Đừng dựa vào nhu cầu ảo để xây sân bay
05/06/2014 05:12 (GMT + 7)
TT - Ngày 4-6, Quốc hội thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng VN.
Đại biểu Lê Văn Học - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng - đề nghị Chính phủ rà soát lại quy hoạch phát triển ngành hàng không, bởi nếu dựa vào nhu cầu ảo để đầu tư xây dựng sân bay sẽ rất lãng phí, tốn kém.
Theo ông Học, quy hoạch phát triển ngành hàng không đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt sẽ gồm 26 cảng hàng không, trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế. Hiện nay ta đã có và đang khai thác 21 cảng hàng không, trong đó có bảy cảng hàng không quốc tế. Vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng cảng và sân bay giai đoạn 2011-2013 khoảng 28.650 tỉ đồng (khoảng 1,4 tỉ USD) chứng tỏ Nhà nước đầu tư rất lớn.
"Ngành hàng không dân dụng và giao thông vận tải không chỉ dựa vào những nhu cầu ảo, dự báo thiếu chính xác và chưa tin cậy để làm quy hoạch sẽ gây lãng phí và hiệu quả thấp, tốn kém cho xã hội"
Đại biểu Lê Văn Học
|
Điều đáng nói là trong thời gian vừa qua báo chí và các nhà khoa học có rất nhiều ý kiến về quy hoạch cảng hàng không, có những sân bay cách nhau chỉ hơn 100km, ví dụ từ sân bay Nội Bài đến sân bay Cát Bi, sân bay Thanh Hóa. Rồi sẽ xây dựng sân bay Long Thành tốn rất nhiều vốn. Trong khi chúng ta có bốn sân bay quốc tế vệ tinh gần sân bay Tân Sơn Nhất hoặc sân bay Long Thành, đó là sân bay Cần Thơ, sân bay Cam Ranh, sân bay Phú Quốc và sân bay Đà Lạt. Hiện tại chưa cần mở rộng và tăng công suất thì khả năng của bốn sân bay này đã có thể đạt đến hơn 20 triệu lượt hành khách/năm đến năm 2020 và 2025.
Từ những phân tích trên, đại biểu Học đề nghị: “Ngành hàng không dân dụng và giao thông vận tải không chỉ dựa vào những nhu cầu ảo, dự báo thiếu chính xác và chưa tin cậy để làm quy hoạch sẽ gây lãng phí và hiệu quả thấp, tốn kém cho xã hội. Tôi đề nghị Chính phủ điều chỉnh lại quy hoạch ngành hàng không thay cho quyết định năm 2009 và dự báo số lượng hành khách, hàng hóa qua các sân bay của VN vào năm 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 một cách chính xác”.
Tiếp tục dẫn số liệu, ông Học phân tích: hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất mỗi năm có 76.800 chuyến, trong khi số liệu để làm sân bay Long Thành hoặc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là 120.000 chuyến/năm, gấp 1,5 lần. Như vậy đến năm 2020 sân bay Tân Sơn Nhất chưa hề quá tải. Ngoài ra, phải dựa vào một số tiêu chí khác để điều chỉnh quy hoạch hàng không, sân bay, ví dụ như vận tải hàng không có số lãi trên vốn đầu tư rất thấp, 10 năm qua thị trường vận tải hàng không quốc tế lỗ hơn 50 tỉ USD. Thị trường hàng không châu Á - Thái Bình Dương cũng chỉ phát triển dưới 10%/năm, do vậy lượng hành khách đi máy bay của VN chỉ khoảng 150 triệu lượt vào năm 2020.
Liên quan đến quy định giá, phí dịch vụ hàng không, nhiều ý kiến đồng ý với quy định trong dự thảo luật, theo đó giá cả theo quy luật cung cầu, cơ chế thị trường, có tính đến đặc thù của hàng không dân dụng. “Tinh thần là Bộ Giao thông vận tải vẫn phải quy định khung giá và quy định một số loại dịch vụ phí hàng không, trên cơ sở khung giá và phương pháp định giá sau khi đã phối hợp, thống nhất với Bộ Tài chính” - Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Sáng cùng ngày, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày tờ trình về dự án Luật đầu tư (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra. Quốc hội sẽ thảo luận luật này trong những ngày tới.
LÊ KIÊN
* Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng):
Chưa cần thiết khởi động ngay sân bay Long Thành
Việc quy hoạch sân bay Long Thành là cần thiết, tuy nhiên khởi động thì phải tính toán kỹ thời điểm. Theo tôi, chỉ khi nào sân bay Tân Sơn Nhất không đủ khả năng đáp ứng thì mới khởi động sân bay Long Thành. Còn bây giờ khởi động ngay sân bay này là chưa cần thiết vì ngốn ngân sách rất lớn - hoặc là tiền thuế của dân, hoặc là tiền vay nước ngoài, vay trong nước... Tôi sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của người dân về vấn đề này và sẽ có tiếng nói của mình với vai trò là một đại biểu.
* Đại biểu Võ Thị Dung (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):
Lợi ích cục bộ
Trong thời gian qua và cho đến nay, đối với dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, có thể nói đây là một lợi ích cục bộ. Nếu vì lợi ích quốc gia và phát triển ngành hàng không thì chúng ta có thể sử dụng quỹ đất này để mở rộng sân bay, phục vụ nhu cầu phát triển ngành này, cũng góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách. Nếu nói đó là khu vực cần giữ để đảm bảo quốc phòng - an ninh, trong lúc chưa sử dụng cho các công trình cụ thể, thì quỹ đất đó cần sử dụng vào mục đích quy hoạch cây xanh, phục vụ không gian công cộng cho cư dân địa phương. Đó là chưa kể vấn đề an toàn bay và những yếu tố khác khi làm sân golf và các công trình liên quan. Do vậy, cá nhân tôi cho rằng đó là một dự án không phải để phục vụ lợi ích chung, mà mang tính cục bộ.
QUỐC THANH ghi
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét