Menu ngang

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

CUỐN SÁCH LÀ CẢ MỘT TẤM LÒNG


                   CUỐN  SÁCH LÀ CẢ MỘT TẤM LÒNG
           
                                                                Giáo sư Nguyễn Đình Chú
                                                                          

  “Những nẻo đường thời gian” của tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu là một cuốn hồi ký về quê hương, gia đình, tuổi thơ và đặc biệt là cuộc đời binh nghiệp của mình từ một “cậu bé nhà quê” mới 16 tuổi nhưng đã khai tăng tuổi để được gia nhập quân đội, đi chiến đấu trong đơn vị đặc công, hết chiến trường Lào đến chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên, đến chiến dịch Đường 9- Nam Lào ròng rã 7 năm, có nhiều chiến công nhưng rồi bị thương nặng, tưởng chừng đã thành phế binh. May mà điều trị khỏi, để rồi chuyển về công tác tại Bộ Quốc phòng, hết Cục Chính sách rồi đến Văn phòng Tổng cục Chính trị, lại về Cục Chính sách. Kế đến là Trường Sĩ quan Lục quân 1. Cuối cùng là Tổng cục Kỹ thuật.
Viết hồi ký, với Nguyễn Mạnh Đẩu, cũng như với bất cứ ai, là tự đặt mình vào một phép thử. Chẳng thế mà có người coi đó như người nghệ sĩ xiếc đi trên dây. Đi qua được là tài giỏi. Đi mà để rơi là tồi. Phép thử đó chính là tự mình đánh giá mình. Nếu tỉnh táo, trung thực, hồn nhiên, khiêm tốn thì đọc ai mà chẳng quí, chẳng mến. Còn dại dột mà tự phong thánh cho mình như đó đây đã có thì bị dè bỉu là cầm chắc.
Hồi ký “Những nẻo đường thời gian” của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, với tôi là trường hợp đáng quý, đáng yêu. Bởi ở đây, tôi đã bắt gặp một tấm lòng. Tấm lòng với quê hương, với gia đình, bố mẹ, anh chị em, họ tộc, bạn bè từ thuở hàn vi niên thiếu. Còn khi đã bước vào cuộc đời binh nghiệp là tấm lòng với đồng chí, đồng đội không kể là cấp trên hay cấp dưới của mình, là tấm lòng với nhân dân nặng tình cá nước. Và cao hơn là tấm lòng với lý tưởng chiến đấu vì thống nhất trọn vẹn của nước nhà. Bởi ở đây, tôi đã gặp một cá tính sống, một điệu sống. Sống là hết mình. Hết mình trong tình nghĩa. Hết mình trong công việc. Ham học hỏi. Học trong sách vở. Học trong trường đời. Cương trực mà có khi thành bướng bỉnh. Quyết đoán mà có khi nóng nảy đến đánh cả đồng đội vốn rất thân nhau như hồi ký đã kể. Nhưng không sao. Cái chân tình đã xóa đi cái bồng bột, nhất thời, muôn một. Đọc hồi ký của Nguyễn Mạnh Đẩu, tôi nhận ra khá rõ cái logic từ một cậu bé nhà quê, trước khi vào quân đội chỉ mới học đến lớp 9 bổ túc, rồi sau nhiều năm rèn luyện, nỗ lực phấn đấu học tập, đã qua chương trình cao cấp, có hai bằng đại học, trở thành một Trung tướng, từng giữ nhiều chức vụ cao trong quân đội. Ở Nguyễn Mạnh Đẩu còn có điều này là đặc biệt: một trí nhớ vào loại hiếm. Hồi ký viết truyện trong “Những nẻo đường thời gian” với bao nhiêu người, bao nhiêu cảnh, việc, bao nhiêu quan hệ, phần lớn đã diễn ra mấy chục năm, có chuyện đã gần 60 năm rồi mà tác giả vẫn nhớ nhiều, nhớ cặn kẽ, nhớ chi li, tưởng như chuyện mới xảy ra hôm nào. Chữ “tâm” mà thêm chữ “ký". Chữ “ký” mà kết được với chữ “tâm” là như vậy đó.
            Tôi ước gì có ai đó, đọc hồi ký này mà chịu khó đếm cho hết được số người đã được tác giả nhắc đến, hẳn sẽ thấy thú vị vô cùng trước một số lượng người đã nằm trong bộ nhớ đó. Còn các vị được nhắc đến, kể cả vợ con các vị, đọc đến chắc sẽ vui biết mấy vì sự hiện diện đầy ưu ái của mình hoặc người thân mình. Rồi nữa, đọc hồi ký này, không chỉ thấy con người tác giả, mà chừng nào còn thấy bóng dáng quân đội, đất nước, thời đại – đặc biệt là trong thời chống Mỹ sục sôi và hùng tráng. Chuyện cậu bé Đẩu khai tăng tuổi để đi chiến đấu, đâu là chuyện hiếm. Chuyện anh lính Đẩu sẵn sàng hy sinh, coi cái chết như không, đâu phải là chuyên một cá nhân.
Và cuối cùng, sau khi đã đọc, đã nghĩ, đã viết về cuốn hồi ký của tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu, không hiểu sao, bỗng nhiên tôi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc : “ Cái quay búng sẵn trên trời” và tôi nghĩ rằng : cái quay của ông trời đã lựa chọn để búng Nguyễn Mạnh Đẩu vào cuộc đời binh nghiệp để thành một Trung tướng. Chứ nếu búng vào cuộc đời văn nghiệp, không chừng lại thành một nhà văn, một học giả cũng nên. Bởi “Những nẻo đường thời gian”  còn có văn, trôi chảy đã đành mà còn ít nhiều có chất trữ tình. Bởi tác giả của nó, té ra cũng có lúc nhân hứng làm thơ, mà trong thơ có nhiều cảm xúc, lại có chỗ có chất triết lý. Tôi nói thêm những lời như thế, có là quá lời không nhỉ!


                                                                  Yên Hòa thư trai
                                                                     Canh Dần – Trọng hạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét