Quốc hội không nên né tránh vấn đề nhất thể hóa Đảng và chính quyền
Đề nghị sáp nhập cơ quan như Tổ chức (của Đảng) và Nội vụ (của chính quyền); sáp nhập Thanh tra với Kiểm tra; sáp nhập Tuyên giáo với Thông tin truyền thông…, ĐBQH Đỗ Thị Hoàng cho rằng nhân thảo luận về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đề nghị QH không né tránh vấn đề nhất thể hóa Đảng và chính quyền.
Dòng sự kiện Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIII
Bắt đầu bài phát biểu 7 phút với ý kiến mạnh mẽ là bỏ HĐND cấp phường, quan điểm từng được Chủ tịch QH Nguyễn Văn An nói tới hồi năm 2001, khi QH bàn việc sửa đổi Hiến pháp 1992, theo ĐBQH Đỗ Thị Hoàng, do ở đô thị và nông thôn, phong tục tập quán lối sống, văn hóa khác nhau. Các liên kết cộng đồng, dân cư ở thành phố lỏng lẻo hơn dân cư ở các làng xã. Hơn nữa, ở TP, lao động chủ yếu là phi nông nghiệp, kinh tế chủ yếu là công nghiệp dịch vụ với sự hình thành của các trung tâm thương mại dịch vụ vui chơi giải trí cùng với mạng lưới hạ tầng xuyên suốt, phi địa bàn, và địa bàn chỉ có tính chất ước lệ. Quản lý của chính quyền đô thị chủ yếu quản lý ngành, lĩnh vực, và điều tiết cung ứng dịch vụ công cộng XH.
“Nếu phân chia cấp chính quyền quá nhỏ đến cấp phường sẽ dẫn đến vừa cát cứ, vừa chồng chéo, vừa không đảm bảo quyền của người dân”- bà Hoàng nói. Tuy nhiên, nữ ĐBQH cũng lưu ý, nếu chấp nhận phương án này thì phải tăng số lượng đại biểu HDND cấp quận, TP và “Thực hiện bầu cử chủ tịch phường theo nguyên tắc bầu cử trực tiếp, phổ thông đầu phiếu”.
Đề cập đến bộ máy tổ chức Đảng theo các cấp chính quyền, Phó Bí thư tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng các cơ quan Đảng đang “đứng ngoài ngoài nhà nước, đứng trên nhà nước, vừa chồng chéo về tổ chức, đông về biên chế”.
Nhân thảo luận về luật tổ chức, bà Hoàng nói: Đề nghị QH không né tránh vấn đề nhất thể hóa Đảng và chính quyền. Theo đó, Chủ tịch cần nhất thể với Bí thư; sáp nhập cơ quan như Tổ chức (của Đảng) và Nội vụ (của chính quyền); sáp nhập Thanh tra với Kiểm tra; sáp nhập Tuyên giáo với Thông tin truyền thông; sử dụng cơ quan giúp việc dùng chung giữa MTTQ và các đoàn thể; Và bỏ chức danh thường trực HĐND.
Theo ĐBQH Đỗ Thị Hoàng, việc nhất thể, sáp nhập này vừa đảm bảo tinh giản, vừa đảm bảo sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức đảng và đảng viên, vừa tiết kiệm được nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét