Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc vừa ấn hành cuốn Thượng thư Binh bộ Đặng Trần Thường của một nhóm gồm 6 tác giả họ Đặng do Đặng Văn Lộc là chủ biên. Cuốn sách cho biết Đặng Trần Thường là một danh tướng tài kiêm văn võ, cụ theo Nguyễn Phúc Ánh dưới ngọn cờ “Diệt Tây phù Lê”, do lập nhiều công lớn nên cụ được phong tới Thượng thư bộ Binh. Cuối cùng vua Gia Long vin cớ cụ ẩn lậu thuế nên giết cụ. Sau khi cụ mất, câu chuyện cụ đánh Ngô Thời Nhiệm được dựng lên để bôi nhọ cụ.
Gần 20 năm qua, người họ Đặng Lương Xá bảo nhau sưu tầm tài liệu để làm rõ về cụ, đã có vài bài báo và cuốn sách viết về cụ, nay Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành sách Thượng thư Binh bộ Đặng Trần Thườngcủa nhóm tác giả Đặng Văn Lộc.
Trong bài này người viết nói rõ hơn về hai nghi án: Cụ đánh Ngô Thời Nhiệm do tư thù và cụ bị vua Gia Long giết.
Đặng Trần Thường sinh năm 1759, tại xã Đại An Tràng (nay là thôn Đại Ơn, xã Ngọc Hồi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Cụ là con cháu một dòng họ đại công thần triều Lê Trịnh, tám đời tiên tổ của cụ đều là tướng võ nên cụ ham thích võ nghệ và được rèn luyện từ nhỏ; mẹ cụ là con gái một vị tiến sĩ nên giỏi thi thư và thông hiểu kinh sử, muốn cụ học hành theo nghiệp văn chương.
Năm 16 tuổi, cụ thi Hương đỗ tam trường, chuẩn bị vào kỳ tứ trường thì phải về chịu tang cha và sau đó hai năm lại chịu tang mẹ. Do chịu liền hai tang, cảnh nhà bấn bách nên cụ bỏ học đi làm thầy đồ.
Năm 1782, cụ 24 tuổi. Lên Thăng Long học, gặp lúc Trịnh Khải dựa vào quân Tam Phủ, phế bỏ Trịnh Cán, tự lập làm Chúa, sau đó truy quét các quan họ Đặng và họ Hoàng. Cụ bỏ học đi giao du miền An Quảng và Thái Nguyên.
Năm 1786, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đem quân Tây Sơn ra lật đổ Trịnh, trả lại quyền chính cho vua Lê rồi rút về Nam. Con cháu họ Trịnh là Trịnh Bồng vào Thăng Long đòi Vua Lê trả lại các quyền cũ của họ Trịnh. Vua Lê mật gọi tướng Tây Sơn trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Hữu Chỉnh ra đuổi Trịnh Bồng. Trịnh Bồng chạy về Đồ Sơn, hai lần gọi nhưng cụ không ra. Cụ nghĩ tổ tiên cụ chịu nhiều ân điển của chúa Trịnh nhưng với nhà Lê lại là “nghĩa lớn vua tôi”.
Năm 1789, vua Quang Trung đại phá quân Thanh, lập ra triều Tây Sơn, cụ Đặng cho Tây Sơn là ngụy triều, nhiều lần mộ quân chống lại nhưng đều thất bại. Nghe tin con cháu chúa Nguyễn là Phúc Ánh “diệt Tây phù Lê”, cụ vào Gia Định theo Phúc Ánh với mong muốn khôi phục cơ nghiệp nhà Lê. Do nắm vững tình hình Bắc Hà, lại có tài ứng đối nên cụ được Phúc Ánh thu nạp, do cụ lập nhiều công lớn nên được Phúc Ánh tin dùng và phong tới Thượng thư bộ Binh.
Năm 1810, cụ bị hạ ngục do liên quan đến việc phong phúc thần cho Hoàng Ngũ Phúc và Đặng Đình Tướng là hai tướng triều Lê Trịnh cũng là kẻ thù của Chính Nguyễn, sau cụ được tha, đến năm 1816 bị tội chết do ẩn lậu thuế.
Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm không có tư thù
Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai. Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.
Một số tác giả cho rằng hai vế đối trên là sự đối đáp giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm trong lần cụ Ngô bị đánh tại Văn Miếu theo lệnh của Gia Long. Các tác giả này cho rằng cụ Đặng có tư thù với cụ Ngô từ trước nên bắt cụ Ngô ra Văn Miếu, sai lính thẳng tay đánh cụ Ngô. Qua câu chuyện này các tác giả cho cụ Đặng là người xấu, có tác giả gọi cụ là kẻ tiểu nhân. Báo Thanh niên số 51 ra ngày 16/12/1993 có bài viết Thế thời phải thế của BKTS, đây là lời BKTS đáp lại câu hỏi một nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế về hai cụ Ngô và cụ Đặng.
BKTS viết đại ý: Ngô Thời Nhiệm (1745 - 1803) và Đặng Trần Thường (1759 - 1816) là hai bạn học từ nhỏ, cùng quê… Nhiệm đỗ tiến sĩ và Thường đỗ cử nhân… Khi Nhiệm phò Tây Sơn, Thường đến xin làm chân nho sĩ… Nhiệm khinh tư cách Thường kém cỏi, Thường tức giận bỏ vào Gia Định theo phò Nguyễn Ánh. Khi triều Tây Sơn sụp đổ, Thường cùng Nguyễn Văn Thành trấn thủ Hà Nội. Thường nhớ chuyện xưa, bắt Nhiệm ra trước Văn Miếu, sai đánh bằng roi tẩm thuốc độc cho Nhiệm chết dần.
Khi giải Nhiệm đến, Thường dương dương tự đắc ra một vế đối: “Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai”, Nhiệm đáp ngay: “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”… Và trước khi chết, Nhiệm làm bốn câu thơ gửi Thường.
|
Bìa cuốn sách Thượng thư Binh bộ Đặng Trần Thường. |
Câu chuyện nghe hay hay, hai vế đối và bốn câu thơ cũng hay hay nên người nghe dễ tin và thích truyền tụng. Tôi nghe câu chuyện này từ khi còn là học sinh trung học, cũng như các bạn cùng lớp, tôi tin là có thật cho đến khi tiếp xúc với các bộ phả của dòng họ. Tôi thấy cụ Đặng là một danh tướng tài kiêm văn võ, cụ tận trung với nhà Lê và nhân hậu với mọi người. Tôi thấy BKTS nghe sao chép vậy, không chịu suy nghĩ nên không thấy những mâu thuẫn nghiêm trọng:
- Cụ Ngô sinh năm 1745, cụ Đặng sinh năm 1759; hai cụ hơn kém nhau 14 tuổi nên không thể là bạn học từ nhỏ.
- Khoa bảng triều Lê Trịnh không có học vị cử nhân.
- Học vị cử nhân đến triều Nguyễn mới có. Đỗ cử nhân đã được gọi ra làm quan sao phải xin làm chân nho sĩ.
- Cụ Ngô bị đòn thù bằng roi tẩm thuốc độc, tất sẽ đau đớn đến chết. Sao còn đủ minh mẫn làm bài thơ sắc sảo như vậy.
Căn cứ vào tiểu sử cụ Ngô trong Cuộc đời và sự nghiệp của Ngô Thời Nhiệm và tiểu sử cụ Đặng trongĐặng gia Phả ký, tôi khẳng định không có sự việc trên vì:
(1) Ngô Thời Nhiệm và Đặng Trần Thường không phải bạn học cũ, không cùng quê.
- Cụ Ngô sinh năm 1745, cụ Đặng sinh năm 1759. Hai cụ hơn kém nhau 14 tuổi nên không thể là bạn học cũ.
- Cụ Ngô quê xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín. Cụ Đặng quê xã Đại An Tràng, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiện. Hai xã là quê hai cụ thuộc huyện phủ khác nhau và cách nhau trên 20km nên hai cụ không thể cùng quê.
(2) Trước năm 1802, Ngô Thời Nhiệm và Đặng Trần Thường không hề gặp nhau.
- Năm 1775, cụ Ngô đỗ tiến sĩ ra làm quan, cụ Đặng ở quê chịu tang và dạy học.
- Năm 1782, cụ Đặng lên Thăng Long sau đó đi giao du ở An Quảng và Thái Nguyên, cụ Ngô làm Đốc đồng ở Kinh Bắc, sau về quê chịu tang cha.
- Năm 1788, cụ Ngô theo Tây Sơn ở Thăng Long, cụ Đặng chống Tây Sơn ở Hải Dương.
- Năm 1789, cụ Ngô theo Tây Sơn ở Phú Xuân, cụ Đặng chống Tây Sơn ở Sơn Tây, Tuyên Quang và lẩn trốn ở Hưng Yên. Năm 1793, cụ Đặng vào Gia Định theo Phúc Ánh.
Lần đầu tiên và duy nhất cụ Ngô và cụ Đặng gặp nhau là lần cụ Ngô bị đánh ở Văn Miếu. Ngô Thời Nhiệm và Đặng Trần Thường không phải bạn học cũ, không cùng quê, không hề gặp nhau nên không thể có tư thù, do đó câu chuyện cụ Đặng sai đánh cụ Ngô, hai vế đối và bài thơ đều do người đời sau dựng nên.
Cái chết của Đặng Trần Thường
Chính sử triều Nguyễn chép cụ Đặng bị vua Gia Long xử tội chết do ẩn lậu thuế.
Phả họ Đặng Lương Xá chép rõ hơn: “… Năm ấy (1810), ông bị trách biếm về việc truy phong cho Quốc Lão tiên công, đến khi xét lại lỗi, về mùa thu ông lại được sửa giữ chức cũ”. Đến năm Nhâm Thân (1812), ông bị mắc vào vụ Ao Kinh - Bến Hội, đó là hai thôn dân bỏ đi hết. Năm ấy ông vâng mệnh về kinh, thổ quan không nộp đủ tô thuế cho nhà nước. Triều đình hặc ông vì tội ẩn lậu đinh điền… ông bị tội mà chết. Chúng tôi đã tìm về địa danh Ao Kinh, đó là thôn Ao Kềnh (nay thuộc xã Thuận Hòa, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), thôn hiện nay có trên 100 hộ dân, các cụ cho biết đầu thế kỷ XX cả thôn có 24 hộ dân, như vậy đầu thế kỷ XIX số hộ dân còn ít hơn nhiều, không lẽ vì thiếu thuế của một thôn chưa đến 20 hộ dân mà giết một đại thần.
Người trong họ truyền tụng: Trong 1 lần truy đuổi tàn quân Tây Sơn đến đây, cụ thấy đất rộng người thưa và phong cảnh đẹp, cụ cho gọi dân cũ trở lại và đưa dân từ nơi khác đến, cụ miễn thuế 5 năm đối với ruộng khai hoang và 3 năm đối với ruộng khai hóa cho dân làng. Sau khi cụ về kinh, mấy năm sau thổ quan vẫn chưa lập sổ thu thuế. Tổng Trấn Bắc Thành lúc đó là Lê Chất phát hiện liền tâu về kinh.
Năm 2011, ông Đặng Văn Lộc đã tìm thấy hai bản sắc của vua Tự Đức và vua Khải Định giải oan, phục chức và định lệ thờ cúng cụ. Vua Tự Đức nói với quần thần: “Xét Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường thì công rất lớn, sở dĩ có tội là do ít học, không biết lễ phép mà thôi”.
Phả họ Đặng Lương Xá cũng chép: “Ông là người tính tình thẳng thắn, có điều gì không vừa ý đều nói thẳng nên bị nhiều người ghét”.
Theo tác giả bài viết, cụ Đặng bị vua Gia Long giết không phải do tội ẩn lậu thuế, cũng không do tính cách mà do bị vua Gia Long nghi ngờ về lòng trung thành của cụ. Đúng như vua Tự Đức nói với quần thần, các cụ Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường đều có công lớn có thể xếp vào hàng “Khai quốc công thần bậc nhất”, cả 3 cụ đều bị vua Gia Long giết bởi nghi ngờ lòng trung thành, con trai cụ Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành là Lê Văn Khôi và Nguyễn Văn Thuyên có việc làm khiến vua Gia Long nghi ngờ. Còn cụ Đặng là con cháu một dòng họ đã 8 đời là đại công thần triều Lê Trịnh, tuy chưa một ngày làm quan nhưng cụ tận trung với nhà Lê, cụ theo Phúc Ánh với mong muốn khôi phục cơ nghiệp nhà Lê. Khi Gia Long lên ngôi, cụ Đặng thất vọng, lời nói và tác phẩm của cụ khiến Gia Long phải cảnh giác, đã vịn cớ ẩn lậu để giết cụ.
Người viết dựa vào những điều ghi chép lưu truyền trong dòng họ, viết bài này những mong người đọc hiểu đúng về một nhân vật lịch sử
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét