GS.Nguyễn Minh Thuyết: “Ở ta, người không được việc vẫn ngồi hết khóa”
Giáo sư có nhận định gì về kết quả lấy phiếu tín nhiệm Quốc hội công bố chiều 15/11?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu quan niệm lấy phiếu tín nhiệm chỉ để động viên những người thực hiện tốt và nhắc nhở những người thực hiện chưa tốt nhiệm vụ thì việc lấy phiếu đã thành công. Kết quả lấy phiếu cho thấy các đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự đánh giá công bằng, công tâm.
Nhìn vào danh sách các Bộ trưởng thì ông Đinh La Thăng có số phiếu “tín nhiệm cao” nhiều nhất (362 phiếu). Điều này phản ánh đúng sự đánh giá của nhiều cử tri, bởi vì so với thời gian trước đây thì ông Thăng đã có những hành động thể hiện sự cầu thị, sự quyết tâm rất rõ ràng. Hiểu được những điểm yếu của ngành, ông thường xuất hiện tại những điểm nóng và giải quyết nhiều việc có hiệu quả.
Có ý kiến cho rằng, việc của Bộ trưởng là làm chính sách vĩ mô chứ không phải giải quyết những vụ việc cụ thể, nhưng tôi nghĩ rằng với một ngành đang có nhiều hạn chế, vướng mắc nhiều năm không tháo gỡ được, việc Bộ trưởng trực tiếp xuống hiện trường là cần thiết. Ví dụ, hầm chui dân sinh Nhật Tân – Nội Bài bế tắc cả năm, nhưng khi Bộ trưởng Thăng xuống hiện trường thì việc được giải quyết dứt điểm ngay. Bộ trưởng trực tiếp xử lý các vụ việc, tổ chức, cá nhân cụ thể không phải chỉ vì những trường hợp cụ thể đó mà còn để làm gương cho những trường hợp khác soi vào.
GS. Nguyễn Minh Thuyết đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Ảnh: Ngọc Quang. |
Người thứ hai được đánh giá cao là Bộ trưởng Bùi Quang Vinh với 351 phiếu “tín nhiệm cao. Theo tôi, đánh giá này chính xác, vì ông Vinh là người có tầm nhìn xa, thẳng thắn, chính trực, không chấp nhận tình trạng thu vén quyền lợi riêng cho bộ mình. Người ta nói rằng đây là ông Bộ trưởng duy nhất dám lấy đá ghè vào chân, tự cắt những đặc quyền của bộ mình vì sự phát triển chung của cả nước.
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại kỳ họp này của Quốc hội là không thể sử dụng nhân sự cũ để tiến hành đổi mới. Tôi cho rằng đây là ý kiến sâu sắc và thẳng thắn, hiếm có ông Bộ trưởng nào dám nói thẳng như thế. Là một người dân, tôi đánh giá ông Bùi Quang Vinh cao nhất trong tất cả các Bộ trưởng ở thời điểm hiện tại.
Sự thay đổi đánh giá về Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thể hiện ghi nhận của đại biểu Quốc hội về những nỗ lực và thành công trong việc ổn định tỷ giá hối đoái, ổn định thị trường vàng. Việc sắp xếp lại các ngân hàng làm ăn yếu kém cũng đang thu được kết quả tốt, không gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tiền tệ và không gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý người dân.
Trong các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội – có số phiếu “tín nhiệm cao” nhiều nhất (365 phiếu). Theo tôi, đây là sự đánh giá chính xác. Bà Mai thường có những phát biểu sâu sắc, thẳng thắn, dư luận xã hội thấy rất rõ tâm huyết với đời sống của nhân dân trong từng phát biểu ấy. Trong điều hành hoạt động của Ủy ban, bà Mai thể hiện sự hiểu biết, quyết đoán, nhưng đảm bảo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng quyền ngôn luận và quyền quyết định của đại biểu, được các thành viên Ủy ban quý mến, tin cậy. Đây phải chăng cũng là điều mà nhiều Chủ nhiệm Ủy ban khác cần rút kinh nghiệm?
Bà Trương Thị Mai dẫn đầu phiếu “tín nhiệm cao” trong tất cả các Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội. |
Trong lần lấy phiếu thứ hai này, một số Bộ trưởng năm ngoái có số phiếu “tín nhiệm thấp” khá cao thì năm nay vẫn còn xếp ở nhóm cuối cùng. Đánh giá đó có khắt khe không, thưa Giáo sư?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Các Bộ trưởng nhận nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” đều phụ trách những ngành dễ va chạm với đời sống xã hội, thông tin về ngành người dân có thể tiếp cận rất dễ dàng, thời gian gần đây lại xảy ra nhiều sự cố mà chưa có biện pháp khắc phục tích cực và hiệu quả.
Phần lớn các ngành này thuộc lĩnh vực xã hội (tổ chức, lao động, giáo dục, y tế, văn hóa). Có những ngành “tư lệnh” thay đổi nhiều, nhưng hàng chục năm trở lại đây, dưới thời “tư lệnh” nào cũng vậy, các vấn đề đặt ra vẫn chưa được giải quyết hiệu quả, dư luận và đại biểu Quốc hội vẫn không hài lòng. Phải chăng nguyên nhân hạn chế và khả năng giải quyết các hạn chế đó không thể chỉ tìm trong phạm vi ngành mà phải tìm ở chính sách chung và sự quan tâm giải quyết của cấp cao hơn?
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi quyết sách ở cấp cao hơn, trong phạm vi quyền lực và nguồn lực của mình, nếu các vị Bộ trưởng có quyết tâm thì vẫn có thể xác định được những vấn đề nóng nhất ở ngành mình và giải quyết hoặc tham mưu cho Chính phủ giải quyết các vấn đề ấy.
Ví dụ, một mình Bộ trưởng Y tế không giải quyết được chuyện bệnh viện quá tải, nhưng có thể đưa ra những biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh y đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc.
Đối với lĩnh vực giáo dục, việc nâng cao chất lượng không thể hoàn thành một sớm một chiều, cơ sở vật chất trường học còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và quỹ đất ở các địa phương, nhưng giải quyết các hiện tượng tiêu cực như chạy việc, chạy điểm, chạy thầy, dạy thêm học thêm tràn lan… là việc phải vào cuộc quyết liệt hơn.
Trong lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng có thể bị “oan” phần nào về việc đăng cai ASIAD 19 vì đó là chủ trương từ cấp có thẩm quyền. Nhưng việc chấn chỉnh tình trạng tiêu cực trong một môn thể thao nào đó, tình trạng công trình văn hóa, nhà văn hóa bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích là việc không nằm ngoài tầm tay của Bộ.
Trong lĩnh vực lao động – thương binh – xã hội, chỗ yếu nhất là việc làm. Dĩ nhiên, một mình Bộ này không thể giải quyết được, nhưng người dân muốn nhìn thấy sự đánh giá chính xác thực trạng và những giải pháp tích cực, hiệu quả mà Bộ trưởng tham mưu cho Chính phủ. Suốt từ năm 2002, khi tôi bắt đầu chuyển về Quốc hội cho đến nay, năm nào Bộ cũng báo cáo Quốc hội sắp xếp được từ 1,5 đến 1,6 triệu việc làm. Và năm 2015 này, chỉ tiêu bố trí việc làm cũng là 1,6 triệu người. Có lẽ người cả tin nhất cũng khó tin một con số “ổn định”, “bất biến” kỳ lạ như vậy; nhất là khi Bộ LĐ-TB-XH giải thích “có việc làm nghĩa là có thu nhập” .
Về Bộ Nội vụ, chắc chắn một mình Bộ trưởng không giải quyết nổi sự cồng kềnh của bộ máy nhà nước, những hiện tượng tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ và chất lượng yếu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng đại biểu Quốc hội và người dân chưa thấy Bộ trưởng chỉ đạo điều tra, khảo sát để có đánh giá chính xác và tham mưu cho Chính phủ giải pháp khắc phục những tình trạng trên. Thậm chí, Bộ trưởng dựa vào báo cáo của các tỉnh, khẳng định chỉ có 1-2% công chức, viên chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, trong khi một vị Phó Thủ tướng đánh giá con số đó phải lên tới 30% (dư luận cũng đồng tình với đánh giá này). Như vậy thì kết quả đánh giá tín nhiệm đối với Bộ trưởng rất khó được cải thiện”.
Đối với Bộ trưởng Công thương, theo tôi, chắc đại biểu Quốc hội và người dân không quy trách nhiệm cho ông về sự làm ăn thua lỗ của một số tập đoàn nhà nước, bởi vì các tập đoàn này không thuộc quyền quản lý của ông. Nhưng việc chậm khắc phục những sai lầm về phát triển thủy điện ở miền Trung, khai thác bô-xít ở Tây Nguyên hay sự phát triển èo uột của công nghệ phụ trợ là những vấn đề khiến ông không được nhiều phiếu tín nhiệm cao. Chỉ còn 6 năm nữa nước ta là phải hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp mà sản xuất cái ốc vít chưa xong thì ai có thể yên lòng được?
Nhiều người không được việc vẫn ngồi hết khóa
Việc lấy phiếu tín nhiệm như hiện nay liệu có tạo nên bước đột phá trong công tác cán bộ không, thưa Giáo sư?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là chuyện đáng mừng cho hầu hết các vị được lấy phiếu tín nhiệm, và đây là động lực giúp họ làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu mà người dân mong muốn là chọn được cán bộ đúng vị trí thì kết quả này không phải đáng mừng. Vì sao? Nếu cộng số phiếu “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” thì tất cả các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đều được từ 62% tổng số đại biểu Quốc hội tín nhiệm trở lên. Còn nếu hiểu “tín nhiệm thấp” cũng là tín nhiệm thì vị nào cũng đạt 100%.
Trong tình hình kinh tế khó khăn, nợ công cao, nợ xấu lớn, nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nặng, tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục phức tạp và chưa có biện pháp nào đẩy lùi… thì kết quả bỏ phiếu cho thấy đại biểu Quốc hội thật dễ tính.
Ông Phạm Vũ Luận có đến 149 phiếu “tín nhiệm thấp”. |
Tôi nghĩ rằng nếu việc lấy phiếu, bỏ phiếu cứ diễn ra mãi thế này thì dần dần sẽ mất tác dụng. Lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là để chọn được cán bộ đúng vị trí (thay thế không phải là kỷ luật cán bộ mà là chọn người thích hợp). Nhưng lấy phiếu, bỏ phiếu như thế thì làm sao bố trí được người đúng việc, đúng chỗ? Ở nhiều nước, người ta thấy cần thay lãnh đạo là thay được luôn. Còn ở ta, người không được việc vẫn ngồi đến hết khóa, thậm chí đến mấy khóa liền, thì làm sao “đi tắt, đón đầu” thiên hạ được?
Theo Giáo sư, có cần thiết phải lấy phiếu tín nhiệm với tất cả 50 chức danh như tại kỳ họp này không?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, không nên lấy phiếu tín nhiệm tới 50 chức danh. Nhiều vị trí không trực tiếp điều hành bộ máy hành pháp, tư pháp như các chức danh bên Quốc hội, thậm chí toàn thể đại biểu Quốc hội, nên để cử tri đánh giá. Nếu để cử tri đánh giá, cử tri sẽ gây sức ép lên đại biểu và đại biểu buộc phải đòi hỏi Chính phủ thực hiện các giải pháp có hiệu quả cao trong điều hành kinh tế xã hội. Để kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của cử tri được chính xác và không gây tốn kém, có thể áp dụng biện pháp đăng ký tên tuổi, số CMND và bỏ phiếu qua mạng theo nguyên tắc phiếu kín. Chuyện này, anh em kỹ thuật thừa sức làm được.
Còn để thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm đối với những chức danh bên hành pháp, tư pháp thì vào đầu kỳ họp, Quốc hội phát phiếu thăm dò cho đại biểu; nếu có từ 20% đại biểu trở lên đề nghị bỏ phiếu (bất) tín nhiệm đối với người giữ chức danh nào đó thì Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn để nghe người giữ chức danh đó giải trình, rồi thảo luận và biểu quyết xem có tiến hành bỏ phiếu (bất) tín nhiệm đối với người đó không. Nếu có trên 50% đại biểu Quốc hội nhất trí thì Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm; và nếu bị 2/3 tổng số đại biểu bất tín nhiệm thì người đó bị Quốc hội bãi nhiệm. Đối với những người đang thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, không bị đại biểu yêu cầu bỏ phiếu (bất) tín nhiệm thì không cần đưa ra lấy phiếu như hiện nay.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét