Con chó và vụ ly hôn
Truyện ngắn của Dạ Ngân
“Với một trong những lý do chính đáng sau đây: bệnh tâm thần, tù dài hạn, sự vắng mặt không tin tức của một trong hai người và sự ngoại tình, thì pháp luật mới cho đôi vợ chồng ly hôn. Lý do của chị là gì? Là chuyện con chó! Nghe như là chị định nhạo báng toà”.
Đó là giọng điệu của bà chánh án nghiêm khắc.
Nhưng sao là bà chớ không phải ông? Theo Đoan, phụ nữ thích hợp với vai trò phân xử loại chuyện này, nó cần sự tế nhị, thấu đáo và độ lượng.
“ Nếu chị nêu lý do tính tình không hợp, mặc dù nó mù mờ nhất trong mớ lý do, toà có thể xem xét. Ở đây chỉ là chuyện con chó. Xoá đi nguyên nhân rầy rà đó khó gì. Chị có hứa sẽ cố gắng không chị Đoan? ”
Đó là giọng điệu mềm mỏng của bà chánh án phúc hậu.
Từ lâu, trước khi nhận được giấy gọi của toà, khi chị hạ bút viết đơn xin ly dị, không, có lẽ trước đó nữa, từ lúc chị chợt nhận ra bộ mặt khác của chồng và nghĩ đến chuyện chia tay nhau, Đoan đã mường tượng ra những lý lẽ của toà án với mục đích hoà giải hai người, cách nói tuỳ theo cá tính của vị chánh án. Dĩ nhiên, Đoan cũng đã chuẩn bị nhiều câu trả lời và đối đáp không phải để trả treo mà để thuyết phục toà.
Quả nhiên, sau hi nghe chị trình bày, vì quá hồi hộp và xúc động chị đã nói năng hụp hửi, bà chánh án đứng tuổi, mặt mũi hiền từ, nhìn qua ai cũng biết là người phúc hậu đã nói bằng cách nói của bà, nội dung lời lẽ y như Đoan mường tượng.
Đáng lẽ chị phải đứng lên lần nữa và bằng thái độ thành khẩn, từ tốn dốc bầu tâm sự. Nhưng Đoan vẫn ngồi nhu nhược trên ghế, lưng bàn tay quệt liên hồi lên vầng trán xanh bợt, ánh mắt u ám bất lực thảm hại. Bà chánh án tỏ vẻ áy náy cho chị, nhưng như bà đã phán nhẹ nhàng mà đầy đủ, lý do của chị không sức thuyết phục toà, nếu như không nói nó có vẻ tức cười, trước nay chưa viện ra để giải phóng mình, như chị đã viện ra.
Chị cúi xuống cắn cắn môi.
- Còn anh, anh phát biểu đi, anh Nhiêu! - Bà chánh án nói với chồng chị giọng có vẻ thương cảm – Lẽ nào con chó lại xen vô cuộc sống của anh chị được? Có gì éo le, khuất lấp hơn, anh cứ nói thiệt, chúng tôi sẽ xem xét.
Quả là gợi ý khéo léo đúng mức cẩn thận của tòa.
Chồng của Đoan quay nhìn chị trước khi đứng lên. Chị thấy nóng trán bởi ánh mắt bốc lửa đó.
- Tui tính không nói gì hết. Đã tới nước này, tui định bụng không nói một tiếng nào trước tòa. Cô Đoan cổ kéo tui ra đây tức là cổ đã quyết rồi, có nói gì cũng vô ích. Tính của cổ tui rành quá mạng, muốn gì được nấy mới thôi. Mà chuyện có đáng gì. Toàn chuyện vớ vẩn vì một con chó! Bao nhiêu lần tui biểu thui nó đi, nếu tội nghiệp thì bán đi, giờ xứ này người ta cũng bày đặt ăn thịt chó quá trời, nó mắc còn hơn thịt heo. Vậy mà cổ cứ một mực giữ nó trong nhà, yêu thương chìu chuộng. Từ hồi có nó bao nhiêu chuyện rắc rối trong nhà. Vậy mà cổ… - anh cười khẩy, cái mép loe hoe ria giựt giựt – cổ … chọn nó. Giữa người chồng và con chó, cổ chọn con chó!
- Nó là chó gì, anh Nhiêu? – Bà chánh án hỏi, vẻ mặt chăm chú và long trọng như vị thầy thuốc đang lờ mờ cảm thấy đây là căn bệnh quái đản.
- Chó ta! Chó quê mùa thấy mẹ chớ phải tây tàu gì.
- Không, tôi muốn hỏi nó là chó gì?
Chồng của Đoan ngơ ngác nhìn bà chánh án. Đọc thấy vẻ chờ đợi cau có của bà, anh mới hiểu ra.
- À, nó là chó cái, chị Năm!
Bà chánh án chưng hửng. Chi tiết đó đảo ngược dự đoán của táo bạo của vị thầy thuốc.
- Đề nghị anh gọi là quí tòa! – Cô thư ký ngồi riêng ở bàn bên, lạnh lùng nhắc
Nhiêu thở hắt ra, cách thở không lạ gì với Đoan mỗi khi anh tức giận, nhưng giờ chị nghe nó xa xôi, nó không khiến chị lo nghĩ hay bực mình, tức là nó không gây ra phản ứng gì nơi chị, nó đã thuộc về quá khứ, nó bị chị đối xử lạnh nhạt như người ta thường làm vậy khi nghĩ tới cái gì khó chịu đã qua. Và, cái mùi mồ hôi mạnh mẽ của anh nữa, chị nhận ra rõ ràng nhưng nó không gây cho chị cảm xúc nào, nó cũng bị lãng quên mặc dù giờ đây giữa hai người chỉ là một cái ghế, khi ngồi xuống sau anh, chị cố tránh không ngồi xuống đó vì nó quá gần anh. Đã lâu, giữa anh và chị không còn cảnh đầu ấp tay gối, thay vào là cuộc chiến tranh lạnh làm đông đặc không khí trong nhà, tưởng có thể xắn ra được. Nó còn nguy hại ở chỗ, nó ướp người ta trong sự giá cóng đó và làm người ta nguội lạnh với nhiều thứ chung quanh.
Lúc đầu, khi Nhiêu miễn cưỡng đứng lên theo yêu cầu của bà chánh án, Đoan nhìn xiên vào người của chồng, không phải cái liếc mà là cái nhìn bình dị do thế ngồi của chị. Mắt chị dừng ở khuỷu tay săn chắc, ở sợi tĩnh mạch nổi vằn vèo dưới lớp da nâu ửng đỏ, biểu hiện trạng thái phẫn nộ trong anh. Một lần, vì chuyện con chó, anh giơ tay định tát chị. Rất lâu sau, mỗi khi nhắm mắt lại, chị như nhìn thấy hai sợi dây cơ bên cạnh hàm anh và rõ nhất là cái khuỷu tay như thun lại vì tức giận, sợi tĩnh mạnh gồ lên như một con rắn màu lục thẫm, hình như anh muốn kết liễu đời chị bằng cú đánh trời giáng đó. Những lúc nhớ lại, chị cay đắng nghĩ, có một thời nó đã tự nguyện làm gối suốt đêm cho chị, mỗi khi chị sợ anh mỏi mà dời đầu đi, cánh tay ấy lại quờ tìm ót chị để mà lót!
Mắt Đoan dời dần lên. Chị nhìn thấy cái tay áo màu xám tro làm đậm hơn nước da màu chàm thẫm đẫm rượu bia của anh. Hình như chị đã sắm nó cho anh, chắc vậy. Sớm nay, sau một đêm lục đục trên giường mình ở phòng ngoài – cũng không ngủ nên chị biết anh thao thức – anh ra khỏi nhà từ lúc chiếc loa trên cột điện mới truyền đi nhạc thể dục, chắc là chui vô cái quán nào đó với ly cà phê. Sau đó, mỗi người một xe đạp đi so le tới tòa. Chị không để ý anh mặc đồ gì nữa. Bỗng dưng nhìn màu áo ưa thích của anh, chị bùi ngùi như chợt nhìn thấy dưới lớp đá giá buốt của cuộc chiến tranh lạnh, kỷ niệm vẫn chưa hoàn toàn bị thối rữa.
Nhưng, khi Nhiêu nói chị chọn con chó chớ không chọn anh, chị ngẩng phắt lên, đau đớn và căm thù nhìn anh. Lòng chị lạnh băng trở lại. Chị còn nhìn thấy trong vẻ mặt anh niềm hả hê xác thịt khi anh nói ra câu đó, làm bà chánh án phải lao theo cái mục tiêu mà bà cho là quái đản. Anh ném trả lại chị cái nhìn hể hả rồi ngồi xuống. Đúng, chị đã bỏ anh chớ không bỏ con chó. Nhưng chữ "chọn” đầy ác ý của anh khiến ai nghe dù không có tính hiếu kỳ cũng phải men theo cái nghĩa vừa tục tằn vừa kích thích tò mò.
Mắt bà chánh án ánh lên vẻ thương hại và sờ sợ, như khi người ta nhìn người bệnh tâm thần. Cô thư ký trẻ tựa cằm vô cán bíc, cái nhìn phán xét suồng sã. Đoan dằn lòng chịu đựng hai cái nhìn đó. Một hồi sau, bà chánh án rút ánh mắt đó lại. Bây giờ, bà thấy người phụ nữ ngồi trước mặt bà hoàn toàn nhu mì và có vẻ thông minh. Chị khá trẻ so với chồng, chỉ mới khoảng ba mươi, đôi mắt màu nâu buồn buồn do nhiều ngày mất ngủ và nhẫn nhịn, đôi mắt với cái nhìn thẳng thắn, trong veo, không có vẻ gì lẳng lơ, nó làm nên giá trị và sự quyến rũ của gương mặt đó. Cái nhân trung vừa dài vừa sâu như một cái rãnh cẩn thận của người tạo ra nó. Và đôi môi nho nhỏ cong cong kiên quyết. Chị mặc sơ mi màu măng chín, cái cổ thanh thanh vươn trên màu vải đằm thắm, cao quý như cái bông lài.
Đưa mắt sang khuôn mặt thứ hai cũng rướm mồ hôi, bà chánh án như nhìn thấy cái bông lài bình dị và trong ngần kia đang cắm trong cái bình bằng đất sét, trên đó chạm trổ thứ hoa văn thô thiển do một bàn tay vụng về. Sự lắp ráp thật là tuỳ tiện đáng tiếc. Với thói quen nghề nghiệp, bà hay để ý cuộc sống lứa đôi, sự khác biệt về hình thức như đôi này không phải ít, nhưng rồi đâu cũng vô đó, quy luật bù trừ đã ổn định họ. Nếu, đằng sau những vụ mích xích của đôi này không là một nhân vật thứ ba kỳ quặc, bà đã lướt qua sự đối chọi trên gương mặt họ chớ không săm soi nhìn như bà đang nhìn. Đây là câu chuyện bí hiểm và hấp dẫn mà chắc bà phải để công tìm hiểu.
Có thể người phụ nữ kia là người quá quắt. Ngược lại, nếu chị ta có lý thì sao? Một người như chị ta chắc không bao giờ tới đây với cái lý vu vơ để bị bẻ mặt. Cái gì đã khiến chị ta đuối lời? Khoé miệng của chị ta mới độc đáo làm sao, nó ẩn chứa niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng, nếu bị xúc phạm, từ đó sẽ bật ra ngay những lời lẽ rạch ròi, xác đáng và đầy quyền lực khiến người định xúc xiểm nó phải gục đầu.
Nhưng, lúc này, chính Đoan cảm thấy mình vô lý và quá đáng mới kéo chồng ra đây vì chuyện con chó. Đó là sự cảm thấy của lý trí chớ không phải cảm giác của trái tim. Đầu óc chị trống hoang khủng khiếp như thể những những ánh mắt xét nét này nọ của hai vị quan tòa trang nghiêm trước mắt chị đã làm rụi cháy bao ý, bao lời chị công phu xếp đặt từ lâu. Chỉ có cảm giác của trái tim là có thực, nó tồn tại như trước nay nó vẫn tồn tại, nó phán quyết rằng chị đã hành động đúng. Trời phú cho người phụ nữ trái tim nhạy cảm luôn luôn phát sóng. Hành động của họ hay bị trái tim của họ chị phối nhuốm màu cảm tính, dễ chính xác mà cũng dễ sai lầm. Đoan cảm thấy không đủ lời để diễn đạt hành trình của những cảm giác, nguyên nhân đưa đẩy chị tới quyết định xa chồng. Đây là lúc trái tim chị bị bao vây bởi vòng rào của lý trí, nó đau đớn vì bị sự châm chích của ngôn từ khắt khe và hay phán xét của đầu óc. Với lại, dù phòng xử những vụ này ấm như một phòng khách lịch sự, dù khăn trải bàn của hai vị toà gợi lên màu của hạnh phúc, dù trên bàn bà chánh án là những đóa hồng, chị vẫn thấy sợ hãi. Nó tôn nghiêm và đầy uy lực, cảm giác do ý thức của chị mà ra.
- Chị cần phải trình bày thêm với tòa, chị Đoan! Anh chị nói chưa đâu vô đâu, chúng tôi chưa hiểu ra làm sao, nói chi đến chuyện kết luận, chị suy nghĩ rồi hãy nói! – Bà chánh án quả là tốt bụng và mềm mỏng.
Để lấp thời gian sốt ruột, bà không nhìn Đoan nữa, chắc là nhìn chán rồi, mắt bà dướn lên nhìn mớ tóc loà xoà trước vầng trán khô cằn, những ngón tay xơ cứng lần tìm những sợi bạc, khi nhổ nó, bà mím môi như nuối tiếc. Bà thả nó rơi xuống xấp hồ sơ của Đoan, chiếc quạt trần xua nó bay giạt trên mặt bàn rồi biến mất vào cõi hư vô.
- Cô nói nữa đi chớ! Cô giàu lý lẽ lắm mà - Chồng của Đoan giục, giọng đắc thắng vì chị ngồi ngắc ngứ.
Chị nói gì nữa bây giờ? Toàn những chi tiết thuộc về cảm giác. Bà chánh án đó, trang trọng trong chiếc áo bà ba bằng soie trắng, trông bà cổ kính như một quá khứ đáng tôn thờ. Chắc là bà may mắn có ông chồng hợp ý và yên ấm, bà yên phận. Bà có hiểu được nhu cầu tình cảm của những chị em trẻ hơn bà, còn ham muốn hoàn thiện cuộc sống mình? Còn cô thư ký trẻ, da ngăm ngăm, môi tô màu cam đỏ, tóc uốn xù theo mốt, quần chẽn và áo sọc ca rô, cô ta thuộc về niên đại mới, quá mới, mới đến mức sẵn sàng "gút-bai” cái người cản trở ý thích của cô ta hoặc ngược lại, sẵn sàng mỉm cười khi người đó chào tay trái với cô nhưng chắc cô ta chưa chồng, cô xa lạ với loại cảm giác mà chị buộc phải kể ra.
Vừa lúc chị toan đứng lên phát biểu, Đoan nghe có tiếng đập cửa phòng xử án. Tiếng đập khẽ khàng nhưng chị là người trước tiên nghe nó, hiểu nó. Trong khi chị bối rối không biết phải làm gì với tiếng gọi cửa đó, bà chánh án bảo cô thư ký ra xem sau khi bà đã mời “cứ vô” mà không thấy quả nắm xoay. Đoan vội lên tiếng:
- Nó đó mà!
- Chị nói ai? – Cô thư ký hỏi bực dọc hỏi
- Con chó!
Hai vị tòa sửng sốt.
- Chị dắt nó theo làm chi vậy? – Bà chánh án hỏi.
- Tui không dắt nó theo! Nó tự đi!
- Sao nó biết chị ở trong này? – Cô thư ký hỏi như trách.
- Chắc nó thấy chiếc xe đạp với đôi dép của tui ngoài cửa.
Hai vị tòa càng ngạc nhiên hơn.
- Chi cho nó vô coi! – Bà chánh án ra lệnh.
Cánh cửa vừa xịch mở, một con chó đen tuyền từ mũi tới chân xổ vào, nó ném mình từ chân bà chủ sang chân ông chủ, mông ngoáy tít, cái mõm ướt rượt hết đặt lên tay người này rồi tay người kia những cái hôn mừng rỡ thái quá. Ông chủ chùi tay vô quần, mặt không những ghê ghê mà còn không giấu vẻ căm thù nó, và, sau khi thấy bà chánh án bắt gặp vẻ mặt ấy của ông, ông giơ tay tát vô má con vật một cái. Nó như biết lỗi, không một tiếng kêu, lùi về phía bà chủ, nhụi nhụi chỗ đau bên chân bà, mỗi khi ngước lên, lấm lét nhìn sang ông chủ. Đoan nhẫn nhịn vuốt đầu nó:
- Mực, yên nè! Dám bỏ chị ở nhà một mình ha? Chắc là nhảy qua cửa sổ phải không?
- Nựng nịu cho nó tè ra gạch rồi cởi áo chùi ha? – Chồng của Đoan mắng chị. Anh ngước nhìn hai vị tòa – Lúc nào cổ cũng coi nó như người. Có mà điên! Chị của con chó là con gái tui, sắp vai vế vậy, ai coi được không?
- Nó nhảy qua cửa sổ được à? – Cô thư ký hỏi lại, người dướn trên bàn viết, nhìn con chó háo hức như cô bé con.
Đoan lặng lẽ gật đầu, tay không ngừng ve vuốt bộ lông mượt như nhung của con vật.
Tuy vậy, chỉ một lát, hai vị toà không khỏi thất vọng. Con chó không có gì đặc sắc nếu không nói là quê quê. Nó có vẻ thôn dã như mọi con chó của xứ sở này.
*
Quả nó là con chó bình thường.
Như bao gia đình lúc đầu chỉ cần lính gác, Đoan đã tìm xin nó. Đúng ra, má chị mới là người có công nhất – hay có tội – trong chuyện này, bà đã dặn nài người hàng xóm ở quê khi mẹ nó mới chửa. Nó đã có “ hộ khẩu” từ lúc chưa ra đời. Giao nó cho Đoan, bà má chu đáo của chị căn dặn: “Coi chừng kẻo người ta ăn cắp, nghen! Chó mực là quý lắm. Phải biết thương nó mới dạy dỗ nó được!”.
Trước khi biết làm “nhiệm vụ”, khi mới là cô cún với cái mình úc núc, mềm mụp như cái gối may bằng nhung đen, con Mực đã thành bầu bạn của con gái Đoan. Con bé ít chơi rong hơn, như dịu dàng và phong phú hơn nhờ “người bạn” ngoan ngoãn và chung thuỷ này.
Quan sát Mực hàng ngày, Đoan mới vỡ lẽ vì sao con người cần nuôi con gì đó trong nhà, vì sao dân thành phố quý chó (hoặc mèo) và hay nhân cách hoá nó hơn dân nông thôn. Ngoài việc có ích, nó còn kéo con người ra khỏi nỗi bận rộn khô khốc của công việc để đưa vào sự bận rộn khác, thú vị như là cuộc giải trí bổ dưỡng tâm hồn. Trên những lợi ích đó, nó là thiên nhiên giữa môi trường ô trọc của nó. Một dây trầu bà bên cửa sổ, một nhánh trường sinh trong bình, một vài cái bông bất tử trên bàn, một con mèo, một con chó là sự có mặt của thiên nhiên hiền dịu, đưa con người trở về gần với cái nôi của mình. Theo Đoan, nó còn là một thứ giáo cụ sinh học, khám phá nó là để hiểu thêm: nó là cái cây, là con vật mà còn vậy, huống chi! Khám phá chúng để hiểu thêm con người, tự hào hơn và…có khi cũng phải xấu hổ với chúng.
Con Mực của Đoan đặc biệt nhạy cảm với sự vuốt ve. Khi tay mình chưa hạ xuống lưng nó, nó đã nhảy xăng xít lên, mông ngoáy tít, sau đó nó đặt hai chân trước lên người mình, chân sau đứng thẳng, mắt lim dim tận hưởng niềm sung sướng được âu yếm và, thế nào y cũng tè ra gạch vài giọt nước màu nước trà lợt, hơi hắc nhẹ, như của đứa trẻ còn bú. Chồng của Đoan đặc biệt căm ghét đặc điểm này của Mực. Nhìn thấy con gái nựng nịu nó, anh nghiến ngầm: "Buông ra! Nó đái vô quần áo bây giờ. Bộ xà bông rẻ lắm hả? ” Đã quen với những trận đòn của ba, con bé không buông Mực, khi khuỷu tay săn chắc với sợi tĩnh mạch vằn vèo như con rắn của anh giơ lên, nó và “bạn” nó rút cổ lại chờ đợi. Không dám xài hành động đó với Đoan, nhưng mỗi khi thấy con chó tè ra vì được chị vuốt ve, Nhiêu nhìn chị bằng nửa con mắt, miệng mím lại như ghê ghê cả chị.
Nhiêu bực là phải, bởi anh là người ký tính. Có hai việc Đoan không bao giờ phải làm: chùi xe đạp và lau nhà, chúng chiếm hết thời giờ ngoài nhiệm sở của anh đến nỗi, có hôm Đoan phải cau mày:
- Em thấy hình như anh không có bạn thân? Người đàn ông sống hết mình bao giờ cũng nhiều bạn và nhiều kẻ thù.
Anh cũng cau mày lại với chị:
- Có bạn nhiều đặng tốn kém, đặng cô cằn rằn hả?
Đoan có cằn nhằn cử nhử khi phải vã mồ hôi trong bếp cho chồng tiếp bạn hay không, điều đó, chị xin có trời làm chứng!
Một lần, chị nhắc anh tới thăm người bạn nghe đâu, mới bị cơ quan thi hành kỷ luật về vụ nhậu nhẹt gì đó.
- Lúc này, bạn bè mới cần tới mình. – Chị bảo.
Đương lau xe đạp, Nhiêu ngó ra ngoài trời chuyển mưa:
- Thôi, bữa khác! Đi mưa về mất công chùi xe!
Trong việc lau chùi này, ở anh có sự tự giác đáng cảm động và niềm say mê hơi xác thịt; khi kín đáo quan sát anh cặm cụi bên chiếc xe bóng hới, ánh mắt đắm đuối, môi hở ra, đầu gục gặc, cái giẻ lau giữa những ngón tay uyển chuyển như những con rắn đánh lên đánh xuống trên từng chiếc căm, Đoan mới dám nghĩ về chồng như vậy. Bàn tay tỉ mẩn của Nhiêu đặc biệt chu đáo với sợi xích xe. Hôm nào Đoan mặc mặc quần màu sáng đi làm thì y như là hôm đó hai người lủng củng về chuyện cái xích tẩm dầu nhớt. Lúc đó Nhiêu lớn tiếng khác thường, khuỷu tay rọ rạy. Tự ái vì vợ tỏ ra khó chịu trước sự chu đáo của mình thì ít mà anh cảm thấy chị xúc phạm cái tính kỹ lưỡng từng là niềm tự hào ồn ào của anh.
- Tui làm nô lệ cho cô mà cô còn cằn rằn hả?
Không, anh đã thành nô lệ của chính anh.
*
Có phải con người thường thiếu công bằng khi luận công và tội? Con Mực quả là người lính gác tận tụy, nó đã được gì? Được ông chủ từng lúc ban bố cho ánh mắt vừa ý chừng mực và sau đó là sự đòi hỏi nghiêm khắc hơn.
- Nhốt nó lại, đừng cho nó đi chơi! – Mệnh lệnh của anh đối với đứa con gái. Cả những lúc hài lòng con Mực nhứt anh cũng không nói với nó tiếng nào. Ai lại đi nói chuyện rù rì với chó! Có mà điên!
Nhưng mỗi khi Mực lỡ đi chơi khuya về và nôn nóng đập cửa - nó không biết dè dặt hay sợ sệt, không biết tự rút ra những bài học - Nhiêu bắt nó chờ thật lâu rồi mới uể oải chui ra khỏi mùng (anh nằm ngoài, Đoan thấy anh đi mở cửa là phải). Lần nào Mực cũng bị vài cái đá. Sau, Đoan giành việc mở cửa cho nó, mỗi khi chị trèo qua mình anh – không hiểu sao anh không co chân lên để lấy đường ra cho chị – thì anh mắng:
- Đồ rượng đực!
Chính con gái chị đã nảy ra sáng kiến tuyệt hay về lối ra của con chó, cũng là lối ra của tình thế lục đục trong gia đình.
Một hôm, nó ngồi bên cửa sổ phòng khách và đưa tay ra vẫy Mực. Thoắt một cái, “cô bạn” nó đã vô với nó qua đường song sắt. Bộ áo bằng nhung của Mực như trơn chuột giữa hai chấn song, chỉ có vồng ngực nở nang vương vướng nhưng nó đã biết thót mình lại tài tình. Từ đó, chiếc cửa sổ mở toang đêm ngày, vóc dáng Mực như thon thắt hơn nhờ thường xuyên nhảy cao và tự co thót.
Tuy vậy, Nhiêu cũng tìm thấy sơ hở của kế sách này. Anh không đồng ý khi nhà vắng người hoặc ban đêm mà cửa sổ không đóng.
- Anh coi, dân trộm cắp có thể lấy được cái gì trong nhà? - Đoan hỏi vặn.
- Lấy cái gì hả? Để rồi coi. Thế nào cũng có bữa quên mùng gối trên giường, (cạnh cửa sổ kê chiếc giường nhỏ, chỗ sau này, khi ly thân với chị, anh đã ngủ). Cái ti vi thì nó không rinh đi được, nhưng… - anh nhìn chiếc khăn ni lông hoa hoè phủ chiếc máy truyền hình – cái khăn này, nó lấy cây khều như chơi!
Đoan không cãi nữa. Chị thấy lần này anh có vẻ kiếm chuyện chớ không phải sự lo sợ mất mát có căn cứ. Hình như anh ghen với con Mực vì nó đã “cướp” đi một phần vợ của anh. Và hình như anh không hiểu nổi sao có người lại thương yêu một con chó và nuông chiều nó đến mức đó.
Cái cửa sổ bị chính Đoan tháo móc gài vẫn là đường ra vô chính thức của con Mực. Đó là sự nhân nhượng đáng kể của Nhiêu. Hay anh mặc kệ vì Đoan không cho quách nó đi như anh đề nghị, không lạnh nhạt với nó mà còn tỏ ra gắn bó hơn?
Mực đã lớn đầy đủ, như cô gái quá tuổi mười tám, sinh lực không dành cho chiều cao nữa mà để hoàn chỉnh dung nhan mình. Giá trị của Mực nằm ở bộ lông, lúc nào cũng chải chuốt như bôi dầu, khi lùa tay vô đó, Đoan có cảm giác như chị đang chạm má vào bãi cỏ mềm mại trong vườn nhà, nó khiến chị rùng mình như dòng hoài niệm trong người chạm vào kỷ niệm xanh rờn của tuổi thơ. Nó là cái gì vậy? Nó là cái gì mà có khả năng giúp con người khám phá thế giới ngoài thế giới của mình, khiến con người nhạy cảm hơn với tiếng chim ngoài cửa sổ, với tiếng xao xác mơ hồ của chiếc lá lìa cành, với sự hoàn hảo của tạo hoá đối với mỗi loài và cuối cùng, là niềm kiêu hãnh thanh cao vì mình là con người, là chúa tể của muôn loài có khả năng chinh phục nó, bảo tồn nó và ban bố cho nó tấm lòng bao dung chỉ có ở con người!
Đã đến lúc phải kiếm chồng cho con Mực để nó sinh con đẻ cái. “Nàng” có cái eo hiếm có, có lẽ nhờ phải ép mình hàng ngày cho vừa với song sắt. Không để chị phải mất công, “nàng” đã quyến rũ được một “chàng” cao hơn “nàng”, vạm vỡ, có bộ ngực của vận động viên, có bộ lông vàng sáng như trời chiều, nhìn qua cũng biết “chàng” có trái tim mãnh liệt, một thể lực cường tráng và cài mã hào hoa. “Nàng” đã chọn đúng “chàng” trong đám chó chộn rộn trước cửa nhà vào mùa yêu đương của loài chó.
Kình địch của “chàng” có tới ba tên. Một con phèn sậm, xỉn như màu lá mục, lông lá còi cọc do xà mâu, còm cõi như một cụ già không ai chăm sóc. Một con bạch tạng, lông bẩn thỉu vì sự quá trắng đó và chắc vì hắn siêng chui vào bếp núc của quán xá hay nồi niêu của hàng quán ngoài chợ, bộ vó lại lừ khừ như mới hết bệnh. Một con đốm khá “tây”, đuôi cong, lông xoè kiêu ngạo, nhất định đây là thứ con lai, nhưng nó kém con Vàng của Mực sự cường tráng lẫn sự sinh động. Chúng không biết tự trọng và tự ái nên dù Mực đã từ chối khéo bằng cách lưởn thưởn tránh xa, chúng vẫn sáp lại “nàng” một lượt và hốt đại “nàng” chắc là do cái eo gợi cảm và bộ lông tuyệt đẹp của nàng có sức hấp dẫn mãnh liệt. Mực khéo léo trườn khỏi những cái ôm thô bạo của chúng, thế là chúng hốt nhầm nhau, bắt đầu cắn xé, la lối dậy làng. Cắn nhau chán rồi chúng quay qua tấn công Mực, lần này quyết tâm hơn, Mực phải tách khỏi người yêu và ngồi xuống để bảo vệ tiết hạnh. Bây giờ, “chàng” mới xông ra đánh đuổi bọn ruồi nhặng kia để bảo vệ “nàng”và sự yên ổn của “tuần trăng mật” của mình.
Con Mực có tình yêu và nó biết chọn đối tượng để yêu.
*
Một buổi trưa, Đoan nằm ở giường trong.
Mọi hôm, sau bữa cơm trễ nải như bao gia đình cả vợ chồng phải đi làm, chị thương chợp mắt thiu thiu, thói quen mà chồng chị không lên án, chỉ đặt cho nó cái tên thô thiển: bịnh nọc cơm. Nhưng, trưa đó chị không ngủ. “Cái chết lần lượt và tự nguyện của những người thân của một chú bé trên con thuyền độc mộc giữa biển sương mù, những cái chết phải tới để dành sự sống cho chú bé”, khiến Đoan bùi ngùi với trang sách. Nó dữ dội và bất ngờ như tiếng sấm giữa trưa hè, sau đó là mưa, mưa thấm thía, dào dạt, tâm hồn tràn trề sự mát lành, bình yên. Đoan khóc nức nở như đứa trẻ nhưng tâm hồn vừa được tắm táp, thanh khiết và sục sôi những khát vọng lành mạnh. May mắn thay cho nhân loại có những nhà văn cỡ tác giả của những trang sách này để hướng con người vào giá trị vĩnh cửu của những hành động cao thượng.
- Đoan ơi! Đoan! Ra anh chỉ cái này – Tiếng Nhiêu khẽ nhưng thôi thúc.
Chị nằm ráng, lơ mơ nghe tiếng chó sủa nhặng sị ngoài sân. Chắc bọn “ruồi nhặng” lại bu vào con Mực và “chàng” Vàng ra sức đánh đuổi chúng. Nhà cửa tịnh không, con gái còn ở đằng lớp mẫu giáo, hàng xóm có vẻ yên ắng, có gì mà Nhiêu gọi thúc bách vậy? Đoan ngồi dậy lấy tay chùi nước mắt và ra với chồng. Trước mắt chị là cảnh hứng tình của bọn chó ghẻ trước tình yêu của con Mực và con Vàng, như chị từng nhìn thấy.
- Gì vậy? – Chị hỏi thờ ơ.
Mặt Nhiêu sường sượng, hất hàm cho chị thấy cảnh trước sân rồi đóng cửa lại ngay. Chị cảm thấy rất rõ một cái gì đó mà mình phải chịu đựng. Nó không có không khí trước, y như những lần anh say ngất ngưởng ở đâu đó rồi chui vào với chị, nhưng lần này có vẻ tệ hơn, chị trân trối nhìn đôi mắt anh hung hăng dài dại, môi miệng xám xanh, tóc tai xõa xượi, như anh đang sống cho mỗi mình anh với cái gì đó cuồng loạn đang trào trạt trong anh. Chị không chỉ thấy "bị dùng” mà còn thấy bị làm nhục, bởi vì trong chị đang tràn đầy cảm giác thánh thiện tuyệt vời do những trang sách tuyệt vời đưa lại, và nước mắt còn chưa khô trên mặt. Chị còn cảm thấy bị xúc phạm thê thảm vì hành động của chồng không xuất phát từ nhu cầu của hai người mà từ sự khêu gợi súc vật. Nhưng chị vẫn chịu đựng, như nhiều lúc chị vẫn chịu đựng, vì anh. Chóng vánh sau, Nhiêu ngã ngất ra, còn Đoan thì nằm không cục cựa, bất lực vì cảm giác bị xúc phạm mỗi lúc một tăng lên.
*
Vậy đó! Toàn là chuyện của cảm giác. Làm sao chị kể ra được với tòa?
Rồi sao nữa? Chỉ có vậy mà chị ly thân với chồng ư? Chưa đâu, chị vẫn tiếp tục sống cái trớn của cuộc sống, cái quán tính của cuộc sống. Mặc dù sau đó, rất nhiều lần sau đó, chị thường có cảm giác không trọn vẹn. Chị còn yêu anh không? Chắc là còn. Trước đó, hồi mới cưới nhau, chị đã yêu anh, tình yêu rạo rực của lứa tuổi thấy cái gì cũng đẹp, lứa tuổi dễ vừa ý với mình và với chung quanh. Anh và chị đều mê mẩn khám phá nhau. Vài năm sau, chị có thất vọng đôi chút nhưng vẫn yêu anh, tình yêu tự nhiên của người phụ nữ đối với người đàn ông làm chủ thân thể mình, tình yêu bổn phận đối với người tạo ra đứa con mình, tình yêu ấm áp và bao dung đối với những cái tốt và cái xấu mơ hồ trong anh. Và yêu những kỷ niệm.
Cho đến khi con Mực đẻ…
Nó sinh được ba con, một giống rặt mẹ, hai giống rặt cha, không hề có chuyện lai vàng và mực, lạ thiệt. Cũng như mẹ nó hồi nào, chúng nó đã có “hộ khẩu” từ khi chưa ra đời. Trong niềm vui của Đoan về con Mực, ừ, thì cứ cho là nhỏ mọn đi, còn có ý nghĩa góp phần tái tạo thiên nhiên hiền dịu đưa vào cho những gia đình cần sửa chữa sự ô trọc.
Buổi tối, con gái chị đã đớt những con cún nhăn nheo lổn nhổn trên cái bao bố cũ trải dưới gầm giường trong bếp, còn chị lui cui làm cơm, lắng nghe ngôn ngữ không ranh giới giữa người và vật mà con bé dành cho lũ cún. Nhìn ra cửa trước chị thấy Mực đang đưa ba của lũ con nó vô nhà, chắc là để khoe. “Nàng” đi trước, hàng vú căng là đà làm cho dáng đi ngúc ngắc tất bật như người đàn bà đông con. “Chàng” đi sau, vạm vỡ, rắn chắc, đĩnh đạc, đúng là một ông ba muộn màng. Vô quá cửa một chút, con Vàng đứng lại ngần ngừ, thận trọng đảo mắt đánh hơi xem tình ý chủ nhà. Mực dừng lại chờ nhưng thấy Vàng vẫn đứng yên, nó quay lại nói ư ử với chồng rồi cả hai, kẻ trước người sau đi vô bếp. Vừa tới cửa giữa, chúng bị Nhiêu phát hiện. Lúc đầu, anh bận dò xổ số kiến thiết trên Đài truyền hình nên chúng đã lọt vô nhà yên ổn. Đứng chờ xem trót cảnh Mực đưa chồng vô thăm con nên Đoan không kịp can Nhiêu khi anh rút cây gài cửa phện tới tấp vô chân con Vàng và giữa cột sống con Mực.
- Mẹ, dơ hết nhà rồi, đồ khỉ gió! Trời mưa mà mầy… Anh khèo cái bao trải ở thềm nhà chùi lia lịa những dấu chân chó.
Đoan chỉ kịp thấy con Vàng xụi một chân nhảy cà xích ra cửa và con Mực quỵ xuống, cột sống cong như cái đòn gánh, miệng la thất thanh rồi gượng dậy lết theo chồng. Khi Đoan nhắc chảo cá chiên trên bếp xuống để lao theo chúng thì chúng đã biến mất vào bóng đêm ẩm ướt.
Mực không về.
Đoan để cửa suốt đêm mà nó không về.
Chiều hôm sau, chị xin phép cơ quan nghỉ một buổi để đi kiếm nó. Nhưng nó có phải là đứa trẻ đâu. Nó có thể rúc vô góc vườn của ai đó với sự an ủi của con Vàng và chúng nó tự kiếm ăn. Nếu nó vẫn đi được mà không thèm về thì nó sẽ nhập vô đám chó hoang ngoài chợ, sống trơ ra bất cần như kẻ bụi đời. Cũng không thể rao tìm nó trên Đài truyền thanh được.
Hôm sau nữa, Đoan phải đi công tác. Ở một nơi cách xa trung tâm thành phố ba chục cây số, người ta báo là còn giữ cái nắp hầm bí mật từng che giấu một cán bộ cốt cán hiện là quan đầu tỉnh và cơ quan cử chị đi xin về cho Nhà bảo tàng, nơi chị làm việc.
- Ở nhà, anh có đi kiếm nó không? – Chị hỏi chồng, không hy vọng gì nhưng vẫn hỏi, vì ấm ức mà hỏi.
Nhiêu trợn trạo với chị:
- Bộ điên sao đi kiếm nó?
Ba con cún quá non ngày tháng, coi bộ cầm cự không nổi với thứ nước cơm đường của Đoan. Chúng kêu khóc ằng ặc suốt đêm đến nỗi Đoan nghe bà hàng xóm ngủ trên gác chặc lưỡi bất bình. Nhiêu cũng trở mình liên tục trong mùng, hai tay ôm đầu, lầm bầm rủa xả.
Đến ngày thứ năm, một con Mực con đã biết thinh thích khi liếm nước đường, còn hai con kia vẫn tuyệt thực, khóc ằng ặc suốt, da dẻ càng nhăn nhúm thảm hại.
Cũng chiều đó, Đoan vừa bước vô nhà, đứa con gái được ba đón về trước lập bập mách:
- Ba liệng chó xuống sông hết rồi, má!
- Sao mà liệng? Liệng hết hả? Trời ơi, có một con biết ăn rồi! – Chị nắm cánh tay con mà lắc.
Dòm bộ mặt đắc thắng của chồng, chị không thể nói gì được nữa. Đoan bỏ đi, chị nhìn xuống con sông trước cửa nhà và như thấy ba con cún giãy giụa ngoi ngóp trước khi chìm nghỉm. Ánh điện trên bờ hắt xuống nước thành một dải lụa trắng dật dờ như nó cũng biết để tang.
Nhưng Đoan không bỏ đi như con Mực. Chị còn có một con người để trông nom.
Đêm đó, lần đầu tiên chị đề nghị thẳng thừng với chồng là chị muốn ngủ riêng.
*
Đến ngày thứ bảy, tức hai ngày sau cái chết của những con cún, Mực trở về, bầu vú căng cứng đánh qua đánh lại theo bước đi khó nhọc. Lử khử bước vô nhà, lạnh lùng và cảnh giác với cả Đoan, nó đi thẳng vô chỗ cái bao bố trống trải dưới gầm giường trong nhà bếp. Không thấy con, nó ngước đôi mắt đau đớn nhìn Đoan, rồi bằng vẻ cam chịu của kẻ nô lệ mất con, nó lừ khừ sục mõm vô từng xó xỉnh trong nhà. Tuyệt vọng, nó trở lại bên Đoan, phủ phục dưới chân chị. Khi Đoan vuốt lưng nó, lông nó dựng lên như nó đang rùng mình, nằm vật ra vì bầu vú làm cho nó đau.
Đêm đó, cũng là lần đầu tiên Mực rời khỏi vị trí của nó ở cạnh cửa trước, bên chân giường giờ ông chủ nó đang ngủ. Nó nằm dưới chân giường của Đoan. Tội nghiệp, chị giở mùng đưa nó lên, vuốt ve và an ủi nó, nó nằm yên, bầu vú cất sang một bên, dáng nằm thiêm thiếp của bà mẹ đau khổ. Chỉ một lát nó vùng dậy, lấy mõm hất mí mùng, ý bảo chị cho nó ra thôi, nó trở về với mặt đất hiền lành bình yên của nó. Từ đó, đêm nào nó cũng phủ phục gác dưới chân giường của hai mẹ con chị.
Cũng từ đó, Nhiêu lật mình cọt kẹt suốt đêm trên cái giường nhỏ của anh ở phòng ngoài. Đoan chưa cảm thấy thù ghét chồng, nhưng lòng chị dửng dưng với anh. Chị cảm thấy sự suy kiệt từ từ, cảm giác trống rỗng như đang bị rút máu. Trong chị cũng không có nhu cầu nhục dục vì cảm giác không trọn vẹn trước đây trở thành cảm giác ghê tởm, ghê tởm chính chị chứ không phải anh. Khi nghĩ tới những kỷ niệm yêu đương, chị thấy nặng nề như khi người ta nghĩ về chuyện lỡ lầm. Vì bị ẩn ức, mỗi ngày Nhiêu mỗi hằn học với chị hơn. Thỉnh thoảng, có đêm anh cần chị, nhưng khi anh bước vô, con Mực hực lên một tiếng khiến Đoan tỉnh ngay.
- Anh ra đi! Tui không thích nữa!
Chị nói phũ phàng, cảm giác sắp “bị dùng” xâm chiếm chị tức khắc. Đó không phải là sự tự ái vì không được vuốt ve xin lỗi mà là sự nhận thức một bản chất, chị không còn chịu đựng nó được nữa.
Anh trở về giường, cười gằn một tiếng vừa ngượng nghịu vừa đe doạ.
Con Mực trở thành kẻ thù chính thức của anh từ những đêm đó. Nó không biết thù những ông chủ đánh nó tàn tệ và thù nó, nhưng nó đủ nhạy cảm để biết giữa ông bà chủ có cái gì đó không bình thường và tình cảm mách bảo nó phải đứng về phía ai.
Nó xa lánh nhưng vẫn nghe ngóng chờ đợi ở ông chủ. Có lần, Đoan bắt gặp chồng đang vẫy con Mực tới bên giường anh đang ngồi. Nó phóng tới anh lập tức, mông ngoáy tít, mừng hơn khi chị vẫy nó. Anh đá nó một phát:
- Tưởng thiệt hả con?
Con Mực xấu hổ đi bét bét vô trong nằm lặng lẽ. Sau đó nó có vẻ cảnh giác Nhiêu hơn.
Không hiểu sao, nó đã ném mình xăng xít dưới chân anh khi Đoan cho nó vô phòng xử án. Có lẽ vì lâu lắm nó mới thấy ông bà chủ ngồi bên nhau, duy nó không biết đó là chỗ ngồi qui định của tòa.
*
Vậy đó, toàn là chuyện của cảm giác và chi tiết đối với tòa là vặt vãnh, Đoan không có cách nào khác là đành giữ nó lại để chỉ đau một mình.
Bà chánh án thất vọng, lắc đầu sau khi phán rằng: anh chị cần làm lành với nhau, sống là phải chịu đựng nhau thôi. Đoan cũng cảm thấy tòa không thể xử khác được.
Khi chị dắt xe ra về, con Mực bỗng dưng rời chị để chạy theo Nhiêu đang xăm xăm đi hướng khác. Nó nhảy xăng xít trước đầu xe anh, liền bị anh đá cho một cú lăn như một trái banh.
- Ui da, sao đá nó đau vậy? – Bà chánh án xuýt xoa sau lưng Đoan.
Mực quay lại với chị, xẻn lẻn vì bị chủ trừng trị ngoài đường, lon ton chạy theo chị, không lần nào dám vượt lên trước.
Vài ngày sau, một cái đi văng hai đáy từng đựng tài liệu mật do một gia đình cơ sở giữ ở ngoại thành đã gọi chị. Đoan đi điều nó về cho Nhà bảo tàng.
Khi chị về đến nhà, con gái chị lại lập cập mách:
- Ba rủ mấy chú ở chỗ ba tới làm thịt con Mực rồi. Ba đập đầu nó bằng búa. Con thấy nó ngó ba y như lúc má giơ roi đánh con. Rồi con không dám dòm, con trốn dưới gậm giường mình ngủ. Con nghe tiếng chú Hành hỏi ba: Vú chó ăn ngon như vú heo nái hôn?
Đoan ngồi phịch xuống ghế. Những cây nạng cắm tréo lại để thui chó thấp thoáng trước mắt chị, nám đen nham nhở như những cái chân chó bị cháy. Chị không nói với con là Mực đang có chửa, chị biết chắc vậy. Chị chỉ hỏi:
- Rồi con có ăn thịt Mực không?
Nó không trả lời và oà khóc.
Cần Thơ ngày 2 - 5-1985
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét