Menu ngang

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

CHÍ SỸ YÊU NƯỚC HOÀNG PHAN THÁI (1819-1865) 

    Người khai sáng cách mạng

GIAO HƯỞNG

Yêu nước chống Pháp xâm lăng, Chí sỹ Hoàng Phan Thái (1819-1865) là một trong những người Việt Nam đầu tiên bị triều Tự Đức ghép “tội” chém đầu. Năm 1865, bấy giờ Phan Bội Châu mới 2 tuổi. Năm 1907 tức 42 năm sau, trên hành trình vận động tổ chức lực lượng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhà yêu nước hậu sinh họ Phan viết Tiểu truyện Đầu Xứ Thái, suy tôn Chí sỹ họ Hoàng lên “Cách mạng khai sơn chi Tổ” (người khai sáng cách mạng). Từ ngày Tự Đức vào Khiêm lăng, mang theo bản án “quá mù ra mưa” đối với Hoàng Phan Thái, cho đến các đời Vua triều Nguyễn kế tiếp, không minh vương nào gỡ bỏ oan khuất cho Chí sỹ yêu nước Hoàng Phan Thái .

 Người khai sáng cách mạng quê làng Cổ Đan, xã Đông Hải, tổng Đặng Xá, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hoàng Phan Thái là con đầu của Tú tài Hoàng Thừa Doãn, hậu duệ nhiều đời của danh tướng thủy binh Hoàng Tá Thốn (1254-1338). Trong kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 và lần thứ 3, tướng Hoàng Tá Thốn lập công lớn, sau ngày đất nước khải hoàn ông được triều đình giao trấn giữ vùng duyên hải phía nam Đại Việt, từ ngày đó tướng Hoàng Tá Thốn đã chọn làng Cổ Đan bên hạ lưu tả Lam lập căn cứ thủy binh. Đã hơn 700 năm căn cứ thủy binh của tướng Hoàng Tá Thốn giờ vẫn là Quân cảng K34 hải quân Việt Nam.
Tướng Hoàng Tá Thốn về hưu mất tại quê làng Vạn Phần, mộ táng tại khu Mộ Cháy làng Vạn Phần, nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An, ông được Vua sắc phong Sát Hải đại vương. Ba người con trai của ông đều tài thao lược được triều đình phong tước. Người con trai thứ hai là Hầu tước Hành khiển Hoàng Công Khánh lấy bà Hồ Thị Sinh (con cụ Hồ Hồng, người làng Cổ Đan). Ngày ấy làng Cổ Đan đất chật người đông, ông Khánh bà Sinh để con trai trưởng ở lại làng Cổ Đan, ông bà cùng con thứ là Hoàng Duy và song thân nhạc phụ ra Quỳnh Đôi, Quỳnh Lập khai khẩn đất mới, về sau con cháu họ Hồ họ Hoàng cùng một số dòng họ khác tiếp tục khai khẩn vùng phụ cận lập nên các xã Quỳnh Phương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Dị, Quỳnh Diện. Ông Khánh bà Sinh sống với người con trai thứ tại làng Văn Bằng, sau khi mất mộ ông Khánh táng tại làng Văn Bằng xã Quỳnh Bảng; mộ bà Sinh táng tại xã Quỳnh Phương huyện Quỳnh Lưu, hiện Nhà thờ cụ Hoàng Công Khánh đã trên 500 năm tuổi, tọa trong khuôn viên gia đình ông Hoàng Văn Bình, xóm 11 xã Phúc Thọ, Nghi Lộc, Nghệ An.
                                             *
                                         *   *
Nhà nghèo, cha mất sớm, Hoàng Phan Thái được mẹ nuôi ăn học. Bé Thái nổi tiếng thần đồng thông minh học giỏi, đi thi đứng đầu xứ nên cư dân Cổ Đan gọi là Đầu Xứ Thái, về sau thần đồng mấy lần lều chõng đi thi đều phạm quy bị trượt, “thần” trở về làng dạy học kiếm sống, nhiều học trò được “thần” khai trí khai tâm về sau đỗ đạt giúp ích cho dân cho nước, đại sư Nguyễn Thức Tự là một trong những học trò xuất sắc của Đầu Xứ Thái.
Đường thi cử không hanh thông, bù lại ông có biệt tài ứng đối đến mức thành giai thoại lưu giữ khá đậm trong tâm thức dân gian. Truyền rằng bé Thái 8 tuổi rất thông minh, ông tú làng bên biết tin chủ động đến nhà chơi, ông tú đọc câu Khuôn vàng Phạm Lãi còn in tạc rồi thách bé Thái đối. “Thần đồng” ứng khẩu Dùi sắt Trương Lương sẽ thử chơi. Mấy người hàng xóm cũng sang chứng kiến cuộc “voi đố kiến, thấy ông tú ôm bé Thái âu yếm, trước khi ra về ông tú nói với mọi người “thằng này có hùng chí”.
Lần ấy Đầu Xứ Thái đang dạy học tại quê, nghe tin nhà nọ làng bên có bốn người con đều thành đạt đang về làm Lễ mừng Thọ mẹ 70, dù không được mời nhưng thầy Đầu Xứ Thái “tiện đi qua” cũng ghé vào chung vui, trước sự góp mặt của thầy gia chủ phấn khởi, người con trưởng tha thiết nhờ thầy làm cho 1 bài thơ hoặc 1 câu đối đề tên 4 anh em mừng Thọ mẹ, thầy Đầu Xứ vui vẻ nhận lời làm bài tứ tuyệt. Sau khi viết câu 1 và câu 3 : 
Phu nhân thất thập bản phi nhân
       Sinh lai tứ tử đô vi tặc.
         (Phu nhân bảy chục chẳng là người
            Sinh được bốn con đều kẻ cướp)
Rồi thầy gác bút, trong thời gian “chờ khô mực” thầy ra sân rung đùi ngồi hút thuốc, xong lại cà riềng cà tỏi với mấy ông khoa bảng làng bên, mặc cho gia chủ và các quan khách bức xúc bàn luận “tác phẩm” 2 câu của kẻ không mời mà đến phá ngang. Sau khi bốn người con hội ý, người anh cả tế nhị “mời” thấy về để gia đình tiến hành đại lễ, “tác phẩm” 2 câu sẽ được cất vào trong nhà chờ đêm xuống hóa. Biết gia chủ cùng mọi người đang hằm hằm nhìn mình, thầy Đầu Xứ Thái vui vẻ:
               -Trước khi ra về xin viết nốt 2 câu còn lại
        Nguyên cư thiên thượng giáng sinh trần
        Tặc đoạt tiên đào hiến mẫu thân.
        (Người chính là tiên xuống ở đời
        Cướp lấy đào tiên hiến mẹ xơi).
  Bài Mừng Thọ đầy đủ là:
                                      Phu nhân thất thập bản phi nhân
                                      Nguyên cư thiên thượng giáng sinh trần
                                      Sinh lai tứ tử đô vi tặc
                                     Tặc đoạt tiên đào hiến mẫu thân.

                                        (Phu nhân bảy chục chẳng là người
Người chính là tiên xuống ở đời
Sinh được bốn con đều kẻ cướp
Cướp lấy đào tiên hiến mẹ xơi)
Mọi người khen “bài thơ như thỏi vàng ròng” bấy giờ bốn người con mới dám đón nhận “thỏi vàng” của thầy Đầu Xứ Thái tặng mẹ, riêng người anh cả vái như tế sao xin thầy tha thứ cho cái sự nông cạn bồng bột của mình.
Qua một ít tác phẩm văn thơ Hoàng Phan Thái được người đời cất dấu giữ được, ta dễ nhận ra Văn là người. Các sáng tác của ông cũng lẫm liệt như cuộc đời cách mạng của ông, đặc biệt trong mấy tác phẩm thể hiện rất đậm cái hùng chí, đúng như phát hiện sớm của cụ tú làng bên từ mấy chục năm trước. Với một Nam Đàn sơn thủy hữu tình, các danh sỹ nổi tiếng Nguyễn Thiếp, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Bùi Dương Lịch… cũng từng một vài lần đến, song qua cảm thức thẳm sâu của Hoàng Phan Thái mới hiện lên hào quang của khởi nghĩa Hoan Châu hơn 900 năm về trước:            
                                       Thụ thập Đụn sơn bài kiếm kích
Phạm quy Lam phố động tinh kỳ
                                      (Núi Đụn cây bàng như giáo dựng
Sông Lam buồm dựng tựa cờ dăng)
Cái hùng chí ấy đậm đặc trong đôi câu đối của Đầu Xứ Thái cung tiến đền thờ Hưng Đạo Đại vương ở Kiếp Bạc:    
         Phất ngọn cờ chỉ bến Bạch Đằng, một trận phong lôi lừng biển Bắc
         Nhoay ngòi bút đề tên Thanh Sử, ngàn năm hương lửa chói trời Nam
Hoàng Phan Thái vào tuổi trưởng thành lúc Tự Đức trị vì (1847-1883), sự lỗi thời lỗi cuộc không tạo anh hùng mà còn trở giáo triệt tiêu mầm mống anh hùng. Vua Tự Đức ngồi trên đỉnh cao quyền lực mà không có điều kiện tiếp cận với phần còn lại của thế giới, vẫn bị trói chặt trong tư tưởng Nho giáo xơ cứng, đường hướng quân sự của Vua luẩn quẩn trong Binh thư yếu lược , tắm trong trạng thái người xưa gọi là “khôn nhà dại chợ”. Vua quyết liệt trong việc cấm đoán buôn bán công thương, rất chủ quan trước âm mưu xâm lược Đại Nam của thực dân phương Tây. So với các triều trước đó, triều Tự Đức chủ quan mất cảnh giác, nhập nhằng về đường hướng chính trị, quân đội không được trang bị vũ khí hiện đại, tướng lĩnh lúng túng bị động trong hoạch định chiến lược bảo vệ đất nước. Năng lực quốc phòng không đủ mạnh khiến Đại Nam bị ngoại bang thôn tính là điều khó tránh. Tháng 8.1858 Pháp bất ngờ tấn công Đà Nẵng sau đó đánh chiếm Sài Gòn, bộ máy triều đình từ chủ quan đã nhanh chóng lúng túng khiếp sợ sức mạnh quân sự Tây phương. Triều đình vốn rệu rạo không có giải pháp ứng phó, giờ lo đối phó với mâu thuẫn nội bộ, lo đối phó với áp lực không ngừng gia tăng từ bên ngoài, giữa bối cảnh như gà mắc tóc bộ máy triều đình phân rẽ thành hai phái chủ hòa, chủ chiến.
Vua Tự Đức đứng đầu phái chủ hòa, ngày 05.6.1862 tại Sài Gòn, Tự Đức ký hiệp ước (còn gọi là hiệp ước Nhâm Tuất) cắt ba tỉnh miền Đông cho Pháp, sự nhượng bộ này khiến người dân Việt Nam phản đối quyết liệt, sử gia Gosselin (Pháp) viết rằng: Các hoàng đế An Nam phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ và xuống dốc của đất nước. Dân xứ này, quan lại, binh lính xứng đáng có được những người cầm đầu có giá trị hơn thế. Chính quyền họ đã mù quáng vì không dự liệu, không chuẩn bị gì hết.
Sau khi triều đình để mất ba tỉnh miền đông Nam bộ, các tướng Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Phan Văn Đạt vốn trung thành với triều đình cũng tỏ kháng cự bằng hành động, khiến triều đình Huế và bộ máy thống trị của Pháp lúng túng đối phó. Tại xứ Nghệ, Đầu Xứ Thái vừa dạy học vừa giao du ngoài Bắc trong Nam tìm bạn để cùng thực hiện chí hướng cứu nước, ông trở về làng Cổ Đan lập Tân đảng, xưng Đông Hải đại tướng quân, mộ được mấy trăm nghĩa binh đêm ngày luyện tập chuẩn bị cuộc chống Tây cứu nước. Việc bị lộ, năm 1865 Tự Đức ghép Đầu Xứ Thái “tội phản nghịch”, sai quân về làng Cổ Đan vây bắt ông mang ra xử chém tại pháp trường Vinh (nay là mé Tây Ngã ba Quán Bàu). Trước khi bị rơi đầu, Đông Hải đại tướng quân vẫn ung dung đoc bài Tuyệt mệnh được ông nung nấu trong ngục tối vào đêm cuối cùng đời mình:
Ba hồi trống giục thây cha kiếp
Một lát gươm đưa đéo mẹ đời
Sống làm tướng mạnh ba phương đất
Thác xuống thần thiêng bốn phía trời
 Từ pháp trường bài Tuyệt mệnh đến được với đời là nhờ trí nhớ tuyệt vời của một lính Nam triều trong tốp lính thi hành án mờ sáng ấy, anh này trực tiếp nghe, thuộc truyền lại cho người trong nhà. (Có bài viết cho rằng 2 câu Ba hồi trống giục thây cha kiếp Một lát gươm đưa đéo mẹ đời của Cao Bá Quát ?)
Chí sỹ Hoàng Phan Thái ra pháp trường bấy giờ chưa manh nha phong trào Cần Vương; nhưng từ sau ngày “Hiệp ước hữu nghị” ký kết, dải đất mang tên Việt Nam đã như lò thuốc súng khổng lồ dưới chân thực dân Pháp cướp nước và triều đình Huế-bộ máy thống trị của một bộ phận quan lại tay sai bán nước. Giữa bối cảnh ấy, sự hy sinh lẫm liệt của Đông Hải Đại tướng quân giữ vai trò kíp nổ kích hoạt các cuộc khởi nghĩa yêu nước bùng lên sau đó.
Chí sỹ Hoàng Phan Thái ra pháp trường bấy giờ Nhà yêu nước Phan Bội Châu mới lên 2 tuổi. Sau này trên hành trình tìm đường cứu nước, năm 1907 cụ Phan viết Tiểu truyện Đầu Xứ Thái, lên án triều Tự Đức sát hại Chí sỹ yêu nước, suy tôn lên hàng khai sáng cách mạng giải phóng dân tộc. Cụ Phan là người đầu tiên dũng cảm xóa nỗi oan khuất cho Chí sỹ yêu nước họ Hoàng. Trong Phan Bội Châu niên biểu tác giả cho rằng Tiểu truyện Đầu Xứ Thái đánh dấu bước chuyển biến lớn về tư tưởng đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, mở đầu cuộc vận động chống lại chế độ phong kiến muc nát kìm hãm sự phát triển của dân tộc Việt Nam.
Sang thế kỷ 21, ở thành phố Vinh, ở huyện Bình Chánh thành phố Hồ Chí Minh, ở thị xã Hương Thủy thành phố Huế…đều có đường lớn mang tên Hoàng Phan Thái. Vậy mà tại quê xã Phúc Thọ chân dung vị khai sáng cách mạng vẫn bị phủ dày dưới lớp mờ huyền sử. Trong phả hệ của các chi phái họ Hoàng (lập trước và sau năm 1945) đều không thấy tên ông. Các cao niên họ Hoàng sinh trước năm 1930, hiện sống cùng con cháu tại Phúc Thọ và các xã cận kề đều không biết Đầu Xứ Thái thuộc Chi phái nào, trước khi hy sinh có vợ con hay không, nếu có thì hậu duệ gồm những ai, ở đâu, làm gì. Nghĩa là cái chết lẫm liệt của Đầu Xứ Thái vẫn bảng lãng trong tâm thức cư dân xã Phúc Thọ, và án oan triều Tự Đức trút xuống đầu ông vẫn là một tồn nghi ngay trong trực hệ chi họ Hoàng.
Hai nhà yêu nước vĩ đại quê xứ Nghệ đã về với thế giới người hiền. Cụ họ Hoàng bị chém. đầu giữa thế kỷ 19, cụ họ Phan bị giam lỏng rồi mất trong uất hận giữa thế kỷ 20. Hai thế hệ yêu nước cách nhau gần 100 năm vẫn chưa thực hiện được dù là một phần ước mơ hoài bão đưa nước nhà tiến lên hạnh phúc văn minh đã thành xu thế của thời đại./.


                                                            Hè 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét