Menu ngang

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Tổ chức ASIAD 18 – Mua danh ba vạn?

Hoàng Hoàng
Tổ chim của TQ nay thành tổ cò. Ảnh: Internet
Thói thường, người ta khi có chút tài cán gì, hoặc có chút thành tựu, ai cũng muốn tạo cho mình chút danh tiếng tên tuổi. Ở tầm con người, cái sự háo danh háo lợi có thể thấy rõ nhất qua những lượt tranh ấn ở đền Trần vào các dịp đầu năm, như giới showbiz lúc nào cũng đặc quánh những chuyện giật gân câu khách, hoặc như những kỳ bầu bán danh hiệu NSND, NSƯT hàng năm ở nước mình. Ôi thôi thì đủ bài, đủ kiểu tranh dành nhau cả. Những cái đó thì người ta bàn luận đã nhiều, ở đây xin viết về tính háo danh ở tầm quốc gia.
Người Việt Nam ít có thành tựu để khoe với bạn bè quốc tế. Thành tựu mà trước đây ta từng tự hào và hiện giờ vẫn đang tự hào là đánh thắng hai đế quốc to, nhưng chuyện cũ nghe lại mãi cũng nhàm, năm nào cũng nhắm 30/4 để ăn mừng và ca ngợi về quá khứ hào quang trong khi hoàn cảnh đất nước thì đói nghèo lạc hậu mãi cũng lố. Lâu lâu người Việt lại tự hào về trí tuệ việt, rằng người Việt Nam mình cũng giỏi, có người làm chỗ nọ chỗ kia, hoặc như GS Ngô Bảo Châu thì được giải Field dành cho các nhà toán học dưới 40 tuổi xuất sắc nhất. Mỗi tội những tấm gương người Việt giỏi giang ấy thường không phải là ở Việt Nam. Người Việt Nam giỏi dường như chỉ có thể phát lộ tài năng của mình ở nước ngoài mà thôi.

Nhưng đất nước hiện giờ đã có chút khá hơn trước đây, tài nguyên đào lên bán mãi, lao động giá rẻ thoải mái cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư thuê dùng, vay mượn nước ngoài rồi dần cũng tích góp được chút tiền. Người Việt Nam giờ chỉ mong muốn sao nâng cao vị thế của mình trên tầm quốc tế. Chỉ khổ là những nhà lãnh đạo chọn sai cách để nâng tầm nước mình.

Lấy ví dụ điển hình như chuyện The New7Wonders Foundation tổ chức cho người Việt Nam tha hồ nhắn tin bình chọn cho Hạ Long nhận danh hiệu di sản (hão) của họ. Trên mạng đã sôi sục bao nhiêu bình luận, đã bao nhiêu bài viết chỉ ra cái tính lừa đảo của tổ chức này, cũng như phân tích ra rằng Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận, danh hiệu đã tràn trề ra rồi, xin đừng ham hố thêm cái danh vô ích của tổ chức ma mị này.

Vậy mà dường như các bác lãnh đạo “ném lao đành phải theo lao” hay sao, mà vẫn nhiệt tình tổ chức cho người dân cả nước đua nhau nhắn tin bầu chọn, thật không khác mấy với cảnh anh ca sĩ nào đó mua SIM rác rồi thuê người nhắn tin bình chọn cho mình trên một show truyền hình thực tế vô thưởng vô phạt. Hăng hái tới mức, Bộ trưởng Văn Thể Du Hoàng Anh Tuấn còn cho đứa cháu 5 tháng tuổi chọt tay vào điện thoại để thể hiện tinh thần bầu chọn.

Tới nay thì đã rõ, cái danh hão thì đã mang về để đó, tiền bạc chi ra cho The New7Wonders Foundation coi như ném ra vũ trụ, mà chất lượng du lịch Hạ Long vẫn đi xuống đều đều, điển hình như bài này trên báo điện tử Dân Trí

Từ chuyện mua danh trên tầm thế giới – tổ chức sự kiện thể thao.

Lại nói về chuyện mua danh. Thực ra trên thế giới, không phải chỉ có Việt Nam là muốn mua danh. Như đã nói ở trên, ai có thành tựu, có khả năng mà chả muốn được người ta biết tới. Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp, nhiều nước cũng muốn nổi danh trên trường quốc tế như Việt Nam vậy. Và cách thường được người ta chọn nhất là tổ chức các sự kiện thể thao.

Trong một thế giới mà giao tranh quân sự giữa các quốc gia là khó xảy ra, thì cuộc thi thố giữa các quốc gia cũng chỉ thường nhắm vào mục thể thao. Có những người bình thường chả bao giờ quan tâm tới thể thao, nhưng khi có sự kiện quốc gia mình thi đấu trên trường quốc tế, thì tinh thần dân tộc lên cao vợi, chăm chú vào truyền thông để theo dõi và cổ vũ. Chính vì vậy mà mỗi sự kiện thể thao luôn là ngày hội của giới truyền thông, thu hút người dân theo dõi không biết chán.

Tổ chức một sự kiện thể thao, nhất là các sự kiện thể thao lớn như tầm World Cup, Euro, Olympics, nước chủ nhà tha hồ thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tổ chức thành công, hoành tráng, ai ra về cũng có phần thưởng, nước nào tới dự cũng có chút huy chương, tất cả đều hỉ hả ra về, không quên lời cảm ơn tới nước chủ nhà thì cũng kể như một thành tựu vậy.

Nhưng các nhà tư bản không đổ tiền ra tổ chức để lấy lời cảm ơn suông. Tổ chức sự kiện thể thao còn đồng nghĩa với cơ hội đẩy nhanh phát triển kinh tế. Thời gian chuẩn bị sự kiện, nước chủ nhà sẽ phải bỏ tiền đầu tư xây mới hoặc sửa sang lại cơ sở hạ tầng, chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho cuộc vui thể thao. Đầu tư công tăng mạnh như vậy, đồng nghĩa với việc bơm một dòng tiền lớn vào nền kinh tế, tạo ra điều kiện phát triển tốt hơn, tạo thêm việc làm trong ngành xây dựng cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ.

Có điều, nói đi thì phải nói lại, muốn dùng tiền đầu tư cho tổ chức sự kiện thể thao để kích thích phát triển, thì trước hết cần phải hỏi là tiền ở đâu ra? Đầu tư cho các sự kiện thể thao tầm cỡ thường không bao giờ là nhỏ. Điển hình như Trung Quốc đã bỏ ra 44 tỉ USD để đầu tư chuẩn bị cho Olympics năm 2008, London 2012 thì nhẹ nhàng hơn, chi phí tính cả khu vực công lẫn tư là 14.6 tỉ USD (do London đã có dư điều kiện vật chất từ trước). Hoặc gần đây nhất là như Sochi 2014 đã tiêu tốn của người Nga nghe đâu 51 tỉ USD.

Chính vì tiêu tốn các khoản đầu đầu tư lớn như vậy, nên việc một quốc gia đủ khả năng để tổ chức một sự kiện thể thao lớn chính là tín hiệu thể hiện với các nước khác “Nước tôi cũng có điều kiện lắm, chứ không phải kém cỏi đâu”, và đây chính là chỗ giúp nâng cao vị thế của nước ấy.

Và tất nhiên, cái gì cũng có mặt lợi và mặt hại của nó. Như đã nói ở trên, đầu tư cho các sự kiện thể thao là rất tốn kém, và đã có nhiều trường hợp vì quốc gia chủ nhà không biết “liệu cơm gắp mắm” mà đã biến ngày hội thể thao thành thảm họa. Như Ba Lan và Ukraine với Euro 2012, hoặc tệ hơn là trường hợp Olympics Athens 2004.

Thì tổng cộng, người dân Hy Lạp đã phải tiêu tốn 15 tỉ USD cho sự kiện này, thay vì 9.6 tỉ như dự đoán ban đầu của chính phủ. Thiếu tiền, thậm chí Athens còn không kịp hoàn thành tuyến tàu điện ngầm để phục vụ cho Olympics. Sau Athens 2014, nợ quốc gia của Hy Lạp tăng lên 110.6% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euro Zone), và kết quả cuối cùng là Hy Lạp vỡ nợ, đẩy cuộc sống của người dân vào cảnh khốn khổ (thậm chí Hy Lạp phải bán đi vài đảo của mình).

Việc Hy Lạp vỡ nợ kéo cả nền kinh tế châu Âu ốm yếu theo vì phải chi tiền cứu trợ (và tiếp đó Tây Ban Nha và Ý cùng đặt gánh nặng lên EU). Thực ra, Hy Lạp đã có nợ công rất lớn từ trước (168 tỉ Euros), nên khoản nợ mà Athens 2004 mang lại chỉ là giọt nước làm tràn ly mà thôi, tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận tác hại mà Olympics 2004 đã gây ra cho Hy Lạp và quá hiều hệ lụy cả về kinh tế, chính trị lẫn cuộc sống của người dân.

Không chỉ vậy, sau ánh hào quang của những sự kiện thể thao tầm cỡ ấy còn là những đống hoang tàn. Dường như trong tất cả các kỳ Olympics, sau khi sự kiện tổ chức xong rồi, những sân vận động lớn, những nhà thi đấu, những làng Olympics thường bị bỏ hoang. Điều này cũng hợp lý. Olympics hay World Cup cũng chả bao giờ kéo dài quá 1 tháng, với lượng người tham dự (cả vận động viên lẫn báo chí) khổng lồ, lẽ dĩ nhiên là nước chủ nhà sẽ phải xây dựng những cơ sở đủ lớn để phục vụ nhu cầu này. Nhưng rồi sau sự kiện, làm sao nước chủ nhà có nhu cầu lớn đến mức có thể sử dụng hết tất cả những cơ sở mà họ đã bỏ tiền xây ra được nữa. Và vì vậy, chúng bị bỏ hoang.

Bị bỏ hoang. Ảnh: Internet
Ngay như gữa một Trung Quốc với dân số lớn nhất thế giới (và vì vậy nhu cầu sử dụng các cơ sở thể thao cao hơn các quốc gia khác), mà các cơ sở của Olympics Bắc Kinh 2008 cũng không tránh khỏi cảnh hoang tàn. Dưới đây là vài tấm ảnh trích từ một bái báo của Reuter về các công trình bị bỏ hoang của Olympics 2008 

Ngay như chính sân vận động Tổ Chim quan trọng nhất, tuy không bị bỏ hoang cũng không còn được sử dụng nhiều như trước nữa, như một bài báo của Bloomberg viết: “These days, the Birds Nest is a mostly empty “museum piece,” … The stadium, which cost $480 million dollars to build and takes about $11 million each year to maintain, has no regular tenant.” (Tạm dịch: Tổ Chim hiện giờ gần như chỉ là một nhà bảo tàng. Với chi phí xây dựng 480 triệu USD và chi phí bảo dưỡng 11 triệu USD mỗi năm, sân vận động này không được mấy ai sử dụng cả).

Đến chuyện tổ chức thể thao ở nước ta

Việt Nam cũng đã từng có kinh nghiệm tổ chức một sự kiện thể thao ở tầm ao làng khu vực, đó là Seagames 2003. Kéo dài từ mùng 5 tới ngày 13 tháng 12 năm 2003, sự kiện thể thao kéo dài 9 ngày này tiêu tốn của Việt Nam 4.700 tỉ đồng (với tỉ giá cách đây 11 năm thì là 310 triệu USD, tương đương 6.500 tỉ đồng hiện tại). Và cũng như thường lệ, những công trình dành cho seagames hiện giờ phần lớn là để hoang và cho xuống cấp (http://vietbao.vn/The-thao/San-My-dinh-xuong-cap-tram-trong-vi-quan-ly-kem/40020709/134/). Hiệu quả gặt hái được từ Seagames có lẽ là không đong đếm nổi, bởi thực ra có gì đâu mà đong với đếm.

Và giờ đây, lãnh đạo Việt Nam đang hào hứng với việc tổ chức Asiad. Trước ủy ban Olympics châu Á, lãnh đạo Việt Nam dự tính là Asiad sẽ tiêu tốn 150 triệu USD (chưa bằng 1 nửa của chi phí dành cho Seagames 2003?). Và chính vị bộ trưởng từng cho-cháu-5-tháng-tuổi-bình-chọn-Hạ-Long Hoàng Tuấn Anh đã khẳng định điều này vào ngày 18/3 vừa qua. Nhưng bộ Tài Chính thì lại dự trù là Asiad 2019 sẽ tiêu tốn tầm 300 triệu USD (vẫn thấp hơn Seagames 2003?), chưa bao gồm phí đào tạo vận động viên.

Ngay trong chính lãnh đạo đã bất nhất như vậy, bảo sao người dân khó tin. Đã vậy, chi tiêu dành cho Asiad lại thấp hơn chi tiêu dành cho Seagames thì làm sao có ai tin nổi. Hơn nữa, Việt Nam còn có truyền thống chi tiêu và đầu tư kém hiệu quả, không chỉ là trong lĩnh vực thể thao, thử hỏi có dự án đầu tư công nào mà không đội giá lên gấp vài lần dự toán?

Giả sử Việt Nam không từ bỏ ý định tổ chức Asiad 2019 mà vẫn tiếp tục, thì ngân sách nhà nước làm sao gánh nổi khoản chi khổng lồ này? Bộ trưởng nói là sẽ dùng nguồn vốn “xã hội hóa”, nhưng “xã hội hóa” là từ đâu ra? Doanh nghiệp trong nước đang chết dần, toàn bộ nền kinh tế chỉ còn phát triển ở bộ phận đầu tư nước ngoài. Không lẽ ý của bộ trưởng là các doanh nghiệp nước ngoài sẽ bỏ tiền cho người Việt Nam tổ chức Á vận hội?

Trong trường hợp xấu nhất, Việt Nam sẽ phải đi vay nước ngoài để tổ chức cuộc chơi này hay sao? Hiện giờ mà đi vay tiền, chắc Việt Nam chỉ còn có thể vay của Trung Quốc. Điều này vừa giúp họ nâng thêm ảnh hưởng lên nước ta, họ lại có cớ ký hết hợp đồng xây dựng các công trình cho Á vận hội mà mang người lao động vào tràn ngập Hà Nội (như họ đã làm với Bô xít Tây Nguyên chẳng hạn).

Bài học Hy Lạp 2004 còn nhãn tiền ra đó, xin các vị lãnh đạo đừng dại. Nâng cao vị thế thì chỉ nên nâng khi nào có đủ thực lực để nâng mà thôi. Còn “nâng cao vị thế” lúc mình không có gì để nâng thì người ta gọi là chơi trội, là vung tay quá trán, và đẩy người dân vào cảnh chống chất nợ nần mà thôi.
Có một chi tiết về việc đăng cai Asiad 2019 mà có lẽ truyền thông trong nước không nhắc tới. Đó là trong cuộc đua giành quyền tổ chức Asiad 2019, ngoài Hà Nội (Việt Nam) và Surabaya (Indonesia) còn có sự tham gia của Dubai (UAE), nhưng Dubai đã chủ động rút lui. Một quốc gia giàu có với GDP 360 tỉ USD như UAE mà lại chủ động rút lui trước, thì có thể hiểu là họ đã nhẩm tính trước là tổ chức Asiad tiêu tốn của họ quá nhiều tiền. Vậy thì Việt Nam, với GDP 141 tỉ USD, liệu có đủ sức thực hiện không?

Kết

Các cụ ngày xưa nói “mua danh ba vạn” quả thực không sai. Không chỉ riêng gì Việt Nam, các nước khác cũng vậy thôi. Chi tiêu cả núi tiền để tổ chức thể thao, rồi sau đó để hoang, chỉ để khẳng định với quốc tế là “Ta cũng có tiền như ai”. Nhưng người ta mua danh khi người ta có đủ ba vạn thật, còn nếu như cả nhà chỉ có ba đồng thì xin chớ ham hố tới việc mua danh.

Hoàng Hoàng. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét