Menu ngang

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

                              HƯU MÀ CHƯA NGHỈ


                                               Nhà văn Nguyên An
                                             (Hội Nhà văn Việt Nam)


Mươi năm gần đây, trên văn đàn Việt Nam ta có hiện tượng đáng chú ý và cũng đáng mừng là: các nhà văn đã dày thành tựu, từ lúc nghỉ hưu, lại viết đều, viết khỏe và hay hơn. Nhiều công chức, sỹ quan về hưu cũng viết văn, làm thơ. Các tác phẩm mới này của cuộc đời họ cũng góp phần làm cho văn chương xã hội thêm rộn ràng phong phú bởi chúng đã hàm chứa một vẻ đẹp riêng. Về hưu, mà chất lượng cuộc sống lại sang trang mới, có ích thêm cho gia đình, bè bạn trong và ngoài văn chương là vậy.

Một quá trình tích tụ, nghiền ngẫm đến độ, gặp ngọn gió lành đổi mới, thì tiềm năng sáng tạo văn chương đã được bùng phát lên như thế phải không?
Chàng trai Nguyễn Mạnh Đẩu 16 tuổi háo hức lên đường ra trận 50 năm trước, nay đã rời chốn quan trường, vẫn theo tiếng gọi của đồng đội và tiếng gọi của chính lòng mình, lại hăm hở bước vào một “cuộc chiến” mới. Ở nhóm tác giả trẻ với văn chương này, chỉ mấy năm gần đây, ông đã có các tập: Một Chữ Tình (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2006), Những nẻo đường thời gian (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2010), Những kỷ niệm đời tôi (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2013), và bây giờ, là cuốn Suy ngẫm Luận bàn (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014) đang ở trong tay bạn.
Ngẫm ra, không phải ai hễ có được sự phong phú, sôi động trong cuộc đời, cũng có thể tự cầm bút trải lòng mình trên từng trang giấy.
Tôi không muốn nhắc lại, rằng Nguyễn Mạnh Đẩu là người lắm vốn và nhớ kỹ, nhớ lâu, rằng ông là người biết chọn lựa, sắp xếp, và ông, cũng như nhiều tác giả thơ văn là những người luôn ấp ủ cả một khối tình mà dường như càng sống và làm việc, thì càng  đậm đà hơn. Tôi đã đọc ông từ năm 1989, khi ông dường như là tác giả mới toe, “ngoại đạo” mà bàn về truyện Tướng về hưu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng có sức thuyết phục riêng. Tôi cho là ông có một khối tình với đồng đội, quê hương, đất nước nhất quán và hài hòa với tình văn chương văn nghệ, còn ông lại khiêm dung nhận là Một Chữ Tình thôi.
Với khối tình đó, ông có tập văn xuôi mới này. Nó là sự kế thừa và mở rộng hơn về đề tài và cách viết so với hai tập đã ra.
Mở đầu những Suy ngẫm Luận bàn là bài viết về các vị tướng lừng danh. Nếu như ở bài Huyền tích Phó tướng Nguyễn Đình Đắc (1755- 1811), tác giả đã thể hiện một công phu sưu tầm, biên khảo và đặc biệt là một tình lính trận, tướng trận khi ông dựng lại sự dũng liệt, sáng suốt và cả cái éo le của cuộc đời vị tướng oai linh thủa trước trong quan hệ với anh em nhà Tây Sơn, với Vua Lê, Chúa Trịnh, với Nguyễn Ánh… thì ở các bài viết về Chí sĩ ái quốc Hoàng Trọng Mậu (1874- 1916) - người được Vua Duy Tân sắc phong làm Thống lĩnh tả quân kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội chuẩn bị đánh Pháp, rồi Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Trần Văn Quang, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp và Đại tá Nguyễn Đình Bá, ông lại bằng lối kể chuyện thân tình mà phác dựng cho ta các bức chân dung về những con người Việt Nam ưu tú trong lực lượng vũ trang suốt trường kỳ cách mạng, kháng chiến vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Trong mạch văn nhẹ nhàng, trầm tĩnh có nhiều chi tiết chân thực, xuôi chảy qua các bài viết này, ta thấy Nguyễn Mạnh Đẩu đã điềm nhiên đưa ra những lời luận bàn - đối thoại lịch sử thẳng thắn mà khéo léo, đủ gợi dẫn. Tôi nghĩ, đó là một thành công đáng kể của tập sách.
Hình như do đã quá thuộc đời lính trận và công tác văn phòng, tham mưu chỉ đạo, với việc viết các văn bản liên quan, nên khi có điều kiện “đi ra ngoài đời”, sống nhiều, sống kỹ hơn, thì ngòi bút Nguyễn Mạnh Đẩu có phần dào dạt, gấp gáp và tung tẩy, phóng khoáng hơn? Chất luận bàn trong văn ông theo đó cũng đậm đà, vừa trực diện, lại cũng vừa tinh tế nữa. Ấy là khi chỉ Lãng đãng xứ người là Hồng Kông, Ma Cao, Thâm Quyến, Quảng Châu, có 7 ngày 6 đêm, hay Malaysia - Singapore , một thoáng du ký cũng 7 ngày 6 đêm, mà Nguyễn Mạnh Đẩu viết được hai bài du kí dài tới 109 trang (như một tập sách mỏng). Ở đây, không chỉ kể và tả khéo, mà ông còn gửi vào đấy những liên tưởng liên hệ. Cái ông già có giọng viết trẻ này tả : “Giữa thủ đô Kuala Lampur những con đường nhựa phẳng lì chạy trong phố mà như chạy giữa những cánh rừng nguyên sinh” , kể chuyện người đứng xem và chụp ảnh lính gác trước cổng Cung điện Hoàng gia, tự nhiên thôi, mà khiến người đọc như muốn thốt lên: Sao mà ngăn nắp, sạch sẽ, mà nghiêm cẩn trật tự thế. Còn ở ta thì…
Còn lúc viết về các cháu nội ngoại của mình ở Buổi bình minh những mầm non gia đình hồn nhiên ăn và chơi, học mà hỏi… thật lễ phép hiền hòa, cháu thì thông minh sáng dạ bẩm sinh mà sức không khỏe lắm, cháu thì ăn tốt đã sớm cao to, cháu lại đầy nữ tính từ lúc còn nhỏ bé… Tất cả chúng, đều tỏ ra có tính tự lập và rất quý mến nhau. Không hẳn là ngẫu nhiên trượt bút, Nguyễn Mạnh Đẩu đã viết tiếp một hơi thế này:
“Con người ta, bất cứ ai, sự trưởng thành thường phải kết hợp hai yếu tố: thông minh và chuyên cần học tập, khổ luyện. Trong đó, sự thông minh - dù là nền tảng rất đáng quí - nhưng cũng chỉ đóng vai trò bổ trợ; còn lại, chủ yếu là do sự nỗ lực học tập và kiên trì khổ luyện. Ở đời, trên các đỉnh cao thành đạt của xã hội, ít có dấu chân của người thông minh thuần túy. Bởi lẽ, người thông minh thường hay chủ quan thỏa mãn với chính mình, không kiên trì trong mọi việc. Thêm vào đó, người thông minh thường hay bị người khác đố kỵ, ghen ghét. Trong cuộc sống, người thông minh thường đóng vai trò chuyên gia là chủ yếu. Biết được điều đó là để chủ động trong việc dạy con khi còn thơ bé. Đợi đến khi lớn rồi, cứng cáp rồi thì muộn quá khó uốn nắn. Phải chủ động chuẩn bị những điều kiện cho tương lai con trẻ. Coi đó là phận sự, là nghĩa vụ trong cuộc đời của các bậc ông bà, bố mẹ”.
Bạn có thể nghĩ tiếp và bàn thêm với tác giả về sự khái quát này. Bạn có thể hơi ngỡ ngàng: đây là lời của một người lính già từng trải, hay một nhà giáo dày kinh nghiệm? Nhưng chắc bạn sẽ không chút nghi ngờ về sự trí lự, nỗi ưu tư, cùng ý thức trách nhiệm của người đã viết ra những dòng vừa được trích dẫn trên đây.
Viết ra được nhưng điều Suy ngẫm để cùng Luận bàn ở tuổi nghỉ hưu với niềm vui cầm bút như thế, nói như ai kia, cũng có thể dừng lại một chút mà xoa tay và cười cho bõ bao năm bao ngày gian nan, âu cũng là lẽ thường. Nhưng với Nguyễn Mạnh Đẩu thì tôi đồ là cái lúc xoa tay ấy cũng qua nhanh thôi. Bởi tính ông lam làm và chu đáo, hình như được đà, chắc là ông đang lục lại ký ức, chinh trang vốn liếng, ngẫm nghĩ về văn phong mà viết tiếp chứ chả nghỉ đâu.



                                                                 15h ngày 13.3.2014
                                                                             
                                                                              N.A


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét