Menu ngang

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Người Việt ưa nịnh, thích 'dìm':

 Tác hại đến đâu?

"Với một truyền thống văn hóa "ưa được nịnh", "thích được khen", nhưng lại sợ phê bình và tự phê bình đến như thế, nếu không tự thay đổi từ gốc rễ mà cứ đòi hỏi tiến bộ, đòi hỏi "văn hóa từ chức"..., thì vẫn chỉ là mơ mộng mà thôi!" - GS-TSKH Trần Ngọc Thêm.
LTS: Vừa qua, "Đại tướng quân Hai lúa" trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi. Mặc dù đây chỉ là một câu chuyện nhỏ, nhưng từ đó đã gợi ra rất nhiều điều khiến chúng ta suy ngẫm, liên quan đến việc vì sao những sáng tạo, thay đổi, cải cách của VN vẫn còn gặp nhiều rào cản và chậm bước so với đòi hỏi của thời đại.
Chẳng hạn, so với các quốc gia láng giềng trong khối ASEAN, như Myanmar, Campuchia, Lào, thì Việt Nam đổi mới sớm nhất. Nhưng sau cú đột phá ngoạn mục vào năm 1986, chúng ta lại rơi vào trì trệ, hiện nay nhiều người đã cảnh báo về nguy cơ tụt hậu...
Nguyên nhân văn hóa căn cốt ẩn sau những vấn đề ấy chính là chủ đề của cuộc trò chuyện của Tuần Việt Nam với GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên Nga, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng Trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQG-HCM. Những câu trả lời của ông xoay quanh một lý giải được ông khái niệm hóa là "Văn hóa âm tính".
Trần Ngọc Thêm, Đại tướng quân, văn hóa, Trần Quốc Hải, xe tăng, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Vạn lý Trường thành,
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm. Ảnh: Phạm Thành Long/ Documentary.vn
"Biến đổi từ từ"
Thưa Giáo sư, là người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa VN, xin ông đưa ra một nhận định tương đối khái quát vì sao những thay đổi của chúng ta thường diễn ra khó khăn và chậm hơn so với đòi hỏi bức thiết của thực tế?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Tôi đã có quá trình nghiên cứu khá lâu về câu hỏi nhức nhối này và đi đến kết luận rằng: "Văn hóa VN có đặc điểm là biến đổi từ từ, không có đột biến, trừ trường hợp có ảnh hưởng hay tác động có yếu tố bên ngoài như cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 hay công cuộc Đổi mới năm 1986". Giờ tôi xin nhắc lại để trả lời cho câu hỏi của anh.
Xuất phát từ đâu VN lại có đặc điểm văn hóa như vậy, thưa ông?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Năng lực hành động và năng lực tư duy bắt đầu từ văn hóa. Nói cách khác, văn hóa là cái gốc rễ của dân tộc. Phải hiểu sâu hơn về cội nguồn gốc rễ đó thì mới lý giải được mọi chuyện, mọi vấn đề đặt ra, mọi vấn nạn mà chúng ta đang thấy.
Theo phân loại của tôi, nền văn hóa Việt Nam của chúng ta thuộc loại âm tính, mang những đặc trưng khác hẳn những nền văn hóa dương tính. Văn hóa âm tính giống như tính cách của người đàn bà, thích sự ổn định và luôn hướng tới sự ổn định, rất ngại mọi sự thay đổi. Văn hóa dương tính thì ngược lại, giống tính cách người đàn ông, mạnh mẽ, quyết liệt, hay thay đổi, ghét sự trì trệ, nhàm chán, v.v.
Khi nghiên cứu chúng ta tách ra chứ kỳ thực trong mỗi sự vật, hiện tượng, con người... đều có phần âm và phần dương, cái khác nhau là ở chỗ mặt nào trội hơn mà thôi.
Điều kiện tự nhiên là nguồn gốc của văn hóa. Thiên nhiên khác nhau thì kinh tế cũng sẽ khác nhau, từ đó văn hóa ắt cũng sẽ khác nhau. Các dân tộc có truyền thống mưu sinh bằng nông nghiệp trồng trọt là âm tính; trong đó nông nghiệp lúa nước thuộc loại âm tính nhất. Các dân tộc sống bằng chăn nuôi, du mục thuộc loại dương tính.
Trên thế giới mênh mông này chỉ có Đông Nam Á là cái nôi của nền nông nghiệp lúa nước. Trồng trọt phụ thuộc vào thiên nhiên nhiều hơn chăn nuôi, trồng lúa nước thì mức độ phụ thuộc cao nhất. Sự phụ thuộc khiến người ta trở nên thụ động. Và cũng chính vì vậy mà nơi này có nền văn hóa âm tính nhất.
Đông Bắc Á và phương Tây là những vùng đồng cỏ, thảo nguyên mênh mông, con người thời cổ sống bằng kinh tế du mục, khiến con người phải luôn phải rong ruổi, di chuyển. Điều này tác động đến lối suy nghĩ, dần dần hình thành kiểu văn hóa dương tính, đối lập với văn hóa âm tính của chúng ta.
Văn hóa Việt - Trung: Giống nhau chỉ trên bề mặt
Nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước khẳng định văn hóa VN chịu ảnh hưởng rất sâu rộng bởi nền văn minh Trung Hoa, yếu tố cùng thể chế cũng chi phối sự ảnh hưởng này. Quan điểm của ông ra sao?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Nhìn bề ngoài thì đúng là như thế, nhưng nếu chỉ dừng ở cảm nhận bề ngoài thì ta sẽ chỉ có được những nhận xét cảm tính, phiến diện rất đáng tiếc vì không đi vào bản chất gốc của sự việc! Văn hóa luôn là "mục tiêu, động lực và nền tảng của sự phát triển" cho nên dù có sự tương đồng về thể chế thì VN và TQ vẫn khác nhau rất nhiều.
Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, cũng như qua quan sát thực địa tại nhiều địa phương khác nhau của TQ, tôi thấy rất rõ rằng những sự giống nhau tuy nhiều nhưng thuộc về tầng mặt, trong khi những sự khác nhau thì nằm ở tầng sâu, rất căn bản.
Một bên là văn hóa âm tính điển hình như VN, một bên là loại hình văn hóa trung gian "vừa có âm vừa có dương" và có những giai đoạn mặt dương có phần trội hơn như TQ thì làm sao giống nhau hoàn toàn được. Chỉ có thể có những ảnh hưởng do tiếp xúc giao thoa, còn do có cái gốc nền rất khác nhau nên bản chất cũng khác nhau.
Tính trung gian này của văn hóa TQ thể hiện rất rõ trong lĩnh vực tổ chức xã hội. Trong khi xã hội phương Tây luôn biến động nên coi trọng cá nhân, Đông Nam Á ưa ổn định, ít biến động nên coi trọng làng xã thì Đông Bắc Á ở giữa, coi trọng gia đình.
Cụ thể là thế nào, thưa giáo sư?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Văn hóa âm tính xuất phát từ nông nghiệp lúa nước nên có sức mạnh tập thể rất cao. Chính nhu cầu thu hoạch mùa màng, bảo vệ cuộc sống đã buộc mọi người phải chung tay, phải có mối liên kết ràng buộc chặt chẽ.
Tương tự như vậy, khi có ngoại xâm là bị đẩy vào thế cùng, sức mạnh tập thể của văn hóa âm tính, sức mạnh làng xã sẽ trỗi lên chống lại. Lúc ấy cả nước như một.
Đặc trưng rõ nhất của văn hóa VN là vai trò cao của cộng đồng làng xã - đơn vị tế bào của xã hội Việt Nam. Từ làng ra đến nước, tạo nên mô hình Làng - Nước. Trong suốt chiều dài của lịch sử, TQ đô hộ ta cả ngàn năm, đánh chiếm ta bao nhiêu lần mà ta không mất nước là nhờ việc cái gốc văn hóa Việt nằm ở làng chứ không phải ở đô thị.
Quan quân TQ cai trị chỉ có thể đưa đến ở các đô thị chứ không thể kiểm soát hết nông thôn, nên không thể tiêu diệt hay đồng hóa được văn hóa Việt. Và do văn hóa làng quá mạnh nên cứ mỗi khi quân xâm lược rút đi thì văn hóa làng lại tấn công trở lại đô thị, kéo đô thị trở về với văn hóa làng. Đây là đặc trưng rất Việt, khác biệt với nhiều quốc gia khác có nền văn hóa thiên về dương tính mà tại đó, đô thị luôn có lực hút kéo nông thôn biến đổi theo thành thị.
Trong những cuộc đối đầu với các cuộc xâm lăng, chất âm tính mạnh của văn hóa làng xã ấy đã phát huy tác dụng, giúp cho VN dù có trải qua hàng ngàn năm lệ thuộc cũng không bị ảnh hưởng của đô thị lôi kéo, kết quả là không bị văn hóa ngoại bang đồng hóa.
Trong khi đó, trong văn hóa TQ và các nước Đông Bắc Á, do làm nông nghiệp lúa cạn, trồng kê mạch, không cần liên kết lớn ở quy mô làng xã nên đơn vị cơ bản của xã hội là gia đình. Từ gia đình (nhà) ra đến nước, tạo nên mô hình Quốc gia - Nhà nước.
Đặc trưng của gia đình là tôn ti trật tự, có trên có dưới. Ra xã hội cũng vậy, "trên bảo thì dưới phải nghe" là nguyên tắc tối thượng. Nó khác với VN ta ngày xưa là "phép vua thua lệ làng", hay ngày nay là hiện tượng "trên bảo dưới không nghe", "thủ kho to hơn thủ trưởng", v.v...
Bởi vậy mà trong văn hóa TQ, ý chí luận rất mạnh. Họ có thể làm được những việc "kinh thiên động địa" như xây Vạn lý Trường thành thời Tần Thủy Hoàng, hay "chiến dịch diệt chim sẻ" vào những năm 1958-1962 khiến cho sau đó châu chấu tràn ngập phá nát mùa màng và kéo theo nạn đói lớn làm cho nhiều người chết đói.
Văn hóa TQ hướng đến cái tuyệt đối, cực đoan kiểu "đội đá vá trời", "Ngu Công dời núi", "Tinh Vệ lấp biển", "toàn dân làm gang thép", "toàn dân diệt chim sẻ". Trong khi văn hóa VN do thiên về âm tính nên hướng đến sự dung hòa theo triết lý âm dương. Theo đó, làm cái gì cũng hướng tới mục tiêu "vừa phải", không thấp quá nhưng cũng đừng cao quá, "trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình".
Trần Ngọc Thêm, Đại tướng quân, văn hóa, Trần Quốc Hải, xe tăng, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Vạn lý Trường thành,
Xe bọc thép mới do cha con ông Trần Quốc Hải chế tạo. Ảnh: TTO
Tư duy "vừa phải", ưa khen ngợi
Đứng từ góc độ này thì có thể thấy hai nền văn hóa rất khác nhau về bản chất. Vậy tư duy "vừa phải" mà ông vừa nói tác động đến ta thế nào - trong tính cách cá nhân, cộng đồng, xã hội...?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Tư duy "vừa phải" là đặc điểm cố hữu của người nông dân Việt. Thấy ai khó khăn thì mọi người xung quanh xúm lại giúp cho vươn lên, đó là mặt tốt đẹp. Nhưng ngược lại, nếu thấy có ai vươn lên cao hơn thì mọi người cũng thường xúm lại, cùng nhau kéo xuống, để về sau không ai còn dám nghĩ đến chuyện nổi trội lên nữa!
Ở VN ta, những người tài giỏi xuất sắc trong một cơ hay bị dèm pha, đố kỵ. Mà ở đời thì anh nào giỏi, làm nhiều thì hay có sai nhiều. Do "ghen ăn tức ở" (hiện nay lớp trẻ gọi tắt là thói GATO) và tâm lý muốn giữ lấy cái sự ổn định, bình yên cho mình mà người ta sẽ săm soi, bới móc thổi phồng, biến cái lỗi nhỏ thành to, thậm chí đặt điều nói không thành có.
Khi cả tập thể đã xúm vào "trị" anh giỏi mà lãnh đạo lại non tay thì ông ta sẽ không bảo vệ người giỏi nữa và ngả theo số đông. Đó là một lý do lớn khiến nhiều người phải từ bỏ môi trường nhà nước, hoặc thậm chí ra nước ngoài tìm đất phát triển khả năng.
Với tư duy "vừa phải" như thế, ở VN không thể có những công trình vĩ đại như Vạn lý Trường thành, Kim tự tháp hay Angkor. Những cái kỳ vĩ đó chỉ có thể là sản phẩm của lối tư duy tuyệt đối theo kiểu văn hóa dương tính, đối lập với tư duy "vừa phải" của ta.
Mặt khác, văn hóa âm tính giống như người phụ nữ, thường chỉ thích nghe và tin là thật những lời khen nịnh. Vì vậy mà người VN ta thường không thích bị chê, kiểu "Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại", "Đừng vạch áo cho người xem lưng". Có ai đụng đến khuyết tật gì của mình là lập tức thanh minh thanh nga, tìm cách trốn tội, "đá quả bóng sang chân người khác".
Cả hệ thống quản lý nếu không tỉnh táo, sáng suốt, thì cũng bị nền văn hóa âm tính này chi phối và phạm phải những quyết định sai lầm.
Chẳng hạn, mấy năm qua có một tổ chức quốc tế thường khảo sát các giá trị ở các quốc gia qua thăm dò dư luận. Khi họ công bố kết quả rằng VN là đất nước có chỉ số hạnh phúc cao vào loại gần nhất thế giới thì chỗ nào cũng phấn khởi đưa tin, lên tiếng phụ họa. Nhưng khi cũng chính tổ chức này công bố kết quả rằng ngành nọ ngành kia của Việt Nam do tham nhũng, đút lót nhiều mà có chỉ số hài lòng thấp thì ngay lập tức, tổ chức đó bị phản ứng.
Với một truyền thống văn hóa "ưa được nịnh", "thích được khen", nhưng lại sợ phê bình và tự phê bình đến như thế, nếu không tự thay đổi từ gốc rễ mà cứ đòi hỏi tiến bộ, đòi hỏi "văn hóa từ chức"..., thì vẫn chỉ là mơ mộng mà thôi!
Liệu có "liều thuốc" nào giải được văn hóa âm tính? Mời độc giả theo dõi câu trả lời của GS. Trần Ngọc Thêm trong Phần 2 của bài phỏng vấn.
Duy Chiến (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét