Những con số gây lo ngại, thách thức phía trước !
Theo: Kim Dung / Kỳ Duyên Tác giả: Đào Dục Tú
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh quen thuộc với giới truyền thông cho hay quốc khố nước nhà 72 % thuộc diện chi thường xuyên. Còn lại 28 %, dành để trả nợ 25 %; chỉ sót 3 % đổ vào đầu tư phát triển , nghĩa là,CNH,HDH !
Không hiểu trong vòng năm năm nữa, viễn ảnh CNH,HDH ở Việt Nam sẽ ra sao trong khi kiến trúc chủ lực cho nền tảng này, công lực chủ yếu đẩy cỗ xe kinh tế cắn đích này, là các quả đấm thép mấy chục năm nay làm chủ ngân sách quốc gia, nắm giữ hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước ,vẫn tiếp tục làm ăn bết bát thất thoát thua lỗ là chính. Và vẫn đang loay hoay tái cơ cấu, chưa đâu vào đâu.
Hội trường QH mới đây ắng lặng nghe nói đến mấy chục phút khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh tường giải tiềm năng đất nước không phải là tài nguyên thiên nhiên mà là con người, là thể chế. Giới hạn tiềm năng chính là giới hạn trí tuệ con người. Ông cũng cho hay hiện thời nếu tăng trưởng hàng năm có đạt con số “gần như không tưởng” là 8-9% thì 40 năm nữa ,chúng ta mới theo kịp Hàn Quốc bây giờ.
Sự đối sánh này, con số bốn mươi này khiến người viết liên tưởng ngay đến một vị dân cử mới đây buồn bã nói rằng 40 năm trước ,trình độ chậm phát triển của nước ta ngang bằng Hàn Quốc. Bốn mươi năm sau, có bốn mươi ngàn người Hàn Quốc sang lập nghiệp sinh sống ở Việt Nam với tư cách là những ông chủ doanh nghiệp ,những nhà doanh nhân ,thương nhân, nhà khoa học quản lý kinh tế, nhà sáng chế kỹ thuật giỏi.
Việt Nam cũng có bốn mươi ngàn người sang Hàn Quốc định cư sinh sống. Nhưng chỉ có điều khác biệt, họ là thợ làm thuê, bán mồ hôi kiếm sống; các cô dâu đi lấy chồng những mong đổi đời hoặc làm ô-sin ,người ở, hầu hạ người nơi đất khách quê người. Bốn con số 40 hàm chứa biết bao điều, người “mẫn cảm lịch sử” dân Việt thấy buồn day dứt. Nào phải chuyện trời ơi đất hỡi đâu đâu !Nghệ An,Hà Tĩnh,Hải Dương,Hưng Yên,Thái Bình. . . “thúng thóc nhỏ” phía bắc chậy tuốt vào Kiên Giang, Long An, Vĩnh Long. . . “thúng thóc lớn” phía Nam, hỏi có mấy làng quê không có người đi bán sức lao động cho thiên hạ bốn biển năm châu Á Phi Âu Mỹ ?
Điều đáng nói nhất là trong tình trạng nền kinh tế đất nước đang đứng trước quá nhiều thách thức nguy hiểm thì những huyệt đạo hiểm yếu nhất lại chưa có phương châm cứu nào hiệu nghiệm tác động. Ví như vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chẳng hạn. Ai cũng biết nếu giàn cán bộ cũ đã bao nhiều năm đẩy con tầu công nghệp đến chỗ mắc cạn mà còn nguyên trạng hoặc chỉ được điều chỉnh nhân sự không đáng kể ,thì hỏi đâu là đội ngũ tiên phong thiết kế và thi công đóng con tầu mới đủ sức vũng vẫy đại dương nay mai ?
Việc hỏng là do người . Người đã kém làm sao sáng tạo việc mới để có thành quả mới. Tái cơ cấu không vì mục tiêu đẩy nền kinh tế, không xuất phát từ thực tiễn khách quan ,không khoa học , không xếp người vì việc mà chỉ lo chăm chăm bầy việc vì người , không khéo lại sinh ra đủ kiểu “vi na sin” “vi la lai” biến dạng chưa biết chừng.
Chưa bao giờ thấy lời cụ Hồ kinh điển đến thế, cán bộ là gốc ,việc thành bại của cách mạng chủ yếu là ở khâu cán bộ. Thời quá vãng đã yếu kém vì cán bộ không đủ tâm đủ tài, đặc biệt trên bình diện kinh tế, khoa học công nghệ nền tảng quốc gia. Trước mắt sắp vươn tởi đỉnh CHH,HDH như hoạch định long trọng trên văn kiện chính trị vào 2020, ai không mong mỏi có đội ngũ cán bộ mới đủ tâm vì nước vi dân, đủ tài kinh bang tế thế thời . . . hậu công nghiệp, hội nhập toàn cầu !
Cũng không thể đặng đừng không nói thêm vài dòng một chuyện . Ấy là nợ công nợ xấu tầy đình;riêng nợ xấu khó đòi đã lên tới con số 160 ngàn tỷ đồng ; ấy là không bói đâu ra đống tiền khổng lồ bốn chục ngàn tỷ để cải cách tiền lương, cố gắng nhỏ nhoi bù lỗ đắt đỏ cho người lao động lương thiện.
Thế nhưng thách đố cơ quan nào làm được cái việc rất cần thiết nhưng nghe chừng bất khả thi là thống kê cho được khắp cả nước có biết bao nhiêu là công trình xây dựng thất thoát, lãng phí, hoang phí tiền tỷ tiền tấn vô độ đến . . . siêu phi lý, không ai có thể chấp nhận được..
Ví như Làng Văn hóa các dân tộc ở Đồng Mô Sơn Tây “xơi tái” 3200 tỷ chưa khai thác được bao nhiêu đã rơi vào hoang phế, đồ bỏ ; ví như ký túc xá sinh viên ở Nha Trang, ở Đà Lạt hàng trăm tỷ đứng chơ vơ chờ người đến thuê, ví như ụ tầu hàng triệu đô- la mua về thả chơi dập dềnh ngoài cảng biển, cho hà hầu có chỗ đeo bám ; ví như nhà hát hình ba nón ở Bạc Liêu tây nam bộ xài “tiền tấn” 240 tỷ chỉ để tổ chức Hội thi đàn ca tài tử là chính;sau đó gần như bỏ không vì không gian đờn ca tài tử là đất trời sông nước xóm làng, là khu dân cư, đâu phải ở chỗ hoành tráng đó. . . .
Và hàng trăm hàng ngàn công trình lớn nhỏ khác đã và đang xuống cấp, nằm ngồi trơ gan thi gan cùng tuế nguyệt !
Hầu như ngày nào cũng đụng đầu với những con số những thông tin kinh tế xã hội chẳng những không vui thì chớ ,lại vô cùng đáng lo ngại cho con cháu mai sau. Khu công nghiệp luyện cán thép Fomosa Vũng Áng-Hà Tĩnh do Trung Quốc đầu tư lớn,dự án 15 tỷ đô la trên một diện tích 3300 héc ta trong đó hơn một ngàn héc ta mặt nước biển gây lo ngại trước hêt cho các bậc thức giả , các chuyên gia tâm huyết với quốc gia hưng vong, với an nguy địa- quân sự nước nhà .
Như ông Bùi Kiến Thành đã nói rõ : ” Hà Tĩnh đối diện gần với Hải Nam. Nếu ngày nào Trung Quốc xây dựng cảng Vũng Áng mà Hải Nam chĩa ngay qua Vũng Áng thì có thể nói vịnh Bắc Bộ biến thành một cái ao hồ của Trung Quốc”. Dư luận chưa hết lời cảnh tỉnh cho Hà Tĩnh thì đã lại phải vội vàng lên tiếng cáo giác tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc cấp phép cho công ty Thế Diệu của Trung Quốc xây dựng khu nghỉ dưỡng hoành tráng rộng 200 héc- ta tại chỗ đắc địa nhât ,án ngữ trên đèo Hải Vân, yết hầu nước Việt.
Nói như tướng Nguyễn Trọng Vĩnh lão thành cách mạng ” những chỗ tốt đẹp có vị trí chiến lược lại cứ bán,cứ để cho Trung Quốc làm dự án trong khi mình có thể làm được” chẳng qua vì “không suy nghĩ” ” chỉ biết có tiền”. Bán tống bán tháo đất rừng địa đầu biên giới phía bắc tổng diện tích rộng bằng tỉnh Thái Nguyên, bán cả những vị trí chiến lược hiểm yếu cho một “đại quốc” đang biến biển đông thành ao nhà của họ, ai biết hết những hiểm nguy nào đang tiềm ẩn, rình rập phía trước đất nước này .
Bao giờ thì nước Việt mới thoát được tình thế chông chênh bởi áp lực bành trướng bên ngoài ?. Bao giờ dải đất hình chữ S này trên bờ sóng Thái Bình Dương mới thật sự vững vàng cường thịnh, sánh ngang với các cường quốc năm châu như người khai sinh chính thể dân chủ cộng hòa gần bẩy mươi năm trước hằng mơ ước ?. Bao giờ người Việt mới có thể ngẩng cao đầu kiêu hãnh, tự tin, tự hào giữa cộng đồng nhân loại văn minh và phát triển ?.
Những câu hỏi thật khó trả lời này nào có dành cho riêng ai còn thấy mình là người Việt trong tâm thức, tâm cảm, dù họ là ai ,ở trong hay ở những chân mây cuối trời khác nhau trên gần như khắp các châu lục . / .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét