Menu ngang

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

MỘT SỐ BÀI VIẾT VỀ CUỐN HỒI KÝ " NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI GIAN"




KHÚC CA XƯA VANG VỌNG ĐẾN BÂY GIỜ
(Báo An ninh cuối tháng, số 113, tháng 12/ 2010)

                                                      Khánh Linh (Việt Hà) 



           Giữa tháng 11 năm nay, bà Phạm Thị Lan, 81 tuổi, quê ở xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, có chồng là liệt sĩ Nguyễn Hoán, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, hy sinh trong chiến trường Quảng Trị năm xưa đã khăn gói lặn lội từ trong Hà Tĩnh ra  Hà Nội tìm Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ Thuật khi đọc được cuốn hồi ký ông viết về chồng mình. Gặp ông mà ngẹn ngào, rưng rưng. Có những người con đã trang trọng đặt cuốn hồi ký đó lên bàn thờ bố, với một niềm ngưỡng vọng, vì lần đầu tiên kể từ khi nhận được tờ giấy báo tử lạnh lùng, họ được biết một chân dung về cha mình đầy đủ, cảm động và chân thực đến thế. Và rất nhiều, rất nhiều câu chuyện cảm động đã và sẽ còn khi chiến tranh đã lùi xa, thời gian đã phủ bụi lên quá khứ.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu ngồi trầm ngâm trong ngôi nhà nhỏ của mình khi lần dở lại những dòng ký ức. Hình như đối với ông, ký ức chưa bao giờ đi xa...
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu rời xa chốn quan trường cách đây gần năm. Hơn 45 năm gắn với cuộc đời binh nghiệp, giờ đây ông mới có những khoảng lặng cho riêng mình, cởi bỏ khỏi chiếc áo phong sương của một đời lính, thanh thản với niềm vui tuổi già. Nhưng một người lính đã từng đi qua trận chiến như ông và may mắn được trở về, vẫn thấy mình mắc nợ với cuộc đời, với đồng đội. Câu chuyện với Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu giờ là câu chuyện của ký ức, về những ngày xa xưa… và nó vẫn hiện về mồn một trong ông. Một vị tướng đi qua nhiều cuộc chiến tranh, cả thời chiến lẫn thời bình như ông, thì câu chuyện không phải là của ngày hôm nay, mà đó là những ký ức, vẫn còn nguyên vẹn, tươi rói như mới chỉ xảy ra ngày hôm qua. Bởi ông còn lưu giữ trong mình quá nhiều những kỷ niệm, về đồng đội năm xưa, những con người vô danh đã bị cuốn trôi trong lớp bụi của thời gian
Ông sinh ra ở một miền quê nghèo của Nghệ An nắng cháy, xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, một cậu bé quê tinh nghịch, thông minh. Quê hương của Nguyễn Mạnh Đẩu là một vùng cát pha, những con người phải quằn mình trước khắc nghiệt của khí hậu, là những ngày theo cha đi ăn cơm tập thể bộ đội, và đầm mình thỏa thích trong dòng sông Lèn thơ mộng, có lần suýt chết đuối vì không biết bơi. Đó là một tuổi thơ dữ dội với nhiều biến cố trong đời sống riêng của gia đình, khiến cậu bé Đẩu sớm trưởng thành, đĩnh đạc.  Lần đầu tiên nhìn thấy máy bay Mỹ, khi đó Nguyễn Mạnh Đẩu tròn 16 tuổi, cậu nằng nặc xin thêm một tuổi và trốn cha đi bộ đội. Ngày lên đường nhập ngũ của Đẩu vì thế không có người đưa tiễn, cậu bé sống mũi cay cay, khi nhìn thấy vòng tay ấm áp của những người thân tiễn người đi chiến trận. Lúc đó, cậu mới chạnh lòng. Nhưng ý đã quyết, Nguyễn Mạnh Đẩu trở thành chiến sĩ giải phóng quân hoạt động trên những vùng chiến ác liệt, Lào, Quảng Trị - Thừa Thiên.  Và trong những ngày cận kề với cái chết, ông đã viết nhật ký, viết với tâm thế của một người lính ra trận không xác định ngày về. Những dòng nhật ký được viết vội sau từng trận đánh, của một chàng trai trẻ muốn dành niềm tự hào cho cha, và trong những trang đầu tiên của cuốn nhật ký, ông viết, “Sau khi tôi hy sinh, hãy gửi lại cho cha để ông có quyền tự hào về con trai mình, đã sống và chiến đấu trên tuyến đầu.” Nhưng cuốn nhật ký đã bị lưu lạc và ông may mắn được trở về. Đó là khi ông tham gia chiến dịch đường Chín Nam Lào, đại đội đặc công của ông được giao nhiệm vụ đánh vào cao điểm 550, nhằm tiêu diệt lữ đoàn 147 của địch. Ông đã bị thương nặng, đến nỗi nhiều người nghĩ rằng ông đã hy sinh. Một đồng đội đã cầm cuốn nhật ký, và gửi lại nơi hậu cứ. Nhưng sau một trận oanh tạc của máy bay Mỹ, người lính ấy cũng đã bị thương và bỏ lại một chân ở chiến trường, và ông đã không thể giữ lại cuốn nhật ký.
Hơn 40 năm đã đi qua, nhưng đến bây giờ, ông vẫn nhớ như in từng dòng nhật ký đó. Chuyện cách đây một, hai năm có thể quên, nhưng câu chuyện hào sảng của một chàng trai 20 tuổi đi vào chiến trận với tâm thế lãng mạn, lạc quan đó thì làm sao có thể quên. Đó là những tháng ngày chiến đấu vô cùng ác liệt mà những người lính như ông đứng mong manh giữa sự sống và cái chết. Rất nhiều đồng đội ông đã bỏ lại thân xác của mình nơi rừng sâu heo hút. Có nhiều chiến thắng, nhưng có rất nhiều hy sinh, có những cái chết của đồng đội còn ám ảnh ông đến tận bây giờ. Khe Sanh, đường Chín, không có trận chiến nào khốc liệt hơn thế, và hình ảnh đồng đội, những chiến sĩ liên lạc vượt nguy hiểm khi gặp được đơn vị đã đói lả chỉ còn thoi thóp, những cái bắt tay của đại đội trưởng bộ binh trước giờ xung trận và mãi mãi không trở về… Tất cả đều trở thành nỗi ám ảnh trong tâm khảm Nguyễn Mạnh Đẩu. Ông đã không thể đi tiếp cùng đồng đội trong cuộc  tiến về giải phóng miền Nam mà lùi lại hậu cứ, về công tác ở Tổng cục Chính trị năm 1972. Và sau này đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau: Cục trưởng Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị, Phó Hiệu trưởng về Chính trị Trường Lục quân 1 và Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật. Trở về thời bình, mang tâm thế của một chiến binh đã từng đi qua chiến trận, hiểu được nỗi mất mát, hy sinh, hiểu được cái giá của hòa bình đã trả bằng biết bao máu xương của đồng đội, dù bận trăm công ngàn việc ở những cương vị mới, nhưng Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu vẫn dành một góc riêng cho đồng đội năm xưa. Nhiều câu chuyện buồn thời hậu chiến đã được ông tìm hiểu, hóa giải, về những vấn đề chính sách. Có những việc ông làm được, nhưng có những việc ông đã bó tay vì sự đã rồi, nhìn đồng đội âm thầm chịu thiệt thòi mà đau xót… Từ Cục Chính sách, ông được điều về Trường Sĩ quan Lục quân 1, nơi đào tạo những sĩ quan vừa hồng, vừa chuyên của quân đội. Và sau  cùng của cuộc đời binh nghiệp, ông tham gia lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm kỹ thuật vũ khí, trang bị kỹ thuật - một thành tố đặc biệt quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội và tiềm lực quốc phòng của Đất nước - không kém phần  khó khăn.
 Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu đã cầm bút từ sự thôi thúc, viết để tri ân, báo đáp những đồng đội trong mấy chục năm trường. Cuốn hồi ký do chính tự tay ông chấp bút đã tái hiện lại một không gian lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy bi tráng của dân tộc. Ông tâm sự:  “Hơn 60 tuổi đời, chẵn 45 năm quân ngũ, ôn lại những nẻo đường đã qua, hiện lên trong tâm trí tôi như những thước phim quay chậm. Những thước phim lung linh sắc màu thời gian, bao kỷ niệm, ký ức, những hình ảnh thân thuộc. Tương tư gõ vào kỷ niệm. Tôi bồi hồi nhớ về quê hương, gia đình yêu dấu, nhớ lại cánh đồng chiêm mùa một nắng hai sương, với hạt gạo củ khoai, cha mẹ tảo tần nuôi tôi từng ngày khôn lớn, nhớ lại người thân bè bạn một thời hồn nhiên, trìu mến…”. Nguyễn Mạnh Đẩu đã viết bằng cảm xúc trực tiếp của một người đi qua cuộc chiến, nếm trải những mất mát đau thương của đồng đội, vì thế cuốn hồi ký thực sự làm lay động lòng người. Đó không chỉ là những hào quang của chiến thắng, mà có cả sự mất mát, cả những đau thương. Ông viết bằng cả sự chiêm nghiệm về cuộc đời. Những nẻo đường thời gian của ông không viết nhiều về mình mà đầy ắp những sự kiện về cuộc chiến, về đồng đội, bởi với ông, sự sống còn hôm nay của Nguyễn Mạnh Đẩu có một phần xương máu của đồng đội ông năm xưa. Kể cả những hồi ức trong thời bình, ông cũng khiêm nhường nép mình trong dòng chảy chung của dân tộc. Chuyện đời, chuyện thế sự, lúc buồn lúc vui, âu cũng là lẽ thường tình. Có một nhà văn Pháp đã nói rằng, viết hồi ký là khi đã đến lúc thấy những khát vọng, những hoài vọng về cuộc đời đã cạn kiệt. Thế nên quá khứ với Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu không phải là hào quang của chiến thắng, của những đối đãi trọng vọng khi còn chức tước. Quá khứ của ông được viết nên bằng máu và nước mắt của đồng đội, là nỗi day dứt còn đó về những mất mát thời hậu chiến, là những dự định con dang dở… Giống như trên một chuyến tàu, đã đến lúc dừng ga, và bước xuống, trong tư thế của một kẻ sĩ luôn biết người biết ta, thấu hiểu thời cuộc. “Trên tàu / Người giàu ngồi chễm chệ toa sang / kẻ nghèo hèn ngồi bệt toa đen / Vốn thế / Một diện tích nhỏ nhoi rành rẽ / Phân biệt Anh, Tôi / Xuống tàu / tất cả như nhau / còn ai hay số ghế chỗ ngồi /quên lãng/ Đoàn tàu đầy ắp lữ hành…  
 Nhưng đằng sau những chiến công của một vị tướng đã đi qua thời chiến và thời bình ấy, vẫn thấy bóng dáng của một tâm hồn thi sĩ. Tâm hồn ấy được nuôi dưỡng từ miền quê nghèo cát trắng quê ông. Như một bài thơ nói lên cảm xúc về hồi ức của ông khi trở lại chiến trường xưa : “Những cánh rừng cao su bạt ngàn / Gợi lại cho ta một thời trận mạc / Người lính kiêu hùng có trái tim biết hát / Khúc ca xưa vang vọng đến bây giờ”./.


  Đọc sách
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI GIAN
(Hồi ký của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu
Nhà xuất bản Quân Đội 2010)

                                                      Nhà thơ Lê Văn Vọng

          Tập hồi ký “Những nẻo đường thời gian” của tác giả Nguyển Mạnh Đẩu kể về quãng đời gian lao thử thách, phấn đấu tự hào của một người chiến sĩ Quân đội Nhân Dân. Người thanh niên Nguyễn Mạnh Đẩu 16 tuổi đã khai tăng tuổi để đủ tuổi nhập ngũ lên đường đi chiến đấu. Qua tháng năm, qua nhiều chiến trường, trận đánh, đảm nhiệm nhiều cương vị trong chiến đấu, công tác, từ một anh lính binh nhì sau chặng đường 45 năm phấn đấu lên đến Trung tướng.
Tập sách dược chia làm 8 chương và lời kết. Ở chương 1 tác giả dành nhiều tâm huyết nói về quê hương, gia đình và quãng đời ấu thơ. Ai cũng có một tuổi thơ, một vùng quê của riêng mình. Nhưng cái tuổi thơ của tác giả ở một vùng quê nghèo: Xã Nghi Hợp, Nghi Lộc( Nghệ An) lại làm người đọc khó quên. Nghi Lộc không chỉ là vùng đất hiếu học mà còn giàu truyền thống yêu nước. Người đọc sẽ nhận ra ở đây nhiều nhân vật có công với nước như Nguyễn Xí ( 1397- 1465), một đại thần của bốn đời vua Lê, từ Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông. Ông là một vị tướng trụ cột đã giúp Lê Lợi trong cuộc trường kỳ kháng chiến 10 năm chống quân Minh (1418 – 1428). Sau đó ông phò tá Vua Lê Thánh Tông, vị vua nổi tiếng anh minh trong lịch sử đất nước gây dựng xã tắc, giữ gìn và mở mang bờ cõi, chấn hưng đất nước. Dưới thời cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc, Nghi Lộc cũng nổi tiếng là huyện có nhiều tướng lĩnh, khoảng 20 người từ Thiếu tướng đến Thượng tướng. Mảnh đất giàu truyền thống ấy đã tạo nên niềm tự hào, sức bật để chàng thanh niên Nguyễn Mạnh Đẩu luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, khi xông pha nơi trận mạc cũng như lúc bị thương không còn đủ sức chiến đấu phải lui về hậu phương công tác. Các chương 2, 3, 4 ghi lại thời kì chiến đấu ở các chiến trường: Lào, Quảng Trị - Thừa Thiên, Đường 9 - Nam Lào… Đó là quảng thời gian từ 1964 – 1971 là thời kì khó khăn quyết liệt nhất của bộ đội ta trên chiến trường miền Nam. Lúc cao điểm lực lượng quân Mĩ lên tới 500.000 người và hơn 1 triệu quân ngụy với đủ các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, từ pháo đài bay B52, xe  tăng M41 đến hàng rào điện tử Mắc – Na – Ma – Ra .v.v. . Chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên được coi là nơi so tài thử sức giữa lực lượng ta và địch, vì thế cũng là nơi có thể nói là ác liệt nhất. Những địa danh, những trận đánh đã đi vào lịch sử chiến đấu oai hùng của quân đội ta mà mỗi khi nhắc tới ai cũng tự hào: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Đường 9 – Nam Lào…
          Người chiến sĩ nào khi ra trận cũng phải đối mặt với gian khổ hi sinh; nhưng ở cái “chảo lửa” này sự thử thách sẽ nghiệt ngã, ác liệt hơn nhiều nơi khác. Trong “Những nẻo đường thời gian” tác giả kể lại rất nhiều trận đánh khi anh là chiến sĩ bộ binh, khi là chiến sĩ đặc công. Có trận thắng dòn dã, song cũng có nhiều trận quân ta bị thiệt hại nặng nề không hoàn thành nhiệm vụ như trận đánh cao điểm 817 – Tà Tách, nhiều mũi chiến đấu hi sinh không còn một người. Trước sự ác liệt ấy có những con người đã bộc lộ sự hèn nhát, giả ốm, tự thương, thậm chí chạy sang hàng ngũ địch để giữ mạng sống. Trong “Những nẻo đường thời gian” cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ ngoài chiến trường cũng được tác giả mô tả khá sinh động. Gian khổ, ác liệt, thiếu thốn, bệnh tật, chết chóc… Song bao trùm lên tất cả là tình đồng chí, đồng đội, mối quan hệ thân ái, chí tình  giữa cấp trên cấp dưới… coi nhau như anh em một nhà. Điếu thuốc bẻ đôi, nhường nhau ngụm nước, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn. Những trang viết chân thực súc tích về tình đồng chí đồng đội làm người đọc cảm động. Đó cũng chính là điểm tựa vững chắc, tin cậy để người chiến sĩ vượt qua thử thách hoàn thành nhiệm vụ.
          Ngày đó ai cũng biết cả miền Bắc nhất là vùng khu 4 luôn phải gồng mình chống  trả cuộc đánh phá  tàn bạo của không quân Mĩ. Trên khắp quê hương từ thành thị đến thôn quê không ngày nào không có những cuộc ném bom và không ngày nào không có người ngã xuống vì bom đạn địch. Những người lính từ chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên thường được gọi là những người “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”. Sau thời gian chiến đấu gian khổ, quân số hao hụt, các đơn vị lại được lệnh hành quân ra miền Bắc để bổ sung lực lượng, học tập và bồi dưỡng sức khỏe. Trong “Những nẻo đường thời gian” tác giả cũng đề cập tới cuộc chiến tranh  phá hoại của đế quốc Mĩ trên vùng đất Quảng Bình, Hà Tĩnh nơi đơn vị anh đóng quân sau khi từ chiến trường ra. Qua lời kể ta biết cuộc sống người dân những nơi này còn muôn vàn khó khăn, nhưng họ vẫn sẵn sàng  dành nơi ăn chỗ nghỉ cho bộ đội, sẵn sàng dành cân thóc cuối cùng, đứa con trai duy nhất cho cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
          Cuốn hồi kí cũng dành một phần đáng kể dể nói về quãng thời gian 35 năm tác giả công tác ở cơ quan Tổng Cục Chính Trị, Trường Sĩ quan Lục quân I và Tổng Cục Kỹ Thuật với các vị trí công tác: Trợ lý, Cục trưởng Cục Chính Sách, Phó hiệu trưởng về chính trị Trường Sĩ quan Lục quân I, Chính ủy Tổng Cục Kỹ Thuật.
Công tác chính sách quân đội là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi người làm phải có đức hi sinh và lòng kiên trì. Song cao hơn cả là cái tâm và cái tình. Do hoàn cảnh đất nước chiến tranh kéo dài, hàng chục vạn trường hợp thương binh, liệt sĩ và gia đình có công bị tồn đọng, chưa được giải quyết chế độ đãi ngộ. Đó là một thiệt thòi đối với những người có cống hiến cho cách mạng. “Những nẻ đường thời gian” cho ta thấy một đội ngũ những người làm công tác chính sách quân đội tận tụy, giàu lòng nhân ái, thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; từ lãnh đạo, chỉ huy, trợ lý ở cơ quan tới những chiến sĩ các đội qui tập hài cốt liệt sĩ trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia. Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước họ ngày đêm làm việc với một tâm nguyện là đem lại quyền lợi chính đáng cho hàng chục vạn thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, góp phần tạo nên niềm tin và sức mạnh của quân đội ta.
Đề cập tới thời gian công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân I, tác giả dành những trang viết vừa trân trọng vừa tình cảm. Đây là ngôi trường đầu tiên của quân đội ta, được thành lập theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tuyên Quang – Thủ đô gió ngàn với tên gọi ban đầu là Trường Quân chính kháng Nhật. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Trường Sĩ quan Lục quân I được mang tên: Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, một danh tướng kiệt xuất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Trải qua tần 60 năm xây dựng và hoạt động. Trường Sĩ quan Lục quân I đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trong  hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nhiệm vụ Quốc tế và trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Từ ngôi trường này hang vạn đồng chí đã trở thành cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Hàng trăm người trở thành tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Người đọc cũng dễ dàng nhận ra, niềm tự hào của tác giả khi được công tác ở một ngôi trường có bề dày lịch sử, niềm vui được cống hiến sức mình vào công việc đào tạo lớp sĩ quan cho quân đội; cũng như sự lớn mạnh của nhà trường. Hồi ký “Những nẻo đường thời gian” còn cho ta hiểu sự hình thành và phát triển của Tổng cục Kỹ thuật. Đây là một “binh chủng” không thể không có trong việc xây dựng và duy trì sức mạnh chiến đấu của quân đội và tiềm lực quốc phòng của đất nước. Ngay từ buổi đầu sơ khai, những cán bộ kỹ thuật, công nhân quốc phòng đã có những đóng góp đáng kể cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Cùng với sự lớn mạnh của quân đội ta và yêu cầu bức thiết của cuộc chiến đấu chống xâm lược với những vũ khí, khí tài hiện đại, cán bộ chiến sĩ Tổng cục Kỹ thuật đã vượt qua khó khăn, gian khổ, những hi sinh mất mát hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ là những người “giữ lửa” đã, đang ngày đêm âm thầm làm việc, đảm bảo sức chiến đấu cho bộ đội mọi lúc, mọi nơi.
          Với 500 trang hồi ký, tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu đã “dắt” người đọc qua NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI GIAN cho họ thấy được sự phấn đấu, trưởng thành của một người chiến sĩ trong sự yêu thương, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của đồng chí, đồng đội đã một thời cùng vào sinh ra tử và chung lưng đấu cật - cái cao quý nhất không gì có thể sánh được, nhất là trong cơ chế thị trường hôm nay. Từ đó có thể nhận ra sự phát triển lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam và cái giá mà dân tộc ta phải trả cho cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại.
          Viết hồi ký “Những nẻo đường thời gian” tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu không cường điệu cũng không né tránh những khó khăn gian khổ trong đời sống chiến trường và những hi sinh tổn thất của bộ đội ta trong chiến đấu. Anh trung thực kể lại những gì đã xảy ra với tâm thế của người trong cuộc bằng cách nhìn khách quan, biện chứng, song không dửng dưng lạnh lùng.
          Đất nước  ta đã trải qua một cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, đánh thắng nhiều tên đế quốc sừng sỏ tàn bạo. Có được cuộc sống hôm nay chúng ta không thể quên những năm tháng hào hùng, sự hi sinh lớn lao của dân tộc. Quân đội ta giờ đây đã, đang xây dựng tiến lên chính qui hiện đại. Quyển hồi ký “Những nẻo đường thời gian” rất cần cho mọi người, nhất là lớp thanh niên và những ai đã, đang là người lính và sắp bước vào cuộc đời làm lính./. 

                                                                                                           



Bạn đọc viết                                       Ngày 3 tháng 4 năm 2012
 



                      Kính gửi:  Anh NGUYỄN MẠNH ĐẨU,


     Những nẻo đường thời gian  giúp em nhớ lại những kỷ niệm về quê hương, về tuổi thơ.  Giống y chang quê em vậy. Trong  Cải cách ruộng đất, làng em cũng có người bị đấu tố oan uổng, rồi bị bắn. Cũng có thành phần địa chủ kháng chiến, vì con cái hoạt động CM. Cũng có người hoạt động 2 mang, bị qui là Quốc dân Đảng, rồi xử bắn, rồi được sửa sai…Sau đó là Tổ đổi công, HTX nông nghiệp cấp thấp, cấp cao...Em cũng từng tham gia rất tích cực trong Đội thiếu niên, cũng đánh trống, cầm loa đi đến từng ngõ xóm, hô khẩu hiệu, rồi HTX măng non, rồi cắm trại... Tết đến, sáng mồng một, từng gia đình tập trung, kéo cờ, chào cờ, hát quốc ca rất nghiêm chỉnh. Xong, mọi nhà đều kéo ra sân HTX để chào cờ tập trung, tham gia các trò chơi. Em nhớ trong trang đầu của quyển Tập đọc lớp một có hình ảnh một buổi chào cờ, dưới ghi câu thơ: Nghiêm trang chào lá quóc kỳ/ Tình yêu đất nước ta ghi vào lòng. Anh giúp em nhớ lại bài thơ Chú đi tuần của Trần Ngọc: Chú đi tuần đêm nay/Hải Phòng đang giấc ngủ say/Cây rung theo gió, lá bay xuống đường...
     Mười sáu tuổi đã lên đường nhập ngũ. Và 7 năm, anh cùng đồng đội đã trải qua bao trận chiến đấu vô cùng ác liệt, vô cùng dũng cảm. Cứ nghĩ đến các cháu ở độ tuổi 16-23 bây giờ, thì không hình dung nổi ngày ấy, anh, và cả thế hệ anh em mình có thể làm được những điều vĩ đại đến thế? Em cũng có một anh trai ( sinh năm 1927), tham gia đoàn quân Nam Tiến năm 1945, hy sinh tại Phú Phong, Bình Định năm 1947.
     Những trang viết của anh thật sinh động và cảm động. Em rất cảm phục!
     Em cảm nhận rằng, việc anh làm Cục trưởng Cục Chính sách – TCCT cứ như là một sứ mệnh mà Nguyễn Mạnh Đẩu được đồng đội - những người đã khuất và những người còn sống - uỷ thác. Em cũng đã được nghe anh hát Cục ca rồi đấy nhé!
    Có thể nói:  Trong suốt cuộc đời quân ngũ của mình, anh  có quyền tự hào rằng, mình có quyền tự hào về sự lựa chọn đó!
    Rất cảm ơn anh! Em chúc anh sức khoẻ, may mắn, hạnh phúc, viết đều tay!

                                                              TRƯƠNG THANH

                                                                                                                   
 


( Bài của tác giả Xuân Lộc đăng ở Báo Năng lượng mới ngày 17/7/2012 ) 


(Petrotimes) - Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu sinh năm 1948 (xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc) - một miền quê nghèo của Nghệ An giàu truyền thống cách mạng và khoa bảng. Trọn cuộc đời quân ngũ, ông đã để lại dấu ấn trên từng cương vị.

Khai man tuổi để được… nhập ngũ

         Ngày 5 tháng 8 năm 1964, sau “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ cho không quân ồ ạt ném bom bắn phá Miền Bắc. Nhiều nơi ở thành phố Vinh và Bến Thủy bị máy bay oanh kích. Rất bất ngờ, chẳng ai biết trước.
        Ông bộc bạch: “Cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt của giặc Mỹ kéo dài gần một thập kỉ với biết bao đổ nát, tang tóc, ập đến những người dân lành đầu trần, chân đất quê tôi.  Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy máy bay phản lực Mỹ”.
       Từ ngày đó quê ông bắt đầu bước vào cuộc sống thời chiến. Các gia đình đào hố phòng không trong nhà, trong vườn để tự vệ khi không quân địch oanh tạc vào làng. Dân quân luyện tập, canh gác trực chiến suốt ngày, từ trong xã ra tận bãi biển Cửa Lò. Mọi người được quán triệt, cùng với việc phòng tránh, đánh trả máy bay Mỹ, còn phải sẵn sàng đánh tàu chiến khi cập gần bờ. Đặc biệt là, sẵn sàng đánh quân địch đổ bộ bằng đường không và đường biển.
        Tháng 9 năm 1964, Nguyễn Mạnh Đẩu được các chú, các anh cho vào dân quân. Tập dân quân chừng nửa tháng, cậu được chọn làm liên lạc cho trung đội dân quân của làng. Nguyễn Mạnh Đẩu có nhiệm vụ truyền đạt mọi chỉ thị, mệnh lệnh từ trung đội xuống các tiểu đội và các báo cáo từ trung đội lên xã đội.
       Nguyễn Mạnh Đẩu nhớ lại: “Có lần, đang nửa đêm, chú Lê Văn Ngọc trung đội trưởng giao tôi ra Cửa Lò để truyền đạt mệnh lệnh cho tiểu đội canh gác ngoài đó. Mệnh lệnh thì dài, nhiều khoản mục, nhưng không được phép ghi lại bằng giấy. Chú Ngọc nói: Tập cho quen, ngộ nhỡ trên đường đi “kẻ địch” bắt được. Việc quân cơ, sống để dạ chết mang đi, không để lại dấu tích gì cả…”. Tôi phải nhập tâm, một mình đi bộ gần 5 cây số ra truyền đạt lại với chú Thanh Tùng không sót một chữ. Mọi người khen tôi vừa gan vừa có trí nhớ tốt. Ngày đó đi đêm từ làng này sang làng khác giữa đồng không mông quạnh, lại qua nhiều nghĩa địa, ai cũng sợ ma chứ không sợ trấn lột như bây giờ.
      Trong năm 1964, cấp trên đã triển khai mấy lần tuyển quân: đợt 1 tháng 4, đợt 2 tháng 8, tiếp đến đợt 3 là tháng 10. Nguyễn Mạnh Đẩu trúng tuyển đợt 3. Ông kể: “Đúng ra, vì tôi bị viêm amidan không qua được phòng khám tai mũi họng. Tôi xin phiếu khám khác và nhờ Phan Ngọc Thịnh, bạn cùng làng, khám thế ở phòng đó. Còn các phòng khác, tôi qua được. Đến phòng kết luận cuối cùng của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự, tôi gặp anh Hoàng Văn Lượng, là anh  vợ của anh Thuần, con ông bác họ. Anh Lượng bảo tôi: Em chưa đủ tuổi, không đi được đợt này!”. Tôi năn nỉ xin và được anh đồng ý khai tăng thêm cho tôi một tuổi.Thế là từ đó, trong lý lịch quân nhân của tôi đều ghi sinh  năm 1947.
      Tròn 16 tuổi, nặng 48 kg, cao 1,62 m, Nguyễn Mạnh Đẩu đã trốn cha lên đường nhập ngũ. Ngày 15 tháng 10 năm 1964 là cột mốc bắt đầu sự nghiệp cuộc đời tôi -  mở đầu quãng đời đằng đẵng 45 năm quân ngũ. Ông tâm sự: “Đêm trước ngày lên đường, Ủy ban hành chính xã Nghi Hợp mời các thanh niên trúng tuyển dự liên hoan chia tay. Đêm dự liên hoan ở xã về, tôi tâm sự với mẹ. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Suốt cả đêm hai mẹ con không tài nào ngủ được. Cha thì chưa về, chị thì thoát ly ở xa. Mẹ ở nhà với ba em còn nhỏ dại, thơ ngây… Sáng dậy, mẹ đưa cho tôi 7 đồng bạc trong số 12 đồng mẹ mới bán trái cây trong vườn. Phụ cấp binh nhì ngày đó là 5 đồng. Như vậy, số tiền mẹ cho tôi còn hơn một tháng phụ cấp. Tôi mặc cái áo xanh, chiếc quần ka-ki. Nhét vội 7 đồng bạc vào túi quần, tôi ôm choàng lấy mẹ trước giờ chia tay trong nước mắt.
      Ngày lên đường nhập ngũ của Nguyễn Mạnh Đẩu vì thế không có người đưa tiễn, cậu bé sống mũi cay cay, khi nhìn thấy vòng tay ấm áp của những người thân tiễn người đi chiến trận. Lúc đó, cậu mới chạnh lòng. Nhưng ý đã quyết, Nguyễn Mạnh Đẩu trở thành chiến sĩ giải phóng quân hoạt động trên những vùng chiến ác liệt, Lào, Quảng Trị – Thừa Thiên.

Tham gia những trận đánh ác liệt

        Lúc mới nhập ngũ, Nguyễn Mạnh Đẩu được biên chế vào Tiểu đội 1, Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325B. Ngày 25 tháng 12 năm 1964, toàn đơn vị bắt đầu lên đường đi B. Đơn vị hành quân từ miền tây Quảng Bình vượt qua Đường 9 đi dọc Trường Sơn vào Miền Nam. Nhưng rồi trên chặng đường hành quân Nguyễn Mạnh Đẩu bị sốt rét nặng, đơn vị phải gửi lại điều trị ở một cơ sở quân y của trạm giao liên thuộc Đoàn 559.
       Khi khỏi bệnh, Nguyễn Mạnh Đẩu được điều động về Tiểu đoàn 929 hoạt động ở chiến trường Trung Lào. Tại chiến trường này, đơn vị ông  liên tục chiến đấu trên trục Đường 9 ở tỉnh Savanakhet (nước bạn Lào) nhằm bảo vệ hành lang phía tây của Đường dây Chiến lược 559.
     Sau gần 2 năm chiến đấu trên chiến trường Lào, đơn vị ông chuyển về hoạt động ở chiến trường Bắc Quảng Trị – từ khu vực Hồ Khê, Đá Bạc và qua các trục Đường 74, Đường 75 đến An Cát Khê, Trung An. Ông kể: “Sau khi đi xem xét một lượt địa hình trong toàn khu vực, theo chỉ thị của trên, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 29 chúng tôi bố trí trận địa đón lõng quân địch ở khu vực Hồ Khê, Đá Bạc. Theo dự kiến, sau khi phát hiện có chủ lực của ta hoạt động ở phía Bắc Đường 9, quân Mỹ sẽ hành quân từ căn cứ Đầu Mầu ở Đường 9 đánh chiếm dọc theo triền núi đi về phía suối La La và Đồi Không Tên”.
       Quãng thời gian từ 1964 – 1971 là thời kì khó khăn, quyết liệt nhất của bộ đội ta trên chiến trường Miền Nam. Lúc cao điểm, lực lượng Mỹ lên tới hơn 500.000 quân và hơn 1 triệu quân ngụy với đủ các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Chiến trường Quảng Trị-Thừa Thiên được coi là nơi “so tài đọ sức” giữa chủ lực ta và địch, vì thế đây là nơi ác liệt nhất. Những địa danh, những trận đánh đã đi vào lịch sử chiến đấu oai hùng của quân đội ta mà mỗi khi nhắc tới ai cũng tự hào: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Đường 9-Nam Lào…
       Nguyễn Mạnh Đẩu tâm sự: “Ở chiến trường nào cũng vậy, đối với người lính khi ra trận luôn phải đối mặt với gian khổ, hi sinh. Nhưng quả thật, ở cái “chảo lửa” Quảng Trị-Thừa Thiên, thì sự thử thách nghiệt ngã, ác liệt hơn nhiều nơi khác. Ngoài nhiều trận đánh thắng giòn giã, cũng có một số trận quân ta bị thiệt hại nặng nề, như trận đánh Cao điểm 817- Ta Tách có mũi chiến đấu hi sinh không còn một người… Song bao trùm lên tất cả là tình đồng chí, đồng đội, mối quan hệ thân ái, chí tình  giữa cấp trên cấp dưới… coi nhau như anh em một nhà. Điếu thuốc bẻ đôi, nhường nhau ngụm nước, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn. Đó cũng chính là điểm tựa vững chắc, tin cậy để người chiến sĩ vượt qua thử thách hoàn thành nhiệm vụ”.
       Cũng tại chiến trường Quảng Trị – Thừa Thiên Huế ác liệt này, người chính trị viên đại đội đặc công Nguyễn Mạnh Đẩu đã cùng đơn vị dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc. Bản thân ông đã không ít lần bị thương – có lúc vết thương quá nặng tưởng chừng không vượt qua nổi. Và trong những ngày cận kề với cái chết, ông đã viết nhật ký, viết với tâm thế của một người lính ra trận không xác định ngày về. Những dòng nhật ký được viết vội sau từng trận đánh, của một chàng trai trẻ muốn dành niềm tự hào cho cha. Ở trang đầu tiên của cuốn nhật ký, ông viết, “Sau khi tôi hy sinh, hãy gửi lại cho cha tôi, để ông có quyền tự hào về con trai mình, đã sống và chiến đấu trên tuyến đầu”. Nhưng rồi cuốn nhật ký đó đã bị lưu lạc.
       Đó là trong chiến dịch Đường 9- Nam Lào, đại đội đặc công của ông được giao nhiệm vụ phối hợp với đơn vị bạn đánh vào Cao điểm 550, nhằm tiêu diệt Lữ đoàn 147 của địch. Ông đã bị thương nặng, đến nỗi nhiều người tưởng rằng ông đã hy sinh. Ông Phạm Huy Chưởng (sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4) là đồng đội của ông đã giữ lại cuốn nhật ký. Và trước khi đi chiến đấu, ông Chưởng đã gửi lại cuốn nhật ký đó cho một đồng đội khác ở hậu cứ. Nhưng sau một trận oanh tạc của máy bay Mỹ, người đồng đội ấy cũng đã bị thương bỏ lại một chân ở chiến trường và đã không thể giữ lại cuốn nhật ký.

Dấu ấn trên từng cương vị công tác

        Nguyễn Mạnh Đẩu đã trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt. Từ chiến trường Lào đến chiến trường Quảng Trị – Thừa Thiên Huế, đến chiến dịch Đường 9 – Nam Lào ròng rã 7 năm với nhiều chiến công.
      Tiếp đến, Nguyễn Mạnh Đẩu đã trải qua 35 năm công tác tại cơ quan Tổng cục Chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Tổng cục Kỹ thuật với các vị trí công tác: từ Trợ lý đến Cục trưởng Cục Chính sách, Phó Hiệu trưởng về Chính trị Trường Sĩ quan Lục quân 1 rồi sau cùng là Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật – Bộ Quốc phòng.
      Trải qua nhiều cương vị, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong thời kỳ ở Cục Chính sách. Với cương vị Cục trưởng Cục Chính sách, ông đã tham mưu cho Tổng cục Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng và Nhà nước nhiều chính sách quan trọng, hiệu quả, có ý nghĩa  lớn.
      Công tác chính sách là một mặt hoạt động của công tác chính trị trong quân đội. Đó là việc nghiên cứu đề đạt chính sách và chỉ đạo tổ chức thực hiện những chính sách đã ban hành đối với quân nhân khi tại ngũ cũng như khi chuyển ra ngoài quân đội. Hơn nữa, do hoàn cảnh đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, hàng chục vạn trường hợp thương binh, liệt sĩ và gia đình có công chưa được giải quyết chế độ đãi ngộ; hàng triệu người có chiến công chưa được khen thưởng.  Dưới sự lãnh đạo của Tổng cục Chính trị, Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, trên cương vị Cục trưởng trong một thời gian khá dài, Nguyễn Mạnh Đẩu đã cùng tập thể Cục Chính sách đã hoàn thành một khối lượng công tác lớn, với tính chất khó khăn, phức tạp, bức thiết, đem lại quyền lợi cho quân nhân đang tại ngũ và các đối tượng chính sách.
       Thời kỳ công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 cũng như sau này đảm nhiệm cương vị Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, chúng ta lại được gặp ở Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu những phẩm chất đáng quý về trí tuệ và nhân cách của người cán bộ quân đội.
       Trường Sỹ quan Lục quân 1 được thành lập ngày 15/4/1945, theo Chỉ thị của Bác Hồ tại Tuyên Quang- Thủ đô gió ngàn- với tên gọi ban đầu là Trường Quân chính kháng Nhật. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Trường được mang tên là Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, danh tướng kiệt xuất bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Từ ngôi trường này, hàng vạn người đã trở thành cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Hàng trăm cán bộ, giáo viên, học viên của trường đã trở thành tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Được công tác ở một nhà trường có vị thế và bề dày truyền thống, Nguyễn Mạnh Đẩu luôn cảm thấy vinh dự. Trên cương vị được giao, ông đã cùng tập thể Đảng ủy- Ban Giám hiệu xây dựng nhà trường không ngừng lớn mạnh, thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội cho quân đội.
        Bất kể thời bình hay thời chiến, ngành kỹ thuật quân sự là một “binh chủng” quan trọng của quân đội. Cán bộ, chiến sĩ ngành kỹ thuật quân sự là những người “giữ lửa”  ngày đêm âm thầm làm việc, đảm bảo sức mạnh chiến đấu của quân đội. Với Nguyễn Mạnh Đẩu, Tổng cục Kỹ thuật – Bộ Quốc phòng là chặng cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp. Trong thời gian đảm nhiệm cương vị Chính ủy Tổng cục, ông đã tâm đầu ý hợp, sát cánh đắc lực và hiệu quả với ông Trương Quang Khánh – Chủ nhiệm Tổng cục (sau đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Kỹ thuật hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng giao phó. Rất nhiều lần ông đã đến thăm và chỉ đạo công tác ở hầu hết các đơn vị trong toàn Tổng cục từ nhà máy đến nhà trường, từ cơ quan nghiên cứu đến các đơn vị cơ sở kho tàng đạn dược; từ Việt Bắc gió ngàn đến Trường Sơn, Tây Nguyên hùng vĩ. Ở nơi nào cũng vậy, ông đều phát huy trí tuệ, quy tụ trách nhiệm chính trị và tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trong Tổng cục Kỹ thuật vào một một mục tiêu chung: Thường xuyên đảm bảo vũ khí, trang bị kỹ thuật – một thành tố đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội và tiềm lực quốc phòng của Đất nước.
Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN đã viết: “Nguyễn Mạnh Đẩu là một cán bộ nhiệt tình, xông xáo, quyết đoán, có tầm nhìn và sống nghĩa tình, nên ở mọi vị trí công tác, anh đều để lại dấu ấn cho đơn vị và ấn tượng, tình cảm tốt đẹp cho đồng chí, đồng đội…"
XL
Top of Form
Bottom of Form


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét