụng vào quân đội, công nhan viên chức quốc phòng và các lực lượng vũ trang nói chung.
Giúp Bộ nghiên cứu các vấn đề cụ thể trong quân đội, công nhân viên chức quốc phòng và các lưc lượng vũ trang nói chung cần phải qui định thành chế độ, chính sách để đề nghị Nhà nước ban hành hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định theo phạm vi và quyền hạn.
          Giúp Bộ chỉ đạo các cơ quan và đơn vị tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đã được ban hành đối với quân đội, công nhân viên quốc phòng và các lực lượng vũ trang; tổng hợp tình hình thực hiện chế độ, chính sách đó.
          Giúp Bộ quan hệ với các cơ quan, các ngành của Đảng và Nhà nước trong việc nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi và tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội, công nhân viên chức quóc phòng và các lực lượng vũ trang nói chung.
          Dự trù và cung cấp các loại Huân chương, các bằng khen, giấy khen… cho các đơn vị trong toàn quân.
          Đối với các chế độ có lên quan đến nhiều ngành, Cục Chính sách có trách nhiệm giúp Bộ phân công, hướng dẫn cho từng ngành nghiên cứu phần nội dung phụ trách và Cục tổng hợp lại thành Dự thảo chế độ chính sách chung để báo cáo Bộ Quốc phòng xét duyệt.
          Bộ Tổng Tham mưu ra Quyết đinh về tổ chức biên chế của Cục Chính sách gồm : Phòng Nghiên cứu - Tổng hợp, Phòng Thương binh - Liệt sĩ, Phòng Hậu phương quân đội, Phòng Hưu trí và Ban Hành chính. Sau đó một thời gian ngắn, Bộ Tổng Tham mưu có quyết định điều động Phòng Khen thưởng ở Cục Cán bộ trên cơ sở giữ nguyên chức năng nhiệm vụ, tổ chức biên chế, trang thiết bị và cán bộ nhân viên hiện có trở lại đội hình của Cục Chính sách.
Khi tái lập Cục Chính sách, ông Lê Tiến Phục đang là Phó Tư lệnh Chính trị Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào trở về làm Cục trưởng. Ông Nguyễn Hữu Quyền, nguyên Trưởng phòng Chính sách Cục Tổ chức – Tổng cục Chính trị và ông Lê Văn Phiệt, nguyên Trưởng phòng Chính sách Cục Quân lực – Bộ Tổng Tham mưu được bổ nhiệm làm Cục phó (ông Phiệt đã nhận quyết định nhưng sau đó chưa kịp về Cục bị ốm nặng rồi từ trần). Sau đó, ông Đặng Hữu Lộc, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 29 được điều động về làm Cục phó. Ông Lộc làm Cục phó được khoảng một năm thì Bộ Quốc phòng lại điều đi làm Phó Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Bộ Quốc phòng Lào. Ông Đoàn Ngọc Luận, nguyên Cục phó Cục Cán bộ Chính trị được điều động làm Cục phó. Phòng Nghiên cứu - Tổng hợp do ông Nguyễn Khắc Chuẩn, nguyên Trưởng phòng Cán bộ Quân chủng phòng không, làm Trưởng phòng; tôi được bổ nhiệm làm Phó phòng. Phòng Thương binh-Liệt sĩ do ông Nguyễn Công Hoan làm Trưởng phòng, ông Trần Giáng làm Phó phòng. Phòng Hậu phương quân đội do ông Nguyễn Liệu,  nguyên Trưởng phòng Cán bộ Tổng cục Hàng không dân dụng làm Trưởng phòng. Phòng Hưu trí do ông Trần Lưu Quang, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh  Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, làm Trưởng phòng, ông Phạm Thái làm Phó phòng. Phòng Khen thưởng do ông Nguyễn Đức Chiêm làm Trưởng phòng, có hai Phó phòng là ông Phạm Lam và ông Phạm Gia Thiết.( Ban đầu với tên gọi là Phòng Khen thưởng và Kỷ luật. Sau đó chức năng kỷ luật chuyển về Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy quân sự Trung ương. Ông Phạm Gia Thiết cùng chuyển về Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, còn một Phó phòng là ông Phạm Lam).
 Cán bộ của Cục Chính sách thời kỳ đó hình thành từ nhiều nguồn: một số là cán bộ cũ của Cục đã điều đi đơn vị khác lúc Cục sáp nhập vào Cục Tổ chức, nay trở lại; một số khác chọn ở các đơn vị về; nhiều hơn cả là số cán bộ vừa tốt nghiệp khóa bổ túc ở Học viện Chính trị. Chính số cán bộ này đều là cán bộ chủ chốt của Cục, như các ông : Đinh Mạnh Toan, Đỗ Quang Bích, Đinh Công Cử, Phạm Thái, Nguyễn Khắc Chuẩn, Nguyễn Liệu.
Phòng Nghiên cứu - Tổng hợp lúc đó có: Nguyễn Khắc Chuẩn, Nguyễn Mạnh Đẩu, Đinh Công Cử, Đinh Mạnh Toan, Đỗ Quang Bích, Lê Sĩ Toàn, Hoàng Đức Cân, Nguyễn Bá Bồng, Hồ Ngọc Vận, sau này thêm Hồ Thủy. Chức năng nhiệm vụ của Phòng là: Nghiên cứu đề đạt các chế độ, chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Xây dựng kế hoạch công tác chính sách, cả nghiên cứu cũng như tổ chức thực hiện chính sách. Tổng hợp tình hình thực hiện chính sách trong toàn quân ở từng thời kỳ. Ngoài ra, còn có nhiệm vụ hệ thống các văn bản chính sách nhằm phổ cập trong toàn ngành.
Thời kỳ này, ông Trần Văn Quang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ngoài việc chỉ đạo các mặt công tác khác, còn trực tiếp phụ trách chỉ đạo Cục chính sách. Với cương vị Phó phòng Nghiên cứu- Tổng hợp, tôi được Thủ trưởng Cục giao nhiệm vụ nhiều lần trực tiếp báo cáo tình hình với ông Quang và nhiều lần “cắp cặp” theo ông đi dự các cuộc họp về chính sách do các bộ, ngành mời hoặc Chính phủ triệu tập.
Lúc mới tái lập, cùng với việc kịp thời triển khai chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các mặt công tác chuyên môn với một khối lượng lớn, trên diện rộng, có nhiều khó khăn phức tạp, Cục Chính sách còn phải đồng thời tập trung kiện toàn tổ chức biên chế, xác định chức năng nhiệm vụ cụ thể và các mối quan hệ, xây dựng chế độ làm việc.
Do hậu quả của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thời kỳ này cả nước  lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng và toàn diện. Sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, chi phí vật chất cao và không ngừng tăng lên. Sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Làm không đủ ăn và phải dựa vào nguồn bên ngoài ngày càng lớn. Siêu lạm phát hoành hành trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và giá cả tăng đến chóng mặt. Đời sống nhân dân, cán bộ công nhân viên chức và cán bộ, chiến sĩ quân đội hết sức khó khăn. Các cơ quan, đơn vị ngoài việc thực hành chức năng nhiệm vụ, còn phải bung ra đôn đáo xoay xở lo cải thiện đời sống cho anh em. Hễ ở đâu mua được hàng hóa giá thấp như:  vải, nước mắm, mỳ chính, dầu hỏa, thịt, cá, phụ tùng xe đạp,…đều tìm mua về nhượng cho anh em dùng hoặc đem bán kiếm tiền chênh lệch giá.
Ngày đó đi họp chưa có chế độ phong bì như bây giờ hoặc nếu có thì cũng  rất ít. Ở những cuộc họp lớn, kể cả Đại hội Đảng các cấp, trong kế hoạch bao giờ cũng vậy, bộ phận tổ chức phải xoay xở mua hàng về bán cho đại biểu. Khi họp xong ra về, cùng với tài liệu, mỗi người cầm lủng lẳng mấy thứ đồ lặt vặt. Ngoài giờ đi làm, mọi người đều xoay xở làm thêm nghề phụ để kiếm tiền. Rất nhiều gia đình cố thu hẹp diện tích sinh hoạt vốn đã chật hẹp để nuôi lợn. Người người nuôi lợn. Nhà nhà nuôi lợn. Cả thành phố nuôi lợn. Khách đến thăm nhà, việc đầu tiên là vào thăm chuồng lợn. Chủ nhà cũng thật sự khoe lợn đẹp, hay ăn, chóng lớn.
Để xoay xở lo toan cuộc sống, cán bộ công nhân viên chức Nhà nước xoay xở đủ kiểu. Ngoài nuôi lợn, cá trê phi, chó cảnh, vẹt, làm bánh kẹo, kem, nước đá, đan áo, đan mũ để bán, đi buôn vặt, nhiều gia đình còn sắm máy khâu để may hàng gia công hoặc quấn vỏ pháo, dán hộp các loại. Có thể nói, chưa lúc nào, lao động xã hội được khai thác triệt để như thời kỳ đó. Khi đồng lương không đủ lấp kín được các nhu cầu tối thiểu trong đời sống đạm bạc, thì con nguời ta sẵn sàng làm bất cứ việc gì, miễn là không vi phạm pháp luật, kiếm thêm được tiền để trang trải.  Kể ra, những đồng tiền kiếm được là rất chính đáng. Chỉ có điều, trong nhiều trường hợp không phù hợp với chức năng, sở trường, nên nhếch nhác, cơ cực quá.
Trải nghiệm qua những tháng ngày tuổi thơ ở một miền quê  nghèo khó, rồi những năm tháng đi chiến đấu trong hoàn cảnh đầy ác liệt, khó khăn, gian khổ ở chiến trường, cộng với những chuỗi dài thiếu thốn, vất vả của thời kỳ cơ chế bao cấp, là những chất liệu đã hun đúc nên ở thế hệ chúng tôi một bản lĩnh chịu đựng dạn dày. Lắm lúc tôi nghĩ rằng, đó là những cái đáy khó khăn trong cuộc đời. Không biết, phần đời còn lại có gì khó hơn.


Một buổi chiều giữa tháng 3 năm 1983, sau giờ làm việc, ông Lê Tiến Phục gọi tôi lên phòng của ông. Sau khi hỏi han về sức khỏe, về tình hình gia đình, ông nói với tôi:
- Thủ trưởng Cục giao cho đồng chí sang Cămpuchia làm việc trong Tổ đại diện của Cục Chính sách tại Bộ Tư lệnh 719 ở PhnômPênh. Tổ đại diện có nhiệm vụ giúp Cục Chính sách và Cục Chính trị Bộ Tư lệnh 719 nghiên cứu đề đạt và theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện công tác chính sách đối với quân tình nguyện và chuyên gia quan sự Việt Nam ở chiến trường Cămpuchia. Thời gian công tác ở Cămpuchia ít nhất là 1 năm, sau đó sẽ Cục sẽ cử người khác sang thay.
Nghe xong, tôi hoàn toàn nhất trí và biểu thị quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Sau này, tôi được biết, việc cử tôi lên biên giới phía Bắc khi chiến sự mới nổ ra và cử sang trực ở Cămpuchia là nằm trong ý định qui hoạch rèn luyện, bồi dưỡng tôi của các Thủ trưởng.
Ngày 23 tháng 3 năm 1983, tôi cùng anh Nguyễn Bá Chước cán bộ Phòng Thương binh - Liệt sĩ đi máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh để sang PhnômPênh.
Trong lúc chờ sang Cămpuhia, chúng tôi nghỉ lại mấy ngày tại Nhà khách C59B - Bộ Tổng Tham mưu trong sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Hồi đó từ thành phố Hồ Chí Minh sang PhnômPênh cũng thuận tiện. Việc qua lại biên giới không cần hộ chiếu mà chỉ cần có giấy giới thiệu công tác. Về phương tiện thì, hoặc là đi máy bay quân sự loại cánh quạt An 26, hoặc đi máy bay trực thăng Mi 8, hoặc là đi ô tô của đơn vị theo đường bộ với cự ly chỉ hơn 300 km.
Ngày 26 tháng 3 năm 1983, chúng tôi từ thành phố Hồ Chí Minh đi lên Tây Ninh qua Cửa khẩu Mộc Bài, sang tỉnh Công Phông Chàm rồi qua phà Niếc Lương vào PhnômPênh. Đang giữa mùa khô, tiết trời nóng bức, trên trục đường, xe chúng tôi chạy qua những làng mạc, thị trấn, thị tứ sầm uất, những cánh đồng rộng mênh mông đã qua mùa thu hoạch, trơ lên cuống rạ khô khốc. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Cămpuchia. Đường phố PhnômPênh khang trang, thoáng đãng. Những hàng phượng vĩ cao to rợp hoa đỏ rực hai bên đường trông rất đẹp - nhất là đoạn qua cầu Mônêvông, đại lộ Xihanúc. Trên ô tô tôi nhìn ra xung quanh, thấy người dân đi lại tấp nập. Cuộc sống thành phố khá đô hội, thanh bình, không có dấu hiệu gì là chiến tranh.
 Khi xe chạy qua một khu nhà rất đẹp, tôi hỏi, người lái xe nói đó là Điện Chămcammon, xe ngoặt trái, qua ba-ri-e cổng gác doanh trại bộ đội. Đây là Cơ quan Bộ Tư lệnh 719 (Bộ Tư lệnh Quân Tình nguyện Việt Nam tại Cămpuchia). Đại diện Cục Chính sách được bố trí  ba căn phòng trong một tòa nhà vốn là Trụ sở Trường Đảng của Khơ me đỏ. Trên khuôn viên rộng, ở giữa là một tòa  nhà 5 tầng đẹp, kéo dài. Phía sau tòa nhà là hội trường rộng, khá đẹp. Trước hội trường, đi qua hai cây đa to là sân bóng đá và một sân tennis. Cơ quan Bộ Tư lệnh chọn đây làm Nhà khách. Các cơ quan khác của Bộ Tư lệnh hầu như mỗi cơ quan ở trong một tòa biệt thự xung quanh đó. Nhà khách chỉ dành cho những đoàn cán bộ ở trong nước sang công tác ngắn ngày và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trên các Mặt trận về Bộ Tư lệnh họp hành, công tác. Đồng thời, tại đây còn dành ra một số phòng bố trí làm chỗ ở và làm việc của Đại diện các cơ quan như: Cục Chính sách, Cục Nhà trường - Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hóa học, Cục Khoa học Quân sự -Bộ Tổng Tham mưu.
Đại diện Cục Chính sách tại Bộ Tư lệnh 719 có ba người: Anh Phạm Lam  Phó phòng Khen thưởng, anh Nguyễn Bá Chước trợ lý Phòng Thương binh-Liệt sỹ và tôi (Nguyễn Mạnh Đẩu) Phó phòng Nghiên cứu-Tổng hợp. Về mặt chính quyền, anh Phạm Lam được cử làm Tổ trưởng chịu trách nhiệm chung trước Cục Chính sách ở Hà Nội và Cục Chính trị Bộ Tư lệnh 719 ở PhnômPênh. Đồng thời, về tổ chức Đảng, Đảng ủy Cục Chính sách giao cho tôi làm Bí thư chi bộ. Trên cơ sở xây dựng kế hoạch công tác chung của cả tổ,  mỗi người chúng tôi triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ của từng Phòng. Anh Pham Lam chuyên về công tác Khen thưởng. Anh Nguyễn Bá Chước chuyên về công tác Thương binh - Liệt sỹ. Còn tôi thì chuyên  về công tác nghiên cứu phát hiện đề đạt chế độ, chính sách đối với quân tình nguyện, chuyên gia quân sự Việt Nam ở Cămpuchia và tổng hợp tình hình thực hiện các chính sách đã ban hành của các đơn vị ở chiến trường.
Anh Phạm Lam quê ở Yên Mô, Ninh Bình; là người gắn bó với công tác khen thưởng ở chiến trường Nam Bộ (B2) trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vốn có trí nhớ tốt và thường xuyên bám sát địa bàn, lăn lộn với các đơn vị chiến đấu, nên anh nắm rất chắc tình hình tổ chức biên chế, chức năng nhiệm vụ, tính chất đặc thù, cơ cấu tổ chức, sự phát triển qua các giai đoạn của từng đơn vị, từng địa phương. Anh vừa nắm chắc nội dung, hình thức khen thưởng, có kinh nghiệm nắm bắt phát hiện các gương điển hình trong chiến đấu, cả tập thể và cá nhân, vừa thành thạo trong triển khai các bước của qui trình khen thưởng nên khi nắm tình hình ở cơ quan hoặc khi xuống đơn vị anh đều được thủ trưởng cấp trên và anh em tin tưởng. Nhờ đó, công tác khen thưởng có vai trò, tác động rất cao trong việc cổ vũ động viên bộ đội ở chiến trường. Trong sinh hoạt, anh chân thành, thắng thắn, có tính nguyên tắc cao, lại thường quan tâm đến mọi người, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, nên được mọi người quí mến.
Tôi nhớ, có lần tôi cùng Tổ công tác vận động quần chúng (có cả cán bộ của ta và cán bộ của bạn) thâm nhập nắm tình hình mấy cơ sở ở các phum, sóc ngoại thành PhnômPênh, cách chỗ đóng quân hơn 30 km. Ngày đó, quân địch thường xuyên hoạt động đánh lén kiểu du kích, nhất là vào ban đêm, kể cả trong thành phố PhnômPênh. Cá biệt có trường hợp chính quyền cơ sở hai mặt, nên rất khó lường. Có thời điểm Bộ Tư lệnh 719 qui định: “Để bảo đảm an ninh, từ 7 giờ tối trở đi, mọi cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị ở PhnômPênh phải ở trong doanh trại, không được ra ngoài”. Đến hơn 10 giờ đêm vẫn không thấy tôi về, hỏi sang một số cơ quan vẫn không ai biết, anh Lam lo lắng, đi ra đi vào, đứng lên ngồi xuống không yên. Nhưng, vì sợ ảnh hưởng, anh cũng không giám báo cáo lên cấp trên về việc tôi chưa về. Còn tôi, do mải công chuyện không chú ý đến giờ giấc, khi lên tới trục đường chính để trở về thì đã khuya rồi. Mãi tới hơn 12 giờ đêm tôi mới về đến cơ quan Bộ Tư lệnh. Thấy tôi về, anh Lam mừng lắm, nhưng ngay lập tức anh mắng tôi một trận khá gay gắt. Anh cho rằng, tôi chủ quan, coi thường địch, không am hiểu tình hình, không tuân thủ qui định của trên. Tôi phân trần lý do, anh vẫn không chịu. Tôi nghĩ, vì anh thương và lo lắng cho sự an nguy của tôi. Anh coi tôi như một đứa em, do đó, tôi chỉ biết nhận thiếu sót về mình.
  Anh Phạm Lam hơn tôi 13 tuổi, nhập ngũ trước tôi 11 năm, trưởng thành sớm, lại kinh qua thực tiễn chiến đấu nhiều năm ở chiến trường, có thời gian phụ trách tôi. Vậy mà, sau này khi cấp trên bổ nhiệm tôi làm Cục trưởng, anh làm Cục phó, anh không bao giờ có tư tưởng kèn cựa, hẹp hòi, ghen tức, đố kỵ.  Trong công việc, anh thực hành đúng theo Điều lệnh quân đội, trong sinh hoạt anh thân thiện cởi mở. Tôi luôn tôn trọng anh và cố gắng khai thác, phát huy những điểm mạnh của anh. Giữa chúng tôi luôn luôn có tiếng nói chung trong điều hành công tác chuyên môn và xây dựng cơ quan vững mạnh.
Anh Nguyễn Bá Chước sinh năm 1932, quê ở Hòa Vang, Quảng Nam. Suốt mấy chục năm, từ hồi kháng chiến chống Pháp rồi kháng chiến chống Mỹ và đến tận sau này, anh đã lăn lộn, từng trải trên nhiều cương vị công tác. Khi về Cục Chính sách, anh được giao nhiệm vụ theo dõi công tác thương binh-liệt sĩ ở các đơn vị chiến đấu ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cămpuchía. Anh Chước là con người có ý thức tổ chức kỷ luật rất chặt chẽ, nghiêm túc. Anh toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ được giao, miệng nói tay làm. Trong công việc anh không thích dài dòng văn tự. Thời kỳ công tác ở Cămpuchia, anh xông xáo xuống các đơn vị đang chiến đấu theo dõi hướng dẫn công tác thương binh - liệt sĩ trong chiến đấu, chiến dịch. Đến kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với thương binh tại các đội điều trị, viện quân y và trên tuyến chuyển thương từ chiến trường về phía sau. Có lần, anh đến Viện 16 đóng ở ngoại thành PhnômPênh, đang giữa mùa khô, nước sinh hoạt đối với thương binh vô cùng khó khăn. Bình thường thiếu nước đã khó. Ở bệnh viện dã chiến, thiếu nước càng khó hơn nhiều trong điều trị, chăm sóc thương binh cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Bằng nhiều cách, anh đã đề đạt lên và được cấp trên giải quyết kịp thời tăng cường xe téc chở nước đến.
Tôi nhớ, để chuẩn bị kỉ niệm Ngày Thương binh – liệt sỹ 27/7 năm 1983, anh đã đề nghị Cục Chính trị Bộ Tư lệnh 719 điều động một trung đội ra Nghĩa trang Liệt sỹ ở sân bay Pô-chen-tông để tu sửa mộ chí, chuẩn bị cho các đoàn đại biểu của ta và bạn đến viếng. Hôm đó buổi sáng trời mưa rào to, buổi chiều trời nắng gay gắt, oi nồng. Giữa buổi chiều chúng tôi ra kiểm tra trước. Xuống xe, từ xa đi vào, tôi nhìn thấy một ông già cởi trần, mồ hôi đầm đìa, người đen nhẻm, lấm lem bùn đất, mặc quần xà lỏn, đầu quấn khăn rằn, tay cầm xẻng đang vừa đào đất vừa chỉ trỏ hướng dẫn cho mấy chiến sĩ trẻ. Ngỡ rằng, anh em ở đây đã nhờ một người dân trong địa phương cùng làm giúp. Tới nơi nhìn lại thấy ông già nhoẻn miệng cười, thì hóa ra là anh Chước.
Anh Chước là vậy. Nhiều lần, tôi cùng anh đến các mặt trận rồi từ mặt trận xuống các đơn vị cơ sở. Ở đâu và  bao giờ,  anh cũng có tác phong sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, từ đó đã giải quyết được nhiều vấn đề thực tế đặt ra.

Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam ở Cămpuchia lúc này được tổ chức theo yêu cầu nhiệm vụ giúp Bạn. Cấp lãnh đạo, chỉ huy cao nhất trên toàn chiến trường là Bộ Tư lệnh 719 do ông Lê Đức Anh, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh. Ông Lê Hai, Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Phó tư lệnh Chính trị. Ông Hồ Quang Hóa, Thiếu tướng, làm Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng. Ông Lê Khả Phiêu, Thiếu tướng, Chủ nhiệm Chính trị. Ông Nguyễn Văn Dương, Thiếu tướng, Phó tham mưu trưởng Tổng cục Kỹ thuật làm Chủ nhiệm Kỹ thuật. Ông Lê Khôi, Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần làm Chủ nhiệm Hậu cần. Các ông Phó Cục trưởng các cục : Tác chiến, Quân lực, Quân huấn trong thời gian thường trực ở Bộ Tư lệnh 719 đều là Tham mưu phó Bộ Tư lệnh. Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại  Bộ Quốc phòng Cămpuchia ( Đoàn 478 ) do ông Mai Xuân Tần, Thiếu tướng làm Đoàn trưởng; ông Vũ Hải, Thiếu tướng, ông Nguyễn Như Ngà ,Thiếu tướng và ông Nguyễn Văn Viễn, Đại tá làm Đoàn phó.
Cùng với cương vị là Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719 - người chỉ huy cao nhất của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Cămpuchia, ông Lê Đức Anh còn được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo chung toàn bộ công tác chuyên gia ở Cămpuchia - cả chuyên gia về công tác xây dựng Đảng (B 68) và chuyên gia về kinh tế (A 40).
Ngoài Quân đoàn 4 là đơn vị chủ lực cơ động trực thuộc Bộ, còn lại toàn bộ lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia quân sự trên chiến trường Cămpuchia được tổ chức thành các mặt trận. Mặt trận 479 ở đóng ở Xiêm Riệp. Mặt trận 579 đóng ở StungTreng. Mặt trận 779 đóng ở Công Phông Thơm. Mặt trận 979 đóng ở Công Pông Chư Pư. Dưới các Mặt trận là các sư đoàn chủ lực và các Đoàn quân sự làm chuyên gia ở các tỉnh đội của bạn. Về triển khai thực hiện nhiệm vụ tác chiến và xây dựng địa bàn, thì tất cả các đơn vị trên chiến trường chịu sự  lãnh đạo chỉ huy của Bộ Tư lệnh 719. Về hành chính quân sự và các mặt bảo đảm, thì : Mặt trận 579 trực thuộc Quân khu 5, Mặt trận 479 và Mặt trận 779 trực thuộc Quân khu 7, Mặt trận 979 trực thuộc Quân khu 9. Tư lệnh các Mặt trận đều là Phó Tư lệnh của các Quân khu.

Bộ đội ta ở Cămpuchia bao gồm nhiều lực lượng với nhiều loại hình hoạt động khác nhau. Đại bộ phận là lực lượng là Quân tình nguyên, một số lực lượng làm Chuyên gia quân sự trong các lực lượng của bạn ( cả chủ lực và  địa phương, cả cơ quan và đơn vị ), một số khác cùng tham gia với bạn trong lực lượng Vận động quần chúng xây dựng cơ sở chính trị trên các địa bàn. Cùng là một đối tượng nhưng địa bàn đóng quân có đơn vị phía trước, đơn vị phía sau, khác nhau về môi trường, điều kiện sinh hoạt và an ninh. Vì vậy, để bảo đảm sự công bằng trong đãi ngộ, đòi hỏi các chế độ, chính sách bảo đảm đời sống, tiền lương, phụ cấp phải phù hợp với yêu cầu về tính chất và nhiệm vụ của từng đối tượng phục vụ.
Tháng 4 năm 1983, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết về tăng cường hợp tác toàn diện với Lào và Cămpuchia trong giai đoạn mới. Về nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, Nghị quyết xác định: Đối với quân tình nguyện của ta ở Cămpuchia, cần tiếp tục quán triệt nhiệm vụ, phương hướng hoạt động và chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ nhằm nâng cao hiệu suất chiến đấu và công tác…Cải tiến bổ sung các chính sách, chế độ đối với quân tình nguyện…Cả chính sách tại chỗ và chính sách ở hậu phương, với những ưu tiên thích đáng, phù hợp với khả năng của bạn và ta.
 Căn cứ vào Nghị quyết của Bộ Chính trị, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Cục Chính sách đã phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai nghiên cứu đề đạt lên trên ban hành chính sách. Theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, ngày 2 tháng 12 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị  bổ sung một số điểm về chính sách, chế độ đối với LLVT làm nhiệm vụ ở Cămpuchia. Cụ thể là :
Quân nhân nếu hoạt động ở miến núi thực sự có khó khăn hoặc vùng thiếu an ninh thì được hưởng phụ cấp đặc biệt bằng 60% lương chính hoặc sinh hoạt phí. Nếu ở vùn khác thì vẫn áp dụng phụ cấp đặc biệt 45% lương chính hoặc sinh hoạt phí như hiện hành. Bộ Quốc phòng căn cứ vào tình hình chung, qui định cụ thể những vùng coi là vùng núi có khó khăn, vùng thiếu an ninh, theo tinh thần bảo đảm quan hệ hợp lý giữa các vùng và phù hợp với tình hình an ninh từng nơi, từng lúc.
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp,công nhân viên chức quốc phòng được để lại tem phiếu thực phẩm (hoặc sổ mua hàng) cho gia đình sử dụng để mua hàng theo định lượng qui định của Nhà nước.
Thời gian công tác dài hạn (từ 3 năm trở lên) ở Cămpuchia, được tính hệ số bằng 1,5 lần khi tính thời gian công tác để xét điều kiện về hưu, mất sức, khen thưởng.
Những hạ sĩ quan, binh sĩ đã đủ 3 năm hoạt động ở Cămpuchia, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, được thực hiện chính sách phục viên, chuyển ngành như những quân nhân đã có 5 năm làm nhiệm vụ ở trong nước.
Sau khi làm nhiệm vụ dài hạn ( 3 năm trở lên ) ở Cămphchia trở về, được ưu tiên xét, sắp xếp công tác, học tập theo ché độ hiện hành.
Những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan binh sĩ kéo dài thời gian hoạt động ở Cămpuchia được nghỉ phép một tháng ( không kể thời gian đi, về ); những ngày đi đường được thanh toán như khi đi công tác trong nước.
 Cuối năm 1984, Bộ Quốc phòng có qui định: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng ở các đơn vị quân tình nguyện từ sư đoàn trở xuống, trong thời gian làm nhiệm vụ giúp bạn ở các đảo và các xã có đường biên giới với Thái Lan, ngoài các khoản phụ cấp hiện có, hàng tháng được hưởng thêm khoản phụ cấp khuyến khích bằng 40% tính trên lương chính; hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc các đơn vị trên được hưởng thêm khoản phụ cấp khuyến khích bằng 40% tính trên tiền ăn và phụ cấp tiêu vặt.
Về chấp hành công tác thương binh - tử sĩ của các đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế ở Cămpuchia; để đáp ứng yêu cầu cấp cứu, điều trị thương binh, Bộ Quốc phòng đã cho phát triển các đội điều trị, củng cố mở rộng các bệnh viện hiện có, tăng số giường điều trị lên gấp đôi ( toàn  tuyến phía Nam có 14 bệnh viện, 4 bệnh viện dã chiến và 14 đội điều trị).  Đã  sử dụng 135 xe cứu thương chuyên dùng, 30 ca nô và một số máy bay của Sư đoàn không quân 372 phục vụ vận chuyển thương binh. Điều kiện hoạt động của quân tình nguyện thời kỳ này phân tán trên nhiều tuyến, chủ yếu là các vùng rừng núi xa hậu phương, xa dân bạn; đường vận chuyển khó khăn, nhất là những đơn vị đóng ở các điểm chốt tiền tiêu trên núi cao biên giới Cămpuchia-Thái Lan. Trước hoàn cảnh đó, lãnh đạo chỉ huy và cơ quan các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, nên việc chỉ đạo chuyển thương từ hỏa tuyến về hậu phương được tổ chưc tốt. Nhiều trường hợp hoạt động truy kích trong rừng sâu ( khu vực Pai-lin,Am- lay, Prây- veng,…) ở tuyến trước do chuyển thương bằng đường bộ về phía sau không an toàn, Bộ đã cho phép chuyển bằng máy bay trực thăng hoặc dùng xe bọc thép M113 hộ tống đưa thương binh về. Bộ tổ chức 6 đoàn an dưỡng với 3.600 giường. Đồng thời, các quân khu phía Nam có tổ chức các tiểu đoàn an dưỡng. Suốt trong quá trình chiến đấu, công tác tử sĩ được tiến hành chu đáo. Phần đông, các đơn vị đưa thi thể anh em về an táng ở khu vực các khu vực tập trung. Những năm sau này mới có điều kiện cất bốc hài cốt liệt sĩ về nước.
Khuyết điểm xảy ra là, không ít trường hợp hy sinh, do quá trình cơ động khẩn trương, đơn vị đã không nắm được danh sách khi chôn cất, không lưu giữ được sơ đồ mộ chí, làm cho việc tìm kiếm qui tập mộ liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn.

Thời gian công tác ở cơ quan Bộ Tư lệnh 719 tại PhnômPênh, theo phạm vi chức năng nhiệm vụ, tôi có điều kiện nghiên cứu các loại tài liệu, trực tiếp tiếp xúc với cán bộ lãnh đạo các cấp của ta và của bạn - nhất là trong các cuộc hội nghị chuyên đề và hàng tuần được dự giao ban ở Cục Chính trị và ở Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện. Rồi lại nhiều lần được cử đi công tác đến nhiều đơn vị quân tình nguyện, đoàn chuyên gia đóng quân trên đất Cămpuchia, gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ ta; một số lần tham gia cùng Đội công tác vận động quần chúng thâm nhập vào trong dân;  xuống gặp gỡ tiếp xúc với cán bộ ta làm chuyên gia trong một vài đơn vị bạn,... Nhờ đó, tôi có dịp nhận thức tương đối đầy đủ hơn về cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam - Cămpuchia và nhiệm vụ quốc tế cao cả mà Quân tình nguyện Việt Nam tiến hành trên đất Cămpuchia.
Ngay trong khi chúng ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, tập đoàn cầm quyền PônPốt - Iêng Xari đã có những việc làm phản phúc thực hiện chính sách ngấm ngầm chống Việt Nam. Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Cămpuchia thắng lợi, tập đoàn cầm quyền Khơ me đỏ đã gây ra nạn diệt chủng tàn bạo chưa từng có trong lịch sử ở Cămpuchia. Chúng chủ trương xây dựng đất nước Cămpuchia không tiền, không chợ, không trí thức, không trường học, không tôn giáo. Mọi người dân đều ở chung, ăn chung, làm chung trong các trại tập trung. Bè lũ Pôn Pốt đã biến đất nước Cămpuchia thành một trại tập trung khổ sai khổng lồ đầy những hố chôn người. Theo thống kê của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nứu Cămpuchia, bọn diệt chủng Pôn Pốt đã giết hại hơn 2,7 triệu người, trong đó có hàng vạn người là trí thức, văn nghệ sĩ và sinh viên. Chúng đã phá hủy hàng ngàn trường học, bệnh viện, nhà thờ, chùa chiền. Đồng thời với nạn diệt chủng ở trong nước, với tham vọng đất đai và ý đồ làm cho đất nước chúng ta mất ổn định, tập đoàn phản động Khơ me đỏ đã kích động hận thù dân tộc chống Việt Nam. Chúng đã  tiến hành các hoạt động đánh phá biên giới ngày càng tăng, từ thâm nhập, pháo kích, tiến tới lấn chiếm và đến ngày 30 tháng 4 năm 1977 thì phát động chiến tranh xâm lược.
Mùa khô năm 1978, tập đoàn Pôn Pốt đã huy động 19 trong tổng số 23 sư đoàn bộ binh tiến công xâm nhập lãnh thổ Việt Nam trên hướng tây nam, tàn sát nhân dân ta ở các địa phương trên tuyến biên giới. Tính từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 12 năm 1978, bè lũ Pôn Pốt đã gây ra những tội ác vô cùng dã man đối với nhân dân Việt Nam. Chúng đã giết hại hơn 5.000 dân thường và làm bị thương gần 5.000 người. Hàng nghìn trâu bò bị cướp, giết, hàng ngàn héc- ta lúa mùa bị phá hoại, hạng vạn héc- ta ruộng đất và đồn điền cao su ở vùng biên giới phía Tây Nam bị bỏ hoang, nửa triệu dân ở biên giới phải bỏ đất, bỏ ruộng để chạy dạt về phia sau. Trên thực tế lúc bấy giờ, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không thể nghĩ tới sự phản phúc, phản động với một qui mô to lớn và ác liệt đến như vậy. Mặc dù chúng ta đã hết sức kiềm chế, kiên trì thương lượng thuyết phục bằng con đường ngoại giao nhưng sau nhiều cố gằng không đạt được kết quả. Để thực hiện quyền tự vệ chính đáng, chúng ta buộc phải đánh trả, đẩy quân Khơme đỏ ra khỏi biên giới. Đồng thời, thể theo yêu cầu của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cămpuchia, quân tình nguyện đã cùng Lực lượng vũ trang của Mặt trận tiến hành phản công, tiếp đến là tiến công giải phóng thủ đô Phnôm Pênh và toàn bộ đất nước Cămpuchia. Đây là một cuộc chiến tranh chính nghĩa, cứu một dân tộc khỏi họa diệt chủng, từng bước hồi sinh và phát triển. Đồng thời, tạo được thế ổn định trong sự nghiệp xây dựng đất nước chúng ta.
Trong hơn 10 năm, kể từ mùa Xuân 1979, lực lượng vũ trang ta đã chiến đấu liên tục, không ngừng. Từ những trận đánh mở đầu cuộc phản công chiến lược quyết liệt, chuyển sang cuộc tiến công như vũ bão, lực lượng vũ trang ta đã đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt -  Iêng Sary, giải phóng đất nước Cămpuchia. Sau khi chính quyền Khơ me đỏ các cấp từ trung ương đến cơ sở bị đánh dập đánh sập,  quân của chúng đã bị tan rã từng mảng, dạt vào bưng biền, rừng núi. Nhưng sau đó, bọn chúng đã tập hợp lại lực lượng, được sự viện trợ, hà hơi tiếp sức và điều khiển của các thế lực phản động từ bên ngoài, hòng khôi phục chính quyền, giành lại những gì đã mất. Cuộc chiến đấu quyết liệt, phức tạp, kéo dài, căng thẳng, trên một không gian rộng lớn.
Theo yêu cầu của Mặt trận dân tộc cứu nước Cămpuchia, tiếp sau đó là thực hiện Hiệp định đã được ký kết giữa hai Nhà nước; để giúp chính quyền và nhân dân Cămpuchia giữ vững thành quả cách mạng, giúp bạn xây dựng chính quyền các cấp còn non trẻ, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Cămpuchia từng bước vững mạnh, đủ sức đánh trả quân địch, bảo vệ nhân dân nước Bạn, quân tình nguyện Việt Nam đã ở lại tiếp tục chiến đấu truy quét quân Pôn-Pốt trong những điền kiện đầy khó khăn, gian khổ, hi sinh. 
Từ cuộc phản công chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới tây nam, đến tiến công giúp bạn giải phóng dân tộc Cămpuchia khỏi họa diệt chủng và 10 năm bền bỉ làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn là một quá trình liên tục tiếp nối giữa các giai đoạn trong mối liên hệ chặt chẽ mật thiết với nhau. Đó là một cuộc chiến tranh do tình thế bắt buộc, khi không còn cách nào khác. Cuộc chiến tranh chính nghĩa lâu dài, quyết liệt buộc chúng ta đã phải trả giá bằng hàng vạn sinh mạng cán bộ, chiến sĩ.


Tháng 10 năm 1984, tôi được gọi về Hà Nội để nhập học ở Học viện Chính trị. Đây là lớp học bổ túc cán bộ chính trị trung, cao cấp khóa 34. Lớp học được tổ chức tại cơ sở 2 của Học viên Chính trị đóng ở làng Xuân La, huyện Từ Liêm – Hà Nội. Tổng số lớp học có 125 học viên. Là lớp bổ túc trung, cao cấp nên học viên cũng không đồng đều. Về quân hàm thì từ đại úy đến đại tá. Về chức vụ thì có cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp trung đoàn, sư đoàn và cán bộ cơ quan các cấp.
 Đã 20 năm tuổi quân, cấp bậc Trung tá, mãi đến lúc đó tôi mới bước chân đến một học viện chính qui của quân đội, mà cũng chỉ thuộc diện học bổ túc. Thế hệ cán bộ chúng tôi phần đông đều vậy. Thực tiễn quân đội là trường học lớn. Phẩm chất, năng lực và phong cách công tác của cán bộ lớp trước là những trang giáo án sống động, thiết thực, hiệu quả đối với lớp sau. Chương trình học lúc đó là: Lý luận Chủ nghĩa Mác- Lê nin, bao gồm chương trình trung, cao cấp về : triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử Đảng, đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự. Nội dung, phương thức tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cấp chiến dịch, trong các hình thức tác chiến, các trạng thái và các nhiệm vụ. Thời gian học là 6 tháng. Bằng kiến thức thu hoạch được qua từng môn học, đối chiếu với thực tiễn sống động đa dạng ở các đơn vị, lớp học chúng tôi vừa nghiêm túc vừa sôi nổi trong những giờ lên lớp và những buổi ximêna. Đặc biệt, hồi đó lớp chúng tôi tranh luận khá rôm rả, thậm chí gay gắt xoay quanh chủ đề có tính thời sự lúc bấy giờ là :” Cơ chế thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội “ theo Nghị quyết 07/BCT, rồi Nghị quyết 27/BCT của Bộ Chính trị Khóa V. Các ý kiến tranh luận đặt ra đặt ra trên nhiều khía cạnh nhưng tựu trung là, tiến hành công tác chính trị trong quân đội là một vấn đề thuộc về nguyên tắc và bản chất của quân đội cách mạng, là truyền thống của quân đội ta trong suốt mấy chục năm chiến tranh, đồng thời là nhu cầu của việc xây dựng quân đội về chính trị trong giai đoạn mới. Thực tế cho thấy, cơ chế chính ủy, chính trị viên trong quân đội  không hề gây trở ngại cho người chỉ huy thực hành nhiệm vụ. Đưa người cán bộ chủ trì công tác chính trị của đơn vị xuống làm cấp phó về chính trị cho người chỉ huy các cấp là hạ thấp vai trò, vị trí và hiệu quả của công tác chính trị…Những vướng mắc, băn khoăn, trăn trở về những vấn đề đặt ra đó mãi tới hơn 20 năm sau mới được giải quyết sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 51/NQ-TW ngày 20 tháng 7 năm 2005.
Cùng học với tôi một khóa, sau này có nhiều người thành đạt trên nhiều cương vị, tiêu biểu như: Anh Phạm Văn Long lúc đó là Đại tá, Phó sư đoàn trưởng về Chính trị Sư đoàn 324 - Quân khu 4; sau này là Ủy viên Trung ương, Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Anh Bùi Văn Huấn (Út Lê) lúc đó là Trung tá, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang; sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Anh Nguyễn Đức Sơn lúc đó là Trung tá, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 312 - Quân đoàn 1; sau này là Trung tướng, Bí thư Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu. Anh Vũ Tần, lúc đó là Thiếu tá, cán bộ Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng; sau này là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng. Anh Lê Công Đoàn lúc đó là Thiếu tá, cán bộ cơ quan Ủy ban Kiểm tr Đảng ủy Quân sự Trung ương; sau này là Thiếu tướng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương. Và nhiều anh em khác nữa.


Ngày 1 tháng 6 năm 1986, tôi được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu - Tổng hợp thay anh Nguyễn Khắc Chuẩn được trên điều động sang Cămpuchia làm chuyên gia chính sách cho Bạn. Thời gian đó Cục Chính sách đang trực thuộc Bộ Quốc phòng, nên bổ nhiệm chức vụ trưởng phòng cũng do Thủ trưởng Bộ ký quyết định. Lúc này ông Doãn Sửu, Thiếu tướng, Cục phó Cục Cán bộ được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Chính sách thay ông Lê Tiến Phục nghỉ chữa bệnh lâu dài.
Từ khi ông Lê Tiến Phục bị ốm nặng, tai biến mạch máu não, chúng tôi nghe phong phanh là cơ quan cán bộ đang nghiên cứu lựa chọn người thay thế. Đến khi Bộ Quốc phòng quyết định bổ nhiệm ông Doãn Sửu làm Cục trưởng Chính sách thì nhiều người phấn khởi. Vì biết rằng, ông Sửu là một con người nhân hậu, đức độ, toàn tâm toàn ý với công việc. Là người quen biết cùng chiến trường cũ lại là đồng hương Nghệ An nên ngay từ đầu ông Sửu đã chỉ đạo công việc đối với tôi khá ăn ý, nhịp nhàng.
Tôi quen biết ông Doãn Sửu từ hồi còn ở chiến trường Trị Thiên vào đầu năm 1968. Lúc đó, sau Tết Mậu Thân, ông Sửu là Cục phó Cục Chính trị Quân khu Trị Thiên Huế đi kiểm tra chỉ đạo đôn đốc việc chuyển thương binh từ đồng bằng lên miền núi tây Thừa Thiên. Còn tôi là trợ lý quân lực của Trung đoàn 8 đi theo anh Nguyễn Hoán tham mưu trưởng trung đoàn đang chỉ huy bộ đội làm nhiệm vụ chuyển thương. Chúng tôi không bao giờ quên giữa cái ngày mưa rét khi tổ chức đưa thương binh qua Sông Bồ bị máy bay trực thăng Mỹ phát hiện bắn phá rất ác liệt, anh em thương vong nhiều, máu lênh láng mặt nước.

Đại hội Đảng toàn quốc làn thứ VI là Đại hội đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Ý nghĩa lịch sử của Đại hội VI là đã phân tích đúng đắn nguyên nhân của tình hình khủng hoảng kinh tế-xã hội từ nhiều năm trước, đề ra các định hướng lớn để từng bước thoát khỏi tình trạng đó. Bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, một mặt, chịu sự tác động trực tiếp của các chính sách xã hội, chính sách kinh tế, mặt khác, phải đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân trước tình hình mới.
Cùng với đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, sau các cuộc chiến tranh biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế, đứng trước bối cảnh tình hình mới, quân đội thực hiện chấn chỉnh tổ chức lực lượng, giảm tổ chức biên chế với số lượng rất lớn. Đi đôi với việc xây dựng lực lượng thường trực chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, việc xây dựng lực lượng dự bị động viên được coi trọng. Trong thế trận chiến tranh nhân dân, quân đội không ngừng được củng cố, làm nòng cốt chống chiến tranh xâm lược từ bên ngoài, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Đảng và các thành quả cách mạng, tạo môi trường ổn định để phát triển. Trong khi đó, các tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh còn rất lớn.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI : ” Bổ sung và thực hiện tốt chính sách đối với lao động đặc thù của quân đội”; để đáp ứng với yêu cầu mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, và Tổng cục Chính trị, Cục Chính sách đã nghiên cứu xây dựng và đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách đãi ngộ đối với quân nhân phục viên, chuyển ngành, về hưu, mất sức.
Nét nổi bật trong thời kỳ này là, Nghị quyết 47/NQ về “ Thực hiện chính sách đối với cán bộ cao cấp nghỉ hưu và cán bộ dư biên chế” của Đảng ủy Quân sự Trung ương đã đi vào cuộc sống đạt được nhiều kết quả. So với bây giờ thì quả thật chính sách hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu lúc đó là không đáng kể. Mỗi người được cấp mấy tạ xi măng, mấy tạ sắt, mấy nghìn viên gạch, mấy tấn than...Nhưng đặt nó trong bối cảnh đất nước đang giữa thời kỳ khủng hoảng kinh tế, chất chồng khó khăn, việc giải quyết được như thế đã là một sự cố gắng rất lớn của Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị. Phần vật chất nhỏ bé đó, đối với cán bộ về hưu lúc bấy giờ là rất quí trong việc sửa chữa lại mấy gian nhà đã cũ nát, sớm ổn định cuộc sống khi trở về sau nhiều năm xa cách. Đồng thời, thời kỳ này Chính phủ đã kịp thời có chủ trương đúng đắn trong việc ưu  tiên dành cho quân đội 40% chỉ tiêu đi lao động hợp tác quốc tế.
Với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời, chu đáo các chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, mặc dù trong một thời gian ngắn, toàn quân đã giảm quân số biên chế với một số lượng rất lớn, nhưng không gây sự xáo động lớn cả về tổ chức và  tư tưởng, bảo đảm đời sống cho quân nhân chuyển ra, giữ được ổn định ở hậu phương.
Cục Chính sách đã đề xuất lên trên chủ trương khen thưởng nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, khen thưởng thành tích của quân và dân cả nước trong thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính rị và trật tự an toàn xã hội với số lượng lớn. Đổi mới công tác khen thưởng theo hướng nâng cao chất lượng, có tác động viện phong trào thi đua quyết thắng của quân đội.
Dưới sự chỉ đạo của trên, hệ thống cơ quan chính sách các cấp đã tập trung giải quyết hậu quả chính sách sau chiến tranh với khối lượng lớn, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc. Nhờ đó, đã tạo cơ sở pháp lý để  các đối tượng được thực hiện chính sách theo qui định của Nhà nước, góp phần ổn định hậu phương quan đội.
Tuy nhiên, quá trình bước đầu đổi mới, trong điều kiện kinh tế-xã hội đất nước chưa thoát khỏi khủng hoảng, còn nhiều khó khăn, chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội chưa thật sự có những bước chuyển cơ bản. Tính chất bao cấp còn lớn, bình quân cao; đối với những lưc lượng làm nhiệm vụ đặc thù chưa được quan tâm đúng mức. Các tồn đọng về chính sách vẫn còn với một khối lượng lớn, phức tạp, gây bức xúc lớn trong xã hội.

Một ngày cuối tháng 4 năm 1988, sau khi dự cuộc họp ở Bộ Quốc phòng, trên đường về cơ quan, tôi cùng đi với ông Đặng Vũ Hiệp, Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Bất ngờ ông Hiệp hỏi tôi:
- Tình hình công tác ở Cục Chính sách thế nào, ổn chứ. Cậu có muốn chuyển sang Văn phòng Tổng cục Chính trị không?  Bọn mình thấy cậu có khả năng làm việc ở Văn phòng đấy!
Thoạt nghe tưởng như tình cờ, nhưng qua cách nói và ánh mắt của ông, tôi có cảm tưởng là ông Hiệp và các thủ trưởng đã có chủ tâm từ trước. Câu hỏi của ông đối với tôi là khá bất ngờ. Nhưng tự xét thấy cũng muốn thay đổi môi trường công tác, tôi trả lời là :
-  Nếu có thể được,  xin Thủ trưởng cho tôi về bên Văn phòng công tác. Tôi ở Cục Chính sách lâu quá rồi. Phàm là, công tác lâu dài ở một cơ quan, thì cùng với việc tích lũy được kinh nghiệm, sẽ kèm theo đó là sự bảo thủ trì trệ theo đường mòn lỗi cũ.
 Ông Hiệp cười :
- Thôi được rồi. Nói như vậy là cậu đồng ý. Mình sẽ bàn bạc với các anh thủ trưởng Tổng cục. Cậu chuẩn bị tâm thế về Văn phòng Tổng cục!
 Mặc dù chỉ là mấy câu nói tưởng chừng như tình cờ, bất chợt, nhưng được tiếp xúc và làm việc nhiều năm với ông Đặng Vũ Hiệp, tôi biết rằng, đó đã là quyết định.
Ông Đặng Vũ Hiệp là một cán bộ lãnh đạo có trình độ văn hóa cao, được đào tạo cơ bản, lại được kinh qua các cương vị, nhất là hơn 10 năm ở chiến trường Tây Nguyên. Sau giải phóng Miền Nam ông được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Là một cán bộ lãnh đạo vừa có năng lực, vừa có cương vị và lại có tính quyết đoán cao, nên thông thường ông Đặng Vũ Hiệp giải quyết công việc nhanh chóng, chất lượng và hiệu quả. Được làm việc trong nhiều năm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Đặng Vũ Hiệp, đối với tôi là một điều may mắn.
 Khoảng hơn một tuần sau, tôi có quyết định của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị điều động về Văn phòng Tổng cục Chính trị nhận công tác. Khi tôi đến nhận công tác ở Văn phòng, anh Chu Tự Di, Thiếu tướng, Chánh Văn phòng gặp và giao nhiệm vụ. Sau khi giới thiệu sơ bộ về truyền thống, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế, các mối quan hệ phối hợp, chế độ làm việc và nhất là những yêu cầu cần có trong phong cách công tác ở Văn phòng Tổng cục Chính trị nói chung và Phòng Kế hoạch Tổng hợp nói riêng, anh Chu Tự Di nói với tôi:
- Mặc dù đồng chí đã được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Nghiên cứu-Tổng hợp của Cục Chính sách hơn hai năm rồi. Nhưng, hiện tại ở Phòng Kế hoạnh Tổng hợp của Văn phòng có đồng chí Phạm Ngân, Đại tá, đã giữ chức Phó phòng mấy năm, lại là người cũ ở đây, có kinh nghiệm về công tác kế hoạch tổng hợp ở Văn phòng. Hơn nữa, mỗi chức danh, mỗi tổ chức có tiêu chuẩn và có yêu cầu riêng. Do đó, sau khi cân nhắc và xin ý kiến của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, lãnh đạo Văn phòng quyết định giao cho đồng chí đảm nhiệm chức vụ Phó phòng. Đồng chí Phạm Ngân là Phó phòng phụ trách Trưởng phòng. Đồng chí có ý kiến gì không?
 Không để anh Chu Tự Di chờ đợi lâu, tôi từ tốn rành rọt trả lời: 
- Báo cáo Chánh Văn phòng, tôi là người của tổ chức. Tổ chức phân công tôi làm gì thì tôi làm nấy. Tôi xin hứa sẽ cố gắng học hỏi, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các thủ trưởng cứ yên tâm, tôi không hề có sự suy bì, thắc mắc.
Thực ra, lúc đó việc trao đổi với nhau bằng miệng, chứ trong giấy tờ không hề viết như vậy. Ở đây có sự tế nhị. Thực tế là, anh Phạm Ngân mặc dù đã làm Phó phòng mấy năm, nhưng lãnh đạo Văn phòng không có kế hoạch bổ nhiệm làm Trưởng phòng. Trong qui hoạch cán bộ của Văn phòng, anh Ngân sẽ được giải quyết nghỉ hưu trong một hai năm tới. Trong thời gian đó, lãnh đạo Văn phòng không muốn có điều gì tác động đến tư tưởng. Còn tôi, trên thực tế đã được trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng do Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ký. Nay không có lý do gì lại hạ xuống Phó phòng.
Tôi biết là vậy nhưng không có ý kiến gì, càng không có thái độ biểu hiện khác. Trong quan hệ công tác và trong sinh hoạt giữa tôi và anh Ngân đều tôn trọng nhau, mọi việc đều suôn sẻ. Xét đến cùng, chức vụ là phương tiện trong một thời kỳ công tác. Sau một thời gian, khi anh Ngân nghỉ chuẩn bị hưu theo chế độ, tôi mặc nhiên thành Trưởng phòng.
Từ những ngày đầu tiên đặt chân đến cơ quan và trong suốt cả quá trình công tác, tôi cố gắng đi sâu nghiên cứu tìm hiểu về Văn phòng Tổng cục Chính trị.
Tôi được biết, khi xác định Ngày Truyền thống của Tổng cục Chính trị, có mấy ý kiến khác nhau. Có ý  kiến lấy ngày 25 tháng 3 năm 1946 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh về tổ chức Bộ Quốc phòng. Trong đó, Chính trị Cục thuộc Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ  “đào tạo các chính trị viên phái đi các bộ đội để giữ vững và nâng cao tinh thần chiến đấu, tinh thần ái quốc và sự tôn trọng kỷ luật trong quân đội”. Có ý kiến lấy ngày  11 tháng 11 năm 1950 -  ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam  gồm:  Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị và Tổng cục Cung cấp. Nhưng cuối cùng, với quan điểm phản ánh đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội; thể hiện đúng một sự thật lịch sử : có quân đội là có ngay sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội ; công tác chính trị là một nhân tố thuộc về bản chất của quân đội cách mạng, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương đã lấy ngày 22 tháng 12 năm 1944 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, làm Ngày Truyền thống của Tổng cục Chính trị.
Ngày 11 tháng 5 năm 1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định về tổ chức Chính trị Cục để chỉ đạo và tiến hành công tác chính trị trong quân đội. Trong tổ chức biên chế của Chính trị Cục có Văn phòng. Từ đó, ngày 11 tháng 5 năm 1946 được xác định là Ngày Truyền thống của Văn phòng Tổng cục Chính trị.
Trải qua nhiều thời kỳ có những thay đổi cụ thể, nhưng tựu trung lại, chức năng nhiệm vụ của Văn phòng Tổng cục Chính trị là : Thường xuyên theo dõi nắm tình hình, giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị tổng hợp kết quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong toàn quân để báo cáo lên Đảng ủy Quân sự Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng thời thông báo cho cấp dưới. Xây dựng kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị và theo dõi đôn đốc thực hiện. Giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị quản lý kinh phí, vật tư công tác đảng, công tác chính trị; công tác tác chiến, huấn luyện quân sự,  quân lực, điều tra hình sự và thanh tra quốc phòng trong cơ quan Tổng cục Chính trị; công tác nghiên cứu tổng kết lý luận - thực tiễn.
Biên chế tổ chức của Văn phòng Tổng cục Chính trị gồm Thủ trưởng Văn phòng, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Phòng Hành chính, Phòng Quân lực-Tác huấn, Phòng Tài chính, Phòng Vật tư, Phòng Khoa học – công nghệ và môi trường, Phòng Điều tra hình sự. Thủ trưởng Văn phòng Tổng cục Chính trị  hồi đó có anh Chu Tự Di  chánh Văn phòng, phó Văn phòng gồm có các anh : Hoàng Xuân Lượng, Việt Hà, Nguyễn Tiến Quân;  tiếp theo là Võ Thịnh, Nguyễn Ngọc Cầm.
Phòng Kế hoạch Tổng hợp như tên gọi của nó, có hai chức năng cơ bản là giúp Văn phòng xây dựng kế hoạch và tổng hợp tình hình công tác đảng, công tác chính trị của toàn quân thông qua hệ thống báo cáo trực tiếp hoặc bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị và việc nắm tình hình của cán bộ trong các đợt công tác. Tổ chức của Phòng có hai bộ phận. Bộ phận cán bộ làm kế hoạch tổng hợp chung và bộ phận thư ký trực tiếp giúp việc các Thủ trưởng Tổng cục. Cán bộ của Phòng Kế hoạch Tổng hợp lúc đó có: Phạm Ngân, Nguyễn Mạnh Đẩu, Lê Bá Lục, Lê Văn Kích, Lê Văn Lai, Ngô Quí Vân, Đặng Ngọc Tỉnh, Nguyễn Cao Thế, Nguyễn Xuân Định, Nguyễn Công Lý, Trần Thanh Hải, Nguyễn Xuân Long, Nguyễn Trung Lạc. Một thời gian sau, bổ sung chức năng đối ngoại vào Phòng và tăng thêm nhân sự gồm : Trần Việt, Lại Vĩnh Mùi, Hà Mạnh Tường.
 Cán bộ công tác ở Phòng Kế hoạch Tổng hợp đều được lựa chọn từ các đơn vị. Mỗi người có một thế mạnh riêng, nhưng nhìn chung, đó là những người đã được rèn luyện trong chiến đấu, công tác, học tập, có phẩm chất, năng lực và phong cách công tác tốt.
 Phạm vi theo dõi quản lý rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực, yêu cầu cao, cả về thời gian cũng như chất lượng, đòi hỏi mọi cán bộ của  Phòng Kế hoạch Tổng hợp phải không ngừng phấn đấu học tập nâng cao trình độ mọi mặt, vừa thành thạo chức năng theo phân công lại vừa am hiểu các lĩnh vực khác để sẵn sàng thay thế nhau khi cần thiết. Nét chung nhất của cán bộ Văn phòng là, có năng lực tốt, có bản lĩnh vững vàng và có phương pháp thái độ khiêm tốn, lịch lãm. Phòng Kế hoạch Tổng hợp là một tập thể mạnh của Văn phòng Tổng cục Chính trị lúc bấy giờ.
Trong thời kỳ này, Phòng Kế hoạch Tổng hợp đã tham mưu đề xuất với  Văn phòng giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị xây dựng các kế hoạch và chỉ thị công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang. Bao gồm kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm và các văn kiện công tác đảng, công tác chính trị trong các trạng thái, trong các nhiệm vụ của quân đội. Đồng thời, thực hiện tốt vai trò tổ chức theo dõi tiếp nhận thông tin, nắm tình hình kết quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang để tổng hợp báo cáo lên Đảng ủy Quân sự Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng. Gồm có báo cáo tổng hợp theo định kỳ và  báo cáo theo chuyên đề.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Văn phòng Tổng cục Chính trị tổ chức chế độ trực ban nắm tình hình rất nghiêm túc, chặt chẽ, chính qui. Trực ban Văn phòng đồng thời là trực ban Tổng cục Chính trị. Hằng ngày, qua các kênh thông tin, qua chế độ báo cáo, trực ban có trách nhiệm theo dõi tổng hợp báo cáo tình hình chung trong cả nước, tình hình quân đội, tình hình hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Phải nắm bắt kịp thời những vấn đề đột xuất, những diễn biến bất thường, cả trong quân đội và ngoài xã hội,…Hằng ngày, bất luận trong hoàn cảnh nào,Văn phòng cũng tiến hành giao ban vào lúc 7 giờ sáng để đến 7 giờ 30 phút đã có báo cáo tình hình trên bàn làm việc của các Thủ trưởng Tổng cục. Tôi được biết chế độ này đã thành nền nếp mấy chục năm. Sau này, khi đã rời khỏi Văn phòng đi đảm nhiệm cương vị công tác khác, tôi vẫn giữ được nếp: cứ đúng 7 giờ sáng đã ngồi vào bàn làm việc ở cơ quan. Xem xét lại chương trình công tác, đọc lại các loại tài liệu có liên quan,…Bằng cách đó, tôi có một khoảng thời gian hữu ích cần thiết chuẩn bị cho công việc của một ngày mới, trong một tâm thế chủ động, sảng khoái, tập trung, không bị vội vã, cập rập, sơ suất.
Công tác ở Văn phòng Tổng cục Chính trị  4 năm là thời gian rất có ý nghĩa đối với tôi. Đây là thời kỳ tôi được tiếp xúc với công việc khá phong phú sôi động, được cộng tác với những cán bộ tốt. Hơn nữa, lại được thường xuyên tiếp cận các Thủ trưởng Tổng cục Chính trị như các ông: Chu Huy Mân, Nguyễn Quyết, Đặng Vũ Hiệp, Nguyễn Nam Khánh, Lê Hai, Lê Khả Phiêu, Phạm Hồng Cư – đó là những nhân cách lớn, nên tôi đã học hỏi được nhiều. Ngày đó, đảng viên Phòng Kế hoạch Tổng hợp và Thủ trưởng Tổng cục Chính trị sinh hoạt trong một chi bộ. Tôi được bầu làm Đảng ủy viên Văn phòng, Bí thư chi bộ. Qua công tác, tôi được bồi dưỡng kiến  thức toàn diện về nội dung cũng như phương thức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trên các mặt: tổ chức, tuyên huấn, cán bộ, bảo vệ, dân vận, chính sách, các cơ quan báo chí, văn nghệ, các tổ chức quần chúng trong quân đội. Tôi tự thấy mình trưởng thành lên nhiều hơn. Đó là những điều có giá trị rất lớn mà trước đó tôi chưa hề có. Những kiến thức đó đã từng bước hoàn thiện và nâng cao trình độ, giúp tôi có thêm vốn liếng, cẩm nang thuận lợi trong triển khai công tác sau này trên các cương vị mới.
 Thời kỳ công tác ở Văn phòng Tổng cục Chính trị đã giúp tôi nâng cao trình độ tổng hợp khái quát, khả năng diễn đạt và thể hiện văn bản. Điều may mắn đối với tôi là, thủ trưởng Tổng cục Tổng cục Chính trị và  thủ trưởng Văn phòng Tổng cục Chính trị ngày đó, đều là những người có độ dày cống hiến trong nhiều năm và hiện tại vừa giỏi vừa tốt. Trên cương vị lãnh đạo chỉ đạo, các Thủ trưởng thật sự là những người thầy của tôi trong thực hành nhiệm vụ. Trong số đó, ngoài các thủ trưởng Tổng cục, tôi học được nhiều điều ở anh Chu Tự Di sau này là Trung tướng, Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị.
Tôi nhớ, có lần Văn phòng chuẩn bị dự thảo báo cáo tổng kết công tác đảng, công tác chính trị 5 năm 1985-1990 và kế hoạch 5 năm 1990-2000. Sau khi đã tổng hợp báo cáo của các quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng, học viện, nhà trường, các tổng cục, và ý kiên đề xuất của các Cục chức năng trong Tổng cục Chính trị, Phòng Kế hoạch Tổng hợp xây dựng một bản dự thảo khá dài, khoảng 25 trang. Chánh Văn phòng Chu Tự Di sau khi trao đổi với các Phó Văn phòng, đã trực tiếp viết lại bản dự thảo và cho in rô-nê-ô mấy bản để lấy ý kiến tham gia. Một hôm cuối giờ làm việc buổi chiều, anh Di gọi tôi lên đưa cho một bản thảo và dặn là về nghiên cứu và tham gia ý kiến. Yêu cầu trong vòng 5 ngày phải nộp lại.
Mang bản thảo về nhà, tôi đọc rất kỹ đến tận khuya. Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy, bản dự thảo được chuẩn bị khá công phu, có nội dung tốt, đầy đủ , toàn diện, phản ánh đúng thực trạng tình hình các đơn vị trong toàn quân, dự báo kế hoạch theo đúng theo yêu cầu chung và  tư tưởng chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị. Tuy nhiên, một số chỗ nội dung dự thảo còn dàn trải, tính khái quát chưa thật cao, đánh giá nhận xét chưa trực diện, đôi chỗ còn sa vào một số vấn đề quá cụ thể, hành văn có chỗ còn hơi dài. Bởi vậy, tự cho mình có trách nhiệm tham gia, lại được Chánh Văn phòng cho phép, thế là tôi dùng bút đỏ sửa chữa trực tiếp vào văn bản. Có chỗ tôi gạch xóa bớt đi cả một đoạn, rút gọn lại thành mấy câu.
Sáng sớm hôm sau, sau giờ giao ban, với thái độ tự tin, hăng hái, tôi xin gặp Chánh Văn phòng để nộp lại. Anh Di cầm bản thảo, hỏi tôi làm sao nhanh thế. Thế rồi anh mở ra đọc ngay. Đọc khá kỹ, thi thoảng ông dừng lại suy nghĩ đăm chiêu ở những chỗ tham gia của tôi. Ngồi đối diện nhìn sang, tôi thấy gương mặt chăm chú, có lúc chau mày, nhưng không hề đổi sắc.
Cuối cùng ngẩng lên nhìn tôi, anh từ tốn, ân cần nói với tôi rằng, thế là tốt. Mặc dù chỉ trong một đêm, vượt trước thời gian theo hẹn, nhưng với trách nhiệm và khả năng của mình, cậu đã có những ý kiến tham gia khá xác đáng. Đặc biệt là, đã thẳng thắn mạnh dạn sữa chữa những chỗ xét thấy cần thiết. Những ý kiến tham gia này, mình sẽ cân nhắc xem xét thêm.
Việc này, nhiều lúc sau này khi đã là cán bộ chủ trì đơn vị, nghĩ lại, tôi vừa cảm phục thái độ nhẫn nại, phục thiện của anh Di, lại vừa tự thấy ngượng ngùng xấu hổ cho sự vội vã, hấp tấp của mình. 
Hồi đó, do yêu cầu nhiệm vụ, nhiều đêm chúng tôi phải làm việc trong cơ quan. Có bữa làm đến tận khuya, đói quá, trong túi cũng chẳng có nhiều tiền, tôi chạy ra phố Cửa Đông mua vội hai cái bánh mỳ chay. Cứ thế, hai thầy trò, mỗi người một cái bánh mỳ vừa cầm ăn vừa sửa tài liệu.
Lại có lần họp Tổ Đảng để kiểm điểm đảng viên cuối năm. Tổ chúng tôi có bốn người : Đặng Vũ Hiệp, Chu Tự Di, Nguyễn Xuân Long ( lúc đó là thư ký cho ông Hiệp, sau này là Thiếu tướng, Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị ) và tôi. Lần lượt kiểm điểm từng người. Bắt đầu là ông Hiệp, tiếp đến là anh Di, anh Long và sau cùng là tôi. Khi tôi tự kiểm điểm xong, các đảng viên đóng góp ý kiến. Ông Hiệp đóng góp cho tôi, đại ý là:  Sau một vài ý kiến biểu dương về nhiệt tình trách nhiệm, khả năng công tác và phẩm chất của tôi, ông nói rằng, từ ngày ông về nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đến nay, tính ra đã hơn 13 năm, trong điều hành chưa lúc nào cán bộ cấp dưới ở cơ quan có ý kiến trái với ý kiến của ông. Thế nhưng gần đây, khi trao đổi một vài việc cụ thể, thấy tôi có ý kiến khác. Theo ông, như thế là tốt, là thẳng thắn, cần phát huy. Ông  thích tuýp cán bộ cấp dưới có phương pháp tư duy độc lập và dám nói thẳng. Ý kiến trái chiều, có tính phản biện, nhiều khi làm cho quyết định của cấp trên chính xác hơn. Cấp trên, bất cứ là ai, cần phải biết lắng nghe ý kiến của cấp dưới, nhất là những ý kiến khác với ý kiến của mình. Nếu không, sẽ bị huyễn hoặc bởi những lời tán dương của cấp dưới. Nghe ý kiến thuận chiều lâu ngày tạo thành thói quen, rồi từ đó ngộ nhận ở khả năng của mình, từng bước dẫn đến sai lầm mà không biết.
Kiểm điểm xong, tôi phát biểu ý kiến cám ơn. Trên đường về Phòng làm việc, anh Di nói với tôi:
- Việc góp ý của ông Hiệp đối với cậu hôm nay là thể hiện sự chân thành thẳng thắn, cậu cần phát huy những mặt mạnh, đồng thời cần chú ý  phương pháp công tác cần phải cẩn trọng hơn.
Tôi cho rằng, những điều tâm sự của  của anh Di đối với tôi là chân tình, là hoàn toàn đúng. Thực ra, tôi thuộc loại người trực tính, nghĩ sao nói vậy, lại đang còn trẻ, kinh nghiệm cuộc sống, nhất là kinh nghiệm ở cơ quan còn ít.
Phẩm chất, năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm và  phong cách làm việc của cán bộ Phòng Kế hoạch Tổng hợp cũng như tập thể cán bộ, nhân viên Văn phòng Tổng cục Chính trị  thời kỳ đó đã cho tôi những bài học rất quí giá, bổ ích. Nhiều năm sau này, nhất là khi đã là cán bộ chủ trì đơn vị, tôi vẫn coi đó như những chuẩn mực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét